Mang tiếng "chơi ngông" khi bỏ hơn triệu USD mời tiến sĩ Mỹ đến VN, bà Anna Nguyễn lại cho rằng: 1 triệu USD mà có hình ảnh Việt Nam cải thiện hơn trong mắt thế giới thì đây là cú đầu tư đáng giá.
TS John Snow chụp ảnh lưu niệm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Mang tiếng "chơi ngông" khi bỏ ra hơn triệu USD mời Tiến sỹ Snow, Bộ trưởng Ngân khố thứ 73 của Hoa Kỳ, Chủ tịch quỹ Cerberus với tài sản hàng nghìn tỷ USD đến Việt Nam hồi tháng 11/2011, doanh nhân Anna Nguyễn, Tổng Giám đốc Link World International lại cho rằng những giá trị mang lại từ chuyến đi mở đầu này "tiền cũng không mua được".
Có vẻ như cú đầu tư mạo hiểm này đang bắt đầu chứng minh hiệu quả, ông Snow sẽ quay trở lại Việt Nam trong tuần này, chưa đầy 2 tháng sau khi đến Việt Nam lần đầu tiên để ký bản ghi nhớ hợp tác đầu tư vào một số doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam. "Ông trùm" tài chính này cũng sẽ bàn thảo với các lãnh đạo Đảng và Nhà nước về việc hỗ trợ Việt Nam đào tạo cán bộ trong lĩnh vực tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và hệ thống tài chính - ngân hàng.
Trong tuần này, ông John Snow và đồng sự sẽ trở lại Việt Nam. Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, một nhân vật quyền lực thế giới đã quay trở lại, còn đồng sự của ông ấy thì đã sang Việt Nam đến lần thứ ba. Hẳn phải có hấp lực nào đó từ đây chứ?
Nhà vận động hành lang số 1 của Mỹ, đồng sự của ông Snow là ông Billy Cooper có nói vui là họ sang Việt Nam nhiều lần như vậy vì tôi đã cho họ ăn "bánh vẽ" và tạo ra quá nhiều công việc cho họ.
Nhưng thực ra tôi không cho ai ăn "bánh vẽ", vì làm sao mà qua mặt được họ. Tôi đã nói hết với ông Snow về những điều có thể và không thể của nền kinh tế Việt Nam và những điều mà Chính phủ, người dân đang trăn trở. Có cả những điều mất và được. Tôi đã nói với ông Snow về cuộc sống của mọi người nơi đây và cả những ước nguyện của cá nhân tôi, về mong muốn đất nước thực sự đổi mới và vươn lên từ chính mỗi cá nhân, mỗi điều luật và mỗi chính sách.
Chỉ có sự đổi mới chính mình mới có cơ may đem lại sự phồn thịnh cho đất nước. Một nền kinh tế sẽ phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng con người, chất lượng nguồn nhân lực. Cho đến nay, điều đó vẫn đang là một nan đề của Việt Nam. Nếu nhìn thẳng vào sự thật thì thậm chí chúng ta phải thừa nhận rằng chúng ta đang khủng hoảng về chất lượng nguồn nhân lực.
TS Snow hoàn toàn chia sẻ với những điều này. Qua các cuộc gặp gỡ với lãnh đạo cấp cao của Việt Nam như Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, hay lãnh đạo Ban Tổ chức TƯ Đảng, ông Snow rất ấn tượng về sự phát triển năng động của Việt Nam cũng như tầm nhìn và mong mỏi của ngài Chủ tịch nước. Ông ấy hứa sẽ quay trở lại bất kể lúc nào tôi cần và Việt Nam cần đến.
Không bỏ lỡ cơ hội này, khi ông ấy sang Bắc Kinh làm việc với chính quyền Trung Quốc, tôi đã mời ông và đồng sự quay trở lại để cùng Việt Nam bàn bạc những câu chuyện liên quan đến việc hỗ trợ đào tạo cán bộ Việt Nam trong lĩnh vực tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là hệ thống doanh nghiệp nhà nước và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Đây là thế mạnh của ông Snow, với tư cách là "cánh tay phải" về chính sách kinh tế, tài chính trong suốt những năm làm thứ trưởng, rồi bộ trưởng trong nội các của Tổng thống Ford, Nixon, Bush (cha), Clinton và Bush (con).
