Ngày đăng :
28/12/2011 - 10:18 PM
Bên cạnh những cách thức tăng trưởng cơ bản, năm 2011 - một năm nhiều thách thức, cộng đồng kinh doanh Việt Nam đã chứng kiến 2 nước cờ mới cho chiến lược tăng trưởng bền vững.
Bốn năm kể từ khi kinh tế suy thoái, giới kinh doanh đã nỗ lực tăng trưởng theo nhiều cách. Theo tài liệu “Top-line Growth” của tạp chí kinh doanh Harvard Business Review, tăng trưởng doanh thu đến từ 3 yếu tố thường thấy là cải tiến sản phẩm (innovation), tập trung tiếp thị đến khách hàng (customer focus) và đưa ra giải pháp cho những vấn đề tiêu dùng (solution). Tuy nhiên, còn có một yếu tố quan trọng khác là thông qua các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A).
Chính các thương vụ M&A đã giúp giải quyết mục tiêu tăng trưởng bền vững cho doanh nghiệp. Một là cho những doanh nghiệp mới vào thị trường và nuôi tham vọng trở thành những đế chế kinh doanh mới với tốc độ tăng trưởng nhanh và cao. Hai là cho những doanh nghiệp đang hoặc chuẩn bị “đụng nóc” tăng trưởng xét về nội lực và cần chuyển sang giai đoạn mới nếu không muốn bị lâm vào cảnh thoái trào. Có thể nhìn thấy rõ qua những câu chuyện tăng trưởng từ các thương vụ M&A của Công ty Bất động sản Bình Thiên An (BTA), Masan Consumer (MSF), ICP, Diana và Kinh Đô (KDC).
Thâu tóm
Thị trường bất động sản Việt Nam rõ ràng đang thách thức bất kỳ một nhà đầu tư chuyên nghiệp nào vì là sự gắn kết phức tạp, đầy rủi ro giữa các “nhà”: ngân hàng - chủ đầu tư - thầu chính - thầu phụ - nhà cung cấp. Điều đó cũng cho thấy, để đảm bảo tăng trưởng cao trong ngành này, một doanh nghiệp phải có được sự hỗ trợ tốt từ các đối tác để vừa tận dụng những lợi thế (về giá, tiến độ, sự linh động, hợp lý trong thanh toán) và vừa hạn chế những rủi ro (chậm thanh toán, cho ra sản phẩm không đạt chất lượng).
Nhận ra điều này, ông chủ của BTA - được biết đến khá nhiều qua dự án Đảo Kim Cương (quận 2, TP.HCM) - đã thực hiện cách thức tăng trưởng mới. Đó là đầu tư vào các bên liên quan trong chuỗi xây dựng nhằm tận dụng lợi thế của các công ty này.
Nếu không tính đến khoản đầu tư vào Vinafco (VFC), một doanh nghiệp vận tải thì ở lĩnh vực xây dựng, nhóm cổ đông BTA đã mua chi phối cổ phần của Beton 6, một công ty chuyên sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn phục vụ công trình. Tiếp đó, 2 năm trở lại đây, BTA đã đầu tư vào Descon, một tổng thầu xây dựng có tiếng và sau đó là PER 8, nhà cung cấp cơ điện lạnh. Gần đây nhất là việc sở hữu 20% cổ phần trong Công ty Xây dựng Cotec (Coteccons - CTD).
Việc đầu tư vào các bên liên quan nhằm tạo ra một hệ thống xây dựng khép kín đã giúp BTA nhanh chóng tạo được “quyền lực mềm” trong giới này. Nhưng quan trọng hơn, tốc độ tăng trưởng của BTA sẽ nhanh hơn, được cộng hưởng nhờ vào sự tăng trưởng của các công ty “vệ tinh”.
Cần nói thêm, ông chủ BTA có thể đã mua được cổ phần với giá tốt. Các báo cáo tài chính của Vinafco (VFC), Beton 6 (BT6), Descon (DCC) trong những năm 2007, 2008, 2009 cho thấy khá nhiều con số tăng trưởng doanh thu âm. Chẳng hạn, VFC có tăng trưởng doanh thu bình quân -19% (2007-2009), BT6 là -5,6% (2008-2009), DCClà -16,7% (2008-2010).
Việc mua lại cổ phần tại các công ty đang gặp khó khăn (nhưng có tài sản giá trị cao) dễ khiến nhiều người liên tưởng đến thủ thuật đầu tư của ông trùm bất động sản Donald Trump (Mỹ). Và cũng không quên BTA sẽ được hưởng lợi từ CTD, một doanh nghiệp có mức tăng trưởng doanh thu gần 70% (2009-2010).
Ông Trịnh Thanh Huy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc của BTA, cho biết cách thức tận dụng cơ hội cho tăng trưởng là “không bao giờ mua cái gì khi thị trường tốt, mà chỉ mua khi thị trường xấu đi”.
