Lặng lẽ nữ doanh nhân quyền lực đất Bắc

Ngày đăng : 17/05/2012 - 1:36 PM

 

Một nhân vật quyền lực, nổi tiếng nhưng lặng lẽ. Khi nhiều người biết được điểm đến nào đó thì bà đã đi qua rồi…

Một ngày đẹp trời, vòng quanh Hồ Gươm, quãng 22 - 32 Lê Thái Tổ, thấy có gì đó mới. Siêu thị Intimex quen thuộc nay hơi lạ, có sự xuất hiện bề thế của hệ thống nhận diện thương hiệu Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) sát kề.

Biết chuyện, cũng chẳng lạ. Vì ở đây có mối liên hệ theo cách khá quen thuộc. SeABank nằm cạnh Intimex cũng giống như sự đan chéo sản phẩm, tiếp thị giữa ngân hàng này với các địa chỉ khác trong lĩnh vực ôtô, du lịch, thể thao, bất động sản… khoảng dăm năm trở lại đây. Những mối liên hệ đó xoay quanh cái tên Nguyễn Thị Nga.

Ẩn sau những thương vụ lớn

Thảng vài lần bà Nguyễn Thị Nga xuất hiện trên báo chí. Không phải nói về mình, không phải nói về cách kinh doanh, càng không phải gắn với tiếng tăm về tài sản như thông tin thường thấy về các đại gia; mà chủ yếu từ nội dung cuộc họp nào đó về hoạt động ngân hàng, như là yêu cầu của công việc.

Chính vì vậy, với đại chúng, nữ doanh nhân 57 tuổi này có lẽ ít nhiều còn “xa lạ”. Thường thì cái tên Nguyễn Thị Nga chỉ được nhắc đến trong các thông tin thời sự khi một thương vụ nào đó liên quan đã được hoàn tất.

Như sự sóng đôi của cặp thương hiệu Intimex - SeABank trên phố Lê Thái Tổ, người quan tâm nhận thấy để rồi mới nhớ lại, hoặc tìm sự kết nối. Cả hai doanh nghiệp này đều có chung vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Dấu ấn của mối liên hệ có từ ba năm về trước.

Ngày 15/6/2009, sau 30 năm hoạt động, lịch sử Công ty Cổ phần Intimex Việt Nam sang trang khi tổ chức đại hội đồng cổ đông lần đầu tiên. Sự kiện này gắn với những thay đổi quyết liệt từ nhóm cổ đông lớn, mà đại diện là bà Nguyễn Thị Nga, nắm tới 46,05% vốn điều lệ. Quyết liệt bởi Intimex thời điểm đó có nhiều sóng gió…

Bà Nga, Chủ tịch Hội đồng Quản trị SeABank, trở thành Chủ tịch Hội đồng Quản trị Intimex. Điểm hẹn trên phố Lê Thái Tổ không phải là tình cờ. Trước đó, các giao dịch cổ phần giữa Intimex liên quan đến Công ty Chứng khoán Đông Nam Á (SeASecurities - một công ty khác cũng nằm trong hệ thống của nữ doanh nhân này) cũng đã được thị trường biết đến.

Gần đây nhất, hẳn nhiều nhà đầu tư bất động sản phải giật mình khi hay tin khách sạn 5 sao Hilton Opera Hà Nội đã được doanh nghiệp Việt Nam mua lại từ chủ sở hữu nước ngoài (Đức và Áo). Đó là tập đoàn BRG mà Chủ tịch chính là bà Nguyễn Thị Nga. Thương hiệu và địa thế vàng của khách sạn này đủ để khiến họ giật mình; mặt khác, một vụ sang tay lớn như vậy lại diễn ra trong lặng lẽ.

Và ẩn số sở hữu…

Lặng lẽ là điểm chung trong nhiều dự án khác của nữ doanh nhân quyền lực này. Thế nên thực khó để lượng định một quy mô sở hữu. Song, có thể nhận thấy sự đồ sộ của hệ thống kinh doanh mà người phụ nữ này đang làm chủ và điều hành.

Trước hết, khoản đầu tư của bà Nguyễn Thị Nga được nhiều người biết đến hơn chục năm về trước, gắn với Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank). Năm 2005 - 2006 bà Nga làm Chủ tịch Techcombank. Một năm sau đó bà chuyển sang SeABank với cương vị Chủ tịch, và đây có thể xem là thời điểm sức kinh doanh bắt đầu lan tỏa mạnh mẽ, dù tính hiệu quả của SeABank gần đây là một vấn đề khác.

Một tập hợp có hệ thống và tương đối đầy đủ về sức lan tỏa đó mới chỉ chính thức xuất hiện. Qua đó, cho thấy sự có mặt ở hầu khắp các lĩnh vực hấp dẫn của nền kinh tế, từ tài chính - ngân hàng đến chứng khoán, bất động sản, du lịch - khách sạn, thương mại - xuất nhập khẩu, thể thao cho đến ôtô - xe máy…

Định hình lại là hoạt động và sở hữu của tập đoàn BRG (BRG Group) mà bà Nguyễn Thị Nga là người đứng đầu với 13 công ty thành viên cùng hàng chục dự án.

