Khối lượng cổ phần đăng ký đấu giá BIDV đã vượt khối lượng chào bán

Ngày đăng : 20/12/2011 - 10:15 AM

Số lượng nhà đầu tư tham gia đấu giá tính đến chiều qua khoảng 15.000.

 

 

 

Theo tin từ Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam - BIDV, đến cuối ngày 19/12, tổng khối lượng cổ phần đăng ký và đặt cọc đấu giá cổ phiếu BIDV trong đợt phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) đã cao hơn khối lượng cổ phần chào bán, với khoảng 15.000 nhà đầu tư tham gia.

Trong đợt IPO này, BIDV tiến hành đấu giá 3% vốn điều lệ, tương ứng với 84,7 triệu cổ phần với giá khởi điểm là 18.500 đồng/cổ phần. Có tất cả 12 công ty chứng khoán làm đại lý trong đợt đấu giá này.

Tính đến ngày 16/12/2011, tại đại lý đấu giá là CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BSC, đã có 11.238 nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá cổ phần BIDV, với tổng khối lượng đăng ký là 70,859 triệu cổ phần, bằng 83,6% số lượng đưa ra đấu giá.

Ngày 21/12 sẽ là ngày cuối cùng đăng ký chào bán, ngày  26/12 là ngày bỏ phiếu đấu giá cổ phần. Ngày 28/12 là ngày chính thức tổ chức đấu giá cổ phần lần đầu của BIDV tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Trước BIDV, hai ngân hàng quốc doanh là ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng đã tiến hành IPO với lượng đăng ký không vượt nhiều so với lượng chào bán và số lượng nhà đầu tư đăng ký đều dưới 13.000.

 

Theo DVT/BIDV


 

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Ông Quách Mạnh Hào: “Nhà đầu tư đang đợi”

Ngày đăng : 20/12/2011 - 10:13 AM

Giá cổ phiếu hiện đang ở mức rất rẻ, nhưng dòng tiền vẫn không đổ vào vì NĐT còn đang đợi một cú hích từ chính sách vĩ mô.

 

 

 

Sang năm 2012, diễn biến TTCK sẽ ra sao là câu hỏi rất khó trả lời vào thời điểm này. Hiện nay, dòng tiền từ bên ngoài vào TTCK đang rất dè dặt. Diễn biến này đã và sẽ còn tác động tiêu cực đến tâm lý NĐT.

Trong khi đó, xét điều kiện kinh tế, cả 2 chỉ số quan trọng là bán lẻ hàng hóa và sản xuất công nghiệp đều nằm ở mức thấp nhất kể từ năm 2009. Điều này cho thấy, tình trạng đình đốn sản xuất tương tự năm 2009 đã xuất hiện. Nhưng trong khi năm 2009, Việt Nam có gói kích cầu hỗ trợ thì hiện nay không có gói hỗ trợ nào.

Thực tế, nếu bỏ ra 5 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thì chỉ số Index hiện đã thấp hơn mức thấp nhất của năm 2009. Phân tích sâu hơn, sàn Hà Nội còn có tốc độ giảm nhanh và dữ dội hơn năm 2009. Nghĩa là giá cổ phiếu đang rất rẻ. Nhưng tại sao tiền chưa đổ vào? Chỉ có thể lý giải NĐT còn đợi. Họ đợi một cú hích từ nền tảng cơ bản, từ chính sách vĩ mô. Trong đó, câu chuyện lãi suất là đáng quan tâm nhất.

Liệu lãi suất có thể hạ về mức chấp nhận được sau 6 tháng nữa? Câu trả lời còn tùy nhiều yếu tố nhưng dựa theo tính chu kỳ, NĐT có thể hy vọng lãi suất sẽ giảm khi mức lạm phát dự kiến về mức 12 - 13%/năm vào tháng 6/2012.

 

Theo TS Quách Mạnh Hào
ĐTCK

 


Chứng khoán: Một năm thất bại toàn diện

Ngày đăng : 20/12/2011 - 10:05 AM

TTCK đã trải qua một năm thất bại toàn diện. Có quá nhiều câu hỏi "vì sao" đối với UB CKNN - những câu hỏi mà cho đến lúc này đã trở nên quá muộn, nhưng xét theo kỳ vọng "phát triển bền vững" thì muộn vẫn còn hơn là không hỏi gì hết.

 

 

 

Năm của "phân hóa giàu nghèo"

Nếu chỉ liệt kê theo từng sự việc đơn lẻ, sẽ khó có thể thấy khung cảnh toàn diện mà thị trường chứng khoán (TTCK), một cách vô tình hoặc hữu ý, đã vừa đóng vai trò chủ thể nhưng cũng lại là nạn nhân trong năm 2011.

Nhưng cũng như lịch sử của những năm trước, vào cuối năm nay, khi hệ thống lại những sự kiện nổi bật xảy ra trên TTCK, nhà đầu tư mới chợt nhận ra một tình cảnh vô lý đến mức khó tả dường như đã được áp đặt vào thị trường này, không khác gì số mệnh đen bạc của nó.

Một năm thất bại toàn diện của thị trường!

Nhưng hình ảnh thất bại xét ra còn đậm đà hơn nhiều nếu so với năm 2010. Vào tháng 12/2009, chỉ số HNX còn giữ được ở vùng điểm 180. Một năm sau đó, vùng điểm này bị "đá" xuống còn 120 điểm.