Chiến lược tăng trưởng qua M&A của BTA chưa có kết quả rõ ràng vì ông chủ của doanh nghiệp này vẫn đang tiếp tục hoạch định những chiến lược mới cho các công ty vệ tinh, cũng như giải quyết một số vấn đề của thời kỳ hậu M&A.
Nếu trong lĩnh vực xây dựng nổi lên câu chuyện M&A của BTA thì trong lĩnh vực tiêu dùng có câu chuyện của Masan Consumer (MSF). Masan (MSN) ra đời từ đầu những năm 2000, chuyên sản xuất nước tương, nước mắm, mì gói, hạt nêm mang thương hiệu Chinsu với doanh thu thuần 3 quý đầu năm 2011 đạt hơn 4.000 tỉ đồng.
Cách thức tăng trưởng doanh thu của Masan gần giống với luận điểm của tài liệu “Top-line Growth” của Harvard Business Review. Khi đối mặt với sự cố nước tương có độc tố 3-MCPD, ông chủ Masan (MSN) nhận thấy đây là thời điểm tốt để tăng trưởng. Đối với việc cải tiến sản phẩm, Masan (MSN) tung ra nước tương sạch Tam Thái Tử không có 3-MCPD. Trong việc tiếp thị đến khách hàng, Masan (MSN) nêu khẩu hiệu “Nước tương không có 3-MCPD” và trao giải thưởng 1 tỉ đồng cho ai tìm thấy chất này trong sản phẩm của Công ty. Đối với giải pháp cho những vấn đề tiêu dùng, hàng loạt các chiến dịch vì sức khỏe người tiêu dùng đã được công ty này tung ra để tiếp thị cho sản phẩm sạch của họ như nước mắm không có u-rê, mì không có chất transfat (chất béo có hại cho sức khỏe)…
Kế hoạch này đã giúp Masan đi từ kẻ thấp bé trên thị trường trở thành một công ty có mức tăng trưởng đột biến với doanh thu năm 2008 đạt 1.992 tỉ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2007. Hiện nay, Masan chiếm 80% thị trường nước tương và giữ vị trí thứ hai trên thị trường mì gói.
Thế nhưng, sang năm 2012, hoặc xa hơn, tăng trưởng có thể là một vấn đề lớn của Masan khi thị trường bị bão hòa và những cuộc “đổi đời” bằng cải tiến sản phẩm và tiếp thị tiêu dùng sẽ trở nên khó khăn hơn. Trên thực tế, Masan cũng không thể đột phá thêm bằng các thông điệp gây sốc nào nữa, trong khi 2 đối thủ mì gói Acecook và Công ty Thực phẩm Á Châu (Asia Foods) vẫn đang kè sát; còn thị trường nước tương, nước mắm thì liên tục xuất hiện các thương hiệu mới.
Tuy nhiên, một thuận lợi cho Masan là năng lực tài chính của Công ty đã được cải thiện đáng kể nhờ khoản đầu tư 160 triệu USD của Quỹ Đầu tư KKR (Mỹ) bên cạnh 500 triệu USD vốn đầu tư cổ phần tư nhân trong 2 năm qua và khoản tiền mặt hơn 4.000 tỉ đồng.
Con đường tăng trưởng để trở thành đế chế tiêu dùng mới của Masan trở nên rõ rệt hơn trong năm 2011, khi công ty này mua chi phối Vinacafe, doanh nghiệp đầu ngành cà phê với tỉ lệ 50,11%. Nhìn vào những con số tài chính của Vinacafe cũng có thể thấy được tiềm năng tăng trưởng của Masan. Năm 2010, sản lượng cà phê hòa tan của Vinacafe khoảng 17.000 tấn và doanh thu khoảng 65 triệu USD.
Chắc chắn trong câu chuyện tăng trưởng của Masan thời kỳ tiếp theo sẽ không thể vắng bóng Vinacafe, nhưng Masan và Vinacafe làm gì trong câu chuyện tăng trưởng ấy thì vẫn còn là chuyện hậu trường.
Sáp nhập
Bên cạnh việc thâu tóm, sáp nhập lại thể hiện một ý chí khác của các nhà kinh doanh về vấn đề tìm động cơ tăng trưởng mới cho doanh nghiệp. Không ít doanh nghiệp Việt Nam hiểu rằng 2 thách thức lớn nhất của họ là trưởng thành và đại chúng hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự lên ngôi của công nghệ, sức ép tiêu dùng và cạnh tranh.
Và để giải quyết những thách thức này, một số doanh nghiệp như Diana và ICP đã chọn con đường tham gia các định chế toàn cầu. Bước đi lớn nhất của ICP là bán lại phần lớn cổ phần cho tập đoàn hóa mỹ phẩm và thực phẩm Ấn Độ Marico. Còn Diana mới đây cũng đã bán lại 95% cổ phần cho Unicharm (Nhật).
