Ngày đăng :
11/12/2011 - 11:44 AM
Chính quyền 2 bang California và New York yêu cầu sửa đổi mức thuế mới đánh vào những người có thu nhập cao.
Hãng AP ngày 10-12 đưa tin, phong trào “Chiếm phố Wall” ở Mỹ đã giành được chiến thắng đầu tiên sau khi chính quyền 2 bang California và New York yêu cầu sửa đổi mức thuế mới đánh vào những người có thu nhập cao. Điều này cũng có nghĩa là các nghệ sĩ Hollywood và giới môi giới chứng khoán ở khu Manhattan sắp trở thành nạn nhân đầu tiên của phong trào đấu tranh đòi công bằng và dân chủ này.
Ngày 7-12, trước sự thúc giục của Thống đốc Andrew Cuomo, bang New York đã tăng mức thuế vốn đã rất cao đối với cá nhân nộp hồ sơ kê khai thuế có thu nhập từ 1 triệu USD trở lên và doanh nghiệp nộp hồ sơ kê khai thuế từ 2 triệu USD trở lên. Mức thu nhập tối thiểu để đánh thuế này chỉ thấp hơn một chút so với quy định (sẽ hết hiệu lực vào ngày 31-12) vào năm 2008. Còn ở bang California, từ đầu tháng 12, Thống đốc Jerry Brown cũng muốn tránh cắt giảm chi phí giáo dục và phúc lợi xã hội bằng việc đề xuất các cử tri bỏ phiếu đối với quy định tăng mức thuế.
Theo SGGP
|
Ngày đăng :
08/12/2011 - 7:57 PM
Ngày 7/12, nhà đồng sáng lập Microsoft Bill Gates đã xác nhận việc hợp tác với Trung Quốc để phát triển lò phản ứng hạt nhân sử dụng uranium nghèo.
Phát biểu tại cuộc họp ở Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, tỷ phú Bill Gates nói: “Dự án này sẽ ít tốn kém, rất an toàn và hiệu suất cao”.
Gates đã tài trợ khá nhiều cho công ty TerraPower có trụ sở ở Washington chuyên phát triển các lò phản ứng hạt nhân thế hệ IV có thể sử dụng uranium nghèo.
Tổng giám đốc Tập đoàn năng lượng nguyên tử quốc gia Trung Quốc, Sun Qin, hồi tuần trước cho biết, tỷ phú Gates sẽ phối hợp với công ty của họ để nghiên cứu, phát triển một lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới.
Theo ông Gates, công tác nghiên cứu và phát triển lò phản ứng này trong vòng 5 năm tới sẽ mất khoảng 1 tỷ USD. Trong khi đó, TerraPower cho biết, lò này có tuổi thọ khoảng 40 năm, và hiệu suất tạo điện cao hơn nhiều so với các lò thông thường hiện nay.
Kể từ khi rời Microsoft, Gates đã tập trung cho làm từ thiện và tài trợ cho công tác y tế cộng đồng, giáo dục và vấn đề năng lượng sạch.
Theo Guardian
|
Ngày đăng :
07/12/2011 - 4:49 PM
Hãng tư vấn nguồn nhân lực ECA – International vừa công bố kết quả xếp hạng những thành phố đắt đỏ nhất thế giới và châu Á.
Theo đó, thủ đô Hà Nội đứng ở vị trí thứ 41 ở khu vực châu Á và thứ 217 trên thế giới.
Theo khảo sát của hãng tư vấn nguồn nhân lực ECA – International, Hà Nội là thành phố có giá cả đắt thứ 41 trong số 49 thành phố đắt đỏ nhất châu Á, còn thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ 43. Trong bảng xếp hạng những thành phố đắt đỏ nhất thế giới, Hà Nội đứng thứ 217, còn thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ 224.
Theo công bố những thành phố đắt đỏ nhất châu Á của ECA – International, 4 thành phố của Nhật Bản lần lượt chiếm 4 vị trí đầu tiên theo thứ tự là Tokyo, Nagoya, Yokohama, Kobe. Tokyo vẫn là thành phố đắt đỏ nhất châu Á.
Đứng ở vị trí thứ 5 là thủ đô Seoul của Hàn Quốc, Singapore đứng ở vị trí thứ 6. Ba vị trí từ thứ 7 đến thứ 9 thuộc về 3 thành phố lớn ở Trung Quốc là Bắc Kinh, Thượng Hải, Hồng Kông. Đứng ở vị trí cuối cùng trong top 10 thành phố đắt đỏ nhất châu Á là Busan (Hàn Quốc).
