2011 – Năm của những điều chưa từng có tiền lệ

Ngày đăng : 25/12/2011 - 1:21 PM

Năm 2011, người ta có cả điều tuyệt vời nhất, điều vĩ đại nhất và điều tồi tệ nhất.

 

 

Năm 2011 có thể là năm không phải tốt nhất. Tuy nhiên nói đến năm 2011, người ta có cả điều tuyệt vời nhất, điều vĩ đại nhất và điều tồi tệ nhất. Năm 2011 cũng chứng kiến hàng loạt sự việc chưa từng có tiền lệ, ít nhất trong một thập kỷ.

Niềm hy vọng về sự dân chủ lan rộng khắp khu vực Trung Đông, phụ nữ đạt được nhiều thành tựu mới và hoạt động đầu tư vào năng lượng thay thế lên đỉnh cao mới. Cùng lúc đó, thảm họa thiên nhiên gây ra nhiều hậu quả tồi tệ còn thị trường chứng khoán Mỹ biến động mạnh hơn bao giờ hết. Hãy hy vọng vào một năm 2012 sáng sủa hơn.

Mùa xuân Arập bùng nổ tại thế giới các nước Trung Đông, Bắc Phi

Hàng thập kỷ cai trị độc quyền đã dẫn đến các cuộc cách mạng liên tiếp nổ ra. “Mùa xuân Arập bắt đầu tại Tunisia sau khi một người bán rau bị cảnh sát đàn áp vô lý đã tự châm lửa đốt. Phải mất 1 tháng người biểu tình mới có thể lật đổ được cựu Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali.

Cuối tháng 1/2011, đám đông người biểu tình đổ xô ra quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairo của Ai Cập và lật đổ chính phủ của Hosni Mubarak. Lãnh đạo Libya, ông Muammar Qaddafi đã chọn cách chiến tranh chống lại NATO và lực lượng nổi dậy, cuối cùng ông thất bại và bị bắt giữ vào ngày 20/10/2011. Lãnh đạo Abdullah Saleh đấu tranh đến cùng, ông thỏa hiệp và chiến đầu cho đến tận khi chính phủ nhiều nước vùng Vịnh khác gây áp lực buộc ông chuyển giao quyền lực vào ngày 23/11/2011.

Phụ nữ Arập Saudi có thể đi bỏ phiếu

Phụ nữ Arập Saudi có thể đi bỏ phiếu từ năm 2015 nếu họ có thể nhờ được một người đàn ông đưa họ đến điểm bỏ phiếu. Dù thông báo của nhà vua Arập Saudi có thể không khiến người phương Tây ngạc nhiên nhưng trong bối cảnh của Arập Saudi, người ta coi nó như sự kiện động trời.

Hiện nay phụ nữ tại Arập Saudi bị đối xử phân biệt tại các nhà hàng và trường học, họ chỉ có thể làm việc trong bộ phận kinh doanh chỉ nếu công ty đó chuyên kinh doanh sản phẩm phục vụ riêng cho phái nữ.

Trước đây, khi phụ nữ tại Arập biểu tình để chống lại quy định cấm lái xe, một số người đã bị bắt và phạt roi. Vua Arập Saudi đã thay đổi quy định cấm đó và dường như đang cố gắng đưa phụ nữ trở lại lực lượng lao động cũng như giúp Arập Saudi có nhiều tiến bộ mới.

Thái Lan có nữ Thủ tướng lần đầu tiên trong lịch sử

Mùa hè vừa qua, người Thái Lan đã bầu lên nữ Thủ tướng đầu tiên. Bà Yingluck Shinawatra năm nay 44 tuổi, bà có rất ít kinh nghiệm chính trị, người ta quan tâm đến bà một phần lớn bởi bà là em gái của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Cho đến nay, con đường chính trị của bà khá suôn sẽ bất chấp việc anh trai bà bị cáo buộc tham nhũng, bị lật đổ sau cuộc binh biến và buộc phải rời khỏi Thái Lan năm 2006.

