Kinh tế 2011 và dấu ấn chuyên gia: Chưa bao giờ như năm nay

Ngày đăng : 29/12/2011 - 10:22 AM
Hơn 10 tháng trước, trong phòng chờ chuyến bay Hà Nội - Tp.HCM hôm 22/2, người viết bài này tình cờ gặp một vị chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia.
 
Khoảng một giờ trước đó, ông có mặt tại cuộc tham vấn của người đứng đầu Chính phủ với Hội đồng này và một số chuyên gia kinh tế khác.
 
Ấn tượng nhất tại đây, được ông chia sẻ là, sau khi nghe ý kiến của các chuyên gia, phát biểu kết thúc của Thủ tướng không đề cập đến “tăng trưởng” một lần nào, mà đồng tình với nhiều giải pháp mạnh để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
 
Hơn một ngày sau (ngày 24/2), Nghị quyết 11 về những giải pháp chủ yếu ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ được ban hành, với hàng loạt con số và biện pháp được coi là “cứng rắn” để điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ chặt chẽ nhưng linh hoạt, cắt giảm mạnh đầu tư công…
 
Vào một ngày trong tháng cuối cùng của năm nay, khi cả những điều hay và chưa hay của nghị quyết này đã được kiểm chứng bằng một thời gian kha khá, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, nay là thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia đã "bật mí" thêm đôi điều.
 
Dẫn dắt câu chuyện từ cuộc họp của Chính phủ có nội dung xem xét điều chỉnh tỷ giá tới 9,3% vào giữa tháng hai năm nay, ông Tuyển nói rằng khi đó Thủ tướng, các phó thủ tướng và các vị bộ trưởng trong lĩnh vực kinh tế đều ủng hộ việc điều chỉnh tỷ giá.
 
Cá nhân ông không phản đối nhưng bày tỏ thái độ băn khoăn, vì nếu chỉ điều chỉnh tỷ giá thì không giải quyết được vấn đề bất ổn vĩ mô đang được đẩy đến cao trào.
 
Sau đó, diễn biến trên thị trường càng chứng tỏ đây là phản ứng chính sách không hợp lý, và ông tự coi mình là "tòng phạm".
 
"Tôi viết một bức thư cho Thủ tướng, ở đó tôi nói là điều chỉnh tỷ giá không những không đem lại hiệu quả mà ngược lại còn làm thị trường phức tạp hơn và đề nghị có giải pháp thật sự đồng bộ, bao gồm cả chính sách tiền tệ nói chung (lãi suất, tín dụng và tỷ giá chứ không chỉ có tỷ giá) rồi cả chính sách tài khóa như cắt giảm đầu tư công...", ông Tuyển kể tiếp.
 
Cũng vẫn theo lời kể của ông thì sau đó, Thủ tướng cũng thấy tình hình và giao cho Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Văn Phượng dự thảo nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô.
 
"Khi anh Phượng đưa tôi xem thì tôi bảo đề nghị Thủ tướng mời các chuyên gia để nghe các anh góp ý, và sau đó nghị quyết đã được ban hành".
 
Nhìn nhận vẫn còn có hai điểm "chưa hay lắm", song, ông Tuyển nhấn mạnh rằng nhìn chung đây là nghị quyết tốt, được các chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế đánh giá cao.
 
Tán thành với nhận định của ông Tuyển là nhờ Nghị quyết 11 mà kinh tế vĩ mô được cải thiện, TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, cũng là người có mặt tại cuộc tham vấn mang tính quyết định cho sự ra đời của Nghị quyết 11, cho rằng, nếu nhìn lại thời điểm tháng 2/2011 thì tình hình kinh tế đã sáng hơn.
 
"Điểm sáng quan trọng nhất là đã tập trung mọi giải pháp để giải quyết bộ ba lạm phát - tỷ giá - lãi suất", ông nói với VnEconomy.
 
Điểm sáng thứ hai, ông Lịch đặc biệt nhấn mạnh rằng rất quan trọng. Đó là chưa bao giờ có sự đồng thuận rất cao trong cả hệ thống chính trị về quyết tâm tái cấu trúc nền kinh tế như thời điểm hiện tại.
 
