Chính phủ đồng ý nghỉ Tết 9 ngày

Ngày đăng : 28/12/2011 - 10:11 AM

Tết Nguyên đán năm nay, cán bộ công chức, viên chức được nghỉ liên tục 9 ngày, từ ngày 21/1/2012 (thứ Bảy) đến hết ngày 29/1/2012 (Chủ nhật).

 

 

Ngày 27/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý với đề nghị của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hoán đổi ngày nghỉ trong dịp nghỉ Tết âm lịch năm 2012 đối với cán bộ, công chức, viên chức, để có 9 ngày nghỉ liên tục. Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong những ngày nghỉ lễ, tết năm 2012, chỉ có dịp Tết Nguyên đán năm Nhâm Thìn là có tình huống nghỉ ngắt quãng.

Theo lịch nghỉ bình thường thì cán bộ, công chức, viên chức sẽ nghỉ ngày 21/1/2012 (thứ Bảy) và nghỉ Tết từ ngày 22-25/1/2012 (từ 29 tháng Chạp năm Tân Mão đến mùng 3 tháng giêng năm Nhâm Thìn) và nghỉ bù vào ngày 26/1/2012 (thứ Năm) do ngày Chủ nhật (22/1) trùng ngày 29 Tết. Sau đó, người lao động sẽ bắt đầu đi làm từ ngày 27/1/2012 (thứ Sáu, ngày mùng 5 tháng Tết), rồi lại nghỉ hàng tuần thứ Bảy, Chủ nhật.

Vì vậy, Bộ đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương án hoán đổi như sau: cán bộ, công chức, viên chức đi làm ngày 4/2/2012 (thứ Bảy), để nghỉ ngày 27/1/2012. Theo phương án này cán bộ, công chức, viên chức sẽ được nghỉ liền từ ngày 21/1 đến ngày 29/1/2012 (từ 28 tháng Chạp năm Tân Mão đến hết ngày 7 tháng Giêng năm Nhâm Thìn).

Tuy nhiên, đối với các đơn vị không thực hiện lịch nghỉ cố định 2 ngày thứ Bảy, Chủ Nhật hàng tuần sẽ không thực hiện việc hoán đổi ngày nghỉ này. Đối với các doanh nghiệp thì tùy thuộc vào kế hoạch sản xuất, kinh doanh để bố trí lịch nghỉ cho phù hợp.

Theo Bộ, lịch nghỉ kéo dài liên tục tạo sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho kế hoạch vui chơi, giải trí của của người dân, kích cầu tiêu dùng của xã hội.

Như vậy, Tết Nguyên đán năm nay, cán bộ công chức, viên chức được nghỉ liên tục 9 ngày, từ ngày 21/1/2012 (thứ Bảy) đến hết ngày 29/1/2012 (Chủ nhật).

 

Theo P. Thanh

Dân trí

 

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Morgan Stanley dự báo 5 nền kinh tế lớn sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2012

Ngày đăng : 27/12/2011 - 10:35 PM

Đáng lạc quan nhất, Morgan Stanley cho rằng kinh tế Mỹ sẽ vẫn tăng trưởng mạnh trong năm 2012.

 

 

Kinh tế châu Âu đang khó khăn và kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. Nhìn chung, kinh tế của phần lớn các nước sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2012.

Nhóm nghiên cứu kinh tế toàn cầu của Morgan Stanley, dẫn đầu bởi chuyên gia Joachim Fels, gần đây đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống mức 3,5% từ mức 3,9% trước đó và con số 5,2% của năm 2010.

Tuy nhiên Morgan Stanley dự báo sẽ vẫn có 1 số nền kinh tế lớn tăng trưởng cao trong năm 2012.

Úc: Đầu tư mạnh vào ngành khai mỏ sẽ giúp tăng trưởng kinh tế đi lên

Tăng trưởng GDP:

2011: 1,5%

2012: 3,1%

2013: 2,8%

2014 – 2018: 3,0%

Dù Trung Quốc nhập khẩu nhiều hàng hóa, nguyên liệu từ Úc, Morgan Stanley không cho rằng việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại tiềm ẩn rủi ro lớn nhất đối với kinh tế Úc. Ngoài ra việc Ngân hàng Dự trữ Úc sai lầm có thể cản trở tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này. Các chuyên gia nhận định chính sách tiền tệ của Úc sẽ được nới lỏng dần dần trong năm 2012; vẫn có khả năng chính sách được nới mạnh tay nếu tình hình tại châu Âu và Trung Quốc xấu hơn nhiều so với tính toán.