Dưới đây là 10 thành phố đắt đỏ nhất châu Á năm 2011
Đứng ở vị trí cuối cùng trong bảng xếp hạng thành phố đăt đỏ nhất châu Á là thành phố cảng Karachi miền Nam Pakistan.
Cũng theo bảng xếp hạng, 4 thành phố khác của khu vực Asean là Jakarta, Kualalumpur, Metro – Manila và Viêng Chăn có giá cả đắt hơn Hà Nội. 4 thủ đô này lần lượt xếp ở vị trí thứ 15, 30, 32 và 33.
Thành phố Singapore đã nhảy từ vị trí thứ 8 năm ngoái, lên vị trí thứ 6 trong cuộc khảo sát mới nhất, vượt qua cả Hồng Kông. Các yếu tố dẫn đến sự nhảy bậc này là do đồng đô la Singapore ngày càng mạnh hơn các đồng tiền lớn khác trên thế giới, giá cả hàng hóa và dịch vụ trung bình tăng 5,7%.
Theo thông cáo được đăng tải trên Website của ECA – International, 12 tháng qua đã thấy sự tăng giá đáng kể của dầu ăn, thực phẩm và các mặt hàng khác ở nhiều nơi trên thế giới.
Còn theo bảng xếp hạng thành phố đắt đỏ nhất thế giới, Tokyo vẫn đứng ở vị trí đầu tiên. 10 thành phố đắt đỏ nhất thế giới năm 2011 đều là những thành phố của Nhật Bản, Na Uy và Thụy Sỹ.
Dưới đây là bảng xếp hạng 10 thành phố đắt đỏ nhất thế giới năm 2011
Theo Anh Minh
VTC News
|
Ngày đăng :
05/12/2011 - 9:42 PM
Trong trường hợp tập trung kinh tế lên tới 50% - 60% thị phần mà doanh nghiệp buộc phải sáp nhập do có nguy cơ thua lỗ, giải thể thì cũng không có vấn đề gì vi phạm.
Thông tin mới nhất từ Bộ TT-TT cho biết, Chính phủ đã đồng ý trên nguyên tắc để Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel thu nhận toàn bộ EVN Telecom. Như vậy, vấn đề EVN Telecom sẽ được bán cho ai và bán như thế nào đã có hồi kết, cho dù Hanoi Telecom hết sức cố gắng để xin mua lại băng tần 3G và toàn bộ cơ sở hạ tầng mạng của EVN Telecom.
Nguồn tin từ Bộ TT-TT cho hay, trong thông báo từ Văn phòng Chính phủ gửi lãnh đạo Bộ TT-TT đã nói rõ là Viettel sẽ tiếp nhận toàn bộ EVN Telecom từ ngày 1-1-2012. Từ đây đến thời điểm đó, Viettel và EVN Telecom cần thống nhất cụ thể các vấn đề liên quan như: phương án tiếp nhận tài sản; tiếp nhận nợ; tiếp nhận và sử dụng người của EVN Telecom; lên phương án trả nợ cho EVN và các đối tác; phương án khai thác hạ tầng của EVN Telecom...
Một vấn đề khiến dư luận hết sức quan tâm trong thương vụ EVN Telecom là việc Hanoi Telecom đã xin mua lại băng tần 3G và toàn bộ cơ sở hạ tầng mạng của EVN Telecom.
Theo bà Trịnh Minh Châu, Tổng Giám đốc Hanoi Telecom, trước đây doanh nghiệp này đã cùng EVN Telecom liên danh trong cuộc thi tuyển 3G do Bộ TT-TT tổ chức và thắng thầu. Hai năm qua, liên danh này cũng đã đầu tư một khoản tiền lớn cho mạng lưới và xây dựng cơ sở hạ tầng cho mạng 3G theo đúng lộ trình cam kết. Đây là băng tần trọn vẹn và không thể chia cắt, vì thế Hanoi Telecom mong muốn Chính phủ cho phép mua lại băng tần 3G (chính xác là 1/2 giấy phép 3G) cùng hạ tầng mạng 3G của EVN Telecom.
Lãnh đạo Hanoi Telecom cũng cho rằng, nếu Viettel sáp nhập toàn bộ EVN Telecom sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lớn độc quyền, vi phạm luật cạnh trạnh. Theo TS Vũ Đình Ánh, Viện Nghiên cứu giá cả thị trường (Bộ Tài chính), Viettel hiện nay cũng giống như MobiFone hoặc VinaPhone trước kia đều không “độc quyền” mà chỉ “thống lĩnh thị trường”. Trong trường hợp tập trung kinh tế lên tới 50% - 60% thị phần mà doanh nghiệp buộc phải sáp nhập do có nguy cơ thua lỗ, giải thể thì cũng không có vấn đề gì vi phạm.