Đến tháng 12 năm 2011, HNX không chỉ đã rơi thẳng dưới mốc 100 điểm mà thực tế chỉ còn đúng 50% giá trị của một năm trước đó.

Nhưng tại sao cứ phải lấy HNX như một thước đo căn bản cho thị trường, trong khi đúng ra phải nhìn vào chỉ số VNI - vốn được xem là "con ruột" trong cách tính toán và đương nhiên trong hệ thống báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN)?

Quả là VNI đã được tạo dựng như thể "khói sương mờ ảo" - một phong cách của hội họa thời kỳ Ấn tượng vào đầu thế kỷ XX.

Cứ nhìn vào chỉ số này từ cuối năm 2009 đến nay thì những nhà đầu tư nghiệp dư trong nước, và đặc biệt là những người nước ngoài đầu tư vào TTCK Việt Nam nhưng chưa một lần đặt chân đến đất nước này, đã không có gì phải thắc mắc khi VNI chỉ giảm có 33% - một tỷ lệ suy vong khá khiêm tốn, tương đương với chỉ số Hang Seng của Hồng Kông và thậm chí còn khả quan hơn cả Shanghai Composite của TTCK Thượng Hải.

Song "khói sương mờ ảo" lại chính là tấm màn phân hóa triệt để giữa hai chỉ số chứng khoán ở Việt Nam. Trong hai năm qua, trong khi VNI chỉ mất có 1/3 giá trị điểm thì HNX đã kịp mất đến 2/3. Đó là sự khác biệt rất cơ bản mà bất cứ một nhà đầu tư còn trăn trở nào, chỉ cần nhìn lướt qua chiều dài suy vong của sóng giảm, sẽ nhận ra không chút khó khăn.

Không chỉ là đà suy giảm không ngừng nghỉ, mà tình cảnh "phân hóa giàu nghèo" giữa hai chỉ số chứng khoán mới là điểm ấn tượng nhất trong năm 2011.

Nguồn cơn xác thực của người giàu và kẻ nghèo như thế đã khởi phát từ chuyện một người "được" làm giá, còn kẻ khác lại không được hưởng cái diễm phúc ấy. "Xanh vỏ đỏ lòng" đã trở thành cụm từ dân gian chứng khoán rất tiêu biểu từ cuối năm 2010 đến nay.

Chính xác là từ tháng 8/2010, một bàn tay vô hình nào đó đã biến thị trường thành một thứ sân khấu bi - hài kịch. Tính hài kịch đã được các diễn viên chính có tên BVH, MSN, VIC cùng một vài kép hài phụ thể hiện.

Hài kịch lại sinh ra bi kịch. Trong khi những diễn viên thượng thặng trên vẫn tha hồ diễn "cương" thì nhân vật chính của sân khấu - HNX - lại chìm sâu vào bể than khóc, hệt như trong một vở cải lương sầu muộn. Cách ví von "đứa con rơi" đầy cay đắng cũng ra đời từ đó.

Ngã rẽ của "đôi tình nhân" cũng bắt đầu. Họ chia ly nhau, ai đi đường người nấy. Các quỹ đầu tư và những người ăn theo phương thức đầu tư chỉ số vẫn không thua thiệt, còn tất cả những gì không thuộc về phương thức này đã đương nhiên phải chịu số phận hẩm hiu.

Căn bệnh "ba không"

Nhưng số phận của thị trường là do ai tạo ra? Chính nhà đầu tư? Hay do các công ty chứng khoán?

Còn những người có trách nhiệm liên đới thì sao?

Một số bài viết tổng kết về TTCK năm 2011đã mô tả đầy đủ về tình trạng tâm lý bất ổn, thói quen bất nhất của một số nhà đầu tư, cũng như cái chân đứng hoàn toàn thiếu chắc chắn của khối công ty chứng khoán mà đã dễ làm cho nó sụp đổ. Nhưng câu chuyện VNI bị "làm xiếc" quá ư lộ liễu trong cả năm trời qua thì không thể chỉ có nhà đầu tư, công ty chứng khoán và trời đất biết.

Mà những người có trách nhiệm trong UBCKNN đã không thể không nghe thấy và nhìn thấy.

Vì nếu không biết về một sự thật mà tuyệt đại đa số nhà đầu tư nhỏ lẻ đều đã trở thành nạn nhân của nó, thì làm sao những người lãnh đạo của UBCKNN còn đủ năng lực để điều hành một TTCK có vai trò quá quan yếu về "huy động vốn" và "dẫn vốn" trong nền tài chính quốc gia?

Có vẻ như cách nhìn về mối liên quan giữa hiện tượng "xanh vỏ đỏ lòng" với UBCKNN đã chưa được báo giới mô tả một cách sâu sắc hơn, tương xứng hơn với thực tế vốn dĩ của nó.

Có vẻ như phần tường thuật các sự kiện trên TTCK năm nay vẫn tuân theo hình thức "báo cáo tổng kết".

Nhưng ai cũng hiểu là báo cáo tổng kết từ lâu nay đã mang trên mình nó căn bệnh giáo điều hơn là một cái gì đó thực chất.

Cứ sáu tháng và một năm, báo cáo tổng kết lại được trình lên Bộ Tài chính và Chính phủ, mô tả một cách tươi sáng những phần việc mà theo báo cáo này là đã làm được, để cuối cùng tóm gọn là "TTCK tuy gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn giữ được sự ổn định", đồng thời không quên phác ra tương lai đầy hứa hẹn về "TTCK còn nhiều cơ hội phát triển bền vững".