Nga: Chi tiêu công của chính phủ mạnh tay trước thềm cuộc bầu cử tháng 3/2012 sẽ có vai trò như gói kích cầu

Tăng trưởng GDP:

2011: 4,5%

2012: 5,0%

2013: 4,0%

2014 – 2018: 4,0%

Sau cuộc bầu cử vào tháng 3/2012, Morgan Stanley dự báo đầu tư cá nhân sẽ tăng lên khi bất ổn chính trị giảm đi. Ngoài ra Nga sẽ hưởng lợi khi giá dầu cao và đồng rúp mạnh.

Thái Lan: Tăng trưởng GDP năm sẽ được hỗ trợ quan trọng bởi nỗ lực tái thiết đất nước sau lũ lụt


Tăng trưởng GDP:

2011: 2,4%

2012: 4,5%

2013: 4,5%

Tình trạng gián đoạn nguồn cung do trận lũ lụt lịch sự đang trở nên bớt căng thẳng. Các nhà hoạch định chính sách mới đây đã nới lỏng chính sách tài khóa và có thể tăng chi tiêu trong suốt năm 2012 để hỗ trợ cho hoạt động tái thiết đất nước.

Braxin: Chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ giúp kích cầu nội địa


Tăng trưởng GDP:

2011: 3,1%

2012: 4,5%

2013: 4,0%

2014 – 2018: 3,7%

Chính sách tiền tệ thắt chặt của Braxin vào đầu năm 2011 đã khiến nhu cầu nội địa sụt giảm và lĩnh vực công nghiệp tăng trưởng kém. Việc các nhà hoạch định chính sách nới lỏng chính sách trong thời gian gần đây sẽ giúp nhu cầu tăng lên. Tuy nhiên rủi ro lạm phát đang leo thang.

Mỹ: Tăng trưởng kinh tế sẽ được hỗ trợ quan trọng bởi tiêu dùng người dân và đầu tư vào tài sản cố định.

Tăng trưởng GDP:

2011: 1,8%

2012: 2,2%

2013: 1,8%

2014 – 2018: 2,7%

Dù tăng trưởng kinh tế Mỹ hiện vẫn còn thấp, vào năm 2012, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng mạnh hơn. Dù vậy, hiện vẫn còn tồn tại nhiều rủi ro liên quan đến chính sách tài khóa. Sự thất bại về chính trị sẽ khiến chi tiêu công tự động bị cắt giảm 1,2 nghìn tỷ USD từ năm 2013, kinh tế sẽ lại tăng trưởng kém.

 

 Theo Lan Ngọc

  TTVN


 


Chủ tịch nước: 'Năm 2020, Việt Nam có 2 triệu doanh nghiệp'

Ngày đăng : 26/12/2011 - 6:10 PM

Gặp gỡ đại diện doanh nhân trẻ nhân dịp cuối năm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mong muốn các DN tạo được nhiều thương hiệu ở tầm khu vực, góp phần cho mục tiêu cơ bản công nghiệp hóa vào năm 2020.

 

Chia sẻ trong buổi gặp gỡ đại biểu Hội doanh nhân trẻ sáng 26/12, Chủ tịch nước Trương Tấn sang nhắc nhở cộng đồng doanh nghiệp về thời hạn 9 năm còn lại là rất gấp rút để Việt Nam hoàn thành giai đoạn đầu quá trình công nghiệp hóa.

Nhận định hầu hết thế hệ doanh nhân - doanh nghiệp trẻ hiện nay đều nóng lòng chấn hưng đất nước nhưng Chủ tịch nước cũng thừa nhận tiềm lực vốn của các công ty Việt Nam vẫn còn thua kém rất nhiều so với các đối thủ trong khu vực. Do đó, các doanh nghiệp cần đặt mục tiêu vừa sức để phấn đấu.

"Đạt được quy mô châu lục hay toàn cầu thì khó bởi một tập đoàn như vậy giờ cũng phải có quy mô tối thiểu 50 tỷ USD. Nhưng tôi mong rằng trong vòng 5 - 10 năm tới, Việt Nam sẽ tạo được những thương hiệu mang tầm khu vực", ông chia sẻ.

Cũng theo Chủ tịch nước, ngay cả những doanh nghiệp lớn nhất nước như Tập đoàn Dầu khí (PVN), tổng tài sản hiện cũng chỉ ở mức 20 tỷ USD. So với những doanh nghiệp ra đời cùng thời điểm như Petronas của Malaysia, quy mô của PVN chỉ bằng một phần ba.

