Khối lượng đặt mua cổ phần BIDV vượt 65% khối lượng chào bán

Ngày đăng : 23/12/2011 - 11:20 AM
Trong đó, có 129 nhà đầu tư tổ chức đăng ký mua 39 triệu cổ phần. Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo kết quả đăng ký đầu thầu cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV.
 
 
Tổng cộng có 140,87 triệu cổ phần được đăng ký trên tổng số 84,7 triệu cổ phần đấu giá, tương đương 3% vốn điều lệ của BIDV.
 
Số lượng nhà đầu tư đăng ký là 16.238, trong đó, 129 nhà đầu tư tổ chức và 16.109 nhà đầu tư cá nhân. Tổng số cổ phần nhà đầu tư tổ chức đăng ký là 39 triệu cổ phần, còn lại gần 102 triệu cổ phần do nhà đầu tư cá nhân đăng ký
 
Ngày  26/12 là ngày bỏ phiếu đấu giá cổ phần. Ngày 28/12 là ngày chính thức tổ chức đấu giá cổ phần lần đầu của BIDV tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
 
Theo phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, BIDV cổ phần hóa theo hình thức giữ nguyên vốn Nhà nước hiện có, phát hành thêm cổ phần để tăng vốn điều lệ, trong đó tỷ lệ sở hữu của Nhà nước không thấp hơn 65%.
 
Tổng khối lượng phát hành trong giai đoạn 1 là 22% vốn điều lệ. Trong đó, IPO là 3%; bán ưu đãi cho cán bộ, công nhân viên 1%; bán cho tổ chức công đoàn 3%; bán cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài 15%.
 
Trước BIDV, hai ngân hàng quốc doanh là ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng đã tiến hành IPO với lượng đăng ký vượt không nhiều so với lượng chào bán.
 
 
Theo DVT.vn/HNX

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Quỹ đầu tư khó tìm nơi rót vốn

Ngày đăng : 23/12/2011 - 10:53 AM
Việt Nam là thị trường rộng lớn để rót vốn đầu tư, nhưng các quỹ đầu tư hiện không dễ tìm được nơi hấp thu vốn tốt.
 
Những tháng đầu năm 2011, các quỹ đầu tư đã có nhiều đợt thoái vốn, làm giới đầu tư lo lắng rằng, năm 2012 và 2013 sẽ có làn sóng thoái vốn do đã đến thời hạn kết thúc của các quỹ. Tuy nhiên, với chiến lược chung không bỏ qua bất cứ cơ hội đầu tư tốt nào, các quỹ đã cơ cấu lại danh mục đầu tư.
Chẳng hạn, Mekong Capital chủ trương chỉ tập trung đầu tư vào các ngành nghề thúc đẩy tiêu dùng và hiện nhắm tới các lĩnh vực như xây dựng thương hiệu, marketing, quản lý bán hàng và xây dựng hệ thống phân phối, bán lẻ.
 
Tương tự, ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Quỹ đầu tư Dragon Capital cho biết: “Dragon Capital xác định vẫn ưu tiên đối với các công ty niêm yết, song với yêu cầu doanh nghiệp phải có nền tảng tốt, chỉ tập trung vào những ngành nghề hoạt động chính, có khả năng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận tốt, chỉ số nợ trên vốn ở mức hợp lý và phải có đội ngũ quản trị chuyên nghiệp. 
 
Trong đó, Dragon Capital sẽ ưu tiên đầu tư vốn vào những ngành hàng tiêu dùng, thực phẩm, công nghệ, dịch vụ phần mềm, dịch vụ tài chính”.
 
Trong khi đó, Quỹ đầu tư VinaCapital sẽ chú trọng vào các lĩnh vực như: y tế, thực phẩm, nông nghiệp, giáo dục.
 
Với chủ trương như vậy của các quỹ đầu tư, có thể thấy, dòng vốn sẽ không thiếu, mà vấn đề là doanh nghiệp làm gì để hấp thụ.
 
Ông Alan Phan, Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa cho biết: “Doanh nghiệp nói khó tìm vốn, nhưng trên thế giới có  400.000 - 500.000 tỷ USD chạy quanh mỗi ngày. Số tiền lớn như vậy, không có lý do gì mà một doanh nghiệp có sản phẩm, công nghệ, lối tiếp thị đặc thù, quản trị bài bản, bền vững lại không kiếm được 10 - 20 triệu USD. 
 
Tôi có ông bạn cùng 8 cộng sự được cử từ Mỹ qua Việt Nam với số vốn cam kết giải ngân trong năm 2011 là 100 triệu USD, nhưng gần hết năm rồi mà họ không tìm được công ty nào để đầu tư, tài trợ”, ông Alan Phan nói.
 
