Lợi nhuận của nhiều ngân hàng Việt Nam còn cao?

Ngày đăng : 08/12/2011 - 9:38 AM

Có thể nói, năm 2011 là một năm nhiều sóng gió cho các ngân hàng thương mại Việt Nam. Một số chuyên gia cho rằng, đợt “nổi sóng” năm 2011 mạnh hơn, dai dẳng hơn và khó hồi phục hơn so với năm 2008.

                      

 

Theo đánh giá của các chuyên gia, lợi nhuận của các ngân hàng thương mại trong quý III/2011 đạt khá, với doanh thu thuần tăng so với cùng kỳ năm 2010. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng quý III/2011 của hầu hết ngân hàng thương mại tăng thấp hơn mức tăng doanh thu thuần, do trong quý III/2011, các ngân hàng phải bỏ ra chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lớn hơn so với cùng kỳ năm 2010.

Các chỉ số về các khoản cho vay/tổng tài sản có, các khoản đầu tư/tổng tài sản có, tiền gửi/tổng nợ phải trả của hầu hết ngân hàng thương mại đều giữ tỷ lệ tương đương so với cùng kỳ năm 2010.

Điều đáng chú ý là tỷ số lợi nhuận ròng/tổng tài sản (ROA) và tỷ số lợi nhuận ròng/vốn chủ sở hữu (ROE) của một số ngân hàng thương mại có xu hướng giảm qua các quý từ đầu năm tới nay. Điều này cho thấy hiệu quả đầu tư của các ngân hàng thương mại có xu hướng giảm sút. Nguyên nhân là do môi trường kinh doanh khó khăn hơn do quy định về hạn chế tín dụng phi sản xuất và tình hình kinh tế vĩ mô trong nước chưa ổn định, cũng như kinh tế thế giới nhiều biến động, khiến hoạt động của các doanh nghiệp giảm sút, nhiều rủi ro.

Trong khi đó, nợ xấu tăng mạnh. Ví dụ, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB) có nợ cần chú ý ở mức 171 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần; nợ dưới tiêu chuẩn gần 210 tỷ đồng, tăng 6 lần; nợ có khả năng mất vốn là 168,5 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ năm 2010. Với ACB, quý III/2011, nợ xấu tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2010…

Ngoài những nguyên nhân khách quan thì hoạt động của các ngân hàng thương mại gặp khó khăn còn xuất phát từ sự yếu kém trong năng lực quản lý phát triển tín dụng trong nhiều năm gần đây. Việc ồ ạt cho vay mà thiếu cân nhắc và nghiên cứu cẩn trọng về mức độ an toàn và khả năng trả nợ của các khoản vay đã khiến không ít ngân hàng thương mại lâm vào tình trạng rủi ro tín dụng cao trước những biến động của môi trường kinh tế vĩ mô.

Thêm vào đó, cần phải nói đến sự phát triển bùng nổ của tín dụng đen ngay trong các ngân hàng thương mại. Phòng tín dụng tại hầu hết các ngân hàng thương mại đều hình thành quỹ chung của phòng, được sử dụng để cho vay “nóng”, tương tự như tín dụng đen. Đó là chưa nói đến việc một số nhà quản lý trong ngân hàng lợi dụng uy tín để cấp tín dụng khá dễ dãi cho các doanh nghiệp, cá nhân là người thân.

Tuy nhiên, không phải tất cả các ngân hàng thương mại Việt Nam đều hoạt động kém hiệu quả, lợi nhuận thấp, tỷ lệ nợ xấu cao… Trong quý III/2011 và những tháng đầu quý IV/2011, không ít ngân hàng vẫn đạt lợi nhuận cao, với nhiều chỉ số đạt chuẩn so với quy định của Ngân hàng Nhà nước, như Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu (Eximbank), Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VP Bank)…

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc VP Bank cho rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn như năm 2011, ngân hàng nào quan tâm nhiều đến khâu nghiên cứu, dự báo tình hình từ trước đó, đồng thời thực sự nỗ lực chuyển đổi nội tại trên nhiều mặt để đáp ứng nhu cầu đổi mới thì mới có thể vượt qua khó khăn trước những ảnh hưởng tiêu cực trong điều kiện hiện nay.