Ông George Nolen, Cựu Chủ tịch của tập đoàn công nghiệp Đức Siemens, từng đúc kết một công thức hoàn hảo cho tăng trưởng gồm 6 yếu tố chủ đạo: nền tảng chiến lược, hiểu biết thị trường, phân phối tốt, hệ thống sản phẩm đa dạng, quan hệ khách hàng và tinh thần đổi mới của chủ doanh nghiệp. Các điều này dường như đều có ở cả Diana lẫn ICP trong suốt chặng đường phát triển của họ.
Diana và ICP là những doanh nghiệp đã sớm khai phá những thị trường mới. Diana ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất băng vệ sinh trong khi ICP tiên phong khai thác thị trường mỹ phẩm cho nam giới còn bị bỏ ngỏ.
Cả 2 đều có sự hậu thuẫn của các định chế tài chính nước ngoài như Goldman Sachs, Mekong Capital, BankInvest để tạo ra một chuỗi sản phẩm đa dạng (Diana có gần chục sản phẩm thuộc đủ mọi phân khúc giá và ICP có hàng loạt thương hiệu con cho từng lứa tuổi bên cạnh sản phẩm chính là X-Men). Hai công ty này cũng có hệ thống phân phối được xây dựng theo mô hình chuẩn của các tập đoàn đa quốc gia. Hai ông chủ Đỗ Anh Tú (Diana) và Phan Quốc Công (ICP) cũng là những nhà kinh doanh có nhiều kinh nghiệm làm việc ở các tập đoàn quốc tế.
Chiến lược tăng trưởng của 2 công ty này đã thành công khi Diana đạt tăng trưởng bình quân 30%/năm với doanh thu hơn 1.000 tỉ đồng năm 2010; còn ICP đạt doanh thu hơn 40 triệu USD so với năm đầu tiên đầu tư (10 năm trước đó) và tăng trưởng cũng khoảng 30%. Riêng ICP đã nỗ lực tạo tăng trưởng bằng hình thức liên kết đầu tư hoặc mua chi phối các công ty như Smart Tailor (liên kết mở rộng sang lĩnh vực thời trang), Orangina (liên kết mở rộng sang lĩnh vực phân phối), Công ty Thực phẩm Thuận Phát (mua chi phối để mở rộng sang lĩnh vực thực phẩm). Nhưng phần lớn các thương vụ này hoặc đã không thành công (Smart Tailor, Orangina) bởi tính chuyên môn và điều kiện khách quan, hoặc vẫn trong giai đoạn tái cấu trúc (Thuận Phát). Và hiện nay, động cơ tăng trưởng của ICP chủ yếu vẫn đến từ sản phẩm chủ lực X-Men.
Như vậy, ICP và Diana dù đang tăng trưởng ổn định nhưng dường như đã “đụng nóc” tăng trưởng xét về nội lực. Sau thương hiệu X-Men, ICP đã cho ra đời hàng loạt các thương hiệu sản phẩm cho trẻ em, tuổi teen, doanh nhân, cũng như các sản phẩm gia tăng giá trị như dầu gội trị gàu, chống rụng tóc. Tuy nhiên, những sản phẩm này chưa mang lại sự tăng trưởng đột phá. Tương tự như vậy với Diana, ngoại trừ thương hiệu băng vệ sinh, các sản phẩm được mở rộng thêm như tã giấy và giấy tissue vẫn chưa thực sự nổi bật.
Trong khi đó, cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn và các sản phẩm mà ICP và Diana đang kinh doanh cũng không phải là thế mạnh của Việt Nam. Đó là chưa kể cho dù có sự hậu thuẫn của các định chế tài chính thì việc chi phí vốn tăng (do lãi suất và lạm phát cao) cũng đang tạo ra thách thức cho các công ty kinh doanh sản phẩm tiêu dùng như ICP và Diana. “Cách thức để đưa công ty tiếp tục tăng trưởng là gia nhập vào một đế chế kinh doanh lớn”, ông Tú, Diana, cho biết. Và sắp tới, chắc chắn không chỉ có ICP và Diana.
Phần lớn các thương vụ M&A trong 2 năm qua đều có cùng mục tiêu là tạo động cơ tăng trưởng mới cho doanh nghiệp. Nhưng không phải lúc nào con đường tăng trưởng qua M&A cũng thành công. Rủi ro lớn nhất là M&A có thể không góp phần tạo tăng trưởng mà ngược lại, còn tạo gánh nặng cho doanh nghiệp, nhất là gánh nặng nợ nần. Năm 2011 cũng chứng kiến vụ lùm xùm của Công ty Cổ phần Nước giải khát Sài Gòn (Tribeco), con cưng một thời của Kinh Đô, với những kết quả tài chính không mấy sáng sủa.
