Doanh nghiệp châu Âu bi quan về triển vọng kinh doanh tại Việt Nam

Ngày đăng : 02/08/2012 - 8:52 PM

 

Doanh nghiệp châu Âu bi quan về triển vọng kinh doanh tại Việt Nam

 

 

Các doanh nghiệp hội viên EuroCham tham gia vào cuộc khảo sát cũng bày tỏ sự lo ngại về tình hình kinh doanh hiện tại, triển vọng kinh doanh cũng như triển vọng kinh tế của Việt Nam.

 

Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa công bố kết quả khảo sát chỉ số kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam trong quý 3/2012, được EuroCham thực hiện vào tháng 7/2012.

 

Kết quả cuộc khảo sát lần thứ tám về chỉ số kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu hàng quý của EuroCham cho thấy, mức độ tin cậy và triển vọng kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam lần đầu tiên giảm xuống dưới mức “trung bình” (50 điểm).

 

Cụ thể, chỉ số môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu trong quý 3/2012 giảm 5 điểm xuống còn 48 điểm so với cuộc khảo sát lần trước (quý 2/2012 là 53 điểm).

 

Các doanh nghiệp hội viên EuroCham tham gia vào cuộc khảo sát cũng bày tỏ sự lo ngại về tình hình kinh doanh hiện tại, triển vọng kinh doanh cũng như triển vọng kinh tế của Việt Nam.

 

So với kết quả khảo sát gần đây nhất, thì mức độ doanh nghiệp châu Âu đánh giá tình hình kinh doanh “tốt” giảm từ 34% xuống còn 29%, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 43%. Ngược lại, chỉ 1% phản hồi tình hình kinh doanh hiện tại của họ là “xuất sắc”.

 

Các đánh giá trung lập về tình hình kinh doanh hiện tại thì vẫn giữ khoảng 30%.

“Nhưng điều đáng lo ngại là có sự gia tăng về số doanh nghiệp (khoảng 10%) cho rằng tình hình kinh doanh hiện tại của họ là “rất xấu”. Tổng số 39% phản hồi có đánh giá tiêu cực về tình hình kinh doanh hiện tại”, theo báo cáo công bố của EuroCham.

 

Ngoài lo lắng về tình hình kinh doanh hiện tại, doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam còn lo ngại về triển vọng kinh doanh tại Việt Nam. Chỉ có 31% số doanh nghiệp tham gia khảo sát nói là triển vọng kinh doanh “tốt” hoặc “xuất sắc”, giảm từ mức 38% của quý trước.

 

Khi được hỏi về kế hoạch đầu tư trong năm 2012, 32% doanh nghiệp phản hồi sẽ tăng đầu tư tại Việt Nam, từ mức 36% tại cuộc điều tra trước và giảm mạnh từ mức 52% của 1 năm trước. Trong khi đó, có 33% doanh nghiệp cho biết có kế hoạch giảm đầu tư (trong đó 20% doanh nghiệp tuyên bố sẽ “giảm đáng kể”, so với năm trước chỉ có 4%).

 

“Điều này cho thấy các doanh nghiệp thận trọng hơn với việc đầu tư và một vài doanh nghiệp đã bắt đầu kế hoạch giảm các hoạt động tại Việt Nam”, theo kết quả báo cáo.

 

Khi được hỏi về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong vòng 6 tháng tới thì 60% doanh nghiệp phản hồi rằng họ nhìn thấy sự suy giảm của nền kinh tế và 30% cho rằng tình hình sẽ ổn định và dần phục hồi.

 

EuroCham cho biết cuộc khảo sát với sự tham gia của 38% doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp dịch vụ, 30% thuộc ngành sản xuất, còn lại là thương mại và các ngành khác.

 

Theo Ngọc Anh

Vneconomy

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Trước thềm cuộc họp ECB: Cần một điều khác biệt!

Ngày đăng : 01/08/2012 - 4:03 PM

 

Trước thềm cuộc họp ECB: Cần một điều khác biệt!


