Cùng doanh nghiệp biến khó khăn thành cơ hội

Ngày đăng : 12/12/2011 - 9:09 AM

Năm 2011, suy giảm kinh tế thế giới, khủng hoảng nợ công châu Âu là những thách thức cho xuất khẩu của Việt Nam.
 

 

 

 

Tuy vậy, các thương vụ Việt Nam tại EU đã nỗ lực sát cánh hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tiếp tục duy trì tăng trưởng XK tại thị trường trọng điểm này.

Nhiều thách thức


Theo Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương), EU với 27 nước là thị trường rộng lớn, đa dạng, có nhiều triển vọng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam nhưng cũng hết sức khắt khe. Đặc biệt trong năm 2010 và 2011, thời kỳ khó khăn của các nước EU với tình hình kinh tế tăng trưởng chậm, tỷ lệ thất nghiệp cao, nhiều vấn đề xã hội nảy sinh…

EU vừa bước vào giai đoạn phục hồi sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu lại đối mặt với khủng hoảng nợ công ở một số nước thành viên và nợ công của khu vực Eurozone có thể lên tới 87,9 % GDP trong năm 2011.

Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp tại EU vẫn ở mức cao với con số 9,5%, 8 tháng đầu năm 2011. Tăng trưởng kinh tế của khu vực này cũng đang trong tình trạng trì trệ, tăng trưởng GDP năm 2011 ước chỉ đạt 1,7%, lạm phát tính tới tháng 9/2011 là 3.3%/năm.

Ngoài những khó khăn kinh tế nói trên, EU vốn là một thị trường khắt khe với các tiêu chuẩn cao và chính sách bảo hộ sản xuất nội khối. Đặc biệt, năm 2011 và những năm tiếp theo Ủy ban châu Âu sẽ tiếp tục ban hành một số quy định trong lĩnh vực thương mại theo hướng siết chặt hơn ưu đãi của EU dành cho các nước đang phát triển; gắn ưu đãi với việc thực thi các công ước quốc tế về nhân quyền, lao động, môi trường và quản lý công; tăng cường khả năng dự báo, minh bạch và ổn định của hệ thống pháp luật; củng cố và tăng cường các biện pháp nhằm bảo đảm cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng…

Tất cả những yếu tố trên đã tác động bất lợi đến hoạt động trao đổi thương mại của các đối tác với khu vực EU, gây ảnh hưởng không nhỏ đến các đối tác xuất khẩu vào khu vực này, trong đó có Việt Nam.

Vẫn tăng trưởng

Trong bối cảnh kể trên, xuất khẩu của Việt Nam sang EU tiếp tục duy trì được tăng trưởng tốt. Năm 2010, xuất khẩu của Việt Nam sang sang EU đạt 11,4 tỷ USD, tăng 21,4%. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm của EU nói chung đều tăng khá cao: Đức đạt 2,37 tỷ USD (25,8%), Anh đạt 1,68 tỷ USD (26,5%), Pháp đạt khoảng 1,1 tỷ USD (tăng 35,4%), Hà Lan đạt 1,69 tỷ USD (26,5%)...

9 tháng năm 2011, kim ngạch xuất khẩu sang châu Âu tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao, đạt khoảng 13,7 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2010.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang thị trường này đã có sự thay đổi, trong đó, điện thoại các loại, linh kiện đã vươn lên giữ vị trí số 1, với kim ngạch đạt 2,07 tỷ USD, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ. Đứng thứ 2 là dệt may, đạt 2 tỷ USD (tăng 44,4%), tiếp theo là giày dép (1,89 tỷ USD, tăng 7,8%), cà phê (920 triệu USD, tăng 64,6%)...

Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng khác cũng tăng khá: Máy vi tính, sản phẩm điện tử đạt 577 triệu USD (tăng 42,0%), túi xách, vali đạt 333 triệu USD (tăng 24,8%), máy móc, thiết bị đạt 290 triệu USD (tăng 70,2%), hạt điều đạt 285 triệu USD (tăng 40,7%), hạt tiêu đạt 193 triệu USD (60,1%)...

Với các kết quả nói trên, dự kiến năm 2011, xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu có thể đạt khoảng 18,9 tỷ USD, tăng gần 25,4% so với năm 2010.