Đây cũng lại là một vấn đề mang đậm dấu ấn của các nhà khoa học và các chuyên gia kinh tế, theo ghi nhận của người viết, song xin được đề cập sâu hơn tại bài viết khác.
 
Quay trở lại Nghị quyết 11, ở các đánh giá dù trong hay ngoài diễn đàn chính thức, đây vẫn là điểm sáng cực kỳ quan trọng trong điều hành kinh tế của năm nay, khi bất ổn vĩ mô được đánh giá là trầm trọng hơn và lạm phát đã trở nên nhức nhối hơn bất cứ lúc nào.
 
Và, các thông tin nhiều chiều đều ghi nhận, từng câu chữ tại đây đều mang đậm dấu ấn về sự đồng lòng của các chuyên gia kinh tế, đội ngũ được chính một số người trong cuộc gọi vui là “dàn đồng ca”.
 
Sự “tự trào” này cũng có lý do của nó. Bởi, như Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, TS. Trần Đình Thiên, tại một diễn đàn về kinh tế vĩ mô hồi cuối tháng 9/2011 đã “than thở” rằng: năm nay đội đồng ca phản biện chính sách được mời liên tục. Đi nhiều có cái hay nhưng chứng tỏ tình hình có vấn đề.
 
Nhận định này đã nhận được sự chia sẻ của nhiều tên tuổi đã trở nên quen thuộc tại các cuộc tham vấn, không chỉ cho các cơ quan hành pháp.
 
TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận xét rằng, sự đồng lòng của các chuyên gia tại các cuộc tham vấn và nhiều diễn đàn khác rất cao, chưa bao giờ có được như năm nay.
 
"Anh em được mời tham vấn cho Chính phủ đều hiểu nhau, suy nghĩ, đề xuất đều rất “chụm”, nên gửi gắm qua nhiều kênh nhưng thông điệp mang tính thống nhất cao, đó là điều rất đáng mừng", ông Thành nói.
 
Tuy nhiên, điều còn băn khoăn là cơ chế phối hợp nào để hiệu quả tham vấn cao hơn, thì ông Thành “chưa nghĩ ra”.
 
Thời điểm những băn khoăn này được bộc bạch cũng chính là lúc mật độ các cuộc tham vấn chuyên gia khá dày đặc. Bởi hàng loạt các báo cáo, kế hoạch về kinh tế xã hội của năm nay, năm sau và cả giai đoạn từ nay đến 2015 đang được gấp rút hoàn thành để chuẩn bị trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm.
 
Còn nhớ, trước thềm kỳ họp Quốc hội thứ hai, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về kế hoạch 5 tới, trước “chất vấn” tại sao Chính phủ trình chỉ tiêu tăng trưởng GDP thấp hơn mức đã được Đại hội Đảng 11 thông qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, một trong những lý do để có quyết định đó là lắng nghe và tiếp thu ý kiến chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước.
 
“Thủ tướng lúc đầu cũng quyết là chỉ có bám theo chỉ tiêu của Đại hội, nhưng sau khi nghe ý kiến nhiều chuyên gia trong nước, quốc tế và phân tích thực tế, nếu không nhìn thẳng vào tình hình để điều chỉnh thì kịch bản điều hành chắc chắn là bị động” ông Vinh nói.
 
Dấu ấn chuyên gia ở câu chuyện hạ chỉ tiêu này cũng được một vị chuyên gia kinh tế nổi tiếng kể lại cặn kẽ hơn. Theo vị chuyên gia này thì người đứng đầu Chính phủ đã “thấy vấn đề” khi trăn trở với câu hỏi tại sao lạm phát của Việt Nam cao hơn nhiều nước khác?
 
Cảm nhận của ông qua hai ngày thảo luận của Chính phủ về kế hoạch 2011 - 2015 là đa số các thành viên vẫn bị “ám ảnh rất chính đáng” là thể hiện trách nhiệm chính trị, khi chỉ tiêu tăng trưởng vừa được Đại hội Đảng thông qua.
 
"Anh Ba (Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - PV) rất băn khoăn nên lại trao đổi với tôi và mời tham vấn chuyên gia ở quy mô hẹp để có thời gian nghe được nhiều hơn, sâu hơn, và đa số ý kiến  đề nghị chỉ nên để ở mức 6%", ông kể tiếp.
 