Dường như "T+2", cơ chế mà các nhà đầu tư mong ngóng, đã được báo chí khoét quá sâu khi cho đến giờ, nhưng bất chấp nhiều lần "delay", thị trường vẫn chưa hề nhìn thấy mặt mũi của nó.

Và dường như đó cũng là khiếm khuyết chính của UBCKNN - một sự chậm trễ thiên về nguyên do quan liêu. Khiếm khuyết này xem ra cũng là chuyện khá bình thường, lồng trong bối cảnh mà sự im lặng tuyệt đối của UBCKNN trước tình cảnh thảm thương của TTCK cũng đã trở nên quá đỗi bình thường từ ít nhất một năm rưỡi qua.

Vào tháng 7/2011 - lần sinh nhật thứ 11 của TTCK - khi báo chí bắt buộc phải mô tả về những cái chết theo đúng nghĩa đen từ nạn "thua bạc", dường như căn bệnh "không nghe, không thấy, không biết" của UBCKNN vẫn chưa thuyên giảm chút nào.

Chất vấn!

Nhưng đến quý IV năm nay thì mọi chuyện đã trở nên bùng nổ. "T+2" đã trở thành chuyện quá nhỏ so với quá nhiều hậu quả mang tính tích lũy mà đã đẩy thị trường vào ngõ cụt. Ngày càng nhiều nhà đầu tư phải nhập viện tâm thần.

"Khủng hoảng niềm tin" chỉ là một cụm từ che đậy cho sự khủng hoảng về cơ chế và trên tất cả là khủng hoảng về văn hóa.

Ngõ cụt khủng hoảng ấy cũng khiến nhà đầu tư phải đặt ra những câu hỏi mà trước đây có thể họ chưa từng nghĩ đến:

Vì sao tình trạng "xanh vỏ đỏ lòng" với hình thể bị bóp mép đến cùng cực của chỉ số VNI đã xảy ra hơn một năm qua, đã được một vài tổ chức nghiên cứu mổ xẻ rất kỹ và bị dư luận của tuyệt đại đa số nhà đầu tư lên án, nhưng UBCKNN vẫn không hề đưa ra một giải pháp khắc chế nào, dù chỉ ở mức "cho có"?

Vì sao cho đến gần đây UBCKNN mới có đánh giá về "số lượng công ty chứng khoán là quá nhiều", trong khi chính cơ quan này đã thực hiện cấp phép cho đến 105 công ty như thế từ nhiều năm qua?

Vì sao hậu quả vỡ nợ chứng khoán đã xảy ra thật khủng khiếp nhưng trước đó, UBCKNN đã chưa từng đưa ra ít nhất một lời cảnh báo về hệ lụy này?

Chưa kể đến hậu quả đã, đang và sẽ còn xảy ra trong những động cơ và âm mưu sáp nhập, hay nói trắng ra là thôn tính doanh nghiệp qua sàn - một trong những nguyên nhân chính mà đã khiến nhiều doanh nghiệp không còn cách nào khác là cày cục tự nguyện xin hủy niêm yết.

Và cũng còn không ít câu hỏi "vì sao" khác đối với UBCKNN - những câu hỏi mà cho đến lúc này đã trở nên quá muộn, nhưng xét theo kỳ vọng "phát triển bền vững" thì muộn vẫn còn hơn là không hỏi gì hết.

 


Theo Việt Thắng

 VEF

 


Gót chân Asin của chứng khoán Việt

Ngày đăng : 20/12/2011 - 9:51 AM

Những yếu kém của các CTCK ngày càng lộ ra nhiều hơn. Đây được coi là ‘điểm chết’ của TTCK Việt Nam bởi lòng tin bị xói mòn, không chỉ với NĐT mà còn cả DN niêm yết.

 

Trước đây, khi bán được chứng khoán, các CTCK vẫn thường cho khách hàng ứng và rút trước tiền mặt nhưng vài tuần nay, bộ phận môi giới nhiều CTCK phải trực tiếp duyệt lại từng khoản ứng trước.

Lý do dịch vụ tưởng chừng khá đơn giản và an toàn này bỗng phát sinh rủi ro thất thoát tài sản khi ngày càng nhiều CTCK nhỏ bị nghi ngờ đối diện cận kề nguy cơ mất khả năng thanh toán.

Nếu giao dịch bị hủy, CTCK cho khách hàng ứng trước và rút tiền sẽ chịu thua thiệt đủ đường như trong vụ SME, đã có NĐT  kịp ôm tiền của CTCK ra đi không hẹn ngày trở lại, bỏ mặc chứng khoán bị trả về cho đơn vị cung cấp dịch vụ.

Bức tranh nhỏ

Chưa khi nào khối CTCK lại tự phơi mình ra ánh sáng nhiều vấn đề như năm nay: Đầu năm, Chứng khoán Kim Long ồn ào với dự định chuyển đổi mô hình hoạt động nhưng bất thành. Giữa năm, thị trường chấn động khi lãnh đạo CTCK Hà Thành bỏ trốn để lại khoản tiền thất thoát hàng trăm tỷ đồng.

Gần hết năm, ngoài CTCK SME bị đình chỉ hoạt động thanh toán bù trừ, còn có CTCK Tràng An mất khả năng thanh toán. Giới quan sát lo ngại danh sách báo động đỏ chưa dừng lại ở hai cái tên SME và Tràng An.

