General Motors đối mặt với vụ kiện 3 tỷ USD

Ngày đăng : 07/08/2012 - 10:20 PM

 

General Motors đối mặt với vụ kiện 3 tỷ USD

 

 

GM bị hãng sản xuất xe hơi của Hà Lan buộc tội chủ ý khiến Saab phá sản bằng cách can thiệp vào giao dịch với các nhà đầu tư Trung Quốc.

 

Spyker, hãng sản xuất xe hơi của Hà Lan, vừa đâm đơn kiện tập đoàn sản xuất ô tô lớn nhất nước Mỹ General Motors (GM). Spyker muốn GM phải bồi thường 3 tỷ USD vì thương vụ bán lại thương hiệu Saab cho hãng này. GM bị buộc tội chủ ý khiến Saab phá sản bằng cách can thiệp vào giao dịch với các nhà đầu tư Trung Quốc. 

 

Saab, vốn là một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất Thụy Sĩ, đã buộc phải ngừng sản xuất hồi tháng 5/2011 vì không thể trả nợ và trả lương cho nhân công. Vụ việc này xảy ra chưa đầy 2 năm sau khi GM bán Saab cho Spyker. Theo Skyper, GM đã nỗ lực triệt tiêu một đối thủ cạnh tranh nhiều tiềm năng trên thị trường Trung Quốc. 

 

Skyper buộc tội GM đã dùng mọi cách, bao gồm cả việc cung cấp các thông tin sai lệch về thương vụ mua bán với GM để ngăn chặn Youngman – 1 nhà đầu tư Trung Quốc - cứu lấy Saab.

 

Skyper yêu cầu GM phải bồi thường ít nhất là 3 tỷ USD cho những thiệt hại mà GM gây ra, trong đó bao gồm chi phí bồi thường thiệt hại và chi phí liên quan đến pháp luật. 

 

Cuối năm ngoái, GM đã ngừng thực hiện giao dịch với Pang da và Youngman và công bố sẽ ngừng cung cấp công nghệ cho những chủ nhân mới của Saab với lý do làm tổn hại đến lợi ích của các cổ đông. Mấy tháng sau đó, Saab nộp hồ sơ xin phá sản và ngừng sản xuất. 

 

Tuy nhiên, Spyker cho rằng Saab đã tạo ra được nền tảng công nghệ của riêng mình và không hề sử dụng bất cứ công nghệ nào của GM.  Do đó, tuyên bố của GM là “sai lầm có chủ ý” bởi Saab cũng không cần bất cứ sự trợ giúp nào từ GM. 

 

Năm 2009, khi khủng hoảng xảy ra, GM đã quyết định bán Saab và đến tháng 1/2010 Saab được mua lại bởi Spyker. Mặc dù Sabb là 1 hãng có danh tiếng, tương lai của hãng vẫn bị coi là 1 dấu hỏi lớn đối với giới phân tích. Thực tế, Saab chỉ tạo ra được lợi nhuận trong 1 năm trên tổng số 19 năm GM sở hữu hãng này. 

 

Minh Anh

Theo TTVN/Reuters

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Standard Chartered là "nạn nhân" chương trình chống khủng bố của Mỹ?

Ngày đăng : 07/08/2012 - 10:11 PM

 

Standard Chartered là "nạn nhân" chương trình chống khủng bố của Mỹ?

 

 

Iran bị Mỹ đưa vào diện theo dõi đặc biệt trong cuộc chiến chống khủng bố, bởi vậy nếu Standard Chartered thực sự có giao dịch phi pháp với Iran, chắc chắn hậu quả không chỉ là bị rút phép hoạt động tại Mỹ.

 

Sau thông tin bị các nhà chức trách New York cáo buộc hành vi rửa tiền với giá trị lên tới 250 tỷ USD, cổ phiếu Ngân hàng Standard Chartered (PLC) trên các thị trường chứng khoán rớt giá thảm hại trong phiên giao dịch ngày hôm nay (7/8) mặc dù Standard Chartered đến lúc này vẫn phủ nhận mọi “tội lỗi”.