Rồi ông tâm tư, nói thật là bây giờ thích nghỉ ngơi, định xin thôi không làm tư vấn nữa, nhưng Thủ tướng vẫn yêu cầu….
 
Tư vấn chính sách, đương nhiên không phải là công việc nhàn nhã.
 
Một vị tiến sỹ kinh tế ở Tp.HCM kể rằng, có tuần ông nhận được lời mời đến ba cuộc tham vấn, và không phải vấn đề nào cũng có thể chuẩn bị như mình mong muốn.
 
Song, để cho các vị lãnh đạo mới có thể tiếp cận những vấn đề của nền kinh tế hệ thống hơn, nhiều chiều hơn những thông tin được đưa ra tại cuộc gặp gỡ, bên cạnh các phát biểu, ông thường chuẩn bị các bài viết sâu về các vấn đề của kinh tế vĩ mô để gửi đến các vị.
 
Hay, khi tham gia ý kiến về kế hoạch 5 năm tới, ông đã phân tích cả quá trình thực hiện 4 kế hoạch 5 năm từ khi đổi mới, để đưa ra nhiều đề xuất mới về giải pháp cho 5 năm tiếp theo.
 
Cũng như nhiều vị khác, ông tâm sự, niềm vui lớn nhất của các chuyên gia kinh tế độc lập là kết quả nghiên cứu, những đề xuất tâm huyết được lắng nghe, tiếp thu.
 
"Khi nào kinh tế khó khăn thì chúng tôi "đắt khách", nhưng tôi không mong "đắt" theo cách đó", vị chuyên gia này tâm tư. 
 
Theo Nguyên Thảo
VnEconomy

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Sáu luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012

Ngày đăng : 28/12/2011 - 4:54 PM

Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện việc hỗ trợ ban đầu các nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân trong những trường hợp cần thiết và thông báo ngay với Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội.


Sáu bộ luật gồm Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự; Luật Phòng, chống mua bán người; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Viên chức; Luật Thuế bảo vệ môi trường và Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012.

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ kiểm toán

Luật Kiểm toán độc lập có 8 Chương với 64 Điều, được thông qua ngày 29/3/2011 tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XII.

Việc ban hành Luật Kiểm toán độc lập nhằm nâng cao hiệu lực pháp lý và hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động kiểm toán độc lập. Tăng cường, quyền nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề và đơn vị được kiểm toán, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận dịch vụ kiểm toán, đặc biệt là đơn vị có lợi ích công chúng, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư, Nhà nước và tổ chức liên quan.

Luật Kiểm toán độc lập có điểm mới đáng chú ý là Bộ Tài chính với tư cách cơ quan quản lý nhà nước sẽ cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán, đình chỉ kinh doanh dịch vụ kiểm toán cũng như thanh tra, kiểm tra giải quyết khiếu nại tố cáo và xử lý vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán độc lập.

Luật cũng quy định, tiêu chuẩn trở thành kiểm toán viên là phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, đạo đức tốt, có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán và phải có Chứng chỉ kiểm toán viên.

Kiểm toán viên phải có thời gian thực tế làm công tác kiểm toán 36 tháng trở lên và tham gia đầy đủ chương trình cập nhật kiến thức mới được đăng ký hành nghề.

Để đảm bảo chất lượng kiểm toán, Luật quy định doanh nghiệp kiểm toán phải bố trí nhân sự có trình độ chuyên môn phù hợp. Ngoài ra, để bảo đảm thông tin cho kiểm toán, luật quy định nghĩa vụ của đơn vị được kiểm toán là cung cấp đầy đủ, chính xác, trung thực, kịp thời thông tin, không được có hành vi hạn chế phạm vi các vấn đề cần kiểm toán.

Đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về viên chức

Luật viên chức kết cấu gồm 6 Chương, 62 Điều. Điểm mới cơ bản của Luật viên chức so với Pháp lệnh cán bộ, công chức là đã làm rõ khái niệm viên chức, phân biệt viên chức với cán bộ và công chức.

Sự khác biệt cơ bản của viên chức so với cán bộ, công chức chính là chế độ tuyển dụng gắn với vị trí việc làm, thông qua chế độ hợp đồng làm việc và tiền lương được hưởng từ quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập.