Tình trạng như vậy còn diễn ra đối với các quỹ đầu tư đã thành lập ở Việt Nam từ khá lâu. Mekong Capital là một ví dụ điển hình. Vào Việt Nam được hơn 10 năm, Mekong Capital đang quản lý 3 quỹ đầu tư với tổng vốn ban đầu gần 133 triệu USD. 
 
Quỹ này đặt mục tiêu đầu tư vào cổ phần chưa niêm yết của các công ty tăng trưởng nhanh, thuộc lĩnh vực tiêu dùng, đồng thời tích cực góp phần tạo giá trị lâu dài cho những công ty đó thông qua việc hỗ trợ sau đầu tư.
 
Ông Thomas Lanyi, Giám đốc Đầu tư Công ty TNHH Tư vấn Mekong Capital cho biết, Mekong Capital chủ trương rót vốn vào những công ty tập trung vào một mô hình kinh doanh; có hội đồng quản trị chủ động trong việc xây dựng đội ngũ quản lý; văn hóa doanh nghiệp vững chắc, các thành viên cùng chia sẻ những giá trị chung. 
 
“Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của Mekong Capital khi bỏ vốn vào Việt Nam là khó tìm được doanh nghiệp có được đội ngũ quản lý giàu năng lực. Hầu hết các công ty ở Việt Nam đều có những lỗ hổng lớn về đội ngũ quản lý và những bất ổn về văn hóa doanh nghiệp. Thêm vào đó, rất ít công ty tư nhân đạt lợi nhuận thuần trên 10 triệu USD/năm”, ông Thomas Lanyi nói.
 
Theo kinh nghiệm của ông Alan Phan, khi tiếp cận các nhà đầu tư, doanh nghiệp cần có tất cả danh sách nguồn vốn tiềm năng, phân tích điểm mạnh, điểm yếu, vạch kế hoạch kinh doanh, trong đó có báo cáo dự phòng tài chính.
 
“Điều quan trọng nằm ở tính kiên nhẫn. Doanh nghiệp đi gõ cửa nhà đầu tư tới 100 lần, nhưng chỉ có 10 lần cửa mở và chỉ hy vọng có 1 nhà đầu tư mời vào nói chuyện. Khi vào được rồi, phải biết cách tiếp thị, hiểu lợi thế cạnh tranh và hiểu nhu cầu đầu tư. Các nhà đầu tư quan tâm hàng đầu đến hai yếu tố: doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh gì trên thị trường và ban quản trị đã chứng minh được thành tích gì trong quá khứ?”, ông Alan Phan chia sẻ.
 
Theo Anh Hoa
 Báo Đầu Tư

Phố Wall mừng rỡ tìm được “phao cứu sinh” mới

Ngày đăng : 23/12/2011 - 10:36 AM

Bản báo cáo việc làm do Chính phủ Mỹ công bố trong ngày cho thấy số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu sụt giảm, là xung lực chính giúp các chỉ số chứng khoán Mỹ tăng điểm khá tốt trong phiên giao dịch ngày 22/12.

 

 

Cụ thể, chốt phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones tiến 61,84 điểm, tương ứng 0,51%, lên 12.169,58 điểm. S&P 500 tăng 10,29 điểm, tương ứng 0,83%, lên 1.254,01 điểm. Nasdaq Composite tăng 21,48 điểm, tương ứng 0,83%, lên 2.599,45 điểm.

Với kết quả này, chỉ số S&P 500 sắp trở về vạch xuất phát của năm 2011 và chỉ số Dow Jones đã tăng điểm trở lại trong năm. Nếu các phiên tới, thị trường tiếp tục khởi sắc, Phố Wall sẽ đạt mức tăng trưởng tốt hơn các khu vực khác trong năm.

Hôm qua, thị trường lạc quan sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần qua giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 3 năm. Ngoài ra, còn có tâm lý người tiêu dùng tháng 12 tăng cao nhất 6 tháng.

Chỉ số VIX đo lường trạng thái bất ổn của nhà đầu tư cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ giảm 1,4%, nâng mức giảm từ đầu tuần lên 13% và đang hướng tới tuần suy giảm thứ tư liên tiếp, do yếu tố kinh tế Mỹ có nhiều điểm lạc quan.

Phiên hôm qua, các nhóm cổ phiếu tài chính, năng lượng và nguyên vật liệu tăng mạnh nhất. Chỉ số S&P khu vực tài chính tăng 2,1%, chỉ số S&P khu vực năng lượng tăng được 1,1% và chỉ số S&P lĩnh vực nguyên vật liệu tiến được 0,9%.

