50% CTCK không đáp ứng được giao dịch T+2

Ngày đăng : 17/12/2011 - 3:13 PM

Không phải 100% CTCK đều có hệ thống công nghệ có thể đáp ứng được nghiệp vụ giảm thời gian giao dịch đến T+0, song nếu chỉ vì số ít CTCK không đủ điều kiện mà "đình trệ" nghiệp vụ này thì không nên.

Trung tâm Lưu ký cho biết, chỉ có khoảng 50% số CTCK là đáp ứng yêu cầu hoàn thành giai đoạn chạy thử nghiệm kết nối giao dịch T+2, phần còn lại vẫn chưa đáp ứng được.

Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), ông Vũ Bằng cho biết, cơ quan này đang khẩn trương hoàn chỉnh tờ trình phương án triển khai giao dịch T+2 để trình Bộ Tài chính phê duyệt vào cuối năm nay. Trong khi đó, một số chuyên gia lại cho rằng, nếu cơ quan quản lý đã đặt vấn đề giảm đến T+2 thì nên tính đến việc giảm xuống T+0 cho đỡ phải cải tổ thêm một lần nữa.

Trả lời phỏng vấn ĐTCK mới đây, ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc CTCK Bảo Việt cho rằng, nên tính đến việc giảm thời gian giao dịch từ T+3 (mà thực chất là T+4) xuống T+0 thay vì T+2, vì về kỹ thuật, hai phương án này có độ phức tạp tương đương, thậm chí phương án T+0 có thể sẽ đỡ phức tạp hơn là T+2.

Cũng theo ông Hòa, nếu phương án T+0 được thực hiện sẽ không chỉ làm cho dòng tiền chu chuyển nhanh hơn, giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư, tăng tính thanh khoản, tăng hiệu quả hoạt động trên thị trường cổ phiếu, mà còn có thể khích lệ các dòng vốn lớn đầu tư vào thị trường, giúp TTCK Việt Nam hoạt động cân bằng hơn.

Đồng quan điểm trên, ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc CTCK TP. HCM (HSC) cho biết, HSC đã kiến nghị cơ quản quản lý áp dụng nghiệp vụ này từ lâu nhằm tạo tính thanh khoản, cũng như đảm bảo tính công bằng cho các nhà đầu tư.

Việc giảm thời gian giao dịch từ T+4 xuống còn T+2 chỉ là bước đệm cho việc giảm xuống T+0, vì vậy, nên chăng tính đến việc giảm xuống T+0 luôn. Với HSC, hệ thống công nghệ của Công ty luôn sẵn sàng cho việc giảm thời gian giao dịch, dù là T+2 hay T+0.

Trên thực tế, vấn đề giảm thời gian giao dịch đã đưa ra bàn thảo từ lâu, nhưng chưa thể thực hiện được do lo ngại rủi ro từ khối CTCK. Tuy nhiên, theo ông Johan Nyvene, nếu CTCK tự chủ động và quản lý được rủi ro thì sẽ thực hiện tốt nghiệp vụ này.

Ông Nghiêm Trung Hiếu, Giám đốc công nghệ thông tin, CTCK Tân Việt (TVSI) cho rằng, trước hết, hãy nhìn ra TTCK các nước phát triển và cả thị trường các nước trong khu vực, họ đã triển khai giao dịch T+0 từ lâu.

Tại Việt Nam, thực tế phần mềm công nghệ mà các CTCK đang áp dụng hầu hết đều được mua từ nước ngoài, nên sẽ đáp ứng được yêu cầu của việc giảm thời gian giao dịch. Thậm chí, nhiều CTCK còn phải điều chỉnh công nghệ theo hướng "lạc hậu" hơn để phù hợp với TTCK Việt Nam.

Theo ông Hiếu, hiện nay, không phải 100% CTCK đều có hệ thống công nghệ có thể đáp ứng được nghiệp vụ giảm thời gian giao dịch đến T+0, song nếu chỉ vì số ít CTCK không đủ điều kiện mà "đình trệ" nghiệp vụ này thì không nên.

"Tốt nhất là giảm thời gian giao dịch xuống còn T+0, nếu không thì từng bước giảm từ T+2 xuống còn T+0. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở hệ thống của Trung tâm Lưu ký (VSD) có đáp ứng cho việc triển khai T+0 hay không, vì nó liên quan đến quản lý thanh toán bù trừ, liên quan đến vấn đề sửa lỗi giao dịch… Do vậy, nếu CTCK cam kết với khách hàng sẽ chịu trách nhiệm khi xảy ra các rủi ro trong giao dịch thì may ra mới thực hiện được việc giảm thời gian thanh toán", ông Hiếu nói.

Trên thực tế, không chỉ các CTCK mà các nhà đầu tư rất mong muốn được giảm thời gian giao dịch xuống còn T+0. Hiện tại, trên thị trường, vẫn có một số CTCK "lách luật" cho khách hàng được vay chứng khoán để bán ngay sau khi mua (bản chất là nghiệp vụ T+0) gây ra sự cạnh tranh bất bình đẳng, nên nếu cơ quan quản lý cho áp dụng đồng bộ thì sẽ tránh được tình trạng này.

