Facebook bất ngờ bổ nhiệm nữ giám đốc đầu tiên

Ngày đăng : 27/06/2012 - 2:28 PM

 

 

Bà Sandberg đã trở thành nữ giám đốc đầu tiên của Facebook. 

 

Mạng xã hội lớn nhất hành tinh Facebook hôm 25/6 đã bất ngờ đưa lãnh đạo điều phối Sheryl Sandberg vào ban giám đốc công ty. Trước đó, Facebook đã bị chỉ trích vì tình trạng mất cân bằng giới tính trong ban lãnh đạo, theo trang Market Watch và Bloomberg.

 

Với quyết định này, bà Sandberg đã trở thành nữ giám đốc đầu tiên của Facebook. Bà sẽ tham gia các hoạt động kinh doanh của Facebook cũng như hoạch định chiến lược tương lai của mạng xã hội này cùng với các lãnh đạo khác như Marc Andreesen, Peter Thiel, Reed Hastings và Mark Zuckerberg.

 

Trong một thông báo, Giám đốc điều hành Zuckerberg viết: "Sheryl là bạn đồng hành của tôi trong việc quản lý Facebook". Sự hiểu biết về nhiệm vụ và cơ hội dài hạn của Facebook cùng kinh nghiệm làm việc ở mạng xã hội giúp Sheryl trở thành người thích hợp gia nhập ban giám đốc, Zuckerberg nói thêm.

 

Trước khi gia nhập mạng xã hội Facebook, Sheryl Sandberg từng giữ chức Phó chủ tịch phụ trách các hoạt động và kinh doanh trực tuyến toàn cầu của Google. Bà cũng từng đảm nhận vai trò Chánh văn phòng thuộc Bộ Tài chính Mỹ cho ông Larry Summers dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton.

 

Ngoài Facebook, Sandberg còn tham gia ban giám đốc Công ty Walt Disney, Starbuck và một số tổ chức kinh tế tài chính khác. Cho nên mới có lời đồn Sandberg vào cửa công viên giải trí Disneyland và uống cà phê Starbuck miễn phí.

 

Từ năm 2007, Sheryl Sandberg được một loạt tạp chí kinh tế tôn vinh là một trong các nữ doanh nhân quyền lực nhất thế giới. Tờ Fortune từ năm 2008 đến 2010 liên tục xếp bà vào danh sách “50 nữ doanh nhân quyền lực nhất”. Tờ Forbes năm 2011 xếp bà trong số “100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới”.

 

Tuần báo Business Week xếp bà vào danh sách “25 nhân vật có ảnh hưởng nhất trên mạng”. Và ngày 13-5 vừa qua, tạp chí Forbes xếp bà hạng 4 trong số “20 bà mẹ quyền lực nhất thế giới” về tiền bạc và ảnh hưởng xã hội.

 

Hồi tháng 4 vừa qua, dư luận đã phải ngạc nhiên khi biết rằng người phụ nữ nổi tiếng là mát tay trong việc quản lý Facebook cũng đồng thời là một bà mẹ hết lòng vì con cái. Sheryl Sandberg tâm sự rằng, bà luôn luôn rời khỏi cơ quan lúc 17 giờ 30 phút để về nhà ăn cơm với con vào lúc 18h.

 

Tiết lộ thú vị của bà Sandberg lập tức được báo chí Mỹ và thế giới đăng tải rộng rãi. Điều này khá thú vị, bởi ở Mỹ vừa đi làm vừa chăm sóc con với tinh thần trách nhiệm cao là một thách thức khó vượt qua, càng khó hơn đối với người đang giữ vị trí cao thứ hai trong một công ty lớn như Sheryl Sandberg.

 

Phúc Minh

 VnEconomy

 

 

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Bầu Đức đi thi “bản lĩnh doanh nhân”

Ngày đăng : 07/06/2012 - 3:00 PM

 

 

Từ ngày 6-9/6, ông Đoàn Nguyên Đức, người thường được gọi là "bầu Đức", Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), sẽ tham dự giải thưởng "Ernst & Young - Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp thế giới" (WEOY), cùng với đại diện các doanh nhân xuất sắc từ 51 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, được tổ chức tại Monaco, Pháp.
 
Trước đó, vào tháng 10/2011, ông Đoàn Nguyên Đức là doanh nhân đoạt giải cao nhất của giải thưởng "Ernst & Young - Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp" tại Việt Nam, và trở thành một trong 59 ứng viên đạt giải thưởng này tại 51 quốc gia, vùng lãnh thổ, đại diện cho doanh nhân Việt Nam tham gia WEOY 2012 tại Monaco. Trong cuộc thi này, một doanh nhân duy nhất sẽ trở thành người chiến thắng.
 
“Tham dự WEOY 2012 là một niềm vinh dự rất lớn đối với tôi và HAGL, cổ vũ tôi và HAGL nuôi dưỡng khát vọng tiếp tục đưa HAGL vươn ra khỏi biên giới Việt Nam, xứng tầm với một số công ty lớn trên thế giới, và mục đìch cuối cùng là đóng góp và xây dựng đất nước chúng ta càng ngày càng phát triển”, ông Đức nói.
 
Hội đồng bình xét của vòng chung kết WEOY 2012 đến từ khắp nơi trên thế giới, hầu hết trong số họ là những doanh nhân đã được vinh danh trong giải thưởng này qua các năm. 
 