Khối lượng giao dịch toàn thị trường ở mức thấp, với 5,88 tỷ cổ phiếu, do chỉ còn vài ngày nữa là tới lễ Giáng sinh và Năm mới. Trên sàn New York, gần 3/4 số cổ phiếu giao dịch tăng giá, còn ở sàn Nasdaq khoảng 63% cổ phiếu tăng điểm.

Tương tự thị trường Mỹ, các sàn chứng khoán châu Âu cũng đi lên nhưng với biên độ lớn hơn. Chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 1,25% lên 5.456,97 điểm. CAC 40 của Pháp tăng 1,36% lên 3.071,80 điểm. DAX của Đức tiến 1,05% lên 5.852,18 điểm.

Ngược dòng, các thị trường châu Á - Thái Bình Dương đều quay đầu giảm điểm khi đóng cửa trước đó, nhưng mức giảm không lớn. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản hạ mạnh nhất, với 0,77%, tiếp đến là Straits Times của Singapore giảm 0,32%.

 

Thị trường Chỉ số Phiên trước Đóng cửa Tăng/giảm (điểm) Tăng/giảm (%)
Mỹ Dow Jones 12.107,70 12.169,70 Up61,91 Up0,51
S&P 500 1.243,72 1.254,00 Up10,28 Up0,83
Nasdaq 2.577,97 2.599,45 Up21,48 Up0,83
Anh FTSE 100 5.389,74 5.456,97 Up67,23 Up1,25
Pháp CAC 40 3.030,47 3.071,80 Up41,33 Up1,36
Đức DAX 5.791,53 5.852,18 Up60,65 Up1,05
Nhật Bản Nikkei 225 8.459,98 8.395,16 Down64,82 Down0,77
Hồng Kông Hang Seng 18.416,40 18.378,20 Down38,22 Down0,21
Trung Quốc Shanghai Composite 2.191,15 2.186,30 Down4,85 Down0,22
Đài Loan Taiwan Weighted 6.966,48 6.966,35 Down0,13 Down0,00
Hàn Quốc KOSPI Composite 1.848,41 1.847,49 Down0,92 Down0,05
Singapore Straits Times 2.673,32 2.664,80 Down8,52 Down0,32
Nguồn: CNBC, Market Watch.

 

Theo VnEconomy.vn


16 ngành hàng “thống trị” Phố Wall năm 2011

Ngày đăng : 23/12/2011 - 10:31 AM

Kết thúc phiên 22/12, chỉ số Dow Jones tiến 61,84 điểm, tương ứng 0,51%, lên 12.169,58 điểm. S&P 500 tăng 10,29 điểm, tương ứng 0,83%, lên 1.254,01 điểm. Nasdaq Composite tăng 21,48 điểm, tương ứng 0,83%, lên 2.599,45 điểm.
 

 

 

Với kết quả này, chỉ số S&P 500 sắp trở về vạch xuất phát của năm 2011 và chỉ số Dow Jones đã tăng điểm trở lại trong năm. Nếu các phiên tới, thị trường tiếp tục khởi sắc, Phố Wall sẽ đạt mức tăng trưởng tốt hơn các khu vực khác trong năm.

Mặc dù xu thế thị trường khó đoán và liệu S&P 500 có trở về mức tăng điểm trong năm nay hay không, nhưng năm qua, nhiều nhóm cổ phiếu ngành hàng như dự trữ dầu khí, kho vận… vẫn có bước tiến tốt, đem lại lợi ích không nhỏ cho cổ đông.

Dưới đây là 16 nhóm cổ phiếu ngành hàng tăng tốt nhất trong năm 2011 theo bình chọn của Business Insider.

16. Lốp xe và các sản phẩm từ cao su

Mức tăng trưởng từ đầu năm đến nay: 15,27%
Mức tăng trưởng từ đầu quý 4/2011 đến nay: 34,69%
Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất: Goodyear Tire

15. Bán lẻ ôtô

Mức tăng trưởng từ đầu năm đến nay: 15,83%
Mức tăng trưởng từ đầu quý 4/2011 đến nay: 15,89%
Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất: Lithia Motors

14. May mặc và phụ liệu

Mức tăng trưởng từ đầu năm đến nay: 16,07%
Mức tăng trưởng từ đầu quý 4/2011 đến nay: 8,39%
Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất: Oxford Industries

13. Công nghệ sinh học

Mức tăng trưởng từ đầu năm đến nay: 16,20%
Mức tăng trưởng từ đầu quý 4/2011 đến nay: 6,68%
Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất: Cubist Pharmacy

