Ngày đăng :
18/12/2011 - 7:37 PM
Đợt phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nhiều khả năng thành công khi lượng đăng ký đang tiến gần tới lượng chào bán.
Cụ thể, tính đến 18h45 ngày 16/12/2011, tại đại lý đấu giá là Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC), đã có 11.238 nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá cổ phần BIDV, với tổng khối lượng đăng ký là 70.859.000 cổ phần, bằng 83,6% số lượng đưa ra đấu giá.
Đó là kết quả đăng ký tính từ ngày 8/12 đến thời điểm trên. Con số này dự tính sẽ tiếp tục tăng lên khi thời hạn đăng ký kéo dài đến ngày 21/12/2011. Theo đó, đợt IPO của BIDV nhiều khả năng sẽ thành công xét theo khối lượng đưa ra đấu giá được bán hết.
Trong đợt IPO này, BIDV tiến hành đấu giá 3% vốn điều lệ, tương ứng với 84.754.146 cổ phần với giá khởi điểm là 18.500 đồng/cổ phần. 26/12/2011 là ngày bỏ phiếu đấu giá cổ phần và ngày 28/12/2011 chính thức tổ chức đấu giá cổ phần lần đầu của BIDV tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Trước BIDV, hai ngân hàng quốc doanh lớn khác là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng đã tiến hành IPO với lượng đăng ký không nhiều vượt trội so với lượng chào bán. Đáng chú ý là cả 3 thành viên này đều tiến hành IPO sát thời điểm kết thúc năm (đều cuối tháng 12), nhưng với BIDV thời điểm hiện nay được xem là bất lợi hơn khi thị trường chứng khoán liên tục sụt giảm và khó khăn kéo dài.
Cụ thể, ngày 26/12/2007, Vietcombank tiến hành IPO với 9.473 nhà đầu tư đăng ký tham gia, khối lượng đưa ra đấu giá là 97,5 triệu cổ phần và tổng khối lượng đặt mua là 122,2 triệu cổ phần.
Ngày 25/12/2008, VietinBank tổ chức IPO với 12.982 nhà đầu tư đăng ký tham gia, khối lượng đưa ra đấu giá là 53,6 triệu cổ phần và tổng khối lượng đăng ký là 55,9 triệu cổ phần.
Theo Minh Đức
VnEconomy
|
Ngày đăng :
18/12/2011 - 3:53 PM
Ngày 16/12/2011, Sở GDCK Tp.Hồ Chí Minh đã có thông báo số 1005/2011/TB-SGDHCM về việc niêm yết và ngày giao dịch đầu tiên của Công ty Cổ phần Đầu tư – Dịch vụ Hoàng Huy (mã CK: HHS) như sau:
Địa chỉ trụ sở chính: 116 Nguyễn Đức Cảnh – Quận Lê Chân – Tp.Hải Phòng
Điện thoại: (031)3 854 626 Fax: (031)3 782 326
Được niêm yết và giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM theo Quyết định số 177/QĐ-SGDHCM ngày 13/12/2011 với các nội dung sau:
- Loại chứng khoán : Cổ phiếu phổ thông
- Mã chứng khoán : HHS
- Mệnh giá : 10.000 đồng
- Số lượng chứng khoán niêm yết : 10.000.000 cổ phiếu (Mười triệu cổ phiếu).
- Tổng giá trị chứng khoán niêm yết : 100.000.000.000 đồng (Một trăm tỷ đồng).
- Ngày niêm yết có hiệu lực : 13/12/2011
- Ngày chính thức giao dịch : 15/02/2012
- Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên : 35.000 đồng/cổ phiếu
- Biên độ dao động giá trong ngày giao dịch đầu tiên : +/- 20% so với giá tham chiếu
Theo HSX
|
Ngày đăng :
17/12/2011 - 3:13 PM
Không phải 100% CTCK đều có hệ thống công nghệ có thể đáp ứng được nghiệp vụ giảm thời gian giao dịch đến T+0, song nếu chỉ vì số ít CTCK không đủ điều kiện mà "đình trệ" nghiệp vụ này thì không nên.
Trung tâm Lưu ký cho biết, chỉ có khoảng 50% số CTCK là đáp ứng yêu cầu hoàn thành giai đoạn chạy thử nghiệm kết nối giao dịch T+2, phần còn lại vẫn chưa đáp ứng được.
Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), ông Vũ Bằng cho biết, cơ quan này đang khẩn trương hoàn chỉnh tờ trình phương án triển khai giao dịch T+2 để trình Bộ Tài chính phê duyệt vào cuối năm nay. Trong khi đó, một số chuyên gia lại cho rằng, nếu cơ quan quản lý đã đặt vấn đề giảm đến T+2 thì nên tính đến việc giảm xuống T+0 cho đỡ phải cải tổ thêm một lần nữa.
Trả lời phỏng vấn ĐTCK mới đây, ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc CTCK Bảo Việt cho rằng, nên tính đến việc giảm thời gian giao dịch từ T+3 (mà thực chất là T+4) xuống T+0 thay vì T+2, vì về kỹ thuật, hai phương án này có độ phức tạp tương đương, thậm chí phương án T+0 có thể sẽ đỡ phức tạp hơn là T+2.
Cũng theo ông Hòa, nếu phương án T+0 được thực hiện sẽ không chỉ làm cho dòng tiền chu chuyển nhanh hơn, giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư, tăng tính thanh khoản, tăng hiệu quả hoạt động trên thị trường cổ phiếu, mà còn có thể khích lệ các dòng vốn lớn đầu tư vào thị trường, giúp TTCK Việt Nam hoạt động cân bằng hơn.
Đồng quan điểm trên, ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc CTCK TP. HCM (HSC) cho biết, HSC đã kiến nghị cơ quản quản lý áp dụng nghiệp vụ này từ lâu nhằm tạo tính thanh khoản, cũng như đảm bảo tính công bằng cho các nhà đầu tư.
Việc giảm thời gian giao dịch từ T+4 xuống còn T+2 chỉ là bước đệm cho việc giảm xuống T+0, vì vậy, nên chăng tính đến việc giảm xuống T+0 luôn. Với HSC, hệ thống công nghệ của Công ty luôn sẵn sàng cho việc giảm thời gian giao dịch, dù là T+2 hay T+0.
Trên thực tế, vấn đề giảm thời gian giao dịch đã đưa ra bàn thảo từ lâu, nhưng chưa thể thực hiện được do lo ngại rủi ro từ khối CTCK. Tuy nhiên, theo ông Johan Nyvene, nếu CTCK tự chủ động và quản lý được rủi ro thì sẽ thực hiện tốt nghiệp vụ này.
Ông Nghiêm Trung Hiếu, Giám đốc công nghệ thông tin, CTCK Tân Việt (TVSI) cho rằng, trước hết, hãy nhìn ra TTCK các nước phát triển và cả thị trường các nước trong khu vực, họ đã triển khai giao dịch T+0 từ lâu.
Tại Việt Nam, thực tế phần mềm công nghệ mà các CTCK đang áp dụng hầu hết đều được mua từ nước ngoài, nên sẽ đáp ứng được yêu cầu của việc giảm thời gian giao dịch. Thậm chí, nhiều CTCK còn phải điều chỉnh công nghệ theo hướng "lạc hậu" hơn để phù hợp với TTCK Việt Nam.
Theo ông Hiếu, hiện nay, không phải 100% CTCK đều có hệ thống công nghệ có thể đáp ứng được nghiệp vụ giảm thời gian giao dịch đến T+0, song nếu chỉ vì số ít CTCK không đủ điều kiện mà "đình trệ" nghiệp vụ này thì không nên.
"Tốt nhất là giảm thời gian giao dịch xuống còn T+0, nếu không thì từng bước giảm từ T+2 xuống còn T+0. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở hệ thống của Trung tâm Lưu ký (VSD) có đáp ứng cho việc triển khai T+0 hay không, vì nó liên quan đến quản lý thanh toán bù trừ, liên quan đến vấn đề sửa lỗi giao dịch… Do vậy, nếu CTCK cam kết với khách hàng sẽ chịu trách nhiệm khi xảy ra các rủi ro trong giao dịch thì may ra mới thực hiện được việc giảm thời gian thanh toán", ông Hiếu nói.
