Morgan Stanley dự báo giá 18 hàng hóa trong 2012

Ngày đăng : 13/12/2011 - 1:03 PM
Dự kiến, vàng sẽ tiếp tục được giới đầu tư coi là "vịnh tránh bão" trong năm 2012 và khiến giá mặt hàng này bị đẩy cao hơn nữa.
 
Ngân hàng Morgan Stanley vừa công bố dự báo giá cả 18 mặt hàng quan trọng trong năm 2012. Trong đó, giá vàng dự kiến chạm mốc 2.200 USD/ounce, bạc cũng lên tới 50 USD/ounce, do nhu cầu đầu tư vào các “vịnh tránh bão” tăng mạnh.
 
Theo dự báo này của Morgan Stanley, giá cả phần lớn các mặt hàng kim loại cơ bản và nông sản tăng trưởng khá lạc quan trong năm tới, trong khi giá các hàng hóa năng lượng dự kiến sẽ đi xuống do nguồn cung trở nên dư thừa trên toàn cầu.
 
Dưới đây là chi tiết dự báo giá cả 18 mặt hàng quan trọng của Morgan Stanley trong năm 2012 được trang Business Insider trích thuật và giới thiệu.
 
1. Trong trường hợp xấu, giá dầu thô Brent Biển Bắc có thể giảm xuống 75 USD/thùng
 
Mức giá trung bình năm 2011: 100 USD/thùng
Mức giá trung bình năm 2012: 100 USD/thùng
 
Nguồn cung dầu dự kiến sẽ được khôi phục trong năm tới, với việc sản xuất ổn định ở các vùng Biển Bắc và Tây Phi cùng sản lượng ở Libya được nâng lên. Tuy nhiên, nhu cầu đang yếu đi và giá dự kiến đi xuống trong 6 tháng đầu năm 2012. Trong trường hợp xấu, giá dầu thô Brent Biển Bắc có thể xuống mức 75 USD/thùng, còn trong tình huống thuận lợi, giá cao nhất có thể là 115 USD/thùng.
 
2. Giá khí đốt giảm do dự trữ tăng cao kỷ lục
 
Mức giá trung bình năm 2011: 4,20 USD/triệu BTU
Mức giá trung bình năm 2012: 3,85 USD/triệu BTU
 
Dự báo lượng cung khí đốt thiên nhiên sẽ tăng vượt cầu vào năm 2012. Lượng dự trữ so với cùng kỳ năm 2011 có thể chạm mức cao kỷ lục trong giai đoạn từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 10 và khiến giá mặt hàng này suy giảm.
 
3. Giá nhôm có thể giảm tới 12% so với năm 2011
 
Mức giá trung bình năm 2011: 2.500 USD/tấn
Mức giá trung bình năm 2012: 2.300 USD/tấn
 
Nhìn chung, Morgan Stanley tỏ ra thận trọng khi dự báo giá kim loại cơ bản, song khá lạc quan về giá nhôm. Morgan Stanley lưu ý rằng, giá nhôm hiện thấp hơn chi phí biên và một số nhà sản xuất với chi phí cao đang hạ bớt công suất.
 
4. Giá đồng có khả năng tăng trưởng kém do suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng dự kiến tăng tốt hơn các kim loại cơ bản khác.
 
Mức giá trung bình năm 2011: 9.200 USD/tấn
Mức giá trung bình năm 2012: 8.400 USD/tấn
 
Giá đồng cũng có thể tăng tốt hơn các kim loại cơ bản khác do nguồn cung bị thắt chặt. Theo giới phân tích, có thể phải tới cuối năm 2014, nguồn cung đồng mới được đảm bảo.
 
5. Giá trung bình năm 2012 của niken dự kiến giảm 7% so với năm 2011.
 
Mức giá trung bình năm 2011: 23.700 USD/tấn
Mức giá trung bình năm 2012: 22.000 USD/tấn
 
Giá niken có liên quan tới hoạt động sản xuất và xuất khẩu thép không gỉ của Trung Quốc. Dự báo, giá mặt hàng này sẽ đi xuống do sản lượng công nghiệp suy yếu.
 