Theo thông tin từ VPBank, đến ngày 31/10/2011, tổng dư nợ cho vay của ngân hàng này đạt 29.603 tỷ đồng, tăng 17% so với cuối năm 2010, tỷ lệ nợ xấu tháng 10/2011 là 2,03% (trong giới hạn cho phép), huy động vốn từ khách hàng đạt 33.951 tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2010. Dù đã hạ bớt chỉ tiêu lợi nhuận khá tham vọng so với hồi đầu năm đặt ra, nhưng VPBank vẫn dự kiến sẽ tăng thêm ít nhất 100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, VP Bank đã vươn lên mạnh mẽ, vừa hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh và được Ngân hàng Nhà nước xếp vào danh sách 12 ngân hàng hàng đầu Việt Nam (G12). Đây có thể coi là một bài học đối với các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại cổ phần trong lúc thị trường gặp sóng gió.

Để khắc phục khó khăn trong thời gian tới, một chuyên gia của Ngân hàng Nhà nước khuyến nghị các ngân hàng cần kiểm soát, tăng cường quản lý hoạt động tín dụng tại ngân hàng một cách nghiêm túc để tránh sự lợi dụng uy tín cá nhân cho vay dưới danh nghĩa ngân hàng; xây dựng cơ chế quản lý nợ nhằm hạn chế nợ xấu; cân đối lại danh mục các lĩnh vực hoạt động, tăng cường doanh thu từ hoạt động cung ứng dịch vụ ngoài hoạt động huy động và cho vay; nâng cao bản lĩnh nghề nghiệp cho cán bộ, nhất là những cán bộ đảm nhiệm những vị trí liên quan đến tín dụng.

 


Theo Nguyễn Đức

 Báo Đầu Tư


 
 

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Vàng không phải SJC bán chậm

Ngày đăng : 08/12/2011 - 9:17 AM

Lượng tiêu thụ các loại vàng thương hiệu không phải là SJC đã giảm mạnh trong thời gian qua, sau thông tin về dự thảo Nghị định kinh doanh vàng miếng.
 

 

 

Đến thời điểm này, bị ảnh hưởng nhiều nhất có lẽ là Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu. Tổng giám đốc Vũ Minh Châu cho biết từ khi Ngân hàng Nhà nước đưa ra dự thảo, lượng vàng Rồng Thăng Long bán ra ngày càng sụt giảm; đến nay lượng bán chỉ còn không đến 50% so với thời cao điểm trong khi hoạt động sản xuất loại vàng này cũng đã dừng lại do khó tiêu thụ.

Ông Châu cho biết người tiêu dùng được trấn an là vàng Bảo Tín Minh Châu được đổi ngang giá với vàng SJC, nhưng người dân vẫn bán loại vàng này ra ngày càng nhiều.

Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sacombank-SBJ, bà Nguyễn Ngọc Quế Chi, Tổng giám đốc cho biết hiện tại lượng vàng SBJ bán ra cũng giảm một nửa so với thời gian trước. Máy móc sản xuất vàng miếng SBJ hiện cũng không dùng đến do thanh khoản loại vàng này quá yếu.

Hiện tại nhiều tiệm vàng đang mua vàng SBJ với giá thấp hơn vàng SJC, sau đó bán lại cho công ty để ăn chênh lệch vì giá vàng SBJ niêm yết tại cửa hàng công ty và các chi nhánh của Ngân hàng Sacombank đều bằng giá vàng SJC. Bà Chi cho biết do công ty bà là công ty con của Sacombank nên có đủ tiềm lực tài chính để mua vàng từ phía người dân nếu họ bán ra ngang bằng giá SJC.

