Ngày đăng :
22/12/2011 - 10:41 AM
Các cơ quan quản lý TTCK Việt Nam, cũng như các CTCK trong nước sẽ làm gì khi thời điểm TTCK Việt Nam hoàn toàn hội nhập WTO đang đến gần?
Về mặt logic, không thể áp đặt các tình huống ở những TTCK đi trước vào TTCK Việt Nam. Nhưng ở một chừng mực nào đó, kinh nghiệm tại một số quốc gia lân cận đi trước vẫn mang ý nghĩa tham khảo, học hỏi nhất định.
Rào cản kỹ thuật: Mục tiêu nào?
Trong email gửi từ Singapore trả lời ĐTCK, ông Tan Pei San, Giám đốc điều hành phụ trách các hoạt động quốc tế của Tập đoàn Kim Eng cho biết, Sở GDCK Singapore (SGX) hiện có 97 đơn vị môi giới được cung cấp dịch vụ chứng khoán, trong đó chỉ có 28 công ty là thành viên của SGX.
Từ ngày 1/1/1995, Singapore là thành viên WTO, nhưng ngay từ năm 1987, các tổ chức tài chính nước ngoài đã được phép mua tới 49% cổ phần các hãng môi giới (tương đương CTCK ở Việt Nam).
Sau khi Singapore vào WTO, cùng với việc mở cửa thị trường, số lượng hãng cung cấp dịch vụ chứng khoán và áp lực cạnh tranh theo đó cũng tăng lên, nhiều hãng môi giới tại Singapore đã có sự hợp nhất.
Chẳng hạn, năm 2001, Kim Eng Securities và Ong Asia Limited hợp nhất thành Kim Eng Securities ngày nay, còn UOB KayHian hiện nay là sự hợp nhất của 8 hãng khác nhau. Sau 11 năm Singapore vào WTO, tới tận tháng 9/2006, CTCK 100% vốn nước ngoài đầu tiên tại quốc gia này - AmFraser Securities mới được thành lập.
Ông Lê Minh Tâm, Tổng giám đốc Kim Eng Việt Nam (KEVS) nhận xét, dù đã là quốc gia phát triển, nhưng khi vào WTO, Chính phủ Singapore vẫn tận dụng các rào cản kỹ thuật như một đòn bẩy hướng tới mục tiêu tăng cường sức mạnh thị trường tài chính nội địa.
Cụ thể, với các quốc gia mới hội nhập WTO, hai rào cản được sử dụng phổ biến là hạn chế các hoạt động nghiệp vụ và hạn chế quyền sở hữu các tổ chức tài chính trong nước của nhà đầu tư nước ngoài.
Chính phủ Singapore đã lựa chọn biện pháp thứ nhất: giai đoạn đầu khi hoạt động tại Singapore, các tổ chức tài chính nước ngoài bị đặt ra khá nhiều điều kiện khắt khe về yêu cầu nghiệp vụ hoạt động.
Theo ông Tâm, chính quy định này đã khiến nhiều tổ chức tài chính quốc tế bắt buộc phải chuyển giao không chỉ vốn mà cả công nghệ, kinh nghiệm quản lý, khiến thị trường tài chính Singapore tự hấp thụ, lớn mạnh, trở thành trong các thị trường thứ cấp quan trọng nhất tại Đông Nam Á.
Hiện nay, "topten" các CTCK lớn nhất Singapore đan xen một nửa là các công ty nội địa, nửa còn lại có yếu tố sở hữu nước ngoài.
Chìa khóa: tái cấu trúc
Một điều không may mắn khi TTCK Việt Nam mở cửa hội nhập hoàn toàn thì tình hình kinh tế vĩ mô trong nước lẫn thế giới vẫn trong trạng thái bất ổn. Bối cảnh này khá giống với Hàn Quốc khi nước này vào WTO năm 1995 và chịu ngay cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.
Trao đổi với ĐTCK, ông Oh Kyung Hee, Tổng giám đốc CTCK KIS Việt Nam nói rằng, trước thời điểm hội nhập, TTCK Hàn Quốc cũng có quy định về giới hạn sở hữu cho NĐT nước ngoài như khối ngân hàng giới hạn ở mức 11%, CTCK 49%.