6. Nguồn cung kẽm đang trong tình trạng dư thừa và giá kim loại này có thể giảm xuống 2.100 USD/tấn
 
Mức giá trung bình năm 2011: 2.300 USD/tấn
Mức giá trung bình năm 2012: 2.100 USD/tấn
 
Nhu cầu kẽm trên toàn cầu vẫn còn khá mạnh trong năm 2011 do lượng tiêu thụ tại Trung Quốc và các thị trường mới nổi tăng cao. Tuy nhiên, nguồn cung hiện đang dư thừa và nhu cầu dự báo sẽ giảm dần.
 
7. Vai trò “vịnh tránh bão” của vàng sẽ đưa giá mặt hàng này lên 2.200 USD/ounce
 
Mức giá trung bình năm 2011: 1.612 USD/ounce
Mức giá trung bình năm 2012: 2.200 USD/ounce
 
Nhu cầu tiêu thụ vàng dự kiến tăng cao, do nhà đầu tư coi đây là “vịnh tránh bão”. Giá vàng cũng được hỗ trợ nhờ kỳ vọng môi trường lãi suất thấp hoặc thực âm.
 
8. Giá bạc biến động và có thể lên tới 50 USD/ounce
 
Mức giá trung bình năm 2011: 38 USD/ounce
Mức giá trung bình năm 2012: 50 USD/ounce
 
Bạc cũng là một nơi trú ẩn an toàn, nhưng giá rẻ hơn nhiều so với vàng. Năm tới, dự kiến giá kim loại quý này sẽ biến động mạnh hơn và thiếu ổn định hơn do nhu cầu công nghiệp suy yếu.
 
9. Bạch kim tiếp tục tăng trưởng kém hơn vàng và bạc nhưng sẽ hấp dẫn trong trung hạn
 
Mức giá trung bình năm 2011: 1.784 USD/ounce
Mức giá trung bình năm 2012: 1.829 USD/ounce
 
Bạch kim không được xem là “vịnh tránh bão” và nhu cầu đầu tư bị hạn chế. Việc kinh tế toàn cầu suy giảm và chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu ngày càng thấp có thể khiến nhu cầu kim loại này suy yếu.
 
10. Giá bông dự kiến hạ 20% do nhu cầu giảm sút (*)
 
Mức giá trung bình năm 2011-2012: 1 USD/lb
Mức giá trung bình năm 2012-2013: 0,8 USD/lb
 
Doanh số bán lẻ tại hầu khắp các thị trường phát triển đi xuống sẽ khiến nhu cầu bông suy giảm. Lực mua từ Trung Quốc có thể giảm mạnh trong tháng 3 và nhu cầu xuất khẩu của Mỹ cũng giảm sút. Thêm vào đó, việc thiếu giải pháp cho khủng hoảng nợ công châu Âu dự kiến sẽ tăng áp lực cho giá mặt hàng này.
 
(*) Các mặt hàng nông sản được tính theo năm kinh doanh của Mỹ: lúa mì (tháng 6-tháng 5), bông (tháng 8-tháng 7), ngô và đậu tương (tháng 9-tháng 8), đường và cà phê (tháng 10-tháng 9).
 
11. Giá đường sẽ chịu sức ép bởi nguồn cung toàn cầu tăng (*)
 
Mức giá trung bình năm 2011-2012: 0,22 USD/lb
Mức giá trung bình năm 2012-2013: 0,19 USD/lb
 
Nguồn cung đường tại Bắc Bán cầu dự kiến sẽ tăng lên, trong khi sản lượng của Brazil dự kiến mạnh hơn dự báo. Ngoài ra, sau trận lụt lịch sử, sản lượng đường của Thái Lan cũng bắt đầu khang phục và gây sức ép lên giá đường.
 
(*) Các mặt hàng nông sản được tính theo năm kinh doanh của Mỹ: lúa mì (tháng 6-tháng 5), bông (tháng 8-tháng 7), ngô và đậu tương (tháng 9-tháng 8), đường và cà phê (tháng 10-tháng 9).
 
12. Giá cà phê tăng (*)
 
Mức giá trung bình năm 2011-2012: 2,38 USD/lb
Mức giá trung bình năm 2012-2013: 2,45 USD/lb
 
Triển vọng nguồn cung tiêu cực do sản lượng cà phê tại Brazil, Việt Nam và Columbia sụt giảm. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến giá cà phê tăng lên.
 
(*) Các mặt hàng nông sản được tính theo năm kinh doanh của Mỹ: lúa mì (tháng 6-tháng 5), bông (tháng 8-tháng 7), ngô và đậu tương (tháng 9-tháng 8), đường và cà phê (tháng 10-tháng 9).
 
