Ngày đăng :
17/12/2011 - 3:20 PM
Chính quyền một huyện tại Trung Quốc sẽ xây dựng một thành phố theo mô hình đô thị thương mại của Anh để người dân thực hành ngoại ngữ.
Telegraph đưa tin “thành phố Anh” sẽ được xây dựng tại huyện Mật Vân, tỉnh Hà Bắc. Huyện Mật Vân tiếp giáp thủ đô Bắc Kinh ở phía đông bắc.
“Chúng tôi sẽ xây thành phố Anh theo phong cách kiến trúc châu Âu. Thành phố được chia thành 16 khu vực và có một lâu đài. Khi người dân và du khách tới thành phố, họ sẽ có cảm giác như đang sống ở nước ngoài. Họ sẽ phải dùng một loại giấy tờ giống như hộ chiếu để vào thành phố”, Wang Haichen, một quan chức của huyện Mật Vân, phát biểu.
Wang nói thành phố ra đời để đáp ứng nhu cầu rèn luyện tiếng Anh của người dân Trung Quốc. Vì thế những người sống hoặc tham quan tại thành phố sẽ chỉ nói tiếng Anh. Nếu cảnh sát phát hiện ai đó giao tiếp bằng tiếng Trung, người ấy sẽ bị phạt.
Thành phố Anh sẽ tọa lạc trên một khu đất có diện tích khoảng 400 hecta. Nếu sử dụng xe hơi, người dân Bắc Kinh chỉ mất khoảng một giờ để tới thành phố. Những dòng sông chảy qua khu đất – vốn bị ô nhiễm nặng – sẽ được cải tạo để trở nên trong, sạch như những sông tại châu Âu.
Sự xuất hiện của thành phố Anh sẽ thu hút du khách tới tỉnh Hà Bắc, đồng thời tạo ra một không gian rộng lớn cho người Trung Quốc rèn luyện kỹ năng nói tiếng Anh. Không gian xanh, sạch của thành phố cũng giúp tăng cường ý thức bảo vệ môi trường của người dân, ông Wang nhận định.
Ông Wang đã trình bày kế hoạch xây thành phố Anh tại một phiên họp của hội đồng nhân dân huyện Mật Vân hôm qua.
Giới chức Trung Quốc từng xây một thành phố Anh bên bờ sông Dương Tử và gần thành phố Thượng Hải. Thames, tên của thành phố, bắt đầu đón khách từ năm 2006.
Theo Việt Linh
VnExpress
|
Ngày đăng :
13/12/2011 - 1:06 PM
Việc Unicharm mua lại 95% cổ phần Diana cho thấy kết quả của sự nỗ lực xây dựng giá trị doanh nghiệp của các doanh nhân Việt Nam.Diana bán 95% cổ phần cho Unicharm
Ba tháng trước, CTCP Diana đã hoàn tất việc bán lại 95% cổ phần cho Unicharm của Nhật. Mức giá được giới truyền thông phát đi là 128 triệu USD. Nhưng The Asset (tạp chí tài chính hàng đầu châu Á) cho biết khi trao giải thưởng cho các thương vụ tốt nhất châu Á năm 2011, giá trị thương vụ này là 184 triệu USD.
Ông Đỗ Anh Tú, Tổng Giám đốc Diana, chỉ thận trọng nói: “Con số đó sẽ cao hơn 100 triệu USD”. Ông Tú vẫn sẽ giữ vai trò CEO cho Diana trong 2 năm nữa và chịu trách nhiệm cầm cương trong phần lớn hoạt động kinh doanh. Bên cạnh ông Tú là một người Nhật giữ vai trò COO (Giám đốc Điều hành) kiêm CFO (Giám đốc Tài chính).
Những thay đổi đầu tiên được ghi nhận tại Diana chủ yếu là hệ thống tài chính đã tuân thủ theo hệ thống chuẩn của Unicharm, bên cạnh đó là những điều chỉnh trong quy trình, sản xuất, đặc biệt là R&D (nghiên cứu và phát triển). Tuy nhiên, nhân sự tuyến dưới đang được giữ nguyên.
Trên lý thuyết của sáp nhập hoàn toàn, ông Tú phải hoạt động theo chiến lược mới của Unicharm, nhưng thực tế, như cách ông chia sẻ: “Unicharm đánh giá cao những thứ mà Diana đã làm được nên họ đang phát triển nó một cách rất tôn trọng. Và họ cũng hiểu rằng, sản phẩm Diana rất có giá trị về mặt thương hiệu”.
