Trung Quốc tuyên bố sẽ sẵn sàng hỗ trợ châu Âu

Ngày đăng : 11/12/2011 - 11:54 AM
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, bà Phó Oánh tuyên bố nước này vẫn là một phần trong các nỗ lực quốc tế nhằm hỗ trợ châu Âu vượt qua cuộc khủng hoảng nợ công.

Ngày 10/12, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, bà Phó Oánh tuyên bố nước này vẫn là một phần trong các nỗ lực quốc tế nhằm hỗ trợ châu Âu vượt qua cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay, đồng thời bác bỏ ý kiến cho rằng Bắc Kinh khoanh tay đứng nhìn trong khi Cựu lục địa đang vật lộn với khủng hoảng.
 
Phát biểu với báo giới bên lề một hội nghị ở Vienna, bà Phó Oánh nói: "Trung Quốc sẽ là một phần trong nỗ lực quốc tế để hỗ trợ Châu Âu. Chúng tôi đã làm nhiều điều và người dân châu Âu biết rõ điều này.... Trung Quốc sẽ tiếp tục là một phần của nỗ lực này bởi chúng ta đều liên quan và tương hỗ lẫn nhau. Chúng ta đều chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng này và cùng trên một con thuyền."
 
Theo Reuters, là quốc gia có dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới, Trung Quốc là một trong số ít các chính phủ có đủ tiền mặt để mua một lượng đáng kể trái phiếu chính phủ của Châu Âu nhằm giúp Cựu lục địa thoát khỏi khủng hoảng.
 
Theo Vietnamplus

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Mỹ không góp tài chính vào quỹ cứu trợ châu Âu

Ngày đăng : 11/12/2011 - 11:49 AM
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố sẽ không đóng góp tài chính vào Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để giải cứu các quốc gia châu Âu với lý do "đã có các phương án khác".
 
Với lý do "đã có các phương án khác", ngày 9/12, Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố sẽ không đóng góp tài chính vào Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để giải cứu các quốc gia châu Âu; trong đó có Italy và Tây Ban Nha, nếu những nước này cũng có nguy cơ rơi vào tình trạng vỡ nợ như Hy Lạp và Ireland.
 
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, thông báo này được đưa ra ngay sau khi các nhà lãnh đạo 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), nhóm họp tại Brussels, Bỉ, nhất trí cùng đóng góp 270 tỷ USD để IMF có đủ tiền tung ra cứu trợ trong trường hợp một thành viên lớn của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) gặp khó khăn trong việc huy động các nguồn vốn từ thị trường.
 
Lý giải về quyết định trên của Nhà Trắng, trong các bài phát biểu tại Brussels khi đang cùng các đồng nghiệp châu Âu bàn cách cứu Lục địa Già ra khỏi cuộc khủng hoảng nợ, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geaithner nhấn mạnh IMF đã được cung cấp đủ tiền và bản thân châu Âu cũng có đủ các nguồn lực tài chính để tự giải quyết các khó khăn của mình.
 
Một quan chức Mỹ tiết lộ Nhà Trắng hiện đang cân nhắc các phương án để tăng cường khả năng tài chính của IMF mà không cần phải sử dụng tiền thuế của người dân Mỹ để đóng góp cho IMF.
 
Vấn đề này sẽ được đưa ra thảo luận tại hội nghị Bộ trưởng Tài chính các nền kinh tế lớn, dự kiến được tổ chức vào tháng 2/2012.
 
Mỹ hiện là nước đóng góp lớn nhất cho IMF, chiếm tới 16% tổng số quỹ hoạt động của tổ chức này. Năm 2009, Mỹ đã có những khoản đóng góp vào quỹ cứu trợ khẩn cấp của IMF để giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu sau khi tập đoàn tài chính và đầu tư danh tiếng của Mỹ là Lehman Brothers bị phá sản.
 
Năm 2010, Mỹ cũng đã cam kết đóng góp thêm cho IMF, song khoản cam kết đóng góp này cho tới nay vẫn chưa được Quốc hội Mỹ thông qua./.
 
Theo Vietnamplus

Đừng lặp lại sai lầm của lịch sử!

Ngày đăng : 10/12/2011 - 10:04 PM

Nếu quá vội vàng thắt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ, lãnh đạo các nền kinh tế giàu có nhất thế giới sẽ đẩy kinh tế thế giới vào Đại Khủng hoảng lần 2.