Trên thực tế, không chỉ các CTCK mà các nhà đầu tư rất mong muốn được giảm thời gian giao dịch xuống còn T+0. Hiện tại, trên thị trường, vẫn có một số CTCK "lách luật" cho khách hàng được vay chứng khoán để bán ngay sau khi mua (bản chất là nghiệp vụ T+0) gây ra sự cạnh tranh bất bình đẳng, nên nếu cơ quan quản lý cho áp dụng đồng bộ thì sẽ tránh được tình trạng này.
Trả lời về vấn đề hệ thống công nghệ của VSD có đáp ứng được việc giảm thời gian giao dịch xuống còn T+0 hay không, đại diện Trung tâm cho biết, việc giảm thời gian giao dịch xuống T+2 hay T+0 trước hết phải xuất phát từ chủ trương của cơ quan quản lý. Bởi chưa đi vào thực hiện thì khó có thể nói rằng phương án T+2 hay T+0, phương án nào phức tạp hơn, vì thực hiện phương án nào thì VSD cũng phải viết lại phần mềm kết nối giao dịch.
Hơn nữa, điều đáng nói là trong một vài đợt test phần mềm hệ thống mới, chỉ có khoảng 50% số CTCK là đáp ứng yêu cầu hoàn thành giai đoạn chạy thử nghiệm kết nối giao dịch T+2, phần còn lại vẫn chưa đáp ứng được. Ngay cả vấn đề sửa lỗi giao dịch hiện nay các CTCK vẫn chưa đi đến thống nhất…
Thực tế này cho thấy, cơ quan quản lý thị trường và VSD vẫn đang đi tìm lời giải cho bài toán T+2 và việc này đã tiêu tốn rất nhiều thời gian. Nếu phải giải thêm bài toán T+0 thì thị trường sẽ lại phải mất thêm nhiều thời gian chờ đợi.
Theo Hải Vân
ĐTCK
|
Ngày đăng :
16/12/2011 - 11:13 AM
Đang có những động thái đánh xuống đầy "thiện chí" trên TTCK, không khó để nhận ra quá trình gom hàng đang dần được tiến hành, nhằm chuẩn bị cho một con sóng đánh lên trong không bao lâu nữa.
Hành hạ nhà đầu tư nhỏ
Một trò chơi nghiệt ngã mới lại được nhóm tạo lập thị trường đem ra hành xử với các nhà đầu nhỏ lẻ khốn khổ theo thuyết bầy đàn.
Phiên giao dịch ngày 14/12/2011, chỉ số HNX đã bị đánh tuột xuống khỏi đáy cũ và chính thức phá mốc 60 điểm. Lại một lần nữa, như kịch bản vào giữa tháng 5 năm nay, sau thời gian kéo ngang, cú lao dốc đã được bung đòn.
Lại một lần nữa tiếng ca thán nổi lên trên tất cả các diễn đàn mạng về chứng khoán. Nhà đầu tư nhỏ lẻ đã không thể hiểu nổi vì sao giá cổ phiếu đã còn hơn cả thê thảm mà vẫn có thể tiếp tục thê thảm hơn cả thế.
Tính chất "dã man" trong trò chơi hiển hiện ở chỗ cho dù nhà đầu tư không muốn bán, nhưng không khí bi quan cùng cực lan khắp thị trường vẫn bắt buộc họ phải bán. Không chỉ là bán mà còn phải bán tháo, bán bằng mọi cách, nhất là trong bối cảnh thanh khoản không còn được coi là tạm ổn như hồi giữa năm.
Bài bản cũ vẫn được lặp lại. Chỉ số HNX dù đã bị giảm rất sâu so với đáy hồi đầu năm 2009 và thực tế nhiều tháng nay đã không muốn giảm thêm nữa, nhưng để công cuộc đánh xuống tỏ ra có hiệu quả, nhóm tạo lập thị trường vẫn tiếp tục dùng những mã cổ phiếu có vốn hóa siêu lớn để "búa" và "dập". Khó ai có thể chịu nổi những quả tạ dồn dập một cách có hệ thống như thế.
Đáng lý ra, trò chơi này đã phải kết thúc vào giữa năm nay, khi các công ty chứng khoán giải quyết được cơ bản món giải chấp bằng con sóng đánh lên, và do đó đã thanh toán được cho các chủ nợ - ngân hàng phần lớn số vay.