Thời gian qua, Hanoi Telecom cũng đã gần xa đề cập tới nguy cơ các nhà đầu tư nước ngoài sẽ khởi kiện ra tòa quốc tế để đòi bồi thường với con số gấp nhiều lần so với 1 tỷ USD đã góp vốn vào Hanoi Telecom do Hanoi Telecom (cụ thể là mạng Vietnamobile) bị đối xử “không công bằng”.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh đề nghị: “Hanoi Telecom nên xem lại cách tiếp cận của mình. Ngoài việc sáp nhập theo thông lệ quốc tế thì trong câu chuyện này, các bên liên quan đều là các tập đoàn Nhà nước có phần vốn Nhà nước, cần phải hành xử theo luật lệ quy định của Việt Nam về việc sử dụng vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước”.
Như vậy, thương vụ EVN Telecom đã có hồi kết. Điều mà thị trường cũng như khách hàng trông chờ là những hành động, phương án kinh doanh cụ thể của Viettel khi đã “có được” EVN Telecom đúng như mong muốn. Còn Hanoi Telecom, mới đây mạng Vietnamobile đã chính thức cung cấp dịch vụ 3G, nhưng chắc chắn sẽ phải có cách tính lại cho chiến lược phát triển của mình.
Theo Trần Lưu - SGGP
|
Ngày đăng :
04/12/2011 - 12:00 AM
Tại hội nghị thượng đỉnh của các nước Mỹ Latin và Caribê ngày 3-12 ở Caracas (Venezuela), các nhà lãnh đạo đã ký Tuyên bố Caracas, chính thức thành lập Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribê (CELAC) gồm 33 nước , không có Mỹ và Canada.
CELAC có dân số gần 600 triệu người và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 6.000 tỉ đô la Mỹ. Các thành viên CELAC cam kết thúc đẩy thành lập mặt trận chung để đương đầu với những thách thức toàn cầu từ biến đổi khí hậu đến buôn lậu ma túy. Chile sẽ đảm nhiệm chức chủ tịch CELAC trong năm 2012 và tiếp đó là Cuba vào năm 2013.
Tổng thống nước chủ nhà Hugo Chavez nói việc thành lập CELAC nhằm thực hiện giấc mơ của nhà cách mạng Simon Bolivar và những anh hùng giải phóng khác ở Nam Mỹ cũng như nhằm tìm cách củng cố thương mại và hội nhập khu vực. Ông Hugo Chavez khẳng định CELAC là diễn đàn, nơi các nước Mỹ Latin và Caribê có thể tổ chức các cuộc họp độc lập với các diễn đàn quốc tế khác, và duy trì sự tự chủ của khu vực trước sức ép của các cường quốc như Mỹ. CELAC cũng có thể thành lập một quỹ dự trữ quốc tế để bảo vệ các nước thành viên đối phó với khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Tại hội nghị, lãnh đạo các nước Cuba, Nicaragua và Venezuela chỉ trích chính sách ngoại giao của Mỹ. Họ hy vọng CELAC sẽ thay thế cho Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) có trụ sở tại Washington (Mỹ). Trong khi đó, lãnh đạo của Mexico và Chile, Costa Rica, Colombia muốn CELAC hoạt động song song với các tổ chức hiện hành.
Tổng thống Chile Sebastian Pinera nói CELAC cần thúc đẩy giáo dục, sáng tạo và đầu tư. Ông tin rằng thế kỷ 21 thuộc về Mỹ Latin và Caribê. Tổng thống Mexiico Felipe Calderón nhấn mạnh CELAC phải giải quyết vấn đề đói nghèo, bạo lực và tội phạm có tổ chức. Chủ tịch Cuba Raul Castro nói CELAC phải xây dựng Mỹ Latin thành khu vực hòa bình và loại bỏ tất cả sự hiện diện quân sự của nước ngoài – ám chỉ đến sự hiện diện quân đội Mỹ ở vịnh Guantánamo của Cuba.
Nhân dịp này, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã gửi thư cho ông Chavez chúc mừng việc thành lập khối CELAC và bày tỏ mong muốn tăng cường đối thoại, trao đổi và hợp tác với các nước trong khu vực. Trong khi đó, phía chính phủ Mỹ không đưa ra phản ứng nào.
Theo Miami Herald
Bloomberg
|