Một trong những nguyên tắc được nhấn mạnh để tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý viên chức là “việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đánh giá viên chức được thực hiện trên cơ sở tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm và căn cứ vào hợp đồng làm việc.”

Đây là nguyên tắc đặt nền móng để tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý viên chức theo chế độ việc làm, nhấn mạnh năng lực, tài năng bên cạnh phẩm chất và trình độ.

Luật Viên chức quy định rõ việc chuyển đổi giữa viên chức và cán bộ, công chức, đó là các trường hợp viên chức làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập từ đủ 5 năm trở lên thì được xét chuyển thành công chức không qua thi tuyển; viên chức được tiếp nhận, bổ nhiệm vào vị trí việc làm được pháp luật quy định là công chức thì quyết định tiếp nhận, bổ nhiệm đồng thời là quyết định tuyển dụng; cán bộ, công chức được chuyển sang làm viên chức khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của Luật viên chức; công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập khi hết thời hạn bổ nhiệm mà không được bổ nhiệm lại những vẫn tiếp tục làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập đó thì được chuyển sang làm viên chức và được bố trí công việc phù hợp; viên chức chuyển sang làm cán bộ, công chức hoặc ngược lại đều được bảo đảm các quyền lợi về chế độ, chính sách.

Luật Viên chức tạo cơ sở pháp lý có giá trị cao nhằm xây dựng và quản lý đội ngũ viên chức có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và cộng đồng; phát huy tính năng động, sáng tạo và tài năng của viên chức; thúc đẩy nâng cao chất lượng phục vụ người dân và cộng đồng của các đơn vị sự nghiệp công lập; đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về viên chức, thúc đẩy phát triển khu vực sự nghiệp công lập; xây dựng cơ chế quản lý viên chức theo vị trí việc làm; xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trong quản đội ngũ viên chức...

Không thu phí xăng dầu từ ngày 1/1/2012

Với 4 chương, 13 điều, Luật Thuế bảo vệ môi trường được ban hành nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế bền vững, khuyến khích phát triển kinh tế đi liền với giảm ô nhiễm môi trường, phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay và những năm tới.

Luật góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của toàn xã hội, từ đó thay đổi nhận thức, hành vi của tổ chức, cá nhân trong sản xuất và tiêu dùng nhằm giảm phát thải ô nhiễm tại nguồn... Phạm vi điều chỉnh của Luật quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, người nộp thuế, căn cứ tính thuế, khai thuế, tính thuế, nộp thuế và hoàn thuế bảo vệ môi trường.

Đáng chú ý là Luật quy định về tám nhóm đối tượng sản phẩm gây tác động xấu đến môi trường và sức khỏe con người phải chịu thuế, gồm xăng dầu, than đá, dung dịch hydro-chloro-fluoro-carbon (dung dịch HCFC), túi nilông thuộc diện chịu thuế, thuốc trừ cỏ, thuốc bảo quản lâm sản, thuốc khử trùng kho, thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng.

Luật cũng ghi rõ, trường hợp xét thấy cần thiết phải bổ sung đối tượng chịu thuế khác cho phù hợp với từng thời kỳ thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quy định; khi luật có hiệu lực thi hành thì không thu phí xăng dầu.

Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp: Tăng cường quản lý nhà nước đối với đất đai

Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp được ban hành nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với đất đai, khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, góp phần hạn chế đầu cơ về đất và khuyến khích thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.

Luật khắc phục những mặt hạn chế của chính sách thuế nhà, đất hiện hành, nâng cao tính pháp lý của pháp luật về thuế đất trên cơ sở bổ sung mới và kế thừa các quy định còn phù hợp...

Luật gồm 4 chương với 13 điều quy định cụ thể đối tượng chịu thuế bao gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị; đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp và đất phi nông nghiệp khác sử dụng vào mục đích kinh doanh cho phù hợp với Luật Đất đai 2003.

Luật quy định tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có quyền sử dụng đất thuộc đối tượng chịu thuế là người nộp thuế. Trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì người đang sử dụng đất là người nộp thuế.


Thay đổi thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự được Quốc hội thông qua ngày 29/3/2011.