Cụ thể, tại Hồng Kông, giá rớt xuống còn 151,3 HKD, giảm 17,81% giá trị so với phiên trước đó, tại thị trường Anh cổ phiếu này mất 16,46% giá trị, tại thị trường OTC Mỹ, giá cổ phiếu SCBFF cũng giảm mạnh 8,94%. Trước đó, trong phiên ngày thứ Hai, giá cổ phiếu của ngân hàng này đã có dấu hiệu lao dốc.

Diễn biến giá cổ phiếu Standard Chartered trên TTCK Hồng Kông 10 ngày qua:

                              



Ngân hàng Standard Chartered có trụ sở tại Anh là một trong những ngân hàng đi đầu trong xu hướng phát triển trọng tâm tại các thị trường mới nổi, đặc biệt là châu Á, châu Phi và Trung Đông. 

Theo thông báo từ Phòng quản lý tài chính New York ngày 6/8, Standard Chartered đã kiếm được hàng trăm triệu USD từ việc thực hiện các giao dịch phi pháp với các định chế tài chính của Iran vốn đang phải chịu cấm vận của Mỹ.

Tuy nhiên, Standard Chartered khẳng định 99,9% các giao dịch với đối tác Iran là tuân theo quy định của luật pháp và tổng giá trị của các giao dịch này không quá 14 triệu USD. Ngoài ra, Standard Chartered cũng nhấn mạnh dừng phát triển các giao dịch với khách hàng Iran hơn 5 năm qua.

Iran là một trong những nước hiện đang bị Mỹ cấm vận do những bất đồng liên quan đến chương trình hạt nhân. Ngoài ra, chính phủ Mỹ cho rằng Iran là mảnh đất nuôi dưỡng những phần tử khủng bố gây nguy hiểm cho người dân Mỹ, bởi vậy nếu Standard Chartered thực sự có hành vi giao dịch phi pháp với Iran, chắc chắn hậu quả mà ngân hàng này phải đón nhận không chỉ là bị rút giấy phép hoạt động tại Mỹ.

Trước vụ việc của Standard Chartered, thế giới đã phải đón nhận hàng loạt các vi phạm có hệ thống và hết sức lớn về quy mô của các ngân hàng hàng đầu thế giới, điển hình là bê bối thao túng lãi suất liên ngân hàng London và mới tháng trước là bê bối HSBC có một số giao dịch dính líu đến những kẻ vận chuyển ma túy, khủng bố và các tổ chức lừa đảo do buông lỏng quản lý. HSBC đã thừa nhận việc này và hứa hẹn sẽ nghiêm túc xử lý vụ việc.

 

Nguyên Linh 

Theo TTVN/Marketwatch


"Còn nhiều việc phải làm để vực dậy nền kinh tế Mỹ"

Ngày đăng : 04/08/2012 - 8:24 PM

 

"Còn nhiều việc phải làm để vực dậy nền kinh tế Mỹ"

 

 

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi báo cáo của Bộ Lao động Mỹ công bố cùng ngày cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở cường quốc kinh tế số một thế giới này tăng lên 8,3%.

 

Phát biểu tại một sự kiện diễn ra ở Nhà Trắng, Tổng thống Obama cho biết, mặc dù trong tháng Bảy, các lĩnh vực phi nông nghiệp đã tạo thêm được 163.000 việc làm mới - mức cao nhất trong năm tháng qua, song vẫn còn quá nhiều người dân Mỹ không có việc làm, do đó chính sách thuế của đảng Cộng hòa có thể gây ảnh hưởng tới tầng lớp trung lưu trong một giai đoạn vẫn hết sức nhạy cảm. 

 

Bên cạnh đó, Tổng thống Obama cũng nhắc lại quan điểm của ông nhằm vực dậy nền kinh tế Mỹ, là tiếp tục giữ nguyên mức thuế thấp đối với tầng lớp trung lưu và tăng thuế với người giàu.

 

Trong khi đó, đối thủ của Tổng thống Obama trong cuộc đua giành ghế ông chủ Nhà Trắng vào tháng 11 tới, cựu Thống đốc Mitt Romney, lại đang tận dụng điều này để công kích các chính sách của ông Obama. 