13. Giá ngô có thể giảm trung bình 17% (*)
 
Mức giá trung bình năm 2011-2012: 7,25 USD/bushel
Mức giá trung bình năm 2012-2013: 6,00 USD/bushel
 
Giá ngô dự kiến sẽ tăng tiếp cho tới đầu 2012 do nhu cầu thức ăn gia súc tăng cao hơn dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Tuy nhiên, giá ngô cao đã khiến các nước Argentina, Brazil và Ukraine tăng sản lượng và làm giảm nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Mỹ.
 
(*) Các mặt hàng nông sản được tính theo năm kinh doanh của Mỹ: lúa mì (tháng 6-tháng 5), bông (tháng 8-tháng 7), ngô và đậu tương (tháng 9-tháng 8), đường và cà phê (tháng 10-tháng 9).
 
14. Giá đậu tương dự kiến giảm 5% nhưng triển vọng lạc quan (*)
 
Mức giá trung bình năm 2011-2012: 14,25 USD/bushel
Mức giá trung bình năm 2012-2013: 13,50 USD/bushel
 
Nhu cầu xay xát yếu kém trên toàn cầu và nguồn cung mạnh từ Brazil đã làm giảm nhu cầu đối với 11/12 mặt hàng xuất khẩu của Mỹ, bất kể hoạt động xay xát tại Mỹ dự kiến sẽ hồi phục trong năm 2012.
 
(*) Các mặt hàng nông sản được tính theo năm kinh doanh của Mỹ: lúa mì (tháng 6-tháng 5), bông (tháng 8-tháng 7), ngô và đậu tương (tháng 9-tháng 8), đường và cà phê (tháng 10-tháng 9).

15. Giá lúa mì trung bình có thể giảm tới 7% trong năm tới (*)
 
Mức giá trung bình năm 2011-2012: 7,50 USD/bushel
Mức giá trung bình năm 2012-2013: 7,00 USD/bushel
 
Sản lượng và nguồn cung lúa mì đã chuyển từ thiếu hụt sang dư thừa. Mặc dù tình trạng thiếu hụt vẫn diễn ra ở Mỹ, song các sản phẩm thay thế rẻ hơn từ Liên minh châu Âu và Argentina dự kiến sẽ làm giảm lượng cầu hàng Mỹ.
 
(*) Các mặt hàng nông sản được tính theo năm kinh doanh của Mỹ: lúa mì (tháng 6-tháng 5), bông (tháng 8-tháng 7), ngô và đậu tương (tháng 9-tháng 8), đường và cà phê (tháng 10-tháng 9).
 
16. Triển vọng giá bò năm 2012 lạc quan
 
Mức giá trung bình năm 2011: 1,14 USD/lb
Mức giá trung bình năm 2012: 1,24 USD/lb
 
Nhu cầu xuất khẩu thịt bò tại Mỹ tiếp tục ở mức cao, trong khi chi phí thức ăn gia súc cao và nguồn cung bê con sụt giảm là những dấu hiệu tốt cho việc cung ứng bò của Mỹ.
 
17. Giá bê sẽ dễ bị ảnh hưởng do mùa đông
 
Mức giá trung bình năm 2011: 1,34 USD/lb
Mức giá trung bình năm 2012: 1,49 USD/lb
 
Sự sụt giảm nguồn cung do đợt khô hạn trong mùa hè vừa qua dự kiến sẽ khiến giá bê con tiếp tục leo cao trong 6 tháng đầu năm tới. Tuy nhiên, giá bê con có thể bị tác động bởi sự yếu kém mang tính thời vụ trong mùa đông.
 
18. Kinh tế Mỹ đình trệ sẽ làm giảm bớt nhu cầu thịt bò
 
Mức giá trung bình năm 2011: 0,91 USD/lb
Mức giá trung bình năm 2012: 0.90 USD/lb
 
Nhu cầu thịt lợn ở mức cao cùng và lợi nhuận lạc quan từ hoạt động đóng gói là những yếu tố sẽ tác động tốt tới giá cả thịt lợn. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần tuân thủ quy định, bất kể lợi nhuận cao thế nào.
 