Năm 2012 còn chưa tới nhưng viễn cảnh được dự báo không mấy êm ả khi CTCK Đông Dương và CTCK Hà Nội vừa cùng lúc thông báo ngừng nghiệp vụ môi giới. Lo ngại này có lý khi cả năm 2011, đa phần các CTCK phải âm thầm thu hẹp hoạt động. Thông tin thay máu lãnh đạo cao cấp, đóng cửa chi nhánh, sa thải nhân viên... chiếm 2/3 tần suất thông tin công bố.

Điều gì khiến giới chứng khoán nội địa phân hóa, rơi vào trạng thái bị nghi vấn khi một số CTCK nội địa không thể thực hiện được nghiệp vụ tưởng chừng như đơn giản nhất - giữ tiền cho khách hàng để rồi dẫn đến nguy cơ mất khả năng thanh toán? Ông Woo Young Ki, Giám đốc điều hành CTCK Mirea Asset (MAS) cho rằng, một điểm yếu chết người của đa phần CTCK Việt Nam là không có khái niệm quản trị rủi ro.

Theo ông Woo Young Ki, các "ung nhọt" của CTCK nội địa đã được âm thầm tích tụ một thời gian dài trước đây và không hề được nhận diện đúng mức cho đến khi bùng phát. Vấn đề nghiêm trọng này mới chỉ bắt đầu và sẽ kéo sang năm 2012, không thể khắc phục trong ngày một ngày hai.

Ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc CTCK HSC cũng chỉ ra 3 điểm yếu lớn của các đơn vị cung cấp dịch vụ chứng khoán trong nước: "không có nguồn lực tốt cả về tài chính lẫn nhân sự; không coi trọng quản trị DN, đặc biệt là quản trị rủi ro đúng mức và công nghệ ở mức tụt hậu khá xa so với khu vực".

Ông Lê Minh Tâm, Tổng giám đốc CTCK Kim Eng Việt Nam bổ sung thêm rằng vấn đề công nghệ của các CTCK trong nước có thể khắc phục nếu có nguồn lực tài chính đủ mạnh. Nhưng một trong các vấn đề lớn của các CTCK nội địa là không có định hướng hay chiến lược phát triển dài hạn thực sự.

Ông Tâm cho rằng, khá nhiều CTCK hiện nay do các cá nhân thành lập nên luôn đứng trước áp lực tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn. Điều này bắt buộc họ phải kinh doanh mạo hiểm. "Các CTCK có quá nhiều tư duy ngắn hạn ứng phó với các cơ hội ngắn hạn trên thị trường trước đây" ông Tâm nói.

Theo quan điểm của ông Hồ Quốc Tuấn, Nghiên cứu sinh Đại học Manchester, Anh quốc, yếu huyệt về chiến lược, quản trị hay thậm chí là công nghệ ở các CTCK hiện nay bắt nguồn từ lý do sâu xa là nhân sự chứng khoán.

Theo ông Tuấn, một thách thức chung của thị trường nội địa trước thềm hội nhập là chứng khoán không còn giữ được nhân sự có năng lực. Vài năm trước, khi chứng khoán khởi sắc thì CTCK giành giật người của nhau, còn giờ ngược lại, nhiều người giỏi bỏ chứng khoán mà đi.

Vì thiếu đội ngũ nhân sự am tường chuyên môn, nghiệp vụ nên số CTCK xây dựng được bản sắc, thế mạnh riêng để cạnh tranh sòng phẳng trong mảng môi giới hay tư vấn hiện nay chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Một yếu điểm khác là trước đây, có quá nhiều CTCK do người ngoài ngành thành lập. Vì các cổ đông lớn, HĐQT không "có nghề", hiểu thị trường nên đa phần các CTCK hoạt động không hiệu quả.

Bức tranh lớn

Bên cạnh các lý do chủ quan, các yếu kém của CTCK nội địa cũng chịu ảnh hưởng lớn từ yếu tố khách quan như khó khăn vĩ mô. Các bất ổn này khiến ngoại trừ một thời gian phục hồi ngắn, còn lại xu thế chính của TTCK 4 năm qua vẫn là mải miết đi xuống xác lập các mức đáy mới, khiến 70 - 80% các đơn vị cung cấp dịch vụ chứng khoán nội địa lâm vào cảnh thua lỗ triền miên.

Ông Tuấn nhận xét, việc khối CTCK và cả ngành quản lý quỹ nội địa bị ghẻ lạnh như hiện nay còn xuất phát từ nguyên nhân sâu xa là TTCK Việt Nam chưa được định vị, xây dựng như một kênh dẫn vốn cho nền kinh tế đúng nghĩa. Một thực tế khác là thị trường thiếu vắng các sản phẩm liên kết của ngân hàng và chứng khoán, thiếu sự tồn tại của các sản phẩm chỉ số lẫn các sản phẩm phái sinh.

Vì vậy, xu hướng thị trường vẫn phụ thuộc chủ yếu vào vốn ngoại và tiền nóng. Điều này khiến viễn cảnh phát triển của các CTCK và công ty quản lý quỹ không bền vững, không thu hút các được đại gia như Goldman Sachs hay UBS tham gia sân chơi…

So với các quốc gia trong khu vực (trừ TTCK Lào mới được thành lập) thì TTCK Việt Nam vẫn còn có quy mô quá nhỏ bé. Vì vậy, NĐT nước ngoài trên thị trường hiện nay chủ yếu vẫn là dạng quỹ đầu tư mạo hiểm và các quỹ thành viên quy mô khiêm tốn.