Lực đẩy từ thương vụ

EU là thị trường phát triển, giao dịch trực tiếp giữa doanh nghiệp rất thuận lợi nhưng vai trò của thương vụ là rất lớn, đặc biệt là các công việc có”giá trị gia tăng” như tư vấn. Trong đó, các công tác xúc tiến thương mại, thu thập thông tin thị trường, pháp lý của nước sở tại, qua đó đưa ra giải pháp kịp thời giúp doanh nghiệp trong nước tận dụng cơ hội tăng cường xuất khẩu được Bộ Công Thương và các thương vụ tại EU hết sức quan tâm.

Các Thương vụ tại EU có đội ngũ cán bộ năng động, có trình độ chuyên môn sâu, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng phân tích đánh giá cao, được đào tạo phù hợp với công tác chuyên môn. Nhờ đó, chất lượng thông tin và tư vấn cho doanh nghiệp rất cao, giúp doanh nghiệp “đánh đúng và trúng” thị trường.

Các thương vụ tại EU đã dự báo chính xác nhiều nguy cơ và nhận định những tác động xấu có thể xảy ra với xuất khẩu của Việt Nam. Các Thương vụ đã tổ chức tốt công tác nghiên cứu, cập nhật về chính sách, pháp luật, quy tắc vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn chất lượng... của từng nước hoặc khu vực kinh tế EU và phổ biến rộng rãi đến cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp Việt Nam.

Một trong những hoạt động nổi bật là việc các thương vụ hỗ trợ xây dựng và thực hiện Đề án đưa hàng Việt Nam trực tiếp vào các chuỗi siêu thị lớn ở châu Âu, giúp hàng Việt khẳng định được vị thế trên thị trường EU.

Kết nối đối tác để hợp tác đầu tư sản xuất cũng ghi nhận những kết quả tốt. Các thương vụ đã góp sức lớn để mời doanh nghiệp EU hoặc doanh nghiệp Việt kiều hợp tác đầu tư để sản xuất hàng hóa xuất ngược sang EU. Các thương vụ đã chủ động và kịp thời cung cấp thông tin để doanh nghiệp EU thấy rõ hơn những cơ hội kinh doanh ở Việt Nam. Thương vụ tại Italia đã biên dịch tài liệu “Kinh doanh tại Việt Nam” và cơ sở dữ liệu những doanh nghiệp tiêu biểu của 30 ngành hàng bằng tiếng Italia để quảng bá trực tiếp tới cộng đồng kinh doanh Italia, ngược lại dữ liệu doanh nghiệp thuộc 20 ngành hàng tiềm năng của Italia để cung cấp cho doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, công tác tổ chức và hỗ trợ các đoàn xúc tiến thương mại của Việt Nam sang EU và doanh nghiệp EU sang Việt Nam tìm hiểu thị trường và bạn hàng cũng đã được các thương vụ thực hiện rất hiệu quả.

Các hoạt động kết nối doanh nghiệp, hỗ trợ giải đáp, cung cấp thông tin dựa trên nhu cầu, đề nghị cụ thể về tìm kiếm đối tác của từng doanh nghiệp hai bên đã được các Thương vụ quan tâm đáp ứng triệt để, có chất lượng và uy tín cao. Các thương vụ tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong giải quyết các khiếu nại, vướng mắc, bất đồng, tranh chấp trong các giao dịch thương mại tại Italia, Séc, Rumani, Ba Lan…

Với vai trò người mở đường và định hướng, các thương vụ tại EU đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cùng các doanh nghiệp Việt Nam giữ vững và mở rộng thị trường cho hàng Việt tại EU.

 

 

Theo Chính Duân - báo Công Thương


 

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Thường vụ Quốc hội giám sát về các khu kinh tế

Ngày đăng : 12/12/2011 - 9:07 AM

Giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng và phát triển các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu sẽ là một trong những nội dung quan trọng tại phiên họp thứ tư của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bắt đầu từ sáng mai (13/12).

 

 

                        

 

Quá trình thực hiện giám sát chuyên đề này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã ghi nhận ý kiến nhiều chiều của các chuyên gia kinh tế, các nhà quản lý và của chính đại diện các khu kinh tế.

Theo đó, không ít ý kiến cho rằng, 18 khu kinh tế ven biển và 28 khu kinh tế cửa khẩu của Việt Nam đang thiếu từ thể chế đến nguồn lực và trình độ quản lý. Và "nói nhẹ nhàng là không thành công".

Bởi vậy, chỉ nên chọn từ 3 -4 khu kinh tế để tiếp tục đầu tư, và báo cáo giám sát phải nêu rõ được cơ sở lựa chọn các khu này cũng như làm rõ nguyên nhân vì sao sau gần 10 năm hoạt động nhiều khu kinh tế phát triển chậm và kém như vậy.

