Viettel sẽ thu nhận EVN Telecom từ 1/1/2012

Ngày đăng : 05/12/2011 - 9:42 PM

Trong trường hợp tập trung kinh tế lên tới 50% - 60% thị phần mà doanh nghiệp buộc phải sáp nhập do có nguy cơ thua lỗ, giải thể thì cũng không có vấn đề gì vi phạm.

 


Thông tin mới nhất từ Bộ TT-TT cho biết, Chính phủ đã đồng ý trên nguyên tắc để Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel thu nhận toàn bộ EVN Telecom. Như vậy, vấn đề EVN Telecom sẽ được bán cho ai và bán như thế nào đã có hồi kết, cho dù Hanoi Telecom hết sức cố gắng để xin mua lại băng tần 3G và toàn bộ cơ sở hạ tầng mạng của EVN Telecom.

Nguồn tin từ Bộ TT-TT cho hay, trong thông báo từ Văn phòng Chính phủ gửi lãnh đạo Bộ TT-TT đã nói rõ là Viettel sẽ tiếp nhận toàn bộ EVN Telecom từ ngày 1-1-2012. Từ đây đến thời điểm đó, Viettel và EVN Telecom cần thống nhất cụ thể các vấn đề liên quan như: phương án tiếp nhận tài sản; tiếp nhận nợ; tiếp nhận và sử dụng người của EVN Telecom; lên phương án trả nợ cho EVN và các đối tác; phương án khai thác hạ tầng của EVN Telecom...

Một vấn đề khiến dư luận hết sức quan tâm trong thương vụ EVN Telecom là việc Hanoi Telecom đã xin mua lại băng tần 3G và toàn bộ cơ sở hạ tầng mạng của EVN Telecom.

Theo bà Trịnh Minh Châu, Tổng Giám đốc Hanoi Telecom, trước đây doanh nghiệp này đã cùng EVN Telecom liên danh trong cuộc thi tuyển 3G do Bộ TT-TT tổ chức và thắng thầu. Hai năm qua, liên danh này cũng đã đầu tư một khoản tiền lớn cho mạng lưới và xây dựng cơ sở hạ tầng cho mạng 3G theo đúng lộ trình cam kết. Đây là băng tần trọn vẹn và không thể chia cắt, vì thế Hanoi Telecom mong muốn Chính phủ cho phép mua lại băng tần 3G (chính xác là 1/2 giấy phép 3G) cùng hạ tầng mạng 3G của EVN Telecom.

Lãnh đạo Hanoi Telecom cũng cho rằng, nếu Viettel sáp nhập toàn bộ EVN Telecom sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lớn độc quyền, vi phạm luật cạnh trạnh. Theo TS Vũ Đình Ánh, Viện Nghiên cứu giá cả thị trường (Bộ Tài chính), Viettel hiện nay cũng giống như MobiFone hoặc VinaPhone trước kia đều không “độc quyền” mà chỉ “thống lĩnh thị trường”. Trong trường hợp tập trung kinh tế lên tới 50% - 60% thị phần mà doanh nghiệp buộc phải sáp nhập do có nguy cơ thua lỗ, giải thể thì cũng không có vấn đề gì vi phạm.

Thời gian qua, Hanoi Telecom cũng đã gần xa đề cập tới nguy cơ các nhà đầu tư nước ngoài sẽ khởi kiện ra tòa quốc tế để đòi bồi thường với con số gấp nhiều lần so với 1 tỷ USD đã góp vốn vào Hanoi Telecom do Hanoi Telecom (cụ thể là mạng Vietnamobile) bị đối xử “không công bằng”.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh đề nghị: “Hanoi Telecom nên xem lại cách tiếp cận của mình. Ngoài việc sáp nhập theo thông lệ quốc tế thì trong câu chuyện này, các bên liên quan đều là các tập đoàn Nhà nước có phần vốn Nhà nước, cần phải hành xử theo luật lệ quy định của Việt Nam về việc sử dụng vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước”.