Công dân Thái đang chờ xem bà sẽ lèo lái đất nước và thoát khỏi tầm ảnh hưởng của anh trai như thế nào. Và họ còn quan tâm đến việc nữ Thủ tướng sẽ thực hiện cam kết khi tranh cử bao gồm nâng lương tối thiểu và giá gạo xuất khẩu cho nông dân Thái Lan như thế nào.

Trung Quốc và Mỹ cạnh tranh ngôi vương trong ngành sản xuất thế giới

Năm 2010, lĩnh vực sản xuất Trung Quốc vượt qua Mỹ đứng đầu thế giới lần đầu tiên từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Ngành sản xuất Trung Quốc đóng góp tới 2 nghìn tỷ USD vào tổng GDP của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong khi đó tại Mỹ, ngành sản xuất góp 1,95 nghìn tỷ USD vào kinh tế Mỹ. Suy thoái kinh tế tác động xấu đến ngành sản xuất Mỹ, ngành sản xuất Trung Quốc cũng khó khăn. Đến cuối năm 2011, việc kinh tế toàn cầu đi xuống đã ảnh hưởng tiêu cực đến cả tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc, vì vậy lĩnh vực sản xuất Trung Quốc và Mỹ sẽ lại cạnh tranh nhau ngôi vị đứng đầu vào năm 2012.

Thị trường điện thoại thông minh Trung Quốc đứng đầu thế giới

Hiện nay, Trung Quốc là thị trường di động đứng đầu thế giới với khoảng hơn 950 triệu thuê bao không dây, cao gấp 3 lần con số 300 triệu tại Mỹ. Đến quý 3/2011, Trung Quốc trở thành thị trường điện thoại thông minh lớn nhất thế giới tính theo số lượng. Trung Quốc đứng đầu với 23,9 triệu điện thoại thông minh được bán ra còn con số này tại Mỹ đạt 23,3 triệu. Doanh số bán điện thoại thông minh tại Mỹ chững lại ở thời điểm giữa năm nhiều khả năng bởi người tiêu dùng chờ đợi iPhone 4S, đến quý 4/2011 điện thoại này mới được tung ra thị trường.

Apple tạm thời trở thành công ty có giá trị thị trường lớn nhất thế giới

Tháng 8/2011, giá trị thị trường của Apple ở mức 337,2 tỷ USD, vượt qua Exxon Mobil lần đầu tiên và trở thành công ty có giá trị lớn nhất thế giới. Một công ty công nghệ khác từng có được danh hiệu này là Cisco Systems, hiện có giá trị khoảng 99 tỷ USD. Apple đã vươn lên vị trí đứng đầu sau 14 năm chuyển mình từ một công ty sản xuất máy tính cá nhân sang một công ty bán nhiều sản phẩm đa dạng, từ điện thoại thông minh cho đến nhạc số. Theo nhận xét của người đồng sáng lập Steve Jobs, những gì Apple có hiện nay không hề tệ neeys so với một công ty đã kề cận bờ vực phá sản.

Thái Lan chịu lũ lụt lớn chưa từng có trong 60 năm

Mưa lớn tại miền Bắc Thái Lan đã khiến mực nước tại sông Phraya lên mức cao chưa từng thấy tính từ năm 1942, lũ lụt tại Thái Lan kéo dài nhiều tháng liên tiếp. Thảm họa đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người, phá hủy hàng ngàn ngôi nhà, nhà máy tại Bangkok và khu vực phụ cận. Hoạt động sản xuất của hãng xe lớn nhất thế giới, Toyota, mới chỉ hồi phục sau động đất và sóng thần tại Nhật vào tháng 3/2011 lại chịu tác động nặng nề khi sản xuất tại Thái Lan bị đình đốn. Ngay cả cung điện hoàng gia Thái Lan ở Bangkok cũng không thể tránh khỏi tác động nặng nề của lũ lụt.

Thảm họa Chernobyl trở lại?

