Lãi suất liên ngân hàng về 2,5%, xuyên thủng đáy năm 2007

Ngày đăng : 09/05/2012 - 1:47 PM

 

Sáng nay (9/5), trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất qua đêm đã xuống mức thấp kỷ lục, 2,5%, phá đáy lập hồi 2007. 

 

 

Cụ thể, trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất qua đêm ở mức 2,5-3%/năm, giảm mạnh so với mức 3-3,6% của hôm qua (8/5).

 

Theo dữ liệu của Reuters thì mức này xuống thấp nhất kể từ năm 2005 (dữ liệu mới ghi nhận đến cuối quý 2/2005).

 

Còn đối chiếu dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước, mức lãi suất 2,5% đã xuyên thủng đáy lãi suất 3% được lập ngày 23/7/2007.

 

Cũng trong sáng nay, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 1 tuần về 3,5-4%/năm, giảm mạnh so với mức 4-4,5%/năm hôm 8/5. Lãi suất kỳ hạn 1 tháng về 6-6,5%, thấp hơn mức 6-7% hôm 8/5.

 

Trên thị trường mở (OMO), lãi suất tín phiếu đã xuống 5,8% - 10,23%/năm. Mặc dù vậy, nhiều ngân hàng thương mại vẫn liên tục mua tín phiếu với khối lượng mỗi ngày khoảng 3.000 tỷ đồng.

 

Lượng vốn ngân hàng thương mại bỏ ra mua tín phiếu đã lên hơn 80.000 tỷ đồng kể từ ngày 15/3 đến nay. Điều này cho thấy các ngân hàng “thừa quá nhiều tiền”, bất chấp lãi suất huy động đang áp trần 12%/năm.

 

Những diễn biến bất thường này đang tạo tiền đề cho khả năng lãi suất huy động có thể sớm tiếp tục giảm.

 

Duy Cường

 NDHMoney

 

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Hạ lãi suất nhưng không nới lỏng điều kiện vay

Ngày đăng : 08/05/2012 - 12:06 PM

 Hạ lãi suất nhưng không nới lỏng điều kiện vay

http://cafef.vcmedia.vn/thumb_w/252/Images/Uploaded/Share/2012/05/08/tien-ty.jpg

Từ hôm nay (8-5) lãi suất cho vay cao nhất với bốn lĩnh vực ưu tiên: Nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa không quá 15%/năm.

Ngày 7-5, dù Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc hạ lãi suất cho vay chưa có hiệu lực nhưng ghi nhận trên thị trường cho thấy một số ngân hàng (NH) đã đồng ý cho vay với lãi suất 15% cho nhóm ưu tiên. Doanh nghiệp (DN) vẫn phải đáp ứng đủ điều kiện vay thì NH mới cho vay. Do đó, DN nào trước đây chưa vay được do không đáp ứng điều kiện vay thì nay vẫn khó mà vay được.

Theo báo cáo của Sở Công Thương, trong ba tháng đầu năm, số DN tiếp cận được vốn chỉ khoảng 23% tổng DN. Theo ông, những DN nào vay được vốn?

+ Ông Nguyễn Hoàng MinhPhó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM: Vừa qua, UBND TP.HCM khảo sát và thấy thực tế là những DN hoạt động tốt là do họ tập trung vào lĩnh vực chính của mình, không đầu tư dàn trải. Còn DN gặp khó khăn đa số là do họ phát triển nhiều lĩnh vực. NH xem xét báo cáo tài chính, hiệu quả kinh doanh của DN rồi mới cho vay.

. Theo ông, DN phải làm gì để tiếp cận vốn?

+ Nhiều DN không có vốn vẫn lập công ty. Vì thế vốn hoạt động chủ yếu là đi vay. Khi điều kiện kinh tế không thuận lợi, DN này dễ gặp rủi ro. Bởi vậy DN muốn được vay thì phải chứng minh năng lực tài chính. Cụ thể là phải có một phần vốn, có phương án làm ăn hiệu quả, chứng minh được khả năng trả nợ. Ngoài ra còn phải có tài sản đảm bảo, báo cáo tài chính minh bạch.