Một chuyên đề khác cũng được giám sát tại phiên họp này là việc thực hiện quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật của hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân.

Ngay buổi họp đầu tiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đánh giá kết quả kỳ họp thứ hai và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa 13.

Vừa bế mạc hai tuần trước, kỳ họp thứ hai của Quốc hội có khá nhiều điểm nhấn thu hút sự quan tâm của cử tri cả nước, nhất là các phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên với sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội mới và sự đăng đàn của 4 vị bộ trưởng mới. Đặc biệt là phần trả lời chất vấn trực tiếp của Thủ tướng về chủ quyền biển đảo và dự án Luật Biểu tình.

Tại phiên họp này, Chính phủ cũng sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định phương án phân bổ 2.097 tỷ đồng vốn đầu tư cho các dự án, công trình cấp bách và 820 tỷ đồng vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng du lịch của các địa phương.

Một số dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp vừa qua cùng sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục xem xét. Như, dư án Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Luật Phòng chống rửa tiền, Luật Bảo hiểm tiền gửi, Bộ luật lao động (sửa đổi), Luật Giá, Luật Tài nguyên nước.

Các dự án luật, pháp lệnh mới được xem xét tại phiên họp là dự án Pháp lệnh pháp điển hệ thống pháp luật, Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật…

Theo chương trình dự kiến, phiên họp sẽ kết thúc vào chiều 16/12.

 

 

Theo VnEconomy.vn


Hạ lãi suất: Đừng mạo hiểm đánh đổi

Ngày đăng : 12/12/2011 - 9:02 AM

Điều quan trọng là phải nhận thức được và hành động đúng để kiềm chế được lạm phát, bằng chính sách lãi suất cao. Không nên vì sự hy sinh trong ngắn hạn để kêu gọi làm ngược lại, hạ lãi suất khi lạm phát đang ở mức cao.

 

 

 

Bài này được viết ra như một lời phúc đáp, tuy không phải là tổng quát và đầy đủ, cho luồng ý kiến kêu gọi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hạ lãi suất cho vay (thông qua nới lỏng chính sách tiền tệ) để "cứu" các doanh nghiệp và các ngành như bất động sản, ngân hàng và chứng khoán. Thường có hai lý do chính được đưa ra để biện minh cho lời kêu gọi này là:

Thứ nhất, với lãi suất cao như hiện nay sẽ là thảm họa cho nền kinh tế, làm mất sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam, làm các doanh nghiệp phá sản vì không doanh nghiệp nào làm ra lãi với tỷ suất lợi nhuận bằng hoặc lớn hơn lãi suất đi vay, ví dụ, lên tới trên 18%/năm. Và tiếp theo là thảm họa đến với các ngân hàng. Doanh nghiệp phá sản thì sẽ làm giảm tăng trưởng, gia tăng thất nghiệp, gia tăng tội phạm..v.v...

Thứ hai, để hạ lãi suất cho vay thì phải hạ lãi suất huy động. Nếu hạ lãi suất huy động (ví dụ, bằng công cụ trần lãi suất huy động như hiện tại đang áp dụng) thì cũng không sợ bị người dân rút tiền gửi ra khỏi ngân hàng vì người dân cũng chẳng còn lựa chọn khả dĩ nào khác (Ví dụ, đầu tư vào vàng, bất động sản, ngoại tệ thì cũng không có lãi vì giá đã ở mức cao). Ngụ ý tức là cứ mạnh dạn mà hạ lãi suất huy động đi, không cần phải bận tâm chuyện thiếu hụt thanh khoản trong hệ thống ngân hàng hay áp lực lạm phát gia tăng vì tiền không còn chui vào hệ thống ngân hàng nữa.

Tuy nhiên, điều này cần phải được phản biện bằng các tính toán cẩn thận, bằng các thực tế đã chứng thực không nên chủ quan. Phần tiếp theo đây sẽ đưa ra một số lập luận để phản biện lại luồng ý kiến này.

Lãi suất cao nhưng kinh tế vẫn tăng trưởng khả quan


Chúng ta bắt đầu bằng việc nêu ra một con số rất phổ thông. Đó là tốc độ tăng trưởng GDP trong năm nay, được dự đoán ở mức xung quanh 6%. Con số này có ý nghĩa thế nào trong bối cảnh lãi suất cho vay thực tế đứng ở mức rất cao như cả năm vừa qua (cứ cho là ở mức trung bình 18%/năm)?