Trả lời về vấn đề hệ thống công nghệ của VSD có đáp ứng được việc giảm thời gian giao dịch xuống còn T+0 hay không, đại diện Trung tâm cho biết, việc giảm thời gian giao dịch xuống T+2 hay T+0 trước hết phải xuất phát từ chủ trương của cơ quan quản lý. Bởi chưa đi vào thực hiện thì khó có thể nói rằng phương án T+2 hay T+0, phương án nào phức tạp hơn, vì thực hiện phương án nào thì VSD cũng phải viết lại phần mềm kết nối giao dịch.

Hơn nữa, điều đáng nói là trong một vài đợt test phần mềm hệ thống mới, chỉ có khoảng 50% số CTCK là đáp ứng yêu cầu hoàn thành giai đoạn chạy thử nghiệm kết nối giao dịch T+2, phần còn lại vẫn chưa đáp ứng được. Ngay cả vấn đề sửa lỗi giao dịch hiện nay các CTCK vẫn chưa đi đến thống nhất…

Thực tế này cho thấy, cơ quan quản lý thị trường và VSD vẫn đang đi tìm lời giải cho bài toán T+2 và việc này đã tiêu tốn rất nhiều thời gian. Nếu phải giải thêm bài toán T+0 thì thị trường sẽ lại phải mất thêm nhiều thời gian chờ đợi.



Theo Hải Vân
ĐTCK
 

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Chứng khoán: Đánh xuống để chuẩn bị sóng lên?

Ngày đăng : 16/12/2011 - 11:13 AM

Đang có những động thái đánh xuống đầy "thiện chí" trên TTCK, không khó để nhận ra quá trình gom hàng đang dần được tiến hành, nhằm chuẩn bị cho một con sóng đánh lên trong không bao lâu nữa.

 

 

Hành hạ nhà đầu tư nhỏ

Một trò chơi nghiệt ngã mới lại được nhóm tạo lập thị trường đem ra hành xử với các nhà đầu nhỏ lẻ khốn khổ theo thuyết bầy đàn.

Phiên giao dịch ngày 14/12/2011, chỉ số HNX đã bị đánh tuột xuống khỏi đáy cũ và chính thức phá mốc 60 điểm. Lại một lần nữa, như kịch bản vào giữa tháng 5 năm nay, sau thời gian kéo ngang, cú lao dốc đã được bung đòn.

Lại một lần nữa tiếng ca thán nổi lên trên tất cả các diễn đàn mạng về chứng khoán. Nhà đầu tư nhỏ lẻ đã không thể hiểu nổi vì sao giá cổ phiếu đã còn hơn cả thê thảm mà vẫn có thể tiếp tục thê thảm hơn cả thế.

Tính chất "dã man" trong trò chơi hiển hiện ở chỗ cho dù nhà đầu tư không muốn bán, nhưng không khí bi quan cùng cực lan khắp thị trường vẫn bắt buộc họ phải bán. Không chỉ là bán mà còn phải bán tháo, bán bằng mọi cách, nhất là trong bối cảnh thanh khoản không còn được coi là tạm ổn như hồi giữa năm.

Bài bản cũ vẫn được lặp lại. Chỉ số HNX dù đã bị giảm rất sâu so với đáy hồi đầu năm 2009 và thực tế nhiều tháng nay đã không muốn giảm thêm nữa, nhưng để công cuộc đánh xuống tỏ ra có hiệu quả, nhóm tạo lập thị trường vẫn tiếp tục dùng những mã cổ phiếu có vốn hóa siêu lớn để "búa" và "dập". Khó ai có thể chịu nổi những quả tạ dồn dập một cách có hệ thống như thế.

Đáng lý ra, trò chơi này đã phải kết thúc vào giữa năm nay, khi các công ty chứng khoán giải quyết được cơ bản món giải chấp bằng con sóng đánh lên, và do đó đã thanh toán được cho các chủ nợ - ngân hàng phần lớn số vay.

Nhưng nếu trò chơi vắt kiệt sức nhà đầu tư vẫn tiếp diễn thì có thể hiểu đó là chuyện không bình thường, nằm trong vô số thứ không bình thường của cái TTCK chưa bao giờ bình thường này.

Đó là khả năng mà trong một nhận định vào đầu tuần này, chúng tôi đã dự báo: một tuần "chết chóc" mà có thể nhóm tạo lập thị trường sẽ đánh không thương tiếc chỉ số VNI xuống trọn 5 phiên.

Nhưng vì sao lại phải đánh xuống? Có lẽ đây mới chính là câu hỏi mà các nhà đầu tư, những người mất nhiều, số mất chưa đủ nhiều và cả những người sắp sửa mất, nên lưu tâm tìm hiểu, hơn là cố gắng trông đợi vào một con sóng ngắn hạn vô chừng nào đó.

Đánh xuống để chuẩn bị sóng lên

Trong suốt chiều dài con sóng giảm từ hơn 2 năm qua, có thể sơ kết thành mấy loại động cơ đánh xuống: đánh xuống mạnh nhằm gom hàng để sau đó đánh lên; đánh xuống nhẹ nhằm thoát dần hàng; và đánh xuống lâu dài với mục tiêu thâu tóm.

Thâu tóm doanh nghiệp qua sàn là mục tiêu trong trung hạn và dài hạn. Còn trong ngắn hạn, nếu thị trường giảm mạnh với ý đồ đánh xuống rõ rệt thì chỉ có thể xuất phát từ động cơ đánh xuống để đánh lên.