Khi được hỏi về tương lai của 5% cổ phần còn lại do ông Tú và anh trai là Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Diana nắm giữ, ông Tú không bình luận gì về khả năng chuyển nhượng cổ phần này cho Unicharm. Thay vào đó, ông bày tỏ rất rõ ràng quan điểm bán công ty của mình trong bối cảnh chưa có nhiều trường hợp tương tự tại Việt Nam.
Ông Tú nói: “Tôi thấy rằng, với những điều kiện vĩ mô ở đây, chúng tôi không dễ dàng phát triển ra toàn cầu. Nhiều người nhìn nhận chưa thật thỏa đáng về việc các công ty Việt Nam sáp nhập vào một công ty quốc tế nào đó. Quan điểm của tôi là khi một công ty lớn mạnh thì nên chăng không cần soi quá kỹ vào cơ cấu sở hữu. Huống chi, với ngành hàng tiêu dùng thì một công ty đang phát triển gia nhập một đế chế để toàn cầu hóa là chuyện bình thường. Tôi chỉ nỗ lực làm sao để khi nhắc đến Diana, người tiêu dùng hiểu ngay đó là nhãn hiệu toàn cầu có xuất xứ từ Việt Nam”.j
Tương lai của Diana như thế nào vẫn sẽ tiếp tục là câu hỏi bí ẩn đối với những ai không đứng trong cuộc. Ông Tú từ chối chia sẻ chiến lược của Diana trong thời gian tới nhưng ông cũng bác bỏ tin đồn cho rằng, Unicharm sẽ bỏ nhãn hàng Sofy của họ để tránh cạnh tranh trực tiếp với Diana. “Tôi sẽ phải nỗ lực để đẩy Sofy phát triển bên cạnh Diana cùng những thương hiệu khác”, ông nói.
Hai giá trị lớn của Diana
Trở lại câu chuyện thương vụ, không ít người sẽ tự hỏi làm sao Diana có thể đạt được giá trị thương vụ tốt như vậy? Câu trả lời không thể thiếu đáp số “nhà tư vấn”.
Nếu chỉ xét các thông số tài chính là tổng tài sản khoảng 1.425 tỉ đồng, doanh thu 1.020 tỉ đồng năm 2010 và tăng trưởng trung bình 30%/năm của Diana, thì không thể làm nên thành công của thương vụ. Trên thực tế, tự thân Diana vẫn đạt tăng trưởng hơn 45% trong năm 2011, các năm trước là 30% và mức trung bình khoảng 20% của ngành hàng tiêu dùng.
Hai giá trị cơ bản mà một công ty Việt Nam như Diana được “giải mã” để hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài chính là vị thế thương hiệu và hệ thống phân phối. Đây cũng chính là giá trị mà 2 anh em Đỗ Minh Phú, Đỗ Anh Tú đã nỗ lực xây dựng trong gần 15 năm.
Nói về thương hiệu, với câu khẩu hiệu “Là con gái thật tuyệt”, thương hiệu Diana đã chạy đua cùng đối thủ như Kotex (thuộc Công ty Kimberly-Clark) với các tương quan sản phẩm trong mọi phân khúc thị trường. Công ty đã cho ra nhiều sản phẩm đa dạng và ngân sách tiếp thị từ 9-13% doanh thu chi mạnh cho các đại lý quảng cáo chuyên nghiệp là Publicis và Bates. Việc gia tăng hình ảnh thương hiệu trong cuộc chơi “marketing bom tấn” của Diana trở nên “nặng cân” hơn với sự góp mặt của Goldman Sachs, một định chế tài chính hàng đầu nước Mỹ.
ừ khi thành lập, chiến lược của ông Phú và ông Tú là đầu tư rất lớn vào công nghệ sản xuất, lấy băng vệ sinh Diana làm sản phẩm chủ lực và đa dạng hóa nó thành hàng loạt những sản phẩm phục vụ đủ mọi phân khúc cao, trung, thấp và các nhóm sản phẩm chuyên dụng khác. Để tăng doanh thu, Diana cũng mở rộng ngành hàng bằng cách phát triển thêm sản phẩm tã cho trẻ sơ sinh Bobby và tã cho người lớn Caryn. Một năm qua, tăng trưởng của Diana tiếp tục được cộng hưởng khi công ty này mở rộng sang lĩnh vực giấy tissue với thương hiệu Emos.