Như vậy, thương vụ EVN Telecom đã có hồi kết. Điều mà thị trường cũng như khách hàng trông chờ là những hành động, phương án kinh doanh cụ thể của Viettel khi đã “có được” EVN Telecom đúng như mong muốn. Còn Hanoi Telecom, mới đây mạng Vietnamobile đã chính thức cung cấp dịch vụ 3G, nhưng chắc chắn sẽ phải có cách tính lại cho chiến lược phát triển của mình.

 

Theo Trần Lưu - SGGP




 

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Mỹ Latin thành lập khối hợp tác mới

Ngày đăng : 04/12/2011 - 12:00 AM

Tại hội nghị thượng đỉnh của các nước Mỹ Latin và Caribê ngày 3-12 ở Caracas (Venezuela), các nhà lãnh đạo đã ký Tuyên bố Caracas, chính thức thành lập Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribê (CELAC) gồm 33 nước , không có Mỹ và Canada.

CELAC có dân số gần 600 triệu người và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 6.000 tỉ đô la Mỹ. Các thành viên CELAC cam kết thúc đẩy thành lập mặt trận chung để đương đầu với những thách thức toàn cầu từ biến đổi khí hậu đến buôn lậu ma túy. Chile sẽ đảm nhiệm chức chủ tịch CELAC trong năm 2012 và tiếp đó là Cuba vào năm 2013.

Tổng thống nước chủ nhà Hugo Chavez nói việc thành lập CELAC nhằm thực hiện giấc mơ của nhà cách mạng Simon Bolivar và những anh hùng giải phóng khác ở Nam Mỹ cũng như nhằm tìm cách củng cố thương mại và hội nhập khu vực. Ông Hugo Chavez khẳng định CELAC là diễn đàn, nơi các nước Mỹ Latin và Caribê có thể tổ chức các cuộc họp độc lập với các diễn đàn quốc tế khác, và duy trì sự tự chủ của khu vực trước sức ép của các cường quốc như Mỹ. CELAC cũng có thể thành lập một quỹ dự trữ quốc tế để bảo vệ các nước thành viên đối phó với khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Tại hội nghị, lãnh đạo các nước Cuba, Nicaragua và Venezuela chỉ trích chính sách ngoại giao của Mỹ. Họ hy vọng CELAC sẽ thay thế cho Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) có trụ sở tại Washington (Mỹ). Trong khi đó, lãnh đạo của Mexico và Chile, Costa Rica, Colombia muốn CELAC hoạt động song song với các tổ chức hiện hành.

Tổng thống Chile Sebastian Pinera nói CELAC cần thúc đẩy giáo dục, sáng tạo và đầu tư. Ông tin rằng thế kỷ 21 thuộc về Mỹ Latin và Caribê. Tổng thống Mexiico Felipe Calderón nhấn mạnh CELAC phải giải quyết vấn đề đói nghèo, bạo lực và tội phạm có tổ chức. Chủ tịch Cuba Raul Castro nói CELAC phải xây dựng Mỹ Latin thành khu vực hòa bình và loại bỏ tất cả sự hiện diện quân sự của nước ngoài – ám chỉ đến sự hiện diện quân đội Mỹ ở vịnh Guantánamo của Cuba.

Nhân dịp này, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã gửi thư cho ông Chavez chúc mừng việc thành lập khối CELAC và bày tỏ mong muốn tăng cường đối thoại, trao đổi và hợp tác với các nước trong khu vực. Trong khi đó, phía chính phủ Mỹ không đưa ra phản ứng nào.

Theo Miami Herald

Bloomberg


Thưởng Tết Nhâm Thìn sẽ giảm mạnh?

Ngày đăng : 04/12/2011 - 12:00 AM
Cho đến thời điểm này, gần như chưa có doanh nghiệp nào đưa ra mức thưởng cụ thể dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn sắp tới. Tuy nhiên, quan điểm từ nhiều lãnh đạo doanh nghiệp và cơ quan quản lý cho thấy những tín hiệu không mấy lạc quan.
 