. Có DN than rằng dù có tài sản đảm bảo họ vẫn không vay được vốn. Vậy vấn đề thuộc về DN hay NH?

+ DN phải xem lại chính mình. Có tài sản nhưng không có phương án kinh doanh hiệu quả thì cũng khó vay được. Đâu phải NH không muốn cho vay. NH cũng là một DN, khi huy động vốn về, họ cũng có nhu cầu cho vay ra. Thế nhưng thời gian qua, dù thanh khoản tốt, NH dư tiền nhưng không cho vay được cũng là bi kịch của NH.

NHNN đã liên tục hạ lãi suất tiền gửi, hạ lãi suất cho vay, khống chế lãi suất vay 15%... Đặc biệt NHNN đã nới lỏng đối tượng vay nội tệ cũng như ngoại tệ. Tuy nhiên, điều kiện cho vay thì không thể nới lỏng vì gây ra rủi ro cho NH, cho nền kinh tế.

. Có ý kiến cho rằng điều kiện vay vốn của DN vừa và nhỏ cũng như các tập đoàn lớn đều như nhau là không phù hợp. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

+ Hiện nay, quy chế cho vay ở các NH là không phân biệt loại hình DN… Bởi thế DN dù nhỏ, dù lớn đều phải chứng minh khả năng trả nợ, báo cáo tài chính minh bạch, đang hoạt động tốt thì mới có thể vay. Không thể vì DN nhỏ mà được nới lỏng điều kiện.

Có ý kiến rằng DN muốn vay thì phải chung chi cho NH nên không hưởng được đúng mức lãi suất 15% được?

+ DN nào bị như vậy có thể gọi điện thoại về đường dây nóng của NHNN Chi nhánh TP.HCM.

. Xin cảm ơn ông.

Nên hạ lãi suất vay tiêu dùng

Hiện nay hàng tồn kho rất nhiều, sức mua giảm đáng kể vì người dân không có tiền. Vì vậy nên cứu DN bằng cách hạ lãi suất cho vay tiêu dùng xuống khoảng 15%. Mặt khác, nên hỗ trợ cho thị trường bất động sản. Chính phủ có thể bỏ tiền ra mua chung cư để DN có tiền trả cho NH. Sau đó Chính phủ bán trả góp cho người dân.

Đại diện phó giám đốc một NH tại TP.HCM

70% vướng thủ tục

Kết quả khảo sát gần đây của ACB cho thấy 30%-35% DN vừa và nhỏ tiếp cận được vốn NH, 30% khó tiếp cận và 30% không hề tiếp cận được. 36% DN “kể tội” lãi suất cao, trong khi đến 70% DN vướng về thủ tục.

DN muốn vay được thì cần tập trung vào ngành nghề cốt lõi, minh bạch báo cáo tài chính, có chiến lược kinh doanh dài hạn. Hiện ACB chỉ mới cho vay 60%.

Ông LÝ XUÂN HẢITổng Giám đốc NH Á Châu (ACB)

DN xuất khẩu vay USD dễ

Dù giảm 3%-4% nhưng mức lãi suất 15% vẫn là cao. Vì thế từ trước đến nay chúng tôi không vay VND mà chọn vay USD vì lãi suất thấp, chỉ 5%-6%. Khi xuất khẩu có USD về, chúng tôi bán lại cho NH. Khi cần tiền, chúng tôi vay USD và đổi sang VND.

Ông NGUYỄN VĂN ĐẠOTổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gò Đàng

Không “ưu tiên” vẫn vay được

Chúng tôi chuyên nhập khẩu máy móc cho công trường xây dựng nên thuộc lĩnh vực phi sản xuất. Lãi suất vay trước đây là 22%, hiện giảm còn 20,5%. Ngoài tài sản đảm bảo, chúng tôi còn có hồ sơ bảo lãnh trả nợ của NH. Vì vậy, chúng tôi không gặp khó khi vay.