Ban tổ chức cho biết, giải thưởng WEOY đánh giá doanh nhân theo 6 tiêu chí thống nhất trên toàn cầu, và cũng là 6 tiêu chí đánh giá các doanh nhân tham dự giải thưởng này tại Việt Nam. Giải thưởng không đánh giá doanh nhân theo quy mô của doanh nghiệp, mà đánh giá sự tăng trưởng cùng với tinh thần và bản lĩnh doanh nhân và các sáng kiến cho phát triển bền vững.
 
Sau khi xem xét hồ sơ của các doanh nhân tham dự, hội đồng bình xét sẽ cùng thảo luận, gặp mặt phỏng vấn từng doanh nhân tại Monaco trong 4 ngày từ 6-9/6 và đưa ra kết quả. 
 
Tháng 9/2011, ông Đoàn Nguyên Đức từng được nhật báo tài chính Wall Street Journal (WSJ) bình chọn là một trong 29 doanh nhân quyền lực nhất khu vực Đông Nam Á năm 2011.
 
DUY CƯỜNG
Theo Vneconomy
 

 


Những cung bậc bất ngờ trong cuộc đời Bill Gates

Ngày đăng : 01/06/2012 - 3:37 PM

 

 

Với giới công nghệ, Gates là một huyền thoại, người đã sáng lập nên một trong những hãng công nghệ lớn nhất thế giới. 

Tỷ phú Microsoft, Bill Gates, đã bước qua tuổi 56. Mặc dù đã có nhiều cuốn sách viết về ông được xuất bản khắp thế giới, nhưng hình ảnh của ông trong mắt người đời ở chỗ này chỗ khác, lúc này lúc kia lại không hoàn toàn thống nhất.

 

Với những người bình thường, ông là tỷ phú giàu nhất nhì thế giới. Với giới công nghệ, Gates là một huyền thoại, người đã sáng lập nên một trong những hãng công nghệ lớn nhất thế giới. Còn với những người dân ở các nước kém phát triển, Gates là "thánh sống" khi ông cùng vợ chia sẻ hàng tỷ USD tài sản làm từ thiện.

 

Ông cũng bị đầy người ghét. Không ít người nhận xét Gates là một ông chủ xấu tính, hiếu chiến, hay "văng" những câu nhạo báng khó nghe vào mặt người đối diện. Người khác lại nói ông ranh ma và chơi không đẹp. Song, sau hết tất cả những cái sự yêu ghét đó, Gates vẫn là người có ảnh hưởng lớn tới thế giới đương đại.

 

Những ý tưởng của ông về máy tính và phần mềm đã mang lại sự thay đổi cho thế giới, tạo nên một giá trị vô cùng lớn, không chỉ đối với bản thân ông mà còn với toàn bộ hệ sinh thái của những nhà phát triển phần mềm. Trang Business Insider mới đây đã tóm lược những nốt thăng trầm của cuộc đời Bill Gates như sau:

 

Bill Gates mê máy tính từ nhỏ

 

 

Gates bắt đầu quấn quýt với chiếc máy tính từ khi ông 13 tuổi. Có thể bạn cảm thấy buồn cười vì bé nhà bạn giờ mới lên ba đã biết dùng máy tính bảng, nhưng điều này không phải là chuyện bình thường vào thập niên 1960. Vào thời bấy giờ, không phải nhà nào cũng có máy tính và nhất là chiếc máy tính còn thiếu giao diện người dùng.

 

Chương trình máy tính đầu tiên

 

 

Khi Gates học lớp 8, câu lạc bộ các bà mẹ trong trường đã dùng tiền lãi thu được từ việc bán đồ linh tinh để mua một thiết bị đầu cuối Teletype dòng 33 ASR và một gói thời gian sử dụng cho một máy tính. Thời điểm đó, mọi người phải trả tiền sử dụng máy tính theo giờ. Gates đã viết chương trình máy tính đầu tiên của mình trên chiếc máy này. Đó là trò cờ caro cho một người đấu với máy.

 

Gates và Allen, từ BASIC tới Microsoft

 

 

Gates đã gặp đồng sáng lập Microsoft Paul Allen khi hai người cùng "mài đũng quần" ở trường Lakeside. Mặc dù Allen lớn hơn hai tuổi, song vì cùng yêu thích máy tính nên cả hai nhanh chóng kết bạn. Năm 1974, Allen cho Gates xem một bài viết trên tờ Popular Mechanics về bộ máy tính mini Altair 8800. Và một ý tưởng đã lóe sáng: Sẽ thế nào nếu ai cũng có một chiếc máy tính cá nhân nhỏ gọn cho mình?

 

Allen và Gates đã gọi tới công ty bán máy tính Altair và nói rằng họ có phần mềm BASIC có thể chạy trên dòng sản phẩm này, nhưng thực tế là họ chưa có gì trong tay. Giám đốc điều hành công ty tỏ ra thích thú với đề nghị của bộ đôi. Allen và Gates đã miệt mài viết bộ mã BASIC trong suốt hai tháng. Cuối cùng, thành công cũng tới, Altair mua phần mềm. Và "hạt giống" Microsoft nảy mầm.

 

Chiến đấu với trào lưu phần mềm miễn phí

 

 

Vào thuở "bình minh" của thời đại máy tính, mọi người sao chép và chia sẻ phần mềm với nhau một cách thoải mái. Phần mềm BASIC của Microsoft cũng không phải là ngoại lệ. Tháng 2/1976, Gates đã viết một bức thư ngỏ gửi tới những người yêu thích máy tính, giải thích rằng việc phát tán những phần mềm không phải trả tiền sẽ "ngăn cản sự hình thành của những phần mềm có ý nghĩa".

