Lập Đoàn kiểm tra, giám sát việc điều tra, xét xử các vụ án tham nhũng

Ngày đăng : 05/07/2012 - 9:09 AM

 

 

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để Chính phủ trình Quốc hội vào năm 2013.

 

Văn phòng Ban Chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch thành lập các Đoàn công tác kiểm tra, giám sát liên ngành để kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng.

 

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng yêu cầu các cơ quan, Bộ, ngành có liên quan thực hiện ngay một số công việc trước mắt từ nay đến cuối năm 2012.

 

Phó Thủ tướng cũng giao Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng giúp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đôn đốc các cơ quan liên quan khẩn trương xử lý dứt điểm các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài mà Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đang theo dõi, chỉ đạo theo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tại phiên họp thứ 17.

 

Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng để Chính phủ kịp thời trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội Khóa XIII (tháng 10/2012).

 

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để Chính phủ trình Quốc hội vào năm 2013.

 

Phó Thủ tướng nêu rõ, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là công tác thường xuyên, liên tục, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung nỗ lực, triển khai thực hiện Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/5/2012 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đạt kết quả tốt.

 

Trong khi chờ bổ sung, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách về phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo tinh thần Kết luận số 21-KL/TW, các Bộ, ngành, địa phương phải bảo đảm thực hiện liên tục, thường xuyên công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, lãng phí hoạt động tích cực, nêu cao tinh thần trách nhiệm và theo chức năng, nhiệm vụ được pháp luật giao.

 

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, để triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả Kết luận số 21-KL/TW, giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Kết luận số 21-KL/TW, trong đó có nội dung kế hoạch của giai đoạn hai (2012-2016) thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020, sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

 

Theo Phương Hiển

Chinhphu.vn

 

 

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Thủ tướng: Chưa điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng từ nay tới cuối năm

Ngày đăng : 04/07/2012 - 10:29 AM

 

 

Trong hai ngày 2-3/7, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp Phiên họp thường kỳ tháng 6 trực tuyến với lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Đánh giá công tác chỉ đạo điều hành tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và những giải pháp những tháng cuối năm.

Một trong những trọng tâm tại Phiên họp là Chính phủ tái khẳng định, trong những tháng cuối năm 2012, quan điểm nhất quán là vẫn kiên định các mục tiêu đã đề ra từ đầu năm, chưa thay đổi, điều chỉnh bất cứ mục tiêu nào.

Theo đó, tiếp tục dành ưu tiên cho kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; việc ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô không chỉ cho năm 2012 mà còn cho cả các năm tiếp theo, đây cũng là nền tảng để duy trì tăng trưởng và phát triển bền vững.

Kinh tế-xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực

Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 6 và 6 tháng năm 2012, các thành viên Chính phủ nhận định, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đúng hướng và đạt được những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực. Theo đó, về giá cả, lạm pháp, nhờ thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ các biện pháp kiềm chế lạm phát như thắt chặt tiền tệ, quản lý chặt chẽ chi tiêu và giảm bội chi ngân sách nhà nước, cắt giảm vốn đầu tư và đổi mới nâng cao hiệu quả đầu tư công… nên tốc độ tăng giá đã có xu hướng giảm ngay từ tháng 7/2011 và liên tục giảm trong 6 tháng đầu năm 2012.

So với tháng 12/2011, CPI tháng 6/2012 tăng 2,52% so với tháng 12/ 2011 và tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2011. Đây là cơ sở để điều hành lạm phát mục tiêu năm nay ở mức 7-8% và tạo dư địa cho việc thực hiện chính sách tài khóa thúc đẩy tăng trưởng, chính sách tiền tệ nhằm giảm chi phí lãi vay vốn trong những tháng còn lại của năm.

Nhiều biện pháp đã được thực hiện nhằm giảm mặt bằng lãi suất như giảm lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu, liên ngân hàng, trần lãi suất tiền gửi. Từ đầu năm đến nay, sau 3 lần điều chỉnh, trần lãi suất huy động đã giảm từ 14% xuống 9%. Hiện lãi suất cho vay các lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ phổ biến ở mức 12%-13%/năm, cho vay sản xuất kinh doanh khác 14%-17,5%... Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 53,1 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước.

Về việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng, do phải tập trung thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nên tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2012 đạt thấp hơn tốc độ tăng cùng kỳ năm trước và thấp hơn so với kế hoạch đề ra, nhưng bắt đầu có xu hướng cải thiện hơn trong quý 2 (GDP quý 1/2012 đạt 4%, quý 2/2012 đạt khoảng 4,66%). Tính chung, tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm 2012 ước đạt 4,38%.

Trong những tháng đầu năm, ngành công nghiệp tuy gặp nhiều khó khăn do giá đầu vào và lãi suất ở mức cao, tiêu thụ chậm, tồn kho tăng cao… song nhờ thực hiện mạnh mẽ các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp 4 tháng gần đây đã có chuyển biến và có chiều hướng cải thiện khá rõ nét, nhất là công nghiệp chế biến. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển tương đối ổn định, tăng 3,8%, trong đó nông nghiệp tăng 3%, lâm nghiệp tăng 5,7%, thủy sản tăng 5,8%...