Ông BÙI QUỐC LỢIGiám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Minh Giao

Theo Yên Trang

PLTP         

 

 


Áp trần lãi suất cho vay 15%, vẫn chưa đủ

Ngày đăng : 07/05/2012 - 1:51 PM

 

Theo phân tích của một số chuyên gia, việc áp trần lãi suất cho vay vẫn chưa đủ để giải quyết bài toán vốn từ ngân hàng cho doanh nghiệp. Vấn đề quan trọng vẫn là giải quyết đầu ra của hàng hóa.

Ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho rằng đây là một động thái kịp thời theo diễn biến của thị trường vốn. Và hiện tại cũng đã có nhiều gói vay của các ngân hàng dành cho các lĩnh vực như trên cũng áp dụng mức lãi suất ưu đãi xoay quanh mức 15%.

Tuy vậy, ông Phước cho rằng vấn đề hiện tại không còn là lãi suất mà là rủi ro quá nhiều khiến ngân hàng ngần ngại.

Ông phân tích, lãi suất liên ngân hàng hiện dưới 5%, tín phiếu cũng chỉ trên dưới 10%, nhưng các ngân hàng vẫn rót tiền vào những kênh đó thay vì cho vay. Điều này có thể lý giải rằng ngân hàng muốn cho vay, vì chỉ cho vay mới có lãi nhưng lại không dám. Có đảm bảo được rằng khoản vay sẽ thu hồi được không? Có đảm bảo rằng doanh nghiệp sẽ trả nợ đúng hạn không? Những điều đó rất khó chắc chắn trong bối cảnh hiện nay.

Thêm vào đó, doanh nghiệp có thực sự muốn vay không? Eximbank đã có một gói vay 1.500 tỉ đồng danh cho doanh nghiệp thu mua lương thực, với lãi suất ưu đãi 14%, nhưng cho đến giờ chỉ mới giải ngân được 600 tỉ đồng. Các gói vay khác có lãi suất dao động từ 13,5-15% cũng đã được triển khai nhưng doanh nghiệp vẫn không mặn mà.

Ông Phước cho rằng vấn đề hiện tại là tổng cầu đang giảm, doanh nghiệp có sản xuất cũng không bán được hàng. Làm thế nào để tiêu thụ được hàng hóa là vấn đề quan trong nhất trong bối cảnh hiện nay. Có khơi thông được đầu ra, thì các biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp như giảm thuế, giảm lãi suất mới thực sự có hiệu quả.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng nhỏ ở TPHCM cũng cho rằng hiện tại nhiều ngân hàng đang có vốn rẻ, từ việc huy động dưới 1 tháng, lãi suất dưới 5%, đến việc tìm được tiền từ các khoản tiền gửi thanh toán… để có thể cho vay với lãi suất thấp, thậm chí thấp hơn mức trần mà NHNN mới đặt ra.

Tuy nhiên, với các ngân hàng nhỏ, vốn ít, giá vốn cao thì việc giảm lãi suất xuống mức này là một thách thức cho lợi nhuận năm nay. Ông cho biết việc cho vay khó (biên lợi nhuận thấp, rủi ro cao) nên năm nay ngân hàng đành chấp nhận tìm thu nhập từ các dịch vụ khác, nhưng ông cũng dự báo tình hình của ngành ngân hàng năm nay sẽ rất khó khăn nếu doanh nghiệp còn tiếp tục xoay xở không lối ra như thế.

Đồng thời việc xếp hạng tín dụng để cho vay như hiện tại, thì sẽ không nhiều doanh nghiệp có đủ điều kiện vay. “Không phải doanh nghiệp nào nằm trong 4 nhóm trên đều được vay, vì ngân hàng hiện nay sẽ xem xét rất kỹ lưỡng để tránh nợ xấu. Cũng vì thế sẽ có nhiều doanh nghiệp tiếp tục không được vay với mức lãi suất trên dù NHNN đã quy định”, vị này nói thêm.