Động đất tại Nhật ngày 11/03/2011 với cường độ 9 độ richte đã gây ra thiệt hại mà ít người ngờ đến. Sóng thần đã cướp đi sinh mạng của khoảng 15 nghìn người. Sóng thần phá hủy hệ thống làm mát tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, thế giới đối đầu với thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất tính từ thảm họa Chernobyl cách đây 25 năm. Ngoài thiệt hại về người, hơn 100 nghìn người dân tại khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi đã buộc phải di cư. Chính phủ Nhật công bố thời gian dọn dẹp đống tàn tích của sóng thần có thể mất tới 40 năm.

Nước Mỹ mất 50 tỷ USD vì thảm họa thiên nhiên

Năm vừa qua, nước Mỹ hứng chịu ít nhất 12 thảm họa thiên nhiên gây thiệt hại tối thiểu 1 tỷ USD và thiệt hại người nghiêm trọng. Có vài thảm họa thiên nhiên còn gây ra nhiều thiệu hại hơn thế, hiện nay, bang Texas vẫn phải chịu hạn hán. Tổng số cơn bảo gây thiệt hại tỷ USD lên tới hơn 14, tổng thiệt hại tài chính từ thảm họa thiên nhiên lên tới 50 tỷ USD. Mức thiệt hại trên cao hơn nhiều so với con số của năm 2008. Suốt từ năm 1970, các thảm họa thiên nhiên ngày một gây ra nhiều thiệt hại hơn.

 

Theo Ngọc Diệp

Theo TTVN



 

Yup, that suhlod defo do the trick!
11/01/2012
Yup, that suhlod defo do the trick!

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Kim Jong-Un thành "chỉ huy tối cao" của Triều Tiên

Ngày đăng : 25/12/2011 - 2:29 AM
"Rodong Sinmun" nói rằng ông Kim Jong Un sẽ tiến tới trên con đường tự cường và cuộc cách mạng đặt quân đội làm ưu tiên hàng đầu.
 
Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên ngày 23/12 đã công nhận ông Kim Jong-Un là "chỉ huy tối cao" của quân đội nước này, một bước đi nữa trong việc tập trung quyền lực vào người con trai của nhà lãnh đạo mới qua đời Kim Jong-Il.
 
"Chúng ta ủng hộ đồng chí Kim Jong-Un làm chỉ huy tối cao, cùng đưa cuộc cách mạng Songun tới thắng lợi," tờ "Rodong Sinmun," cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên viết trong bài xã luận số ra ngày 23/12.
 
Bài báo cũng kêu gọi người dân nghe theo lời hiệu triệu của vị chỉ huy tối cao Kim Jong Un để đưa đất nước Triều Tiên của lãnh tụ Kim Nhật Thành (Kim Il-Sung) tới thắng lợi bất diệt.
 
Đây là lần đầu tiên Triều Tiên sử dụng cụm từ "chỉ huy tối cao" để nói về người kế tục của nhà lãnh đạo mới qua đời Kim Jong-Il, người trước khi lâm chung giữ các cương vị gồmTổng Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Tổng Tư lệnh tối cao quân đội nhân dân Triều Tiên.
 
"Đó là một dấu hiệu cho thấy ông Jong-Un đã nắm quân đội và Triều Tiên muốn thông báo điều này với thế giới bên ngoài," Giáo sư Kim Yong-Hyun thuộc đại học Dongguk ở Seoul nói với AFP. "Miền Bắc có thể tiếp tục đi theo hệ tư tưởng Songun trong tương lai gần."
 
Trước đó, trong ngày 22/12 thì chính tờ "Rodong Sinmun" cũng đã gọi người con út của ông Kim Jong-Il là "người thừa kế sự nghiệp cách mạng và nhà lãnh đạo của nhân dân."
 
Bài báo nói rằng ông Kim Jong Un sẽ tiến tới trên con đường tự cường (Juche) và cuộc cách mạng đặt quân đội làm ưu tiên hàng đầu (tiên quân - Songun). "Tiên quân" trong tiếng Triều Tiên là "Songun," được coi là hệ tư tưởng dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong-Il, còn "Juche" (có nghĩa là tự cường) là hệ tư tưởng dưới thời lãnh tụ Kim Nhật Thành, tức ông nội của ông Kim Jong-Un.
 