 

Phát biểu vận động tranh cử tại Bắc Las Vegas thuộc bang Nevada, ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa tiếp tục công kích chính sách kinh tế của chính quyền Obama, cho rằng số liệu trên là một đòn giáng xuống các gia đình trung lưu Mỹ vốn đang phải vật lộn với nhiều khó khăn. 

 

Ông Romney cho rằng, đương kim Tổng thống của đảng Dân chủ đã không đưa ra được các chính sách giúp người dân Mỹ quay trở lại làm việc.

 

Các cuộc thăm dò dư luận gần đây do Reuters và Ipsos tiến hành cho thấy, khoảng 36% cử tri đăng ký đi bầu cử cho rằng ông Romney đưa ra được chính sách kinh tế tốt hơn, trong khi chỉ có 31% tin tưởng vào chính sách của Tổng thống Obama. 

 

Tuy nhiên, ông chủ đương quyền của Nhà Trắng vẫn đang tạm dẫn đối thủ Romney tại một số bang được xác định là "sinh tử" trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2012./.

 

Theo TTXVN


Doanh nghiệp châu Âu bi quan về triển vọng kinh doanh tại Việt Nam

Ngày đăng : 02/08/2012 - 8:52 PM

 

Doanh nghiệp châu Âu bi quan về triển vọng kinh doanh tại Việt Nam

 

 

Các doanh nghiệp hội viên EuroCham tham gia vào cuộc khảo sát cũng bày tỏ sự lo ngại về tình hình kinh doanh hiện tại, triển vọng kinh doanh cũng như triển vọng kinh tế của Việt Nam.

 

Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa công bố kết quả khảo sát chỉ số kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam trong quý 3/2012, được EuroCham thực hiện vào tháng 7/2012.

 

Kết quả cuộc khảo sát lần thứ tám về chỉ số kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu hàng quý của EuroCham cho thấy, mức độ tin cậy và triển vọng kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam lần đầu tiên giảm xuống dưới mức “trung bình” (50 điểm).

 

Cụ thể, chỉ số môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu trong quý 3/2012 giảm 5 điểm xuống còn 48 điểm so với cuộc khảo sát lần trước (quý 2/2012 là 53 điểm).

 

Các doanh nghiệp hội viên EuroCham tham gia vào cuộc khảo sát cũng bày tỏ sự lo ngại về tình hình kinh doanh hiện tại, triển vọng kinh doanh cũng như triển vọng kinh tế của Việt Nam.

 

So với kết quả khảo sát gần đây nhất, thì mức độ doanh nghiệp châu Âu đánh giá tình hình kinh doanh “tốt” giảm từ 34% xuống còn 29%, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 43%. Ngược lại, chỉ 1% phản hồi tình hình kinh doanh hiện tại của họ là “xuất sắc”.

 

Các đánh giá trung lập về tình hình kinh doanh hiện tại thì vẫn giữ khoảng 30%.

“Nhưng điều đáng lo ngại là có sự gia tăng về số doanh nghiệp (khoảng 10%) cho rằng tình hình kinh doanh hiện tại của họ là “rất xấu”. Tổng số 39% phản hồi có đánh giá tiêu cực về tình hình kinh doanh hiện tại”, theo báo cáo công bố của EuroCham.

 

Ngoài lo lắng về tình hình kinh doanh hiện tại, doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam còn lo ngại về triển vọng kinh doanh tại Việt Nam. Chỉ có 31% số doanh nghiệp tham gia khảo sát nói là triển vọng kinh doanh “tốt” hoặc “xuất sắc”, giảm từ mức 38% của quý trước.

 

Khi được hỏi về kế hoạch đầu tư trong năm 2012, 32% doanh nghiệp phản hồi sẽ tăng đầu tư tại Việt Nam, từ mức 36% tại cuộc điều tra trước và giảm mạnh từ mức 52% của 1 năm trước. Trong khi đó, có 33% doanh nghiệp cho biết có kế hoạch giảm đầu tư (trong đó 20% doanh nghiệp tuyên bố sẽ “giảm đáng kể”, so với năm trước chỉ có 4%).