Sẽ giảm mạnh
 
Tết Tân Mão vừa qua, mặc dù tình hình sản xuất, kinh doanh đã gặp không ít khó khăn song nhiều doanh nghiệp vẫn chi khá “mạnh tay” cho dịp thưởng Tết.  Đặc biệt là khu vực Tp.HCM, một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã chi thưởng với mức "khủng" lên đến 532 triệu đồng. Một doanh nghiệp trong nước có mức thưởng thấp hơn cũng trên 300 triệu đồng.
 
Tuy nhiên, Tết Nhâm Thìn sắp tới, tình hình được dự báo là năm khó khăn nhất của doanh nghiệp từ trước đến nay, nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, thậm chí là giải thể. Câu chuyện thưởng Tết được nhận định giảm mạnh và là mối lo của không ít doanh nghiệp.
 
Liên hệ với doanh nghiệp tại thời điểm này phần lớn đều nhận được câu trả lời “chúng tôi đang lo chạy tiền trả nợ, đáo hạn ngân hàng, chưa có tâm trí bàn chuyện lương thưởng”. 
 
Trao đổi với VnEconomy, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, ông Phạm Minh Huân cho rằng, hiện còn quá sớm để nói đến chuyện thưởng Tết, nhất là với một năm doanh nghiệp cực kỳ khó khăn. Tuy nhiên, ông Huân đã đưa ra nhận định, so với năm ngoái, chắc chắn thưởng Tết năm nay sẽ giảm. Với cán bộ quản lý, khó có mức thưởng lên đến mấy trăm triệu như năm ngoái. 
 
Một cán bộ của Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam – Tín Nghĩa cũng cho biết, năm ngoái mỗi cán bộ thuộc ngân hàng này được thưởng ít nhất 5 tháng lương. Như vậy, với cấp quản lý hạng trung  là trưởng, phó phòng, mức tiền thưởng cũng lên đến hàng trăm triệu đồng; còn đối với nhân viên, 5 tháng lương của họ cũng trên dưới 50 triệu đồng.
 
Nhưng năm nay, theo cán bộ này, tình hình khó ở cả hệ thống ngân hàng nói chung, vì thế mức tiền thưởng chắc chắn là giảm mạnh, có thể chỉ bằng một nửa năm ngoái.
 
Chủ yếu là tháng lương thứ 13
 
Ông Trần Văn Long, Giám đốc Công ty Truyền thông du lịch Việt cho biết tình hình làm ăn khó khăn kéo dài mấy năm qua vẫn chưa chấm dứt trong năm nay. Tuy nhiên tết Nguyên đán là dịp Tết cổ truyền của dân tộc nên công ty ông vẫn dự định thưởng một tháng lương cho nhân viên làm việc từ một năm trở lên. 
 
Đây cũng là mức mà nhiều doanh nghiệp đã đưa ra khi được hỏi về vấn đề này. 
 
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, phó giám đốc một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chế biến thực phẩm thì mức thưởng Tết năm nay khó vượt qua thông lệ “tháng lương thứ 13” bởi trong năm doanh nghiệp đã phải điều chỉnh tiền lương đến hai lần.
 
Còn một cán bộ công đoàn ngành giao thông vận tải đã chia sẻ câu chuyện lương thưởng cuối năm chính từ những khó khăn của ngành trong năm và cho biết, không chỉ tiền thưởng  mà nhiều chế độ khác cho công nhân ngành này trong năm cũng đã sụt giảm. Thậm chí, không ít công nhân đã bị thất nghiệp do nhiều nhà thầu xây dựng đang trong tình cảnh không có việc làm. 
 