 

Tuần trước, Chủ tịch ECB Mario Draghi đã làm dậy sóng thị trường sau khi tuyên bố sẽ làm tất cả mọi thứ có thể để cứu đồng euro. Liệu ông có thể làm được điều đó?

 

Giống như một nhà văn viết truyện trinh thám, Mario Draghi – vị Chủ tịch đáng kính của ECB – rất giỏi trong việc tạo ra sự hồi hộp cho giới quan sát. Tháng 12 năm ngoái, khi eurozone lâm vào thế hiểm nguy, thay vì thực hiện chương trình mua trái phiếu chính phủ như giới phân tích dự đoán, Mario Draghi lại quyết định cung cấp các khoản vay không hạn chế có thời hạn 3 năm. 

 

8 tháng sau, ECB đã bơm tổng cộng 1 nghìn tỷ euro vào hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, tác động tích cực của động thái này dần phai nhạt. Tuần trước, lợi suất trái phiếu Chính phủ Tây Ban Nha kỳ hạn 2 năm lên tới hơn 7% và lập kỷ lục cao mới. 

 

Một ngày sau, ông Draghi lại đưa ra một tín hiệu cho thấy đang chuẩn bị thực hiện động thái tiếp theo. Trong cuộc họp báo tại London, ông tuyên bố ECB sẽ làm bất cứ điều gì có thể để cứu lấy đồng euro và mong muốn người dân tin tưởng vào điều đó. 

 

Một lần nữa, rất có thể chương trình mua trái phiếu sẽ không phải là vũ khí mà Draghi lựa chọn. Sau khi lên nắm chức Chủ tịch ECB hồi tháng 11 năm ngoái, ông đã rút ra kết luận rằng chương trình thị trường chứng khoán (SMP) mà người tiền nhiệm Jean-Claude Trichet thực hiện vào tháng 5/2010 thực sự là 1 sai lầm. 

 

Mặc dù ECB đã mua vào các trái phiếu chính phủ của nhiều nước với trị giá lên đến 212 tỷ euro, nỗi sợ hãi của nhà đầu tư vẫn là quá lớn. Hơn nữa, chương trình này đã khiến ECB vi phạm cam kết sẽ độc lập về mặt chính trị khi trực tiếp làm việc  với các chính phủ. 

 

Chính vì vậy, khi lên nắm quyền vào tháng 12, Draghi đã lựa chọn chương trình nợ dài hạn để thay thế cho SMP. Với chương trình này, ECB đã bơm thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và rõ ràng động thái này là hợp lý xét về vai trò và nhiệm vụ của 1 ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, có vẻ như thứ “vũ khí” này cũng chẳng thể giúp khủng hoảng eurozone dịu xuống. 

 

Vì vậy, một điều gì đó mới mẻ và khác biệt chính là thứ mà eurozone cần đến lúc này. Quỹ Bình ổn thị trường tài chính châu Âu (EFSF) có thể là một sự lựa chọn được xem xét. Sau đó, ECB có thể can thiệp vào thị trường nợ đi kèm với áp đặt các điều kiện lên các chính phủ. Nói một cách khác, quỹ EFSF sẽ làm việc với các chính trị gia trong khi ECB vẫn là nhân tố chủ chốt trong công cuộc giải cứu đồng euro. 

 

Theo như nhận định của Chủ tịch ECB tuần trước, nỗi lo sợ về tình trạng thiếu vốn của các ngân hàng đã được chương trình nợ dài hạn loại bỏ. Tuy nhiên, ông cũng nhận biết được rằng trái phiếu chính phủ của các nước mà điển hình là Italia và Tây Ban Nha còn gặp phải một vấn đề nghiêm trọng khác : rủi ro chuyển đổi. Thị trường vẫn lo ngại về khả năng eurozone tan rã và đồng euro bị chuyển đổi sang 1 đồng tiền khác yếu hơn. 