Sau khi Hàn Quốc vào WTO một năm, các giới hạn này vẫn được duy trì. Chỉ khi nhà đầu tư ngoại ồ ạt rút vốn trong cuộc khủng hoảng tài chính, Chính phủ Hàn Quốc mới nâng giới hạn tỷ lệ sở hữu ở một số ngành nghề không cần điều kiện (trong đó có chứng khoán) lên mức tối đa 100% để thu hút lại dòng vốn ngoại.
Tổng giám đốc người Hàn Quốc của KIS cho biết, trong thời gian khủng hoảng, Chính phủ Hàn Quốc trực tiếp đứng ra tạo hành lang pháp lý cho các CTCK lớn hợp nhất tự nguyện, các CTCK yếu phải chấp nhận đào thải. Hiện nay, Top 5 trong 40 CTCK tại Hàn Quốc đều là các CTCK bản địa.
Ở thời điểm hội nhập, nếu nền kinh tế và TTCK Singapore cùng với Hàn Quốc có một khoảng cách quá lớn so với Việt Nam thì Malaysia ở một vị thế gần hơn.
Bà Josephine Yei, Tổng giám đốc người Malaysia của CTCK SaigonBank Berjaya- (SBBS) cho ĐTCK biết, quốc gia Đông Nam Á này vào WTO năm 1995 và theo các cam kết thì có 10 năm để tiến tới hội nhập hoàn toàn.
Tuy nhiên, tới năm 2005, thấy TTCK bản địa vẫn chưa thể cạnh tranh ngang ngửa với đối thủ bên ngoài, Chính phủ Malaysia vận dụng các điều kiện "mềm" khi đàm phán vào WTO để chủ động lùi thời hạn mở cửa hoàn toàn thêm 2 năm.
Trong thời gian này, các CTCK yếu phải tự sáp nhập hoặc chấp nhận đào thải, các CTCK trung bình phải tự tái cấu trúc. Khi mở cửa hoàn toàn, Chính phủ Malaysia cũng giới hạn CTCK nước ngoài tối đa dừng lại ở con số 10. Kết quả là hiện nay, TTCK Malaysia có 30/37 CTCK đang hoạt động là các CTCK bản địa.
Chứng kiến sự hội nhập của kinh tế Trung Quốc vào WTO cách đây 10 năm, TS. Alan Phan, Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa đang hoạt động tại Hồng Kông và Thượng Hải, nhận xét, trở ngại lớn nhất đối với các tổ chức tài chính đi tìm cơ hội ở các vùng đất mới là các rào cản về môi trường kinh doanh và tập quán suy nghĩ riêng của NĐT nội địa.
Tuy nhiên theo kinh nghiệm của Viasa, khác biệt này chỉ duy trì 2 - 3 năm đầu tiên, sau đó khoảng cách được san bằng qua chính sách sử dụng nhân sự người địa phương của các tổ chức ngoại.
TS Alan Phan nhận định, các CTCK Việt Nam vẫn có thời gian vài năm để duy trì và phát huy lợi thế trước khi "vũ khí" này bị vô hiệu hóa.
Theo Giang Thanh
ĐTCK
|
Ngày đăng :
21/12/2011 - 10:42 AM
Việc không tách tài khoản tổng khiến CTCK có thể "mượn" tiền NĐT để gửi ngân hàng hoặc "tài trợ" cho mục đích tự doanh của mình.
Hàng loạt công ty chứng khoán mất thanh khoán, không có tiền trả cho nhà đầu tư khiến cho mọi người mới giật mình với các chiêu móc tài khoản, tùy tiện trong quản lý tiền nhà đầu tư của công ty chứng khoán.
Trong khi đó, quy định về tách bạch tài khoản thì không được thực thi.
Trước tình hình các CTCK SME, TAS, DDS mất thanh khoản không có tiền để chi trả cho NĐT rút tiền và nhiều CTCK đang gặp khó khăn về nguồn vốn thì vấn đề tách bạch tài khoản (TK) tiền của NĐT một lần nữa lại nóng lên. CTCK đã làm gì với tiền của NĐT? Cần phải có các chính sách gì để giải quyết được tình trạng này và lấy lại lòng tin cho các NĐT?.