Một trong những sửa đổi, bổ sung quan trọng lần này là việc thay đổi thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự. Cụ thể, trường hợp pháp luật không có quy định về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với những tranh chấp về quyền sở hữu tài sản; tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý; chiếm hữu; tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Các tranh chấp không thuộc các trường hợp nêu trên thì thời hiệu khỏi kiện vụ án dân sự là vẫn là hai năm, kể từ ngày cá nhân, cơ quan, tổ chức biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm như quy định trước đây.

Luật cũng sửa đổi một số quy định theo hướng mở rộng quyền giải quyết của tòa án trong các vụ việc, vụ án về dân sự. Theo đó, yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu và yêu cầu xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản; phân chia tài sản chung để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.

Các tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án được bổ sung hai loại là tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu và tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

Luật sửa đổi, bổ sung cũng ghi nhận việc các bên có quyền tự thỏa thuận về việc xác định giá tài sản, tổ chức thẩm định giá tài sản nhằm đảm bảo nguyên tắc tự thỏa thuận trong giao dịch dân sự. Tòa án chỉ ra quyết định định giá tài sản đang tranh chấp sau khi các bên không tự thỏa thuận được tổ chức định giá tài sản hoặc các bên đã thỏa thuận với nhau hoặc với tổ chức thẩm định giá theo mức giá thấp nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước.

Luật sửa đổi, bổ sung lần này quy định thêm thủ tục mới là “Thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.”

Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người

Với 8 chương và 58 điều, Luật Phòng, chống mua bán người quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm hành vi mua bán người theo quy định của Bộ luật hình sự và các hành vi trực tiếp liên quan đến việc mua bán người mà Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia liệt vào danh sách các hành vi buôn bán người để điều chỉnh một cách có đầy đủ, toàn diện các hành vi vi phạm trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người.

Luật quy định rõ các chính sách của Nhà nước trong phòng, chống mua bán người, đáng chú ý là chính sách kết hợp phòng, chống mua bán người với việc thực hiện chương trình phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và các chương trình khác về phát triển kinh tế-xã hội.

Luật xác định Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội là đầu mối chính tiếp nhận và hỗ trợ cho nạn nhân. Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho nạn nhân, luật cũng quy định trước khi đến với Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội, nạn nhân có thể được một số cơ quan khác tiếp nhận, hỗ trợ ban đầu trong trường hợp cần thiết như Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan giải cứu, cơ quan, tổ chức khác.

Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện việc hỗ trợ ban đầu các nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân trong những trường hợp cần thiết và thông báo ngay với Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội.

Trong thời hạn chậm nhất là ba ngày, kể từ khi nhận được thông báo của Ủy ban nhân dân cấp xã, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội thực hiện việc tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân và phối hợp với cơ quan công an cùng cấp xác định thông tin ban đầu về nạn nhân trong trường hợp nạn nhân chưa có giấy tờ, tài liệu chứng nhận nạn nhân.

Luật phòng, chống mua bán người đi vào cuộc sống góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng, tạo thuận lợi cho hoạt động hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người.


Theo Phúc Hằng
TTXVN/Vietnam+
 


Chính phủ đồng ý nghỉ Tết 9 ngày

Ngày đăng : 28/12/2011 - 10:11 AM

Tết Nguyên đán năm nay, cán bộ công chức, viên chức được nghỉ liên tục 9 ngày, từ ngày 21/1/2012 (thứ Bảy) đến hết ngày 29/1/2012 (Chủ nhật).

 

 

Ngày 27/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý với đề nghị của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hoán đổi ngày nghỉ trong dịp nghỉ Tết âm lịch năm 2012 đối với cán bộ, công chức, viên chức, để có 9 ngày nghỉ liên tục. Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong những ngày nghỉ lễ, tết năm 2012, chỉ có dịp Tết Nguyên đán năm Nhâm Thìn là có tình huống nghỉ ngắt quãng.