Đó là Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank), Công ty Chứng khoán Đông Nam Á (SeASecurities), sân golf quốc tế Đảo Vua (Kings’ Island Golf Course), khu nghỉ dưỡng ven biển và sân golf quốc tế Đồ Sơn (Doson Seaside Golf Resort), khu vui chơi giải trí thể thao và sân golf quốc tế Legend Hill (Legend Hill Golf Resort), khách sạn Hilton Hanoi Opera, khách sạn Hilton Garden Inn, khách sạn Sông Nhuệ, tòa nhà văn phòng cao cấp Oriental Tower, khu căn hộ Oriental Palace, showroom Honda Ôtô Tây Hồ, Honda Ôtô Hải Phòng, dự án Thung lũng Nữ hoàng và còn loạt dự án đang và sẽ triển khai như Oriental Garden, Oriental Plaza, Oriental Sun, Oriental Pearl, Oriental West Lake…

Một hệ thống dày đặc và đồ sộ như vậy, thực khó để lượng định bằng các con số ồn ào. Song, chính vì hầu hết dữ liệu kinh doanh của hệ thống cũng “lặng lẽ” như người chủ, khiến quy mô sở hữu vẫn là ẩn số.

Giả sử hệ thống đó đồng loạt lên tiếng trên sàn niêm yết, có lẽ bản danh sách cập nhật những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam những năm gần đây đã có một kết quả rất khác…

NGUYÊN HỒNG

Theo VnEconomy

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Cà phê cuối tuần: “Ghế nóng” tại Techcombank

Ngày đăng : 11/05/2012 - 3:08 PM

 

“Ghế nóng” tại Techcombank lúc này giống như áp lực kế nhiệm vị trí huấn luyện viên CLB Barcelona sau sự ra đi của Pep Guardiola vậy.

Ông Simon Morris dẫn so sánh đó trong lần đầu tiên tiếp xúc với VnEconomy sau bốn tháng tiếp nhận vị trí Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).

Cuộc trò chuyện diễn ra sau khi ông Morris vừa rời đại hội đồng cổ đông thường niên 2012 của Techcombank, mà tại đây ông Nguyễn Đức Vinh - người tiền nhiệm - xin từ nhiệm vị trí Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị, sau khi đã chuyển giao vai trò điều hành cao nhất hồi tháng 1/2012.

“Cà phê cuối tuần” kỳ này, VnEconomy giới thiệu cuộc trò chuyện với ông Simon Morris, xoay quanh sự chuyển giao đó tại Techcombank.

“Phải có ai đó bắt đầu chứ!”

Tổng giám đốc là người nước ngoài vẫn còn khá mới mẻ tại các ngân hàng Việt Nam. Ông nói gì về điều này và ông đến với Techcombank như thế nào?

Hình như mọi người đã quá chú trọng đến việc tôi là CEO nước ngoài đầu tiên tại ngân hàng Việt Nam. Cuối cùng thì phải có một người nào đó bắt đầu chứ. Chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu, đang nhìn thấy hoạt động của rất nhiều ngân hàng trên thế giới không riêng gì ở một địa phương hay một đất nước nào đó, nên việc tôi là CEO người nước ngoài cũng là chuyện bình thường.

Tôi đã có 25 năm làm việc cho Standard Chartered, nhiều năm làm CEO cho ngân hàng này tại các quốc gia như Brunei, Sri Lanka, Philippines, Indonesia. Tôi thấy có 2 đất nước rất hấp dẫn mà tôi mong muốn đến làm việc là Thái Lan và Việt Nam. Thế rồi tôi rất bất ngờ và hào hứng khi nhận được lời mời từ Techcombank sang Việt Nam làm việc. Tôi còn vui hơn nữa khi biết đây là một ngân hàng đang có thành tích tăng trưởng và phát triển rất tốt.

CEO của một ngân hàng lớn, có thành tích phát triển tốt như ông nói thì đồng nghĩa với áp lực lớn? Với ông còn là những khác biệt về văn hóa, môi trường pháp lý và đặc thù cạnh tranh của thị trường…

Tất nhiên là sẽ có những khác biệt về văn hóa. Tuy nhiên là một người quản lý quốc tế thì anh cần phải có đủ nhạy cảm để cảm nhận và xem xét các đặc điểm văn hóa vùng miền để đưa vào cách quản lý điều hành của mình cho phù hợp. Tại Việt Nam, tôi nhận thấy một điều là mọi người làm việc rất chăm chỉ. Tôi vô cùng ấn tượng về tài năng và sự cần cù trong công việc của các cán bộ nhân viên tại ngân hàng.

Về các quy định pháp lý, như tôi đã nói tôi từng làm việc tại nhiều quốc gia khác nhau trong một thời gian dài nên tôi thấy những quy định về pháp lý giữa các nước, đặc biệt là các nước tại châu Á, cũng không khác nhau nhiều lắm. Có nhiều thứ giống hệt nhau. Nhưng cho dù có những khác biệt về quy định pháp lý hay văn hóa đi nữa thì ngân hàng vẫn là ngân hàng.

Ông đến Việt Nam trong bối cảnh ngành ngân hàng đang tái cơ cấu mạnh mẽ, bản thân ông và Techcombank đã chuẩn bị những gì?

Mục đích của việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là nhằm tạo ra một hệ thống ổn định hơn, bền vững hơn. Thách thức từ việc tái cơ cấu đối với mỗi ngân hàng là khác nhau tùy thuộc vào khoảng cách giữa vị trí hiện tại của họ với mức mà Ngân hàng Nhà nước mong đợi. Bất cứ ngân hàng nào, bất cứ đất nước nào cũng cần cải thiện hơn nữa để phát triển, kể cả ngân hàng chúng tôi.