Biến tướng do thiếu quản lý
Theo quy định tại điều 32 Quyết định số 27/2007/QĐ-BTC ngày 24/04/2007 về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của CTCK thì "CTCK phải quản lý tiền gửi giao dịch chứng khoán của khách hàng tách biệt khỏi chính tiền của CTCK".
Việc quy định với nội dung nêu trên vô hình chung được hiểu chung chung là CTCK muốn triển khai thế nào cũng được và dẫn đến hệ quả là tại nhiều CTCK khác nhau, các hình thức biến tướng khác nhau trong việc thực hiện "tách biệt" tiền của NĐT.
Cho đến thời điểm hiện tại sau hơn 4 năm ban hành quy định, có rất ít CTCK thực hiện việc "tách biệt" theo đúng nghĩa (TK tiền của NĐT mở tại Ngân hàng dịch vụ thanh toán). Hiện tại, mới chỉ có không đến 10 CTCK thực hiện kết nối với một ngân hàng làm dịch vụ thanh toán và mở TK tiền tách biệt cho NĐT tại ngân hàng.
Tại sao sau khoảng thời gian dài hơn 4 năm như vậy mà CTCK không triển khai thực hiện được quy định về tách biệt TK tiền của NĐT? Có khó khăn gì quá lớn tạo ra sự cản trở thực hiện quy định này trên thực tế? Để giải đáp các câu hỏi này, chúng ta cùng xem xét việc triển khai dưới góc độ kỹ thuật, lợi ích của CTCK trong việc tách bạch và tính khả thi của quy định:
Thứ nhất: Dưới góc độ kỹ thuật kết nối với ngân hàng thương mại (NHTM). Đúng là tại thời điểm ra đời quy định này năm 2007 thì hệ thống NHTM của Việt Nam còn đang trong quá trình mới triển khai hệ thống công nghệ core mới, các công nghệ kết nối và thanh toán đều bị thay đổi và gặp nhiều trục trặc.
Để kết nối, NHTM yêu cầu CTCK phải bỏ thêm chi phí mua thêm phần mềm kết nối (đóng vai trò là cổng giao tiếp) với phần mềm của NHTM. Vì về nguyên tắc, phần mềm của CTCK không được "chọc" vào hệ thống phần mềm của NHTM và ngược lại.
Do đó, cần phải có một phần mềm trung gian để "vớt" dữ liệu về giao dịch (tiền đặt lệnh) từ phía CTCK để "chuyển" về NHTM thực hiện phong tỏa tiền, sau khi khớp lệnh, thực hiện tự động trích tiền chuyển về CTCK, nếu không khớp, hết phiên giao dịch sẽ "nhả" tiền lại cho TK của NĐT.
Thứ hai: Về lợi ích của CTCK trong việc tách bạch. Tại thời điểm quy định trên ra đời, TTCK đang ở thời kỳ thịnh vượng (đạt đỉnh 1159 điểm tại ngày 05/3/2007) và liên tiếp tạo 2 đỉnh phụ tiếp theo 1085 điểm ngày 21/3 và 1104 điểm ngày 10/10. Trong thời kỳ này, số dư tiền hàng ngày của CTCK lên đến hàng trăm tỷ đồng và đối với CTCK lớn là hàng ngàn tỷ đồng.
Đây là số tiền rất lớn đối với CTCK. Do vậy, các CTCK chỉ thực hiện việc tách tiền của NĐT với tiền của CTCK dưới hình thức TK tổng. Cho đến hiện tại, theo Phó CT UBCKNN Nguyễn Đoan Hùng thì có CTCK có tới gần 40 TK tổng.
Về đặt thù hoạt động kinh doanh của CTCK, chúng ta xem xét hệ thống TK thanh toán tiền của CTCK bao gồm 2 loại TK: TK tiền của chính CTCK dùng để phục vụ các hoạt động của công ty như thanh toán thu chi tiền liên quan tới chi phí, tiền phục vụ tự doanh, thu về các khoản doanh thu. TK tiền của NĐT (vẫn đứng tên CTCK) dùng để thanh toán thu chi các hoạt động luân chuyển tiền của NĐT.