 

“Điều này cho thấy các doanh nghiệp thận trọng hơn với việc đầu tư và một vài doanh nghiệp đã bắt đầu kế hoạch giảm các hoạt động tại Việt Nam”, theo kết quả báo cáo.

 

Khi được hỏi về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong vòng 6 tháng tới thì 60% doanh nghiệp phản hồi rằng họ nhìn thấy sự suy giảm của nền kinh tế và 30% cho rằng tình hình sẽ ổn định và dần phục hồi.

 

EuroCham cho biết cuộc khảo sát với sự tham gia của 38% doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp dịch vụ, 30% thuộc ngành sản xuất, còn lại là thương mại và các ngành khác.

 

Theo Ngọc Anh

Vneconomy


Trước thềm cuộc họp ECB: Cần một điều khác biệt!

Ngày đăng : 01/08/2012 - 4:03 PM

 

Trước thềm cuộc họp ECB: Cần một điều khác biệt!


 

Tuần trước, Chủ tịch ECB Mario Draghi đã làm dậy sóng thị trường sau khi tuyên bố sẽ làm tất cả mọi thứ có thể để cứu đồng euro. Liệu ông có thể làm được điều đó?

 

Giống như một nhà văn viết truyện trinh thám, Mario Draghi – vị Chủ tịch đáng kính của ECB – rất giỏi trong việc tạo ra sự hồi hộp cho giới quan sát. Tháng 12 năm ngoái, khi eurozone lâm vào thế hiểm nguy, thay vì thực hiện chương trình mua trái phiếu chính phủ như giới phân tích dự đoán, Mario Draghi lại quyết định cung cấp các khoản vay không hạn chế có thời hạn 3 năm. 

 

8 tháng sau, ECB đã bơm tổng cộng 1 nghìn tỷ euro vào hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, tác động tích cực của động thái này dần phai nhạt. Tuần trước, lợi suất trái phiếu Chính phủ Tây Ban Nha kỳ hạn 2 năm lên tới hơn 7% và lập kỷ lục cao mới. 

 

Một ngày sau, ông Draghi lại đưa ra một tín hiệu cho thấy đang chuẩn bị thực hiện động thái tiếp theo. Trong cuộc họp báo tại London, ông tuyên bố ECB sẽ làm bất cứ điều gì có thể để cứu lấy đồng euro và mong muốn người dân tin tưởng vào điều đó. 

 

Một lần nữa, rất có thể chương trình mua trái phiếu sẽ không phải là vũ khí mà Draghi lựa chọn. Sau khi lên nắm chức Chủ tịch ECB hồi tháng 11 năm ngoái, ông đã rút ra kết luận rằng chương trình thị trường chứng khoán (SMP) mà người tiền nhiệm Jean-Claude Trichet thực hiện vào tháng 5/2010 thực sự là 1 sai lầm. 

 

Mặc dù ECB đã mua vào các trái phiếu chính phủ của nhiều nước với trị giá lên đến 212 tỷ euro, nỗi sợ hãi của nhà đầu tư vẫn là quá lớn. Hơn nữa, chương trình này đã khiến ECB vi phạm cam kết sẽ độc lập về mặt chính trị khi trực tiếp làm việc  với các chính phủ. 

 

Chính vì vậy, khi lên nắm quyền vào tháng 12, Draghi đã lựa chọn chương trình nợ dài hạn để thay thế cho SMP. Với chương trình này, ECB đã bơm thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và rõ ràng động thái này là hợp lý xét về vai trò và nhiệm vụ của 1 ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, có vẻ như thứ “vũ khí” này cũng chẳng thể giúp khủng hoảng eurozone dịu xuống. 

