Ngày đăng :
20/12/2011 - 10:09 AM
Theo HSBC, với lạm phát vẫn ở mức cao, Việt Nam cũng không có nhiều điều kiện để điều chỉnh các chính sách của mình.
Thâm hụt tài khoản vãng lai, dự trữ bảo đảm cho nợ ngắn hạn nước ngoài và nhập khẩu thấp, cùng với lạm phát cao khiến Việt Nam dễ bị tác động từ suy thoái toàn cầu cầu hơn 4 nước láng giềng khác trong khu vực Đông Nam Á, HSBC Holdings nhận định.
Những nguy cơ lây lan trong khu vực thương mại và tài chính tại Việt Nam đang trầm trọng hơn do sự mất cân bằng lớn giữ trong và và ngoài nước, theo báo cáo của HSBC, đồng thời cũng đánh giá mức độ tổn thương của Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan.
Theo HSBC, Việt Nam, với lạm phát vẫn ở mức độ cao, cũng ít có điều kiện thuận lợi để điều chỉnh các chính sách.
Các tổng công ty tại Việt Nam và Philippines có tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu cao nhất trong nhóm 5 nước, với đòn bảy cao hơn trong quá trình hồi phục trước đó.
Theo DVT
|
Ngày đăng :
20/12/2011 - 9:52 AM
Lạm phát cả năm 2011 dự báo khoảng 18%, đây là một mức rất cao và khi tất cả đang lo lắng một cái tết eo hẹp trong đắt đỏ và một năm 2012 nhiều khó khó thì tăng giá điện thực sự là một cú sốc. Điều này sẽ gây ra tác động kép khó khăn cho DN.
Sau 1 thời gian ngắn "im hơi lặng tiếng", bắt đầu từ 20/12/2011, giá điện bình quân sẽ được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) điều chỉnh tăng 5% so với giá bán hiện hành.
Theo đó, giá bán điện bình quân là 1.304 đ/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 62 đồng/kWh so với giá bán điện bình quân hiện hành được duyệt (1.242 đồng/kWh).
EVN cho biết, việc tăng giá điện lần này đã nhận được sự chấp thuận của Bộ Công Thương. Theo EVN, việc điều chỉnh giá bán điện hiện tại là cần thiết để giá điện đảm bảo phản ánh đúng chi phí sản xuất kinh doanh điện thực tế, bù đắp một phần chi phí phát sinh khách quan trong năm 2010 do hạn hán phải huy động các nhà máy chạy dầu giá cao và một số chi phí còn treo lại chưa được tính vào giá bán điện.
Với số lỗ năm 2010 lên tới 8.400 tỷ đồng và lỗ lỹ kế tính đến nay là 35.000 tỷ đồng thì việc tăng giá để bù đắp thua lỗ là việc cần thiết nhằm duy trì hoạt động của ngành điện.
Bên cạnh đó nhu cầu về điện ngày càng tăng cao trong khi đầu tư vào điện cần vốn lớn nhưng giá điện thấp không khuyến khích đầu tư, việc tăng giá điện sẽ tạo ra sự hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư, nhằm đảm bảo nhu cầu lâu dài. Ngoài ra việc tăng giá điện cũng sẽ giúp người sử dụng tiết kiệm điện và sử dụng điện có hiệu quả hơn.
Tuy nhiên thời điểm lựa chọn tăng giá điện lần này lại đang làm nhiều người lo ngại. Nhiều người dân đã tin tưởng rằng từ nay đến Tết nguyên đán sẽ không có chuyện tăng giá xăng, giá điện như lời của một vị Bộ trưởng, thì nay đúng lúc năm hết Tết đến giá điện lại bất ngờ tăng.
Thực tế, sau nhiều sự kiện đánh động, việc tăng giá điện đã được nhiều người dự báo sẽ đến nhưng không ngờ nó lại đến sớm thế. Và nhất là tăng vào thời điểm tăng giá cuối năm. Mặc dù về kỹ thuật, tác động tăng giá sẽ được tính vào năm 2012 nhưng hậu quả cuối cùng là DN và người dân vẫn phải gánh chịu, chi phí sẽ đắt đỏ hơn, đời sống người dân và kinh tế sẽ có nhiều khó khăn hơn.
Ông Nguyễn Tiến Thoả, Cục trưởng Cục Quản lý giá ( Bộ Tài chính) cho biết giá điện tăng 5% tác động trực tiếp đến chỉ số giá (CPI) không lớn bởi điện chỉ chiếm 3% trong tổng CPI, còn tác động gián tiếp thì cần phải có tính toán cụ thể. Giá điện sẽ chui vào giá sản phẩm và sản phẩm sản xuất ra có tiêu thụ được trên thị trường hay không lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng giá điện tăng dù chỉ 1% cũng sẽ ảnh hưởng tới việc kiềm chế lạm phát và đời sống của người dân cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Giá điện tăng sẽ tác động dây chuyền khiến cho giá cả nhiều mặt hàng tăng.