Tình hình cũng xảy ra tương tự tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ). Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó Tổng giám đốc của công ty, cho biết trong những ngày gần đây lượng vàng tiêu thụ chính vẫn là SJC, trong khi vàng PNJ-DAB khá ế. Cũng có hiện tượng người dân đem bán vàng PNJ-DAB nhưng không nhiều.

Giao dịch vàng tại các công ty từ đầu tuần đều diễn ra khá trầm lắng. Lượng vàng tại SJC giao dịch mỗi ngày khoảng 4.000 lượng. Tại PNJ, lượng mua vào mỗi ngày khoảng 400-600 lượng, bán ra từ 700-900 lượng, còn SBJ mua vào, bán ra mỗi ngày chỉ khoảng 100-200 lượng.

Cuối ngày hôm nay (7-12), giá vàng niêm yết tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn ở mức 44,76 triệu đồng/lượng mua vào, 44,96 triệu đồng/lượng bán ra. Trong khi đó giá vàng Rồng Thăng Long của Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu vẫn đang niêm yết thấp hơn nhiều, với chỉ 43,97 triệu đồng/lượng mua vào, 44,3 triệu đồng/lượng bán ra.

Giá vàng trong nước hôm nay đã thu hẹp khoảng cách với giá vàng thế giới. Giá vàng trong nước hiện nay chỉ còn cao hơn giá thế giới khoảng 600.000 đồng/lượng, thấp hơn nhiều so với trong tuần trước.

Theo ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng kinh doanh Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), thì mãi lực yếu là nguyên do khiến cho giá vàng trong nước không biến động nhiều dù giá vàng thế giới đóng cửa thị trường New York tăng hơn 20 đô la Mỹ/ounce so với phiên trước. Thêm vào đó, cũng có sự điều tiết giá từ cơ quan quản lý để giá trong nước và thế giới không quá cách xa.

 


Theo Thanh Thương

 TBKTSG

 

 


Tin đồn đẩy Dow Jones tăng liền 3 phiên

Ngày đăng : 08/12/2011 - 9:15 AM

Sau khi Nikkei đưa tin nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) đang xem xét chương trình cho Khu vực đồng Eurozone vay 600 tỷ USD, các chỉ số chứng khoán Mỹ lập tức tăng vọt. Tuy nhiên, biên độ tăng giảm dần sau khi thông tin trên bị "khổ chủ" bác bỏ.
 

                         

 

Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch 7/12, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 46,24 điểm, tương ứng 0,38%, lên 12.196,37 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến 2,55 điểm, tương ứng 0,20%, lên 1.261,02 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,35 điểm, tương ứng 0,01%, xuống 2.649,21 điểm.

Theo tin đồn trên, G20 đang cân nhắc một chương trình cho Khu vực đồng tiền chung châu Âu vay khoản tín dụng lên tới 600 tỷ USD thông qua Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Song, ngay sau đó, cả Quỹ Tiền tệ Quốc tế lẫn đại diện của nhóm G20 đều lên tiếng bác bỏ thông tin này.

Giới đầu tư hiện đang chờ đợi diễn biến hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu sẽ diễn ra trong hai ngày 8-9/12, với hy vọng giới chức khu vực sẽ tìm được biện pháp ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ châu Âu đã đeo bám lục địa già suốt một thời gian dài vừa qua.

Dự kiến, các nước thành viên Khu vực đồng Euro sẽ bỏ phiếu thông qua thỏa thuận thắt chặt hơn nữa các biện pháp kiểm soát tài chính do hai nước Pháp và Đức đề xuất. Tuy nhiên, hôm qua, một quan chức Đức cho rằng, Berlin không mấy lạc quan về bản thỏa thuận này.

Khối lượng giao dịch trên toàn thị trường Mỹ hôm qua tiếp tục ở mức thấp, với 7 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq. Tỷ lệ mã tăng/ giảm ở sàn New York là 1.567/1.403, còn ở sàn Nasdaq 1.326 mã tăng so với 1.149 mã giảm điểm.