Theo đánh giá của ông Tuấn, nhóm NĐT lớn của châu Âu, Mỹ sẽ còn chưa quan tâm đến TTCK Việt Nam chừng nào các khó khăn vĩ mô vẫn hiển hiện, quy mô thị trường còn khiêm tốn hay các đợt IPO như của Vietcombank, Vietinbank, BIDV, PV Gas còn tiến hành nhỏ giọt như hiện nay. Chỉ các cuộc IPO loại "khủng" của các tập đoàn nhà nước lớn đang hoạt động độc quyền mới có thể kỳ vọng sự xuất hiện của các gương mặt tầm cỡ.

Trong lĩnh vực chứng khoán, sau khi mở cửa hoàn toàn, CTCK có vốn ngoại vẫn chủ yếu từ các quốc gia trong khu vực châu Á như Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia… và hình thức chính vẫn là hợp tác như trước. Lĩnh vực chứng khoán dự báo sẽ không có sự tăng trưởng đột biến khi bức tranh tổng thể của thị trường tài chính chưa hấp dẫn.

Chuẩn bị gì cho cạnh tranh?

Các đại gia của TTCK nội địa chuẩn bị gì cho cạnh tranh? CTCK Thăng Long và CTCK Sacombank từng thành công trong một giai đoạn ngắn, được coi là biểu tượng và hình mẫu để nhiều CTCK khác học hỏi, nhưng hiện tại, cả hai đang phải chật vật với quá trình tái cơ cấu.

Lá cờ đầu của TTCK là CTCK SSI thì vừa nâng tỷ lệ sở hữu ở một số DN niêm yết biến chúng thành công ty liên kết. Giải pháp kỹ thuật này giúp SSI hạn chế trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán, duy trì con số lợi nhuận trên sổ sách ở mức tương đối vào cuối năm nay.

CTCK HSC có sự chuẩn bị tốt nhất khi vừa đưa vào sử dụng trung tâm dữ liệu riêng và năm tới kết nối giao dịch của Công ty tới tận màn hình của các môi giới quốc tế.

Điều không may cho TTCK Việt Nam tại thời điểm hội nhập hoàn toàn tới đây là chưa bao giờ các CTCK nội địa lại lộ rõ "gót chân Asin" đến thế. Vấp phải các áp lực tồn tại trong ngắn hạn, đa phần đơn vị cung cấp dịch vụ chứng khoán không quan tâm hoặc chưa có sự chuẩn bị cho sự kiện chứng khoán hội nhập.

Chỉ có một đốm sáng le lói đến từ ngành quản lý quỹ. Với Thông tư về lập và quản lý quỹ mở vừa được ban hành ngày 16/12, ông Heck Ruitenberg, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Eastspring Investment (Prudential Việt Nam cũ) cho biết, Eastspring Investment sẽ không ngại sự cạnh tranh nào từ các nhân tố mới bởi khi Prudential Plc đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý tài sản tại 10 quốc gia khác ở châu Á.

Lãnh đạo của Eastspring Investment cho biết, ngay cả trong điều kiện thị trường đi xuống, quỹ này sẽ sớm cho ra đời các sản phẩm phù hợp khi có sự chuẩn bị bấy lâu nay. Tương tự, đại diện của VFM cho biết, trung bình trước đây, thời gian cho ra đời một sản phẩm của Quỹ mất khoảng 18 tháng. Tuy nhiên, với sản phẩm quỹ mở đầu tiên, VFM có thể chào bán ngay ra thị trường vào đầu năm tới do có chuẩn bị trong cả năm 2011.

Thị trường tài chính sẽ ra sao sau ngày 12/1/2012? Điều này phụ thuộc vào bàn tay vô hình của cơ quan quản lý, tránh cho TTCK nội địa các cú sốc không mong muốn để tự hoàn thiện nền dịch vụ tài chính non trẻ nhưng vẫn đạt được mục tiêu thu hút dòng vốn mới và nâng cao chất lượng dịch vụ.

 

Theo Giang Thanh

 ĐTCK

 


 


Cổ phiếu BIDV: có hấp dẫn?

Ngày đăng : 19/12/2011 - 10:49 AM

Chỉ còn hai tuần nữa, BIDV sẽ bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Giá khởi điểm được ấn định là 18.500 đồng/cổ phiếu. Vấn đề quan tâm của nhiều nhà đầu tư hiện nay là liệu mức giá này có thực sự hấp dẫn?
 

 

Tiềm năng của BIDV qua các yếu tố cơ bản

Giá cổ phiếu sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ngoài yếu tố thị trường, thông thường các nhà đầu tư xác định giá trị cổ phiếu dựa vào giá trị nội tại như tỷ suất lợi nhuận, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận và mức độ rủi ro của cổ phiếu này... Dựa trên các tiêu chí đó ta thử đánh giá tiềm năng của BIDV.

Tốc độ tăng trưởng rất cao trong quá khứ

Theo số liệu báo cáo tài chính, tốc độ tăng trưởng tài sản trung bình mỗi năm của BIDV giai đoạn 2006-2010 đạt 24,74%, còn tăng trưởng lợi nhuận sau thuế đạt 47,33%/năm. Đây là một tỷ lệ rất cao và đáng mơ ước của bất kỳ một doanh nghiệp nào. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng trưởng này không hoàn toàn dành cho chủ sở hữu hiện tại của doanh nghiệp vì trong thời gian đó BIDV liên tục tăng vốn từ sự góp sức của Nhà nước.