Theo lịch nghỉ bình thường thì cán bộ, công chức, viên chức sẽ nghỉ ngày 21/1/2012 (thứ Bảy) và nghỉ Tết từ ngày 22-25/1/2012 (từ 29 tháng Chạp năm Tân Mão đến mùng 3 tháng giêng năm Nhâm Thìn) và nghỉ bù vào ngày 26/1/2012 (thứ Năm) do ngày Chủ nhật (22/1) trùng ngày 29 Tết. Sau đó, người lao động sẽ bắt đầu đi làm từ ngày 27/1/2012 (thứ Sáu, ngày mùng 5 tháng Tết), rồi lại nghỉ hàng tuần thứ Bảy, Chủ nhật.

Vì vậy, Bộ đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương án hoán đổi như sau: cán bộ, công chức, viên chức đi làm ngày 4/2/2012 (thứ Bảy), để nghỉ ngày 27/1/2012. Theo phương án này cán bộ, công chức, viên chức sẽ được nghỉ liền từ ngày 21/1 đến ngày 29/1/2012 (từ 28 tháng Chạp năm Tân Mão đến hết ngày 7 tháng Giêng năm Nhâm Thìn).

Tuy nhiên, đối với các đơn vị không thực hiện lịch nghỉ cố định 2 ngày thứ Bảy, Chủ Nhật hàng tuần sẽ không thực hiện việc hoán đổi ngày nghỉ này. Đối với các doanh nghiệp thì tùy thuộc vào kế hoạch sản xuất, kinh doanh để bố trí lịch nghỉ cho phù hợp.

Theo Bộ, lịch nghỉ kéo dài liên tục tạo sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho kế hoạch vui chơi, giải trí của của người dân, kích cầu tiêu dùng của xã hội.

Như vậy, Tết Nguyên đán năm nay, cán bộ công chức, viên chức được nghỉ liên tục 9 ngày, từ ngày 21/1/2012 (thứ Bảy) đến hết ngày 29/1/2012 (Chủ nhật).

 

Theo P. Thanh

Dân trí

 


Morgan Stanley dự báo 5 nền kinh tế lớn sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2012

Ngày đăng : 27/12/2011 - 10:35 PM

Đáng lạc quan nhất, Morgan Stanley cho rằng kinh tế Mỹ sẽ vẫn tăng trưởng mạnh trong năm 2012.

 

 

Kinh tế châu Âu đang khó khăn và kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. Nhìn chung, kinh tế của phần lớn các nước sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2012.

Nhóm nghiên cứu kinh tế toàn cầu của Morgan Stanley, dẫn đầu bởi chuyên gia Joachim Fels, gần đây đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống mức 3,5% từ mức 3,9% trước đó và con số 5,2% của năm 2010.

Tuy nhiên Morgan Stanley dự báo sẽ vẫn có 1 số nền kinh tế lớn tăng trưởng cao trong năm 2012.

Úc: Đầu tư mạnh vào ngành khai mỏ sẽ giúp tăng trưởng kinh tế đi lên

Tăng trưởng GDP:

2011: 1,5%

2012: 3,1%

2013: 2,8%

2014 – 2018: 3,0%

Dù Trung Quốc nhập khẩu nhiều hàng hóa, nguyên liệu từ Úc, Morgan Stanley không cho rằng việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại tiềm ẩn rủi ro lớn nhất đối với kinh tế Úc. Ngoài ra việc Ngân hàng Dự trữ Úc sai lầm có thể cản trở tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này. Các chuyên gia nhận định chính sách tiền tệ của Úc sẽ được nới lỏng dần dần trong năm 2012; vẫn có khả năng chính sách được nới mạnh tay nếu tình hình tại châu Âu và Trung Quốc xấu hơn nhiều so với tính toán.

Nga: Chi tiêu công của chính phủ mạnh tay trước thềm cuộc bầu cử tháng 3/2012 sẽ có vai trò như gói kích cầu

Tăng trưởng GDP:

2011: 4,5%

2012: 5,0%

2013: 4,0%

2014 – 2018: 4,0%

Sau cuộc bầu cử vào tháng 3/2012, Morgan Stanley dự báo đầu tư cá nhân sẽ tăng lên khi bất ổn chính trị giảm đi. Ngoài ra Nga sẽ hưởng lợi khi giá dầu cao và đồng rúp mạnh.