Diễn biến trên các sàn châu Âu còn ảm đạm hơn thị trường Mỹ. Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 21,81 điểm, tương ứng 0,39%, xuống 5.546,91 điểm. CAC 40 của Pháp hạ 3,65 điểm, tương ứng 0,11%, xuống 3.175,98 điểm. DAX của Đức hạ 0,57% xuống 5.994,73 điểm.

Trong khi đó, đóng cửa từ trước, các sàn chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương tăng điểm khá mạnh, khi nhà đầu tư kỳ vọng vào hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu sẽ đưa ra được một kế hoạch có thể chấm dứt cuộc khủng hoảng nợ trong Khu vực đồng tiền chung.

Các nhà đầu tư đang nín thở chờ đợi hội nghị thượng đỉnh sẽ khai cuộc ra trong hai ngày 8-9 nói trên với một sự lạc quan sau khi Pháp và Đức từ hôm 5/12 vừa qua đã đạt thỏa thuận về sự hội nhập sâu hơn trong khu vực, điều mà nhiều người cho là một giải pháp tối ưu.

Chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không gồm Nhật) tăng 1%. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 1,71%, lên 8.722,17 điểm. Hang Seng của Hồng Kông tiến 1,58%, lên 19.240,60 điểm. Taiex của Đài Loan cộng 1,1% lên 7.033 điểm. Kospi của Hàn Quốc tăng 0,87%.

 

Theo VnEconomy.vn

 


Citigroup “trảm” hàng nghìn nhân sự trên toàn cầu

Ngày đăng : 07/12/2011 - 6:45 PM

Tập đoàn tài chính Citigroup đang cắt giảm 4.500 nhân sự trên phạm vi toàn cầu, Giám đốc điều hành hãng Vikram Pandit cho biết. Như vậy, Citigroup đã trở thành ngân hàng lớn tiếp theo “dính đòn” sa thải nhân lực.


                           

 

Phát biểu tại Hội nghị dịch vụ tài chính Goldman Sachs, ông Pandit cho biết, bằng kế hoạch cắt giảm lượng lớn nhân sự như vậy cùng các chi phí đi kèm, Citigroup sẽ tiết kiệm được số tiền 400 triệu USD trong quý 4/2011.

Con số nhân sự bị sa thải này tương đương với khoảng 2% tổng số lao động 267.000 người đang làm việc cho Citigroup (tính tới hết quý 3/2011). Pandit cho biết, kế hoạch sẽ được hoàn thành sau vài quý tới và ở một loạt lĩnh vực.

Cuối tháng 11 vừa qua, Citigroup cùng một loạt tổ chức tài chính hàng đầu thế giới đã bị Hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s hạ bậc, nhằm đánh giá lại mức độ rủi ro đối với ngân hàng đầu tư, nguồn vốn mà các ngân hàng nhận được.

Như vậy, Citigroup đã gia nhập vào đội ngũ các tổ chức tài chính lớn trên thế giới phải  “sa thải nhân lực” để tiết kiệm ngân sách, trong bối cảnh khủng hoảng nợ châu Âu làm xáo trộn các thị trường, hạ doanh thu từ cổ phiếu và trái phiếu.

Jason Kennedy, Giám đốc công ty tuyển dụng Kennedy Group (Anh) từng cho biết, “tôi chưa bao giờ thấy tình hình lại trở nên tồi tệ như vậy. Tương lai rất ảm đảm. Tình hình này có khả năng tiếp tục kéo dài thêm 14 hoặc 15 tháng nữa”.

Đầu năm nay, đối thủ của Citigroup là ngân hàng Bank of America đã tuyên bố các kế hoạch cắt giảm 30.000 việc làm, hướng tới giảm chi tiêu hàng năm 5 tỷ USD. Đây là một phần trong chương trình có tên “New BAC” của đại gia này.

Trong khi đó, ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) cũng đang chuẩn bị cắt giảm 1.000 nhân sự, tương đương 3% tổng số lực lượng lao động làm việc cho nhà băng này, với mục tiêu tiết giảm khoảng 1,45 tỷ USD cho khoản chi phí nhân sự/năm.