Kinh Đô (KDC) là bằng chứng sống động của một đế chế kinh doanh đi lên từ M&A vào thời kỳ hoạt động này vẫn còn khá xa lạ với doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài thương vụ mua kem Wall’s của Unilever, đầu tư vào một công ty văn phòng phẩm, Kinh Đô (KDC) còn nổi tiếng với thương vụ thâu tóm Tribeco (TRI), một công ty có tiếng trong lĩnh vực nước giải khát khi đó. Những tưởng Kinh Đô (KDC) sẽ tạo được sự đột phá khi Tribeco tăng trưởng, nhưng kết quả lại đi ngược lại với kỳ vọng đó. Từ quý IV/2008 đến quý III/2011, hầu như quý nào Tribeco cũng đều bị lỗ nặng, trong khi tỉ lệ sinh lời của các ngành hàng thực phẩm bất chấp giai đoạn kinh tế khó khăn vẫn khá cao, tới hơn 30%.
Bài học của Kinh Đô cũng khiến người ta liên tưởng đến trường hợp của ICP, khi ông chủ công ty này tham vọng lấn sân sang nhiều lĩnh vực khác bằng M&A. Cho đến nay, việc mua chi phối Thuận Phát với tham vọng tạo tăng trưởng cao vẫn chưa thấy tín hiệu gì tích cực. Đó là chưa kể theo một nguồn tin riêng của NCĐT, ông chủ của ICP đã phải giải quyết những rắc rối liên quan đến tài chính không thể lường trước (xuất phát từ Thuận Phát) sau khi thương vụ này hoàn tất.
Theo Việt Thương
NHỊP CẦU ĐẦU TƯ
|
Ngày đăng :
25/12/2011 - 1:21 PM
Năm 2011, người ta có cả điều tuyệt vời nhất, điều vĩ đại nhất và điều tồi tệ nhất.
Năm 2011 có thể là năm không phải tốt nhất. Tuy nhiên nói đến năm 2011, người ta có cả điều tuyệt vời nhất, điều vĩ đại nhất và điều tồi tệ nhất. Năm 2011 cũng chứng kiến hàng loạt sự việc chưa từng có tiền lệ, ít nhất trong một thập kỷ.
Niềm hy vọng về sự dân chủ lan rộng khắp khu vực Trung Đông, phụ nữ đạt được nhiều thành tựu mới và hoạt động đầu tư vào năng lượng thay thế lên đỉnh cao mới. Cùng lúc đó, thảm họa thiên nhiên gây ra nhiều hậu quả tồi tệ còn thị trường chứng khoán Mỹ biến động mạnh hơn bao giờ hết. Hãy hy vọng vào một năm 2012 sáng sủa hơn.
Mùa xuân Arập bùng nổ tại thế giới các nước Trung Đông, Bắc Phi
Hàng thập kỷ cai trị độc quyền đã dẫn đến các cuộc cách mạng liên tiếp nổ ra. “Mùa xuân Arập bắt đầu tại Tunisia sau khi một người bán rau bị cảnh sát đàn áp vô lý đã tự châm lửa đốt. Phải mất 1 tháng người biểu tình mới có thể lật đổ được cựu Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali.
Cuối tháng 1/2011, đám đông người biểu tình đổ xô ra quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairo của Ai Cập và lật đổ chính phủ của Hosni Mubarak. Lãnh đạo Libya, ông Muammar Qaddafi đã chọn cách chiến tranh chống lại NATO và lực lượng nổi dậy, cuối cùng ông thất bại và bị bắt giữ vào ngày 20/10/2011. Lãnh đạo Abdullah Saleh đấu tranh đến cùng, ông thỏa hiệp và chiến đầu cho đến tận khi chính phủ nhiều nước vùng Vịnh khác gây áp lực buộc ông chuyển giao quyền lực vào ngày 23/11/2011.
Phụ nữ Arập Saudi có thể đi bỏ phiếu
Phụ nữ Arập Saudi có thể đi bỏ phiếu từ năm 2015 nếu họ có thể nhờ được một người đàn ông đưa họ đến điểm bỏ phiếu. Dù thông báo của nhà vua Arập Saudi có thể không khiến người phương Tây ngạc nhiên nhưng trong bối cảnh của Arập Saudi, người ta coi nó như sự kiện động trời.
Hiện nay phụ nữ tại Arập Saudi bị đối xử phân biệt tại các nhà hàng và trường học, họ chỉ có thể làm việc trong bộ phận kinh doanh chỉ nếu công ty đó chuyên kinh doanh sản phẩm phục vụ riêng cho phái nữ.
Trước đây, khi phụ nữ tại Arập biểu tình để chống lại quy định cấm lái xe, một số người đã bị bắt và phạt roi. Vua Arập Saudi đã thay đổi quy định cấm đó và dường như đang cố gắng đưa phụ nữ trở lại lực lượng lao động cũng như giúp Arập Saudi có nhiều tiến bộ mới.