"Tuy vậy, Nhà nước cũng luôn động viên doanh nghiệp mở rộng sản xuất, vươn tới tầm khu vực. Chẳng hạn như Vietnam Airlines thì cố gắng đến 2015 có quy mô ngang ngửa Thai Airways. Các doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp tư nhân cũng vậy", Chủ tịch nước nói.

Về số lượng doanh nghiệp, Chủ tịch nước cho biết Việt Nam hiện có khoảng 500.000. Tuy nhiên, đến 2015, con số này phải đạt khoảng 1,2 - 1,3 triệu. Đến 2020, tuy chưa có số liệu dự báo chính thức, nhưng Chủ tịch nước cho rằng ít nhất phải có 1,8 - 2 triệu doanh nghiệp để đáp ứng cho nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Để làm được điều này, Chủ tịch nước yêu cầu các doanh nhân cần phát huy hơn nữa những thành tích đạt được, đồng thời nhận thức đầy đủ hơn nữa về quá trình toàn cầu hóa, chú trọng hơn nữa vào các đặc điểm của doanh nghiệp trong thời kỳ mới như đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội, tinh thần đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau... Nhà nước và Chính phủ sẽ có những biện pháp hỗ trợ, thúc đẩy mạnh hơn nữa, giúp doanh nghiệp phát triển.

Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, nhiều doanh nhân đã phát biểu, tiếp thu ý kiến của Chủ tịch nước. Theo ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Sơn Hà, mặc dù doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều thương hiệu mà tầm quốc gia, quốc tế như Cà phê Trung Nguyên, FPT, Trường Hải... nhưng tiềm lực nói chung vẫn còn ở mức khiêm tốn.

Trong khi đó, theo Chủ tịch Tập đoàn Hanaka - Mẫn Ngọc Anh, để phát triển hơn nữa trong giai đoạn mới, đúng như nhận xét của Chủ tịch nước, doanh nghiệp Việt Nam cần phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết và đầu tư mạnh cho khoa học kỹ thuật.

Các doanh nhân cũng hứa với Chủ tịch Trương Tấn Sang sẽ cố gắng chèo lái doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, góp phần vào mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản thành một nước công nghiệp vào năm 2020.

 

 

Theo Nhật Minh
VnExpress

 


Nợ công cuối 2011 ước đạt 54,6% GDP

Ngày đăng : 26/12/2011 - 6:05 PM

Theo Bộ Tài chính, năm 2011, chi trả nợ tăng thêm 15.000 tỷ đồng so với dự toán đã khiến dư nợ công giảm trên 1 điểm % GDP.

 

 

Theo báo cáo đánh giá thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước năm 2011 của Bộ Tài chính, năm 2011, tổng thu và viện trợ cả năm ước đạt 674.500 tỷ đồng, vượt 13,4% so với dự toán, tăng 20,6% so với thực hiện năm 2010.

Đặc biệt, thu từ dầu thô 2011 ước đạt 100.000 tỷ đồng, vượt 44,3% so với dự toán, tăng 44,6% so với thực hiện năm 2010.

Nguyên nhân chủ yếu do yếu tố giá dầu thanh toán bình quân cả năm tăng thêm khoảng 25 USD/thùng so giá xây dựng dự toán; sản lượng thanh toán theo ước tính của Tập đoàn Dầu khí  đạt 14,13 triệu tấn, tăng 0,11 triệu tấn so kế hoạch.

Về chi ngân sách, cả năm con số này ước đạt 796.000 tỷ  đồng, tăng 9,7% so với dự toán. Trong đó, chi trả nợ và viện trợ ước đạt 101.000 tỷ đồng, tăng 17,4% (15.000 tỷ đồng) so với dự toán nhằm thanh toán các khoản nợ đã cam kết và hoàn trả một phần các khoản vay ngắn hạn.

Như vậy, bội chi ngân sách năm 2011 ước đạt 121.500 tỷ đồng, bằng 4,9% GDP, giảm 0,4% GDP so với dự toán Quốc hội quyết định.

Ngoài ra, tính đến 31/12/2011, Bộ Tài chính dự kiến nợ công là 54,6% GDP, nợ Chính phủ 43,6% GDP và nợ quốc gia là 41,5% GDP. Trong đó, tăng chi trả nợ năm 2011 thêm 15.000 tỷ đồng so với dự toán đã khiến dư nợ công giảm trên 1% GDP.