Với việc cả 2 loại TK này đều đứng tên chủ TK là chính CTCK và NHTM chỉ là đơn vị thực dịch vụ thanh toán thì việc sử dụng tiền thu chi ở TK nào là quyền của CTCK. Mà đồng tiền thì đâu có đánh dấu tiền nào là tiền của nhà đầu tư và tiền nào là của CTCK. Mọi việc làm xiếc bắt đầu từ đây.
Nguồn lợi CTCK hưởng, rủi ro dành cho NĐT
Với nguồn tiền lớn đến đến hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn tỷ như trên, nguồn lợi của CTCK là gì? Bình thường, với việc để số dư tiền của NĐT trên TK thì sẽ được NHTM trả lãi tiền gửi không kỳ hạn là 2,4%/năm thanh toán hàng tháng cho NĐT. Các CTCK chỉ cần lách đi theo một trong những phương thức sau thì lợi ích là rất lớn:
Đầu tư tiền gửi có kỳ hạn: Đây là phương thức hưởng chênh lệch đạo đức nhất. Chỉ cần CTCK chuyển qua phương thức gửi tiền theo tuần với lãi suất trước đây từ 8-9%/năm. Với số tiền dư thường xuyên là 100 tỷ đồng thì hàng năm CTCK cũng đã thu lợi từ chênh lệch này từ (trừ đi 2,4%/năm phải trả cho NĐT) từ 5,6-6,6 tỷ đồng. Số tiền dư của NĐT càng lớn thì khoản lợi nhuận từ hoạt động chênh lệch kỳ hạn này cũng sẽ tăng lên cùng cấp số.
Mượn tiền của NĐT để cho NĐT khác vay: Bình thường, khi cho vay, CTCK phải có tiền của chính mình và thực hiện chuyển tiền vào TK của NĐT để hợp tác kinh doanh. Nhưng với tốc độ tăng giá của TTCK và nhu cầu vốn của NĐT ngày càng cao vào thời điểm này thì với nguồn vốn kinh doanh hai ba trăm tỷ đồng (thậm chí lên đến 1000 tỷ đồng) của CTCK là không đủ đáp ứng vốn cho NĐT vay. CTCK chỉ cần làm một thao tác là khéo léo sử dụng tiền của NĐT này cho NĐT khác vay (khéo léo là vì phải tính toán giải pháp khi NĐT có tiền cần rút tiền ra).
Với việc thu xếp được giải pháp này, CTCK không cần phải đi vay NHTM với mức lãi suất cao và điều kiện cũng không dễ dàng gì để cho vay lại. Nếu CTCK chỉ cần sử dụng được bình quân 100 tỷ đồng nguồn vốn từ tiền của NĐT rảnh rỗi với mức lãi suất 2,4%/năm cho vay lại với mức lãi suất 14-15%/năm thì có thể dễ dàng cho ra lợi nhuận từ hoạt động này từ 11,6-12,6 tỷ đồng. Nguồn lợi này là quá lớn. Nếu số tiền có thể sử dụng được của NĐT là ba, bốn trăm tỷ thì hiệu quả thu về của CTCK là bao nhiêu?
Tài trợ chớp nhoáng cho hoạt động tự doanh: Có ai cấm đồng tiền nhảy từ TK tổng của NĐT qua tài trợ cho hoạt động tự doanh của CTCK? CTCK chỉ cần thực hiện một tác nghiệp đơn giản viết ủy nhiệm chi (UNC) chuyển tiền từ TK tổng của NĐT qua thẳng TK thanh toán bù trừ tự doanh của CTCK tại ngân hàng chỉ định thanh toán.
Với hàng loạt "đội lái" mà CTCK hỗ trợ (trực tiếp hoặc gián tiếp) thì việc tham gia "cùng lái" vài ba mã chứng khoán cũng là điều khó cưỡng lại. Chỉ cần số tiền "mượn được" từ TK tổng của NĐT 50 tỷ thôi, và trong vòng T+4 tham gia "cùng lái" là CTCK cũng kiếm được 10-15% lợi nhuận. Mức sinh lời như vậy thì quả là quá hấp dẫn.
Các CTCK đều sử dụng một trong các phương thức sử dụng tiền trên TK tổng của NĐT như đã nêu trên, khác nhau là ở mức độ chiếm dụng (từ a đến c) hay quy mô chiếm dụng (ít hay nhiều). Ít thì vài chục tỷ, nếu nhiều lên đến hàng trăm và thậm chí cả ngàn tỷ.