Về mặt lý thuyết, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận dành cho cổ đông hiện hữu bằng ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) nhân với tỷ lệ lợi nhuận giữ lại. Điều này đồng nghĩa với việc nếu doanh nghiệp giữ lại 100% lợi nhuận sau thuế thì tốc độ tăng trưởng tối đa sẽ bằng đúng ROE trung bình của doanh nghiệp. Theo công thức đó, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận đối với vốn chủ sở hữu hiện tại chỉ là 16,58%.

Theo kế hoạch kinh doanh của BIDV tại Bản công bố thông tin thì tăng trưởng lợi nhuận hàng năm năm năm tới sẽ là 20-22%, tổng tài sản và tín dụng là 20%. Đây là một tỷ lệ khá khiêm tốn so với quá khứ nhưng khả năng đạt được cũng không dễ dàng.

Nguyên nhân là do, những năm gần đây tăng trưởng tín dụng của Việt Nam rất cao và hiện tại tỷ lệ tín dụng/GDP đã lớn hơn 120%. Như vậy, tăng trưởng tín dụng gần như đến ngưỡng và Ngân hàng Nhà nước đang đặt mục tiêu hạ tăng trưởng tín dụng hàng năm xuống dưới 20%. Hơn nữa, xu hướng cạnh tranh khá gay gắt trong ngành ngân hàng và những ngân hàng nhỏ thường có tốc độ tăng nhanh hơn. Điều đó cho thấy, việc BIDV dự kiến tốc độ tăng trưởng 20% trong những năm tới là một kế hoạch khá lạc quan.

Hiệu quả sử dụng vốn không cao

Từ năm 2002 đến nay, ROE của BIDV luôn ở mức dưới 20%. Năm 2010 lợi nhuận tăng rất mạnh nhưng ROE cũng chỉ đạt 18%, còn trong chín tháng đầu năm 2011 mới chỉ đạt 10,3% và dự tính đạt 12,8% trong năm 2011, còn năm 2012 là 15,5%. Theo kế hoạch của BIDV, ROE trong năm năm tới cũng chỉ ở mức 15-18%.

So với các ngân hàng khác, tỷ lệ này ở mức trung bình, còn nếu so với các doanh nghiệp sản xuất thì con số này khá khiêm tốn. Ngoài ra, ROE của BIDV cũng thường thấp hơn nhiều ngân hàng khác như VCB, ACB hay Techcombank... Hơn nữa, với một ngân hàng có quy mô lớn như BIDV cũng rất khó kỳ vọng lợi nhuận sẽ tăng đột biến.

Rủi ro thanh khoản và nợ xấu

Những rủi ro cần lưu ý của BIDV là nợ xấu và cho vay theo chỉ định. Theo báo cáo tài chính quí 3-2011, trong chín tháng đầu năm nay BIDV đã phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng 2.958 tỉ đồng, tăng gần gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước.

Liên quan đến vấn đề nợ xấu, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV, khẳng định rằng “không nên quá lo lắng”. Ông còn cho biết năm 2012 BIDV sẽ thu hồi 500 tỉ đồng dư nợ bất động sản trong tổng nợ 1.300 tỉ đồng của Hoàng Anh Gia Lai (HAG). Còn nợ của Vinashin tổng cộng là 6.600 tỉ đồng, sau khi tái cơ cấu còn lại khoảng 5.000 tỉ đồng. Dự kiến trong năm 2011, BIDV trích dự phòng rủi ro cho khoản nợ Vinashin là 1.500 tỉ đồng, và trong sáu tháng đầu năm 2012 dự kiến là 3.000 tỉ đồng.

Như vậy, vấn đề nợ của HAG và Vinashin được xem là khá minh bạch. Tuy nhiên, việc BIDV dự kiến dành ra đến 4.500 tỉ đồng để trích lập dự phòng nợ xấu đối với Vinashin sẽ làm giảm mạnh lợi nhuận của doanh nghiệp. Và nguy cơ nợ xấu không chỉ dừng lại ở khoản nợ với Vinashin.

Một rủi ro khác đối với nhà đầu tư khi mua BIDV đó là tính thanh khoản của cổ phiếu. Thêm vào đó, với tỷ lệ nắm giữ cổ phần của Nhà nước còn cao, trên 78%, BIDV có thể còn tiếp tục phải cho vay theo chỉ định của Nhà nước.

Đánh giá sự hấp dẫn của cổ phiếu BIDV

Hãy thử so sánh cổ phiếu BIDV với một số cổ phiếu của các ngân hàng lớn trên sàn.

Theo kết quả kinh doanh chín tháng đầu năm nay, ROE của BIDV chỉ đạt 10,24%, dự kiến cả năm là 12,8%, thấp hơn khá nhiều so với năm ngân hàng lớn nhất đang niêm yết trên sàn. Số liệu quá khứ cũng cho thấy ROE của BIDV cũng thường thấp hơn khá nhiều so với các ngân hàng như VCB, ACB... Như vậy, khả năng sinh lời trên vốn của BIDV cũng chỉ ở mức khá khiêm tốn.

Với việc phát hành thêm 621,53 triệu cổ phiếu và toàn bộ vốn thặng dư (vốn cổ phần) đều bị Nhà nước thu hồi thì lúc đó vốn chủ sở hữu của BIDV sau khi phát hành là 30.863 tỉ đồng (không tính lợi nhuận quí 4). Như vậy, giá trị sổ sách của cổ phiếu BIDV chỉ là 10.925 đồng/cổ phiếu, thấp hơn khoảng 30% giá trị sổ sách của các cổ phiếu trong nhóm so sánh.

