Trước thềm cuộc họp ECB: Cần một điều khác biệt!
Tuần trước, Chủ tịch ECB Mario Draghi đã làm dậy sóng thị trường sau khi tuyên bố sẽ làm tất cả mọi thứ có thể để cứu đồng euro. Liệu ông có thể làm được điều đó?
Giống như một nhà văn viết truyện trinh thám, Mario Draghi – vị Chủ tịch đáng kính của ECB – rất giỏi trong việc tạo ra sự hồi hộp cho giới quan sát. Tháng 12 năm ngoái, khi eurozone lâm vào thế hiểm nguy, thay vì thực hiện chương trình mua trái phiếu chính phủ như giới phân tích dự đoán, Mario Draghi lại quyết định cung cấp các khoản vay không hạn chế có thời hạn 3 năm.
8 tháng sau, ECB đã bơm tổng cộng 1 nghìn tỷ euro vào hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, tác động tích cực của động thái này dần phai nhạt. Tuần trước, lợi suất trái phiếu Chính phủ Tây Ban Nha kỳ hạn 2 năm lên tới hơn 7% và lập kỷ lục cao mới.
Một ngày sau, ông Draghi lại đưa ra một tín hiệu cho thấy đang chuẩn bị thực hiện động thái tiếp theo. Trong cuộc họp báo tại London, ông tuyên bố ECB sẽ làm bất cứ điều gì có thể để cứu lấy đồng euro và mong muốn người dân tin tưởng vào điều đó.
Một lần nữa, rất có thể chương trình mua trái phiếu sẽ không phải là vũ khí mà Draghi lựa chọn. Sau khi lên nắm chức Chủ tịch ECB hồi tháng 11 năm ngoái, ông đã rút ra kết luận rằng chương trình thị trường chứng khoán (SMP) mà người tiền nhiệm Jean-Claude Trichet thực hiện vào tháng 5/2010 thực sự là 1 sai lầm.
Mặc dù ECB đã mua vào các trái phiếu chính phủ của nhiều nước với trị giá lên đến 212 tỷ euro, nỗi sợ hãi của nhà đầu tư vẫn là quá lớn. Hơn nữa, chương trình này đã khiến ECB vi phạm cam kết sẽ độc lập về mặt chính trị khi trực tiếp làm việc với các chính phủ.
Chính vì vậy, khi lên nắm quyền vào tháng 12, Draghi đã lựa chọn chương trình nợ dài hạn để thay thế cho SMP. Với chương trình này, ECB đã bơm thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và rõ ràng động thái này là hợp lý xét về vai trò và nhiệm vụ của 1 ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, có vẻ như thứ “vũ khí” này cũng chẳng thể giúp khủng hoảng eurozone dịu xuống.
Vì vậy, một điều gì đó mới mẻ và khác biệt chính là thứ mà eurozone cần đến lúc này. Quỹ Bình ổn thị trường tài chính châu Âu (EFSF) có thể là một sự lựa chọn được xem xét. Sau đó, ECB có thể can thiệp vào thị trường nợ đi kèm với áp đặt các điều kiện lên các chính phủ. Nói một cách khác, quỹ EFSF sẽ làm việc với các chính trị gia trong khi ECB vẫn là nhân tố chủ chốt trong công cuộc giải cứu đồng euro.
Theo như nhận định của Chủ tịch ECB tuần trước, nỗi lo sợ về tình trạng thiếu vốn của các ngân hàng đã được chương trình nợ dài hạn loại bỏ. Tuy nhiên, ông cũng nhận biết được rằng trái phiếu chính phủ của các nước mà điển hình là Italia và Tây Ban Nha còn gặp phải một vấn đề nghiêm trọng khác : rủi ro chuyển đổi. Thị trường vẫn lo ngại về khả năng eurozone tan rã và đồng euro bị chuyển đổi sang 1 đồng tiền khác yếu hơn.
Nhận thức được điều này, có thể ECB sẽ có được những động thái rõ ràng và quyết liệt hơn, đúng như những gì mà Chủ tịch Mario Draghi đã hứa: làm mọi cách để hạ thấp lãi suất trái phiếu đang ở mức quá cao như hiện nay.
Tuy nhiên, vẫn còn có quá nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp. Liệu ECB có thể vượt qua được tình trạng hiện nay khi mà cuối cùng thì nhà đầu tư sẽ phải chịu những khoản lỗ lớn từ trái phiếu Hy Lạp? Làm thế nào để ECB có thể phân biệt được chi phí rủi ro chuyển đổi với các yếu tố khác chi phối lãi suất trái phiếu?
Có vẻ như Chủ tịch ECB đang cố gắng thuyết phục một số thành viên ủng hộ cho kế hoạch chưa nhận được đầy đủ sự đồng thuận. Liệu đây có phải là dấu hiệu báo trước các quyết định lại một lần nữa bị trì hoãn? Cuộc họp diễn ra vào ngày mai sẽ trả lời câu hỏi này.
Minh Anh
Theo TTVN/FT