Trong khi đó, kênh phân phối được tổ chức theo mô hình chuyên nghiệp của các công ty đa quốc gia đã giúp Diana vươn rộng trên toàn Việt Nam với hơn 30.000 cửa hàng, siêu thị, chiếm 40% thị phần băng vệ sinh và 30% thị phần tã giấy. Ở miền Bắc, Diana dẫn đầu thị trường, tiếp đến là Kotex của Kimberly-Clark và ngược lại ở miền Nam.
Dĩ nhiên, bên cạnh 2 giá trị cốt lõi này, Unicharm, một công ty mang văn hóa Nhật không thể bỏ qua việc tìm hiểu năng lực của đối tác: ông Đỗ Minh Phú, một doanh nhân giàu có trong ngành kim hoàn và ông Tú, một tiến sĩ về năng lượng nhưng lại rất nhạy trong kinh doanh các sản phẩm cho nữ giới.
Giá cả và chuyện của nhà tư vấn
Ông Phạm Ngọc Quỳnh, Giám đốc khối Dịch vụ Ngân hàng Đầu tư, Công ty Chứng khoán Thiên Việt (TVS), nhà tư vấn cho Diana cho biết nhà tư vấn phải dành khoảng 70% nỗ lực để đàm phán về giá, 30% còn lại để giải quyết các vấn đề liên quan đến pháp lý và các điều kiện thương mại khác. Ông cũng không quên nhấn mạnh vai trò của các nhà tư vấn trong việc giải quyết các rủi ro thường thấy ở thương vụ. Tuy nhiên, ông không đi vào trường hợp cụ thể trong thương vụ Diana mà đưa ra các ví dụ mang tính khái quát hơn.
Rủi ro thứ nhất là doanh nghiệp bên bán có thể bị “bẫy” trong lúc thương thảo giá. Chẳng hạn, bên mua trả 10 đồng trong trường hợp bên bán phải đạt được một số kỳ vọng trong tương lai. Nếu không làm được, bên mua có quyền “điều chỉnh” giá.
Rủi ro thứ hai liên quan đến pháp lý. Ông chia sẻ: “Với một thương vụ, đôi khi mọi thứ tưởng chừng như xong, nhưng bên mua yêu cầu chỉ thanh toán tiền sau khi bên bán đã thực hiện xong việc thay đổi đăng ký kinh doanh, ghi tên bên mua cùng với tỉ lệ sở hữu trên giấy đăng ký kinh doanh. Rủi ro cho bên bán khi thực hiện yêu cầu này là rõ ràng và khó chấp nhận nhưng nếu không tìm ra giải pháp coi như thương vụ tan nát."
Ở một thị trường mới nổi và mảng tư vấn M&A còn chập chững thì kết quả của thương vụ Unicharm - Diana mang ý nghĩa quan trọng như tinh thần của giải thưởng “Những thương vụ tốt nhất châu Á”. Nhưng quan trọng hơn, thương vụ này đang góp phần thay đổi suy nghĩ về chuyện mua bán doanh nghiệp, không hẳn là yếu mới bán, cũng như cho thấy kết quả của sự nỗ lực xây dựng giá trị doanh nghiệp của các doanh nhân Việt Nam để tham gia vào quá trình toàn cầu hóa một cách tự tin nhất.
Theo Nhịp cầu đầu tư
|
Ngày đăng :
13/12/2011 - 12:43 PM
Hàng nghìn người biểu tình chống phố Wall đã phong tỏa lối vào và chặn các phương tiện vào 3 cảng ở vùng duyên hải phía Tây nước Mỹ.
Theo hãng tin BBC, ngay từ sáng ngày 12/12, những người biểu tình đã tụ tập ở các lối vào cảng với khẩu hiệu như “Đóng cửa phố Wall trên cảng".
Cuộc biểu tình diễn ra chỉ một tháng sau khi cảnh sát dỡ bỏ các lán trại của người biểu tình “Chiếm phố Wall” trên khắp nước Mỹ. Những người biểu tình cho biết, họ muốn lợi nhuận của các doanh nghiệp điều hành cảng bị ảnh hưởng.