Về thực hiện mục tiêu bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội, các cấp, các ngành đã tích cực triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội như, hỗ trợ tín dụng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số để ổn định chỗ ở, phát triển sản xuất; hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo; trợ cấp xã hội (thực hiện trợ cấp xã hội thường xuyên cho gần 2,3 triệu người thuộc nhóm đối tượng bảo trợ xã hội); đào tạo nghề cho lao động nông thôn; điều chỉnh mức lương tối thiểu… Ngoài ra, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông tiếp tục có chuyển biến tích cực. So với cùng kỳ, trong 6 tháng đầu năm 2012, số vụ tai nạn giao thông giảm 21,6%, số người chết giảm 16,7% và số người bị thương giảm 21,6%.

Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận, tình hình kinh tế-xã hội vẫn tồn tại những khó khăn, thách thức, trong đó nổi lên là tăng trưởng kinh tế thấp hơn so với cùng kỳ năm trước; khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng do lãi suất còn cao và không đáp ứng được các điều kiện vay; chỉ số tồn kho vẫn ở mức cao; số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng…

Ổn định kinh tế vĩ mô, nền tảng để duy trì tăng trưởng và phát triển bền vững

Nhấn mạnh giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô được coi là yếu tố quyết định, mang tính nền tảng, nhiều thành viên Chính phủ cho rằng, bên cạnh việc tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, nhưng phải nhất quán trong việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, từng bước thực hiện tái cấu trúc kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh để bảo đảm thực hiện đạt mức cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 đã đề ra.

Cho biết những khó khăn, thách thức mà ngành nông nghiệp đang phải đối mặt, trong đó có khó khăn về thị trường tiêu thụ nhiều mặt hàng nông sản như lúa gạo , cao su, cá tra… cùng với đó, dịch bệnh xảy ra trên diện rộng, gây thiệt hại lớn cho người dân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ nông dân thông qua tái cơ cấu nợ, cho vay mới; có chính sách hợp lý để hỗ trợ các hộ nông dân nuôi tôm bị thiệt hại do dịch bệnh… đồng thời cũng cho rằng các địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ rừng…

Khẳng định chỉ số tồn kho có xu hướng giảm dần, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng cần tiếp tục thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp để giải quyết hàng tồn kho qua xúc tiến thương mại ở cả thị trường ngoài nước và thị trường nội địa. 

Cùng với đó là tạo điều kiện thuận lợi nhằm khuyến khích sản xuất đối với những lĩnh vực, sản phẩm có lợi thế như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ, các hoạt động dịch vụ, du lịch chất lượng cao. Thực hiện các biện pháp để duy trì đà tăng trưởng cao của các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, có đóng góp quan trọng thực hiện kế hoạch xuất khẩu, tạo nhiều việc làm như lúa gạo, hải sản, dệt may, giầy dép. Theo dõi sát trị trường ngoại hối, bảo đảm tỷ giá ở mức hợp lý, vừa góp phần ổn định kinh tế vĩ mô vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu.

Bên cạnh đó, các thành viên Chính phủ cũng nhấn mạnh quan điểm cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng của ngân hàng như tăng cường hoạt động bảo lãnh khoản vay; bảo hiểm tín dụng xuất khẩu; dành ưu tiên tín dụng đối với doanh nghiệp trong các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, sử dụng nhiều lao động.

Chung sức, chung lòng, thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra

Lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều khẳng định sự quyết tâm cao độ trong việc bám sát, triển khai thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhằm cùng cả nước thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra trong năm 2012 và các năm tiếp theo, nhất là mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giữ tăng trưởng ở mức hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội.

Lãnh đạo các địa phương nhận định, trong những tháng gần đây, nền kinh tế đã có những dấu hiệu hồi phục; các chỉ số tăng trưởng sản xuất, xuất nhập khẩu, dịch vụ, tiêu dùng đã đạt mức tăng khá; số doanh nghiệp ngừng hoạt động đã giảm hẳn, cùng với đó nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu khôi phục sản xuất; công tác bình ổn giá, đưa hàng hóa về nông thôn, hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế được thực hiện tốt, mang lại hiệu quả tích cực trong kiềm chế lạm phát, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Lãnh đạo các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Lai Châu, Nghệ An, Phú Yên, Gia Lai… đã nêu những kiến nghị, đề xuất của địa phương như đề nghị Chính phủ tiếp tục có sự chỉ đạo sát sao hơn nữa đối với các địa phương trong tháo gỡ, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; chỉ đạo thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế nhưng không làm tràn lan, làm ảnh hưởng tới mục tiêu kiềm chế lạm phát; xem xét việc tạm ứng vốn ngân sách 2013 cho các dự án, công trình cấp bách, có khả hoàn thành trong năm 2012 để phục vụ các mục tiêu tăng trưởng và phát triển; kiểm soát, giải quyết tốt vấn đề về nợ xấu ngân hàng; sớm điều chỉnh các tiêu chí về nông thôn mới theo hướng mềm dẻo và linh hoạt hơn cho phù hợp với đặc điểm, tình hình cụ thể của từng địa phương; hỗ trợ địa phương thực hiện công tác di dân, tái định cư khi xây dựng các dự án thủy điện.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ sớm ban hành cơ chế khả thi để các địa phương thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; tăng cường nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ ngư dân bám biển và làm giàu từ biển; kiểm soát tốt trị trường ngoại hối, bảo đảm tỷ giá ở mức hợp lý.