Thái Lan có nữ Thủ tướng lần đầu tiên trong lịch sử
Mùa hè vừa qua, người Thái Lan đã bầu lên nữ Thủ tướng đầu tiên. Bà Yingluck Shinawatra năm nay 44 tuổi, bà có rất ít kinh nghiệm chính trị, người ta quan tâm đến bà một phần lớn bởi bà là em gái của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Cho đến nay, con đường chính trị của bà khá suôn sẽ bất chấp việc anh trai bà bị cáo buộc tham nhũng, bị lật đổ sau cuộc binh biến và buộc phải rời khỏi Thái Lan năm 2006.
Công dân Thái đang chờ xem bà sẽ lèo lái đất nước và thoát khỏi tầm ảnh hưởng của anh trai như thế nào. Và họ còn quan tâm đến việc nữ Thủ tướng sẽ thực hiện cam kết khi tranh cử bao gồm nâng lương tối thiểu và giá gạo xuất khẩu cho nông dân Thái Lan như thế nào.
Trung Quốc và Mỹ cạnh tranh ngôi vương trong ngành sản xuất thế giới
Năm 2010, lĩnh vực sản xuất Trung Quốc vượt qua Mỹ đứng đầu thế giới lần đầu tiên từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Ngành sản xuất Trung Quốc đóng góp tới 2 nghìn tỷ USD vào tổng GDP của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong khi đó tại Mỹ, ngành sản xuất góp 1,95 nghìn tỷ USD vào kinh tế Mỹ. Suy thoái kinh tế tác động xấu đến ngành sản xuất Mỹ, ngành sản xuất Trung Quốc cũng khó khăn. Đến cuối năm 2011, việc kinh tế toàn cầu đi xuống đã ảnh hưởng tiêu cực đến cả tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc, vì vậy lĩnh vực sản xuất Trung Quốc và Mỹ sẽ lại cạnh tranh nhau ngôi vị đứng đầu vào năm 2012.
Thị trường điện thoại thông minh Trung Quốc đứng đầu thế giới
Hiện nay, Trung Quốc là thị trường di động đứng đầu thế giới với khoảng hơn 950 triệu thuê bao không dây, cao gấp 3 lần con số 300 triệu tại Mỹ. Đến quý 3/2011, Trung Quốc trở thành thị trường điện thoại thông minh lớn nhất thế giới tính theo số lượng. Trung Quốc đứng đầu với 23,9 triệu điện thoại thông minh được bán ra còn con số này tại Mỹ đạt 23,3 triệu. Doanh số bán điện thoại thông minh tại Mỹ chững lại ở thời điểm giữa năm nhiều khả năng bởi người tiêu dùng chờ đợi iPhone 4S, đến quý 4/2011 điện thoại này mới được tung ra thị trường.
Apple tạm thời trở thành công ty có giá trị thị trường lớn nhất thế giới
Tháng 8/2011, giá trị thị trường của Apple ở mức 337,2 tỷ USD, vượt qua Exxon Mobil lần đầu tiên và trở thành công ty có giá trị lớn nhất thế giới. Một công ty công nghệ khác từng có được danh hiệu này là Cisco Systems, hiện có giá trị khoảng 99 tỷ USD. Apple đã vươn lên vị trí đứng đầu sau 14 năm chuyển mình từ một công ty sản xuất máy tính cá nhân sang một công ty bán nhiều sản phẩm đa dạng, từ điện thoại thông minh cho đến nhạc số. Theo nhận xét của người đồng sáng lập Steve Jobs, những gì Apple có hiện nay không hề tệ neeys so với một công ty đã kề cận bờ vực phá sản.
Thái Lan chịu lũ lụt lớn chưa từng có trong 60 năm
Mưa lớn tại miền Bắc Thái Lan đã khiến mực nước tại sông Phraya lên mức cao chưa từng thấy tính từ năm 1942, lũ lụt tại Thái Lan kéo dài nhiều tháng liên tiếp. Thảm họa đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người, phá hủy hàng ngàn ngôi nhà, nhà máy tại Bangkok và khu vực phụ cận. Hoạt động sản xuất của hãng xe lớn nhất thế giới, Toyota, mới chỉ hồi phục sau động đất và sóng thần tại Nhật vào tháng 3/2011 lại chịu tác động nặng nề khi sản xuất tại Thái Lan bị đình đốn. Ngay cả cung điện hoàng gia Thái Lan ở Bangkok cũng không thể tránh khỏi tác động nặng nề của lũ lụt.
Thảm họa Chernobyl trở lại?
Động đất tại Nhật ngày 11/03/2011 với cường độ 9 độ richte đã gây ra thiệt hại mà ít người ngờ đến. Sóng thần đã cướp đi sinh mạng của khoảng 15 nghìn người. Sóng thần phá hủy hệ thống làm mát tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, thế giới đối đầu với thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất tính từ thảm họa Chernobyl cách đây 25 năm. Ngoài thiệt hại về người, hơn 100 nghìn người dân tại khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi đã buộc phải di cư. Chính phủ Nhật công bố thời gian dọn dẹp đống tàn tích của sóng thần có thể mất tới 40 năm.