12. Phần mềm giải trí gia đình

Mức tăng trưởng từ đầu năm đến nay: 17,01%
Mức tăng trưởng từ đầu quý 4/2011 đến nay: 1,29%
Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất: Electronic Arts

11. Tư vấn công nghệ thông tin

Mức tăng trưởng từ đầu năm đến nay: 19,27%
Mức tăng trưởng từ đầu quý 4/2011 đến nay: 1,78%
Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất: IBM

10. Dịch vụ thuê ngoài và xử lý dữ liệu


Mức tăng trưởng từ đầu năm đến nay: 19,85%
Mức tăng trưởng từ đầu quý 4/2011 đến nay: 14,28%
Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất: MasterCard Inc.

9. Phân phối, giao nhận

Mức tăng trưởng từ đầu năm đến nay: 20,51%
Mức tăng trưởng từ đầu quý 4/2011 đến nay: 18,42%
Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất: LKQ Corp.

8. Bán lẻ Catalog

Mức tăng trưởng từ đầu năm đến nay: 21,51%
Mức tăng trưởng từ đầu quý 4/2011 đến nay: 10,9%
Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất: HSN

7. Bán lẻ nội thất

Mức tăng trưởng từ đầu năm đến nay: 22,23%
Mức tăng trưởng từ đầu quý 4/2011 đến nay: 10,76%
Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất: Select Comfort

6. Kinh doanh nhà hàng

Mức tăng trưởng từ đầu năm đến nay: 25,74%
Mức tăng trưởng từ đầu quý 4/2011 đến nay: 14,54%
Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất: Chipotle Mexican

5. Thuốc lá

Mức tăng trưởng từ đầu năm đến nay: 28,04%
Mức tăng trưởng từ đầu quý 4/2011 đến nay: 18,45%
Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất: Lorillard Inc.

4. Hàng hải, vận tải biển

Mức tăng trưởng từ đầu năm đến nay: 28,68%
Mức tăng trưởng từ đầu quý 4/2011 đến nay: 19,70%
Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất: Kirby Corp

3. Thương mại và phân phối


Mức tăng trưởng từ đầu năm đến nay: 29,59%
Mức tăng trưởng từ đầu quý 4/2011 đến nay: 28,45%
Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất: Fastenal

2. Chăm sóc y tế


Mức tăng trưởng từ đầu năm đến nay: 32,62%
Mức tăng trưởng từ đầu quý 4/2011 đến nay: 9,95%
Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất: Healthspring Inc.

1. Vận chuyển và dự trữ dầu khí


Mức tăng trưởng từ đầu năm đến nay: 39,59%
Mức tăng trưởng từ đầu quý 4/2011 đến nay: 29,36%
Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất: El Paso Corp.

 

Theo VnEconomy.vn


Vì sao giao dịch thỏa thuận áp đảo thời gian qua?

Ngày đăng : 23/12/2011 - 10:20 AM

Trong những phiên giao dịch gần đây trên sàn niêm yết, giao dịch thỏa thuận chiếm giá trị áp đảo. Diễn biến này mang thông điệp gì?
 

 

 

Các kịch bản chuyển đổi

Trái với không khí khớp lệnh buồn tẻ trên sàn, hoạt động giao dịch thỏa thuận lại rất sôi động. Điển hình như phiên 21/12, sàn HOSE đón nhận 891,7 tỷ đồng giá trị từ giao dịch thỏa thuận, lớn gấp 2,6 lần so với giao dịch khớp lệnh.

Trong đó, Sacombank (STB), Hoàng Anh Gia Lai (HAG), Vincom (VIC), Chứng khoán Sài Gòn (SSI) là những cổ phiếu được giao dịch "khủng" nhất.

STB, HAG, VIC, SSI đều đã trải qua nhiều phiên giao dịch có giá trị thỏa thuận gấp trên 10 lần giao dịch khớp lệnh. Diễn biến này khiến không ít NĐT thắc mắc. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính - Chứng khoán - Ngân hàng Đại học Mở TP. HCM cho rằng, "đây đơn giản chỉ là sự chuyển đổi sở hữu".

Hiện có 3 kịch bản được các chuyên gia nghĩ tới. Thứ nhất, đó là kịch bản chuyển đổi sở hữu từ người này sang người khác để "cứu" lượng cổ phiếu sắp phải giải chấp.

Cụ thể, trước diễn biến giá cổ phiếu giảm sâu, thay vì nhìn một lượng lớn cổ phiếu bị CTCK bán giải chấp, NĐT có thể chọn hình thức dùng tài khoản khác để mua lại cổ phiếu nhằm tránh một thua lỗ quá mức sẽ xảy ra.