Theo Hồng Ngọc 
VnEconomy

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Giá vàng ồ ạt lao dốc

Ngày đăng : 13/12/2011 - 11:41 AM

Gần 10h sáng nay, giá vàng SJC đã giảm về vùng 44 triệu đồng/lượng, thấp hơn gần 900.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua. Sau phiên sụt 2,7% đêm qua tại New York, giá vàng thế giới tiếp tục “đổ đèo” trong phiên giao dịch sáng nay tại châu Á.

 

                             

 

Do ảnh hưởng từ phiên giảm mạnh vào đêm qua của giá vàng quốc tế, giá vàng miếng SJC ngay khi mở cửa sáng nay hạ 250.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều qua. Sau đó, giá vàng tiếp tục được điều chỉnh giảm thêm vài lần, đến 9h50 còn 43,8 triệu đồng/lượng (mua vào) và 44,05 triệu đồng/lượng (bán ra).

So với đầu giờ sáng qua, giá vàng SJC hiện đã giảm 870.000 đồng/lượng. Từ sáng qua tới giờ, vàng miếng trong nước diễn biến theo xu hướng duy nhất là giảm giá do giá vàng quốc tế giảm nhanh và liên tục. Tốc độ giảm giá của vàng tăng mạnh từ chiều qua, khi giá vàng sụt dốc trong phiên châu Âu và đà giảm được đẩy nhanh hơn nữa trong phiên Mỹ.

Biểu đồ giá vàng của SJC cho thấy, giá vàng tại doanh nghiệp này đang ở mức thấp nhất kể từ ngày 25/10 trở lại đây.

Tại Hà Nội, giá vàng SJC do Công ty Phú Quý niêm yết lúc 9h50 còn 43,85 triệu đồng/lượng (mua vào) và 44,08 triệu đồng/lượng (bán ra).

Cùng với tốc độ lao dốc mạnh của giá vàng, khoảng cách giữa giá mua và bán vàng cũng được các doanh nghiệp kim hoàn nới rộng để phòng rủi ro. Mức chênh giá mua-bán vàng miếng sáng nay phổ biến 250.000-500.000 đồng/lượng.

Tốc độ lao dốc của vàng AAA còn “chóng mặt” hơn. Hiện vàng miếng thương hiệu này có giá 42,6 triệu đồng/lượng cho chiều thu mua, thấp hơn giá vàng SJC tới 1,2 triệu đồng/lượng; giá bán ra còn 43,1 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC 1 triệu đồng/lượng.

Vàng Rồng Thăng Long cùng cảnh “đại hạ giá” với AAA. Lúc 9h50, loại vàng này được Công ty Bảo Tín Minh Châu mua vào ở mức 42,9 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 43,1 triệu đồng/lượng.

Giá USD tự do tại Hà Nội sáng nay phổ biến ở mức 21.110 đồng (mua vào) và 21.150 đồng (bán ra), tăng 10 đồng mỗi USD ở cả hai chiều mua và bán so với sáng hôm qua.

Vàng miếng đang giảm giá mạnh, nhưng giao dịch vẫn diễn ra chậm. Hệ thống Sacombank-SBJ cho biết hôm qua chỉ mua bán khoảng 600 lượng vàng. Theo công ty này, thị trường vàng trang sức đang sôi động hơn khi bước vào thời điểm cuối năm.

Tính đến hôm nay, tỷ giá USD/VND bình quân liên ngân hàng đã đứng yên gần 6 tuần liên tục ở mức 20.803 đồng. Giá USD bán ra tại các ngân hàng thương mại cũng “bất động” ở mức kịch trần biên độ 20.011 đồng.

Do giá vàng trong nước giảm chậm hơn giá quốc tế, khoảng cách giá giữa hai thị trường đang tăng nhanh. Lúc 9h30 sáng nay, giá vàng SJC bán lẻ cao hơn giá vàng giao ngay quốc tế quy đổi khoảng 1,8 triệu đồng/lượng.

Cùng thời điểm, vàng giao ngay tại châu Á có giá 1.657,9 USD/oz, giảm 8,7 USD/oz so với giá đóng cửa đêm qua tại New York. Trước đó, có thời điểm giá vàng giảm khoảng 12 USD/oz.

Trong phiên đêm qua, giá vàng sụt 46 USD/oz khi đóng cửa, tương đương mức giảm 2,7%, còn 1.666,3 USD/oz. Đây là phiên giảm giá mạnh nhất của vàng thế giới trong vòng 3 tháng trở lại đây.