Cơ quan giám sát tài chính New York dự báo khoảng 10.000 nhân sự ngành chứng khoán ở Phố Wall (New York) có thể mất việc từ nay đến hết năm 2012, nâng tổng số nhân sự chứng khoán mất việc ở New York lên 32.000 người kể từ năm 2008.

Kể từ đầu năm, các công ty tài chính trên toàn cầu đã cắt giảm hơn 200.000 việc làm, cao gần 4 lần so với 58.000 việc làm bị mất trong 2010. Trong khi vào năm 2009, khi khủng hoảng tài chính lên đỉnh điểm cũng chỉ có 174.000 nhân sự ngành này mất việc.

 

Theo VnEconomy.vn

 

 


Ngân hàng hợp nhất cam kết trả đủ tiền cho khách

Ngày đăng : 07/12/2011 - 6:28 PM
Lượng người đến giao dịch hôm nay đông hơn tại Hội sở chính của Ngân hàng cổ phần Sài Gòn, một trong ba ngân hàng đầu tiên được hợp nhất. Tuy nhiên, các yêu cầu rút tiền mặt đều được đáp ứng.
 
 
Đến chiều nay, chỉ có hội sở chính của Ngân hàng Sài Gòn có nhiều khách đến rút tiền và đều được trả gốc, lãi đầy đủ. Các điểm giao dịch khác của cả 3 ngân hàng sắp hợp nhất là Sài Gòn, Tín Nghĩa và Đệ Nhất khá vắng vẻ.
 
Tại trụ sở Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) ở TP HCM lúc 10h30, có cả trăm khách đang ngồi chờ đến lượt rút tiền, trong số này có những người đã đến hạn, một số chưa đến kỳ tất toán.
 
Theo ghi nhận của VnExpress.net, dù lượng người đến rút khá đông, nhưng ngân hàng vẫn đáp ứng đủ nguồn tiền mặt cho khách. Theo đại diện của SCB, sau khi ký kết hợp tác toàn diện với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN (BIDV) thì nguồn tiền về ngân hàng khá dồi dào. "Chúng tôi sẽ đáp ứng được nhu cầu rút tiền của khách", người đại diện nói.
 
Rất đông khách hàng đến giao dịch tại hội sở SCB lúc 10h30 sáng nay.
 
Do số lượng người đến rút tiền nhiều nên thời gian chờ đợi lâu. Bà Thanh, một khách hàng đến rút tiền cho biết đến từ lúc 8h sáng nhưng 2 tiếng sau mới đến lượt. Bà cho biết, tuy cũng tin rằng tại Việt Nam sẽ không có chuyện ngân hàng bị đổ bể, song vì gửi hơn một tỷ đồng nên vẫn hơi hoang mang. "Nay sẵn dịp đến hạn, tôi quyết định rút tiền gửi sang nơi khác cho yên tâm. Chờ thời gian ba nhà băng hợp nhất này đi vào ổn định sẽ gửi lại", bà nói.
 
Trong khi đó, anh Thanh, một khách hàng cũng đến rút tiền chia sẻ: "Tuy chúng tôi biết ba ngân hàng này hợp nhất có sự hỗ trợ của BIDV để phát triển mạnh lên. Nhưng điều tôi băn khăn là khi họ hợp nhất thành một ngân hàng mới thì tất cả sổ tiết kiệm của chúng tôi sẽ được giải quyết ra sao? Tên sẽ là của ngân hàng nào? Nếu có khiếu nại gì thì ai sẽ chịu trách nhiệm?...". Vì những lý do này, anh chấp nhận chịu lãi không kỳ hạn, rút trước hạn.
 
Trong dòng người đến rút tiền sáng nay tại SCB, một số sau khi được nhân viên giải thích về quyền lợi khách hàng sẽ được đảm bảo đã quyết định ra về và không rút tiền nữa. "Tôi gửi 200 triệu đồng tại SCB, kỳ hạn một tháng. Hôm qua nghe tin hợp nhất cũng hơi lo nên sáng nay đến xem sao. Nhưng sau khi nghe nhân viên giải thích, tôi cảm thấy yên tâm hơn nên không rút nữa", bà Mai nhà quận 3 nói.
 