Chuyện đưa những bộ óc lớn của thế giới vào Việt Nam trong những năm gần đây không còn là chuyện lạ. Nhưng năm 2011, năm khó khăn kinh tế chất chồng, chẳng ai dám đưa những nhân vật lớn của thế giới đến đây nữa vì quá tốn kém. Thế mà doanh nhân Anna lại "chơi trội" đến mức bỏ ra hơn 1 triệu USD để đưa ông Snow sang Việt Nam. Bà nghĩ sao khi nhiều người bảo bà chơi ngông?
Thực lòng mà nói, tôi không phải là tuýp người chơi ngông. Tiền tôi kiếm được từ mồ hôi nước mắt và bao nhiêu năm lăn lộn trên thương trường quốc tế, nên tôi cũng xót lắm chứ! Nhưng tôi chỉ biết việc tôi đang làm sẽ đem đến những lợi ích cho quốc gia và lợi ích của quốc gia chính là lợi ích cốt lõi của tôi.
Mọi người vẫn nói rằng khủng hoảng kinh tế đã xảy ra khắp nơi và mọi ngõ ngách. Nhưng tôi lại có một quan điểm khác. Đó không phải là khủng hoảng về kinh tế mà chính là khủng hoảng về lòng tin, về đạo đức, khủng hoảng về lòng tham và cũng là khủng hoảng về sự bội tín.
Thực chất thì đó chính là sự khủng hoảng cả về đạo đức và cách thức điều hành vung tay quá trán của hầu hết các chính phủ, từ nước nghèo đến nước giàu, từ quốc gia phát triển đến quốc gia kém phát triển. Chỉ có điều là ở đâu sự minh bạch cao hơn thì ở đó độ sâu của khủng hoảng sẽ thấp hơn và hệ lụy của nó sẽ bớt nặng nề hơn mà thôi. Đương nhiên, Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ.
Khủng hoảng cũng chính là cơ hội để các doanh nhân, nhà hoạch định chính sách có điều kiện nhìn nhận lại một cách tốt nhất về hệ thống và chính sách, về hạn chế và những khiếm khuyết của mình, từ đó có thể đưa ra những chính sách phù hợp, linh động hơn để tái cơ cấu tổ chức các chính sách và doanh nghiệp để đạt đến độ linh hoạt cao hơn, hoàn hảo hơn, mạnh mẽ hơn, đủ sức chống đỡ với những rủi ro trong một thế giới đầy biến động hiện nay.
Đó là lý do vì sao tôi đã mất hơn 3 năm để mời Giáo sư John Snow sang Việt Nam. Tiền quý thật đấy nhưng có những giá trị mà có khi cả triệu triệu USD cũng không mua được ấy chứ!
Thế giá trị nhận được từ vụ đầu tư triệu USD đó là gì?
Khoan bàn đến chuyện "tiền tươi thóc thật" mà Cerberus có thể mang đến Việt Nam, điều đầu tiên tôi quan tâm là giá trị hình ảnh. Giữa lúc nhiều tổ chức xếp hạng tín nhiệm tín dụng quốc tế đánh tụt hạng tín nhiệm tín dụng của Việt Nam, rồi cộng đồng các nhà doanh nghiệp nước ngoài như Eurocham than phiền về môi trường kinh doanh của Việt Nam thì sự hiện diện của một nhà tài phiệt tầm cỡ toàn cầu như Chủ tịch quỹ Cerberus sẽ mang lại một hiệu quả "PR" mà tiền cũng không mua nổi.
Nhưng thú thực là trong lúc đó, việc đến Việt Nam đã đưa Snow vào một tình huống nhạy cảm. Có đến hàng trăm cú điện thoại và email chất vấn vì sao Snow lại đến Việt Nam trong bối cảnh môi trường đầu tư và chỉ số tín nhiệm sụt giảm. Liệu khi ông ấy bước chân vào Việt Nam thì ông có nghĩ đến việc quay trở lại đó không? Lý do gì mà ông lại đến Việt Nam. Tôi nghĩ đây cũng chính là điều mà chính phủ, các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý phải nhìn nhận một cách nghiêm túc vì danh dự và quyền lợi quốc gia.
Tôi đã thuyết phục ông Snow rằng "trăm nghe không bằng một thấy". Việc ông Snow đến Việt Nam cũng là một tín hiệu với thế giới rằng, bất kì ở nơi đâu, một quốc gia nào cũng đều phải có sự quan tâm và đối xử công bằng với nguồn vốn nước ngoài đầu tư vào nơi đó. Được đối xử công bằng, được trân trọng, nguồn vốn đó sẽ quay lại. Vốn ở đây không đơn giản chỉ là tài chính, mà bao gồm cả con người, công nghệ, kinh nghiệm và thương hiệu.