Phiên sụt giá này là kết quả của những lo ngại về khả năng leo thang trở lại của khủng hoảng nợ công tại châu Âu. Những mối lo này tạo sức ép khiến đồng Euro giảm giá so với USD, đẩy thị trường chứng khoán đi xuống, đồng thời kéo vàng giảm giá theo do vàng gần đây không còn phát huy tốt vai trò kênh đầu tư an toàn.

Tỷ giá Euro/USD tại Tokyo sáng nay phổ biến ở mức dưới 1,32 USD/Euro, từ ngưỡng 1,34 USD/Euro vào sáng qua.

Ngoài ra, vàng còn bị bán tháo do giới đầu tư cần huy động tiền mặt và do ảnh hưởng của yếu tố kỹ thuật.

Quỹ tín thác đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust hôm qua bán ròng hơn 0,6 tấn vàng, giảm khối lượng nắm giữ về mức 1.294,8 tấn, thấp nhất trong vòng 3 tuần. Từ tuần trước, quỹ này đã bắt đầu bán ròng vàng sau một thời gian liên tục mua ròng.

 

 

Theo VnEconomy.vn


Bù hàng triệu đồng để đổi sang vàng SJC

Ngày đăng : 11/12/2011 - 3:26 PM
Những người tìm cách đổi thương hiệu vàng khác sang SJC đang phải bù từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng mỗi lượng.
 
Chị Nguyễn Vân Anh, Thanh Xuân, Hà Nội đứng ngồi không yên sau khi có thông tin vàng miếng SJC sẽ trở thành vàng mang thương hiệu quốc gia. Lúc vàng sốt giá rồi giảm về 46 triệu đồng một lượng chị đã mua 10 cây Vàng Rồng Thăng Long và hi vọng khi được giá sẽ bán.
 
“Tôi liên tục theo dõi diễn biến giá Vàng Rồng Thăng Long, mong nó nhích lên một chút để đi bán, hạn chế lỗ nhưng ngày càng thấy giảm nhiều, nhất là sau khi có thông tin SJC sẽ trở thành thương hiệu vàng quốc gia."
 
Hôm 6/12, thấy giá vàng giảm tiếp vài trăm nghìn một lượng, chị Vân Anh vội đi bán hết số vàng đang giữ để cắt lỗ và chuyển sang mua vàng SJC. "Lúc bán, giá Vàng Rồng Thăng Long được Bảo Tín Minh Châu mua vào chỉ còn 43,8 triệu đồng một lượng. Mua từ lúc giá 46 triệu đồng, giờ nếu bán đi, tôi bị lỗ gần 2 triệu mỗi lượng. Còn nếu sau đó lại mua đổi vàng SJC tôi phải bù thêm khoảng trên 1 triệu mỗi lượng. Nhưng nếu giữ thì sợ giá còn tiếp tục giảm".
 
Ở một số tiệm vàng, các thương hiệu vàng phi SJC còn bị mua với mức giá “bèo” hơn. Sáng ngày 6/12, chị Dương Thu Lan, Giảng Võ, Ba Đình do cần tiền nên phải mang bán 3 chỉ Vàng Rồng Thăng Long. Ra một tiệm vàng gần nhà, chị Lan chỉ được mua với giá 4,35 triệu đồng một chỉ. Chị Lan kể: “Chủ tiệm vàng tỏ vẻ không tha thiết nên ép giá xuống chỉ còn như vậy. Trước đó, tôi đã gọi điện lên Bảo Tín Minh Châu để hỏi thì giá là 4,38 triệu một chỉ, tuy nhiên, vì bán ít nên đành chấp nhận bán”.
 
Cũng sợ các thương hiệu vàng phi SJC tiếp tục mất giá nên bác Hồng Nhung ở Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội đã mang 5 lượng vàng miếng cùng một số nhẫn trơn thương hiệu Vàng Rồng Thăng Long và AAA đi bán để chuyển sang mua vàng SJC. Bác Nhung cho biết, đây là số vàng các con bác biếu để dành tiết kiệm. “Tuy cũng là kỷ vật của các con tặng nhưng nếu cứ để lâu sợ lúc bán thì rẻ quá, vì thế nên tôi mua để đổi sang giữ vàng SJC cho yên tâm”.
 