 

Ông yêu cầu mọi người hãy trả tiền để mua phần mềm. Vào thời điểm đó, đây là một quan điểm không bình thường và cho tới ngày nay, đôi lúc cũng vẫn có người nghĩ như vậy.

 

Gates thông minh, nhưng ranh mãnh

 

Vào thập niên 1980, mẹ của Gates, bà Mary Maxwell Gates, đã có cuộc trò chuyện với ông John Opel (người sau này là Chủ tịch IBM). Bà đã giới thiệu con trai bà với nhân vật nổi tiếng này. Khi đó, IBM vừa chế tạo được máy tính cá nhân (PC) và muốn một bản sao BASIC cũng như hệ điều hành DOS.

 

Microsoft sau đó đã cung cấp phần mềm bản quyền cho máy tính IBM, nhưng từ chối bán mã nguồn. Gates nghĩ rằng các nhà sản xuất khác sẽ bắt chước IBM sản xuất máy tính cá nhân và họ cũng sẽ cần đến hệ điều hành từ Microsoft. Bill Gates đã đúng.

 

Gates không phải là một ông chủ tốt

 

 

Trước giờ, Bill Gates không nổi tiếng về các mối quan hệ xã hội. Ông từng có những cuộc tranh cãi nảy lửa với Giám đốc điều hành hãng sản xuất máy tính Altair. Khi trở thành Giám đốc điều hành Microsoft, ông vẫn nổi danh về thói quen gây gổ và xúc phạm các nhân viên quản lý trong những cuộc họp hàng ngày, như gọi những ý tưởng của họ là "ngu ngốc".

 

Phong cách quản lý "lăng mạ" đã ăn sâu vào máu của Microsoft và một số nhà quản lý của hãng vẫn hành động như vậy, một số cựu nhân viên Microsoft kể lại.

 

Kẻ bỏ học ngang lưng

 

 

Gates từng theo học ở trường Harvard nhưng sau đó đã bỏ ngang khi bắt đầu xây dựng Microsoft cùng với Allen. Mẹ ông không lấy gì làm vui trước hành động của con mình. Bà lo lắng cho tương lai của Gates và muốn con mình trở lại trường để trở thành một luật sư như chồng bà.

 

Gates không trở lại trường học, song Harvard cũng vẫn đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của Microsoft. Tại trường này, Gates đã gặp Steve Ballmer. Năm 1980, Ballmer đã trở thành nhân sự thứ 30 của Microsoft và hiện đang dẫn dắt công ty. Ballmer có mức tương 50.000 USD và nắm giữ 8% cổ phần trong công ty.

 

Người "nhào nặn" ra các triệu phú

 

 

Năm 1978, Microsoft thu được 2,5 triệu USD. Vào thời điểm đó, Gates mới 23 tuổi. Trong ảnh là những nhân viên đầu tiên của Microsoft. Nhiều người trong số này đã ở lại Microsoft đủ lâu để trở thành các triệu phú. Tuy nhiên làm việc với Gates không phải là chuyện dễ dàng. Một trong những người phụ nữ trong ảnh này đã từng kiện công ty vì thái độ phân biệt giới tính.

 

Tỷ phú xấu tính, chơi không đẹp

 

 

Microsoft càng lớn mạnh, Gates càng trở nên xấu tính. Khi còn làm việc với Apple, Gates đã nảy ra ý tưởng về một hệ điều hành cho phép dùng chuột ngoài bàn phím. Sau đó, Apple đã kiện Microsoft về tội sao chép "diện mạo và cảm giác" của Macintosh vào Windows. Vụ kiện này kết thúc với phần thua thuộc về hãng công nghệ "quả táo cắn dở".

 

Microsoft đã mượn sự yêu thích của người dùng đối với phần mềm Windows của mình để gây khó dễ cho đối thủ trong cuộc chiến phần mềm. Ủy ban Thương mại Liên bang và Bộ Tư pháp Mỹ đã không ít lần tiến hành điều tra Microsoft về cáo buộc cạnh tranh không lành mạnh. Năm 1998, Mỹ cáo buộc Microsoft vi phạm luật chống độc quyền. Gates đã lảng tránh phiên tòa và Microsoft thua kiện.

 

Một tú tài đủ tư cách

 

 

Bất chấp những lời chê về phong cách quản lý lăng mạ người khác hay một đối thủ cạnh tranh "tàn bạo", gia sản kếch xù, sự thông minh và tính nhạy bén kinh doanh của Gates đã đưa ông trở thành một tú tài đủ tư cách nhất ở Mỹ trong suốt hàng thập niên. Tuy nhiên không giống như những tỷ phú phần mềm khác, chẳng hạn như Larry Ellison của Oracle, ông không nổi tiếng về khả năng tán tỉnh phụ nữ.

 

Gates bắt đầu hẹn hò với bà Melinda French vào năm 1989 và mãi tới 1/1/1994, họ mới tổ chức hôn lễ. Hiện cặp đôi này đã có hai mặt con cái và sống hạnh phúc trong một tòa nhà rộng hơn 6.000 mét vuông hướng ra hồ Washington. Kể từ sau vụ kiện chống độc quyền, Gates bắt đầu thay đổi cách sống của mình.