Kịch bản thứ hai là một số cổ đông tìm cách chuyển đổi sở hữu để giảm tỷ lệ xuống dưới 5% vốn của DN, để vừa tránh được quy định phải bắt buộc công bố thông tin khi mua bán, vừa có thể thực hiện thay đổi cách thức nộp thuế giao dịch chứng khoán.

Thực tế, trước diễn biến càng đầu tư càng thua lỗ, nếu NĐT chọn hình thức nộp thuế theo hình thức nộp thuế thu nhập cá nhân thì rất thiệt thòi. Do đó, họ có thể thỏa thuận chuyển lượng cổ phiếu đang sở hữu về một công ty chuyên đầu tư tài chính để đóng thuế trên lợi nhuận cuối kỳ của DN này. .

Một kịch bản được đánh giá có khả năng xảy ra nhiều nhất, đó là giao dịch khớp lệnh lô lớn nhằm mục đích thâu tóm, sáp nhập. Bằng chứng là những hoạt động mua bán liên tục với khối lượng lớn ở STB, SBS, HVG… thời gian qua ít nhiều đều liên quan đến câu chuyện thâu tóm, chống thâu tóm.

Cũng có thể NĐT mua bán chứng khoán qua giao dịch thỏa thuận chỉ đơn giản để đầu tư hay thoái vốn như trường hợp ở Sacomreal. Nhưng dù là với kịch bản gì thì rõ ràng, hiện nay giới đầu tư, nhất là NĐT tổ chức đang chuộng hình thức "buôn sỉ" hơn "buôn lẻ".

Cách thức này vừa giúp họ giao dịch khối lượng lớn với giá có thể thỏa thuận, vừa có thể chủ động trong tìm kiếm người bán - người mua. Tuy nhiên, ở góc độ thị trường, ông Thuận đánh giá: "Giao dịch thỏa thuận không mang nhiều ý nghĩa, vì không giúp tăng thanh khoản hay tăng giá cổ phiếu".

Dòng tiền lớn đã tìm được hướng đi?

Nhìn về dài hạn, ông Phan Dũng Khánh, Trưởng phòng Phân tích - Đầu tư, CTCK KimEng Việt Nam (KEVS) nhận định: "Việc gia tăng các giao dịch thỏa thuận mang nhiều thông điệp tích cực". Cụ thể, tuy chưa tham gia trực tiếp để tăng thanh khoản, nhưng đã có một lượng vốn đáng kể, bằng cách này cách khác đang âm thầm đổ vào chứng khoán.

Nhưng động thái của dòng tiền kín tiếng này lại đang khiến cho nhiều lãnh đạo DN lo lắng. Một số DN niêm yết bày tỏ ý nguyện rời sàn như một cách phòng vệ từ xa việc bị thâu tóm khi giá cổ phiếu xuống quá thấp.

Ông Khánh nhận định, DN có lý khi đề phòng các giao dịch thỏa thuận với số lượng lớn, khi với thị giá hiện nay, DN có thể bị "mua đứt" bất cứ lúc nào. Bởi lẽ, một số đại gia nhiều tiền - chưa nói đến các tổ chức đã đặt vấn đề với cá nhân ông để tư vấn về việc này. Cái đích mà các NĐT này hướng tới không phải là lợi nhuận từ lướt sóng, mà là tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn hoặc giá trị tài sản của DN.

Chắc chắn người mua - với tâm lý muốn mua rẻ, càng thích thú nếu thấy TTCK tiếp tục lình xình ở mức thấp như hiện nay. Vì thế, họ sẽ không dại gì chọn giao dịch khớp lệnh để khiến cầu tăng, giá tăng. Nhưng đến một lúc nào đó, khi ngày càng nhiều dòng tiền lớn đổ vào và cạnh tranh trong tìm kiếm cơ hội từ TTCK tăng lên, những NĐT giấu mặt bắt buộc phải mua bằng cách khớp lệnh trên sàn.

Thực tế, so với đầu tư vàng, ngoại tệ hay bất động sản thì đầu tư cổ phiếu qua nắm giữ khối lượng lớn với giá rẻ đang là lựa chọn của không ít người có tiền. Họ đã nhìn ra, không phải lúc nào cũng có thể có cơ hội sở hữu cổ phiếu với giá thấp như lúc này.

Vì thế, nhân lúc nhiều DN đang khó khăn về thanh khoản, nhân lúc cổ đông lớn, cổ đông chiến lược cơ cấu lại danh mục, một bộ phận không nhỏ NĐT đã chớp thời cơ gom cổ phiếu và giao dịch thỏa thuận là phương thức hiệu quả giúp họ đạt mục đích.