Hôm đầu tuần, bác Nhung mang đến một tiệm vàng trên Cầu Giấy và đề nghị đổi vàng SJC thì phải bù thêm 600.000 đồng một lượng. “Ban đầu họ còn bắt bù 700.000 một lượng nhưng sau đó tôi kỳ kèo nên họ rút xuống. Họ còn nói: ‘Vàng này cháu mua hộ bác rồi phải mang lên tận công ty bán lại chứ lãi lời gì. Giờ khách hàng không ai muốn mua loại này nữa, nên cháu cũng không biết bán cho ai’”, bác Nhung cho biết.
 
Theo tiết lộ của một chủ tiệm vàng ở khu vực Cầu Giấy, nếu khách vào bán các thương hiệu vàng phi SJC thì một số nơi còn ép giá thấp, sau đó bán lại cho các công ty để ăn chênh lệch. Chủ tiệm này cũng cho biết thêm: “Mặt hàng nào bán chạy, thanh khoản tốt thì mới được mua với giá cao. Giờ khách đến mua vàng, từ vàng nhẫn đến vàng miếng đều chỉ tìm thương hiệu SJC thôi. Do đó chả nơi nào dám thu mua vàng khác với giá cao mặc dù ai cũng biết đều là vàng nguyên liệu cả”.
 
Chiều 8/12, giá Vàng Rồng Thăng Long và AAA lần lượt được mua vào ở mức 44,1 và 43,95 triệu đồng một lượng, trong khi, vàng SJC được bán ra ở mức 45,1 triệu đồng. Do đó nếu mua đổi sang tích trữ vàng SJC thì khách hàng phải bù thêm hàng triệu đồng mỗi lượng.
 
Ông Vũ Minh Châu - Tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu cho biết việc thị trường có sự chênh lệch giá giữa các thương hiệu như hiện tại là do tác động của tâm lý người dân. “Người dân chuộng vàng SJC hơn sau thông tin đây sẽ là thương hiệu vàng quốc gia. Nếu các thương hiệu vàng khác bán ngang giá với SJC thì người dân sẽ chỉ chọn SJC thôi. Do đó, chúng tôi muốn hạ giá xuống thấp hơn để kích cầu”.
 
Về hiện tượng một số tiệm mua vàng phi SJC với giá quá thấp, ông Châu cho rằng: “Người dân cũng không nên quá nóng vội rồi tìm mọi cách để bán các thương hiệu vàng phi SJC. Chính điều này khiến các tiệm vàng tìm cách ép giá."
 
Theo ông Châu, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới hiện nay vẫn khá cao (khoảng 900 đến 1 triệu đồng mỗi lượng).Vị tổng giám đốc này cho rằng, mức chênh lệch chỉ nên giảm về khoảng 2-3% thì hợp lý hơn.
 
Theo Ngọc Tuyên
 VnExpress

Tuần qua, giá xăng dầu thế giới đồng loạt hạ nhiệt

Ngày đăng : 10/12/2011 - 12:09 PM
Phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu thô giao sau trên thị trường thế giới tăng hơn 1%, sau khi trải qua phần lớn thời gian dao động giữa sóng tăng và sóng giảm với biên độ nhỏ.
 
Cụ thể, chốt ngày 9/12, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 1/2012 tăng 1,07 USD, tương ứng 1,1% lên 99,41 USD/thùng trên sàn giao dịch hàng hóa New York. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá dầu loại này đã giảm 1,5%.
 
Đầu phiên hôm qua, thị trường nhận tín hiệu lạc quan từ phía giới chức châu Âu đồng ý về một biện pháp tài khóa mới thắt chặt hơn dành cho các nước thành viên Khu vực đồng Euro (Eurozone) và các quốc gia muốn tham gia quy định này.
 
Theo đó, các nhà lãnh đạo quyết định soạn thảo một "Công ước tài chính" dựa trên các hiệp ước liên chính phủ. "Công ước tài chính" mới được xem là "nguyên tắc vàng" nhằm siết chặt kỷ luật về ngân sách với mục tiêu tránh lặp lại khủng hoảng nợ công.
 
Mức trần "thâm hụt cơ cấu" hàng năm (được tính toán không tính đến những nhân tố chỉ xảy ra một lần như thanh toán nợ và những tác động đối với chu kỳ kinh tế) không vượt quá 0,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), trước đây là 0%.
 
Các quy định nghiêm ngặt hơn sẽ được áp dụng đối với các thể chế của các nước tham gia dưới sự giám sát của Tòa án Hiến pháp châu Âu.
 