Theo thống kê của công đoàn ngành giao thông vận tải, chỉ tính đến hết tháng 8/2011, trong 15 tổng công ty của ngành này đã có tới 6.585 lao động không có việc làm và 12.160 lao động phải nghỉ việc luân phiên; tổng số tiền lương các đơn vị thuộc ngành giao thông còn nợ lao động là 225,998 tỉ đồng và nợ hơn 302,961 tỉ đồng tiền bảo hiểm xã hội. “Như vậy, để lo được tháng lương 13 cho anh em có Tết đã khó, chưa nói đến chuyện thưởng cao hay thấp”, vị này phát biểu.
 
Trong khi đó, từ góc độ cơ quan quản lý, bà Đỗ Thị Xanh, Trưởng phòng Lao động tiền lương, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh nói rằng, Luật Lao động không bắt buộc doanh nghiệp phải thưởng Tết, việc thưởng Tết căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm của doanh nghiệp và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Trong trường hợp doanh nghiệp làm ăn lỗ doanh nghiệp có quyền không thưởng. 
 
Ngoài ra, theo quy định hiện hành, doanh nghiệp có quyền tự quyết định lương thưởng. Vì thế, cơ quan quản lý chỉ có thể động viên chứ không thể can thiệp nếu doanh nghiệp thực hiện đúng pháp luật lao động, dù doanh nghiệp không có thưởng Tết.
 
Cũng theo bà Xanh, năm nay chắc phần lớn doanh nghiệp chỉ thực hiện chế độ thưởng để động viên công nhân khi tết đến, xuân về bằng tháng lương thứ 13.
 
Theo Nam Anh
VnEconomy

Rút giấy phép bay của hãng hàng không Hà Dũng

Ngày đăng : 03/12/2011 - 12:00 AM
Sau 3 năm cất cánh, hãng hàng không Indochina Airlines do nhạc sĩ Hà Dũng làm Tổng giám đốc đã chính thức bị rút giấy phép bay. 
 
 
Đại diện Cục hàng không Việt Nam cho biết giấy phép bay của Indochina Airlines đã bị rút. Trước đó, Cục hàng không đã có văn bản đề nghị thu hồi giấy phép của hãng hàng không này, văn bản được gửi cho Bộ Giao thông Vận tải xem xét.
 
Theo Cục hàng không Việt Nam, nguyên nhân rút giấy phép bay của Indochina Airlines là do hãng này đã ngừng khai thác và cũng không có một động thái nào cho thấy sẽ tái hoạt động trở lại.
 
Trước khi mất giấy phép, Indochina Airlines đã bị thu hồi quyền vận chuyển, quyền khai thác bay. Thậm chí, quy định tối thiểu đối với một hãng hàng không về vốn pháp định (200 tỷ đồng), Indochina Airlines cũng chưa đáp ứng đủ.
 
Indochina Airlines được cấp phép thành lập tháng 5/2008, bắt đầu bay từ tháng 11/2008 và ngừng khai thác sau một năm hoạt động vì gặp khó khăn về tài chính.
 
Cùng lúc với việc một hãng không bị rút giấy phép, thị trường hàng không tại Việt Nam xuất hiện thêm một cái tên Vietjet Air. Hãng này vừa khai trương hệ thống bay thương mại hôm qua (2/12). Chuyến bay chặng TP HCM - Hà Nội của hãng sẽ bắt đầu vào 25/12.
 
Theo Kiên Cường
VnExpress
 

 
 

 

Sẽ giám sát từng tài khoản để phát hiện dấu hiệu thao túng

Ngày đăng : 14/02/2011 - 12:00 AM

UBCK cho biết, trong năm 2011, hoạt động thanh tra TTCK sẽ tiếp tục được đẩy mạnh.

 Để ngăn chặn việc thao túng giá chứng khoán, UBCK sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, giám sát từ 2 Sở GDCK, từ các tổ chức kinh doanh dịch vụ chứng khoán để giám sát chặt chẽ đến từng tài khoản nhà đầu tư, để kịp thời phát hiện các dấu hiệu thao túng thị trường.