 

Theo Ngọc Thủy

 ĐTCK


 

 


Chứng khoán, “bỗng dưng muốn khóc”

Ngày đăng : 22/12/2011 - 10:49 AM

Thị trường chứng khoán là thị trường của niềm tin, nhưng, những gì diễn ra trên thị trường chứng khoán Việt Nam những năm qua đã cho nhà đầu tư thấy niềm tin cũng thật mong manh.

Áp lực để tồn tại


Trong thời kỳ hoàng kim thị trường chứng khoán Việt Nam từ cuối năm 2005 đến đầu năm 2007, khi hầu hết nhà đầu tư tham gia vào thị trường chứng khoán đều có lãi, số lượng công ty chứng khoán không đủ đáp ứng nhu cầu giao dịch của nhà đầu tư.

Doanh thu của các công ty chứng khoán từ nghiệp vụ môi giới rất lớn, nhiều công ty chứng khoán có doanh thu phí môi giới giao dịch một ngày từ 1 đến 3 tỷ đồng - một lực hút hấp dẫn cho việc trào lưu thành lập công ty chứng khoán một cách rầm rộ - bắt đầu từ giữa năm 2006.

Các doanh nghiệp Nhà nước, một số tập đoàn Nhà nước, các cá nhân đã đổ vốn vào thành lập công ty chứng khoán và đến nay đã có 105 công ty chứng khoán được thành lập. Số lượng công ty chứng khoán được thành lập quá nhanh và quá nhiều đúng vào thời điểm nền kinh tế toàn cầu bắt đầu rơi vào khủng khoảng từ đầu năm 2008 kéo theo sự suy giảm của thị trường chứng khoán sau một giai đoạn phát triển quá hưng phấn.

Phải gánh chi phí đầu tư rất lớn cho cơ sở vật chất và quản lý nhân sự, trong khi đó, doanh thu chủ yếu của công ty chứng khoán từ nghiệp vụ môi giới dần dần bị thu hẹp. 50% tổng doanh số phí giao dịch của toàn thị trường thuộc về 10 công ty chứng khoán lớn, 50% doanh số phí giao dịch còn lại chia cho gần 100 công ty chứng khoán vừa và nhỏ.

Nhìn con số sơ bộ nói trên, có thể thấy được các công ty chứng khoán phải đối mặt với khó khăn như thế nào. Các hoạt động khác hầu như không đem lại hiệu quả, đặc biệt là hoạt động đầu tư tự doanh, nhiều công ty chứng khoán thua lỗ lớn vì đã đầu tư tự doanh với số vốn lớn qua các đợt IPO như Vietcombank, Bảo Việt, các doanh nghiệp của Tập đoàn Dầu khí...

Vì vậy để tồn tại, các công ty chứng khoán đã phải quyết liệt đưa ra các sản phẩm, các dịch vụ nhằm cạnh tranh thu hút khách hàng. Một số công ty chứng khoán có lợi thế từ công ty mẹ là các ngân hàng thương mại, các tập đoàn kinh tế lớn đã rót tiền cho các công ty chứng khoán để làm đòn bẩy tài chính với các tỷ lệ đòn bẩy quá cao nhằm mục đích tăng thị phần, lôi kéo khách hàng và triệt tiêu các đối thủ khác, trong khi lại coi nhẹ vấn đề quản trị rủi ro.

Dưới tác động của khủng khoảng tài chính toàn cầu bắt đầu từ năm 2008, thị trường chứng khoán thoái trào, liên tục mất điểm và giảm mạnh kéo theo các hệ quả của nó: nhiều công ty chứng khoán trở thành nhà đầu tư “bất đắc dĩ” bỗng dưng phải ôm một khối lượng cổ phiếu lớn khi mà đa số nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính cao không có khả năng thanh toán và từ bỏ danh mục đầu tư của mình; nhiều tổ chức tài chính và tín dụng cung cấp nguồn vốn cho các công ty chứng khoán không thu hồi được vốn của mình; nhiều tranh chấp xảy ra khi mà cơ sở pháp lý chưa rõ ràng.

Phong trào cho nhà đầu tư vay cổ phiếu để bán trước và hoàn trả lại trong một thời gian nhất định (gọi là nghiệp vụ short-sell) đã được một số công ty chứng khoán rầm rộ triển khai khi mà cơ sở pháp lý chưa có. Nghiệp vụ này trên thị trường chứng khoán thế giới đã thực hiện từ rất lâu, tuy nhiên đối với thị trường chứng khoán Việt Nam đây là một hoạt động chưa được pháp luật thừa nhận.