Theo luồng ý kiến kêu gọi hạ lãi suất nêu trên, thì lẽ ra với mức lãi suất "chết chóc" như thế thì nền kinh tế phải "đình trệ" (là từ khá được ưa dùng mới cách đây vài tháng). Nhưng với tốc độ tăng trưởng GDP lên tới mức 6% thì kết luận này, nói cho đơn giản, là sai hoàn toàn.

Tốc độ này cũng chỉ thấp hơn 1 hoặc 2 điểm phần trăm so với những thời kỳ "cực thịnh" của nền kinh tế Việt Nam khi nó tăng trưởng với tốc độ trung bình trên 7% trong nhiều năm với lãi suất thường không bao giờ quá 2 chữ số.

Cũng cần lưu ý thêm rằng tốc độ tăng trưởng trong thời vàng son như đã qua là rất gần với tốc độ "chụp giật" nếu xét đến cách thức và nguồn lực tăng trưởng, và nền kinh tế kiểu đó sớm hay muộn cũng bị "gãy cánh", không thể kéo dài hàng thập kỷ, từ thập kỷ này qua thập kỷ khác.

Lãi suất cao không dẫn đến đổ vỡ trong nền kinh tế và DN phá sản hàng loạt


Ta cũng phải thừa nhận rằng quả là có một số doanh nghiệp gặp khó khăn, đóng cửa, ngừng hoạt động, hoặc phá sản (con số sơ bộ khoảng gần 50.000 doanh nghiệp phá sản trong năm nay). Nhưng ta cũng không được bỏ qua thực tế rằng còn lớn hơn thế là con số doanh nghiệp mới được thành lập thêm, cũng trong năm nay (dù ít hơn mọi năm nhưng vẫn có hơn 70.000 doanh nghiệp mới ra đời).

Điều này tự thân nó nói lên rằng lãi suất cao không nhất thiết gây ra đổ vỡ. Lãi suất cao chỉ gây ra đổ vỡ trong nền kinh tế và buộc hàng loạt doanh nghiệp phải phá sản khi và chỉ khi doanh nghiệp không được tăng/tăng được giá bán sản phẩm và dịch vụ của mình.

Điều này dễ thấy là không hề xảy ra trên thực tế, và vì thế mới có lạm phát và lạm phát mới có xu hướng tăng! Ngay đến cả hàng bình ổn giá mà người ta cũng còn đòi được tăng giá và đã được cho phép tăng giá trên thực tế cơ mà?

Lãi suất cao không có nghĩa là DN không làm ra lợi nhuận đủ trả lãi vay

Như trên đã nói, ta rất hay thấy kiểu lập luận rằng với  lãi suất cho vay đến. Ví dụ 18%/năm trong khi lợi nhuận bình quân của doanh nghiệp không quá 18% nên càng sản xuất càng lỗ, dẫn đến doanh nghiệp phải đóng cửa hàng loạt, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Không khó để thấy cái sai trong lập luận này. Đại đa số doanh nghiệp hoạt động dựa trên đòn bẩy tài chính. Họ chỉ có một đồng vốn nhưng đi vay ngân hàng hoặc phát hành chứng khoán, cổ phiếu để huy động thêm một hoặc nhiều hơn một đồng vốn khác.

Trong khi đó, mức lợi nhuận mà người ta thường hay nhắc đến có thể chỉ là tỷ suất lợi nhuận ròng tính trên tổng doanh thu, chứ không phải là tỷ suất lợi nhuận ròng tính trên vốn chủ sở hữu/vốn tự có của chủ doanh nghiệp.

Vì vậy, thậm chí mức lợi nhuận ròng 10% tính trên tổng doanh thu (chứ chưa nói đến mức 18%) cần phải hiểu là một mức lợi nhuận rất khả quan rồi. Ngay cả với nhiều ngân hàng ở Việt Nam được cho là có lãi "khủng" thì tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cũng chỉ mong được ở mức 18% này thì đã được coi là thành công rồi.

Tóm lại, cho dù lãi suất đi vay có là trên 18% chăng nữa thì cũng không hề đồng nghĩa với việc doanh nghiệp không có lãi hoặc lãi không đủ đề bù đắp tiền trả lãi vay. Nói cách khác, doanh nghiệp vẫn hoàn toàn có thể sống khỏe với lãi suất trên 18% hoặc hơn nữa.