Kiên định các mục tiêu đã đề ra

Phát biểu kết luận Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, với nỗ lực chung của cả nước, 6 tháng đầu năm 2012, kinh tế-xã hội của đất nước tiếp tục có chuyển biến tích cực, đúng hướng, đúng mục tiêu đề ra. Những kết quả đạt được khá toàn diện trên các lĩnh vực đặc biệt là trong kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý; tái cơ cấu kinh tế; bảo đảm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội. Kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm cho thấy triển vọng 6 tháng cuối năm sẽ có tăng trưởng, chuyển biến tốt hơn.

Sau khi phân tích, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện những tháng đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, trong những tháng cuối năm 2012 quan điểm nhất quán là vẫn kiên định các mục tiêu đã đề ra từ đầu năm, chưa thay đổi, điều chỉnh bất cứ mục tiêu nào. Theo đó, tiếp tục dành ưu tiên cho kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; việc ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô không chỉ cho năm 2012 mà còn cho cả các năm tiếp theo, đây cũng là nền tảng để duy trì tăng trưởng và phát triển bền vững. Đồng thời tập trung duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý (khoảng 5,2%-5,7%), duy trì tăng trưởng hợp lý nhưng phải đạt yêu cầu không gây bất ổn kinh tế vĩ mô, làm lạm phát cao trở lại ; không vì tăng trưởng mà để lạm phát cao cho những năm tiếp theo.

Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ, phù hợp với các cân đối vĩ mô; đẩy nhanh việc giảm lãi suất cho vay theo chiều hướng giảm dần của chỉ số giá tiêu dùng; điều hành ổn định tỷ giá ; đánh giá thực trạng tình hình thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng, cũng như các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng của toàn hệ thống nhằm kịp thời đề xuất các giải pháp điều hành tín dụng hợp lý. Chủ động, linh hoạt trong xử lý nợ xấu; khẩn trương cơ cấu lại nợ, cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém; điều hành lãi suất theo lạm phát mục tiêu (7-8%); nhanh chóng khơi thông dòng vốn để các doanh nghiệp dễ tiếp cận.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các bộ, ngành chức năng tập trung tháo gỡ, hỗ trợ cho sản xuất, trong đó có tăng tín dụng, giải ngân cho hết số vốn đã bố trí . Ưu tiên tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; sản xuất hàng xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động; thực hành tiết kiệm triệt để, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa. 

Đồng thời, nâng cao chất lượng xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cả trong và ngoài nước; kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu qua các hàng rào kỹ thuật, nhất là kiểm soát, hạn chế nhập khẩu các sản phẩm nông sản. Xây dựng cơ chế chính sách cụ thể để một mặt thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, mặt khác kiểm soát chặt chẽ lượng hàng nhập khẩu; thắt chặt công tác quản lý, kiểm tra thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, đầu cơ, găm hàng gây sốt giá ảo.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo Bộ Tài c hính tính toán các khả năng về thu chi ngân sách, không để đảo lộn thu chi ngân sách; kiểm soát kỹ lại nguồn thu. Giữ mức bội chi ngân sách không vượt quá chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua. Thực hiện chính sách tài khóa một các hợp lý, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với chính sách tiền tệ, tín dụng, nhằm tăng tổng cầu của nền kinh tế; t hực hiện các biện pháp hỗ trợ thuế đúng đối tượng ưu tiên nhằm khuyến khích sản xuất kinh doanh và kích thích tổng cầu phục vụ mục tiêu ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Khẩn trương rà soát, xử lý vốn đối ứng nhằm thúc đẩy nhanh các dự án ODA. Thu hút mạnh đầu tư nước ngoài vào các công trình, nhà máy sử dụng công nghệ cao. Tiếp tục chỉ đạo khẩn trương tính toán, tái cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia... nhằm kích thích nhu cầu trong nước. Quan tâm hơn nữa tới công tác bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội; thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; quan tâm giải quyết việc làm cho người lao động mất việc từ các doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, giải thể hoặc ngừng hoạt động; dành sự quan tâm thỏa đáng đến công tác chăm sóc sức khỏe y tế cho nhân dân; đưa bảo hiểm y tế trở thành một trong những chỉ tiêu phấn đấu trong phát triển kinh tế-xã hội vào năm 2013. 

Đồng thời tăng cường công tác giải quyết khiếu nại tố cao, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, gây tổn hại sức khỏe của người dân.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động cung cấp, định hướng thông tin, đối thoại về các chủ trương, chính sách, giải pháp chỉ đạo, điều hành liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công. Các cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục đề cao tinh thần trách nhiệm trước đất nước, trước nhân dân; thông tin trung thực, khách quan về mọi mặt kinh tế-xã hội nhằm định hướng dư luận xã hội, tạo đồng thuận, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra trong năm 2012 và các năm tiếp theo.

Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe báo cáo, thảo luận về lộ trình và phương án giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng; phương án thoái vốn của các Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước theo cơ chế thị trường; dự thảo chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030; Tờ trình về dự án Luật Phòng chống khủng bố; Tờ trình về dự án Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai./.

Theo Thiện Thuật 
TTXVN

 

 


Kinh tế vĩ mô: Từ 6 tháng nhìn đến cả năm

Ngày đăng : 02/07/2012 - 8:49 AM

 

 

Kiềm chế lạm phát là mục tiêu ưu tiên, với CPI tính theo năm vào tháng 12 được xác định lần đầu là dưới 10%, gần đây được cụ thể hoá là 7-8%.