Những bài báo trên càng có ý nghĩa quan trọng khi nó xuất hiện đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm ông Kim Jong-Il nằm quyền chỉ huy tối cao của quân đội Triều Tiên, giáo sư Yang Moo-jin chuyên nghiên cứu về Triều Tiên thuộc đại học Seoul cho hay.
 
“Các bài báo này nhằm mục đích chuẩn bị cho Jong-Un trở thành chỉ huy tối cao của quân đội, sớm hay muộn những bước đi chính thức sẽ được thực hiện để ông ta tiếp quản vị trí từ cha mình,” giáo sư Yang nói với hãng AFP.
 
Theo AFP, các nhà phân tích cho rằng những động thái chính trị kể trên có ý nghĩa làm ổn định tình hình của đất nước cũng như của cả bán đảo Triều Tiên.
 
Ông Kim Jong-Un được đề bạt nắm giữ vị trí cấp cao trong quân đội cũng như đảng Lao động Triều Tiên từ tháng 9/2010, tạo lộ trình cho sự xuất hiện của thế hệ lãnh đạo thứ ba tại CHDCND Triều Tiên.
 
Theo hãng Yonhap của Hàn Quốc thì ngay trước khi ông Kim Jong-Il qua đời, ông Kim Jong Un đã ra quân lệnh đầu tiên, một dấu hiệu cho thấy ông đã thực sự nắm giữ quân đội./.
 
Theo Vietnamplus

 


Yahoo tái khẳng định: Mobiphone chiếm 60% thị phần internet di động Việt Nam

Ngày đăng : 22/12/2011 - 5:57 PM

Theo kết quả nghiên cứu về thói quen sử dụng internet trên thiết bị di động của người tiêu dùng Việt Nam vừa được công bố của Yahoo, Việt Nam có tốc độ phát triển chóng mặt.

 

 

 

Kết quả nghiên cứu cho thấy Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển Internet di động nhanh thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á (tăng 60%), chỉ đứng sau Malaysia.

Theo kết quả nghiên cứu của Yahoo, người sử dụng Internet di động tại Việt Nam chủ yếu là nam giới trong độ tuổi từ 15 đến 24 tuổi và thường có thói quen sử dụng điện thoại di động thông minh với giá thành rẻ (trung bình từ 2 triệu đến 4 triệu đồng) nhưng đáp ứng đầy đủ các tính năng tiên tiến như truy cập internet và giải trí đa phương tiện bên cạnh những tính năng cơ bản như gọi và nhắn tin.

Hiện nay, Việt Nam là quốc gia có mức độ chi tiêu cho Internet di động cao nhất trong khu vực Đông Nam Á (trung bình 24 USD/tháng).

Trong bản báo cáo nghiên cứu thị trường của Yahoo! mới đây đã công bố con số về thị phần khá bất ngờ: MobiFone là nhà cung cấp dịch vụ di động số 1 Việt Nam với 60% thị phần, tiếp theo là Viettel chiếm 26%, Vinaphone chiếm 11% và Vietnammobile chiếm 1%. Trong thông báo mới nhất, Yahoo cho biết họ chỉ đưa ra con số điều tra, không có hàm ý nói dịch vụ của MobiFone ưu việt hơn các nhà mạng khác.

Những con số tăng trưởng ấn tượng và đáng mừng trên không vấp phải bất kỳ phản ứng nào. Tuy nhiên, công bố về “miếng bánh” thị phần nêu trên của Yahoo đã bị một số nhà mạng Việt Nam bày tỏ băn khoăn về phương pháp khảo sát, thống kê để mang lại các con số này.

Cụ thể, một nhà mạng lâu năm ở Việt Nam gọi đó là số liệu “không đáng tin cậy”, một nhà mạng lớn khác cũng đã yêu cầu Yahoo trả lời về phương pháp khảo sát, tập mẫu…

Theo thông tin mới đây nhất, Yahoo khẳng định kết quả nghiên cứu này có tên Yahoo! Net Index được thực hiện hàng năm cùng sự phối hợp thực hiện cùng với một công ty khác tại Việt Nam.