Một số trường hợp đến đáo hạn nhưng tiếp tục gửi tiền lại ngân hàng. Chị Mỹ Dung, một khách hàng tại quận 1, TP HCM cho biết, hôm nay số tiền 2 tỷ đồng của chị đến hạn tất toán và chị quyết định gửi lại SCB số tiền này. "Ngân hàng đã cam kết quyền lợi của người gửi tiền vẫn được đảm bảo. Hơn nữa ba nhà băng này có BIDV hỗ trợ toàn diện để phát triển thì không có lý do gì để phải lo. Do đó, tôi quyết định gửi lại số tiền này", chị Dung nói.
 
Sự "đông đúc" khách hàng đến giao dịch chủ yếu chỉ diễn ra tại hội sở SCB, còn các chi nhánh và phòng giao dịch khác của nhà băng này trong buổi sáng khá vắng. Các ngân hàng như Đệ Nhất, Tín Nghĩa cũng chung tình trạng. Lúc 9h, khách đến chi nhánh Tín Nghĩa Bank tại đường 3/2 chỉ đếm trên đầu ngón tay.
 
Người dân đến giao dịch tại SCB Hà Nội vào đầu giờ chiều.
 
Tại Hà Nội, ghi nhận chung tại phòng giao dịch của 3 ngân hàng nói trên, lượng khách có phần vắng hơn so với hôm qua. Tại Tín Nghĩa Bank trên phố Cầu Giấy, lúc hơn 15h, không có khách, ba nhân viên ngồi nói chuyện với nhau. Một trong số này tiết lộ, buổi sáng, chỉ lác đác vài khách hàng đến làm lại sổ gửi tiền. Còn ở Ficombank trên phố Đội Cấn, lúc hơn 14h, nhân viên đang ngồi hướng dẫn khách đến làm lại sổ tiết kiệm. Không có cảnh người dân ùn ùn đến rút tiền về như một số tin đồn.
 
Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở chi nhánh Hà Nội SCB trên phố Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội). Nhân viên cho hay, buổi sáng, mọi giao dịch vẫn diễn ra bình thường. "Cũng có một số khách đến rút tiền, song hầu hết đúng hạn. Vài khách đến rút trước hạn, nhưng số tiền không lớn, cao nhất cũng chỉ hơn 100 triệu đồng", một nhân viên tiết lộ. Đến đầu giờ chiều, có lác đác khách đến giao dịch tại đây. Những người đến tất toán sổ đều được thanh toán đầy đủ gốc, lãi. "Có thể là cuối năm, nhu cầu chi tiêu mạnh hơn, nên có một số người không gửi tiền nữa", nhân viên SCB cho biết.
 
Còn tại phòng giao dịch Cầu Giấy, nơi một vị khách nằng nặc đòi rút 420 triệu đồng vào chiều qua, nhân viên thông tin, tin đồn người dân ồ ạt rút tiền ở SCB là ác ý. Chị cho hay, thực tế, từ sáng 6/12 đến hôm nay, có rất nhiều khách đến hỏi về việc ngân hàng hợp nhất. Cũng có một số đề cập chuyện rút tiền, song không có chuyện "ồ ạt", chị nói. "Những người rút tiền, hầu hết là đến hạn, chỉ có 1 - 2 trường hợp rút trước hạn vì có việc cần, chứ không phải do nghe thông tin hợp nhất mà lo sợ", chị này khẳng định.
 
Bà Chính, một khách hàng đến rút tiền tại đây lúc 14h chiều 7/12 cho biết, chấp nhận lãi suất không kỳ hạn, bà phải rút về vì nhà có việc cần dùng. "Tôi cũng có nghe thông tin về hợp nhất 3 ngân hàng làm một, nhưng cụ thể thế nào, tôi không biết. Cần tiền tiêu nên tôi đến rút, chứ không phải do lo lắng về chuyện này", khách hàng này bày tỏ. Cũng như bà Chính, chị Hồng, một khách hàng đến tất toán sổ đến hạn vào buổi chiều hôm nay chia sẻ, định gửi tiếp, nhưng định mua xe máy cho cô con gái, nên chị rút 100 triệu đang gửi tại nhà băng này.
 