Vào giữa năm nay, khi thị trường cất tiếng ai oán, phép màu đã xảy ra khi lực cầu tổ chức dồn dập đổ vào, nhấc bổng chỉ số lên. Như những nhận định của chúng tôi trước và sau con sóng kỳ lạ ấy, mục tiêu chính của nhóm tạo lập thị trường là nhằm thoát hàng giải chấp và thanh toán một phần vốn vay cho ngân hàng vào thời điểm 30/6, khi tỷ lệ dư nợ tín dụng phi sản xuất tại các ngân hàng bắt buộc phải kéo giảm về mức 22% theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

Thế còn lần này thì sao? Lần này khác với giữa năm, nợ vay của công ty chứng khoán đối với ngân hàng không còn nhiều, giá trị cần phải giải chấp cũng không lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, chiến dịch đánh xuống vẫn được thực thi. Số cổ phiếu đổ dồn bán sàn không thuần túy là giải chấp, mà chủ yếu do tâm trạng thái chán ngán tích lũy quá lâu của các nhà đầu tư, trong đó có cả nhà đầu tư tổ chức.

Nếu chỉ nhìn vào nội tại TTCK, có lẽ khó đánh giá được toàn diện vấn đề. Song theo chúng tôi, một vấn đề khác rất đáng chú ý, đáng tham khảo, và cũng rất "đáng ngờ", là ngày tổ chức IPO cổ phần của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) đang đến gần.

Vào cuối tuần trước, trong buổi trả lời thắc mắc cho các nhà đầu tư, ông Trần Bắc Hà, TGĐ BIDV, đã tỏ ra khá tự tin khi cho rằng buổi IPO tại ngân hàng ông sẽ thành công với lực cầu lớn hơn cung. Mặt khác, ông Hà còn đề xuất một vài giải pháp cho TTCK và còn nói "úp mở" rằng có thể sắp tới, tức trước ngày 26/12 khi tổ chức IPO, TTCK có thể phục hồi.

Cần lưu ý rằng BIDV vẫn được xem là "con cưng" của Ngân hàng Nhà nước. Vì thế, những động thái cùng phát ngôn của người có trách nhiệm của ngân hàng này cũng có thể ít nhiều liên đới với chính sách của Ngân hàng Nhà nước.

Nếu không có gì thay đổi, sắp tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức một cuộc họp với các tổ chức tín dụng. Cuộc họp này có thể gợi cho chúng ta nhớ lại cuộc họp giữa cơ quan này với toàn bộ các ngân hàng thương mại vào đầu tháng 9/2011, để ngay sau đó quyết định tái thiết lập trần lãi suất huy động 14%.

Lần này, vẫn chưa thể biết rõ "đường đi" của Ngân hàng Nhà nước. Song với những gì mà BIDV đang thể hiện, qua đánh giá về tác động không nhỏ của BIDV đối với thị trường và quan sát động thái đánh xuống đầy "thiện chí" trên TTCK, không khó để nhận ra quá trình gom hàng đang dần được tiến hành, nhằm chuẩn bị cho một con sóng đánh lên trong không bao lâu nữa.

Tất nhiên, muốn có được con sóng đánh lên thì thị trường vẫn phải bị đánh xuống với biên độ mạnh ít nhất 4/5 phiên trong tuần này.

 

Theo Việt Thắng

VEF

 


Kỹ nghệ thổi giá cổ phiếu "ruồi"

Ngày đăng : 15/12/2011 - 6:21 PM

Thị trường suy sụp không có nghĩa là tất cả các cổ phiếu đều rơi vào tình trạng bê bết. Vẫn có rất nhiều mã một mình một ngựa thẳng tiến đến mức quái dị.

 

                       

 

Từ đầu tháng 12 đến nay, trong khi VN-Index giảm 4,11%, HNX-Index giảm 3,73% và nhiều mã như VC1 giảm 39,2%, CDC giảm 26,3%... thì vẫn có cả đống cổ phiếu tăng nhiều chục phần trăm đến mức khó tin.

Nếu tính mức tăng theo phần trăm thì KTS xứng đáng giữ vị trí “điên khùng” nhất: tăng tới gần 69%! Từ mức 11.800 đồng ngày 1/12, KTS hôm nay đã lên tới 19.900 đồng/cổ phiếu.

Tình trạng giao dịch của cổ phiếu này cũng “khùng” không kém mức tăng: Trong 11 phiên giao dịch với 9 phiên tăng trần, mỗi ngày KTS chỉ được khớp vỏn vẹn 100 cổ phiếu, tức là đơn vị giao dịch tối thiểu của HNX. Dĩ nhiên bên mua luôn chất vài chục tới cả trăm ngàn cổ phiếu mua trần.

Với mức chênh lệch cung cầu lớn như vậy, khả năng đưa giá lên mây là điều không mấy khó khăn. Dĩ nhiên điều này còn liên quan đến cơ cấu cổ đông. Với KTS, thông tin về cơ cấu sở hữu 2010 cho thấy Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) và Công ty TNHH Kim Hà Việt chiếm tới 83.64% trong tổng mức vốn 30 tỷ đồng. Lượng lưu hành thấp xưa nay luôn là tiền đề cho cho tất cả các sóng tăng khó hiểu nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Một điểm khá kỳ cục với KTS là cổ phiếu này đã từng đối mặt với nguy cơ bị đưa vào diện kiểm soát vì từ đầu tháng 10/2011 đến nay, có tới 40 phiên liên tục đóng băng thanh khoản. KTS chỉ thoát khỏi quy chế này nhờ lác đác một phiên khớp lệnh 100 cổ. Thực ra kể từ khi lên sàn HNX vào ngày cuối cùng của tháng 12/2010, KTS rơi vào cảnh chợ chiều suốt từ tháng 2/2011 trở đi.