Tất nhiên, những doanh nghiệp nào có tỷ lệ đòn bẩy tài chính càng cao thì càng dễ phải đối mặt với rủi ro phá sản cao hơn vì không trả được nợ khi đến hạn. Nhưng điều này là thuộc về phương châm kinh doanh và lề lối quản trị của doanh nghiệp, và sự phá sản, nếu có, của những doanh nghiệp này âu cũng là một cuộc sàng lọc tự nhiên để còn lại những doanh nghiệp lành mạnh, sống khỏe bằng thực lực của mình.

Lãi suất cao không nhất thiết làm giảm an sinh xã hội


Cũng cần phải nói thêm, những người ủng hộ hạ lãi suất và nới lỏng tiền tệ cũng hay dùng lý lẽ "đảm bảo an sinh xã hội", với lập luận rằng khi lãi suất tăng cao sẽ làm giảm tăng trưởng. Kết quả là làm gia tăng thất nghiệp, giảm tốc độ tăng tiền lương (gắn liền với tăng trưởng kinh tế) trong bối cảnh giá cả tăng cao, tức là làm giảm an sinh xã hội.

Thực tế không phải luôn như vậy. Với chính sách để cho lãi suất lên cao, lạm phát sẽ giảm dần vì tổng cầu bị thu hẹp, đến lượt nó lại có tác dụng kéo lãi suất đi xuống vì cầu tín dụng giảm đi (với giả sử NHNN giữ nguyên cung tiền).

Quá trình này là tự diễn tiến với kết cục là cả lạm phát và lãi suất trở về mức "bình thường" và tăng trưởng nhờ đó được phục hồi cùng với cầu được phục hồi. Thời gian phục hồi/quay trở về mức bình thường của lạm phát, lãi suất, tổng cầu và tăng trưởng sẽ phụ thuộc phần lớn vào mức độ quyết liệt của NHNN trong việc nâng và duy trì lãi suất cao và sự phục hồi lòng tin của giới đầu tư vào triển vọng nền kinh tế nói chung và tính minh bạch của Chính phủ và NHNN nói riêng.

Nếu suôn sẻ, thất nghiệp do lãi suất tăng cao nếu có thì chỉ là trong ngắn hạn để rồi sẽ biến mất khi tăng trưởng phục hồi (mà thực ra cho đến giờ đã có thống kê đáng tin cậy nào cho thấy nạn thất nghiệp đang gia tăng đáng kể đâu, cho dù tăng trưởng có giảm đi một chút.

Và người ta cũng thường "quên" không nói đến số việc làm mới được tạo ra, mà chỉ chăm chăm vào số việc làm mất đi). Tiền lương thực tế nếu có bị bào mòn dưới thời lạm phát cao sẽ không còn bị bào mòn nữa khi lạm phát chững lại nhờ chính sách lãi suất cao. Và tiền lương thực tế cũng sẽ tiếp tục cải thiện khi tăng trưởng phục hồi trở lại với lạm phát thấp.

Như vậy, với chính sách lãi suất cao, an sinh xã hội nếu có bị ảnh hưởng thì rất có thể chỉ là trong ngắn hạn cho đến khi nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo phát triển lành mạnh trong dài hạn của nó.

Lãi suất cao không nhất thiết làm gia tăng áp lực lạm phát

Tiếp theo, xin bàn đến lập luận của rất nhiều người cho rằng lãi suất cao sẽ làm tăng áp lực lạm phát vì lãi suất cao sẽ làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh, và tức là làm tăng giá bán hàng hóa dịch vụ.

Nhưng như vậy người ta mới chỉ nhìn ở góc độ cung mà quên mất phía cầu. Khi giá hàng hóa dịch vụ tăng lên mà tiền lương chưa kịp tăng tương ứng (tiền lương thường được điều chỉnh với độ trễ so với lạm phát) thì tổng cầu có xu hướng giảm do thu nhập khả dụng thực tế của dân cư giảm đi.

Minh họa hiển nhiên là người lao động ngày càng phải "thắt lưng buộc bụng" trong cơn bão giá. Mà tổng cầu giảm đi sẽ đem lại hiệu ứng giảm lạm phát như nói ở trên. Tổng cầu còn giảm bởi lãi suất tăng cao làm mọi chủ thể kinh tế khác phải đắn đo khi đi vay với lãi suất cao để chi tiêu, đầu tư.