Các biện pháp trừng phạt sẽ được áp dụng tự động đối với những nước vi phạm mức trần thâm hụt ngân sách nhà nước là 3% GDP, theo quy định trong Hiệp ước về tăng trưởng và ổn định đối với Eurozone, trừ phi nhiều nước tham gia phản đối.
 
Giới lãnh đạo châu Âu cho biết, 9 nước ngoài Eurozone là Bulgaria, Cộng hòa Czech, Đan Mạch, Hungary, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Romania và Thụy Điển cũng sẽ tham gia “Công ước tài chính” này. Riêng nước Anh phản đối.
 
Chuyên gia phân tích Matt Smith của hãng năng lượng Summit cho biết trong thư gửi tới khách hàng của công ty rằng, nỗ lực mới nhất trong việc giải quyết khủng hoảng nợ khu vực được các thị trường năng lượng đón nhận với mức độ “vừa phải”.
 
Theo đó, sự đi lên của thị trường dầu phiên cuối tuần, chủ yếu là xuất phát từ việc đồng USD suy yếu và thị trường chứng khoán Mỹ hôm qua tăng điểm mạnh. Chứng khoán Mỹ được xem là phong vũ biểu tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu.
 
Chốt phiên 9/12, chỉ số USD, thước đo giá trị đồng bạc xanh so với rổ 6 loại tiền tệ chủ chốt khác, giảm nhẹ xuống 78,677 điểm từ mức 78,789 trong phiên liền trước. Việc chỉ số này giảm nhiệt đã giúp nâng giá trị các mặt hàng tính bằng USD.
 
Thị trường dầu thô phiên cuối tuần cũng nhận được sự ủng hộ của nhà đầu tư, sau khi kết quả điều tra của Thomson Reuters và trường Đại học Michigan cho thấy, chỉ số niềm tin tiêu dùng tháng 12 đã tăng lên 67,7 điểm, từ mức 64,1 điểm trong tháng 11.
 
Tuy nhiên, không cùng chiều với thị trường dầu thô, giá các mặt hàng năng lượng khác có sự đan xen tăng giảm. Giá gas giao tháng 1 giảm 14 xu, tương ứng 4,1%, xuống còn 3,32 USD/ triệu BTU. Tính cả tuần giao dịch vừa qua, giá gas giảm 7,3%.
 
Giá xăng giao tháng 1 tăng 1,2% lên 2,6 USD/gallon khi chốt phiên 9/12. Tính chung cả tuần qua, xăng kỳ hạn giảm 0,8%. Giá dầu sưởi phiên hôm qua giảm 0,6%, xuống 2,91 USD/gallon, đưa mức giảm cả tuần lên tới 2,7%.
 
Theo Diệp Anh
VnEconomy

Vàng trong nước lại đắt hơn thế giới 1,1 triệu đồng/lượng

Ngày đăng : 09/12/2011 - 11:18 AM
Vàng thế giới sụt hơn 30 USD mỗi ounce nhưng vàng trong nước chỉ giảm chưa đến 300 nghìn đồng/lượng. Bảo Tín Minh Châu tiếp tục bán vàng Rồng Thăng Long thấp hơn thị trường gần 800 nghìn đồng/lượng.
 
Giá vàng trong nước sáng nay quay đầu đi xuống nhưng nhẹ hơn so với thế giới.
 
Tại Tp. Hồ Chí Minh, giá vàng SJC của công ty VBĐQ Sài Gòn SJC hiện giao dịch ở 44,58 – 44,83 triệu đồng/lượng, thấp hơn cuối giờ chiều hôm qua 300 nghìn đồng.
 
Giá vàng SBJ của công ty VBĐQ Sacombank SBJ hiện là 44,63 – 44,83 triệu đồng/lượng, thấp hơn hôm qua 260 nghìn đồng.
 
Công ty VBĐQ Phú Nhuận trong khi đó hạ giá vàng PNJ 290 nghìn đồng so với hôm qua, xuống 44,58 – 44,78 triệu đồng/lượng.
 
Tại Hà Nội, giá vàng SJC của tập đoàn VBĐQ Doji đang mua vào bán ra ở 44,67 – 44,87 triệu đồng/lượng, thấp hơn hôm qua 230 nghìn đồng. Công ty VBĐQ Bảo Tín Minh Châu trong khi đó mua vàng SJC rẻ hơn của Doji 20 nghìn đồng.
 
Giá vàng rồng Thăng Long sáng nay giao dịch tại 43,8 – 44,05 triệu đồng/lượng.
 