Theo phân tích của Công ty chứng khoán Bản Việt, NHNN rất có thể sẽ hạ trần lãi suất huy động lần nữa vào nửa sau của tháng 5 nếu lạm phát tiếp tục giảm. Nhưng lãi suất cho vay, sẽ không giảm mạnh do hầu hết các lĩnh vực áp dụng đều đã nằm trong danh sách ưu tiên của các ngân hàng. Ngoài ra, trần lãi suất cho vay cũng không tránh được tình trạng các ngân hàng tính “phí cho vay”. Và cuối cùng, tác động lên các công ty xuất khẩu cũng ở mức tối thiểu vì nhiều công ty xuất khẩu vay đô la Mỹ thay vì tiền đồng Việt Nam.

Theo Thanh Thương
TBKTSG

Trình Chính phủ gói giải pháp cứu doanh nghiệp

Ngày đăng : 03/05/2012 - 11:14 AM

 

Bộ Tài chính vừa hoàn tất xây dựng gói giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp để báo cáo Chính phủ trong phiên họp thường kỳ tháng này. Các giải pháp chủ yếu được đưa ra tập trung vào chính sách thuế. 

 

Nguồn tin từ Bộ Tài chính cho biết, các nội dung giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sẽ được báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ, diễn ra trong 2 ngày 3-4/5. Đây là kết quả được Bộ đưa ra sau khi tiến hành khảo sát, đánh giá chính xác tình trạng khó khăn của doanh nghiệp trong những tháng đầu năm.

 

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, tại gói giải pháp lần này, Bộ Tài chính đề xuất giảm 30% thuế thu nhập đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực nông lâm, thủy sản, da giày, dệt may... Đồng thời có thể tiếp tục gia hạn thuế VAT quý II cho doanh nghiệp thêm 6 tháng.

 

Bên cạnh đó, ngành tài chính cũng đề xuất giảm 50% tiền thuê đất đối với doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại. Gia hạn thuế thu nhập tối đa 2 tháng đối với doanh nghiệp khó khăn về tài chính. Cũng theo nguồn tin này, việc áp dụng đồng bộ các chính sách nêu trên có thể làm giảm nguồn thu ngân sách 2012 khoảng 25.000 tỷ đồng.

 

Trước đó, đích thân Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ, khi trao đổi với báo chí, hứa sẽ xây dựng xong các giải pháp về thuế, phí nhằm cứu doanh nghiệp vào cuối tháng 4. “Quan điểm của Bộ là phải tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ chính sách, vốn, tài chính cho doanh nghiệp. Nhưng hỗ trợ thì phải đúng địa chỉ”, Bộ trưởng khẳng định.

 

Kết thúc 4 tháng đầu năm, tình hình sản xuất, tiêu thụ hàng hóa của các doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4 chỉ tăng 1,5% so với tháng 3. Tính chung 4 tháng, IIP cũng chỉ tăng 4,3% so với cùng kỳ 2011, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục khó khăn nhất khi chỉ tăng 3,5%. 

Nhật Minh

 VnExpress


Nhiều chính sách tiền tệ bắt đầu có hiệu lực

Ngày đăng : 02/05/2012 - 2:20 PM

 

Trong tháng 5 này, nhiều chính sách tiền tệ bắt đầu có hiệu lực thi hành, trong đó một số nội dung vẫn còn chờ đợi hướng dẫn cụ thể.

Hôm nay (2/5), Thông tư số 07/2012/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định về trạng thái ngoại tệ của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bắt đầu có hiệu lực.