 

Nhận thức được điều này, có thể ECB sẽ có được những động thái rõ ràng và quyết liệt hơn, đúng như những gì mà Chủ tịch Mario Draghi đã hứa: làm mọi cách để hạ thấp lãi suất trái phiếu đang ở mức quá cao như hiện nay. 

 

Tuy nhiên, vẫn còn có quá nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp. Liệu ECB có thể vượt qua được tình trạng hiện nay khi mà cuối cùng thì nhà đầu tư sẽ phải chịu những khoản lỗ lớn từ trái phiếu Hy Lạp? Làm thế nào để ECB có thể phân biệt được chi phí rủi ro chuyển đổi với các yếu tố khác chi phối lãi suất trái phiếu?

 

Có vẻ như Chủ tịch ECB đang cố gắng thuyết phục một số thành viên ủng hộ cho kế hoạch chưa nhận được đầy đủ sự đồng thuận. Liệu đây có phải là dấu hiệu báo trước các quyết định lại một lần nữa bị trì hoãn? Cuộc họp diễn ra vào ngày mai sẽ trả lời câu hỏi này. 

 

Minh Anh

Theo TTVN/FT


Tỷ lệ thất nghiệp tại Eurozone lập kỷ lục mới

Ngày đăng : 01/08/2012 - 8:39 AM

 

Tỷ lệ thất nghiệp tại Eurozone lập kỷ lục mới


 

Tỷ lệ thất nghiệp tại các nước thuộc Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 6 là 11,2% số người trong độ tuổi lao động

 

Số liệu này do Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) công bố ngày 31/7. Đây là mức thất nghiệp cao kỷ lục ở Eurozone kể từ khi đồng euro được đưa vào lưu hành năm 1999.

 

Tỷ lệ này trong số 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) là 10,4% và đây cũng là mức cao kỷ lục tính trên toàn EU. Trong đó Tây Ban Nha tiếp tục là nước có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất với 24,8%.

 

Trong khi đó, số người thất nghiệp ở Italy, nền kinh tế lớn thứ ba Eurozone, trong tháng 6 vừa qua cũng đạt mức cao kỷ lục. Cơ quan thống kê quốc gia Italy (ISTAT) cho biết tháng qua, số người thất nghiệp tại “đất nước hình chiếc ủng” là 2,9 triệu người, tương đương 11% số người trong độ tuổi lao động và tình trạng này còn tiếp tục gia tăng. So với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ thất nghiệp của Italy tăng hơn 37%.

 

Chỉ riêng một năm qua, nền kinh tế sa sút đã khiến 762.000 lao động tại nước này lâm vào cảnh không có việc làm. ISTAT khẳng định đây là con số cao kỷ lục kể từ một thập kỷ qua tại Italy và thanh niên là đối tượng chính phải chịu cảnh thất nghiệp.

 

Theo các chuyên gia, tỷ lệ thất nghiệp tại Eurozone có thể tăng đến 12% vào cuối năm nay, do khủng hoảng nợ công tại khu vực này chưa có dấu hiệu thuyên giảm, buộc các nước phải tiếp tục cắt giảm chi tiêu công.

 

Theo TTXVN


Chính phủ: CPI giảm không có nghĩa là kinh tế đang suy giảm

Ngày đăng : 31/07/2012 - 6:30 PM

 

Chính phủ: CPI giảm không có nghĩa là kinh tế đang suy giảm

 

 

 

Theo Bộ trưởng Đam, chỉ số giá tiêu dùng đã giảm liên tục, có thể tháng 8 sẽ âm nếu tính cả năng lượng và lương thực. Lạm phát từ nay đến cuối 2012 không quá 7% nếu không tính đến biện pháp nào điều chỉnh đặc biệt.

 

Bộ trưởng Đam cho rằng, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô là quan trọng nhưng vẫn phải đảm bảo duy trì tăng trưởng. “Với một nước đang phát triển thì thông thường lạm phát phải dương, nhưng nếu mức lạm phát ở mức 7% sẽ là mức tương đối cao”.