 

CPI tính theo tháng sau khi tăng trưởng tương đối cao vào 2 tháng đầu năm, CPI đã tăng thấp trong 3 tháng sau đó, đặc biệt đã giảm vào tháng 6, tháng giảm đầu tiên sau 38 tháng tăng liên tục (tính từ tháng 3/2009). 

CPI sau 6 tháng mới tăng 2,52%, thấp nhất so với cùng kỳ trong 9 năm qua (tính từ năm 2004). CPI tính theo năm sau khi đạt đỉnh vào tháng 8/2011 (23,02%), đã tăng chậm lại liên tục và còn 6,9% vào tháng 6/2012.

Theo dự báo, CPI tính theo năm sẽ còn giảm trong khoảng 3 tháng nữa, sau đó có thể tăng lên nhưng đến tháng 12 cũng sẽ thấp hơn mục tiêu đề ra. 

Đây trước hết là kết quả tích cực của việc kiên trì, nhất quán và quyết liệt trong việc thực hiện mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, trong nhiều nguyên nhân làm cho CPI tăng chậm lại nhanh, có nguyên nhân quan trọng do đầu tư và tiêu dùng bị co lại. Tỷ lệ đầu tư/GDP từ mức trên 40% trong nhiều năm trước, đến 2011 đã giảm nhanh còn 34,6%; mục tiêu năm 2012 còn thấp hơn (33,5%) và thực hiện 6 tháng còn 34,5%. Đến lượt nó sẽ dẫn đến hai hiện tượng. 

(1) Tăng trưởng kinh tế gặp khó khăn ở cả 2 đầu với 2 điểm nghẽn lớn: nợ xấu và tồn kho vừa cao, vừa tăng. 

(2) Để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường, phải nới lỏng tiền tệ, tài khoá, dễ làm cho lạm phát cao trở lại vào năm sau, như đã từng lặp đi lặp lại trong 9 năm qua (cứ một năm tăng thấp hơn thì có 2 năm tăng cao, thậm chí rất cao).

Mục tiêu này có nhiều nội dung, trong đó cân đối thương mại là một nội dung quan trọng. Quan hệ mất cân đối này đã được thu hẹp đáng kể, khi nhập siêu 6 tháng đầu năm 2012 chỉ bằng một phần mười so với cùng kỳ năm trước cả về kim ngạch tuyệt đối (685 triệu USD so với 6.900 triệu USD), cả về tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu (1,3% so với 15,9%). 

Đạt được kết quả này do 6 tháng này so với cùng kỳ năm trước, tăng trưởng xuất khẩu cao hơn tăng trưởng nhập khẩu (22,3% so với 6,9%). 

Tăng trưởng nhập khẩu thấp do nhiều nguyên nhân; có nguyên nhân do giá nhập khẩu không tăng cao như trước, thậm chí có nhiều mặt hàng còn bị giảm, như giá hạt điều, lúa mì, ngô, đậu tương, chất dẻo nguyên liệu, giấy các loại, bông các loại, xơ sợi dệt các loại, sắt thép các loại, kim loại thường khác,... 

Nhiều mặt hàng có kim ngạch giảm với tốc độ cao là hạt điều, dầu mỡ động thực vật, thức ăn gia súc và nguyên liệu, phụ liệu thuốc lá, xăng dầu các loại, khí đốt hoá lỏng, phân bón các loại, chất dẻo các loại, sản phẩm từ giấy, bông các loại, xơ sợi dệt các loại, vải các loại, sắt thép các loại, kim loại thường khác, hàng điện gia dụng và linh kiện. 

Ôtô nguyên chiếc các loại, linh kiện, phụ tùng ô tô, xe máy nguyên chiếc, linh kiện phụ tùng xe máy, phương tiện vận tải khác và phụ tùng. Một số loại khác tuy có tăng, nhưng tốc độ tăng rất nhẹ, thấp xa so với các thời kỳ trước đây, như máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, nguyên phụ liệu dệt may, da, giày.

Nhập siêu giảm đã góp phần cải thiện cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá, góp phần giảm áp lực tâm lý kỳ vọng lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô,... Tuy nhiên, nhập siêu giảm, nhập khẩu tăng thấp, nhiều mặt hàng còn bị giảm có nguyên nhân quan trọng do tình hình đầu tư, sản xuất, tiêu dùng ở trong nước bị co lại; đến lượt nó lại làm cho chu kỳ sau của tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng.

Kết quả 6 tháng là tín hiệu khả quan cho cả năm. Xuất khẩu mục tiêu cả năm tăng 13%, tức là phải đạt khoảng 109,5 tỷ USD. Nhiệm vụ còn lại phải đạt 56,4 tỷ USD, tức là 9,4 tỷ USD/tháng. Xuất khẩu bình quân 1 tháng trong 2 tháng nay đạt trên 9,72 tỷ USD. 

Nếu 6 tháng tới đạt mức bình quân này thì tổng số sẽ đạt trên 58,3 tỷ USD và cả năm sẽ đạt 111,5 tỷ USD, không những vượt kế hoạch mà lần đầu tiên vượt qua mốc 110 tỷ USD. Nhập khẩu, mức bình quân 2 tháng qua đạt 10,06 tỷ USD/tháng. Nếu 6 tháng tới đạt bằng mức cao này thì tổng số sẽ đạt 60,4 tỷ USD và cả năm sẽ đạt khoảng 114,2 tỷ USD. 