Trước khi sang Việt Nam, Ts Snow đã trả lời Bloomberg và làm việc với Bộ Ngân khố Mỹ. Ông ấy đã bày tỏ rất lạc quan về Việt Nam. Khi trở về, ông Snow đã dành những lời "có cánh" về cuộc gặp với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Phó Ban tổ chức TƯ Đảng Nguyễn Văn Quynh. Ông ấy ngạc nhiên khi biết trong 3 năm qua, đề án 165 đã đưa được hơn 3000 cán bộ đến hơn 40 nước để đào tạo, trong đó có lớp đầu tiên sẽ đào tạo tại ĐH Maryland, một đại học hàng đầu của Mỹ về chính sách và quản trị công nơi ông Snow từng là giáo sư.
Hầu hết giới chính khách trên thế giới đều biết TS Snow là đại diện bảo vệ quyền lợi của Bắc Kinh tại Washington DC nên sự quan tâm mới mẻ này của ông Snow đến Việt Nam là một điều thú vị.
Trở lại với câu hỏi "tôi có chơi ngông" không khi bỏ cả triệu đô cho chuyến đi của ông Snow thì đây chính là câu trả lời. Dân gian có câu "mua danh ba vạn..." Chỉ mất 1 triệu USD mà có được một hình ảnh Việt Nam cải thiện hơn trong con mắt thế giới thì đây là cú đầu tư đáng giá đấy chứ?
Liệu có thể kì vọng sự hiện diện của một nhân vật lớn như Snow sẽ là một sự mở đầu cho sự xuất hiện cua những tập đoàn lớn của Mỹ tại VN? Nếu vậy, phía VN cần phải làm gì để có thể thu hút được sự quan tâm của những tập đoàn lớn từ Mỹ?
Tôi có thể tâm sự rất thật với nhà báo một điều rằng "một nhân vật lớn như Snow" cũng chỉ là một trong rất nhiều những "nhân vật lớn" khác mà Link World sẽ mời sang Việt Nam trong thời gian tới. Vấn đề mà chúng tôi quan tâm nhất ở đây chỉ là việc những "nhân vật lớn" này sẽ được chào đón ra sao? Qua rất nhiều những sự kiện của những "nhân vật lớn" đã đến Việt Nam trong thời gian qua, tôi thấy sự ủng hộ của nhà nước và Đảng thì rất mạnh mẽ, nhưng doanh nghiệp lại chưa chủ động, nếu không muốn nói là có đôi chút hờ hững. Có thể vì họ chưa hiểu hết được những giá trị lớn và luật chơi của những ông lớn.
Cá nhân tôi mong muốn cộng đồng Doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tối đa cơ hội này để tiếp cận với người đứng đầu Quỹ đầu tư khổng lồ của thế giới này và học hỏi được ở họ những luật chơi toàn cầu. Vì để có được cuộc chơi của những ông lớn thì bản thân cộng đồng doanh nghiệp phải là những ông lớn về sự hiểu biết, mạnh về bản lĩnh và tính chuyên nghiệp, điều mà chúng ta đang thiếu và yếu.
Được biết trong chuyến thăm tới đây, ông Snow sẽ ký MOU làm cố vấn phát triển cho Vinaconex ITC và là đại diện kêu gọi đầu tư cho dự án Cát Bà. Tại sao ông ấy lại chọn một DN không phải là lớn như công ty này? Bởi vì người ta hay nghĩ rằng một "ông lớn" như Snow sẽ quan tâm đến những tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của VN. Từ câu chuyện của Vinaconex ITC, theo bà các DNVN cần phải làm gì để "lọt được vào mắt xanh" những quỹ lớn như Cerberus?
Tôi thấy ở ITC từ giám đốc đến nhân viên đều có tinh thần cầu thị và mong muốn phát triển với những tiêu chuẩn quốc tế. Họ không vỗ ngực mình là hàng đầu mà chịu lắng nghe đối tác, cởi mở và dám nói về những hạn chế của mình với đối tác. Tôi đã gặp một số tập đoàn nhà nước có quy mô lớn hơn họ rất nhiều nhưng tôi ấn tượng với công ty này bởi ở họ không có sự kiêu hãnh không đáng có và biết tiếp cận một cách khôn ngoan. Riêng thái độ đó là một "điểm cộng" để thuyết phục Snow rằng họ có thể là một đối tác tin cậy. Lòng tin là nền tảng và chỉ có thể xây dựng đối tác chiến lược hay cùng nhau đầu tư phát triển khi có lòng tin mà thôi.
Theo Bảo Linh
Tuần Việt Nam