Hệ quả của việc triển khai nghiệp vụ short-sell của một số công ty chứng khoán dẫn đến một làn sóng lôi kéo nhà đầu tư từ công ty chứng khoán này sang công ty chứng khoán khác, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các công ty chứng khoán.

Đồng thời, hậu quả của việc coi nhẹ vấn đề quản trị rủi ro đã đẩy một số công ty chứng khoán đến bờ vực phá sản, mất hết vốn hoặc có hiện tượng lạm dụng vốn của nhà đầu tư…

Thời gian gần đây, liên tục xuất hiện các thông tin tiêu cực từ một số công ty chứng khoán, làm cho thị trường chứng khoán Việt Nam đã xấu lại càng xấu thêm, nhà đầu tư hoang mang và thêm mất niềm tin. Nhiều công ty chứng khoán khác đang hoạt động tốt cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Nhà đầu tư chịu đựng giỏi nhất


Nếu có một tổ chức nào đó khảo sát về các nhà đầu tư chứng khoán trên thế giới, tôi cho rằng nhà đầu tư Việt Nam là "chịu đựng và lạc quan giỏi nhất" trên thế giới, khi nhìn lại những chặng đường mà nhà đầu tư Việt Nam đã trải qua.

Thị trường chứng khoán Việt Nam từ khi thành lập đến nay đã trải qua nhiều thăng trầm. Nhà đầu tư là người cảm nhận sâu sắc nhất sự thăng trầm này, bởi chính họ cũng bị cuốn theo sự thăng trầm của thị trường chứng khoán với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.

Những nhà đầu tư vẫn còn bám trụ với thị trường chứng khoán từ ngày đầu đến nay chắc không còn nhiều. Họ đã trải qua những giai đoạn rất khó khăn của thị trường chứng khoán, đặc biệt là giai đoạn bắt đầu khủng khoảng tài chính toàn cầu năm 2008, thị trường chứng khoán giảm sâu nhưng họ vẫn có niềm tin và lạc quan kỳ vọng vào sự điều tiết của các cơ quan quản lý.

Nhưng thực tế lại không như kỳ vọng, thị trường chứng khoán đã lao dốc không phanh, làm cho hầu hết nhà đầu tư không kịp trở tay và thua lỗ nặng nề, nhiều hệ lụy xã hội sau đó đã diễn ra như: gia đình tan nát, bạn bè và người thân quay lưng…

Tuy nhiên, cũng không lâu sau đó thị trường chứng khoán có dấu hiệu hồi phục lại từ giữa năm 2009, lại có thêm một lớp nhà đầu tư mới lại lao vào thị trường, sự mất mát mới hôm qua thôi tưởng như đã diễn ra từ rất lâu rồi để nhường tiếp cho những kỳ vọng mới.

Thời điểm đó, nhiều sàn OTC ra đời, nhà đầu tư lại bị cuốn hút vào những sàn OTC này để mong muốn tìm kiếm những khoản lợi nhuận nhanh, với một suy nghĩ giản đơn là dễ kiếm lời. Tuy nhiên mọi cái đều có cái giá của nó, nhiều hệ quả tiêu cực từ các giao dịch sàn OTC như vậy đã khiến cho nhiều nhà đầu tư tiền mất tật mang, nhiều tranh chấp xảy ra khi mà cơ sở pháp lý chưa có và tất nhiên người được lợi nhất chính là chủ thể tạo ra các sàn này.

Cũng chính từ giữa năm 2009, các công ty chứng khoán đã liên tục đưa ra các sản phẩm, các dịch vụ cạnh tranh khác biệt nhưng chưa được thừa nhận, nhằm mục đích nâng cao thị phần và lôi kéo nhà đầu tư từ công ty chứng khoán này sang công ty chứng khoán khác.

Làn sóng cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán ngày càng khốc liệt. Nhà đầu tư kỳ vọng vào những khoản lợi nhuận lớn đã sử dụng đòn bẩy tài chính với tỷ lệ cao, nhiều công ty chứng khoán triển khai nghiệp vụ short-sell cũng đưa nhà đầu tư vào vòng xoáy kỳ vọng lợi nhuận lớn.

Nhiều thông tin nội gián bắt đầu phát huy tác dụng, nhiều tổ chức và nhà đầu tư bắt tay với các tổ chức niêm yết để khai thác, tạo dựng thông tin nội gián để dẫn dắt nhà đầu tư nhằm kiếm lợi nhuận bất chính cho mình. Thị trường chứng khoán đã rộ lên những đội “làm giá” cổ phiếu, các đội short-sell.