Nhận được thông tin tăng giá điện, các DN bắt đầu lo ngại. Giá điện tăng sẽ làm cho giá thành sản phẩm tăng và giảm lợi nhuận giảm.
Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép VN cho biết, việc tăng giá điện 5% không ảnh hưởng đến các DN thép nhiều. Các DN thép thời gian qua đã đầu tư nhiều công nghệ hiện đại giúp cho tiêu hao điện giảm mạnh. Hiện giá điện chỉ chiếm 7% trong lĩnh vực luyện phôi và 1% trong các lĩnh vực sản xuất thép khác.
Tuy nhiên theo ông Cường, chi phí sử dụng điện tăng lên trực tiếp các DN thép có thể chủ động kiểm soát được, điều lo ngại là hiệu ứng tăng giá cộng hưởng từ phía các nhà cung ứng nguyên vật liệu đầu vào sẽ gây trở ngại không nhỏ cho việc kiểm soát chi phí của DN.
"Chúng tôi chỉ lo các nhà cung ứng dựa vào điện tăng giá để nâng giá nguyên vật liệu đầu vào thì các DN thép khó kiểm soát nổi", ông Cường nói.
Hiệp hội Phân bón Việt Nam cũng cho biết giá điện tăng 5% sẽ làm cho chi phí sản xuất phân bón tăng từ 1%- 1,5%. Nhưng đó mới chỉ tính được chi phí trực tiếp do giá điện tăng mà DN phân bón tiêu thụ điện phải trả thêm, còn chưa thể tính được các tác động gián tiếp như các nhà cung cấp nguyên vật liệu đầu vào có tăng giá lên không và tăng bao nhiêu. Đây mới là tác động quan trọng và khó lường làm cho nhiều DN bị động.
Theo các DN xi măng, giá điện tăng 5% sẽ làm cho chi phí sản xuất xi măng tăng từ 1,5%- 2%. Vào đầu tháng 3 năm nay giá điện tăng trên 15% đã làm cho giá thành sản xuất xi măng tăng gần 10%. Bên cạnh đó, lãi suất vay ngân hàng năm nay cũng tăng cao trong khi thị trường bất động sản đang trầm lắng, đã làm cho ngành xi măng gặp khó khăn, tiêu thụ giảm. Nay giá điện lại tăng thêm 5% thì đương nhiên khó khăn sẽ tăng thêm cho các DN.
Các phân tích cho thấy, giá điện tăng 5% sẽ chỉ tác động làm CPI tăng trực tiếp về mặt lý thuyết ở mức thấp, song nếu tính tác động đến các vòng tiếp theo và cả các yếu tố tâm lý thì tỷ lệ tăng chung lên CPI cao hơn.
Đây là dịp gần Tết nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, nhiều sản phẩm luôn tiềm ẩn khả năng tăng giá lớn, nay giá điện tăng sẽ là cơ hội để những người kinh doanh trục lợi đẩy giá lên kiếm lời và gây tác động tiêu cực tới thị trường.
Ngoài ra khi EVN quyết định tăng giá điện cũng khiến nhiều người tiêu dùng bức xúc. Nhiều người đặt câu hỏi tăng giá điện tăng liệu có đúng là chỉ để trả nợ, thua lỗ về chi phí sản xuất điện hay cho cả những lĩnh vực không liên quan đến điện mà EVN đầu tư bị thua lỗ như viễn thông, cũng như quản lý yếu kém dẫn tới thua lỗ?.
Đặc biệt, theo nhiều chuyên gia về giá cả, nếu như theo các con số công bố trước đây giá điện sẽ phải tăng 10 - 15% trong năm 2012. Điều đó có nghĩa, 5% cuối năm 2011 chỉ là một bước đầu, một bước đi kỹ thuật về thời điểm để giảm sốc tâm lý mà thôi. Còn chắc chắn sau đây, trong năm 2012, giá điện sẽ còn những bước tăng tiếp theo. Điều có thể chắc chắn là mức tăng khó mà thấp hơn 2011.
Theo Trần Thủy
VEF
|
Ngày đăng :
19/12/2011 - 6:59 PM
Năm 2011 được tổng kết với những con số không ngờ trong ngành ngân hàng: 12% tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống, 24% tăng tín dụng nông thôn, 58% tăng tín dụng xuất khẩu của năm 2011…
Được báo cáo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2012 và nhìn lại hoạt động năm 2011, diễn ra cuối tuần trước.