 
Diễn biến giá vàng trong nước 10 ngày qua (Nguồn: SJC)
 
Trên thị trường thế giới, giá vàng đêm qua lao dốc vì hoạt động bán tháo sau những phát biểu của người đứng đầu NHTW châu Âu xóa tan hy vọng về giải quyết nợ công dai dẳng ở khu vực này.
 
Đóng cửa phiên, giá vàng giao ngay xuống 1.707,69 USD/ounce. So với mức đỉnh của phiên đạt được, giá mất 50 USD. Giá vàng giao tháng 2 trên sàn Comex giảm 31,4 USD xuống 1.713,4 USD/ounce.
 
Sáng nay trên thị trường châu Á, giá vàng hồi phục đôi chút và đang giao dịch tại 1.713 USD/ounce.
 
Quy đổi theo tỷ giá USD ngân hàng là 21.011 đồng, vàng trong nước hôm nay đắt hơn thế giới 1,1 triệu đồng/lượng, khoảng cách rộng hơn 500 nghìn đồng so với hôm qua.
 
Theo Thanh Bình
TTVN

Giá vàng có thể lên 2.000 USD vào năm sau

Ngày đăng : 08/12/2011 - 9:43 PM

Thị trường vàng trong nước đảo chiều sáng nay, tăng 200.000 đồng mỗi lượng. Trong khi đó, một báo cáo của Công ty kim loại quý Dillon Gage Metals cho rằng năm sau, vàng quốc tế có thể lập kỷ lục ở 2.000 USD.

 

 

 

Sáng nay, các doanh nghiệp vàng tại TP HCM đưa giá vàng đầu ngày lên 45,18 triệu đồng, tăng 250.000 đồng so với cùng thời điểm hôm qua do thị trường thế giới đi lên. Tuy nhiên, đến 9h, giá giảm nhẹ về 45,09 triệu đồng sau khi biểu đồ giá vàng tại châu Á đi xuống nhẹ.

Trong khi đó tại Hà Nội, tính đến 9h, Tập đoàn DOJI nâng niêm yết bán ra lên 45,12 triệu đồng, tăng 70.000 đồng so với mở cửa đầu ngày và cao hơn 190.000 đồng so với sáng qua. Niêm yết thu mua cũng tiến sát 45 triệu đồng, đứng ở 44,92 triệu đồng một lượng.

Sau 2 lần thay đổi giá, Sacombank-SBJ niêm yết vàng miếng SBJ ở 44,98 - 45,18 triệu đồng. Thương hiệu này đã vượt lên trên 45 triệu đồng sau khi giá rơi xuống 44,93 triệu đồng chiều bán ra vào hôm qua.

Thị trường vàng thế giới đi lên nhẹ hôm qua khi các nhà đầu tư kỳ vọng kết quả cuộc họp cuối tuần của Liên minh châu Âu có thể làm tăng nhu cầu kim loại quý như một kênh tích trữ tài sản.

Hợp đồng giao tháng 12 tăng 13 USD lên 1.740,90 USD một ounce tại sàn giao dịch hàng hóa Comex ở New York.

Đến sáng nay, thị trường châu Á lại đảo chiều đi xuống. Tính đến 8h59 theo giờ Hà Nội, mỗi ounce tương đương 1.737 USD, mất 6,10 USD so với mở cửa. Tuần vừa rồi, thị trường giao dịch trong biên độ hẹp trên 1.700 USD khi các nhà đầu tư đều ngóng chờ kệt quả phiên họp diễn ra hôm nay của các nhà lãnh đạo châu Âu.

Hôm qua, báo cáo của Công ty kim loại quý Dillon Gage Metals cho rằng năm sau, thị trường vàng có thể tiếp tục lập kỷ lục mới ở mốc 2.000 USD. "Trong tương lai, giá vàng sẽ còn tăng do nhu cầu tích trữ tiếp tục ở mức cao trong khi nguồn cung thì có hạn", Chủ tịch Công ty này phát biểu. Thậm chí một số nhà phân tích cho rằng giá có thể còn lên 2.300 USD, ông nói tiếp. Trong lịch sử, thị trường từng đạt mức này vào năm 1980 nếu cộng thêm cả tỷ lệ trượt giá từ đó đến nay.

 

Theo Thanh Bình

 VnExpress


 

 


 

Tin mới cập nhật