Ngược lại, hạ lãi suất quá sớm không nhất thiết mang lại lợi ích cho nền kinh tế

Nếu máy móc hoặc cố tình hạ lãi suất khi lạm phát đang ở mức cao thì có nghĩa là chúng ta và NHNN đã tự mình tước đi một công cụ chính trong công cuộc chống lạm phát, và, nguy hại hơn, sẽ càng làm tăng áp lực lạm phát theo cơ chế tự diễn tiến (lãi suất giảm, tiền thoát khỏi hệ thống ngân hàng càng nhiều hơn, vòng quay lưu thông tiền càng lớn hơn, áp lực gia tăng giá cả/lạm phát càng nhiều lên, NHNN càng phải in thêm tiền để thỏa mãn nhu cầu thanh khoản của hệ thống ngân hàng, nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp nói chung và khu vực kinh tế nhà nước nói riêng...).

Liên quan đến ý trên, nhiều người cho rằng nếu có hạ lãi suất huy động (nhằm làm cơ sở để giảm lãi suất cho vay) thì cũng không sợ bị dân rút tiền gửi ra khỏi hệ thống ngân hàng, vì họ cũng chẳng biết đầu tư vào đâu, khi thị trường vàng, ngoại tệ và bất động sản đều khó khăn, rủi ro.

Đây là một kết luận rất chủ quan. Các thị trường trên có khó khăn, rủi ro thì cũng không đồng nghĩa với không có cơ hội sinh lời, hoặc ít nhất là bảo toàn giá trị tài sản (so với gửi tiền vào ngân hàng với lãi suất thấp, thậm chí còn thấp hơn cả mức lạm phát).

Lập luận đại loại như giá vàng đã lên đỉnh rồi thì người dân cũng chẳng mua vào làm gì nữa cũng là kiểu lập luận rất phi kinh tế, vì đã không ít người trên quả đất này sai lầm về đỉnh của giá vàng trong suốt mấy thập kỷ qua.

Chưa kể, giá vàng tính theo VND ở hầu hết mọi thời điểm còn tăng nhanh hơn cả lạm phát ở Việt Nam trong cùng kỳ nên giữ vàng vẫn có lợi hơn, đặc biệt khi lãi suất huy động bị bóp méo so với lạm phát.

Thêm nữa, khi lãi suất tiền gửi không hấp dẫn, người ta sẵn sàng mạo hiểm hơn để tìm những cơ hội sinh lời lớn hơn, và thị trường tín dụng "đen" là một ví dụ điển hình, nơi cung thật và cầu thật gặp nhau tại một cái giá thật.

Nói chung, thực tiễn lâu dài sống chung với lạm phát ở Việt Nam đã cho thấy người dân khôn ngoan, thực dụng thế nào và công cụ lãi suất quan trọng thế nào trong việc chống lạm phát. Vì thế, xin đừng mạo hiểm đánh cuộc với sự khôn ngoan, thực dụng của người dân trước nhu cầu chính đáng bảo toàn giá trị tài sản của họ.

Từ những con số biết nói và những phân tích ở trên, có thể kết luận rằng, tuy đúng là có một số doanh nghiệp gặp khó khăn, nhưng đó không phải là hiện tượng phổ quát cho cả nền kinh tế. Vậy, cũng không phải là quá vội vã khi kết luận rằng lãi suất cao đã không dẫn đến sự sụp đổ của nền kinh tế như người ta hoặc là đe dọa, hoặc là e sợ.

Vì thế, xin đừng lấy đó (lãi suất cao làm doanh nghiệp phá sản) làm cái cớ để vận động chính sách đi ngược lại lợi ích chung của cả nền kinh tế. Còn những người điêu hành kinh tế cũng không được nao núng với những cái cớ như vậy để ra những chính sách làm phương hại cả nền kinh tế.

Trên hết, điều quan trọng là phải nhận thức được và hành động đúng để kiềm chế được lạm phát, bằng chính sách lãi suất cao. Không nên vì sự hy sinh trong ngắn hạn (chưa được chứng thực) để kêu gọi làm ngược lại, hạ lãi suất khi lạm phát đang ở mức cao.

 

Theo TS Phan Minh Ngọc

 VEF


 


Vay vốn cuối năm: Khó như "trèo trời"

Ngày đăng : 11/12/2011 - 3:34 PM
"Nếu như đầu năm, ngân hàng anh sẵn sàng giải ngân cho các hợp đồng vay vốn hàng chục tỷ đồng thì nay một vài tỷ cũng khó", một cán bộ ngân hàng chia sẻ thật. 
 