Với Techcombank, chúng tôi đang đồng hành cùng với cổ đông chiến lược HSBC, là một trong những ngân hàng hàng đầu thế giới với sự tư vấn chiến lược của McKinsey, có nghĩa là chúng tôi đang hướng đến những tiêu chuẩn cao hơn. Cá nhân tôi đánh giá khoảng cách của Techcombank so với tiêu chuẩn cao là ngắn hơn so với một số ngân hàng khác trong nước.

Nhặt “táo hỏng” là yêu cầu rõ ràng…

Lúc nãy ông có nói có những tương đồng giữa thị trường Việt Nam so với những thị trường mà ông đã kinh qua. Nhưng ở Việt Nam có những đặc điểm có thể ảnh hưởng lớn tới hoạt động của các ngân hàng thương mại. Ví dụ như cơ chế trần lãi suất, chuyện “hai tỷ giá”… có tại nhiều thời điểm trong quá khứ, dẫn tới nhiều rủi ro về pháp lý, về nghiệp vụ, về đạo đức. Ông ứng xử với những khác biệt đó như thế nào?

Rõ ràng có những khác biệt như vậy, bên cạnh những điểm tương đồng. Mỗi cơ quan hữu quan tại mỗi quốc gia đều có phương pháp khác nhau, nhưng có một điểm chắc chắn là khi nền kinh tế trải qua giai đoạn khó khăn, người ta mong đợi nhà điều hành tham gia nhiều hơn vào thị trường hơn, đúng không?

Cho đến nay tôi chưa nhận thấy có một cái gì đó gọi là ngạc nhiên lớn cả. Tôi tin rằng sự hiểu biết của Ngân hàng Nhà nước đối với thị trường là rất cao, họ biết rõ cần phải làm gì. Rõ ràng chúng ta có vấn đề về triển khai. Khi chống lạm phát chúng ta đẩy lãi suất, nhưng tỷ lệ tăng trưởng GDP thì lại thấp, cho nên mọi người phải cố gắng xoay xở để tìm một sự cân bằng nào đó.

Còn với những thực tế cạnh tranh không lành mạnh, như tình trạng vượt trần lãi suất huy động thời gian qua, thưa ông?

Trong một rổ táo, một vài quả táo bị hỏng chẳng hạn, thì quả táo đó sẽ gây ảnh hưởng đến cả rổ táo.

Ở Việt Nam có câu gần như vậy, “con sâu làm rầu nồi canh”…

Vâng. Tôi tin Ngân hàng Nhà nước đã nhận ra được vấn đề đó. Thậm chí họ đã có những bước đi để sao cho các ngân hàng yếu không hoạt động một cách độc lập và cạnh tranh không lành mạnh như vậy, mà bị tiếp quản bởi những ngân hàng lớn hơn. Nếu nhìn nhận ở quan điểm đó thì hệ thống ngân hàng Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển đổi.

Qua chuyển đổi hay quá trình tái cơ cấu hiện nay, theo ông Việt Nam sẽ có bao nhiêu ngân hàng là đủ?

Nếu các ngân hàng đều tốt, cùng cạnh tranh lành mạnh thì không cần quan tâm đến con số bao nhiêu.

Còn như ở câu chuyện rổ táo, nếu không nhặt táo hỏng ra thì một thời gian sau nó sẽ làm hỏng luôn cả rổ. Điều đó là rất rõ ràng.

Lương thưởng chỉ là một phần…

Trở lại với công việc của ông. Ông Nguyễn Đức Vinh đã từ nhiệm, với bất cứ lý do nào thì công chúng vẫn ghi nhận đó là một CEO xuất sắc của ngành ngân hàng, gắn với sự đi lên của Techcombank trong hơn chục năm qua. Đó cũng là áp lực cho người kế nhiệm. Vậy ông nói gì khi ngồi vào “ghế nóng” CEO của Techcombank?

Đúng là nóng (cười…). Ông Vinh là một lãnh đạo giỏi, đã dẫn dắt Techcombank rất thành công trong 12 năm qua.

Ở đây tôi xin dẫn một ví dụ trong lĩnh vực bóng đá. Huấn luyện viên đội bóng Barcelona, ông Guardiola đang chuẩn bị kết thúc hợp đồng. Ông là một trong những huấn luyện viên xuất sắc và thành công nhất của câu lạc bộ này. Barcelona sẽ phải có ai đó tiếp bước ông ấy dẫn dắt đội bóng.

Tôi nghĩ rằng với vai trò là một CEO thì rõ ràng sẽ luôn có người tiền nhiệm và  người kế nhiệm. Đối với tôi khi làm việc tại Techcombank, tôi đã có một nền tảng vững chắc với hơn 8.300 nhân viên cũng như có một ngân hàng mạnh, thương hiệu tốt. Chúng tôi đang cùng nỗ lực để kết nối hơn 8.300 trái tim đó thành một sức mạnh tổng thể để đạt đến những thành công mới.

Vậy, áp lực phải dẫn dắt ngân hàng ở thế đi đầu trên thị trường như thế nào, bởi những năm qua Techcombank thường là đi trước các đối thủ ở nhiều sản phẩm, dịch vụ?

Đúng là vậy! Chúng tôi luôn tìm cách để làm sao cho giao dịch với ngân hàng ngày càng dễ dàng hơn, tiện lợi hơn, phải hiểu rõ khách hàng hơn để đưa ra những sản phẩm phù hợp chứ không phải chạy theo và sao chép sản phẩm của các ngân hàng khác. Chúng tôi phải tạo ra được những sản phẩm mà khách hàng cần vì sẽ là không hợp lý và hiệu quả khi đưa ra những ý tưởng mới mà không ai cần đến nó.