Đột nhiên từ đầu tháng 12, KTS lại nhúc nhắc có thanh khoản dù chỉ 100 cổ mỗi ngày. Điều lý thú là trong 11 phiên giao dịch tăng giá đang diễn ra, chưa lúc nào KTS tăng trần liên tục quá 5 phiên. Cứ được 4 phiên kịch trần KTS lại có một phiên “nghỉ” – mất thanh khoản và giá đứng im. Một chiêu quá đơn giản để qua mặt hệ thống giám sát của HNX vì chỉ có cổ phiếu kịch trần/kịch sàn liên tục quá 5 phiên đi ngược lại thị trường mới bị “nhá” đèn đỏ yêu cầu giải trình. Do đó cũng không lạ gì khi KTS đến nay vẫn chưa có bất kỳ thông tin công bố nào liên quan đến biến động giá.

Một thông tin cũng khá trùng hợp là DATC cuối tháng 11 vừa qua đăng ký bán ra 100.000 KTS, từ ngày 23/11 đến 31/12/2011. Với một cổ phiếu mà thanh khoản chỉ đúng 1 lô và lác đác có giao dịch trong cả tháng trời như KTS thì để bán được qua hệ thống khớp lệnh trên sàn có lẽ cần phải có phép màu. Dĩ nhiên thương vụ này cũng có thể giao dịch thỏa thuận, hoặc, thu hút sự chú ý của nhà đầu tư nhằm kích cầu. Cả hai cách đều cần đến biến động giá, vì có sóng cổ phiếu khắc có khách, và giao dịch thỏa thuận cũng cần trong biên độ giá khớp tại ngày chuyển nhượng.

Để giám sát các trường hợp như KTS là cực kỳ dễ dàng vì với một cổ phiếu bị thị trường lãng quên, rất thuận lợi cho việc truy vết các giao dịch. Chẳng hạn thống kê lệnh mua của KTS từ ngày 28/11/2011 đến nay, phiên nhiều nhất cũng chỉ có 40 lệnh mua và phiên ít nhất có 12 lệnh mua. Phía bán đối ứng dĩ nhiên chỉ có duy nhất 1 lệnh bán. Các lệnh mua này rất có thể chỉ được quay vòng trên vài ba tài khoản.

Không tài như KTS, “đội lái” nếu có với cổ phiếu DNC, đã lỡ nhịp khi để cho cổ phiếu này tăng trần liên tục tới 7 phiên, từ ngày 1/12/2011 đến 9/12/2011. Dù trước đó DNC cũng có hai nhịp nghỉ để “nghi binh”, rốt cục cũng bị HNX phát hiện. HNX ngày 8/12 đã phát đi văn bản yêu cầu DNC giải trình. Cho đến hôm nay vẫn chưa thấy công bố thông tin nào từ phía doanh nghiệp.

Tuy nhiên cũng giống KTS, DNC có mức thanh khoản tối thiểu trong quá trình tăng giá. Nếu tính từ đầu tháng 12 thì DNC đã tăng 54,55%, còn nếu tính trọn con sóng kéo dài 16 phiên thì DNC tăng tới 88,89%!

Chi phí vốn đề “lái” DNC bèo đến mức chỉ cần dưới 10 triệu đồng là đủ. Đó còn là mức chi phí tính theo giá hôm nay (5.100 đồng/cổ phiếu). Thời điểm cuối tháng 11 DNC chỉ có hơn 3.000 đồng/cổ phiếu.

DNC nếu có tình trạng “làm giá” thì có lẽ cũng chỉ mang tính giải trí vì suốt từ đầu tháng 11/2011, mỗi ngày bên mua chỉ đặt vào nhiều nhất là 4 lệnh mua, thậm chí có nhiều phiên chỉ có một lệnh mua trần với khối lượng vài ngàn đơn vị.

Nếu sàng lọc trên cả hai sàn niêm yết, không khó để tìm ra hàng chục cổ phiếu đã tăng giá vài chục phần trăm từ đầu tháng đến nay. DHI chẳng hạn, cũng tăng hơn 32%, S27 tăng 25%, L62 tăng 23%, CMX tăng 28%, SSC tăng 24%, GTA  tăng 22%, TMS tăng 18%...

Điểm chung của những cổ phiếu tăng giá mạnh bất thường này là thanh khoản đều rất thấp. Một vài mã trên HSX có lượng giao dịch khá hơn nhưng cũng dưới 10.000 cổ mỗi ngày, còn trên HNX chỉ 100-200 cổ mỗi ngày. Dĩ nhiên cũng có nhiều cổ phiếu khác tăng giá tốt với thanh khoản chấp nhận được. Tuy nhiên tất cả những cổ phiếu như vậy đều “hít khói” nhóm cổ phiếu ruồi về tỉ suất lợi nhuận.