Yahoo Việt Nam cũng cho biết thêm, nghiên cứu trên được thực hiện theo phương pháp chọn mẫu xác suất và phỏng vấn trực tiếp qua nhiều giai đoạn.

Khảo sát được tiến hành tại khu vực nội thành của 4 thành phố chính là Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ. Yahoo đã tiến hành khảo sát ngẫu nghiên với 1.500 mẫu khảo sát để đưa ra kết quả trên.

Mới đây, tại Hội nghị Tổng kết tình hình triển khai 3G của các doanh nghiệp, sau 18 tháng triển khai, tổng số thuê bao mạng 3G của Việt Nam đạt trên 8 triệu người sử dụng, mật độ phủ sóng lên đến 93,68%.

Hiện theo xếp hạng của Liên minh Viễn thông Thế giới (ITU), Việt Nam đứng thứ 8 thế giới về mật độ thuê bao di động. Đặc biệt, dù bắt đầu triển khai thương mại 3G từ cuối năm 2009 nhưng sau khoảng 2 năm, số lượng thuê bao 3G của Việt Nam đã tăng hơn gấp đôi, góp phần đưa mật độ viễn thông tăng từ 87% lên 175% vào năm 2010.

Trong năm 2011, mặc dù tỷ lệ lạm phát lên tới 18%, nhưng theo Tổng Cục thống kê thì số liệu CPI hàng tháng cho thấy nhóm viễn thông là nhóm duy nhất giảm trong rổ hàng hóa tính CPI.

 

Theo Dân Trí

 


Việt Nam sẽ là trung tâm vũ trụ hiện đại hàng đầu ASEAN

Ngày đăng : 22/12/2011 - 2:08 PM

Đây là dự án có tầm quan trọng đặc biệt trong việc thực hiện Chiến lược Khoa học và Công nghệ Việt Nam đến 2020, tầm nhìn 2030 và Việt Nam sẽ là Trung tâm vũ trụ hiện đại hàng đầu của ASEAN.

 

 

 

Tại Hội nghị tổng kết Chương trình Khoa học công nghệ vũ trụ giai đoạn 2008-2011 do Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức ngày 20/12, phóng viên đã có cuộc trao đổi với giáo sư Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện về những bước phát triển trong lĩnh vực khoa học công nghệ vũ trụ của Việt Nam.

- Giáo sư đánh giá thế nào về kết quả thực hiện “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2006 của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam?

Giáo sư Châu Văn Minh: Khoa học công nghệ vũ trụ là lĩnh vực công nghệ cao, mang tính đa ngành và là thước đo của nền khoa học công nghệ quốc gia. Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ trong việc triển khai Chương trình Khoa học công nghệ vũ trụ thuộc “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020”.

Trong lĩnh vực công nghệ vệ tinh, Viện đã và đang thực hiện dự án vệ tinh nhỏ quan sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường và thiên tai (VNRedsat-1) sử dụng công nghệ và vốn ODA của Cộng hòa Pháp; Dự án vệ tinh nhỏ quan sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường và thiên tai VNRedsat-1B sử dụng công nghệ siêu phổ với nguồn vốn ODA của Vương quốc Bỉ.

Đặc biệt, Viện đã triển khai một số bước xây dựng Trung tâm vũ trụ Việt Nam tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc sử dụng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản (khoảng 600 triệu USD và 1.100 tỷ đồng đối ứng).

Các công việc được triển khai bao gồm cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và 2 vệ tinh công nghệ radar hiện đại quan sát Việt Nam trong mọi điều kiện thời tiết cũng như nguồn nhân lực trình độ cao để Việt Nam có thể tự chế tạo vệ tinh nhằm đạt được mục tiêu của chiến lược.

Đây là dự án có tầm quan trọng đặc biệt trong việc thực hiện Chiến lược Khoa học và Công nghệ Việt Nam đến 2020, tầm nhìn 2030 và Việt Nam sẽ là Trung tâm vũ trụ hiện đại hàng đầu của ASEAN.