Thực tế qua bốn tháng tiếp nhận công việc, ông nhận thấy có những thuận lợi và khó khăn gì khi điều hành Techcombank?

Điểm bất lợi duy nhất đối với một người nước ngoài như tôi là rào cản ngôn ngữ. Còn lại tôi nhìn nhận là thuận lợi.

Tôi được tiếp nhận một ngân hàng năm ngoái có lợi nhuận trên 4.000 tỷ đồng, có thương hiệu mạnh, có quan hệ chiến lược với HSBC, có hệ thống mạng lưới rộng khắp, và trên hết là những con người tuyệt vời, bởi vì chính yếu tố con người mới là yếu tố thúc đẩy, tạo được sự khác biệt. Là lãnh đạo ngân hàng, nhiệm vụ của tôi là tạo được môi trường thuận lợi cho những tài năng đó phục vụ tốt nhất cho ngân hàng.

Như lúc nãy chúng ta có nói đến câu chuyện “ghế nóng”, dù nóng thế nào thì tôi cũng may mắn khi có cơ hội tiếp nhận một ngân hàng như thế này. Tôi rất hài lòng và vui sướng khi làm việc tại đây. Chủ tịch Hội đồng Quản trị Techcombank là một người rất năng động, giàu kinh nghiệm, thậm chí tôi còn học được rất nhiều khi làm việc với ông ấy. Và mỗi chúng ta thì không bao giờ ngừng học hỏi.

Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm ở các thị trường khác mà ông sẽ áp dụng ở Việt Nam chứ, như để khai thác tốt hơn nguồn lực của Techcombank?

Một trong những mục tiêu hàng đầu của tôi tại đây là tạo được một môi trường làm việc, là nơi tạo cơ hội thành công cho mọi người. Mỗi người làm việc tại ngân hàng đang dành thời gian mỗi ngày tại ngân hàng nhiều hơn là ở gia đình mình. 

Tôi muốn tạo ra được môi trường mà nhân viên của mình thích thú làm việc, có cơ hội thể hiện hiệu quả công việc tốt nhất, có cơ hội thăng tiến nhanh chóng đúng như nhu cầu của họ. Họ được công nhận và có phần thưởng xứng đáng với những gì họ đóng góp.

Hơn 8.300 cán bộ nhân viên ở đây, mỗi người có những khác biệt. Có những người có tham vọng lớn, nhưng cũng có những người chỉ bắt đầu ngày làm việc từ 8 giờ sáng và kết thúc vào 5 giờ chiều mà thôi. Nhưng cuối cùng, họ làm việc là đều vì gia đình mình. Vậy thì chúng tôi phải tạo điều kiện cho họ.

Tôi tin với đội ngũ nhân viên hiện nay, khi họ có những điều kiện và môi trường cần thiết thì chúng tôi sẽ tiếp tục tạo nên những thành công mới.

Với cá nhân ông, ông có thể tiết lộ về chế độ tại Techcombank?

Tôi chỉ có thể nói một câu là đủ sức cạnh tranh để kéo tôi về đây.

Một điểm tôi nhận thấy ở Techcombank là tôi rất thích Hội đồng Quản trị, tôi thích tham vọng của họ. Tôi đã đọc được những bài báo đã viết về ngân hàng và những thành tích họ làm được. Ở đất nước này còn nhiều cơ hội tuyệt vời, nên bản thân tôi thấy mình vô cùng may mắn khi được làm việc ở đây. Lương thưởng chỉ là một phần trong đó mà thôi.

Còn với… đội bóng Barcelona, sau sự ra đi của Guardiola thì ông có tin tưởng rằng họ sẽ vẫn là đội bóng hàng đầu thế giới chứ?

Điều này còn tùy thuộc vào người sẽ dẫn dắt họ. Chúng ta cần hai tay để vỗ. Đội bóng, cầu thủ kỹ năng vẫn thế, còn huấn luyện viên mới có thể sẽ làm cho anh chơi tốt lên hoặc chơi tệ đi. Nhưng Barca dù thế nào vẫn là một đội đẳng cấp thế giới.


Theo MINH ĐỨC

VnEconomy


Tỷ phú Microsoft ngày càng nghèo so với CEO Facebook

Ngày đăng : 04/05/2012 - 3:14 PM

 

Đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) để huy động 11,8 tỷ USD của công ty điều hành mạng xã hội Facebook, sẽ không chỉ làm cho tài sản của tỷ phú 27 tuổi Mark Zuckerberg tăng mạnh, mà còn nâng Facebook lên thành một trong những công ty giá trị nhất ở Mỹ, hãng tin tài chính Bloomberg cho hay.

Theo hồ sơ vừa được Facebook đệ trình hôm qua (3/5), cổ phiếu của mạng xã hội lớn nhất hành tinh này sẽ được định giá từ 28 - 35 USD trên tổng số 337,4 triệu cổ phiếu bán ra. Với mức giá cao nhất, số cổ phần trong tay Zuckerberg sẽ có giá 17,6 tỷ USD. Theo đó, đồng sáng lập Facebook sẽ giàu hơn cả CEO Microsoft Steve Ballmer và tỷ phú thép người Nga Vladimir Lisin. Cả Ballmer và Lisin đều có số tuổi lớn gấp đôi Zuckerberg.