Phải nói rằng “lái” các cổ phiếu thanh khoản thấp là cực kỳ dễ dàng, nhất là khi giá của chúng đều lẹt đẹt vài ngàn đồng. Nhưng “lái” lên là một chuyện và hiện thực hóa lợi nhuận là chuyện khác hẳn. Trong nhiều trường hợp, các “lái tàu” chỉ ngồi chơi với nhau vì chả có nhà đầu tư nào tham gia hưởng ứng, chẳng khác gì cò mồi trên chiếu bạc giữa chợ.

 

 

Theo VnEconomy.vn


Tổng Giám đốc BVS: Nên tính đến phương án T+0

Ngày đăng : 15/12/2011 - 12:54 PM

Nếu tính đến phương án T+0 thì sẽ chỉ phải cải tổ một lần là thị trường chứng khoán Việt Nam có thể cạnh tranh với các thị trường quốc tế.

Ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Bảo Việt - BVS cho biết cùng với việc hoàn thiện khung pháp lý để hướng thị trường chứng khoán (TTCK) hoạt động minh bạch và chuyên nghiệp hơn, thì mong muốn thiết thực nhất của các thành viên thị trường cũng như nhà đầu tư là giảm thời gian giao dịch.

Ý tưởng giảm thời gian giao dịch từ T+3 xuống T+2 đã từng được bàn luận nhiều, nhưng theo ông Hòa, nếu đã đặt vấn đề giảm đến T+2 thì nên tính đến việc giảm xuống T+0, vì về kỹ thuật, hai phương án này có độ phức tạp tương đương, thậm chí phương án T+0 có thể sẽ đỡ phức tạp hơn là T+2.

Nếu phương án T+0 được thực hiện, sẽ không chỉ làm cho dòng tiền chu chuyển nhanh hơn, giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư, tăng tính thanh khoản, mà còn khích lệ các dòng vốn lớn đầu tư vào thị trường trái phiếu, giúp thị trường chứng khoán Việt Nam hoạt động cân bằng hơn.

Nếu áp dụng thời gian giao dịch T+0 và chu trình thanh toán T+3 thì quá trình xử lý lỗi vẫn thực hiện như bình thường, các công ty chứng khoán có thể thực hiện việc theo dõi vị thế số dư trong tài khoản của khách hàng, thực hiện thanh toán bù trừ ngay tại công ty chứng khoán trong ngày T+0. Sau đó, công ty chứng khoán sẽ thực hiện các thủ tục thanh toán theo đúng thời gian T+3 với Trung tâm Lưu ký.

Về việc từ 12/1/2012, ngành dịch vụ tài chính, trong đó có dịch vụ chứng khoán Việt Nam sẽ hội nhập toàn diện theo các cam kết WTO, theo ông Hòa, áp lực cạnh tranh với khối công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ 100% vốn nước ngoài sẽ không rõ ràng trong bối cảnh thị trường tài chính không chỉ trong nước mà thị trường quốc tế cũng còn rất ảm đạm.



Theo Đầu tư chứng khoán


Ai mua CTCK không?

Ngày đăng : 15/12/2011 - 9:37 AM
Đặc thù hoạt động rất giống nhau khiến các công ty chứng khoán nhỏ, yếu kém gần như chẳng có gì để “ra giá” với các công ty lớn.
 
Tổng giám đốc một công ty chứng khoán nhỏ thành thực thú nhận chỗ “người nhà” rằng mảng chứng khoán giờ như “của nợ” vậy. May mà còn lĩnh vực khác trong “group” lúc này gánh đỡ…
 
Sáng 14/12, thị trường đón nhận thêm thông tin, một công ty chứng khoán nữa phải “bán” khách qua một công ty khác: Chứng khoán Đông Dương (DDSC) thông báo với khách hàng sẽ tạm dừng nghiệp vụ môi giới và chuyển mảng này qua Chứng khoán Kim Eng (KEVS).
 
Theo thông tin từ Chứng khoán Đông Dương, khách hàng vẫn là của công ty, chỉ chuyển các nghiệp vụ qua Kim Eng mà thôi. Sau khi tìm kiếm được đối tác hợp tác để tăng vốn, Đông Dương sẽ mở lại nghiệp vụ này.
 
Việc công ty chứng khoán cắt giảm bớt nghiệp vụ không phải là mới. Tuy nhiên trước đó mới chỉ là sức ép từ yêu cầu tăng vốn tối thiểu của cơ quan quản lý. Tình hình hiện tại bi đát hơn nhiều, khi không ít công ty lún sâu vào thua lỗ, cụt vốn và phải chủ động cơ cấu lại hoạt động. Ngay với Chứng khoán Đông Dương, một phó tổng giám đốc của công ty này cũng thừa nhận trong bối cảnh thị trường khó khăn, công ty rơi vào tình trạng thiếu vốn nên không thể duy trì các hoạt động kinh doanh không mang lại nhiều doanh thu nhưng lại tốn chi phí lớn.
 
Còn nhớ, mới hồi đầu tháng 2 năm nay, Đông Dương triển khai phần mềm giao dịch trực tuyến mới và tặng ngày 100 triệu đồng phí giao dịch cho khách hàng mới mở tài khoản. Thậm chí, tham vọng của công ty thời điểm đó là đưa Đông Dương trở thành một trong số những công ty chứng khoán hàng đầu, vững mạnh về công nghệ với những phương tiện giao dịch hiện đại nhất Việt Nam!
 