Theo đó, nhập siêu cả năm sẽ vào khoảng 3,7 tỷ USD và tỷ lệ nhập siêu sẽ vào khoảng 3,3%-vừa thấp xa so với năm trước, vừa thấp xa so với chỉ tiêu kế hoạch. 

Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm nay có một số điểm đáng lưu ý. 

Thấp xa so với tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước (5,63%). Thấp hơn cùng kỳ năm trước diễn ra ở 2 nhóm ngành có tỷ trọng cao (nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,81% so với 2,08%; nhóm ngành công nghiệp và xây dựng tăng 3,81% so với khoảng 6,49%; nhóm ngành dịch vụ tăng 5,57% so với khoảng 6,12%). 

Nhóm ngành công nghiệp và xây dựng có tỷ trọng lớn nhất và trong những năm trước kia thường có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 3 nhóm ngành, trở thành đầu tàu và động lực tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế, thì nay đã xuống sâu và phục hồi chậm. Trong đó, ngành xây dựng tăng trưởng âm vừa kéo ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng giảm, vừa trực tiếp kéo tăng trưởng của toàn nhóm ngành công nghiệp và xây dựng xuống theo. 

Thấp xa so với mục tiêu đề ra cho cả năm (6-6,5%). Với tốc độ tăng 4,38% của 6 tháng đầu năm, muốn đạt được mục tiêu cả năm, thì 6 tháng cuối năm, theo tính toán sơ bộ phải tăng từ 7,62 đến 8,62%. Đó là nhiệm vụ rất nặng nề, rất khó đạt được khi nền kinh tế vừa chuyển từ lạm phát sang thiểu phát. 

Theo dự đoán của nhiều chuyên gia ở trong nước và quốc tế, khả năng cả năm chỉ tăng khoảng 5,5-5,6%-vừa thấp hơn mục tiêu, vừa thấp hơn năm trước (5,89%).

Theo Dương Ngọc
VnEconomy

 

 


'Đã đến lúc chuẩn bị cho giai đoạn kinh tế phục hồi'

Ngày đăng : 29/06/2012 - 9:33 AM

 

 

Theo ông Trần Du Lịch, ủy viên UBKT Quốc hội, kinh tế đã chạm đáy, bắt đầu phục hồi, vì vậy DN cần sẵn sàng kế hoạch cho chu kỳ mới theo hướng quan tâm nhiều hơn vào lĩnh vực cốt lõi của mình.

 

Lạm phát tiếp tục giảm, sản xuất có dấu hiệu tăng trở lại và tín dụng cho nền kinh tế bớt âm. Theo ông những tín hiệu này nói lên điều gì?

- Xét về tình hình vĩ mô, tôi cho rằng những khó khăn của kinh tế Việt Nam đã chạm đáy rồi và hiện giờ là trong giai đoạn hồi phục.

Riêng chỉ số CPI 6 tháng đầu năm giảm ở mức thấp, cần nhìn nhận rằng đây không phải do chi phí sản xuất giảm mà là kết quả tổng cầu giảm vì sức mua suy yếu. Do đó, tất cả những yếu tố này chỉ mang tính tạm thời, nếu Việt Nam không cẩn thận, lạm phát rất dễ bùng phát. Khi đó, cái vòng luẩn quẩn chống lạm phát lại giảm phát, đến khi chống giảm phát lại lạm phát đã diễn ra từ năm 2007 sẽ tái diễn thì rất nguy hiểm.

Thưa ông, dựa trên những cơ sở nào ông cho là kinh tế Việt Nam đã chạm đáy và đang trong quá trình hồi phục?

- Tôi có cơ sở về nhận định này. Đó là tăng trưởng kinh tế quý II ước đạt 4,5%, cao hơn mức 4% của quý I (mức đáy và không thể thấp hơn). Chỉ số phát triển doanh nghiệp cũng bắt đầu bớt tiêu cực hơn. 5 tháng đầu năm, có khoảng 21.800 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, tăng 9,5%, so với cùng kỳ. Tuy nhiên, riêng tháng 5, số doanh nghiệp “chết” đã bắt đầu giảm khoảng 10% so với tháng 4.

Ngoài ra, hàng tồn kho của doanh nghiệp cũng có xu hướng giảm dần, từ mức cao 34,9% của tháng 3 xuống lần lượt 32,1% và 29,4% trong tháng 4 và 5. Và đến 1/6 chỉ còn khoảng 26,4%.

Lãi suất cho vay tính đến 21/6 cũng đã giảm gần 3%, tiền đồng được cải thiện và ổn định hơn nhiều. Nhu cầu tiêu dùng bắt đầu quay trở lại, kích thích sản xuất. Một số yếu tố khách quan như giá dầu thô đã ổn định, kinh tế Mỹ cũng đã khởi sắc và điều đó giúp Việt Nam tăng xuất khẩu, đầu tư. Rõ ràng khủng hoảng đã chạm đáy và sự phục hồi đang diễn ra.

Vậy để đón đầu xu hướng phục hồi của nền kinh tế, theo ông Việt Nam nên làm gì?