Nước Mỹ mất 50 tỷ USD vì thảm họa thiên nhiên
Năm vừa qua, nước Mỹ hứng chịu ít nhất 12 thảm họa thiên nhiên gây thiệt hại tối thiểu 1 tỷ USD và thiệt hại người nghiêm trọng. Có vài thảm họa thiên nhiên còn gây ra nhiều thiệu hại hơn thế, hiện nay, bang Texas vẫn phải chịu hạn hán. Tổng số cơn bảo gây thiệt hại tỷ USD lên tới hơn 14, tổng thiệt hại tài chính từ thảm họa thiên nhiên lên tới 50 tỷ USD. Mức thiệt hại trên cao hơn nhiều so với con số của năm 2008. Suốt từ năm 1970, các thảm họa thiên nhiên ngày một gây ra nhiều thiệt hại hơn.
Theo Ngọc Diệp
Theo TTVN
|
Ngày đăng :
25/12/2011 - 2:29 AM
"Rodong Sinmun" nói rằng ông Kim Jong Un sẽ tiến tới trên con đường tự cường và cuộc cách mạng đặt quân đội làm ưu tiên hàng đầu.
Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên ngày 23/12 đã công nhận ông Kim Jong-Un là "chỉ huy tối cao" của quân đội nước này, một bước đi nữa trong việc tập trung quyền lực vào người con trai của nhà lãnh đạo mới qua đời Kim Jong-Il.
"Chúng ta ủng hộ đồng chí Kim Jong-Un làm chỉ huy tối cao, cùng đưa cuộc cách mạng Songun tới thắng lợi," tờ "Rodong Sinmun," cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên viết trong bài xã luận số ra ngày 23/12.
Bài báo cũng kêu gọi người dân nghe theo lời hiệu triệu của vị chỉ huy tối cao Kim Jong Un để đưa đất nước Triều Tiên của lãnh tụ Kim Nhật Thành (Kim Il-Sung) tới thắng lợi bất diệt.
Đây là lần đầu tiên Triều Tiên sử dụng cụm từ "chỉ huy tối cao" để nói về người kế tục của nhà lãnh đạo mới qua đời Kim Jong-Il, người trước khi lâm chung giữ các cương vị gồmTổng Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Tổng Tư lệnh tối cao quân đội nhân dân Triều Tiên.
"Đó là một dấu hiệu cho thấy ông Jong-Un đã nắm quân đội và Triều Tiên muốn thông báo điều này với thế giới bên ngoài," Giáo sư Kim Yong-Hyun thuộc đại học Dongguk ở Seoul nói với AFP. "Miền Bắc có thể tiếp tục đi theo hệ tư tưởng Songun trong tương lai gần."
Trước đó, trong ngày 22/12 thì chính tờ "Rodong Sinmun" cũng đã gọi người con út của ông Kim Jong-Il là "người thừa kế sự nghiệp cách mạng và nhà lãnh đạo của nhân dân."
Bài báo nói rằng ông Kim Jong Un sẽ tiến tới trên con đường tự cường (Juche) và cuộc cách mạng đặt quân đội làm ưu tiên hàng đầu (tiên quân - Songun). "Tiên quân" trong tiếng Triều Tiên là "Songun," được coi là hệ tư tưởng dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong-Il, còn "Juche" (có nghĩa là tự cường) là hệ tư tưởng dưới thời lãnh tụ Kim Nhật Thành, tức ông nội của ông Kim Jong-Un.
Những bài báo trên càng có ý nghĩa quan trọng khi nó xuất hiện đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm ông Kim Jong-Il nằm quyền chỉ huy tối cao của quân đội Triều Tiên, giáo sư Yang Moo-jin chuyên nghiên cứu về Triều Tiên thuộc đại học Seoul cho hay.
“Các bài báo này nhằm mục đích chuẩn bị cho Jong-Un trở thành chỉ huy tối cao của quân đội, sớm hay muộn những bước đi chính thức sẽ được thực hiện để ông ta tiếp quản vị trí từ cha mình,” giáo sư Yang nói với hãng AFP.
Theo AFP, các nhà phân tích cho rằng những động thái chính trị kể trên có ý nghĩa làm ổn định tình hình của đất nước cũng như của cả bán đảo Triều Tiên.
Ông Kim Jong-Un được đề bạt nắm giữ vị trí cấp cao trong quân đội cũng như đảng Lao động Triều Tiên từ tháng 9/2010, tạo lộ trình cho sự xuất hiện của thế hệ lãnh đạo thứ ba tại CHDCND Triều Tiên.