Năm 2008, thế giới tránh được đợt Đại Khủng hoảng lần 2 do tránh được sai lầm từng dẫn đến Đại Khủng hoảng lần 1. Tuy nhiên, châu Âu và Mỹ còn rất nhiều bài học cần phải ghi nhớ.

Trong ngày sinh nhật lần thứ 90 của Milton Freidman, kinh tế gia đạt giải Nobel, vào năm 2002, Ben Bernanke đã nói với Friedman: “Ông nói đúng, chính chúng tôi đã gây ra nó.” Chủ tịch Fed khi đó đang nói đến kết luận của Milton rằng chính người đứng đầu các Ngân hàng Trung ương trên thế giới chịu trách nhiệm cho những gì xảy ra trong thời kỳ Đại Khủng hoảng. Ben Bernanke nói thêm: “Thế nhưng cũng nhờ có ông, chúng tôi sẽ không bao giờ mắc phải sai lầm của lịch sử.” 9 năm sau đó, người đồng cấp của ngài Bernanke đang vui mừng vì đã làm được điều tương tự: “Chúng ta đã ngăn được Đại Suy thoái.”

Cú sốc đối với kinh tế thế giới năm 2008 giống như cái đã gây ra Đại Suy thoái lần 1. 12 tháng sau khi hoạt động kinh tế lên mức đỉnh cao vào năm 2008, hoạt động sản xuất công nghiệp sụt giảm với tốc độ tương đương như năm đầu của Đại Khủng hoảng. Giá cổ phiếu và thương mại toàn cầu sụt giảm mạnh. Dù vậy lần này không có Đại Khủng hoảng nào.

Từ mức đỉnh xuống mức đáy, sản lượng công nghiệp giảm khoảng 13% trong khi đó tỷ lệ này vào thập niên 1930 lên tới 40%. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ và châu Âu lên mức khoảng 10% trong cuộc khủng hoảng gần đây, nhưng trong thập niên 1930 tỷ lệ thất nghiệp lên tới 25%. Khác biệt này có được nhờ các nhà hoạch định chính sách đã học được rất nhiều sai lầm từ Đại Suy thoái năm 1930.

Nhiều chuyên gia kinh tế vẫn tiếp tục tranh cãi nhau về việc yếu tố nào đã khiến Đại Suy thoái kéo dài và gây ra hậu quả tồi tệ đến như vậy? Một số chuyên gia kinh tế nhấn mạnh đến yếu tố cấu trúc như chi phí lao động. Bà Amity Shlaes, nhà kinh tế sử học, cho rằng chính sự can thiệp của chính phủ đã gây ra Đại Khủng hoảng. Bà nhấn mạnh đến việc cựu Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt đã trừng phạt những người nông dân bởi họ đã bán gà quá rẻ.

Các chuyên gia kinh tế còn chia sẻ quan điểm rằng chính các biện pháp thắt chặt tài khóa và tiền tệ đã khiến tình hình vốn đã xấu lại càng trở nên tồi tệ hơn. Lần này, chính phủ các nước không mắc sai lầm nào như vậy. Thập niên 1930, chính phủ và Ngân hàng Trung ương các nước đua nâng lãi suất, sau thời kỳ chấn động năm 2008, các nhà hoạch định chính sách đồng thuận đưa ra chính sách nới lỏng.

Sau Đại Khủng hoảng 1930, cộng đồng quốc tế trở nên thiếu hợp tác, chiến tranh tiền tệ và cuộc chiến bảo hộ bùng phát; ngược lại đến năm 2008 và 2009 lãnh đạo các nền kinh tế thế giới khá đoàn kết. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh cũng đã có quan điểm đúng đắn.

Khi xem xét kỹ hơn, bức tranh không mấy ấn tượng như vậy. Trong 2 lĩnh vực quan trọng, chính phủ nhóm nước giàu sẽ có thể vẫn mắc phải 2 sai lầm của thập niên 1930. Thế giới các nước giàu có thể lặp lại chính sách thắt chặt tài khóa đã đẩy nước Mỹ vào suy thoái kinh tế trong Đại Khủng hoảng 1937 – 1938.