 

Với vợ, Gates là một người đàn ông tốt bụng

 

 

Năm 1994, Gates đã dùng một số cổ phần của ông trong Microsoft để thành lập Quỹ William H. Gates. Năm 2000, ông và vợ gộp ba quỹ từ thiện của gia đình thành một. Và Quỹ Bill & Melinda Gates chính thức ra đời. Cũng trong năm này, ông rời bỏ cương vị Giám đốc điều hành Microsoft và đảm nhiệm vai trò "kiến trúc sư trưởng phần mềm". Năm 2006, ông dần từ bỏ công việc điều hành để toàn tâm toàn ý cho việc từ thiện.

 

Người đàn ông hào phóng

 

 

Tháng 12/2010, Gates và nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett (cũng là bạn tốt của Gates) ký "Cam kết Gates - Buffett". Họ hứa sẽ quyên tặng ít nhất một nửa số tài sản của mình cho công tác từ thiện. Gates cũng bắt đầu việc kêu gọi các tỷ phú khác chi tiền cho hoạt động cộng đồng này. Mark Zuckerberg, tỷ phú Facebook, là một trong những người đầu tiên đồng ý ký vào bản cam kết này.

 

Danh tiếng mới

 

 

Hiện nhiều người đã bắt đầu quên đi câu chuyện về việc ông bị kiện vi phạm luật chống độc quyền. Thay vào đó, Gates đã trở thành một trong những nhân vật bác ái đáng kính trọng nhất thế giới. Năm 2011, ông xuất hiện cùng với Jon Stewart trong một chương trình bàn về cách loại trừ bệnh bại liệt ở các nước kém phát triển.

 

Một thiên thần hoàn hảo

 

 

Danh tiếng của Gates giờ đây đã được gột rửa sạch bong. Hiện ông được biết đến như một người đàn ông tốt bụng đang giải cứu thế giới. Từ một nhà kinh doanh xấu tính, đáng ghét, Gates đã lột xác trở thành một nhà từ thiện thiên thần, đáng kính. Cuộc đời của tỷ phú Microsoft giống như một cuốn phim dài tập với đầy những cung bậc bất ngờ.

Phúc Minh

 VnEconomy

 


Lặng lẽ nữ doanh nhân quyền lực đất Bắc

Ngày đăng : 17/05/2012 - 1:36 PM

 

Một nhân vật quyền lực, nổi tiếng nhưng lặng lẽ. Khi nhiều người biết được điểm đến nào đó thì bà đã đi qua rồi…

Một ngày đẹp trời, vòng quanh Hồ Gươm, quãng 22 - 32 Lê Thái Tổ, thấy có gì đó mới. Siêu thị Intimex quen thuộc nay hơi lạ, có sự xuất hiện bề thế của hệ thống nhận diện thương hiệu Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) sát kề.

Biết chuyện, cũng chẳng lạ. Vì ở đây có mối liên hệ theo cách khá quen thuộc. SeABank nằm cạnh Intimex cũng giống như sự đan chéo sản phẩm, tiếp thị giữa ngân hàng này với các địa chỉ khác trong lĩnh vực ôtô, du lịch, thể thao, bất động sản… khoảng dăm năm trở lại đây. Những mối liên hệ đó xoay quanh cái tên Nguyễn Thị Nga.

Ẩn sau những thương vụ lớn

Thảng vài lần bà Nguyễn Thị Nga xuất hiện trên báo chí. Không phải nói về mình, không phải nói về cách kinh doanh, càng không phải gắn với tiếng tăm về tài sản như thông tin thường thấy về các đại gia; mà chủ yếu từ nội dung cuộc họp nào đó về hoạt động ngân hàng, như là yêu cầu của công việc.

Chính vì vậy, với đại chúng, nữ doanh nhân 57 tuổi này có lẽ ít nhiều còn “xa lạ”. Thường thì cái tên Nguyễn Thị Nga chỉ được nhắc đến trong các thông tin thời sự khi một thương vụ nào đó liên quan đã được hoàn tất.

Như sự sóng đôi của cặp thương hiệu Intimex - SeABank trên phố Lê Thái Tổ, người quan tâm nhận thấy để rồi mới nhớ lại, hoặc tìm sự kết nối. Cả hai doanh nghiệp này đều có chung vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Dấu ấn của mối liên hệ có từ ba năm về trước.

Ngày 15/6/2009, sau 30 năm hoạt động, lịch sử Công ty Cổ phần Intimex Việt Nam sang trang khi tổ chức đại hội đồng cổ đông lần đầu tiên. Sự kiện này gắn với những thay đổi quyết liệt từ nhóm cổ đông lớn, mà đại diện là bà Nguyễn Thị Nga, nắm tới 46,05% vốn điều lệ. Quyết liệt bởi Intimex thời điểm đó có nhiều sóng gió…

Bà Nga, Chủ tịch Hội đồng Quản trị SeABank, trở thành Chủ tịch Hội đồng Quản trị Intimex. Điểm hẹn trên phố Lê Thái Tổ không phải là tình cờ. Trước đó, các giao dịch cổ phần giữa Intimex liên quan đến Công ty Chứng khoán Đông Nam Á (SeASecurities - một công ty khác cũng nằm trong hệ thống của nữ doanh nhân này) cũng đã được thị trường biết đến.

Gần đây nhất, hẳn nhiều nhà đầu tư bất động sản phải giật mình khi hay tin khách sạn 5 sao Hilton Opera Hà Nội đã được doanh nghiệp Việt Nam mua lại từ chủ sở hữu nước ngoài (Đức và Áo). Đó là tập đoàn BRG mà Chủ tịch chính là bà Nguyễn Thị Nga. Thương hiệu và địa thế vàng của khách sạn này đủ để khiến họ giật mình; mặt khác, một vụ sang tay lớn như vậy lại diễn ra trong lặng lẽ.