 
Chia sẻ về việc “chạy đôn chạy đáo” lo vốn để mở rộng sản xuất cuối năm, anh Đoàn Tiến Dũng, chủ xưởng sản xuất đèn lồng tại Hưng Yên cho biết: “Đầu tháng 11, tôi mang sổ đỏ của gia đình làm tài sản thế chấp để vay một tỷ đồng nhưng đến ngân hàng nào cũng nhận được lời hẹn “chờ năm tới”. Ngân hàng họ nói, thời điểm này không mở rộng khách hàng vay mới, chỉ ưu tiên những khách hàng truyền thống”.
 
Anh Nguyễn Đức Lâm, Giám đốc một công ty phần mềm tại Hà Nội than thở: “Chạy đi vay vốn ngân hàng dịp này bở cả hơi tai. Tôi cần một khoản vốn khá lớn để nhập hàng nhưng đến ngân hàng bị khất hẹn sang đầu năm hoặc yêu cầu tài khoản đảm bảo rất nghiêm. Trước thực tế này, tôi đã phải về huy động nguồn tiền nhàn rỗi từ an hem, họ hàng”.
 
Xác nhận việc này, cán bộ tín dụng một ngân hàng tại Hà Nội (xin giấu tên) thừa nhận: Nếu như đầu năm, ngân hàng anh sẵn sàng giải ngân cho các món vay trên 10 tỷ, còn hiện tại, kể cả những khách hàng thân thiết có nhu cầu vay vốn phải gửi kế hoạch trước để ngân hàng cân đối nguồn.
 
Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu của các tổ chức tín dụng trên cả nước hiện ở mức 15 - 18%/năm, thấp nhất 13,5%/năm; cho vay sản xuất - kinh doanh khác 18 - 21%/năm, thấp nhất 15%/năm, còn cho vay lĩnh vực phi sản xuất lên tới 22 - 25%/năm. Có thể thấy rằng, lãi suất cho vay ra của các ngân hàng hiện vẫn rất cao nhưng không phải khách hàng có nhu cầu vay vốn đều được đáp ứng ngay.
 
Giám đốc một chi nhánh ngân hàng trên phố Kim Liên mới (Hà Nội) cho hay:Hiện nay, các hoạt động cho vay đối với khách hàng giảm đáng kể, ngân hàng chỉ cho các khác hàng truyền thống với các khoản vay nhỏ, còn việc phát triển khách hàng mới trong giai đoạn hiện nay tạm thời ngừng.
 
Được biết, nguyên nhân của việc khan vốn trong thời gian gần đây là do các ngân hàng nhỏ không huy động được vốn trên thị trường 2 và nguồn tiền trên thị trường 2 cũng không dồi dào như trước. Bởi các khoản vay trên thị trường 2 thường không có tài sản bảo đảm và các ngân hàng vay nhau theo dây chuyền nên khi một vài ngân hàng mất thanh khoản thì các ngân hàng khác cũng bị hệ luỵ.
 
Thứ hai là do các ngân hàng này dùng tương đối lớn nguồn vốn ngắn hạn cho vay dài hạn dẫn đến mất thanh khoản tạm thời. Việc các ngân hàng nhỏ tung ra các gói huy động vốn với lãi suất quá cao, dẫn đến các khoản cho vay ra lãi suất ngoài sức chịu đựng của các doanh nghiệp dẫn tới tình trạng doanh nghiệp không trả được nợ và ngân hàng mất thanh khoản.
 
Thứ ba là do hiện nay các doanh nghiệp đi vay vốn ở các tổ chức tín dụng gặp khá nhiều khó khăn. Vì vậy họ phải rút nguồn vốn tiền gửi từ các tổ chức tín dụng về để đầu tư vào các dự án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hoặc các doanh nghiệp đó rút vốn về để phục vụ cho các tổ chức tín dụng nơi mình góp cổ phần.
 
Thứ tư là do Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại tăng dự trữ bắt buộc đối với các khoản nợ tín dụng xấu.
 
Thứ năm là do các tổ chức tín dụng trước đây đã cho vay đầu tư các dự án bất động sản khá nhiều, đến nay nhiều dự án chưa hoàn thành có nhu cầu vay thêm vốn nhưng không vay được. Trong khi đó, thị trường bất động sản ảm đạm và giảm giá mạnh trong thời gian vừa qua, dẫn đến việc các nhà đầu tư giảm giá bất động sản và bán tống bán tháo với mục đích có tiền để tiếp tục hoàn thiện hoặc trả nợ cho ngân hàng nhưng cũng không thành công.
 