Do vậy, khi TTCK suy giảm như thời điểm hiện tại, các CTCK gánh đòn về hệ quả từ nặng đến nhẹ như: Lỗ nặng vào vốn của CTCK (do chiếm dụng tiền tham gia tự doanh), không thanh toán được tiền cho NĐT ngày T+3 sau ngày bán chứng khoán hoặc nhẹ nhất là không còn số dư tiền để phục vụ cho hoạt động.
Thứ ba: Tính khả thi của các quy định của cơ quan quản lý. Qua hai vấn đề về kỹ thuật cũng như lợi ích của CTCK khi không tách bạch TK tổng, chúng ta có thể thấy vấn đề cùng song song tồn tại thời gian 4 năm qua là cơ quan quản lý nhà nước (cụ thể là UBCKNN) cũng chưa quyết liệt trong việc yêu cầu tuân thủ. Có thể lý do thứ nhất về khó khăn kỹ thuật chỉ là cái cớ để không thực hiện, còn nguồn cơn của nó phải nói là lợi ích từ vấn đề thứ 2.
Hiện nay, TTCK không còn nóng như những năm trước đây. UBCKNN cũng đang thực hiện đề án tái cơ cấu lại các CTCK. Có thể thấy đây cũng là vấn đề cần xử lý để các CTCK trở về hoạt động đúng chức năng của mình và không tạo ra sự lạm dụng cũng như củng cố niềm tin cho các NĐT trên TTCK VN.
Theo Trần Việt
VEF
|
Ngày đăng :
21/12/2011 - 10:39 AM
Theo Báo cáo "Các chỉ tiêu giám sát tài chính", công tác giám sát của UBCK chủ yếu dựa trên báo cáo của các Sở GDCK, chứ không có sự hỗ trợ của hệ thống công nghệ thông tin giám sát tự động.
Báo cáo "Các chỉ tiêu giám sát tài chính" là kết quả nghiên cứu của Dự án hỗ trợ nâng cao năng lực tham mưu, thẩm tra và giám sát chính sách kinh tế vĩ mô, do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì, vừa công bố đã đưa ra đánh giá, công tác giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) chủ yếu dựa trên báo cáo của các Sở GDCK, chứ không có sự hỗ trợ của hệ thống công nghệ thông tin giám sát tự động.
Điều này dẫn đến việc UBCK mới chỉ phát hiện được những vi phạm đơn giản, dễ thấy như vi phạm về CBTT, quy chế giao dịch, mà chưa phát hiện có hiệu quả và kịp thời những vi phạm tinh vi như giao dịch nội gián, thao túng giá…
Để khắc những hạn chế trên, ngoài tăng cường năng lực giám sát cho UBCK, Báo cáo khuyến nghị nên trao thêm quyền cho Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia theo hướng, chủ động tiến hành nhiều biện pháp giám sát từ xa và tại chỗ, đồng thời, xử lý vi phạm trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Quốc hội Nguyễn Văn Phúc, các đề xuất trên sẽ được tập hợp gửi tới cơ quan hoạch định chính sách và các đại biểu Quốc hội, nhằm nâng cao năng lực thẩm tra và giám sát chính sách kinh tế vĩ mô.
Theo H. Hòe
ĐTCK
|
Ngày đăng :
20/12/2011 - 11:00 AM
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường, UBCK. Ông Sơn cũng cho biết, không thật cần thiết cho hợp nhất các CTCK vì nó không đem lại các giá trị công hưởng.
Trong năm tới, trọng tâm của chính sách quản lý là tái cấu trúc TTCK, gồm 4 vấn đề chính là tái cấu trúc lại CTCK; cấu trúc mô hình thị trường; nâng cao chuẩn niêm yết và phân cấp lại thị trường, tái cấu trúc cơ sở cộng đồng đầu tư.
Tái cấu trúc CTCK là việc phải làm, nhưng làm như thế nào để không gây hệ lụy cho NĐT thì phải tính toán. CTCK sẽ được sàng lọc dựa trên chỉ tiêu an toàn tài chính, chia thành nhóm bình thường, nhóm trong diện kiểm soát và nhóm kiểm soát đặc biệt.