Theo hãng Yonhap của Hàn Quốc thì ngay trước khi ông Kim Jong-Il qua đời, ông Kim Jong Un đã ra quân lệnh đầu tiên, một dấu hiệu cho thấy ông đã thực sự nắm giữ quân đội./.
Theo Vietnamplus
|
Ngày đăng :
22/12/2011 - 5:57 PM
Theo kết quả nghiên cứu về thói quen sử dụng internet trên thiết bị di động của người tiêu dùng Việt Nam vừa được công bố của Yahoo, Việt Nam có tốc độ phát triển chóng mặt.
Kết quả nghiên cứu cho thấy Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển Internet di động nhanh thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á (tăng 60%), chỉ đứng sau Malaysia.
Theo kết quả nghiên cứu của Yahoo, người sử dụng Internet di động tại Việt Nam chủ yếu là nam giới trong độ tuổi từ 15 đến 24 tuổi và thường có thói quen sử dụng điện thoại di động thông minh với giá thành rẻ (trung bình từ 2 triệu đến 4 triệu đồng) nhưng đáp ứng đầy đủ các tính năng tiên tiến như truy cập internet và giải trí đa phương tiện bên cạnh những tính năng cơ bản như gọi và nhắn tin.
Hiện nay, Việt Nam là quốc gia có mức độ chi tiêu cho Internet di động cao nhất trong khu vực Đông Nam Á (trung bình 24 USD/tháng).
Trong bản báo cáo nghiên cứu thị trường của Yahoo! mới đây đã công bố con số về thị phần khá bất ngờ: MobiFone là nhà cung cấp dịch vụ di động số 1 Việt Nam với 60% thị phần, tiếp theo là Viettel chiếm 26%, Vinaphone chiếm 11% và Vietnammobile chiếm 1%. Trong thông báo mới nhất, Yahoo cho biết họ chỉ đưa ra con số điều tra, không có hàm ý nói dịch vụ của MobiFone ưu việt hơn các nhà mạng khác.
Những con số tăng trưởng ấn tượng và đáng mừng trên không vấp phải bất kỳ phản ứng nào. Tuy nhiên, công bố về “miếng bánh” thị phần nêu trên của Yahoo đã bị một số nhà mạng Việt Nam bày tỏ băn khoăn về phương pháp khảo sát, thống kê để mang lại các con số này.
Cụ thể, một nhà mạng lâu năm ở Việt Nam gọi đó là số liệu “không đáng tin cậy”, một nhà mạng lớn khác cũng đã yêu cầu Yahoo trả lời về phương pháp khảo sát, tập mẫu…
Theo thông tin mới đây nhất, Yahoo khẳng định kết quả nghiên cứu này có tên Yahoo! Net Index được thực hiện hàng năm cùng sự phối hợp thực hiện cùng với một công ty khác tại Việt Nam.
Yahoo Việt Nam cũng cho biết thêm, nghiên cứu trên được thực hiện theo phương pháp chọn mẫu xác suất và phỏng vấn trực tiếp qua nhiều giai đoạn.
Khảo sát được tiến hành tại khu vực nội thành của 4 thành phố chính là Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ. Yahoo đã tiến hành khảo sát ngẫu nghiên với 1.500 mẫu khảo sát để đưa ra kết quả trên.
Mới đây, tại Hội nghị Tổng kết tình hình triển khai 3G của các doanh nghiệp, sau 18 tháng triển khai, tổng số thuê bao mạng 3G của Việt Nam đạt trên 8 triệu người sử dụng, mật độ phủ sóng lên đến 93,68%.
Hiện theo xếp hạng của Liên minh Viễn thông Thế giới (ITU), Việt Nam đứng thứ 8 thế giới về mật độ thuê bao di động. Đặc biệt, dù bắt đầu triển khai thương mại 3G từ cuối năm 2009 nhưng sau khoảng 2 năm, số lượng thuê bao 3G của Việt Nam đã tăng hơn gấp đôi, góp phần đưa mật độ viễn thông tăng từ 87% lên 175% vào năm 2010.
Trong năm 2011, mặc dù tỷ lệ lạm phát lên tới 18%, nhưng theo Tổng Cục thống kê thì số liệu CPI hàng tháng cho thấy nhóm viễn thông là nhóm duy nhất giảm trong rổ hàng hóa tính CPI.
Theo Dân Trí
|
Ngày đăng :
22/12/2011 - 2:08 PM
Đây là dự án có tầm quan trọng đặc biệt trong việc thực hiện Chiến lược Khoa học và Công nghệ Việt Nam đến 2020, tầm nhìn 2030 và Việt Nam sẽ là Trung tâm vũ trụ hiện đại hàng đầu của ASEAN.
Tại Hội nghị tổng kết Chương trình Khoa học công nghệ vũ trụ giai đoạn 2008-2011 do Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức ngày 20/12, phóng viên đã có cuộc trao đổi với giáo sư Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện về những bước phát triển trong lĩnh vực khoa học công nghệ vũ trụ của Việt Nam.