Nhưng nếu trò chơi vắt kiệt sức nhà đầu tư vẫn tiếp diễn thì có thể hiểu đó là chuyện không bình thường, nằm trong vô số thứ không bình thường của cái TTCK chưa bao giờ bình thường này.
Đó là khả năng mà trong một nhận định vào đầu tuần này, chúng tôi đã dự báo: một tuần "chết chóc" mà có thể nhóm tạo lập thị trường sẽ đánh không thương tiếc chỉ số VNI xuống trọn 5 phiên.
Nhưng vì sao lại phải đánh xuống? Có lẽ đây mới chính là câu hỏi mà các nhà đầu tư, những người mất nhiều, số mất chưa đủ nhiều và cả những người sắp sửa mất, nên lưu tâm tìm hiểu, hơn là cố gắng trông đợi vào một con sóng ngắn hạn vô chừng nào đó.
Đánh xuống để chuẩn bị sóng lên
Trong suốt chiều dài con sóng giảm từ hơn 2 năm qua, có thể sơ kết thành mấy loại động cơ đánh xuống: đánh xuống mạnh nhằm gom hàng để sau đó đánh lên; đánh xuống nhẹ nhằm thoát dần hàng; và đánh xuống lâu dài với mục tiêu thâu tóm.
Thâu tóm doanh nghiệp qua sàn là mục tiêu trong trung hạn và dài hạn. Còn trong ngắn hạn, nếu thị trường giảm mạnh với ý đồ đánh xuống rõ rệt thì chỉ có thể xuất phát từ động cơ đánh xuống để đánh lên.
Vào giữa năm nay, khi thị trường cất tiếng ai oán, phép màu đã xảy ra khi lực cầu tổ chức dồn dập đổ vào, nhấc bổng chỉ số lên. Như những nhận định của chúng tôi trước và sau con sóng kỳ lạ ấy, mục tiêu chính của nhóm tạo lập thị trường là nhằm thoát hàng giải chấp và thanh toán một phần vốn vay cho ngân hàng vào thời điểm 30/6, khi tỷ lệ dư nợ tín dụng phi sản xuất tại các ngân hàng bắt buộc phải kéo giảm về mức 22% theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.
Thế còn lần này thì sao? Lần này khác với giữa năm, nợ vay của công ty chứng khoán đối với ngân hàng không còn nhiều, giá trị cần phải giải chấp cũng không lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, chiến dịch đánh xuống vẫn được thực thi. Số cổ phiếu đổ dồn bán sàn không thuần túy là giải chấp, mà chủ yếu do tâm trạng thái chán ngán tích lũy quá lâu của các nhà đầu tư, trong đó có cả nhà đầu tư tổ chức.
Nếu chỉ nhìn vào nội tại TTCK, có lẽ khó đánh giá được toàn diện vấn đề. Song theo chúng tôi, một vấn đề khác rất đáng chú ý, đáng tham khảo, và cũng rất "đáng ngờ", là ngày tổ chức IPO cổ phần của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) đang đến gần.
Vào cuối tuần trước, trong buổi trả lời thắc mắc cho các nhà đầu tư, ông Trần Bắc Hà, TGĐ BIDV, đã tỏ ra khá tự tin khi cho rằng buổi IPO tại ngân hàng ông sẽ thành công với lực cầu lớn hơn cung. Mặt khác, ông Hà còn đề xuất một vài giải pháp cho TTCK và còn nói "úp mở" rằng có thể sắp tới, tức trước ngày 26/12 khi tổ chức IPO, TTCK có thể phục hồi.
Cần lưu ý rằng BIDV vẫn được xem là "con cưng" của Ngân hàng Nhà nước. Vì thế, những động thái cùng phát ngôn của người có trách nhiệm của ngân hàng này cũng có thể ít nhiều liên đới với chính sách của Ngân hàng Nhà nước.
Nếu không có gì thay đổi, sắp tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức một cuộc họp với các tổ chức tín dụng. Cuộc họp này có thể gợi cho chúng ta nhớ lại cuộc họp giữa cơ quan này với toàn bộ các ngân hàng thương mại vào đầu tháng 9/2011, để ngay sau đó quyết định tái thiết lập trần lãi suất huy động 14%.