Nhìn lại năm 2011, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nhận xét, hệ thống ngân hàng đã phải "thắt lưng buộc bụng", kiềm chế tăng trưởng tín dụng ở mức thấp chưa từng có trong lịch sử phát triển ngành ngân hàng, dự kiến kết thúc năm 2011, chỉ từ 12 - 13% so với trung bình của 5 năm gần đây là 33% và 10 năm là 29,4%.
Điều này không hoàn toàn là xấu. Hệ số ICOR (số đồng vốn bỏ ra để có một đồng tăng trưởng) của toàn nền kinh tế năm nay sẽ hạ khá nhiều so với những năm trước, cho thấy đóng góp từ hiệu quả chất lượng tín dụng ngân hàng.
Ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó thống đốc NHNN cho biết, NHNN xác định năm 2012, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 14 - 16%, tín dụng (gồm cả trái phiếu doanh nghiệp) tăng khoảng 15 - 17%; lãi suất và tỷ giá được điều hành ở mức hợp lý, phù hợp với các cân đối kinh tế vĩ mô, diễn biến thị trường tiền tệ, ngoại hối.
NHNN sẽ giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các nhóm TCTD theo nguyên tắc TCTD hoạt động tốt hơn thì tăng trưởng tín dụng cao hơn. Đặc biệt, NHNN sẽ tổ chức triển khai Nghị định thay thế Nghị định số 174/1999/NĐ-CP ngày 9/12/1999 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng sau khi được Chính phủ ban hành, nhằm tổ chức sắp xếp lại một bước thị trường vàng, tăng cường khả năng điều tiết của NHNN đối với thị trường này, góp phần bình ổn thị trường.
NHNN sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại hoạt động ngân hàng theo Đề án được Chính phủ phê duyệt với nguyên tắc không để xảy ra đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát, từng bước nâng cao tính an toàn, lành mạnh và hiệu quả của hệ thống ngân hàng. Kiên quyết xử lý dứt điểm những ngân hàng yếu kém, tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD hoạt động an toàn, hiệu quả…
Mặc dù cũng đồng tình với những kết luận về hoạt động năm 2011 và ủng hộ các chỉ tiêu năm 2012 mà NHNN đề ra, nhưng ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch BIDV vẫn cho rằng, NHNN chưa đánh giá thẳng thắn về tình hình hoạt động ngân hàng năm 2011 như tăng trưởng tín dụng của hệ thống không phản ánh đúng thực tế; tốc độ điều chỉnh tỷ giá quá nhanh; Báo cáo của Thanh tra giám sát NHNN còn sơ sài; việc điều hành chính sách tiền tệ theo nhóm cần có những điều kiện, tiêu chí phân loại nhóm minh bạch, rõ ràng, tránh những thông tin về lợi ích nhóm; phân loại nợ cần cụ thể, theo chuẩn mực chung; cẩn trọng với câu chuyện vượt trần lãi suất lại đang tiếp diễn và cần cân nhắc áp trần lãi suất cho vay…
Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch HĐQT LienVietPostBank nhìn nhận, sau một năm giông tố, các đại biểu đến dự Hội nghị với những nụ cười "vừa phải", nhưng các lãnh đạo ngân hàng, đặc biệt là những NHTM khó khăn chắc chắn đánh giá cao hành động cương quyết của Thủ tướng và Thống đốc. Ông Hưởng cũng khuyến nghị, cần rút ngắn khoảng cách giữa truyền thông và hệ thống ngân hàng (hiện vẫn còn xa cách); phải có tốc độ tăng trưởng tín dụng "mấp mô" chứ không nên quy định san bằng.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị NHNN nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ngành, trước hết là ban hành thể chế, quy phạm, để tạo điều kiện cho các ngân hàng ngày càng phát triển hiệu quả và ngăn chặn rủi ro cho từng ngân hàng, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, giám sát và kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các tổ chức tín dụng nhằm đảm bảo an toàn hệ thống; xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển đáp ứng yêu cầu phát triển...
"Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mở nhiều chi nhánh tại Hà Nội, TP. HCM để làm gì?", Thủ tướng đặt câu hỏi.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu NHNN tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt theo tín hiệu thị trường, vừa đảm bảo kiểm soát lạm phát, vừa đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất, yêu cầu tăng trưởng kinh tế theo các chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua.
Điều hành chủ động, linh hoạt và hợp lý các công cụ chính sách tiền tệ để từng bước giảm dần mặt bằng lãi suất theo mức giảm của lạm phát, bảo đảm khả năng thanh khoản của nền kinh tế; chính sách tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường tiền tệ để bảo đảm các cân đối vĩ mô, khuyến khích xuất khẩu, giảm nhập siêu, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước, ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam và hạn chế tình trạng đô la hóa của nền kinh tế. Nghiên cứu, có giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp để vượt qua khó khăn, trước hết, là cải thiện khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp…
Theo ĐTCK
|
Ngày đăng :
19/12/2011 - 6:52 PM
Bộ Công Thương vừa có quyết định cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng giá bán điện bình quân lên 5% từ 20/12/2011.