-Trước hết, về phía doanh nghiệp cần sẵn sàng chuẩn bị cho chu kỳ tới, khi khó khăn qua đi sẽ có nguồn lực tốt để tăng tốc phát triển. Trong đó, một nguyên tắc cần ghi nhớ là xây dựng chiến lược phát triển hệ thống càng đơn giản càng tốt, tối đa hóa hoạt động để tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi.

Vấn đề quan trọng là doanh nghiệp cần nghiêm túc đánh giá lại năng lực của mình như: sử dụng nhân lực, nguồn vốn có hợp lý hay không, sản phẩm đã phù hợp với thị trường chưa…, từ đó đưa ra chiến lược phù hợp với thời điểm hiện tại.

Về phía cơ quan quản lý cần nhìn nhận rằng với tình hình này, nếu không có động tĩnh can thiệp gì thì CPI đến hết năm nay chỉ tăng khoảng 5-6%. Do đó, về chính sách, chúng ta cần chủ trương chuyển hướng chống lạm phát sang chủ động đưa CPI lên 8% vào cuối năm nay. Lúc đó, chính sách tài khóa sẽ có dư địa 3% để đưa tăng trưởng kinh tế lên khoảng 5,5% là đạt yêu cầu.

Tuy nhiên, để tránh rơi vào vòng luẩn quẩn, chống lạm phát lại suy giảm, chống suy giảm lại tăng lạm phát như tôi đã nêu... thì lần này Chính phủ có sự đổi mới cách làm. Theo đó, mặc cho nền kinh tế 'kêu than' dữ dội nhưng Thủ tướng chủ trương chỉ tăng tổng cầu trong kế hoạch chứ không phá kế hoạch. Thứ hai là chỉ hỗ trợ thị trường chứ không cứu doanh nghiệp bằng biện pháp hỗ trợ lãi suất như năm 2009.

Theo quan điểm cá nhân tôi, để hỗ trợ nền kinh tế, Chính phủ hiện nay đang có dư địa rất lớn từ hai công cụ là tiền tệ và tài khóa chứ không phải bế tắc như năm ngoái. Xét về chính sách tiền tệ, tính tới 21/6, tăng trưởng tín dụng chỉ mới trên dưới 0%. Như vậy, kế hoạch tăng trưởng 15-17% vẫn còn nguyên. Giả sử năm nay Việt Nam chỉ cần tăng trưởng tín dụng 10% thì từ giờ đến cuối năm, mỗi tháng sẽ cung ra thị trường khoảng 50.000 tỷ đồng.

Thứ hai về nguồn ngân sách (gồm đầu tư của nhà nước và trái phiếu), từ nay đến cuối năm mỗi tháng có thể bơm ra hơn 21.000 tỷ đồng. Vậy tổng cộng hai khoảng này mỗi tháng Việt Nam có thể bơm ra nền kinh tế 71.000 tỷ đồng để kích thích sản xuất, tăng trưởng GDP.

Với nguồn lực lớn như vậy, lãi suất lại liên tục được Ngân hàng Nhà nước cắt giảm trong khoảng thời gian vừa qua, nhưng thưa ông vì sao nền kinh tế vẫn thiếu vốn?

- Theo tôi đó là do Việt Nam đang vướng 'cục máu đông' là nợ xấu và sức mua thị trường suy yếu. Hai yếu tố này đã chặn lại dòng vốn ra thị trường. Từ nay đến cuối năm làm sao phải hấp thụ được lượng tiền 71.000 tỷ đồng mỗi tháng mới là vấn đề mấu chốt để thúc đẩy tăng trưởng.

Muốn vậy, trên góc độ chính sách tiền tệ, ngân hàng phải tập trung cho nông nghiệp nông thôn và gỡ khó dần cho bất động sản. Riêng cục máu đông nợ xấu, (không xét đến yếu tố thành lập công ty mua bán nợ Quốc gia 100.000 tỷ) thì trước hết, bản thân các ngân hàng phải có trách nhiệm giải quyết.

Theo đó, tôi cho rằng, những nhà băng trong nhóm G14 có lãi, cần trích lập dự phòng 70% cho nợ xấu, phần còn lại các nhà băng khác dùng công cụ mua nợ để giảm nợ xấu xuống. Bằng mọi giá, trong năm nay phải giảm cục máu đông này thì mới mong khai thông được nguồn vốn.

Hiện nay, việc Ngân hàng Nhà nước cho các nhà băng được tự do thỏa thuận lãi suất tiết kiệm dài hạn với khách hàng nhưng vẫn siết kỳ hạn ngắn khiến nhiều người lo ngại xảy ra tình trạng lách luật và làm méo mó thị trường. Ông nhận định sao về chủ trương này?

- Tuy hiện nay vấn đề thanh khoản của hệ thống ngân hàng cơ bản đã được giải quyết, nhưng vẫn còn căng thẳng đối với một vài nhà băng nhỏ. Do đó, nếu tự do hóa lãi suất vào thời điểm này, các nhà băng yếu kém có thể đẩy cao lãi suất huy động để hút vốn bù đắp thanh khoản, châm ngòi cho cuộc đua lãi suất. Khi đó, mặt bằng chung sẽ bị đẩy lên cao càng gây khó cho nền kinh tế.

Theo tôi, chỉ khi nào giải quyết được cục máu đông nợ xấu và xử lý triệt để các ngân hàng yếu kém thì mới dỡ trần lãi suất được. Và đến khi kinh tế thực sự ổn định thì phải bỏ các biện pháp hành chính, trả lại theo cơ chế thị trường.