Lần này, vẫn chưa thể biết rõ "đường đi" của Ngân hàng Nhà nước. Song với những gì mà BIDV đang thể hiện, qua đánh giá về tác động không nhỏ của BIDV đối với thị trường và quan sát động thái đánh xuống đầy "thiện chí" trên TTCK, không khó để nhận ra quá trình gom hàng đang dần được tiến hành, nhằm chuẩn bị cho một con sóng đánh lên trong không bao lâu nữa.
Tất nhiên, muốn có được con sóng đánh lên thì thị trường vẫn phải bị đánh xuống với biên độ mạnh ít nhất 4/5 phiên trong tuần này.
Theo Việt Thắng
VEF
|
Ngày đăng :
15/12/2011 - 6:21 PM
Thị trường suy sụp không có nghĩa là tất cả các cổ phiếu đều rơi vào tình trạng bê bết. Vẫn có rất nhiều mã một mình một ngựa thẳng tiến đến mức quái dị.
Từ đầu tháng 12 đến nay, trong khi VN-Index giảm 4,11%, HNX-Index giảm 3,73% và nhiều mã như VC1 giảm 39,2%, CDC giảm 26,3%... thì vẫn có cả đống cổ phiếu tăng nhiều chục phần trăm đến mức khó tin.
Nếu tính mức tăng theo phần trăm thì KTS xứng đáng giữ vị trí “điên khùng” nhất: tăng tới gần 69%! Từ mức 11.800 đồng ngày 1/12, KTS hôm nay đã lên tới 19.900 đồng/cổ phiếu.
Tình trạng giao dịch của cổ phiếu này cũng “khùng” không kém mức tăng: Trong 11 phiên giao dịch với 9 phiên tăng trần, mỗi ngày KTS chỉ được khớp vỏn vẹn 100 cổ phiếu, tức là đơn vị giao dịch tối thiểu của HNX. Dĩ nhiên bên mua luôn chất vài chục tới cả trăm ngàn cổ phiếu mua trần.
Với mức chênh lệch cung cầu lớn như vậy, khả năng đưa giá lên mây là điều không mấy khó khăn. Dĩ nhiên điều này còn liên quan đến cơ cấu cổ đông. Với KTS, thông tin về cơ cấu sở hữu 2010 cho thấy Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) và Công ty TNHH Kim Hà Việt chiếm tới 83.64% trong tổng mức vốn 30 tỷ đồng. Lượng lưu hành thấp xưa nay luôn là tiền đề cho cho tất cả các sóng tăng khó hiểu nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Một điểm khá kỳ cục với KTS là cổ phiếu này đã từng đối mặt với nguy cơ bị đưa vào diện kiểm soát vì từ đầu tháng 10/2011 đến nay, có tới 40 phiên liên tục đóng băng thanh khoản. KTS chỉ thoát khỏi quy chế này nhờ lác đác một phiên khớp lệnh 100 cổ. Thực ra kể từ khi lên sàn HNX vào ngày cuối cùng của tháng 12/2010, KTS rơi vào cảnh chợ chiều suốt từ tháng 2/2011 trở đi.
Đột nhiên từ đầu tháng 12, KTS lại nhúc nhắc có thanh khoản dù chỉ 100 cổ mỗi ngày. Điều lý thú là trong 11 phiên giao dịch tăng giá đang diễn ra, chưa lúc nào KTS tăng trần liên tục quá 5 phiên. Cứ được 4 phiên kịch trần KTS lại có một phiên “nghỉ” – mất thanh khoản và giá đứng im. Một chiêu quá đơn giản để qua mặt hệ thống giám sát của HNX vì chỉ có cổ phiếu kịch trần/kịch sàn liên tục quá 5 phiên đi ngược lại thị trường mới bị “nhá” đèn đỏ yêu cầu giải trình. Do đó cũng không lạ gì khi KTS đến nay vẫn chưa có bất kỳ thông tin công bố nào liên quan đến biến động giá.