Trước đó, theo Bộ Tài chính, tính đến 31/12/2010, nợ công của Việt Nam chiếm 56,7% GDP, nợ của Chính phủ chiếm 31,1% GDP và tổng dư nợ nước ngoài chiếm 42,2% GDP.

 

Theo Bộ Tài chính


 


Tăng thu nhờ chống thất thu

Ngày đăng : 26/12/2011 - 11:06 AM

Nhờ tích cực chống thất thu và nợ đọng thuế, nên thu ngân sách cả năm 2011 vẫn đạt 647.500 tỷ đồng, vượt 13,4% so với dự toán, tăng 20,6% so với năm 2010.

 

 

 Mở đầu Báo cáo Đánh giá thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2011, Bộ Tài chính đã đề cập công tác quản lý, kiểm tra, giám sát chống thất thu thuế; đấu tranh chống chuyển giá, nhất là đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), các khoản thu liên quan đến đất đai, kinh doanh bất động sản, tài nguyên khoáng sản và thuế xuất-nhập khẩu. Đây được coi là một trong những thành công đáng ghi nhận nhất trong năm 2011 của ngành tài chính.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, năm 2011, ngành thuế đã thu hồi 67% số nợ thuế năm 2010 chuyển sang, với tổng số tiền lên tới 18.039 tỷ đồng, ngành hải quan đã xử lý thu trên 709 tỷ đồng tiền nợ thuế.

Thành công nổi bật thứ 2 trong công tác điều hành tài chính - ngân sách năm 2011 là cơ cấu chi khá tích cực.

Cụ thể, thay vì “ưu tiên” chi thường xuyên như những năm trước đây, năm 2011 tập trung chi cho đầu tư phát triển (đạt 175.000 tỷ đồng, tăng hơn 15% so với dự toán); chi trả nợ và viện trợ (đạt 101.000 tỷ đồng, tăng 17,4% so với dự toán) để kịp thời thanh toán các khoản nợ đã cam kết và hoàn trả một phần các khoản nợ vay ngắn hạn để giảm áp lực bố trí trả nợ của các năm sau.

Giảm nợ công, giảm bội chi là thành công đáng kể thứ ba của ngành tài chính trong năm 2011.

Mặc dù vậy, thu ngân sách vẫn còn tình trạng thất thu, nhất là các khoản thu từ đất đai, kinh doanh bất động sản, khai thác tài nguyên khoáng sản, khu vực ngoài quốc doanh và thu từ doanh nghiệp FDI. Gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế vẫn diễn ra phổ biến, nhất là ở các trung tâm kinh tế. Công tác quản lý thu thuế có nơi, có lúc còn bị buông lỏng dẫn tới nợ đọng thuế vẫn phát sinh, việc truy thu số thuế nợ đọng vẫn còn hạn chế...

 Năm 2012, ngành tài chính lường trước rất rõ những khó khăn trong việc bảo đảm cân đối thu - chi, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội… Vì vậy, 10 nhóm giải pháp, với 30 giải pháp cụ thể đã được đặt ra.

Ngoài việc tiếp tục thực hiện các giải pháp để chống thất thu, bảo đảm thu tăng từ 5 đến 8% so với dự toán của Quốc hội, kiềm chế lạm phát… năm 2012,  ngành tài chính đặt trọng tâm vào việc hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính đối với khu vực sự nghiệp công; thúc đẩy tái cấu trúc lại khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN)...

“Phải thực hiện đổi mới căn bản cơ chế tài chính đối với các lĩnh vực sự nghiệp công theo hướng trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị về cả tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực, tài chính, gắn với lộ trình xóa bỏ bao cấp qua giá, phí dịch vụ, giảm dần tình trạng cơ quan chủ quản can thiệp quá sâu vào hoạt động của đơn vị sự nghiệp công”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Đối với nhóm nhiệm vụ tái cấu trúc lại DNNN, Bộ Tài chính đã lên kế hoạch xây dựng, ban hành tiêu chí phân loại DNNN để làm căn cứ xác định cơ cấu sở hữu vốn cho từng loại DNNN; trên cơ sở phân loại, thực hiện đẩy mạnh quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, giao bán khoán cho thuê và giải thể.