Một số công ty chứng khoán nằm trong số 10 công ty chứng khoán có thị phần cao nhất đã lập rất nhiều phòng môi giới chuyên để làm điều này cùng với việc cung cấp đòn bẩy tài chính cao để cuốn hút nhà đầu tư mạo hiểm tham gia. Nhiều nhà đầu tư thay vì việc nhận được sự tư vấn đầu tư chuyên nghiệp của các chuyên gia, nghiên cứu báo cáo tài chính của doanh nghiệp chuyển sang tìm kiếm thông tin từ các đội "làm giá" để đưa ra quyết định đầu tư của mình.

Thị trường chứng khoán bắt đầu vận động không theo quy luật và vượt ra ngoài quỹ đạo của nó, và tất nhiên hệ quả của nó là nhà đầu tư tiền mất tật mang, nhiều công ty chứng khoán rơi vào tình trạng mất khả năng thanh khoản hoặc phải ôm một khoản nợ khổng lồ.

Tái cấu trúc, hy vọng mong manh

Toàn xã hội đang rộ lên việc tái cấu trúc. Hệ thống ngân hàng tái cấu trúc, các tập đoàn kinh tế lớn tiến hành tái cấu trúc, các thành phần kinh tế khác cũng đang tái cấu trúc, và…

Không nằm ngoài xu hướng đó, thị trường chứng khoán Việt Nam với nhiều vấn đề như vậy tại sao không tái cấu trúc? Suy luận một cách đơn giản như vậy thì đúng là các cơ quản lý đã thể hiện trách nhiệm rất lớn đối với những đứa con của mình sinh ra.

Thị trường chứng khoán là thị trường của niềm tin, nhưng, những gì diễn ra trên thị trường chứng khoán Việt Nam những năm qua đã cho nhà đầu tư thấy niềm tin cũng thật mong manh. Khi nhiều bất cập, thiếu công bằng, không minh bạch thông tin cũng như nhiều tiêu cực đã liên tiếp xảy ra trên thị trường mà thiếu đi sự quản lý và dự báo của các cơ quan quản lý, không đưa ra được những quyết định kịp thời nhằm hướng thị trường vận động theo đúng quỹ đạo.

Nếu cơ quan quản lý triển khai nghiệp vụ cho vay ký quỹ (margin) sớm hơn, và có các biện pháp để kiểm soát và định hướng cho việc phát triển nghiệp vụ này thì chắc chắn hiện nay sẽ không có nhiều vấn đề tiêu cực tồn tại. Nếu cơ quan quản lý mạnh tay hơn với các công ty chứng khoán mất thanh khoản thì có lẽ không có nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và cho nhiều công ty chứng khoán khác. “Nếu” thì nhiều lắm, khi mà chúng ta đã bỏ qua mất nhiều cơ hội dự báo, định hướng và kiểm soát thị trường khi mà nó chưa sinh ra những tồn tại và tiêu cực.

Đề án tái cấu trúc các công ty chứng khoán của cơ quan quản lý có khắc phục được triệt để các tồn tại này hay không, hiện tại không ai có thể trả lời chính xác được câu hỏi này.

Còn đối với nhà đầu tư, mong muốn lớn nhất vẫn là việc được tiếp cận các nguồn thông tin chính xác và minh bạch, các nghiệp vụ và các sản phẩm cho thị trường được triển khai một cách đồng bộ, đảm bảo sự công bằng. Trước mắt thì việc triển khai rút ngắn thời gian thanh toán thành T+2 có thể xem là yêu cầu chính đáng của nhà đầu tư, khi mà cơ quan quản lý cũng đã đề cập nhiều lần về thời điểm triển khai. Việc trì hoãn triển khai rút ngắn thời gian thanh toán thành T+2 cũng làm cho nhà đầu tư mất dần niềm tin vào cơ quan quản lý. Việc triển khai nó, mặc dù có thể bị trì hoãn vì lý do kỹ thuật, tuy nhiên nếu chúng ta thực sự muốn triển khai thì không có lý do gì mà chúng ta không thể làm được.

Việc tái cấu trúc các công ty chứng khoán không thể chỉ thực hiên bằng phương pháp cơ học, dựa vào các con số và đốt cháy giai đoạn, hơn ai hết các cơ quan quản lý biết được sức khỏe những người con của mình sinh ra, để từ đó đưa ra các phác đồ điều trị thích hợp cho từng đối tượng. Không nên bắt tất cả các con của mình đều phải uống một liều thuốc như nhau, đều phải thực hiện một phác đồ điều trị như nhau, tất yếu sẽ dẫn những hậu quả không mong đợi. 

Theo Đoàn Ngọc Hoàn

VnEconomy


 

Tin mới cập nhật