Và ẩn số sở hữu…

Lặng lẽ là điểm chung trong nhiều dự án khác của nữ doanh nhân quyền lực này. Thế nên thực khó để lượng định một quy mô sở hữu. Song, có thể nhận thấy sự đồ sộ của hệ thống kinh doanh mà người phụ nữ này đang làm chủ và điều hành.

Trước hết, khoản đầu tư của bà Nguyễn Thị Nga được nhiều người biết đến hơn chục năm về trước, gắn với Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank). Năm 2005 - 2006 bà Nga làm Chủ tịch Techcombank. Một năm sau đó bà chuyển sang SeABank với cương vị Chủ tịch, và đây có thể xem là thời điểm sức kinh doanh bắt đầu lan tỏa mạnh mẽ, dù tính hiệu quả của SeABank gần đây là một vấn đề khác.

Một tập hợp có hệ thống và tương đối đầy đủ về sức lan tỏa đó mới chỉ chính thức xuất hiện. Qua đó, cho thấy sự có mặt ở hầu khắp các lĩnh vực hấp dẫn của nền kinh tế, từ tài chính - ngân hàng đến chứng khoán, bất động sản, du lịch - khách sạn, thương mại - xuất nhập khẩu, thể thao cho đến ôtô - xe máy…

Định hình lại là hoạt động và sở hữu của tập đoàn BRG (BRG Group) mà bà Nguyễn Thị Nga là người đứng đầu với 13 công ty thành viên cùng hàng chục dự án.

Đó là Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank), Công ty Chứng khoán Đông Nam Á (SeASecurities), sân golf quốc tế Đảo Vua (Kings’ Island Golf Course), khu nghỉ dưỡng ven biển và sân golf quốc tế Đồ Sơn (Doson Seaside Golf Resort), khu vui chơi giải trí thể thao và sân golf quốc tế Legend Hill (Legend Hill Golf Resort), khách sạn Hilton Hanoi Opera, khách sạn Hilton Garden Inn, khách sạn Sông Nhuệ, tòa nhà văn phòng cao cấp Oriental Tower, khu căn hộ Oriental Palace, showroom Honda Ôtô Tây Hồ, Honda Ôtô Hải Phòng, dự án Thung lũng Nữ hoàng và còn loạt dự án đang và sẽ triển khai như Oriental Garden, Oriental Plaza, Oriental Sun, Oriental Pearl, Oriental West Lake…

Một hệ thống dày đặc và đồ sộ như vậy, thực khó để lượng định bằng các con số ồn ào. Song, chính vì hầu hết dữ liệu kinh doanh của hệ thống cũng “lặng lẽ” như người chủ, khiến quy mô sở hữu vẫn là ẩn số.

Giả sử hệ thống đó đồng loạt lên tiếng trên sàn niêm yết, có lẽ bản danh sách cập nhật những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam những năm gần đây đã có một kết quả rất khác…

NGUYÊN HỒNG

Theo VnEconomy


Cà phê cuối tuần: “Ghế nóng” tại Techcombank

Ngày đăng : 11/05/2012 - 3:08 PM

 

“Ghế nóng” tại Techcombank lúc này giống như áp lực kế nhiệm vị trí huấn luyện viên CLB Barcelona sau sự ra đi của Pep Guardiola vậy.

Ông Simon Morris dẫn so sánh đó trong lần đầu tiên tiếp xúc với VnEconomy sau bốn tháng tiếp nhận vị trí Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).

Cuộc trò chuyện diễn ra sau khi ông Morris vừa rời đại hội đồng cổ đông thường niên 2012 của Techcombank, mà tại đây ông Nguyễn Đức Vinh - người tiền nhiệm - xin từ nhiệm vị trí Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị, sau khi đã chuyển giao vai trò điều hành cao nhất hồi tháng 1/2012.

“Cà phê cuối tuần” kỳ này, VnEconomy giới thiệu cuộc trò chuyện với ông Simon Morris, xoay quanh sự chuyển giao đó tại Techcombank.

“Phải có ai đó bắt đầu chứ!”

Tổng giám đốc là người nước ngoài vẫn còn khá mới mẻ tại các ngân hàng Việt Nam. Ông nói gì về điều này và ông đến với Techcombank như thế nào?

Hình như mọi người đã quá chú trọng đến việc tôi là CEO nước ngoài đầu tiên tại ngân hàng Việt Nam. Cuối cùng thì phải có một người nào đó bắt đầu chứ. Chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu, đang nhìn thấy hoạt động của rất nhiều ngân hàng trên thế giới không riêng gì ở một địa phương hay một đất nước nào đó, nên việc tôi là CEO người nước ngoài cũng là chuyện bình thường.

Tôi đã có 25 năm làm việc cho Standard Chartered, nhiều năm làm CEO cho ngân hàng này tại các quốc gia như Brunei, Sri Lanka, Philippines, Indonesia. Tôi thấy có 2 đất nước rất hấp dẫn mà tôi mong muốn đến làm việc là Thái Lan và Việt Nam. Thế rồi tôi rất bất ngờ và hào hứng khi nhận được lời mời từ Techcombank sang Việt Nam làm việc. Tôi còn vui hơn nữa khi biết đây là một ngân hàng đang có thành tích tăng trưởng và phát triển rất tốt.