Thái Lan: Tăng trưởng GDP năm sẽ được hỗ trợ quan trọng bởi nỗ lực tái thiết đất nước sau lũ lụt


Tăng trưởng GDP:

2011: 2,4%

2012: 4,5%

2013: 4,5%

Tình trạng gián đoạn nguồn cung do trận lũ lụt lịch sự đang trở nên bớt căng thẳng. Các nhà hoạch định chính sách mới đây đã nới lỏng chính sách tài khóa và có thể tăng chi tiêu trong suốt năm 2012 để hỗ trợ cho hoạt động tái thiết đất nước.

Braxin: Chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ giúp kích cầu nội địa


Tăng trưởng GDP:

2011: 3,1%

2012: 4,5%

2013: 4,0%

2014 – 2018: 3,7%

Chính sách tiền tệ thắt chặt của Braxin vào đầu năm 2011 đã khiến nhu cầu nội địa sụt giảm và lĩnh vực công nghiệp tăng trưởng kém. Việc các nhà hoạch định chính sách nới lỏng chính sách trong thời gian gần đây sẽ giúp nhu cầu tăng lên. Tuy nhiên rủi ro lạm phát đang leo thang.

Mỹ: Tăng trưởng kinh tế sẽ được hỗ trợ quan trọng bởi tiêu dùng người dân và đầu tư vào tài sản cố định.

Tăng trưởng GDP:

2011: 1,8%

2012: 2,2%

2013: 1,8%

2014 – 2018: 2,7%

Dù tăng trưởng kinh tế Mỹ hiện vẫn còn thấp, vào năm 2012, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng mạnh hơn. Dù vậy, hiện vẫn còn tồn tại nhiều rủi ro liên quan đến chính sách tài khóa. Sự thất bại về chính trị sẽ khiến chi tiêu công tự động bị cắt giảm 1,2 nghìn tỷ USD từ năm 2013, kinh tế sẽ lại tăng trưởng kém.

 

 Theo Lan Ngọc

  TTVN


 


Chủ tịch nước: 'Năm 2020, Việt Nam có 2 triệu doanh nghiệp'

Ngày đăng : 26/12/2011 - 6:10 PM

Gặp gỡ đại diện doanh nhân trẻ nhân dịp cuối năm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mong muốn các DN tạo được nhiều thương hiệu ở tầm khu vực, góp phần cho mục tiêu cơ bản công nghiệp hóa vào năm 2020.

 

Chia sẻ trong buổi gặp gỡ đại biểu Hội doanh nhân trẻ sáng 26/12, Chủ tịch nước Trương Tấn sang nhắc nhở cộng đồng doanh nghiệp về thời hạn 9 năm còn lại là rất gấp rút để Việt Nam hoàn thành giai đoạn đầu quá trình công nghiệp hóa.

Nhận định hầu hết thế hệ doanh nhân - doanh nghiệp trẻ hiện nay đều nóng lòng chấn hưng đất nước nhưng Chủ tịch nước cũng thừa nhận tiềm lực vốn của các công ty Việt Nam vẫn còn thua kém rất nhiều so với các đối thủ trong khu vực. Do đó, các doanh nghiệp cần đặt mục tiêu vừa sức để phấn đấu.

"Đạt được quy mô châu lục hay toàn cầu thì khó bởi một tập đoàn như vậy giờ cũng phải có quy mô tối thiểu 50 tỷ USD. Nhưng tôi mong rằng trong vòng 5 - 10 năm tới, Việt Nam sẽ tạo được những thương hiệu mang tầm khu vực", ông chia sẻ.

Cũng theo Chủ tịch nước, ngay cả những doanh nghiệp lớn nhất nước như Tập đoàn Dầu khí (PVN), tổng tài sản hiện cũng chỉ ở mức 20 tỷ USD. So với những doanh nghiệp ra đời cùng thời điểm như Petronas của Malaysia, quy mô của PVN chỉ bằng một phần ba.

"Tuy vậy, Nhà nước cũng luôn động viên doanh nghiệp mở rộng sản xuất, vươn tới tầm khu vực. Chẳng hạn như Vietnam Airlines thì cố gắng đến 2015 có quy mô ngang ngửa Thai Airways. Các doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp tư nhân cũng vậy", Chủ tịch nước nói.