 

Người đứng đầu văn phòng Chính phủ cũng chia sẻ, trong bối cảnh hầu hết vốn phục vụ sản xuất hiện nay đều phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng thì việc lạm phát giảm, tạo điều kiện cho lãi suất tiếp tục giảm là điều vô cùng quan trọng hiện nay.

 

“Điều hành vĩ mô hiện nay phải rất khéo léo, tránh tình trạng lạm phát ở mức quá thấp rồi liên tục đưa ra các biện pháp kích cầu khiến lạm phát lại “bùng” trở lại. Như thế sẽ vô cùng nguy hiểm” – Bộ trưởng nói.

 

Khánh Linh

Theo TTVN


Quyền lực mềm cùa bà Yingluck giúp doanh nghiệp Thái "bành trướng" ra nước ngoài

Ngày đăng : 31/07/2012 - 12:32 PM

 

Quyền lực mềm cùa bà Yingluck giúp doanh nghiệp Thái "bành trướng" ra nước ngoài

 

Yingluck – người phụ nữ quyền lực nhất đất nước Thái Lan đang đem đến luồng sinh khí mới cho nền kinh tế lớn thứ 2 Đông Nam Á.

 

Trong khuôn khổ diễn đàn kinh tế thế giới được tổ chức tháng 5 vừa qua tại Bangkok, Thapana Sirivadhanabhakdi, ông chủ một đế chế hùng mạnh trong lĩnh vực bia và bất động sản của kinh tế Thái Lan bất ngờ đứng dậy trong buổi phỏng vấn và cúi đầu chào thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra một cách kính trọng khi bà này đi ngang qua.

Trong khi đó, Yingluck – người phụ nữ quyền lực nhất đất nước Thái Lan luôn mang phong cách sang trọng và lịch sự, hôm đó mặc một bộ vest đen, liên tục mỉm cười và chào hỏi quan khách trong sự hộ tống của các thành viên chính phủ.

Tỷ phú Thapana, 37 tuổi, không hề giấu giếm sự ngưỡng mộ đối với thủ tướng Yingluck. Ông khẳng định, Yingluck chính là đại diện cho quyền lực mềm của Thái. Sự quyến rũ, bình tĩnh, bản lĩnh và mềm dẻo của nữ thủ tướng đã đưa đất nước Thái Lan thoát khỏi bất ổn chính trị - điều trước khi Yingluck nhậm chức tháng 8/2011 vốn xảy ra như “cơm bữa”.

Chính trị bất ổn trước khi Yingluck lên cầm quyền là một trong những nhân tố quan trọng kiềm chế khả năng phát triển kinh tế của Thái Lan.

Sau khi nhậm chức, Yingluck, người phụ nữ 45 tuổi em gái cựu lãnh đạo Thái Lan Thaksin đã tiến hành ổn định tình hình khá hiệu quả. Bà giải quyết xung đột giữa quân đội và chính phủ, hòa giải các bên, biếu tặng hoàng gia một mảnh đất trị giá 20 triệu Baht, và lập lại môi trường lành mạnh cho phát triển kinh tế.

Thapana hiện sở hữu Thai Beverage Pcl (THBEV) – tập đoàn bia rượu lớn nhất Thái Lan và đang định hướng phát triển chiến lược sang Myanmar, quốc gia láng giềng, thị trường tiềm năng 60 triệu dân đang trong tiến trình cải cách chính trị toàn diện thông qua phương án mua lại. Cụ thể, Thai Beverage sẽ có một thương vụ mua bán lớn nhất trong lịch sử khi đồng ý mua lại 22% cổ phần của Fraser & Neave Ltd, với giá 2,2 tỷ USD và thâm nhập thị trường Myanmar. Fraser & Neave Ltd có trụ sở đặt tại Singapore và chính là hãng sáng lập thương hiệu Tiger Beer.