Trước những băn khoăn của người gửi tiền về quyền lợi "hậu" hợp nhất ngân hàng, đại diện SCB cũng nhấn mạnh, quyền lợi của khách gửi tiền tại SCB sẽ không có thay đổi gì so với hiện tại. Tất cả sổ tiết kiệm của người gửi tiền tại nhà băng sẽ được chuyển sang tên của nhà băng hợp nhất. Khi đó, mọi vướng mắc, phát sinh, quyền lợi... vẫn được ngân hàng hợp nhất đảm bảo như cũ.
 
"Chúng ta hãy hình dung việc này như chuyện đang sở hữu một căn nhà. Khi nhà của mình thay đổi từ số nhà mới sang số nhà cũ thì nó vẫn là nhà của mình. Tất cả quyền lợi đều không có gì thay đổi cả", vị đại diện SCB ví von.
 
Trong buổi trao đổi báo chí hôm qua, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Trần Minh Tuấn cũng giải thích rõ, khi hợp nhất, ba ngân hàng này sẽ có một tên mới. Tên mới sẽ có sau khi ban trù bị của các nhà băng chọn lựa và đưa ra trước ngày 25/12 năm nay để báo cáo Ngân hàng Nhà nước và tiến hành xây dựng điều lệ hợp nhất. Sau đó, Thống đốc sẽ chuẩn y điều lệ và công nhận tên gọi mới.
 
Các văn tự, tài liệu liên quan đến 3 ngân hàng này đều được thực hiện nghĩa vụ nợ, nghĩa vụ có tại ngân hàng hợp nhất. Trong vòng 3 năm, ngân hàng hợp nhất sẽ hoạt động bình thường và phát triển cạnh tranh với các ngân hàng khác.
 
Theo Lệ Thanh - Tuệ Minh
VnExpress

"Lãi suất dưới 10% doanh nghiệp hồi sinh ngay"

Ngày đăng : 07/12/2011 - 6:20 PM
Nếu Ngân hàng Nhà nước không đẩy ra nhiều nguồn tín dụng, nhiều phương tiện thanh toán, thì với chỉ tiêu tăng tín dụng năm 2011 là 20%, có thể đưa lãi suất xuống dưới 10% và doanh nghiệp (DN) có thể hồi sinh ngay ngày mai
 
Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành nói, nếu Ngân hàng Nhà nước không đẩy ra nhiều nguồn tín dụng, nhiều phương tiện thanh toán, thì với chỉ tiêu tăng tín dụng năm 2011 là 20%, có thể đưa lãi suất xuống dưới 10% và doanh nghiệp (DN) có thể hồi sinh ngay ngày mai.
 
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục bơm tiền hỗ trợ thanh khoản các ngân hàng thương mại (NHTM). Theo ông, động thái này có đủ sức giúp thanh khoản các NHTM tốt lên?
 
Không tốt, cái đó phải tự thân các NHTM. Hiện, nhiều NHTM thực chất là những “tiệm cầm đồ” hoạt động bằng giấy phép ngân hàng (NH).
 
Thậm chí, không ít NH là sân sau của một số cá nhân, các đại gia, lập ra để huy động vốn, đầu tư cho các dự án riêng.
 
Khi NHNN bơm tiền ra, họ lại nhờ vả, xin giúp đỡ. Thực tế, không phải cứ bơm tiền ra là giải quyết được vấn đề.
 
NHNN phải đi “bắt mạch, thăm bệnh” từng NHTM để “chọn mặt” mà “gửi vàng”, chứ đừng để “con sâu” làm rầu cả hệ thống.
 