Chứng khoán SME, cái tên nổi như cồn cách đây vài năm cũng là nhờ áp dụng hệ thống giao dịch bằng phần mềm thuộc loại hiện đại nhất thời điểm đó. Giới đầu tư thì thầm kháo nhau về hàng loạt tiện ích của nó và số tài khoản mở mới tăng vọt. Tuy nhiên đa phần là tài khoản ảo, mở ra để xài phần mềm là chính, còn tiền vẫn để ở công ty khác! SME giờ đang lo xoay tiền để trả khách hàng và rất có thể cũng đang tìm kiếm đối tác rót thêm vốn.
 
Chưa bao giờ khái niệm mua bán, sáp nhập công ty chứng khoán lại rộ lên như gần đây, nhất là khi có “đề án” tái cấu trúc trên rất nhiều lĩnh vực. Với hơn 100 công ty chứng khoán trên thị trường Việt Nam mà trong khi đáng lẽ chỉ cần một phần ba, thì câu chuyện tái cấu trúc đã có từ lâu. 
 
Năm 2008, tưởng như hoạt động này sẽ sôi động, nhưng hóa ra các gói kích thích kinh tế lại giúp nhiều công ty chứng khoán cầm hơi được. Đến lúc này thuốc đã hết, sức đã kiệt, cộng thêm khả năng quản lý rủi ro kém khiến nhiều công ty rơi vào cảnh nợ nần, mất vốn.
 
Tuy nhiên đến giờ vẫn chưa có cảnh công ty chứng khoán phá sản, mặc dù số lỗ lũy kế, âm vốn chủ sở hữu là khá nhiều. Việc phá sản gắn liền với nguy cơ mất khả năng trả nợ chứ không phải chuyện kinh doanh lãi lỗ. Dĩ nhiên khi đã mất sạch vốn chủ sở hữu thì công ty cũng chỉ là cái xác không hồn. 
 
Nhiều công ty chứng khoán tuy thua lỗ nhưng vẫn là đang bị cắn vào “thịt” chứ chưa đến mức bị chủ nợ đòi mà mất khả năng thanh toán. Thu hẹp nghiệp vụ, dòng tiền kiếm được không đủ bù cho chi phí hoạt động, công ty chứng khoán phải sống cảnh vật vờ. Trong bối cảnh đó, chỉ có chính các chủ sở hữu công ty quyết định “cắt lỗ” bằng cách bán lại.
 
Chứng khoán Vincom hồi đầu năm đã được bán cho Xuân Thành Group là một ví dụ điển hình cho hoạt động mua bán dạng này. Với một tổ chức lớn trong nước muốn mở rộng thêm lĩnh vực hoạt động sang mảng chứng khoán thì đây là đường đi ngắn nhất. 
 
Có lẽ các thương vụ cách đây một năm còn dễ dàng hơn, nhất là đối với các công ty vẫn có khả năng hoạt động tốt. Sự dễ dàng ấy không dám chắc sẽ còn tiếp tục vào thời điểm này vì ngay chính các tổ chức lớn cũng phải tính toán cơ cấu lại hoạt động của mình. Đó là chưa kể đến triển vọng cạnh tranh quá khốc liệt trong mảng chứng khoán.
 
Việc sáp nhập giữa các công ty chứng khoán lại càng khó khăn hơn. Đặc thù hoạt động rất giống nhau khiến các công ty chứng khoán nhỏ, yếu kém gần như chẳng có gì để “ra giá” với các công ty lớn. Nếu chỉ là bỏ tiền ra để mua lại một công ty khác như phép cộng số học thì chắc chắn không công ty chứng khoán lớn nào thực hiện. Mua lại để “tiêu diệt” đối thủ thì càng không cần, vì cứ để đó đối thủ sẽ tự chết. Thậm chí những công ty lớn còn không coi các công ty nhỏ là “đối thủ” cần để mắt tới.
 
Một “cửa” nữa cũng khá hợp thời và rất khả thi lúc này là tìm cách bán cho đối tác nước ngoài, những tổ chức muốn nhảy vào thị trường Việt Nam khi lộ trình cam kết WTO trong lĩnh vực chứng khoán được mở hết cỡ. 
 
Từ 1/1/2012, nhà đầu tư nước ngoài sẽ được phép thành lập công ty chứng khoán 100% vốn. Dĩ nhiên việc mua lại giấy phép sẽ đơn giản hơn thành lập mới. Vấn đề là công ty nào sẽ hợp “khẩu vị” của nhà đầu tư ngoại: chỉ cần cái vỏ với giấy phép, hay thâu tóm công ty chất lượng?
 
Thực tế là những tổ chức nước ngoài có ý định nhảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam đã có mặt từ lâu. Những vụ “kết hôn” có yếu tố nước ngoài đã rầm rộ từ vài năm nay, dĩ nhiên tỉ lệ sở hữu tối đa chỉ là 49%. 
 
Những cái tên thuần “ngoại” như Kim Eng, Mirae Asset, Golden Bridge, Kenanga… lẫn những tên ghép như Morgan Stanley Hướng Việt, Saigonbank Berjaya Woori CBV… đã trở nên quen thuộc. Đó là những bước đi sớm nhất và liệu trào lưu thứ hai có bùng nổ hay không thì chưa thể biết trước.
 