Với thông tư trên, trạng thái ngoại tệ của các tổ chức tín dụng bị thu hẹp từ +/-30% vốn tự có xuống còn +/-20% vốn tự có. Cụ thể, Thông tư 07 quy định: tổng trạng thái ngoại tệ dương của các tổ chức tín dụng không được vượt quá 20% vốn tự có; tổng trạng thái ngoại tệ âm cuối ngày của các tổ chức tín dụng không được vượt quá 20% vốn tự có.

Quy định trên được đưa ra sau khoảng một năm kể từ khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhằm phù hợp với thực tế hoạt động của các tổ chức tín dụng sau một thời gian dài áp giới hạn +/-30%, cũng như hạn chế nhất định điều kiện tạo khả năng đầu cơ ngoại tệ trong hệ thống.

Hai ngày giao dịch cuối tháng 4 vừa qua, tỷ giá USD/VND có những biến động đáng kể. Các ngân hàng thương mại đồng loạt tăng giá USD mua vào từ 30 - 40 VND, tăng giá USD bán ra từ 60 - 70 VND. Diễn biến này có thể gắn với nhu cầu mua vào của một số tổ chức tín dụng nhằm đảm bảo giới hạn mới về trạng thái ngoại tệ nói trên.

Cũng là một giải pháp góp phần quản lý và giữ ổn định thị trường ngoại hối, từ hôm nay (2/5), Thông tư số 03/2012/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định việc cho vay bằng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng bắt đầu có hiệu lực.

Cơ chế tín dụng ngoại tệ mới đã có những thay đổi căn bản so với trước đó, theo hướng siết chặt hơn dòng vốn mà nhiều ý kiến thời gian qua cho là gây xáo trộn và tạo áp lực đối với tỷ giá USD/VND; dù giá trị của dòng vốn này đối với doanh nghiệp, với hoạt động xuất khẩu… là rất đáng kể.

Cụ thể, cơ chế mới đã loại bỏ nhiều đối tượng được vay vốn bằng ngoại tệ, kể cả nhà xuất khẩu vay để quy đổi sang VND đưa vào sản xuất trong nước. Và các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối chỉ được xem xét quyết định cho vay đối với các nhu cầu vốn: cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn bằng ngoại tệ để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất - kinh doanh để trả nợ vay; vay để thanh toán tiền nhập khẩu xăng dầu… Một số trường hợp, dự án có thể được vay nhưng phải có sự chấp thuận bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước.

Từ hôm nay (2/5), một mốc hẹn trong Thông tư 11/2011/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước cũng bắt đầu có hiệu lực. Theo thông tư này, từ ngày 1/5/2011, tổ chức tín dụng không được thực hiện cho vay vốn bằng vàng đối với khách hàng và các tổ chức tín dụng khác, kể cả các hợp đồng tín dụng đã ký kết nhưng chưa giải ngân hoặc giải ngân chưa hết.

Và thông tư cũng quy định các tổ chức tín dụng không được gửi vàng tại tổ chức tín dụng khác; không được thực hiện các nghiệp vụ ủy thác, đầu tư và các hình thức cấp tín dụng khác bằng vàng. Việc phát hành chứng chỉ ngắn hạn bằng vàng của tổ chức tín dụng chấm dứt vào ngày 1/5/2012.

Liên quan đến quy định trên, thời gian gần đây thị trường bắt đầu đón nhận dịch vụ nhận giữ vàng có lợi tức của một số ngân hàng thương mại. Khi huy động vàng bị cấm, một số nhà băng đã mở dịch vụ giữ hộ và trả lợi tức khá cao, có từ 3,5% - 4,6%/năm.

Trong khi đó, một câu hỏi đang được đặt ra là nhóm “G5” là các ngân hàng thương mại được chọn tham gia giải pháp bình ổn thị trường vàng thời gian qua có được loại trừ khỏi quy định trên hay không? Bởi nhóm này phải huy động vàng trong dân, chuyển đổi một phần nhất định trong đó để tạo cung bình ổn thị trường tại những thời điểm cần thiết. Nếu cũng bị cấm như các tổ chức tín dụng khác thì sẽ không có nguồn để chuyển đổi.