Trong khi đó, EPS tính theo chín tháng với số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành chỉ đạt 893 đồng/cổ phiếu, ngay cả điều chỉnh tỷ lệ pha loãng, cũng chỉ đạt 1.200 đồng/cổ phiếu. Những con số này thấp hơn nhiều so với mức 2.342 đồng của VCB, 2.665 đồng của CTG...

Xét theo các chỉ số định giá, P/B của BIDV lên tới 1,69 lần, cao hơn rất nhiều so với các cổ phiếu còn lại. Còn đối với chỉ số P/E tính toán trong bảng (tính theo EPS chín tháng) là 20,71 lần hoặc P/E điều chỉnh (15 lần) thì chỉ số này của BIDV cũng rất kém hấp dẫn. Ngay cả tính P/E theo kế hoạch cho một số năm tới P/E theo mức giá 18.500 đồng/cổ phiếu của BIDV cũng khá cao so với hầu hết ngân hàng khác (7-10 lần).

Thay lời kết

Trong đợt IPO tới sẽ có 84,75 triệu cổ phiếu được đấu giá, với mức giá khởi điểm là 18.500 đồng/cổ phiếu. Lượng tiền tối thiểu BIDV hút từ thị trường sẽ là 1.567 tỉ đồng, cao gần gấp ba lần tổng giá trị giao dịch trên sàn chứng khoán hiện nay. Điều này cho thấy đây là một thử thách lớn đối với đợt đấu thầu này. Nhìn lại năm 2011 là năm thất bại của rất nhiều vụ IPO. Như vậy, nếu BIDV bán được hết cổ phiếu có thể xem là một thành công ngoài mong đợi.

 

Theo Hồ Bá Tình

 TBKTSG

 


CTCK dần rơi rụng

Ngày đăng : 19/12/2011 - 10:25 AM

Ít nhất 3 CTCK cho biết, họ đang xém xét việc dừng cung cấp dịch vụ môi giới, khi thu thì ít, chi thì nhiều. Qua UBCK, ĐTCK được biết, có ít nhất 2 CTCK đã có đơn xin rút nghiệp vụ môi giới.

 

 

TTCK khó khăn, thanh khoản thị trường thấp khiến nhiều CTCK chịu lỗ nặng từ nghiệp vụ môi giới. Vì vậy, trong thời gian tới sẽ có nhiều CTCK rút dần khỏi thị trường.

Chủ động tạm lui


Ông Vũ Trần Dương, Phó tổng giám đốc điều hành DDS cho biết, do chưa có nguồn tài chính mới, nên DDS ngừng cung cấp dịch vụ môi giới và chọn cách hợp tác với Kim Eng.

Đi kèm với môi giới bao giờ cũng là dịch vụ tài chính. Trước đây, các ngân hàng liên kết có thể cho DDS hạn mức vay vài trăm tỷ đồng, nhưng nay, họ cũng gặp phải rào cản về tỷ lệ cho vay phi sản xuất, nên không thể hỗ trợ nhà đầu tư.

Mặt khác, ai cũng biết là với tình hình TTCK hiện nay, các CTCK đều lỗ lớn nhất ở nghiệp vụ môi giới do chi phí lớn, từ mặt bằng, đường truyền, nhân viên…, trong khi các nghiệp vụ khác cũng không mang lại nguồn thu đáng kể gì. Tính sơ sơ, khi rút nghiệp vụ môi giới, DDS có thể tiết kiệm được chi phí mặt bằng thuê ở Nguyễn Công Trứ, quận 1, TP. HCM khoảng 300 đến 400 triệu đồng/tháng, cộng với chi phí đường truyền, nhân viên…, nên mỗi tháng tiết kiệm được 700 triệu đến 1 tỷ đồng.

"Quan trọng là giữ được chữ tín với khách hàng. Khi không thể cung cấp dịch vụ tốt nhất thì chúng tôi tạm ngưng, chứ không làm quá sức dẫn đến mất thanh khoản gây thiệt hại cho khách hàng. Còn niềm tin, khi thị trường tốt, DDS sẽ cung cấp lại dịch vụ này và hy vọng khách hàng sẽ quay về với chúng tôi", ông Dương nói.

Sự kiện DDS ngừng nghiệp vụ môi giới được ghi nhận là dấu hiệu tích cực của thị trường khi mà khối CTCK đang phải chịu sự sàng lọc khắc nghiệt nhất từ trước đến nay.

Nhiều ý kiến cho rằng, số CTCK hoạt động đủ các nghiệp vụ chính là môi giới, tư vấn, bảo lãnh phát hành cần giảm đi 70% so với hiện nay mới phù hợp với quy mô của thị trường. "Đông Dương không vi phạm bất cứ quy định nào, nên họ không bị buộc phải dừng môi giới. Họ tôn trọng khách hàng của mình và đưa ra thông điệp về việc chuyển giao khách hàng cho Kim Eng, nơi có thể phục vụ tốt hơn", ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Chứng khoán SJC bình luận. Chứng khoán SJC cũng vừa đóng cửa phòng giao dịch Hà Nội, nhằm tiết giảm chi phí.

Theo ông Tuấn, tái cấu trúc CTCK nhằm mục đích bảo vệ nhà đầu tư và không để đổ vỡ hệ thống. Nếu một công ty thấy lực mình không kham nổi thì dừng lại là giải pháp tốt nhất lúc này.