Để thực hiện được các nhiệm vụ trên, Chính phủ đã thành lập Trung tâm vệ tinh quốc gia, trực thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Hiện nay, đơn vị đã triển khai một số hoạt động ban đầu.

- Thưa giáo sư, Viện đã có bước chuẩn bị thế nào cho công tác đào tạo cán bộ trình độ cao phục vụ lĩnh vực khoa học công nghệ vũ trụ?

Giáo sư Châu Văn Minh: Công tác đào tạo cán bộ trẻ cho ngành khoa học công nghệ vũ trụ là một phần rất quan trọng trong việc xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ vũ trụ Việt Nam. Hiện nay, đơn vị đã cử một số cán bộ trẻ đi đào tạo tại các quốc gia hợp tác với Việt Nam. Bước đầu, đã có 15 cán bộ đi học tại Pháp. Tôi hy vọng lứa cán bộ đầu tiên này sẽ là nguồn nhân lực chủ chốt cho ngành khoa học công nghệ vũ trụ nước nhà.

Trong chương trình hợp tác với Bỉ và Nhật Bản cũng có các dự án đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ Chiến lược khoa học công nghệ vũ trụ. Ngoài ra, các trường đại học trong nước và Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (trực thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cũng có các chương trình đào tạo lĩnh vực hàng không vũ trụ.

-Hiện nay, đã có một số doanh nghiệp tư nhân triển khai những chương trình nghiên cứu các vệ tinh nhỏ với động cơ và động lực tài chính rõ ràng, vậy định hướng của Viện ra sao, thưa giáo sư?

Giáo sư Châu Văn Minh: Hiện nay, các nhà khoa học, nhà chính sách đều đang sử dụng ảnh vệ tinh mua của nước ngoài. Khi có vệ tinh riêng, Việt Nam sẽ tự chủ được nguồn ảnh. Viện sẽ tận dụng những nguồn ảnh này phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời hướng tới tạo nguồn thu phục vụ lại công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo cán bộ có trình độ cao.

-Xin giáo sư cho biết mục tiêu cụ thể trong thời gian tới đối với lĩnh vực khoa học công nghệ vũ trụ?

Giáo sư Châu Văn Minh: Theo Chiến lược phát triển công nghệ vũ trụ đến năm 2020, Việt Nam sẽ làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh nhỏ. Cụ thể, đến năm 2014, vệ tinh VNRedsat -1 quan sát Trái Đất sẽ được phóng vào quỹ đạo và đi vào hoạt động ổn định.

Trong thời gian sắp tới, Viện tiếp tục khai thác cơ sở dữ liệu viễn thám dùng chung cho nhiều ngành; tổ chức quản lý và khai thác tốt mạng thông tin mặt đất phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng.

Ngoài ra, Viện tập trung tiếp thu công nghệ và khai thác hiệu quả hạ tầng kỹ thuật không gian được hình thành qua một số dự án lớn như dự án trạm mặt đất thu ảnh vệ tinh viễn thám, dự án Vinasat, dự án vệ tinh quan sát trái đất của Việt Nam.

 

Theo Thu Phương
TTXVN/Vietnam+


 


Thương vụ sáp nhập lớn nhất trong năm giữa AT&T và T-Mobile chính thức đổ bể

Ngày đăng : 21/12/2011 - 10:36 AM

AT&T trong ngày hôm nay đành phải tuyên bố "đầu hàng" và chấp nhận từ bỏ cố gắng mua lại nhà mạng T-Mobile với giá 39 tỷ USD

 

Như vậy là thương vụ sáp nhập tập đoàn lớn nhất trong năm đã không thể xảy ra. Sau nhiều tháng chờ đợi phê chuẩn của Ủy ban truyền thông liên bang (FCC), cũng như đối mặt với nhiều trở ngại, bao gồm cả một đơn kiện của Bộ Tư Pháp Mỹ (DOJ), AT&T trong ngày hôm nay đành phải tuyên bố "đầu hàng" và chấp nhận từ bỏ cố gắng mua lại nhà mạng T-Mobile với giá 39 tỷ USD. Trước đó, một số nguồn tin cho biết những nỗ lực của AT&T để đáp ứng yêu cầu của bên chống đối đã không thành công. Dưới đây là tuyên bố chính thức của AT&T:

 “Những hành động của FCC và DOJ nhằm ngăn cản thương vụ mua lại T-Mobile của chúng tôi sẽ không thể thay đổi những thực tế đang diễn ra trong ngành viễn thông không dây Mỹ. Nó là một trong những ngành công nghiệp có mức độ cạnh tranh khốc liệt nhất trên thế giới, với nhu cầu mở rộng phổ sóng đang ngày càng tăng cao và cần phải được đáp ứng ngay lập tức. Sự kết hợp giữa AT&T và T-Mobile Mỹ sẽ cung cấp một giải pháp tạm thời cho sự thiếu hụt về phổ sóng của thị trường. Với thất bại này, khách hàng sẽ là những người chịu thiệt.”

Từ bỏ thương vụ đồng nghĩa với việc AT&T phải trả cho T-Mobile khoản tiền hủy hợp đồng trị giá 4 tỷ USD. Số tiền này đã được AT&T chuẩn bị để trả trong quý 4, bao gồm 3 tỷ USD tiền mặt và 1 tỷ USD giá trị sổ sách của phổ sóng mà AT&T mắc nợ từ cam kết sáp nhập.

 

Theo Tinhte/The Wall Street Journal


 


Có một thành phố cấm nói tiếng Hoa ở Trung Quốc

Ngày đăng : 17/12/2011 - 3:20 PM

Chính quyền một huyện tại Trung Quốc sẽ xây dựng một thành phố theo mô hình đô thị thương mại của Anh để người dân thực hành ngoại ngữ.

Telegraph đưa tin “thành phố Anh” sẽ được xây dựng tại huyện Mật Vân, tỉnh Hà Bắc. Huyện Mật Vân tiếp giáp thủ đô Bắc Kinh ở phía đông bắc.

“Chúng tôi sẽ xây thành phố Anh theo phong cách kiến trúc châu Âu. Thành phố được chia thành 16 khu vực và có một lâu đài. Khi người dân và du khách tới thành phố, họ sẽ có cảm giác như đang sống ở nước ngoài. Họ sẽ phải dùng một loại giấy tờ giống như hộ chiếu để vào thành phố”, Wang Haichen, một quan chức của huyện Mật Vân, phát biểu.

Wang nói thành phố ra đời để đáp ứng nhu cầu rèn luyện tiếng Anh của người dân Trung Quốc. Vì thế những người sống hoặc tham quan tại thành phố sẽ chỉ nói tiếng Anh. Nếu cảnh sát phát hiện ai đó giao tiếp bằng tiếng Trung, người ấy sẽ bị phạt.

Thành phố Anh sẽ tọa lạc trên một khu đất có diện tích khoảng 400 hecta. Nếu sử dụng xe hơi, người dân Bắc Kinh chỉ mất khoảng một giờ để tới thành phố. Những dòng sông chảy qua khu đất – vốn bị ô nhiễm nặng – sẽ được cải tạo để trở nên trong, sạch như những sông tại châu Âu.

Sự xuất hiện của thành phố Anh sẽ thu hút du khách tới tỉnh Hà Bắc, đồng thời tạo ra một không gian rộng lớn cho người Trung Quốc rèn luyện kỹ năng nói tiếng Anh. Không gian xanh, sạch của thành phố cũng giúp tăng cường ý thức bảo vệ môi trường của người dân, ông Wang nhận định.

Ông Wang đã trình bày kế hoạch xây thành phố Anh tại một phiên họp của hội đồng nhân dân huyện Mật Vân hôm qua.

Giới chức Trung Quốc từng xây một thành phố Anh bên bờ sông Dương Tử và gần thành phố Thượng Hải. Thames, tên của thành phố, bắt đầu đón khách từ năm 2006.



Theo Việt Linh

VnExpress


 

Tin mới cập nhật