Kế hoạch của Thapana chỉ là một đại diện tiêu biểu cho làn sóng mở rộng ra thị trường nước ngoài nhằm tìm kiếm cơ hội mới của các tập đoàn Thái Lan. Bloomberg ước tính tổng số vốn đầu tư lên tới 20,4 tỷ USD tính từ đầu năm 2008 đến ngày 18/7/2012, tăng gấp hơn 14 lần tổng số vốn giai đoạn từ 2003 đến 2007.

Trong số các doanh nghiệp đi đầu còn những cái tên rất nổi tiếng khác là tập đoàn thức ăn chăn nuôi CP Charoen Pokphand Foods Pcl (CPF), nhà sản xuất than Banpu Pcl (BANPU), công ty năng lượng PTT Pcl (PTT), Siam Cement Pcl (SCC), tập đoàn đồ đông lạnh Thai Union Frozen Products Pcl (TUF). Thị trường đầu tiên mà những công ty này nhắm đến sẽ là Campuchia, Lào, Myanmar và ViệtNam.

Chính phủ Thái Lan khuyến khích, hỗ trợ tối đa làn sóng này bằng cách giảm mạnh thuế thu nhập cho các doanh nghiệp từ 30% xuống chỉ còn 23% bắt đầu từ tháng 1 năm nay, và dự kiến sẽ còn tiếp tục giảm xuống 20% vào năm tới.

Đan Phong 

Theo TTVN/Bloomberg


Vì sao Bloomberg bị chặn ở Trung Quốc?

Ngày đăng : 31/07/2012 - 12:26 PM

 

Vì sao Bloomberg bị chặn ở Trung Quốc?

Ông Tập Cận Bình - Phó chủ tịch Trung Quốc, người được cho là sắp sửa lên thay ông Hồ Cẩm Đào nắm giữ chức Chủ tịch Trung Quốc vào cuối năm nay. (Ảnh: Reuters)

 

Bloomberg cho biết, toàn bộ website tin tức của họ tại Trung Quốc đã gặp tình trạng không thể truy cập trong suốt 1 tháng qua dù các nguyên nhân kỹ thuật chủ quan đã được loại trừ.

 

Dù chưa có thông tin chính thức nào nhưng các nhà quản lý của Bloomberg phỏng đoán, rất có thể website của họ bị chặn tại Trung Quốc bởi nguyên nhân là từ bài báo đăng ngày 29/6/2012 trong đó nói một cách rất chi tiết về khối tài sản và các hoạt động đầu tư của gia đình ông Tập Cận Bình – người được cho là sắp sửa lên nắm giữ chức Chủ tịch Trung Quốc thay cho ông Hồ Cẩm Đào kể từ mùa thu năm nay.

 

Trong bài viết đăng trên tờ Thời báo Tài chính (Financial Times - Anh), tác giả Simon Rabinovitch khẳng định tình trạng “mất khả năng truy cập tạm thời” thường xuyên xảy ra đối với các dịch vụ của nhiều hãng truyền thông nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc nhưng việc bị tê liệt suốt 1 tháng ròng như Bloomberg là trường hợp khá hiếm gặp và điều này cho thấy rất có thể hãng tin này đã có hành động gì đó khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc rất giận dữ.

 

Không chỉ chặn mọi ngả truy cập đối với website của Bloomberg, Financial Times còn cho biết kể từ khi bài báo được xuất bản, các nhân viên của Bloomberg đã liên tục bị một số kẻ lạ mặt được cho là nhân viên mật vụ của Trung Quốc theo dõi, các ông chủ ngân hàng, các nhà quản lý tài chính của Trung Quốc liên tục hủy bỏ các cuộc gặp với ông Matthew Winkler, tổng biên tập của Bloomberg, đồng thời các nhân viên điều tra của Trung Quốc cũng đã “ghé thăm” nhiều ngân hàng địa phương để kiểm tra họ có chia sẻ thông tin gì với Bloomberg hay không…

 

Dẫu vậy, các hoạt động này vẫn chưa “động chạm” gì đến trạm đăng ký thuê bao – cỗ máy kiếm tiền chính của Bloomberg với khách hàng chủ yếu là các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước và các cơ quan thuộc chính phủ. Nhưng các nhân viên kinh doanh của Bloomberg lo ngại rằng tình trạng website tê liệt hoàn toàn như hiện nay sẽ khiến các khách hàng của họ dần dần bỏ đi.