Tuy nhiên, UBCK cho biết, từ dấu hiệu đến kết luận thao túng là không đơn giản. Do chưa có thẩm quyền điều tra, nên trong thời gian tới, căn cứ trên cơ sở Bộ luật Hình sự và Thông tư liên tịch giữa Bộ Tài chính và Bộ Công an, UBCK sẽ phối hợp chặt chẽ để xử lý mạnh tay các vụ trọng điểm, nâng cao tính răn đe và tăng cường tính minh bạch trên TTCK.

Theo thống kê của UBCK, năm 2010 là năm cơ quan này xử lý vi phạm thao túng giá nhiều nhất, với việc phát hiện và xử lý 7 cá nhân có hành vi giao dịch nội gián và 14 cá nhân có hành vi thao túng giá.

Tổng cộng năm 2010, UBCK đã ban hành 232 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tăng 20% so với năm 2009. Các quyết định xử phạt đều được công bố công khai, với tổng số tiền thu nộp về ngân sách là 7,565 tỷ đồng.


Năm 2011, chứng khoán sẽ soán ngôi vương của vàng?

Ngày đăng : 13/02/2011 - 12:00 AM

Từ cuối năm 2010 đến đầu năm 2011, giá vàng đã "hạ nhiệt". Nhận định về thị trường đầu tư năm 2011, nhiều chuyên gia cho rằng: Chứng khoán sẽ soán ngôi số 1 của vàng.

 2010 có thể xem là năm giá vàng đầy biến động. Vàng trở thành nơi trú ẩn tốt cho nhà đầu tư quốc tế, khiến họ đổ xô mua vào tích trữ, đẩy giá vàng tăng cao, liên tục xác lập rồi lại phá vỡ kỷ lục. Giá vàng năm 2010 đã ấn định chuỗi tăng 10 năm liên tiếp với mốc đỉnh 1.405,50 USD/ounce ấn định hồi cuối tháng 12 năm ngoái trên sàn London và tăng 29% so với năm giao dịch trước đó.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2011 đến nay, giá vàng đã “hạ nhiệt". Nhu cầu đầu tư vàng có dấu hiệu suy yếu, bằng chứng là động thái liên tục bán ra của Quỹ tín thác vàng SPDR. Ngày 09/02, SPDR tiếp tục bán vàng, khiến trữ lượng vàng của Quỹ giảm từ 1.228,56 tấn xuống còn 1.226,43 tấn. Trong tháng 2/2011, quỹ này đã 3 lần bán vàng với khối lượng 1,02 tấn. Trước đó không lâu (tháng 1/2011), quỹ này cũng 3 lần liên tiếp bán vàng: 03 tấn (ngày 27/01), 31.262 tấn vàng (ngày 25/01) và 10.927 tấn vàng (ngày 24/01).

“Nhiều người nhận định: Thị trường vàng năm nay sẽ không “mặn mà” như năm ngoái. Căn cứ vào tình hình hiện tại, thị trường vàng thời điểm này đang trong giai đoạn chờ bán khi lượng chờ bán chiếm tới 80 – 90%. Không có sự cân bằng giữa mua và bán nên vàng có lên hoặc hạ giá xuống một chút nhưng chắc chắn sẽ không sôi động bằng năm vừa rồi", anh Hoàng Hữu Định, phụ trách kinh doanh vàng nguyên ngoại tệ của Vàng bạc Bảo Tín Minh Châu nhận xét.

Có thể thấy, năm 2010 nhiều NĐT đổ xô đi mua vàng nên đầu năm nay, phần lớn giao dịch nghiêng về lực chờ bán. Tuy nhiên, thời điểm này giá vàng vẫn lình xình quanh ngưỡng trên dưới 36 triệu đồng/lượng, so với mức giá đỉnh 38 triệu đồng/lượng đạt được trong năm 2010, mức giá này chưa thực sự hấp dẫn. Trong khi đó, giá vàng thế giới suốt từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay gần như đứng yên, không có biến động nhiều, hiện tại cho tới thời điểm này, vàng vẫn đi ngang quanh mức 1.363 – 1.364 USD/ounce.