Về số lượng doanh nghiệp, Chủ tịch nước cho biết Việt Nam hiện có khoảng 500.000. Tuy nhiên, đến 2015, con số này phải đạt khoảng 1,2 - 1,3 triệu. Đến 2020, tuy chưa có số liệu dự báo chính thức, nhưng Chủ tịch nước cho rằng ít nhất phải có 1,8 - 2 triệu doanh nghiệp để đáp ứng cho nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Để làm được điều này, Chủ tịch nước yêu cầu các doanh nhân cần phát huy hơn nữa những thành tích đạt được, đồng thời nhận thức đầy đủ hơn nữa về quá trình toàn cầu hóa, chú trọng hơn nữa vào các đặc điểm của doanh nghiệp trong thời kỳ mới như đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội, tinh thần đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau... Nhà nước và Chính phủ sẽ có những biện pháp hỗ trợ, thúc đẩy mạnh hơn nữa, giúp doanh nghiệp phát triển.

Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, nhiều doanh nhân đã phát biểu, tiếp thu ý kiến của Chủ tịch nước. Theo ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Sơn Hà, mặc dù doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều thương hiệu mà tầm quốc gia, quốc tế như Cà phê Trung Nguyên, FPT, Trường Hải... nhưng tiềm lực nói chung vẫn còn ở mức khiêm tốn.

Trong khi đó, theo Chủ tịch Tập đoàn Hanaka - Mẫn Ngọc Anh, để phát triển hơn nữa trong giai đoạn mới, đúng như nhận xét của Chủ tịch nước, doanh nghiệp Việt Nam cần phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết và đầu tư mạnh cho khoa học kỹ thuật.

Các doanh nhân cũng hứa với Chủ tịch Trương Tấn Sang sẽ cố gắng chèo lái doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, góp phần vào mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản thành một nước công nghiệp vào năm 2020.

 

 

Theo Nhật Minh
VnExpress

 


Nợ công cuối 2011 ước đạt 54,6% GDP

Ngày đăng : 26/12/2011 - 6:05 PM

Theo Bộ Tài chính, năm 2011, chi trả nợ tăng thêm 15.000 tỷ đồng so với dự toán đã khiến dư nợ công giảm trên 1 điểm % GDP.

 

 

Theo báo cáo đánh giá thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước năm 2011 của Bộ Tài chính, năm 2011, tổng thu và viện trợ cả năm ước đạt 674.500 tỷ đồng, vượt 13,4% so với dự toán, tăng 20,6% so với thực hiện năm 2010.

Đặc biệt, thu từ dầu thô 2011 ước đạt 100.000 tỷ đồng, vượt 44,3% so với dự toán, tăng 44,6% so với thực hiện năm 2010.

Nguyên nhân chủ yếu do yếu tố giá dầu thanh toán bình quân cả năm tăng thêm khoảng 25 USD/thùng so giá xây dựng dự toán; sản lượng thanh toán theo ước tính của Tập đoàn Dầu khí  đạt 14,13 triệu tấn, tăng 0,11 triệu tấn so kế hoạch.

Về chi ngân sách, cả năm con số này ước đạt 796.000 tỷ  đồng, tăng 9,7% so với dự toán. Trong đó, chi trả nợ và viện trợ ước đạt 101.000 tỷ đồng, tăng 17,4% (15.000 tỷ đồng) so với dự toán nhằm thanh toán các khoản nợ đã cam kết và hoàn trả một phần các khoản vay ngắn hạn.

Như vậy, bội chi ngân sách năm 2011 ước đạt 121.500 tỷ đồng, bằng 4,9% GDP, giảm 0,4% GDP so với dự toán Quốc hội quyết định.

Ngoài ra, tính đến 31/12/2011, Bộ Tài chính dự kiến nợ công là 54,6% GDP, nợ Chính phủ 43,6% GDP và nợ quốc gia là 41,5% GDP. Trong đó, tăng chi trả nợ năm 2011 thêm 15.000 tỷ đồng so với dự toán đã khiến dư nợ công giảm trên 1% GDP.

Trước đó, theo Bộ Tài chính, tính đến 31/12/2010, nợ công của Việt Nam chiếm 56,7% GDP, nợ của Chính phủ chiếm 31,1% GDP và tổng dư nợ nước ngoài chiếm 42,2% GDP.

 

Theo Bộ Tài chính


 


 

Tin mới cập nhật