 

Vì vậy, một điều gì đó mới mẻ và khác biệt chính là thứ mà eurozone cần đến lúc này. Quỹ Bình ổn thị trường tài chính châu Âu (EFSF) có thể là một sự lựa chọn được xem xét. Sau đó, ECB có thể can thiệp vào thị trường nợ đi kèm với áp đặt các điều kiện lên các chính phủ. Nói một cách khác, quỹ EFSF sẽ làm việc với các chính trị gia trong khi ECB vẫn là nhân tố chủ chốt trong công cuộc giải cứu đồng euro. 

 

Theo như nhận định của Chủ tịch ECB tuần trước, nỗi lo sợ về tình trạng thiếu vốn của các ngân hàng đã được chương trình nợ dài hạn loại bỏ. Tuy nhiên, ông cũng nhận biết được rằng trái phiếu chính phủ của các nước mà điển hình là Italia và Tây Ban Nha còn gặp phải một vấn đề nghiêm trọng khác : rủi ro chuyển đổi. Thị trường vẫn lo ngại về khả năng eurozone tan rã và đồng euro bị chuyển đổi sang 1 đồng tiền khác yếu hơn. 

 

Nhận thức được điều này, có thể ECB sẽ có được những động thái rõ ràng và quyết liệt hơn, đúng như những gì mà Chủ tịch Mario Draghi đã hứa: làm mọi cách để hạ thấp lãi suất trái phiếu đang ở mức quá cao như hiện nay. 

 

Tuy nhiên, vẫn còn có quá nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp. Liệu ECB có thể vượt qua được tình trạng hiện nay khi mà cuối cùng thì nhà đầu tư sẽ phải chịu những khoản lỗ lớn từ trái phiếu Hy Lạp? Làm thế nào để ECB có thể phân biệt được chi phí rủi ro chuyển đổi với các yếu tố khác chi phối lãi suất trái phiếu?

 

Có vẻ như Chủ tịch ECB đang cố gắng thuyết phục một số thành viên ủng hộ cho kế hoạch chưa nhận được đầy đủ sự đồng thuận. Liệu đây có phải là dấu hiệu báo trước các quyết định lại một lần nữa bị trì hoãn? Cuộc họp diễn ra vào ngày mai sẽ trả lời câu hỏi này. 

 

Minh Anh

Theo TTVN/FT


Tỷ lệ thất nghiệp tại Eurozone lập kỷ lục mới

Ngày đăng : 01/08/2012 - 8:39 AM

 

Tỷ lệ thất nghiệp tại Eurozone lập kỷ lục mới


 

Tỷ lệ thất nghiệp tại các nước thuộc Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 6 là 11,2% số người trong độ tuổi lao động

 

Số liệu này do Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) công bố ngày 31/7. Đây là mức thất nghiệp cao kỷ lục ở Eurozone kể từ khi đồng euro được đưa vào lưu hành năm 1999.

 

Tỷ lệ này trong số 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) là 10,4% và đây cũng là mức cao kỷ lục tính trên toàn EU. Trong đó Tây Ban Nha tiếp tục là nước có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất với 24,8%.

 

Trong khi đó, số người thất nghiệp ở Italy, nền kinh tế lớn thứ ba Eurozone, trong tháng 6 vừa qua cũng đạt mức cao kỷ lục. Cơ quan thống kê quốc gia Italy (ISTAT) cho biết tháng qua, số người thất nghiệp tại “đất nước hình chiếc ủng” là 2,9 triệu người, tương đương 11% số người trong độ tuổi lao động và tình trạng này còn tiếp tục gia tăng. So với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ thất nghiệp của Italy tăng hơn 37%.

 

Chỉ riêng một năm qua, nền kinh tế sa sút đã khiến 762.000 lao động tại nước này lâm vào cảnh không có việc làm. ISTAT khẳng định đây là con số cao kỷ lục kể từ một thập kỷ qua tại Italy và thanh niên là đối tượng chính phải chịu cảnh thất nghiệp.

 

Theo các chuyên gia, tỷ lệ thất nghiệp tại Eurozone có thể tăng đến 12% vào cuối năm nay, do khủng hoảng nợ công tại khu vực này chưa có dấu hiệu thuyên giảm, buộc các nước phải tiếp tục cắt giảm chi tiêu công.

 

Theo TTXVN


 

Tin mới cập nhật