CEO của một ngân hàng lớn, có thành tích phát triển tốt như ông nói thì đồng nghĩa với áp lực lớn? Với ông còn là những khác biệt về văn hóa, môi trường pháp lý và đặc thù cạnh tranh của thị trường…

Tất nhiên là sẽ có những khác biệt về văn hóa. Tuy nhiên là một người quản lý quốc tế thì anh cần phải có đủ nhạy cảm để cảm nhận và xem xét các đặc điểm văn hóa vùng miền để đưa vào cách quản lý điều hành của mình cho phù hợp. Tại Việt Nam, tôi nhận thấy một điều là mọi người làm việc rất chăm chỉ. Tôi vô cùng ấn tượng về tài năng và sự cần cù trong công việc của các cán bộ nhân viên tại ngân hàng.

Về các quy định pháp lý, như tôi đã nói tôi từng làm việc tại nhiều quốc gia khác nhau trong một thời gian dài nên tôi thấy những quy định về pháp lý giữa các nước, đặc biệt là các nước tại châu Á, cũng không khác nhau nhiều lắm. Có nhiều thứ giống hệt nhau. Nhưng cho dù có những khác biệt về quy định pháp lý hay văn hóa đi nữa thì ngân hàng vẫn là ngân hàng.

Ông đến Việt Nam trong bối cảnh ngành ngân hàng đang tái cơ cấu mạnh mẽ, bản thân ông và Techcombank đã chuẩn bị những gì?

Mục đích của việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là nhằm tạo ra một hệ thống ổn định hơn, bền vững hơn. Thách thức từ việc tái cơ cấu đối với mỗi ngân hàng là khác nhau tùy thuộc vào khoảng cách giữa vị trí hiện tại của họ với mức mà Ngân hàng Nhà nước mong đợi. Bất cứ ngân hàng nào, bất cứ đất nước nào cũng cần cải thiện hơn nữa để phát triển, kể cả ngân hàng chúng tôi.

Với Techcombank, chúng tôi đang đồng hành cùng với cổ đông chiến lược HSBC, là một trong những ngân hàng hàng đầu thế giới với sự tư vấn chiến lược của McKinsey, có nghĩa là chúng tôi đang hướng đến những tiêu chuẩn cao hơn. Cá nhân tôi đánh giá khoảng cách của Techcombank so với tiêu chuẩn cao là ngắn hơn so với một số ngân hàng khác trong nước.

Nhặt “táo hỏng” là yêu cầu rõ ràng…

Lúc nãy ông có nói có những tương đồng giữa thị trường Việt Nam so với những thị trường mà ông đã kinh qua. Nhưng ở Việt Nam có những đặc điểm có thể ảnh hưởng lớn tới hoạt động của các ngân hàng thương mại. Ví dụ như cơ chế trần lãi suất, chuyện “hai tỷ giá”… có tại nhiều thời điểm trong quá khứ, dẫn tới nhiều rủi ro về pháp lý, về nghiệp vụ, về đạo đức. Ông ứng xử với những khác biệt đó như thế nào?

Rõ ràng có những khác biệt như vậy, bên cạnh những điểm tương đồng. Mỗi cơ quan hữu quan tại mỗi quốc gia đều có phương pháp khác nhau, nhưng có một điểm chắc chắn là khi nền kinh tế trải qua giai đoạn khó khăn, người ta mong đợi nhà điều hành tham gia nhiều hơn vào thị trường hơn, đúng không?

Cho đến nay tôi chưa nhận thấy có một cái gì đó gọi là ngạc nhiên lớn cả. Tôi tin rằng sự hiểu biết của Ngân hàng Nhà nước đối với thị trường là rất cao, họ biết rõ cần phải làm gì. Rõ ràng chúng ta có vấn đề về triển khai. Khi chống lạm phát chúng ta đẩy lãi suất, nhưng tỷ lệ tăng trưởng GDP thì lại thấp, cho nên mọi người phải cố gắng xoay xở để tìm một sự cân bằng nào đó.

Còn với những thực tế cạnh tranh không lành mạnh, như tình trạng vượt trần lãi suất huy động thời gian qua, thưa ông?

Trong một rổ táo, một vài quả táo bị hỏng chẳng hạn, thì quả táo đó sẽ gây ảnh hưởng đến cả rổ táo.

Ở Việt Nam có câu gần như vậy, “con sâu làm rầu nồi canh”…

Vâng. Tôi tin Ngân hàng Nhà nước đã nhận ra được vấn đề đó. Thậm chí họ đã có những bước đi để sao cho các ngân hàng yếu không hoạt động một cách độc lập và cạnh tranh không lành mạnh như vậy, mà bị tiếp quản bởi những ngân hàng lớn hơn. Nếu nhìn nhận ở quan điểm đó thì hệ thống ngân hàng Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển đổi.

Qua chuyển đổi hay quá trình tái cơ cấu hiện nay, theo ông Việt Nam sẽ có bao nhiêu ngân hàng là đủ?

Nếu các ngân hàng đều tốt, cùng cạnh tranh lành mạnh thì không cần quan tâm đến con số bao nhiêu.

Còn như ở câu chuyện rổ táo, nếu không nhặt táo hỏng ra thì một thời gian sau nó sẽ làm hỏng luôn cả rổ. Điều đó là rất rõ ràng.