Nhận định về khả năng phục hồi thị trường vốn, giới chuyên gia dự báo: Trong vòng 2 quý tới, thị trường vốn khó phục hồi mức như cũ, do lạm phát còn cao, nền kinh tế chưa phục hồi nên các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chưa khôi phục được việc sản xuất kinh doanh dẫn đến việc trả nợ các khoản nợ cho ngân hàng là chưa thể. Hơn nữa, tình hình thị trường bất động sản đóng băng như hiện nay cũng sẽ là một nhân tố tác động đến thị trường vốn.
 
 
Theo Nguyễn Hiền
 Dân Trí

Trung Quốc tuyên bố sẽ sẵn sàng hỗ trợ châu Âu

Ngày đăng : 11/12/2011 - 11:54 AM
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, bà Phó Oánh tuyên bố nước này vẫn là một phần trong các nỗ lực quốc tế nhằm hỗ trợ châu Âu vượt qua cuộc khủng hoảng nợ công.

Ngày 10/12, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, bà Phó Oánh tuyên bố nước này vẫn là một phần trong các nỗ lực quốc tế nhằm hỗ trợ châu Âu vượt qua cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay, đồng thời bác bỏ ý kiến cho rằng Bắc Kinh khoanh tay đứng nhìn trong khi Cựu lục địa đang vật lộn với khủng hoảng.
 
Phát biểu với báo giới bên lề một hội nghị ở Vienna, bà Phó Oánh nói: "Trung Quốc sẽ là một phần trong nỗ lực quốc tế để hỗ trợ Châu Âu. Chúng tôi đã làm nhiều điều và người dân châu Âu biết rõ điều này.... Trung Quốc sẽ tiếp tục là một phần của nỗ lực này bởi chúng ta đều liên quan và tương hỗ lẫn nhau. Chúng ta đều chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng này và cùng trên một con thuyền."
 
Theo Reuters, là quốc gia có dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới, Trung Quốc là một trong số ít các chính phủ có đủ tiền mặt để mua một lượng đáng kể trái phiếu chính phủ của Châu Âu nhằm giúp Cựu lục địa thoát khỏi khủng hoảng.
 
Theo Vietnamplus

Mỹ không góp tài chính vào quỹ cứu trợ châu Âu

Ngày đăng : 11/12/2011 - 11:49 AM
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố sẽ không đóng góp tài chính vào Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để giải cứu các quốc gia châu Âu với lý do "đã có các phương án khác".
 
Với lý do "đã có các phương án khác", ngày 9/12, Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố sẽ không đóng góp tài chính vào Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để giải cứu các quốc gia châu Âu; trong đó có Italy và Tây Ban Nha, nếu những nước này cũng có nguy cơ rơi vào tình trạng vỡ nợ như Hy Lạp và Ireland.
 
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, thông báo này được đưa ra ngay sau khi các nhà lãnh đạo 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), nhóm họp tại Brussels, Bỉ, nhất trí cùng đóng góp 270 tỷ USD để IMF có đủ tiền tung ra cứu trợ trong trường hợp một thành viên lớn của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) gặp khó khăn trong việc huy động các nguồn vốn từ thị trường.
 
Lý giải về quyết định trên của Nhà Trắng, trong các bài phát biểu tại Brussels khi đang cùng các đồng nghiệp châu Âu bàn cách cứu Lục địa Già ra khỏi cuộc khủng hoảng nợ, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geaithner nhấn mạnh IMF đã được cung cấp đủ tiền và bản thân châu Âu cũng có đủ các nguồn lực tài chính để tự giải quyết các khó khăn của mình.
 
Một quan chức Mỹ tiết lộ Nhà Trắng hiện đang cân nhắc các phương án để tăng cường khả năng tài chính của IMF mà không cần phải sử dụng tiền thuế của người dân Mỹ để đóng góp cho IMF.
 
Vấn đề này sẽ được đưa ra thảo luận tại hội nghị Bộ trưởng Tài chính các nền kinh tế lớn, dự kiến được tổ chức vào tháng 2/2012.
 
Mỹ hiện là nước đóng góp lớn nhất cho IMF, chiếm tới 16% tổng số quỹ hoạt động của tổ chức này. Năm 2009, Mỹ đã có những khoản đóng góp vào quỹ cứu trợ khẩn cấp của IMF để giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu sau khi tập đoàn tài chính và đầu tư danh tiếng của Mỹ là Lehman Brothers bị phá sản.
 
Năm 2010, Mỹ cũng đã cam kết đóng góp thêm cho IMF, song khoản cam kết đóng góp này cho tới nay vẫn chưa được Quốc hội Mỹ thông qua./.
 
Theo Vietnamplus

 

Tin mới cập nhật