Cuộc khủng hoảng tại châu Âu rất giống biến động tài chính tiêu cực cuối thập niên 1920 và đầu 1930, khi đó các nền kinh tế liên tiếp sụp đổ như chuỗi domino do chịu áp lực từ các biện pháp thắt chặt ngân sách, tiền tệ thắt chặt và thiếu ngân hàng đứng ra làm bên cho vay cuối cùng.

Tất cả cùng đi xuống

Những năm 2000, việc kích thích kinh tế dễ dàng hơn nhiều so với thập niên 1930. Chế độ an sinh xã hội, được đưa ra sau thời kỳ Đại Khủng hoảng, đồng nghĩa với việc người thất nghiệp hiện nay vẫn có tiền để chi tiêu, như vậy kinh tế có được thêm một yếu tố đảm bảo ngăn suy thoái mà chính phủ không cần phải can thiệp quá mạnh tay.

Gói chi tiêu công, giảm thuế mà cựu Tổng thống Mỹ Herbert Hoover đưa ra sau khi thị trường chấn động năm 1929 có quy mô chưa đầy 0,5% GDP. Gói kích cầu của Tổng thống Obama trong năm 2009 và 2010 tương đương đến 2-3% GDP.

Cựu Tổng thống Roosevelt nâng chi tiêu lên mức tương đương 10,7% GDP vào năm 1934, ở thời điểm này kinh tế Mỹ đã đang tăng trưởng mạnh. Đến năm 1936, GDP Mỹ sau khi điều chỉnh với lạm phát đã trở lại mức của năm 1929. Việc gói chi tiêu đã giúp kinh tế phục hồi đến đâu hiện vẫn còn đang bị tranh cãi. Chuyên gia kinh tế như John Cochrane thuộc đại học University of Chicago và Robert Barro thuộc đại học Harvard khẳng định nó chẳng mang đến chút tác dụng nào. Họ tuyên bố các chương trình kích thích tài khóa không bao giờ phát huy tác dụng.

Những ai tin rằng các biện pháp tài khóa phát huy tác dụng tuy nhiên thường có xu thế nghĩ rằng vào thập niên 1930, chính sách chi tiêu kém quan trọng hơn chính sách tiền tệ, cái mà họ coi như nguyên nhân chính của mọi vấn đề. Trong một nghiên cứu công bố năm 1989, ông Bernanke và Martin Parkinson, hiện đang là quan chức cao cấp tại Bộ Tài chính Úc khẳng định thay cho việc thực sự giúp kinh tế phục hồi, chương trình chi tiêu “New Deal” có thể coi như dọn đường cho sự phục hồi thực của nền kinh tế. Một số chuyên gia kinh tế khác như Paul Krugman lại muốn nói nhiều hơn đến gói chi tiêu kích cầu.

Cho đến khi nợ công lên mức 40% GDP (cao so với thời điểm lúc bấy giờ) thế nhưng chỉ tương đương một nửa so với Đức hiện nay, Quốc hội Mỹ giảm mạnh chi tiêu, tăng thuế và hạ được thâm hụt tương đương 5,5% GDP trong khoảng thời gian từ năm 1936 đến năm 1938, dù vậy con số này vẫn còn lớn hơn so với mục tiêu của Hy Lạp trong 2 năm sắp tới.

Cùng lúc đó, Fed tăng gấp đôi tỷ lệ dự trữ bắt buộc (từ giữa năm 1937 đến giữa năm 1938), khuyến khích các ngân hàng rút tiền ra khỏi nền kinh tế. Bộ Tài chính Mỹ bắt đầu hạn chế nguồn cung tiền và hoạt động nhập khẩu vàng. Trong năm 1937 và 1938, suy thoái khiến GDP thực giảm 11% và thất nghiệp tăng thêm 4% lên mức cao nhất khoảng từ 13% đến 19% theo cách tính riêng của từng người.

Hiện nay, chính sách tiền tệ chưa đến giai đoạn đảo ngược giống như nước Mỹ thập niên 1930.ECB dự kiến sẽ tiếp tục hạ lãi suất cơ bản đồng euro. Thế nhưng tại nhiều khu vực trên thế giới, chính sách tài khóa đang chuyển biến theo hướng đó. Gói kích thích của Tổng thống Obama đang có thu hẹp dần, chính quyền các bang đang giảm bớt chi tiêu.