Trước khi các cánh cửa mở ra với những công ty chứng khoán ngấp nghé bờ vực, chí ít những công ty này phải nỗ lực để sống vật vờ. Nhiều công ty đã nỗ lực tìm cách tăng vốn dù điều này là rất khó khăn. Xếp hàng chờ tổ chức khác đến mua lại, hay rót vốn vào không phải là điều mong muốn ban đầu khi thành lập doanh nghiệp, nhưng còn là kết cục có hậu.
 
Theo Khánh Hà
TBKTVN

 


CTCK 49% vốn ngoại hướng tới giờ "G"

Ngày đăng : 15/12/2011 - 9:33 AM
Khi được pháp luật cho phép, đối tác Hàn Quốc sẽ gia tăng tỷ lệ sở hữu tại KIS lên 65%.
 
Dù có sự lưỡng lự nhất định, nhưng các cổ đông nước ngoài của CTCK 49% vốn ngoại đang hướng về thời điểm TTCK Việt Nam mở cửa hoàn toàn cho các công ty môi giới chứng khoán ngoại với các toan tính cụ thể.
 
3 nhóm "ngoại binh"
 
Vài tháng trước, CTCK Gia Quyền chính thức đổi tên thành CTCK KIS Việt Nam và dời trụ sở về một cao ốc mới xây trên phố Nguyễn Công Trứ (TP. HCM). Tiếp phóng viên ĐTCK trong văn phòng mới, ông Oh Kyung Hee, Tổng giám đốc KIS tiết lộ: "Thị phần của KIS hiện giờ còn ở mức khiêm tốn, nhưng mục tiêu năm tới của chúng tôi là 1 - 1,5% toàn thị trường".
 
Korea Investment & Securities (KIS) hiện là 1 trong 5 CTCK lớn nhất tại Hàn Quốc. Cuối năm ngoái, KIS bỏ ra gần 130 tỷ đồng, mua 49% cổ phần chào bán riêng lẻ của đối tác Việt Nam tại Gia Quyền.
 
Trước KIS, CTCK Woori cũng nằm trong Top 5 tại Hàn Quốc và đã hiện diện tại Việt Nam khi mua 49% cổ phần của CTCK Biển Việt. Thậm chí, tập đoàn quản lý tài sản lớn của Hàn Quốc Mirea Asset Management còn có mặt sớm hơn khi cuối năm 2007, mới chân ướt chân ráo vào TTCK Việt Nam, Mirea đã trực tiếp góp vốn thành lập CTCK Mirae Asset (MAS).
 
Vài tháng sau sau đó, đồng hương của Mirae Asset, Tập đoàn tài chính Golden Bridge chọn đi đường vòng khi mua lại 49% vốn của CTCK Click & Phone, khoác thương hiệu mới Golden Bridge Việt Nam (GBVS) cho đối tác nội địa.
 
Khoảng 3 - 4 năm trở lại đây, TTCK Việt Nam chứng khiến nhiều cuộc se duyên giữa CTCK nội địa với đối tác nước ngoài.
 
Một số đối tác ngoại đã hướng đến tỷ lệ sở hữu tối đa mà pháp luật cho phép. Đó là nhóm CTCK "ngoại binh"- nước ngoài chiếm 49% vốn, nhưng mang sang theo mô hình và kinh nghiệm quản lý từ tập đoàn mẹ.
 
Nhìn bên ngoài, các CTCK này có nhiều nét tương đồng: trụ sở chính tọa lạc ở các cao ốc lớn, mạnh tay đầu tư cho hạ tầng và công nghệ, hướng khách hàng giao dịch online, đưa nhân sự cao cấp từ tập đoàn mẹ sang, tuyển dụng giám đốc phân tích người nước ngoài… và cũng mới xác lập vị thế khiêm tốn trên thị trường nội địa.
 
Căn cứ vào đối tác nước ngoài góp vốn, có thể phân chia các "ngoại binh" này làm 3 nhóm chính.
 
Nhóm thứ nhất, các CTCK như Kim Eng Việt Nam (KEVS), KIS, Woori, Thành Công…, cổ đông lớn nước ngoài lấy môi giới chứng khoán và các hoạt động liên quan làm hoạt động kinh doanh "lõi".
 
Nhóm thứ hai là các CTCK có cổ đông lớn là các tập đoàn quản lý tài sản hay quỹ đầu tư, môi giới chứng khoán là mảng đóng vai trò phụ trợ. Số này có thể kể tới MAS, GBVS, VinaSecurities (cổ đông lớn là quỹ Vina Capital), Horizon Securities (cổ đông lớn là quỹ Tầm nhìn), Morgan Staley Hướng Việt (cổ đông lớn Morgan Staley)…
 
Nhóm thứ ba là các CTCK có phần vốn của đối tác nước ngoài xuất phát từ các tập đoàn lớn hoạt động đa ngành, chứng khoán chỉ là một nhánh khá nhỏ của tập đoàn mẹ, ví dụ CTCK SaigonBank Berjaya - SBBS (cổ đông lớn phía sau là Tập đoàn Berjaya của Malaysia), CTCK Phú Hưng - PHS (cổ đông lớn Tập đoàn Đài Loan Central Trading & Development- đầu tư xây dựng Khu đô thị Phú Mỹ Hưng)…
 
Những tầm nhìn khác biệt
 
Theo khảo sát của ĐTCK, dù có xuất xứ đa dạng nhưng trong hoạt động của các CTCK ngoại binh có điểm khác biệt lớn nhất với các CTCK nội địa, đó là: chiến lược hoạt động tập trung vào môi giới và nhấn mạnh nguyên tắc quản trị rủi ro.
 