- Giáo sư đánh giá thế nào về kết quả thực hiện “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2006 của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam?
Giáo sư Châu Văn Minh: Khoa học công nghệ vũ trụ là lĩnh vực công nghệ cao, mang tính đa ngành và là thước đo của nền khoa học công nghệ quốc gia. Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ trong việc triển khai Chương trình Khoa học công nghệ vũ trụ thuộc “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020”.
Trong lĩnh vực công nghệ vệ tinh, Viện đã và đang thực hiện dự án vệ tinh nhỏ quan sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường và thiên tai (VNRedsat-1) sử dụng công nghệ và vốn ODA của Cộng hòa Pháp; Dự án vệ tinh nhỏ quan sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường và thiên tai VNRedsat-1B sử dụng công nghệ siêu phổ với nguồn vốn ODA của Vương quốc Bỉ.
Đặc biệt, Viện đã triển khai một số bước xây dựng Trung tâm vũ trụ Việt Nam tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc sử dụng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản (khoảng 600 triệu USD và 1.100 tỷ đồng đối ứng).
Các công việc được triển khai bao gồm cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và 2 vệ tinh công nghệ radar hiện đại quan sát Việt Nam trong mọi điều kiện thời tiết cũng như nguồn nhân lực trình độ cao để Việt Nam có thể tự chế tạo vệ tinh nhằm đạt được mục tiêu của chiến lược.
Đây là dự án có tầm quan trọng đặc biệt trong việc thực hiện Chiến lược Khoa học và Công nghệ Việt Nam đến 2020, tầm nhìn 2030 và Việt Nam sẽ là Trung tâm vũ trụ hiện đại hàng đầu của ASEAN.
Để thực hiện được các nhiệm vụ trên, Chính phủ đã thành lập Trung tâm vệ tinh quốc gia, trực thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Hiện nay, đơn vị đã triển khai một số hoạt động ban đầu.
- Thưa giáo sư, Viện đã có bước chuẩn bị thế nào cho công tác đào tạo cán bộ trình độ cao phục vụ lĩnh vực khoa học công nghệ vũ trụ?
Giáo sư Châu Văn Minh: Công tác đào tạo cán bộ trẻ cho ngành khoa học công nghệ vũ trụ là một phần rất quan trọng trong việc xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ vũ trụ Việt Nam. Hiện nay, đơn vị đã cử một số cán bộ trẻ đi đào tạo tại các quốc gia hợp tác với Việt Nam. Bước đầu, đã có 15 cán bộ đi học tại Pháp. Tôi hy vọng lứa cán bộ đầu tiên này sẽ là nguồn nhân lực chủ chốt cho ngành khoa học công nghệ vũ trụ nước nhà.
Trong chương trình hợp tác với Bỉ và Nhật Bản cũng có các dự án đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ Chiến lược khoa học công nghệ vũ trụ. Ngoài ra, các trường đại học trong nước và Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (trực thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cũng có các chương trình đào tạo lĩnh vực hàng không vũ trụ.
-Hiện nay, đã có một số doanh nghiệp tư nhân triển khai những chương trình nghiên cứu các vệ tinh nhỏ với động cơ và động lực tài chính rõ ràng, vậy định hướng của Viện ra sao, thưa giáo sư?
Giáo sư Châu Văn Minh: Hiện nay, các nhà khoa học, nhà chính sách đều đang sử dụng ảnh vệ tinh mua của nước ngoài. Khi có vệ tinh riêng, Việt Nam sẽ tự chủ được nguồn ảnh. Viện sẽ tận dụng những nguồn ảnh này phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời hướng tới tạo nguồn thu phục vụ lại công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo cán bộ có trình độ cao.
-Xin giáo sư cho biết mục tiêu cụ thể trong thời gian tới đối với lĩnh vực khoa học công nghệ vũ trụ?
Giáo sư Châu Văn Minh: Theo Chiến lược phát triển công nghệ vũ trụ đến năm 2020, Việt Nam sẽ làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh nhỏ. Cụ thể, đến năm 2014, vệ tinh VNRedsat -1 quan sát Trái Đất sẽ được phóng vào quỹ đạo và đi vào hoạt động ổn định.
Trong thời gian sắp tới, Viện tiếp tục khai thác cơ sở dữ liệu viễn thám dùng chung cho nhiều ngành; tổ chức quản lý và khai thác tốt mạng thông tin mặt đất phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng.
Ngoài ra, Viện tập trung tiếp thu công nghệ và khai thác hiệu quả hạ tầng kỹ thuật không gian được hình thành qua một số dự án lớn như dự án trạm mặt đất thu ảnh vệ tinh viễn thám, dự án Vinasat, dự án vệ tinh quan sát trái đất của Việt Nam.
Theo Thu Phương
TTXVN/Vietnam+
|