Phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu thô giao sau trên thị trường thế giới tăng hơn 1%, sau khi trải qua phần lớn thời gian dao động giữa sóng tăng và sóng giảm với biên độ nhỏ.
Cụ thể, chốt ngày 9/12, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 1/2012 tăng 1,07 USD, tương ứng 1,1% lên 99,41 USD/thùng trên sàn giao dịch hàng hóa New York. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá dầu loại này đã giảm 1,5%.
Đầu phiên hôm qua, thị trường nhận tín hiệu lạc quan từ phía giới chức châu Âu đồng ý về một biện pháp tài khóa mới thắt chặt hơn dành cho các nước thành viên Khu vực đồng Euro (Eurozone) và các quốc gia muốn tham gia quy định này.
Theo đó, các nhà lãnh đạo quyết định soạn thảo một "Công ước tài chính" dựa trên các hiệp ước liên chính phủ. "Công ước tài chính" mới được xem là "nguyên tắc vàng" nhằm siết chặt kỷ luật về ngân sách với mục tiêu tránh lặp lại khủng hoảng nợ công.
Mức trần "thâm hụt cơ cấu" hàng năm (được tính toán không tính đến những nhân tố chỉ xảy ra một lần như thanh toán nợ và những tác động đối với chu kỳ kinh tế) không vượt quá 0,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), trước đây là 0%.
Các quy định nghiêm ngặt hơn sẽ được áp dụng đối với các thể chế của các nước tham gia dưới sự giám sát của Tòa án Hiến pháp châu Âu.
Các biện pháp trừng phạt sẽ được áp dụng tự động đối với những nước vi phạm mức trần thâm hụt ngân sách nhà nước là 3% GDP, theo quy định trong Hiệp ước về tăng trưởng và ổn định đối với Eurozone, trừ phi nhiều nước tham gia phản đối.
Giới lãnh đạo châu Âu cho biết, 9 nước ngoài Eurozone là Bulgaria, Cộng hòa Czech, Đan Mạch, Hungary, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Romania và Thụy Điển cũng sẽ tham gia “Công ước tài chính” này. Riêng nước Anh phản đối.
Chuyên gia phân tích Matt Smith của hãng năng lượng Summit cho biết trong thư gửi tới khách hàng của công ty rằng, nỗ lực mới nhất trong việc giải quyết khủng hoảng nợ khu vực được các thị trường năng lượng đón nhận với mức độ “vừa phải”.
Theo đó, sự đi lên của thị trường dầu phiên cuối tuần, chủ yếu là xuất phát từ việc đồng USD suy yếu và thị trường chứng khoán Mỹ hôm qua tăng điểm mạnh. Chứng khoán Mỹ được xem là phong vũ biểu tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu.
Chốt phiên 9/12, chỉ số USD, thước đo giá trị đồng bạc xanh so với rổ 6 loại tiền tệ chủ chốt khác, giảm nhẹ xuống 78,677 điểm từ mức 78,789 trong phiên liền trước. Việc chỉ số này giảm nhiệt đã giúp nâng giá trị các mặt hàng tính bằng USD.
Thị trường dầu thô phiên cuối tuần cũng nhận được sự ủng hộ của nhà đầu tư, sau khi kết quả điều tra của Thomson Reuters và trường Đại học Michigan cho thấy, chỉ số niềm tin tiêu dùng tháng 12 đã tăng lên 67,7 điểm, từ mức 64,1 điểm trong tháng 11.
Tuy nhiên, không cùng chiều với thị trường dầu thô, giá các mặt hàng năng lượng khác có sự đan xen tăng giảm. Giá gas giao tháng 1 giảm 14 xu, tương ứng 4,1%, xuống còn 3,32 USD/ triệu BTU. Tính cả tuần giao dịch vừa qua, giá gas giảm 7,3%.
Giá xăng giao tháng 1 tăng 1,2% lên 2,6 USD/gallon khi chốt phiên 9/12. Tính chung cả tuần qua, xăng kỳ hạn giảm 0,8%. Giá dầu sưởi phiên hôm qua giảm 0,6%, xuống 2,91 USD/gallon, đưa mức giảm cả tuần lên tới 2,7%.
Theo Diệp Anh
VnEconomy