 

Hãng tin Mỹ CNN cho biết, ngày 29/6 vừa qua, Bloomberg đã sử dụng những báo cáo đã được công bố trước đó để tổng hợp thành bài viết chứng minh rằng gia tộc nhà ông Tập Cận Bình đã có những khoản đầu tư vào nhiều công ty khác nhau với tổng số vốn lên tới 376 triệu USD. 

 

Trong số này có những vụ đầu tư tiêu biểu như: nắm giữ 18% cổ phần gián tiếp của một công ty đất hiếm có tổng tài sản lên tới 1,73 tỷ USD, nắm giữ 20,2 triệu USD cổ phiếu (đã được niêm yết) của một công ty công nghệ, sở hữu một biệt thư hạng sang tại Hong Kong có giá trị khoảng 31,5 triệu USD và có khoảng 6 bất động sản khác ở khu tự trị hành chính này với tổng giá trị 24,1 triệu USD…

 

Tuy nhiên, Bloomberg đã không thể chỉ ra được những tài sản nào thuộc sở hữu của ông Tập Cận Bình, của vợ hay của con gái ông này. Bài báo cũng cho rằng không có bằng chứng nào cho thấy ông Tập hay gia đình ông có hành vi kinh doanh sai trái. 

 

Có điều, Bloomberg đã không biết rằng bài báo này khiến ông Tập rất không hài lòng và có khả năng ảnh hưởng đến hình ảnh một quan chức trong sạch trong một đất nước vốn đã phanh phui rất nhiều vụ tham nhũng. Nguy hại hơn nữa, bài báo này lại ra đời chỉ vài tháng trước khi ông Tập Cận Bình chính thức lên nắm quyền thay cho ông Hồ Cẩm Đào để lãnh đạo đất nước Trung Quốc trong một thập kỷ tới.

 

"Việc một hãng tin tức lớn như Boomberg bị chặn website trong suốt một tháng rõ ràng là điều bất thường”, Jeremy Goldkorn, nhà sáng lập công ty Danwei, chuyên theo dõi truyền thông Trung Quốc nói, "Họ đã vượt quá lằn ranh đỏ nên phải gánh chịu hậu quả này”.

 

Kể từ Olympics Bắc Kinh 2008 đến nay, chưa có website của hãng truyền thông ngoại quốc chính thức nào bị chặn quá vài ngày ở Trung Quốc. Thay vào đó, các công cụ kiểm duyệt của Trung Quốc thường chỉ nhắm đến việc ngăn chặn đối với một số bài báo có thôn tin “nhạy cảm” như vụ việc ông Lưu Hiểu Ba được nhận giải thưởng Nobel Hòa Bình hồi năm 2010.

 

Cũng theo ông Goldkorn, chẳng có tiêu chuẩn hay quy trình thủ tục nào để Bloomberg có thể tuân thủ, làm theo nếu muốn website của họ được “tháo cũi” ngoại trừ việc vận động hành lang tích cực với các quan chức cấp cao nhất của chính phủ Trung Quốc.

 

Đến nay, người phát ngôn của Bloomberg vẫn từ chối đưa ra bình luận về vụ việc này còn các phóng viên của hãng đã được khuyến cáo không gửi email bài báo này hay thậm chí là in ra để phòng tránh sự việc lan rộng hơn nữa.

Theo T.D.P

Infonet


 

Tin mới cập nhật