Ngoài bơm tiền cho các NHTM, theo ông, phải làm gì để có mức lãi suất hợp lý?
 
Cùng với việc bơm tiền ra, NHNN phải định hướng rõ là để phát triển sản xuất, kinh doanh và phải có chương trình cung ứng tín dụng.
 
Đặc biệt, NHNN phải thẩm định, giám sát chặt chẽ tiến độ giải ngân của từng dự án, đảm bảo 100% vốn được chuyển cho người vay.
 
Các NHTM muốn tham gia phải cam kết hoàn thành các điều kiện, chỉ tiêu của chương trình. Như vậy NHNN mới kiểm soát được nguồn vốn cho vay và kiểm soát được lạm phát.
 
Trong giới hạn tăng trưởng tín dụng 20%, NHNN hoàn toàn có thể cho NHTM vay vốn với mức lãi suất 3 - 4% và NHTM cho DN sản xuất, kinh doanh vay lại với mức lãi suất 7 - 8% (dưới 10%).
 
Khi đó, các NHTM cũng chỉ huy động vốn ở mức lãi suất 3 - 4% thay vì 14%/năm như hiện nay. Như vậy, không chỉ giúp lãi suất ổn định ở mức hợp lý, mà còn giúp DN có thể hồi sinh ngay ngày mai.
 
Có ý kiến cho rằng, như vậy sẽ không có lãi suất dương thuần dương?
 
Đó là chuyện cũ rích, trong kinh tế tiến bộ không có chuyện đó. Việt Nam ít có người được đào tạo trong ngành NH trung ương, bởi trước đây Việt Nam không có NH trung ương, nền kinh tế chỉ có một thành phần nên không có vấn đề cung ứng cho phát triển. Bây giờ, nền kinh tế nhiều thành phần mới có vấn đề điều tiết lưu lượng cho vay.
 
Như vậy mới có người hỏi, NHNN lấy tiền ở đâu ra để cho NHTM vay với lãi suất 3 - 4%? Nói như vậy rõ ràng anh ta không biết gì về quyền hạn, trách nhiệm của NH trung ương.
 
Trong nền kinh tế, NH trung ương có nhiệm vụ cung ứng đầy đủ tiền tệ cho nền kinh tế phát triển, có quyền phát hành giấy bạc vô hạn định và điều tiết nguồn tín dụng, tiền tệ không nhiều quá để xảy ra lạm phát, không ít quá để xảy ra thiểu phát.
 
Thực tế, tiền là phương tiện thanh toán, để trong nền kinh tế nó sẽ phát sinh lời. Khi người gửi rút tiền ra để ở nhà, thì phận sự của NHNN là phải bù đắp vào đó mà không cần đến số tiền đó nữa. Nếu có chức năng thanh toán, tiền mới là tiền, còn nếu không nó chỉ là giấy lộn.
 
Đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền, Chính phủ không để ngân hàng nào phá sản. Ông có nhận xét gì không?
 
Cái đó là không hợp lý. NH phải hoạt động theo nghiệp vụ, tuân theo các quy định của Luật Ngân hàng và phải sống chết theo năng lực của nó.
 
Chúng ta không thể duy trì những NH có tỷ lệ nợ xấu cao, khó khăn về thanh khoản. NHNN có nhiệm vụ giải quyết cho các NH này phá sản mà không động chạm tới người khác, không thể vì nó là con ông này, cháu ông kia mà phải mua lại.
 
Việc lấy lý do ảnh hưởng đến người gửi tiền để không cho các NH yếu kém phá sản chỉ là chống chế, nhằm bao cấp cho các NH sắp phá sản. Người gửi tiền có quyền lựa chọn NH an toàn.
 
Nhà nước chỉ bảo hiểm cho người gửi tiền ở mức 50 triệu đồng. Người nào ham lãi suất cao, gửi vào đó 5 -10 tỷ đồng, NH phá sản thì ráng chịu.
 
Xin cảm ơn ông!
 
Theo Doanh nhân Sài Gòn

 

Tin mới cập nhật