Các ứng viên của Đảng Cộng hòa đang có ý định tranh cử Tổng thống năm 2012 liên tục tuyên bố rằng chương trình chi tiêu của chính phủ chẳng mang đến tác dụng gì ngoại trừ khiến gánh nặng nợ nần của thế hệ tương lai tăng cao hơn. Tổng thống Obama đã nói đến giảm chi tiêu. Nếu chương trình giảm thuế và hỗ trợ thất nghiệp khẩn cấp không còn được duy trì, tăng trưởng kinh tế trong năm 2012 sẽ đi xuống.

Câu chuyện không chỉ của riêng nước Mỹ. Dưới thời của David Cameron, chính phủ Anh đang nợ nần cũng đưa ra chương trình thắt chặt tài khóa mạnh tay nhằm ngăn niềm tin vào tín nhiệm tín dụng của nước này sụp đổ. Nó cũng giống như khi cựu Bộ trưởng Tài chính Snowden đưa ra chính sách thắt chặt ngân sách vào năm 1931 bằng biện pháp tăng thuế và giảm chi tiêu. Khi đó, niềm tin không được phục hồi và người Anh buộc phải hạ giá đồng bảng, bỏ chế độ bản vị vàng.

Lần này, chính phủ Anh đã giúp khôi phục được niềm tin của nhà đầu tư và giảm lợi suất trái phiếu chính phủ nhưng lại đối đầu với khả năng suy thoái kinh tế lần 2 do chịu tác động từ nhiều vấn đề tại khu vực đồng tiền chung châu Âu. Vì vậy, khả năng cú sốc xảy đến khi chính phủ áp dụng biện pháp thắt chặt tài khóa cần phải được tính toán kỹ càng.


Theo TTVN
 


48.700 doanh nghiệp "không còn gì để mất"

Ngày đăng : 10/12/2011 - 9:58 PM
48.700 doanh nghiệp đã ngừng sản xuất hoặc phá sản do phải chịu "tác dụng phụ" của chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao, hy sinh cho sự ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát.
 
Trên thực tế con số đã không dừng lại ở đó. Và, có vẻ như sự chịu đựng của hệ thống DN, doanh nhân Việt Nam trước lãi suất vay vốn quá cao thời gian qua đã tới ngưỡng, hàng loạt DN, đặc biệt là DN lĩnh vực xây dựng hạ tầng cơ sở, đang lên tiếng kêu cứu rằng ngay cả vốn vay với lãi suất cao vẫn rất khó khăn, hầu như tất cả các ngân hàng (NH) đều không muốn cho vay.
Hôm 5.12, ông Cao Sĩ Kiêm – thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia – sau khi khẳng định “đích mà chúng ta cần đạt được lúc này là việc làm và thu nhập cho người lao động” đã đề nghị nên sớm giảm lãi suất huy động để tiến tới giảm lãi suất cho vay, vì với lãi suất cao như hiện nay thì sản xuất sẽ co cụm, hàng hoá khan hiếm, DN không thể làm ăn có lãi.
 
Trong khi Chính phủ và các chuyên gia đang tìm lời giải bài toán hạ lãi suất thì rất nhiều DN lĩnh vực xây dựng hạ tầng cơ sở đã rơi vào tình trạng phá sản trong im lặng do bị NH cắt vốn vay. Việc Giám đốc Công ty Đông Hưng (chuyên về xây dựng) ở Quảng Trị vừa bỏ trốn cùng vợ con, để lại những món nợ tại các NH và vay nóng chỉ mới là một điển hình, báo động đỏ của tình trạng không thể “im lặng” thêm được nữa mà thôi.
 
Chính quyền các địa phương phải chủ động lên danh sách, kiểm kê, phân loại, theo dõi toàn bộ hệ thống DN kiểu này để kịp thời có ngay những giải pháp cụ thể, linh động nhằm giải cứu, hạn chế tới mức thấp nhất kiểu phá sản bỏ trốn mang tên Đông Hưng.
 