Theo Lệ Chi

VnExpress

 

 


FDI: Sao phải giữ bằng mọi giá?

Ngày đăng : 28/06/2012 - 9:42 AM

 

 

Đang có sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Việt Nam sang những nước khác, do một số lợi thế cạnh tranh NHƯ nhân công rẻ, các ưu đãi về thuế, đất đai đang dần hết tác dụng.

 

FDI là khu vực đóng góp khá lớn cho nền kinh tế Việt Nam và vì thế, theo một số ý kiến, sự ra đi của dòng vốn này rất đáng báo động.

 

Thế nhưng, nhìn lại những gì Việt Nam có được sau 25 năm thu hút FDI, Tiến sĩ Đặng Xuân Thanh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, cho rằng nên chấp nhận sự ra đi của một số nhà đầu tư nước ngoài, thậm chí là tạo điều kiện để họ ra đi.

 

Việt Nam đã được những gì sau 25 năm thu hút FDI?

 

Từ khi có Luật Đầu tư nước ngoài (năm 1987) đến nay, Việt Nam đã thu hút trên 200 tỉ USD vốn đăng ký, hơn 90 tỉ USD vốn thực hiện. Dòng vốn này đã đóng góp 56% cho xuất khẩu, trên 1/4 tổng sản phẩm quốc nội và tạo ra hơn 2 triệu việc làm.

 

Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy có tới 67% doanh nghiệp FDI đầu tư vào những ngành có giá trị gia tăng thấp. Phần lớn họ đều có trình độ công nghệ thấp, tập trung khai thác tài nguyên, gia công lắp ráp, sử dụng lao động giá rẻ, ít kỹ năng.

 

Đó là chưa kể đến việc không ít doanh nghiệp FDI trốn thuế hoặc chuyển giá và đặc biệt là từ 30-50% doanh nghiệp FDI báo lỗ. Liệu có tình trạng lỗ giả, lãi thật hay không thì còn phải xem xét thêm. Nhưng đã thấy có chuyện họ khai thác tài nguyên bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường như vụ việc của Vedan, Miwon hay TungKuang.

 

Trong khi đó, chỉ khoảng 5% doanh nghiệp FDI là hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao như Samsung, Foxconn; 5% số dự án khác thuộc ngành dịch vụ, khoa học công nghệ; 3,5% thuộc lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bảo hiểm.

 

Nhìn chung, sau 25 năm, chúng ta vẫn chưa có một chiến lược thu hút FDI tạo sự lan tỏa cho nền kinh tế.

 

Đây có phải là nguyên nhân khiến dòng vốn FDI đang chảy sang những nước khác trong khu vực?

 

Lý do các chuyên gia kinh tế đưa ra là cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã làm sụt giảm đầu tư FDI trên bình diện toàn cầu. Vì thế, dòng vốn vào Việt Nam cũng bị sụt giảm. Tuy nhiên, số liệu thống kê cuối năm 2011 cho thấy FDI trên toàn cầu đã phục hồi trở lại ở mức trước khủng hoảng là 1.500 tỉ USD. Trong khi đó, vốn vào Việt Nam lại giảm khá nhanh và liên tục từ năm 2011 đến nay.

 

Một thực tế là chúng ta chưa tận dụng tốt dòng vốn FDI để có công nghệ hiện đại và quản lý tiên tiến, nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều đó cho thấy chính sách thu hút FDI của Việt Nam tương đối dễ dãi và đặc biệt là thiếu chọn lọc. Nghịch lý ở chỗ, đó chính là nguyên nhân giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài ở lại Việt Nam nhằm tiếp tục khai thác tài nguyên, đất đai giá rẻ, lao động rẻ. Vì thế, chúng ta cũng không nên quá lo ngại về việc dòng vốn FDI có trình độ công nghệ và quản lý thấp chuyển sang những nước khác.

 

Vấn đề là ở chỗ chúng ta có tạo được lợi thế cạnh tranh mới, nâng cao được năng lực cạnh tranh quốc gia để thu hút dòng vốn FDI có công nghệ cao hơn, trình độ quản lý tiên tiến hơn hay không. Việc thay máu FDI sẽ giúp Việt Nam tái cơ cấu và thay đổi mô hình tăng trưởng, chuyển dịch lên mắt xích cao hơn trong chuỗi giá trị gia tăng khu vực và toàn cầu.

 

Có vẻ một số nước như Myanmar, Campuchia, Bangladesh đã rút được kinh nghiệm từ Việt Nam và đang cải cách mạnh mẽ để tranh thủ dòng FDI?

 

Chuyện dịch chuyển chắc chắn sẽ xảy ra khi lợi thế cạnh tranh giảm đi và Campuchia, Myanmar, Bangladesh chắc chắn sẽ tận dụng cơ hội khi chúng xuất hiện. Hiện nay, khi Việt Nam tụt hạng về môi trường kinh doanh nói chung và về thị trường tài chính, thị trường bán lẻ nói riêng, đặc biệt là khi kinh tế vĩ mô vẫn chưa phục hồi thì các nhà đầu tư nước ngoài hoàn toàn có lý do để cân nhắc chuyển vốn sang nước khác.