Lương thưởng chỉ là một phần…

Trở lại với công việc của ông. Ông Nguyễn Đức Vinh đã từ nhiệm, với bất cứ lý do nào thì công chúng vẫn ghi nhận đó là một CEO xuất sắc của ngành ngân hàng, gắn với sự đi lên của Techcombank trong hơn chục năm qua. Đó cũng là áp lực cho người kế nhiệm. Vậy ông nói gì khi ngồi vào “ghế nóng” CEO của Techcombank?

Đúng là nóng (cười…). Ông Vinh là một lãnh đạo giỏi, đã dẫn dắt Techcombank rất thành công trong 12 năm qua.

Ở đây tôi xin dẫn một ví dụ trong lĩnh vực bóng đá. Huấn luyện viên đội bóng Barcelona, ông Guardiola đang chuẩn bị kết thúc hợp đồng. Ông là một trong những huấn luyện viên xuất sắc và thành công nhất của câu lạc bộ này. Barcelona sẽ phải có ai đó tiếp bước ông ấy dẫn dắt đội bóng.

Tôi nghĩ rằng với vai trò là một CEO thì rõ ràng sẽ luôn có người tiền nhiệm và  người kế nhiệm. Đối với tôi khi làm việc tại Techcombank, tôi đã có một nền tảng vững chắc với hơn 8.300 nhân viên cũng như có một ngân hàng mạnh, thương hiệu tốt. Chúng tôi đang cùng nỗ lực để kết nối hơn 8.300 trái tim đó thành một sức mạnh tổng thể để đạt đến những thành công mới.

Vậy, áp lực phải dẫn dắt ngân hàng ở thế đi đầu trên thị trường như thế nào, bởi những năm qua Techcombank thường là đi trước các đối thủ ở nhiều sản phẩm, dịch vụ?

Đúng là vậy! Chúng tôi luôn tìm cách để làm sao cho giao dịch với ngân hàng ngày càng dễ dàng hơn, tiện lợi hơn, phải hiểu rõ khách hàng hơn để đưa ra những sản phẩm phù hợp chứ không phải chạy theo và sao chép sản phẩm của các ngân hàng khác. Chúng tôi phải tạo ra được những sản phẩm mà khách hàng cần vì sẽ là không hợp lý và hiệu quả khi đưa ra những ý tưởng mới mà không ai cần đến nó.

Thực tế qua bốn tháng tiếp nhận công việc, ông nhận thấy có những thuận lợi và khó khăn gì khi điều hành Techcombank?

Điểm bất lợi duy nhất đối với một người nước ngoài như tôi là rào cản ngôn ngữ. Còn lại tôi nhìn nhận là thuận lợi.

Tôi được tiếp nhận một ngân hàng năm ngoái có lợi nhuận trên 4.000 tỷ đồng, có thương hiệu mạnh, có quan hệ chiến lược với HSBC, có hệ thống mạng lưới rộng khắp, và trên hết là những con người tuyệt vời, bởi vì chính yếu tố con người mới là yếu tố thúc đẩy, tạo được sự khác biệt. Là lãnh đạo ngân hàng, nhiệm vụ của tôi là tạo được môi trường thuận lợi cho những tài năng đó phục vụ tốt nhất cho ngân hàng.

Như lúc nãy chúng ta có nói đến câu chuyện “ghế nóng”, dù nóng thế nào thì tôi cũng may mắn khi có cơ hội tiếp nhận một ngân hàng như thế này. Tôi rất hài lòng và vui sướng khi làm việc tại đây. Chủ tịch Hội đồng Quản trị Techcombank là một người rất năng động, giàu kinh nghiệm, thậm chí tôi còn học được rất nhiều khi làm việc với ông ấy. Và mỗi chúng ta thì không bao giờ ngừng học hỏi.

Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm ở các thị trường khác mà ông sẽ áp dụng ở Việt Nam chứ, như để khai thác tốt hơn nguồn lực của Techcombank?

Một trong những mục tiêu hàng đầu của tôi tại đây là tạo được một môi trường làm việc, là nơi tạo cơ hội thành công cho mọi người. Mỗi người làm việc tại ngân hàng đang dành thời gian mỗi ngày tại ngân hàng nhiều hơn là ở gia đình mình. 

Tôi muốn tạo ra được môi trường mà nhân viên của mình thích thú làm việc, có cơ hội thể hiện hiệu quả công việc tốt nhất, có cơ hội thăng tiến nhanh chóng đúng như nhu cầu của họ. Họ được công nhận và có phần thưởng xứng đáng với những gì họ đóng góp.

Hơn 8.300 cán bộ nhân viên ở đây, mỗi người có những khác biệt. Có những người có tham vọng lớn, nhưng cũng có những người chỉ bắt đầu ngày làm việc từ 8 giờ sáng và kết thúc vào 5 giờ chiều mà thôi. Nhưng cuối cùng, họ làm việc là đều vì gia đình mình. Vậy thì chúng tôi phải tạo điều kiện cho họ.

Tôi tin với đội ngũ nhân viên hiện nay, khi họ có những điều kiện và môi trường cần thiết thì chúng tôi sẽ tiếp tục tạo nên những thành công mới.

Với cá nhân ông, ông có thể tiết lộ về chế độ tại Techcombank?

Tôi chỉ có thể nói một câu là đủ sức cạnh tranh để kéo tôi về đây.

Một điểm tôi nhận thấy ở Techcombank là tôi rất thích Hội đồng Quản trị, tôi thích tham vọng của họ. Tôi đã đọc được những bài báo đã viết về ngân hàng và những thành tích họ làm được. Ở đất nước này còn nhiều cơ hội tuyệt vời, nên bản thân tôi thấy mình vô cùng may mắn khi được làm việc ở đây. Lương thưởng chỉ là một phần trong đó mà thôi.