Một thông tin cũng khá trùng hợp là DATC cuối tháng 11 vừa qua đăng ký bán ra 100.000 KTS, từ ngày 23/11 đến 31/12/2011. Với một cổ phiếu mà thanh khoản chỉ đúng 1 lô và lác đác có giao dịch trong cả tháng trời như KTS thì để bán được qua hệ thống khớp lệnh trên sàn có lẽ cần phải có phép màu. Dĩ nhiên thương vụ này cũng có thể giao dịch thỏa thuận, hoặc, thu hút sự chú ý của nhà đầu tư nhằm kích cầu. Cả hai cách đều cần đến biến động giá, vì có sóng cổ phiếu khắc có khách, và giao dịch thỏa thuận cũng cần trong biên độ giá khớp tại ngày chuyển nhượng.
Để giám sát các trường hợp như KTS là cực kỳ dễ dàng vì với một cổ phiếu bị thị trường lãng quên, rất thuận lợi cho việc truy vết các giao dịch. Chẳng hạn thống kê lệnh mua của KTS từ ngày 28/11/2011 đến nay, phiên nhiều nhất cũng chỉ có 40 lệnh mua và phiên ít nhất có 12 lệnh mua. Phía bán đối ứng dĩ nhiên chỉ có duy nhất 1 lệnh bán. Các lệnh mua này rất có thể chỉ được quay vòng trên vài ba tài khoản.
Không tài như KTS, “đội lái” nếu có với cổ phiếu DNC, đã lỡ nhịp khi để cho cổ phiếu này tăng trần liên tục tới 7 phiên, từ ngày 1/12/2011 đến 9/12/2011. Dù trước đó DNC cũng có hai nhịp nghỉ để “nghi binh”, rốt cục cũng bị HNX phát hiện. HNX ngày 8/12 đã phát đi văn bản yêu cầu DNC giải trình. Cho đến hôm nay vẫn chưa thấy công bố thông tin nào từ phía doanh nghiệp.
Tuy nhiên cũng giống KTS, DNC có mức thanh khoản tối thiểu trong quá trình tăng giá. Nếu tính từ đầu tháng 12 thì DNC đã tăng 54,55%, còn nếu tính trọn con sóng kéo dài 16 phiên thì DNC tăng tới 88,89%!
Chi phí vốn đề “lái” DNC bèo đến mức chỉ cần dưới 10 triệu đồng là đủ. Đó còn là mức chi phí tính theo giá hôm nay (5.100 đồng/cổ phiếu). Thời điểm cuối tháng 11 DNC chỉ có hơn 3.000 đồng/cổ phiếu.
DNC nếu có tình trạng “làm giá” thì có lẽ cũng chỉ mang tính giải trí vì suốt từ đầu tháng 11/2011, mỗi ngày bên mua chỉ đặt vào nhiều nhất là 4 lệnh mua, thậm chí có nhiều phiên chỉ có một lệnh mua trần với khối lượng vài ngàn đơn vị.
Nếu sàng lọc trên cả hai sàn niêm yết, không khó để tìm ra hàng chục cổ phiếu đã tăng giá vài chục phần trăm từ đầu tháng đến nay. DHI chẳng hạn, cũng tăng hơn 32%, S27 tăng 25%, L62 tăng 23%, CMX tăng 28%, SSC tăng 24%, GTA tăng 22%, TMS tăng 18%...
Điểm chung của những cổ phiếu tăng giá mạnh bất thường này là thanh khoản đều rất thấp. Một vài mã trên HSX có lượng giao dịch khá hơn nhưng cũng dưới 10.000 cổ mỗi ngày, còn trên HNX chỉ 100-200 cổ mỗi ngày. Dĩ nhiên cũng có nhiều cổ phiếu khác tăng giá tốt với thanh khoản chấp nhận được. Tuy nhiên tất cả những cổ phiếu như vậy đều “hít khói” nhóm cổ phiếu ruồi về tỉ suất lợi nhuận.
Phải nói rằng “lái” các cổ phiếu thanh khoản thấp là cực kỳ dễ dàng, nhất là khi giá của chúng đều lẹt đẹt vài ngàn đồng. Nhưng “lái” lên là một chuyện và hiện thực hóa lợi nhuận là chuyện khác hẳn. Trong nhiều trường hợp, các “lái tàu” chỉ ngồi chơi với nhau vì chả có nhà đầu tư nào tham gia hưởng ứng, chẳng khác gì cò mồi trên chiếu bạc giữa chợ.
Theo VnEconomy.vn
|