Việc biến động giá vàng trong nước 3 ngày gần đây vọt mốc 36 triệu đồng/lượng, có thời điểm tăng 400.000 đồng so với ngày hôm trước, theo ý kiến của một số doanh nghiệp kinh doanh vàng chủ yếu do ảnh hưởng của thị trường USD tự do tăng. Hơn nữa, do người Việt Nam đã "đi tắt đón đầu”, đoán trước được xu hướng giá vàng. “Nắm bắt tình hình xấu từ cuộc biểu tình gây chấn động tại Tunisia, chính trị bất ổn tại Ai Cập và vấn đề lạm phát ở Trung Quốc nên thị trường vàng trong nước đã niêm yết ở ngưỡng giá cao, chênh với giá vàng thế giới khoảng 100.000 đồng/chỉ”, một nhà kinh doanh vàng miếng tại Hà Nội cho biết.

Trong khi đó, nhận định về thị trường đầu tư năm 2011, không ít chuyên gia thế giới cho rằng: Chứng khoán sẽ soán ngôi vương của vàng.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đầu tư Ngoại hối Trung Quốc Đàm Nhã Linh dự đoán: Thị trường chứng khoán thế giới sẽ đi từ đỉnh cao này tới đỉnh cao khác. Thị trường chứng khoán Mỹ sẽ tiến tới mốc 12.000 điểm, có khả năng phá mức kỷ lục 14.000 điểm đạt được hồi năm 2007. Với đà hồi phục của nên kinh tế Mỹ, ông David Darst, trưởng nhóm các nhà chiến lược đầu tư tại MorganStanley SmithBarney cũng khẳng định: thị trường cổ phiếu Mỹ sẽ tăng điểm, nhất là các cổ phiếu thuộc các công ty đa quốc gia có cổ tức cao.

Và thực tế, những gì diễn ra trên sàn chứng khoán những ngày qua càng “hâm nóng” niềm tin của những NĐT vào thị trường này. Chứng khoán Mỹ tiếp tục có một phiên khởi sắc trong ngày 08/02 với chỉ số Dow Jones có ngày tăng điểm thứ 7 liên tiếp khi thị trường bỏ ngoài tai các báo cáo lợi nhuận trái chiều và động thái nâng lãi suất của Trung Quốc. Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Dow Jones tăng 71,52 điểm (0,59%) lên 12.233,15 điểm, S&P 500 nhận 5,52 điểm (0,42%) lên 1.324,57 điểm, chỉ số Nasdaq Composite cộng 13,06 điểm (0,47%) lên 2.797,05 điểm.

Việc găm giữ vàng, coi vàng như "nơi trú ẩn an toàn nhất" dường như đã ăn sâu vào trong máu của nhiều người dân Việt Nam.

Tuy nhiên, “nếu nói vàng mất đi vị thế cũng không hoàn toàn đúng, vào thời điểm này, do không có sự chênh lệch nhiều về giá như năm 2010 nên đây chưa phải là “cơ hội vàng” cho những nhà đầu tư lướt sóng, đầu tư vào vàng tạm thời không mang lại hiệu quả nhiều như trước. Thời gian này, NĐT sẽ lựa chọn kênh đầu tư tốt hơn trong một thời điểm nhất định nào đó bởi vàng luôn là mục tiêu nắm giữ của người dân từ xưa tới nay. Dù có đầu tư chứng khoán lãi bao nhiêu, luồng tiền mà NĐT muốn nắm giữ lâu dài chắc chắn vẫn dành một khoản không nhỏ đầu tư vào vàng”, anh Hoàng Hữu Định đánh giá.

Đại diện của Công ty vàng bạc đá quý Phú Quý cũng cho rằng: vàng chưa khi nào mất sức hấp dẫn, cho tới thời điểm hiện tại, giá vàng trong nước chưa có nhiều biến động lớn, thậm chí diễn biến khá chậm so với thay đổi của giá vàng thế giới.