Thực tế, cuộc biểu tình đã khiến nhiều cảng ở miền tây gồm các bang California, Oregon và Washington phải đóng cửa một phần, làm gián đoạn hoạt động bốc dỡ hàng ở các cảng này.
Trong khi đó tại Oakland, California, hàng trăm công nhân phải tạm nghỉ việc ở cảng do hai cảng ở đây đều bị đóng cửa. Chỉ tính riêng tối 12/12, có khoảng 1.000 người đã tuần hành ở khu vực cảng Oakland.
Cuộc biểu tình ngày 12/12 có thể coi là sự phối hợp hành động lớn nhất của phong trào chiếm phố Wall kể từ khi lán trại của người biểu tình trên khắp nước Mỹ bị dỡ bỏ cách đây vài tuần.
Tuy lượng người tham gia biểu tình ít hơn so với con số 10.000 người trong cuộc biểu tình tại cảng Oakland hồi đầu tháng 10, nhưng những người tổ chức phong trào ngày 12/12 này vẫn tuyên bố thắng lợi. Trong khi đó, nhiều người cho rằng, chính người công nhân mới là nạn nhân khi hoạt động của cảng bị gián đoạn.
Theo BBC/DVT.vn
|
Ngày đăng :
11/12/2011 - 11:44 AM
Chính quyền 2 bang California và New York yêu cầu sửa đổi mức thuế mới đánh vào những người có thu nhập cao.
Hãng AP ngày 10-12 đưa tin, phong trào “Chiếm phố Wall” ở Mỹ đã giành được chiến thắng đầu tiên sau khi chính quyền 2 bang California và New York yêu cầu sửa đổi mức thuế mới đánh vào những người có thu nhập cao. Điều này cũng có nghĩa là các nghệ sĩ Hollywood và giới môi giới chứng khoán ở khu Manhattan sắp trở thành nạn nhân đầu tiên của phong trào đấu tranh đòi công bằng và dân chủ này.
Ngày 7-12, trước sự thúc giục của Thống đốc Andrew Cuomo, bang New York đã tăng mức thuế vốn đã rất cao đối với cá nhân nộp hồ sơ kê khai thuế có thu nhập từ 1 triệu USD trở lên và doanh nghiệp nộp hồ sơ kê khai thuế từ 2 triệu USD trở lên. Mức thu nhập tối thiểu để đánh thuế này chỉ thấp hơn một chút so với quy định (sẽ hết hiệu lực vào ngày 31-12) vào năm 2008. Còn ở bang California, từ đầu tháng 12, Thống đốc Jerry Brown cũng muốn tránh cắt giảm chi phí giáo dục và phúc lợi xã hội bằng việc đề xuất các cử tri bỏ phiếu đối với quy định tăng mức thuế.
Theo SGGP
|
Ngày đăng :
08/12/2011 - 7:57 PM
Ngày 7/12, nhà đồng sáng lập Microsoft Bill Gates đã xác nhận việc hợp tác với Trung Quốc để phát triển lò phản ứng hạt nhân sử dụng uranium nghèo.
Phát biểu tại cuộc họp ở Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, tỷ phú Bill Gates nói: “Dự án này sẽ ít tốn kém, rất an toàn và hiệu suất cao”.
Gates đã tài trợ khá nhiều cho công ty TerraPower có trụ sở ở Washington chuyên phát triển các lò phản ứng hạt nhân thế hệ IV có thể sử dụng uranium nghèo.
Tổng giám đốc Tập đoàn năng lượng nguyên tử quốc gia Trung Quốc, Sun Qin, hồi tuần trước cho biết, tỷ phú Gates sẽ phối hợp với công ty của họ để nghiên cứu, phát triển một lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới.
Theo ông Gates, công tác nghiên cứu và phát triển lò phản ứng này trong vòng 5 năm tới sẽ mất khoảng 1 tỷ USD. Trong khi đó, TerraPower cho biết, lò này có tuổi thọ khoảng 40 năm, và hiệu suất tạo điện cao hơn nhiều so với các lò thông thường hiện nay.
Kể từ khi rời Microsoft, Gates đã tập trung cho làm từ thiện và tài trợ cho công tác y tế cộng đồng, giáo dục và vấn đề năng lượng sạch.
Theo Guardian
|