“Trong năm 2012, bên cạnh việc rà soát, phân loại, đẩy nhanh cổ phần hóa sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nhất là với các DN xăng dầu, than, điện... để xác định đúng lãi - lỗ, thúc đẩy công khai,

minh bạch. Đồng thời, yêu cầu DN kinh doanh các mặt hàng này phải tiết giảm 5-10% chi phí quản lý, từ đó giảm giá thành sản phẩm”, ông Huệ cho biết,

 

Theo Mạnh Bôn

 Báo Đầu tư


 


Lạm phát vẫn "làm khó" doanh nghiệp

Ngày đăng : 26/12/2011 - 11:04 AM

Lạm phát năm 2011 đã chốt ở con số 18,13%, không bất ngờ, nhưng thuộc diện rất cao. Câu hỏi đặt ra là, mức lạm phát này có "làm khó" doanh nghiệp?

 

Thực ra, không khó để đưa ra câu trả lời. Cả năm qua, doanh nghiệp (DN) đã "vật vã" vì lạm phát, vì giá đầu vào tăng cao. Con số khoảng 10% DN phải giải thể, ngừng hoạt động trong năm 2011 là minh chứng rõ nét cho điều đó.

Thậm chí, không chỉ DN than vãn, mà lãnh đạo các tỉnh cũng đã phải "kêu thay" cho DN của địa phương khi phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012, diễn ra cuối tuần qua tại Hà Nội. Các ông Dương Anh Điền, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng; Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương; Trịnh Văn Chiến, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa… đều có câu nói giống nhau là: "DN đang rất khó khăn".

Và không hề giấu giếm nỗi lo lắng của mình, ông Hoàng Dân Mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ quan ngại: "Năm 2011, với lãi suất và giá đầu vào tăng cao, nhiều DN nhỏ và vừa của tỉnh đã không chống đỡ được. Nếu tình trạng vẫn tiếp tục thì không hiểu DN sẽ xoay xở ra sao?".

Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội thẳng thắn đề nghị, cần có lộ trình để giảm lãi suất cho vay, bởi với mức lãi suất như hiện nay, DN rất khó khăn và điều này sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, việc làm và an sinh xã hội.

Mặc dù Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã khẳng định, mục tiêu của Ngân hàng là sẽ đưa lãi suất huy động về mức 10% trong năm 2012, song rõ ràng, nỗ lực này còn bị chi phối bởi diễn biến lạm phát. Năm 2011, những bình luận về việc lạm phát "làm khó" lãi suất đã không ít lần được đưa ra.

Thông điệp phát đi từ Chính phủ cho thấy, năm tới, mục tiêu hàng đầu vẫn là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã nhắc tới mục tiêu giữ lạm phát ở mức 9%. Tuy nhiên, diễn biến trong thực tế thế nào, thì còn phải chờ 12 tháng tiếp theo.

Tháng 12/2011, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 0,53% so với tháng trước. Đây là mức tăng tương đối thấp so với mức tăng của các tháng 12 trong 5 năm trở lại đây.

Theo đó, ngoại trừ năm 2008 (năm có suy giảm kinh tế, CPI tháng 12 giảm 0,68% so với tháng trước đó), thì tháng 12 các năm từ năm 2005 trở lại đây lần lượt tăng 0,5%; 2,91%; 1,38% và 1,98%.

Con số này được cho là rất tích cực, phản ánh kết quả rõ nét của Nghị quyết 11/NQ-CP về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Xu hướng giảm tốc của CPI những tháng gần đây là cơ sở để kỳ vọng, lạm phát năm 2012 sẽ không quá căng thẳng.

Tuy vậy, cũng phải thấy rằng, chưa thể vội chủ quan với lạm phát. Chính Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định điều này.

Còn Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng thừa nhận, lạm phát cao "vẫn đang rình rập". Một chuyên gia tài chính - ngân hàng thì cho rằng, nếu như tốc độ tăng CPI trong những tháng đầu năm tới không ở mức dưới 1%, thì khó có thể hạ trần lãi suất huy động. Điều đó có nghĩa rằng, DN sẽ tiếp tục chịu lãi suất vay vốn rất cao.

Thực tế cho thấy, những tháng gần đây, DN đã dễ thở hơn với lãi suất ngân hàng. Nhưng một khảo sát mới công bố cho thấy, một số lượng lớn DN phải vay vốn với lãi suất trên 18% - mức lãi suất quá cao. Chính vậy, mối quan ngại lớn nhất của DN trong năm tới vẫn là khó tiếp cận vốn vay và lợi nhuận giảm.

 


Theo Báo đầu tư

 


 

Tin mới cập nhật