Ngoài ra, một trong những lý do khiến nhiều người tin tưởng rằng: vàng vẫn đáng để “thèm muốn”. Năm qua, Ngân hàng trung ương đã trở thành người mua ròng vàng sau hai thập kỷ đóng vai trò là một nguồn cung cấp ổn định cho thị trường. IMF cũng hoàn tất chương trình bán hàng 403,3 tấn vàng, cụ thể, Quỹ này đã bán 200 tấn cho Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ, 10 tấn cho Sri Lanka, 10 tấn đến Bangladesh và 2 tấn cho Mauritius. Ngoài ra, hiện nay, người dân Trung Quốc, Ấn Độ mua rất nhiều vàng, hai nước được kỳ vọng là mua vàng lớn trong năm 2011.

Thêm vào đó, lợi nhuận thu được từ vàng là điều khó có thể phủ nhận. John A.Paulson - giám đốc một quỹ đầu tư phòng hộ, người đã nổi tiếng sau khi thị trường nhà đất sụp đổ tại Mỹ, đã kiếm được 5 tỷ USD trong năm 2010 từ việc đánh cược vào một kênh đầu tư rất cũ: vàng.

Hơn nữa, với diễn biến sôi động của thị trường vàng năm 2010, các chuyên gia cũng như các nhà đầu tư đều dự đoán một thị trường vàng không kém “dậy sóng” trong năm 2011. Thậm chí nhiều chuyên gia còn cho rằng, giá vàng sẽ tiếp tục lập thêm những kỷ lục mới. Theo báo cáo của BNP Paribas hồi cuối tháng 11/2010, giá vàng trong năm tới có khả năng sẽ tăng lên 1.500 USD/ounce.

Khảo sát của Bloomberg thực hiện với 29 chuyên gia cũng cho kết quả tương tự. Ông Dan Brebner – chuyên gia phân tích tại Deutsche Bank (Luân Đôn, Anh) – người dự báo chính xác nhất về thị trường vàng trong năm 2010 cho rằng: giá vàng có thể lên mức 1.550 USD/ounce.

Trả lời báo chí, ông Tôn Thế Vĩnh Quyền, Giám đốc kinh doanh Công ty Vàng bạc đá quý Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank-SBJ) cũng dự báo: Năm 2011, giá vàng có thể sẽ tiếp tục đà tăng khi được hỗ trợ bởi vấn đề khủng hoảng nợ công khu vực châu Âu, chương trình nới lỏng định lượng của Mỹ, lạm phát do tăng trưởng nóng từ thị trường Trung Quốc… Theo ông Quyền, mức “đỉnh” của giá vàng thế giới năm nay có thể là 1.700 USD/ounce, với thị trường vàng trong nước, giá kim loại quý có thể lập mức “đỉnh” 4,2 triệu đồng/chỉ.

Từ những nhìn nhận về thị trường năm 2010, nhiều chuyên gia kinh tế dự báo giá vàng năm 2011 sẽ tăng khoảng 19%. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh: “Không thể đoán biết được thị trường, chỉ có điều chúng ta hoàn toàn có thể phân tích những yếu tố nào tác động. Vàng lên hay xuống rất khó nói trước vì còn phải phụ thuộc nhiều yếu tố. Nhưng có 2 điều phải cân nhắc đó là bất ổn chính trị và diễn biến sức mạnh của đồng USD".

“Bên cạnh câu chuyện từ năm ngoái vẫn còn tiếp diễn sang năm nay đó là câu chuyện về nới lỏng tiền tệ của những nước phát triển và câu chuyện về bong bóng bất động sản và tín dụng của nhiều nước khá phát triển do sức tăng trưởng nóng như Ấn Độ, Brazin,… Năm nay, các NĐT quan tâm tới thị trường vàng nên chú ý tới tình hình chính trị của một số nước, đặc biệt là những nước có vị trí quan trọng trên thế giới”, ông Ánh lưu ý.


 

Tin mới cập nhật