Còn với… đội bóng Barcelona, sau sự ra đi của Guardiola thì ông có tin tưởng rằng họ sẽ vẫn là đội bóng hàng đầu thế giới chứ?

Điều này còn tùy thuộc vào người sẽ dẫn dắt họ. Chúng ta cần hai tay để vỗ. Đội bóng, cầu thủ kỹ năng vẫn thế, còn huấn luyện viên mới có thể sẽ làm cho anh chơi tốt lên hoặc chơi tệ đi. Nhưng Barca dù thế nào vẫn là một đội đẳng cấp thế giới.


Theo MINH ĐỨC

VnEconomy


Tỷ phú Microsoft ngày càng nghèo so với CEO Facebook

Ngày đăng : 04/05/2012 - 3:14 PM

 

Đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) để huy động 11,8 tỷ USD của công ty điều hành mạng xã hội Facebook, sẽ không chỉ làm cho tài sản của tỷ phú 27 tuổi Mark Zuckerberg tăng mạnh, mà còn nâng Facebook lên thành một trong những công ty giá trị nhất ở Mỹ, hãng tin tài chính Bloomberg cho hay.

Theo hồ sơ vừa được Facebook đệ trình hôm qua (3/5), cổ phiếu của mạng xã hội lớn nhất hành tinh này sẽ được định giá từ 28 - 35 USD trên tổng số 337,4 triệu cổ phiếu bán ra. Với mức giá cao nhất, số cổ phần trong tay Zuckerberg sẽ có giá 17,6 tỷ USD. Theo đó, đồng sáng lập Facebook sẽ giàu hơn cả CEO Microsoft Steve Ballmer và tỷ phú thép người Nga Vladimir Lisin. Cả Ballmer và Lisin đều có số tuổi lớn gấp đôi Zuckerberg.

Trong bảng xếp hạng tài sản các tỷ phú công nghệ do Bloomberg thống kê và công bố hồi giữa tháng 3 năm nay, tài sản của Giám đốc điều hành "người khổng lồ" phần mềm Microsoft là hơn 15 tỷ USD. Theo đó, ông này nằm trong số 10 tỷ phú công nghệ giàu nhất hành tinh, cùng với Bill Gates, Larry Ellison, Michael Dell... Tuy nhiên, ngay ở thời điểm này, tài sản của Steve Ballmer cũng đã thua kém khá nhiều so với Mark Zuckerberg.

Trước đó, Facebook đã ấn định thời điểm phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào ngày 18/5 tới đây. Facebook sẽ bắt đầu lộ trình IPO của mình vào ngày 7/5 và lộ trình này sẽ kéo dài 11 ngày nhằm thuyết phục các nhà đàu tư mua cổ phiếu của công ty. Giám đốc điều hành của Facebook, Mark Zuckerberg dự kiến sẽ xuất hiện tại một số sự kiện quảng bá chương trình phát triển của mạng xã hội này tới các nhà đầu tư tiềm năng.

Facebook đã chính thức đệ trình hồ sơ xin IPO lên Ủy ban Chứng khoán Mỹ từ đầu tháng 2 năm nay. Theo giới phân tích, nếu đợt chào bán cổ phiếu lần đầu tới đây của Facebook gặt hái được thành công, nghĩa là thu hút được lượng vốn như mong đợi của hãng, thì đây sẽ là vụ IPO lớn nhất từ trước tới nay trong số các công ty thuộc lĩnh vực Internet lên sàn. Vị trí này trước giờ vẫn thuộc về "gã khổng lồ" tìm kiếm trực tuyến Google.

Trong hồ sơ xin IPO, Facebook cho biết, tính đến ngày 31/12/2011, doanh thu của công ty đã đạt 3,7 tỷ USD (tăng 47% so với năm 2010), lợi nhuận ròng của công ty tăng 65% lên 1 tỷ USD, số thành viên là 845 triệu, trong đó có hơn một nửa đang sử dụng mạng xã hội Facebook mỗi ngày và khoảng một số lượng lớn người dùng tương tự truy cập vào mạng xã hội phổ biến nhất thế giới này thông qua một thiết bị di động.

Dự kiến trong đợt quảng bá kế hoạch phát triển để chuẩn bị cho đợt IPO sắp tới, Facebook có thể sẽ công bố kết quả kinh doanh quý 1/2012 với doanh thu tăng 45%, lên gần 1,1 tỷ USD. Hãng cũng sẽ phải đối mặt với câu hỏi về việc chi phí tăng quá nhanh, khiến thu nhập ròng giảm 12%, xuống còn 205 triệu USD trong quý vừa qua. Thêm vào đó, vụ mua Instagram với giá 1 tỷ USD cũng sẽ là thắc mắc lớn của giới đầu tư cổ phiếu tiềm năng.

Facebook được thành lập năm 2004 bởi chàng sinh viên trẻ Zuckerberg ở Đại học Harvard. Nói về mạng xã hội này, Zuckerberg từng cho hay, "ban đầu Facebook không được tạo ra để trở thành một công ty. Facebook được xây dựng để thực hiện một nhiệm vụ xã hội là làm thế giới cởi mở hơn và được kết nối hơn. Chúng tôi cho rằng điều quan trong mà tất cả mọi người đầu tư vào Facebook hiểu nhiệm vụ này có ý nghĩa thế nào với chúng ta".

PHÚC MINH

VnEconomy


 

Tin mới cập nhật