Trong thông cáo báo chí phát đi sáng 19/12, EVN cho biết, ngày 16/12 vừa qua, trên cơ sở đề xuất của EVN, Bộ Công Thương đã có văn bản 380/BCT –ĐTĐL chấp thuận việc tăng giá điện của tập đoàn này.
Theo đó, giá bán điện bình quân từ ngày 20/12/2011 sẽ có mức 1.304 đồng/kWh, chưa bao gồm thuế VAT, tăng 62 đồng/kWh so với giá điện bình quân hiện hành là 1.242 đồng/kWh.
Đối với giá điện sinh hoạt bậc thang từ 0 -50 kWh cho hộ nghèo và bậc thang từ 0 - 100 kWh, tạm thời không tăng trong lần điều chỉnh này.
Theo EVN, việc điều chỉnh giá điện trong bối cảnh hiện nay là cần thiết để giá điện đảm bảo phản ánh đúng chi phí sản xuất, kinh doanh điện thực tế, đồng thời bù đắp một phần chi phí phát sinh khách quan trong năm 2010 do hạn hán phải huy động các nhà máy chạy dầu giá cao và một số chi phí còn treo lại chưa được tính vào giá điện.
Đồng thời, việc tăng giá điện cũng là tín hiệu để thu hút đầu tư vào các dự án điện cũng như khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
EVN cũng lưu ý mong muốn các cơ quan thông tin đại chúng đưa tin, tuyên truyền đúng chủ trương tăng giá điện và mức tăng lần này, tránh tình trạng lợi dụng việc điều chỉnh giá điện để tăng giá các hàng hoá và dịch vụ một cách bất hợp lý, làm ảnh hưởng tới đời sống nhân dân và nền kinh tế.
Trong cuộc họp báo mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, việc tăng giá điện trong thời gian tới là khó tránh khỏi vì thực tế giá điện đang được bán dưới giá thành. Đồng thời, việc tăng giá điện cũng nhằm mục đích “gánh” một phần khoản lỗ cho EVN trong mấy năm qua do phải chạy dầu và chênh lệch tỷ giá.
Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ khi trả lời chất vấn trước Quốc hội cũng cho biết, giá điện trong năm tới dự kiến sẽ tăng trên 10%.
Theo VnEconomy.vn
|
Ngày đăng :
19/12/2011 - 6:49 PM
Kết quả kiểm toán báo cáo tài chính 2010 tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, thu nhập bình quân ở công ty mẹ - EVN còn cao hơn nhiều so với mức mà lãnh đạo tập đoàn này công bố mới đây.
Kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, thu nhập bình quân ở công ty mẹ - EVN là 13,7 triệu đồng/người/tháng; thu nhập bình quân khối truyền tải điện là 10,8 triệu đồng/người/tháng và thu nhập bình quân khối phân phối điện là 7,9 triệu đồng/người/tháng.
Không những thế, theo Kiểm toán Nhà nước, việc phân phối tiền lương theo đơn giá cho các đơn vị thuộc công ty mẹ - EVN chưa đảm bảo lợi ích hài hoà giữa các đơn vị. Bởi lẽ, thu nhập bình quân ở cơ quan văn phòng công ty mẹ - EVN còn cao gấp hơn hai lần thu nhập bình quân chung của cả công ty mẹ.
Trong cuộc họp báo mới đây, Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh cho biết, thu nhập bình quân toàn tập đoàn năm 2009 của EVN là 7,3 triệu đồng/tháng. Còn năm 2010, số cụ thể không được tiết lộ, chỉ biết rằng lỗ bằng 95% lương. Khi đó, lãnh đạo EVN đã nói là “đau lòng” vì lương của nhân viên ngành điện chỉ có “ngần đó”.
Tuy nhiên, ngay sau đó, dư luận và lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã lên tiếng và cho rằng, mức lương như vậy là quá cao so với mặt bằng chung của cả nước.
Cụ thể, theo thống kê của bộ này, tiền lương bình quân của người lao động trong năm 2009 ước đạt 2,84 triệu đồng/tháng. Trong đó, các doanh nghiệp nhà nước ước đạt 3,35 triệu đồng/tháng, tổng công ty hạng đặc biệt và công ty mẹ thuộc tập đoàn kinh tế nhà nước đạt 5,9 triệu đồng/tháng, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ước đạt 2,65 triệu đồng, doanh nghiệp dân doanh đạt 2,05 triệu đồng/tháng.
Theo VnEconomy.vn
|