Ngày 1/4/2012, UBCK sẽ phân định CTCK thuộc nhóm nào. Dự kiến, sẽ có 20 CTCK có vấn đề, cần cơ cấu lại hoặc rút bớt hoạt động môi giới, cũng có thể để CTCK tự nguyện ngưng nghiệp vụ này. Thực tế, hiện có nhiều CTCK muốn chuyển thành công ty quản lý quỹ, công ty đầu tư tài chính…
Việc hợp nhất CTCK cũng đã được tính đến nhưng không như hợp nhất ngân hàng, hợp nhất CTCK không đem lại các giá trị cộng hưởng, nên không thật cần thiết áp dụng.
Liên quan đến hoạt động tái cấu trúc mô hình quản lý, có 4 mô hình mà chúng ta có thể tham khảo: tổ chức độc lập nhưng có đan xen giữa các sở như Mỹ đang làm, các sở độc lập hoàn toàn như Trung Quốc, hợp nhất các sở như Hàn Quốc hay tồn tại cạnh tranh như ở Nga…
Việc đi theo mô hình nào thì vẫn cần nghiên cứu thêm, nhưng có thể sẽ có một sở giao dịch thống nhất, sàn TP. HCM giao dịch cổ phiếu, sàn Hà Nội giao dịch trái phiếu và sản phẩm phái sinh. Nhưng ít nhất phải cần thời gian khoảng 2 năm để triển khai mô hình này, vì 2 sở vẫn đang tổ chức vận hành thị trường khá tốt và cần đầu tư thêm công nghệ, phát triển thị trường phái sinh.
Có thể trong tuần này, Bộ Tài chính sẽ ký quyết định liên quan đến việc lập quỹ mở. Những hình thức quỹ mới như quỹ ETF, quỹ hưu trí… sẽ xuất hiện trong tương lai gần. Tóm lại, UBCK sẽ sớm hoàn thiện khung pháp lý, tạo thuận lợi cho dòng vốn vào TTCK.
Tới đây, cũng sẽ có những quy định mới chặt chẽ hơn trong việc thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin của cổ đông nội bộ và cổ đông lớn. Các đối tượng này không thể vừa bán vừa mua cổ phiếu của DN trong một lần đăng ký, công bố mua mà không mua hoặc ngược lại; DN muốn hủy niêm yết cũng sẽ phải có sự đồng thuận của cả cổ đông nhỏ. Việc triển khai T + 2 có thể được áp dụng vào nửa cuối năm 2012. Trong vấn đề cơ cấu lại hàng hóa trên sàn, chắc chắn cơ quan quản lý sẽ nâng chuẩn niêm yết cổ phiếu.
Theo Nguyễn Sơn
ĐTCK
|
Ngày đăng :
20/12/2011 - 10:15 AM
Số lượng nhà đầu tư tham gia đấu giá tính đến chiều qua khoảng 15.000.
Theo tin từ Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam - BIDV, đến cuối ngày 19/12, tổng khối lượng cổ phần đăng ký và đặt cọc đấu giá cổ phiếu BIDV trong đợt phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) đã cao hơn khối lượng cổ phần chào bán, với khoảng 15.000 nhà đầu tư tham gia.
Trong đợt IPO này, BIDV tiến hành đấu giá 3% vốn điều lệ, tương ứng với 84,7 triệu cổ phần với giá khởi điểm là 18.500 đồng/cổ phần. Có tất cả 12 công ty chứng khoán làm đại lý trong đợt đấu giá này.
Tính đến ngày 16/12/2011, tại đại lý đấu giá là CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BSC, đã có 11.238 nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá cổ phần BIDV, với tổng khối lượng đăng ký là 70,859 triệu cổ phần, bằng 83,6% số lượng đưa ra đấu giá.
Ngày 21/12 sẽ là ngày cuối cùng đăng ký chào bán, ngày 26/12 là ngày bỏ phiếu đấu giá cổ phần. Ngày 28/12 là ngày chính thức tổ chức đấu giá cổ phần lần đầu của BIDV tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Trước BIDV, hai ngân hàng quốc doanh là ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng đã tiến hành IPO với lượng đăng ký không vượt nhiều so với lượng chào bán và số lượng nhà đầu tư đăng ký đều dưới 13.000.
Theo DVT/BIDV
|