Các chủ đầu tư phải công khai chính xác nguồn tiền và khả năng sẽ thanh toán được cho các nhà thầu thi công, và có sự phối hợp, cam kết trách nhiệm với các tổ chức tín dụng, bằng cách đó các DN sẽ có cơ hội tiếp tục được giải ngân vốn vay cho các công trình nằm trong danh mục được phép đầu tư để hoàn thành. Khoá trái cửa lại, mặc kệ DN tự bơi rồi chết tức tưởi trong tình cảnh này cũng là vô lương tâm.
 
Ngân hàng Nhà nước đã tuyên bố đang tính toán thời điểm và mức giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ - đó là tín hiệu mang lại niềm vui, niềm tin cho cộng đồng DN.
 
Vấn đề là, cũng không thể tính toán quá lâu khi mà công ăn việc làm của người lao động đang đình trệ vì DN, ông chủ không có vốn hoặc là không dám vay vì không biết làm gì ra lãi lớn hơn lãi vay phải trả, khi mà cái chết của nhiều DN đang được tính bằng ngày.
 
Con số 48.700 và hơn thế DN không còn gì để mất cho thấy sự cần thiết phải điều chỉnh chính sách vĩ mô. Bởi, đằng sau sự phá sản của mỗi DN là quá nhiều điều để mất!
 
Theo Lâm Chí Công
Dân Việt

Hội nghị thượng đỉnh EU và điệp khúc “cuối cùng”

Ngày đăng : 10/12/2011 - 11:40 AM
Cuộc gặp của 27 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels có vẻ như vẫn chưa tìm ra được con đường cuối cùng thoát khỏi khủng hoảng.
 
Trong điệp khúc “thượng đỉnh của cơ hội cuối cùng,” cuộc gặp của 27 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels có vẻ như vẫn chưa tìm ra được con đường cuối cùng thoát khỏi khủng hoảng.
 
“Cuối cùng” lần 6
 
Tháng 3/2011, khi nền kinh tế Hy Lạp sụp nhanh ngoài tầm kiểm soát, lần đầu tiên cụm từ “cơ hội cuối cùng” xuất hiện bên cạnh các hội nghị của các quan chức châu Âu.
 
Bi kịch hóa là một trong những cách ép buộc tất cả các thành viên Eurozone chung tay hành động để trước hết là tự cứu mình, tiếp đến là cứu đồng tiền chung, cũng là thành quả chung của mấy thập kỷ phát triển châu Âu.
 
Nhưng có vẻ như bi kịch hóa lại không phải là cách nhanh nhất để tìm ra một kết quả chung.
 
Kể từ tháng 3/2011 cho đến trước cuộc họp ở Brussels, đã có 5 cuộc họp thượng đỉnh của EU mang điệp khúc “cơ hội cuối cùng” và đều kết thúc với kết quả hạn chế. Có đến 4 trong số 5 cuộc họp đó luẩn quẩn với các vấn đề của Hy Lạp, từ việc thống nhất rót tiền, kêu gọi cải tổ rồi lại giận dữ với ý định trưng cầu dân ý của Athens…
 
Trong tất cả các cuộc họp thượng đỉnh đó, sự cấp thiết về việc cải tổ Eurozone, đề ra những chính sách tài khóa và ngân sách chặt chẽ hơn rồi tiến tới sửa đổi Hiệp ước EU đều được bàn đến nhưng không đạt được một kết quả cụ thể có ý nghĩa nào.
 
Vì lẽ đó, luôn có một cuộc họp Thượng đỉnh mini khác được dõi theo giữa Pháp và Đức. Tính từ đầu năm 2011, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã gặp nhau gần chục lần để giải cứu châu Âu và dù có những ý kiến từ các nước thành viên khác phản đối sự độc đoán của bộ đôi này, rốt cục hầu như tất cả đều chấp nhận rằng “Merkozy” (Merkel-Sarkozy) sẽ là những người dẫn dắt cuộc chơi.
 
Cuộc họp ở Brussels ngày 8/12 đã đi theo kịch bản này, khi cách đó 3 ngày, ông Sarkozy và bà Merkel đã gặp nhau ở Paris để lên mọi phương án cho 25 nước khác đi theo.
 
Cuộc chơi không người Anh
 
Có 2 vấn đề gai góc nhất được bàn thảo ở Brussels là việc cải tổ các Hiệp ước của EU và tăng sức mạnh cho các Quỹ cứu trợ tài chính. Sau ngày làm việc đầu tiên ở Brussels, dù không đạt được kết quả trọn vẹn nhưng các thành viên EU cũng đã đưa ra được những thỏa thuận.
 