Trong bảng xếp hạng tài sản các tỷ phú công nghệ do Bloomberg thống kê và công bố hồi giữa tháng 3 năm nay, tài sản của Giám đốc điều hành "người khổng lồ" phần mềm Microsoft là hơn 15 tỷ USD. Theo đó, ông này nằm trong số 10 tỷ phú công nghệ giàu nhất hành tinh, cùng với Bill Gates, Larry Ellison, Michael Dell... Tuy nhiên, ngay ở thời điểm này, tài sản của Steve Ballmer cũng đã thua kém khá nhiều so với Mark Zuckerberg.

Trước đó, Facebook đã ấn định thời điểm phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào ngày 18/5 tới đây. Facebook sẽ bắt đầu lộ trình IPO của mình vào ngày 7/5 và lộ trình này sẽ kéo dài 11 ngày nhằm thuyết phục các nhà đàu tư mua cổ phiếu của công ty. Giám đốc điều hành của Facebook, Mark Zuckerberg dự kiến sẽ xuất hiện tại một số sự kiện quảng bá chương trình phát triển của mạng xã hội này tới các nhà đầu tư tiềm năng.

Facebook đã chính thức đệ trình hồ sơ xin IPO lên Ủy ban Chứng khoán Mỹ từ đầu tháng 2 năm nay. Theo giới phân tích, nếu đợt chào bán cổ phiếu lần đầu tới đây của Facebook gặt hái được thành công, nghĩa là thu hút được lượng vốn như mong đợi của hãng, thì đây sẽ là vụ IPO lớn nhất từ trước tới nay trong số các công ty thuộc lĩnh vực Internet lên sàn. Vị trí này trước giờ vẫn thuộc về "gã khổng lồ" tìm kiếm trực tuyến Google.

Trong hồ sơ xin IPO, Facebook cho biết, tính đến ngày 31/12/2011, doanh thu của công ty đã đạt 3,7 tỷ USD (tăng 47% so với năm 2010), lợi nhuận ròng của công ty tăng 65% lên 1 tỷ USD, số thành viên là 845 triệu, trong đó có hơn một nửa đang sử dụng mạng xã hội Facebook mỗi ngày và khoảng một số lượng lớn người dùng tương tự truy cập vào mạng xã hội phổ biến nhất thế giới này thông qua một thiết bị di động.

Dự kiến trong đợt quảng bá kế hoạch phát triển để chuẩn bị cho đợt IPO sắp tới, Facebook có thể sẽ công bố kết quả kinh doanh quý 1/2012 với doanh thu tăng 45%, lên gần 1,1 tỷ USD. Hãng cũng sẽ phải đối mặt với câu hỏi về việc chi phí tăng quá nhanh, khiến thu nhập ròng giảm 12%, xuống còn 205 triệu USD trong quý vừa qua. Thêm vào đó, vụ mua Instagram với giá 1 tỷ USD cũng sẽ là thắc mắc lớn của giới đầu tư cổ phiếu tiềm năng.

Facebook được thành lập năm 2004 bởi chàng sinh viên trẻ Zuckerberg ở Đại học Harvard. Nói về mạng xã hội này, Zuckerberg từng cho hay, "ban đầu Facebook không được tạo ra để trở thành một công ty. Facebook được xây dựng để thực hiện một nhiệm vụ xã hội là làm thế giới cởi mở hơn và được kết nối hơn. Chúng tôi cho rằng điều quan trong mà tất cả mọi người đầu tư vào Facebook hiểu nhiệm vụ này có ý nghĩa thế nào với chúng ta".

PHÚC MINH

VnEconomy


Ẩn số người kế nhiệm Warren Buffett

Ngày đăng : 01/05/2012 - 9:23 PM

 

Ẩn số người kế nhiệm Warren Buffett

 

Thông tin bất ngờ 'nhà thông thái của vùng Omaha' Warren Buffett bị ung thư tuyến tiền liệt khiến dư luận dậy sóng và đặt câu hỏi, ai sẽ là người đủ tiềm lực để tiếp bước ông.

.

Là một tay chơi bài lão luyện, Warren Buffett luôn biết cách giữ kín những "lá bài chủ chốt" đến phút cuối. Trong quá trình chọn người kế vị, ông không tiết lộ nửa lời về quyết định cuối cùng, cỉ bóng gió rằng đã chọn được 3 người, trong đó có hai nhân vật "dự bị". Thậm chí ngay cả người được chọn cũng không hay biết mình là "con chốt".

 

David Winters, một cổ đông trong hơn hai thập kỷ của Quỹ Wintergreen, nắm giữ 67 triệu cổ phiếu Berkshire nhận xét: "Người kế nhiệm sẽ là ai đó đáng kinh ngạc. Tôi đặt cược vào người không có một dấu ấn cá nhân nổi trội nào và không hề dây dưa đến những tin đồn".

 

Để khám phá bí ẩn này, Jason Zweig từ tạp chí Wall Street Journal, đã tham khảo ý kiến hai nhóm nghiên cứu tài chính. Đó là Paul Tetlock - Tim Scully của trường Columbia Business School và Richard Peterson từ công ty đầu tư MarketPsych tại Los Angeles. Điều này được tiến hành bằng cách phân tích lá thư ông Buffett gửi các thành viên ban điều hành Berkshire hàng năm.

 

Từ năm 1977, ông trùm đã viết gần 400.000 từ trong thư gửi các cổ đông và thường đề cập đến Ajit Jain, người đứng đầu tập đoàn tái bảo hiểm của Berkshire. Mức độ "quan tâm" này nhiều hơn tới 102 lần bất kỳ vị giám đốc nào của các tập đoàn con khác.