 

Nghĩa là chúng ta chấp nhận sự dịch chuyển này?

 

Giống như một cuộc đua thuyền buồm, người đi sau sẽ rút kinh nghiệm để không phạm sai lầm của người đi trước. Trong trường hợp này, các nước nói trên có thể rút kinh nghiệm từ Việt Nam để rút ngắn quá trình thu hút vốn đầu tư nhằm phục vụ công cuộc hiện đại hóa, công nghiệp hóa nước họ.

 

Như đã nói, không nên và cũng không thể kìm hãm sự dịch chuyển vốn đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài. Và chúng ta không thể mãi cạnh tranh bằng giá nhân công rẻ, bằng ưu đãi đất đai, tài nguyên môi trường. Vì thế, cần phải tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện sự dịch chuyển đó.

 

Vậy chúng ta phải làm gì để có thể thu hút dòng vốn FDI mới?

 

Trong cuộc đua này, có thể những nước đi trước cũng bị mất đi lợi thế một cách nhanh chóng. Do đó, về dài hạn, chúng ta phải tạo ra những ưu thế cạnh tranh cao hơn, vượt trội hơn, thông qua việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cấp nguồn nhân lực. Còn trong ngắn hạn thì cần ổn định tình hình vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế, trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công. Đặc biệt cụ thể hơn là cải cách đất đai, tiền lương, cải cách hành chính và an sinh xã hội.

 

Một điều nữa là cần tránh cấp phép FDI một cách thiếu chọn lọc, tràn lan, hạ thấp chuẩn mực mà Việt Nam cần phải có trong tương lai để nâng cao tầm vóc của mình.

 

Theo Vũ Dũng

NCĐT

 

 


“Vốn FDI từ châu Âu vào Việt Nam có thể sắp tăng trở lại”

Ngày đăng : 27/06/2012 - 9:08 AM

 

 

Tiến trình đàm phán thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam có thể mở đường cho hoạt động đầu tư nước ngoài (FDI) của EU vào Việt Nam tăng trở lại.

 

Đây là thông tin mà Đại sứ Franz Jessen, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam, đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn của hãng tin tài chính Bloomberg. Theo ông Jessen, hôm nay (26/6), Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng sẽ có cuộc gặp với Cao ủy thương mại EU Karrel De Gucht ở Brussels để công bố về cuộc đàm phán.

Việc các công ty từ EU quan tâm trở lại thị trường Việt Nam có thể chặn đà suy giảm của vốn FDI vào Việt Nam suốt từ năm 2008. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, vốn FDI cam kết vào Việt Nam đã giảm 26% trong năm 2011 so với năm 2010. Trong 5 tháng đầu năm nay, lượng vốn FDI cam kết giảm thêm 32% do ảnh hưởng của suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu và các nỗ lực chống lạm phát của Việt Nam khiến tăng trưởng đi xuống. Trong quý 1 năm nay, GDP của Việt Nam chỉ tăng 4%, mức thấp nhất kể từ năm 2009.

Ông Jessen cho rằng, Hiệp định thương mại tự do (FTA) có thể sẽ đảo ngược xu hướng giảm của vốn FDI vào Việt Nam, “vì nếu tiến trình đàm phán diễn ra nhanh chóng, các công ty sẽ điều chỉnh theo”.

EU là nhà đầu tư lớn thứ tư vào Việt Nam trong năm 2011, với vốn FDI cam kết đạt 1,77 tỷ USD, chiếm hơn 12% tổng vốn cam kết vào Việt Nam năm ngoái - theo số liệu từ EU. Nhà sản xuất xe máy Piaggio từ Italy và hãng điện thoại Nokia của Phần Lan là hai trong số những công ty đầu tư sản xuất tại Việt Nam.

Theo ông Jessen, các điều kiện đầu tư ở Việt Nam cũng sẽ là một chủ đề trong các cuộc đàm phán FTA giữa hai bên. Trong đó, minh bạch môi trường kinh doanh là một yếu tố có thể ảnh hưởng tới quyết định của các công ty.

“Các công ty châu Âu hoạt động dưới các quy định ngặt nghèo về chống tham nhũng và đi theo những quy tắc rất chặt chẽ. Điều tôi muốn nói ở đây là nếu chúng ta muốn kích thích đầu tư vào Việt Nam, một trong những việc phải làm là đảm bảo một môi trường kinh doanh minh bạch và lành mạnh”, ông Jessen phát biểu.

Bên cạnh những vấn đề thương mại tự do mang tính “tiêu chuẩn” như giảm hàng rào thuế quan, thuận lợi hóa thương mại và thủ tục hải quan sẽ nằm trong số những lĩnh vực “thú vị” được đem ra đàm phán trong cuộc đàm phán FTA giữa EU và Việt Nam, ông Jessen cho hay. Ngoài ra, bảo vệ quyền sở hữu cũng là một “vấn đề lớn” của cuộc đàm phán.

Ông Jessen cũng cho biết, EU có kế hoạch mở trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp tại Hà Nội và Tp.HCM vào năm nay và đầu năm tới để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài ra, EU cũng sẽ mở các trung tâm tương tự ở Indonesia, MalaysiaPhilippines.

Việt Nam là thành viên thứ ba của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tham gia đàm phán FTA với EU, sau SingaporeMalaysia.

Theo An Huy
VnEconomy

 

 


 

Tin mới cập nhật