Về câu hỏi trên, mới đây Ngân hàng Nhà nước đã có yêu cầu 5 ngân hàng thương mại đó báo cáo về tình hình mạng lười hoạt động, chuẩn bị cho việc triển khai các chính sách điều hành, quản lý thị trường vàng. Có thể, nhóm này sẽ được chọn là các đại lý, huy động và kinh doanh vàng theo nghị định mới ban hành.

Nghị định mới ban hành về quản lý hoạt động kinh doanh vàng cũng là văn bản bắt đầu có hiệu lực trong tháng này (từ ngày 25/5). Đây là văn bản quan trọng, tạo những thay đổi cơ bản về hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng trong thời gian tới.

Nghị định này quy định nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng; Ngân hàng Nhà nước tổ chức quản lý và sản xuất vàng miếng qua các hạn mức từng thời kỳ; cấm sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán…

Hiện thông tư hướng dẫn cụ thể cho nghị định trên đang được Ngân hàng Nhà nước xây dựng và lấy ý kiến hoàn thiện để sớm đưa chính sách mới vào cuộc sống.

THÙY DUYÊN


NHNN: Xem xét giảm lãi suất cho vay và cơ cấu thời hạn nợ phù hợp với DN

Ngày đăng : 25/04/2012 - 9:46 AM

 

Ngày 24/4/2012, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có văn bản số 2506/NHNN-CSTT gửi các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các giải pháp về hoạt động tín dụng. 

 

Theo đó, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp về hoạt động tín dụng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hộ dân từng bước phục hồi, duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng và các chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện một số nội dung.

 

Thứ nhất, các tổ chức tín dụng chủ động phối hợp với khách hàng vay trong việc rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng vay để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay trong việc trả nợ vốn vay phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh, thời hạn thu hồi vốn của dự án, phương án vay vốn, khả năng trả nợ của khách hàng.

 

Trên cơ sở kết quả đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng vay và khả năng tài chính của mình, tổ chức tín dụng thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng vay không có khả năng trả nợ đúng hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng theo quy định tại Quyết định số 783/2005/QĐ-NHNN ngày 31/5/2005.

 

Cụ thể, khách hàng không có khả năng trả nợ đúng kỳ hạn nợ gốc và/hoặc lãi vốn vay trong phạm vi thời hạn cho vay đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng và tổ chức tín dụng đánh giá là có khả năng trả nợ trong các kỳ hạn tiếp theo thì tổ chức tín dụng xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc và/hoặc lãi vốn vay; khách hàng không có có khả năng trả hết nợ gốc và/hoặc lãi vốn vay đúng thời hạn cho vay đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng và được đánh giá là có khả năng trả nợ trong một khoảng thời gian nhất định sau thời hạn cho vay thì tổ chức tín dụng xem xét cho gia hạn nợ với thời hạn phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng.

 

Các tổ chức tín dụng thực hiện việc phân loại nợ đối với các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại Quyết định số 780/QĐ-NHNN ngày 23/4/2012 về việc phân loại nợ đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ.

 

Thứ hai, Thống đốc cũng yêu cầu, trên cơ sở khả năng tài chính và chính sách khách hàng của mình, tổ chức tín dụng xem xét điều chỉnh giảm lãi suất cho vay của các hợp đồng tín dụng xuống theo mức lãi suất cho vay hiện hành, nhất là đối với các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động.

 

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng xem xét miễn, giảm lãi phải trả đối với khách hàng bị tổn thất về tài sản dẫn đến khó khăn về tài chính theo quy định tại quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 và trên cơ sở khả năng tài chính, quy chế miễn, giảm lãi của tổ chức tín dụng.

 VnEconomy


 

Tin mới cập nhật