 

Tuy nhiên, Tad Montross, CEO của General Re, người đứng sau Jain về xếp hạng độ tin cậy, tỏ ra không hề kém cạnh khi được ông Buffet đề cập đến bằng các từ mang ý nghĩa tích cực về khía cạnh tài chính.

 

Tiếp cận dưới góc độ khác, Peterson đặt các đối thủ lên bàn cân dựa trên các tính từ ngợi khen ông Buffett dùng để nhận xét về họ. Kết quả cho thấy trong số các giám đốc điều hành hiện nay từng được Buffett khen ngợi hết lời, đứng đầu là Danny Goldman, giám đốc tài chính của Iscar với nhận xét "xuất sắc" trong lá thư năm 2009. Trong khi đó, Jain đứng cuối bảng khi chỉ được đánh giá "gây ngạc nhiên" trong lá thư 2006.

 

Đến nay, người mà ông Buffett đề cập nhiều nhất là Ajit Jain. "Điều này được khẳng định ở mọi mặt: số lượng tài liệu tham khảo, số lượng từ hay đơn giản là số năm mà ông Buffett nói đến," Tetlock phân tích. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo, vì đây chỉ là một số lượng tương đối nhỏ các tài liệu tham khảo nên bất kỳ kết luận nào cũng cần thận trọng.

 

Một điều rõ ràng rằng, được ca tụng không có nghĩa anh được trao vương miện. Một số vị giám đốc điều hành từng được ông Buffett ngợi ca hào phóng trong quá khứ bao gồm cả David Sokol, Joe Brandon và Rich Santulli đã không còn ở Berkshire. Tuy nhiên, dựa trên phân tích văn bản "vẫn tốt hơn suy đoán suông, bởi nó căn cứ trên một nền tảng thống kê", Peterson nhấn mạnh bởi "xác suất chính xác hiển nhiên là cao hơn so với dự đoán ngẫu nhiên của các chuyên gia".

 

Theo Wall Street Journal, dù sao việc Hội đồng quản trị Berkshire biết rõ ai sẽ kế nhiệm ông Buffett là một điều khá kỳ lạ. Bởi theo David Larcker, một chuyên gia đang giảng dạy tại Khoa Thương mại của Đại học Stanford, lên kế hoạch chọn lựa người kế nhiệm ở hầu hết các công ty thường ít khả thi. "Hiếm khi chúng ta có sẵn một kế hoạch các công việc cụ thể cần phải làm vào cái ngày sau khi CEO của công ty qua đời", ông nói.

 

Ông Warren Buffett, chủ tịch kiêm CEO của tập đoàn Berkshire Hathaway, người đã điều hành tập đoàn này từ năm 1965, vừa tuyên bố bị ung thư tiền liệt tuyến. Căn bệnh được phát hiện trong giai đoạn đầu. Dù bị bệnh, ông Buffett ở tuổi 81 vẫn có sức khỏe khá tốt. Dù vậy, giới tài chính đầu tư vẫn không ngừng quan tâm đến ai sẽ là người kế nhiệm ông Buffet.

 

 

Theo Thuỳ Linh 

vnexpress/Wall Street Journal

 

   

       

   

 

 

 
 

Buffett vào top 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới

Ngày đăng : 20/04/2012 - 4:05 PM

 

Hôm qua (18/4), tạp chí uy tín Time đã công bố danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất tới thế giới hoặc đi tiên phong ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong năm qua. Một trong những gương mặt nổi bật đó là tỷ phú Warren Buffett.

Time viết, vào mùa xuân năm 1942, một cậu bé 11 tuổi tới từ Omaha đã quyết định thực hiện thương vụ lớn đầu tiên trong đời. Cậu dốc gần hết số tài sản của mình, khoảng 120 USD, để mua ba cổ phiếu của Cities Service Preffered. Tới tháng 6, cổ phiếu này tụt dốc thảm hại làm số tài sản của cậu gần như đi tong.

Nhưng cũng thật may mắn với Warren Buffett. Sau đó cổ phiếu của Cities Service Preffered hồi phục, cậu đã bán chúng đi, thu được một khoản lời nho nhỏ. Và trong suốt 70 năm sau đó, nhà đầu tư từ Omaha tiếp tục cuộc chơi cổ phiếu và lần lượt gặt hái được vô số thành công.

Time viết tiếp, ngày nay Warren Buffett không chỉ là một trong những người giàu nhất thế giới mà còn là một trong những cá nhân được ngưỡng mộ và kính trọng nhất. Ông đã hiến dâng phần lớn tài sản của mình cho những người trên thế giới đang phải chịu bệnh tật dày vò hoặc đổ mồ hôi sôi nước mắt kiếm kế sinh nhai.

Không những thế, Buffett còn bằng sự ảnh hưởng và vị trí của mình kêu gọi những người khác làm những điều tương tự. "Nhà tiên tri Obama" đã mang tới cho nhân loại rất nhiều bài học đáng quý trong suốt bao năm qua. Những câu chuyện, kinh nghiệm đầu tư của ông luôn là tâm điểm chú ý của mọi người.

Hôm 17/4, trong một bức thư gửi các cổ đông, Warren Buffett đã thừa nhận ông đang bị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn đầu. Dự kiến, từ trung tuần tháng 7 năm nay, ông sẽ đi điều trị hai tháng. Sau thông tin này, cổ phiếu của Bershire Hathaway, tập đoàn do ông làm chủ tịch kiêm giám đốc điều hành, đã giảm khá mạnh.