Trao đổi với ĐTCK, ít nhất 3 CTCK cho biết, họ đang xém xét việc dừng cung cấp dịch vụ môi giới, khi thu thì ít, chi thì nhiều. Qua UBCK, ĐTCK được biết, có ít nhất 2 CTCK đã có đơn xin rút nghiệp vụ môi giới.

Không phải CTCK nào cũng rút lui êm thấm

DDS hiện có khoảng 5.000 tài khoản, một nửa vẫn giao dịch. DDS sẽ phải mở hẳn một cuộc hội thảo để hướng dẫn khách hàng làm thủ tục chuyển tài khoản sang Kim Eng hay CTCK khác. Nhưng lý do căn bản nhất khiến quá trình ngưng cung cấp dịch vụ môi giới của DDS thực hiện gọn gàng, không dây dưa, theo ông Dương, là do Công ty tách bạch tiền gửi của Công ty và của khách hàng, nên không có tranh chấp nào về quyền lợi. Sau khi được UBCK cho phép, khách hàng đồng thuận và Công ty thực hiện trọn vẹn nghĩa vụ với khách hàng, DDS sẽ dừng nghiệp vụ môi giới.

Cũng trong thời điểm này, trên thị trường có thông tin về sự chuyển giao tài khoản NĐT từ CTCK SME (đang bị tạm ngừng môi giới do mất thanh khoản) sang CTCK Golden Bridge, nhưng bước đầu chỉ chuyển được chứng khoán, chứ chưa rút được tiền.

"Chỉ cần vài tài khoản có tranh chấp thì quá trình chuyển giao sẽ phải kéo dài, các vụ kiện tụng giữa CTCK và khách hàng có thể kéo dài vài năm", giám đốc một CTCK nhận định.

Trong những trường hợp không vướng mắc tiền bạc với khách hàng như DDS thì cũng phát sinh vấn đề với những tài khoản chứng khoán tạm thời không tìm được chủ sở hữu, vì nhiều lý do khác nhau, như số dư tiền hay chứng khoán quá nhỏ. DDS sẽ phải làm thủ tục chuyển các tài khoản này sang Kim Eng mà không có sự tham gia của chủ tài khoản.

Ông Trần Thiên Hà, Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán An Phát - Công ty đầu tiên thực hiện việc tiếp nhận tài khoản NĐT chuyển giao từ CTCK Gia Anh trước đây chia sẻ, kinh nghiệm của Công ty ông là sự chuyển giao cần có sự giám sát của UBCK. Ba bên là Gia Anh, An Phát và UBCK đều phải lưu dữ liệu lịch sử giao dịch tài khoản, để nếu nhà đầu tư khiếu nại sẽ biết CTCK nào phải chịu trách nhiệm. Với những tài khoản không có chủ, dù chỉ còn một đồng, công ty cũng phải lưu giữ.

Hành động của người ở lại


Kim Eng đang được đón nhận lượng lớn khách hàng của DDS khi DDS rút lui khỏi nghiệp vụ môi giới. Nhìn tổng thể khi có nhiều CTCK rời bỏ thị trường hoặc chỉ tham gia ở mức độ nhỏ thì những công ty còn trụ lại được sẽ có thêm lợi thế.

Tuy nhiên, trước khi nghĩ đến lợi, CTCK phải lượng sức mình để nằm gai nếm mật cùng thị trường vì như Chủ tịch CTCK An Phát thì vấn đề của CTCK lúc này là phải sống sót, không để dính điều tiếng hay mất thanh khoản với khách hàng.

Hy vọng sang năm thị trường sẽ đỡ khó hơn, nhưng CTCK An Phát vẫn chuẩn bị để đối phó nếu thị trường còn khó khăn kéo dài trong 2 năm nữa. Hiện nay, mỗi tháng An Phát chi khoảng 1 tỷ đồng trong khi thu chỉ 700 triệu đồng.

Tổng giám đốc CTCK Âu Việt, ông Nguyễn Hoàng Long cho biết, vì Âu Việt đã niêm yết nên muốn quyết định gì phải thông qua đại hội đồng cổ đông. Tuy nhiên, theo ông Việt, Công ty ông có thể sống khỏe trong 2 năm nữa, vì tình hình tài chính tốt với hơn 100 tỷ đồng tiền mặt. Âu Việt đã cắt giảm mạnh chi phí trong thời gian qua và sẽ tiếp tục cắt giảm để thích nghi với tình hình thị trường.

Nhìn vào nhóm công ty chứng khoán lớn, theo thông tin của ĐTCK, một công ty đang tính đến giải pháp giảm vốn xử lý khoản lỗ đầu tư và nợ xấu, đưa tài chính về mức an toàn để tiếp tục cuộc chơi. Chứng khoán Thăng Long vừa trải qua một cuộc tái cơ cấu nhân sự lãnh đạo với sự "đổ bộ" của nhiều lãnh đạo cao cấp ngân hàng mẹ (MB). Tiếp sau động thái này dự kiến sẽ là tái cơ cấu nhân sự, tái cơ cấu các nghiệp vụ để hướng đến những hoạt động hiệu quả hơn.

Dù đề án tái cơ cấu TTCK, tái cơ cấu CTCK đang được UBCK xây dựng, nhưng các chủ thể trong lòng thị trường đã bắt đầu thực hiện quá trình này vì sự tồn vong của chính mình và sự an toàn của cả hệ thống.

 

Theo Thu Hương
ĐTCK


 


 

Tin mới cập nhật