Bà Josephine Yei, Tổng giám đốc SBBS nói với ĐTCK, dù Công ty đủ điều kiện tiến hành tự doanh nhưng vẫn chỉ thực hiện nghiệp vụ chính là môi giới và tư vấn. Bà Josephine Yei giải thích, theo kinh nghiệm của cổ đông lớn tại TTCK Malaysia, việc SBBS tiến hành hai nghiệp vụ song song có thể tiềm ẩn các nguy cơ xung đột lợi ích.
 
Tương tự, ông Oh Kyung Hee cho biết, theo kinh nghiệm tại Hàn Quốc, KIS Việt Nam không tự doanh và lấy trọng tâm là hoạt động môi giới, trong đó hướng vào 3 nhóm NĐT: khách hàng cá nhân nội địa, các NĐT tổ chức và NĐT tại Hàn Quốc.
 
Trong khi đó, ông David Jensen, Giám đốc Phụ trách khối khách hàng tổ chức của PHS cho biết, Công ty dành mọi nguồn lực hiện nay cho việc phát triển môi giới, số tiền dành cho tự doanh khá nhỏ, chỉ ở mức vài tỷ đồng.
 
Giải thích hình ảnh có phần mờ nhạt 4 năm qua của MAS tại TTCK Việt Nam, ông Woo Young Ki, Giám đốc điều hành Công ty cho biết, thế mạnh của Tập đoàn tại các thị trường mới nổi là quản lý tài sản. Năm 2006 - 2007, khi cái tên Việt Nam rất nổi tại các hội thảo đầu tư quốc tế, MAS thành lập tại Việt Nam để hỗ trợ cho hoạt động của công ty quản lý quỹ đã vào từ trước.
 
Ông Lê Minh Tâm, Tổng giám đốc KEVS nhận xét, cổ đông lớn nước ngoài góp vốn vào CTCK Việt Nam nhìn TTCK nội địa bằng con mắt trải nghiệm của người đi trước. Họ tiếp cận thị trường giai đoạn ban đầu đặc biệt thận trọng. Tuy nhiên, ngay với mảng nghiệp vụ môi giới, các CTCK 49% vốn ngoại cũng thể hiện những toan tính khác biệt.
 
Chẳng hạn, khi KEVS hướng mục tiêu phát triển thị phần vào nhóm khách hàng cá nhân thì nhiều CTCK nhóm 2 lại hướng vào khối khách hàng tổ chức. Và tại một thị trường cận biên như TTCK Việt Nam - nơi 90% giá trị giao dịch thuộc về NĐT nhỏ, các tầm nhìn khác biệt đã cho những kết quả khác nhau.
 
Hướng tới giờ "G"
 
Theo quan sát của ĐTCK, một số CTCK vốn ngoại chiếm 49% vốn hoạt động không nổi trội hơn các CTCK nội địa. Nhưng vị thế khiêm tốn của nhiều "ngoại binh" hiện nay chắc chắn chưa phản ánh đúng tiềm lực của họ, đặc biệt khi khị trường nội địa nghèo nàn các sản phẩm tài chính và đi xuống liên tục 4 năm qua.
 
Ông Woo Young Ki cho biết, sau ngày 12/1/2012 sẽ tham khảo các thông tin hướng dẫn từ cơ quan quản lý Việt Nam và tập đoàn mẹ tại để có phương án hành động cụ thể. Trong khi đó, người đồng hương Hàn Quốc Oh Kyung Hee tiết lộ, để đạt được mục tiêu về thị phần, năm tới KIS cần mở rộng mạng lưới, tăng cường sức mạnh về tài chính. Khi được pháp luật cho phép, đối tác Hàn Quốc sẽ gia tăng tỷ lệ sở hữu tại KIS lên 65%.
 
Còn năm tới, KEVS đã lên kế hoạch phát hành trái phiếu huy động vài trăm tỷ đồng, đồng thời để ngỏ khả năng mở rộng nghiệp vụ tự doanh hay lập công ty quản lý quỹ cho đến khi cuộc chuyển giao quyền lực Kim Eng Holding - Maybank hoàn tất.
 
Khi được hỏi về thế mạnh của PHS trong giai đoạn hiện nay, ông David Jensen nói rằng, đó là "khả năng chịu đựng và khả năng sống sót". Lý giải của ông David là phía sau PHS còn có tập đoàn hùng mạnh đến từ Đài Loan.
 
Ông này không tiết lộ về tham vọng tăng tỷ lệ sở hữu tại PHS của tập đoàn mẹ, nhưng cho biết, chắc chắn tập đoàn mẹ sẽ thành lập công ty quản lý quỹ.
 
Phát biểu một cách thận trọng, bà Josephine Yei cho biết, tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn nước ngoài tại SBBS sẽ được xem xét căn cứ vào kịch bản phục hồi của TTCK.
 
Dù có sự lưỡng lự nhất định, nhưng các cổ đông nước ngoài của CTCK 49% vốn ngoại đang hướng về thời điểm TTCK Việt Nam mở cửa hoàn toàn cho các công ty môi giới chứng khoán ngoại với các toan tính cụ thể.
 
Theo Giang Thanh
ĐTCK

 

Tin mới cập nhật