Ngoài tỷ phú Warren Buffett, danh sách bình chọn năm nay của Time còn có nhiều gương mặt đáng chú ý khác mang quốc tịch Mỹ như Tổng thống Mỹ Barack Obama, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Ben Bernanke. Đáng chú ý là lần đầu tiên số người nước ngoài lớn hơn số người Mỹ trong danh sách, trong đó có nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Số người ảnh hưởng lớn tới thế giới là nữ cũng chiếm một lượng khá lớn, với 38 người, nhiều nhất từ trước tới nay. Một điểm đáng lưu tâm khác là nhóm tin tặc ẩn danh Anonymous đứng sau hàng loạt vụ tấn công các website lớn trên thế giới cũng có tên trong danh sách vốn gồm toàn những người có tên, tuổi cụ thể này.

HOÀI AN


TS Lê Đăng Doanh: Bối cảnh mới, đòi hỏi mới

Ngày đăng : 07/04/2012 - 9:01 PM
 

Chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh chia sẻ với VnEconomy những nhận định của ông về tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay và vai trò của nhà nước trong quản lý kinh tế.

 

Cơ hội để doanh nghiệp nhìn lại mình

Thưa ông, con số doanh nghiệp phá sản và tuyên bố dừng hoạt động trong quý 1 nói lên điều gì?

Số doanh nghiệp mới đăng ký thì giảm 8% về số lượng và 12% về vốn, trong khi có tới 12 nghìn doanh nghiệp tuyên bố phá sản hoặc dừng hoạt động trong quý 1. Quan trọng hơn, con số ngừng hoạt động theo thông báo của cơ quan thuế là cao hơn con số do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra, chúng tôi thấy là nó tác động xấu đến thu nhập, việc làm của người lao động.

Cũng có ý kiến nói các doanh nghiệp ngừng hoạt động là doanh nghiệp “ma”, tôi nghĩ cần có sự điều tra khảo sát, phải có căn cứ rõ ràng hơn, không phải chỉ là doanh nghiệp nhỏ ngừng đâu, các công ty thép, chứng khoán, bất động sản đã giảm hoạt động rất nhiều. 

Về phía doanh nghiệp, đây là thời điểm để họ tự đánh giá mình. Doanh nghiệp cần sự chuyên nghiệp để tồn tại và phát triển. Nhiều doanh nghiệp bung ra trong vài năm trước thấy làm ăn dễ quá nên nghĩ là mình có thể kinh doanh, đó là cơ hội thị trường do việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tạo ra. Nhưng giờ khó khăn, mới thấy cần chiến lược và sự bài bản. 

Ông có thể “điểm danh” ngắn gọn những điểm hạn chế của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, và đâu là khó khăn lớn nhất của họ?

Qua phân tích thì có thể thấy cơ cấu xuất khẩu chậm thay đổi, giá trị gia tăng thấp, trình độ công nghệ thấp và ít được đầu tư, cải thiện. Đa số doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu hao năng lượng cao, chất lượng sản phẩm kém cạnh tranh. Nhiều doanh nghiệp chưa chú ý xây dựng thương hiệu, chưa có năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế. Đây là các vấn đề đã được đặt ra từ lâu nhưng chưa giải quyết được.

Hiện doanh nghiệp khó khăn lớn ở chỗ tiếp cận vốn và không trả được nợ cũ. Nợ cũ chưa trả thì không thể vay mới. Tại một số nước thì chính phủ mua lại nợ doanh nghiệp, để doanh nghiệp có thể hoạt động trở lại, vay vốn trở lại. Chính phủ có cổ phần trong các doanh nghiệp và nếu điều hành khéo thì thậm chí chính phủ cũng có lãi. Tuy nhiên, việc này cần kỹ năng và đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao và dĩ nhiên là phải công khai minh bạch, tránh chuyện xin cho ở đây.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn thấy là nhiều doanh nghiệp hiện vẫn chỉ vay với lãi suất 17% thôi vì họ làm ăn tốt, độ tin cậy cao. Đây cũng là điều mà doanh nghiệp phải lưu ý.

Ông đánh giá thế nào về các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với cộng đồng doanh nghiệp hiện nay?

Chính sách hỗ trợ của nhà nước chưa đến được với nhiều doanh nghiệp. Các báo cáo chính sách rất đẹp, nhưng chính sách trên giấy và chính sách thực tiễn khác xa nhau. Hỏi đến doanh nghiệp thì doanh nghiệp nói chính sách hay nhưng không đến được với họ.

Hiện có tình trạng đáng buồn là doanh nghiệp xin được cái mỏ hay lô đất thì giàu ngay, chăm chú đầu tư khoa học công nghệ thì phải đợi 5-10 năm...

Vậy những kiến nghị cụ thể của ông trong việc hỗ trợ doanh nghiệp cùng nhau “vượt khó” lúc này là gì?

Nhà nước cần tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, giảm lạm phát để giúp doanh nghiệp sống sót, tồn tại và tiếp tục kinh doanh. Trước mắt, xin tập trung cho việc sửa đổi 16 luật về kinh doanh để cải thiện khung pháp luật. Đây cũng là thời điểm cần áp dụng các rào cản kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu nhằm bảo vệ doanh nghiệp trong nước như hạn chế mở siêu thị, hạn chế nhập khẩu. Bên cạnh đó, cần đầu tư cho chất lượng lao động, giáo dục - đào tạo…

Về phía doanh nghiệp cần lưu ý những điểm gì, thưa ông?

Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập sẽ tiếp tục phát triển sâu, rộng, tạo ra cơ hội và thách thức, đòi hỏi doanh nghiệp phải có hiểu biết, kỹ năng để ứng phó. Cần tạo ra sự khác biệt để tồn tại trong quá trình hợp tác và cạnh tranh với Trung Quốc.

Doanh nghiệp hoạt động trong môi trường toàn cầu hóa phải suy nghĩ toàn cầu nhưng hành động cụ thể, phải có chiến lược tiến và lùi. Phải quan niệm làm kinh tế phải như đánh trận. Giống như khi đánh nhau ở Điện Biên Phủ, cần thì kéo pháo vào, chưa cần thì lại phải rút ra. 

Trước mắt, duy trì sự hoạt động của doanh nghiệp trong điều kiện khó khăn hiện nay để chuẩn bị cho bước phát triển mới. Tôi có nói chuyện với một số anh em doanh nghiệp, tôi nói tình hình thế này, tồn tại được là đã hạnh phúc.

Bối cảnh mới, đòi hỏi mới

Bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước như vậy dường như đang đặt ra những đòi hỏi mới đối với quản lý nhà nước về kinh tế?

Chúng ta thấy rất rõ là tình hình hiện nay đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ, phải tư duy toàn cầu, nhưng phải có hành động cụ thể, Hành động cần công khai minh bạch, có thể dự báo được, có tính thực tiễn và phù hợp với các cam kết quốc tế. Hiện nay, chúng ta thấy rằng chính sách rất thiếu tính dự báo trước. Theo cam kết gia nhập WTO, các quyết định cần được công bố dự thảo trước 60 ngày để lấy ý kiến, nhưng việc này đôi khi không được tôn trọng.

Gần đây có xuất hiện những ý kiến nói rằng dường như bộ máy của nhà nước không theo kịp được sự phát triển của nền kinh tế?

Bộ máy nhà nước của chúng ta thấy rõ là chưa theo kịp. Khả năng điều hòa phối hợp giữa các bộ ngành còn thấp. Chẳng hạn, Bộ Giao thông Vận tải có sáng kiến về thu phí, nhưng trên thực tế đó chẳng phải là phí. Phí là để trả cho một dịch vụ tiêu dùng, còn Bộ nói phí đó để trả cho việc giảm ùn tắc giao thông thì đó không phải là dịch vụ. Anh phải làm cái gì cho tôi dùng, tôi có lợi thì tôi mới đóng phí.

Việc điều hòa phối hợp giữa các bộ và việc đối thoại giữa các cơ quan nhà nước phải được tăng cường và điều đó chỉ có thể làm được bằng việc tăng cường công khai minh bạch và đối thoại. Gần đây các bộ trưởng đã tăng cường đối thoại và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang tăng cường chất vấn, đấy là những bước đi đúng hướng. Điều quan trọng nhất vẫn là làm sao tạo ra được hiệu quả thiết thực đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Trong một số diễn đàn gần đây ông có nhận xét là dường như cải cách đang chậm lại. Nên hiểu vấn đề này thế nào, thưa ông?

Vâng, tôi nghĩ rõ ràng là cải cách chưa theo kịp phát triển. Cải cách đang chậm lại, trong khi năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp, hàng hóa, dịch vụ chưa được nâng lên nhiều. Chẳng hạn về giáo dục, người Việt Nam rõ ràng không theo kịp bên ngoài. Cũng là người Việt Nam nhưng ở trong nước kém hơn người Việt Nam ở nước ngoài. 

Thứ hai là về bộ máy hành chính của chúng ta, rõ ràng là quá cồng kềnh và kém hiệu quả, và phát huy tác dụng đối với cộng đồng doanh nghiệp rất thấp.

Thế giới từng coi Việt Nam như “người hùng cải cách”, nhưng giờ đây thì cải cách đang chậm lại. Các quyết định chính sách thì đôi khi giật cục, khó tiên lượng. Môi trường kinh doanh khó khăn hơn do lạm phát cao và các chính sách tài chính tiền tệ. Myanmar gần đây cải cách mạnh, cạnh tranh trong thu hút FDI, xuất khẩu. Tôi nghĩ đó là điều các nhà lãnh đạo có thể xem xét một cách nghiêm túc.

Gần đây, khi nói về chiến lược phát triển dài hạn, thế giới người ta nói nhiều đến tăng trưởng xanh. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Tăng trưởng xanh là tăng trưởng trừ đi ô nhiễm môi trường và khai thác tài nguyên có hại cho tương lai. Bây giờ cả thế giới hướng tới tăng trưởng xanh, ai khoe khoang tăng trưởng cao có khi người ta cười cho.

Chúng ta phải tính đến tăng trưởng xanh dựa trên cơ sở bền vững cho mai sau, phải đảm bảo nguồn tài nguyên nước, không khí cho mai sau. Khai thác quặng xong thì phải hoàn thổ để có thể gieo trồng được. Nếu không thì chúng ta mới bước vào nhóm thấp của các nước có thu nhập trung bình thì chúng ta đã tàn phá tài nguyên và môi trường. 

Chúng ta đều biết môi trường chung còn tương đối tốt nhưng ở Hà Nội, Tp.HCM và các khu công nghiệp thì đã bị tổn thương rất nhiều, và để làm được cần sự hợp tác giữa các doanh nghiệp và bộ máy nhà nước.

Theo Anh Minh
VnEconomy
 
 

 

Tin mới cập nhật