Cải tổ các Hiệp ước. Nước Đức đi đầu trong đề xuất này khi kêu gọi áp dụng “nguyên tắc Vàng,” bao gồm việc thực thi những chính sách cứng rắn, khắc khổ về tài khóa và việc trừng phạt tự động những quốc gia thành viên Eurozone vi phạm nguyên tắc, chẳng hạn để thâm hụt ngân sách vượt quá 3%/năm.
 
Nước Pháp, do lo ngại các chính sách kiểm soát ngân sách khi nợ công cũng đang ở mức rủi ro, dè dặt hơn khi đề nghị trước hết nên áp dụng một “Hiệp ước Schengen của Eurozone,” tức 17 nước thuộc Eurozone làm trước, các thành viên khác của EU theo sau.
 
Trở ngại lớn nhất trong đề xuất này là thái độ của Anh, nước không nằm trong Eurozone nhưng lại có thể bị ảnh hưởng lớn bởi những thay đổi này. Thủ tướng Anh David Cameron đã đưa ra điều kiện “Anh chỉ tham gia vào hiệp ước sửa đổi nếu được miễn trừ một số quy định về kiểm soát tài chính.”
 
E ngại của ông Cameron đã được dự đoán trước bởi London, trung tâm tài chính lớn nhất châu Âu, sẽ bị ảnh hưởng nếu áp dụng tất cả các chính sách ngặt nghèo của EU và bản thân nước Anh không muốn chạy theo một cuộc chơi do Pháp-Đức đạo diễn.
 
Trước sự phản đối của Anh, Hungary và sự lưỡng lự của Thụy Điển, CH Séc (muốn tham khảo ý kiến Quốc hội và các đảng đối tác), EU rốt cục đi đến một thỏa thuận dung hòa: thỏa thuận mới tăng cường kỷ luật ngân sách sẽ là một thỏa thuận mở, tức gồm 17 nước thành viên Eurozone và sự tham gia tự nguyện của 10 nước EU còn lại.
 
Tăng cường các quỹ cứu trợ . Quỹ ổn định tài chính của EU (FESF) đi vào hoạt động từ tháng 5/2010 nhưng hiện tại chỉ có 250 tỷ euro (so với dự tính là 440 tỷ euro) trong tay để can thiệp trong các tình huống khủng hoảng. Hy vọng nâng sức mạnh của FESF lên 1.000 tỷ euro đã tan biến khi đầu tháng 11 vừa qua ở cuộc họp G20, các nền kinh tế lớn khác trên thế giới không mặn mà với việc đầu tư vào FESF.
 
Khi FESF không hiệu quả, các nước EU buộc phải tìm cách khác và Cơ chế bình ổn châu Âu (MES) sẽ ra đời thay cho FESF. “Cú đấm” của MES được dự tính ít nhất là 500 tỷ euro và các nước thành viên cũng đã thống nhất sẽ cho MES hoạt động sớm hơn 1 năm so với dự kiến, bắt đầu từ tháng 7/2012.
 
Một quyết định khác cũng được thông qua là Ngân hàng trung ương châu Âu (BCE) sẽ chính thức quản lý FESF hiện tại và MES trong tương lai.
 
Đây là một động thái được xem là nhằm tăng thêm niềm tin cho các nhà đầu tư. Chỉ có điều, ý định cho MES một “giấy phép ngân hàng” để vay không hạn chế ở BCE lập tức bị Đức, quốc gia luôn muốn giữ sự độc lập cho BCE, phủ quyết.
 
Và câu hỏi cơ bản nhất vẫn tồn tại: các nước châu Âu kiếm tiền đổ vào MES bằng cách nào khi trước đó đã bất lực với FESF?
 
Theo Vietnamplus

10 rủi ro lớn của kinh tế thế giới 2012

Ngày đăng : 09/12/2011 - 1:15 PM
Thời gian này, giới đầu tư quốc tế mang nhiều lo ngại về những diễn biến xấu có thể xảy đến với kinh tế toàn cầu trong năm 2012.
 
Ngân hàng Deutsche Bank của Đức vừa đưa ra 10 rủi ro được xem là lớn nhất đối với kinh tế thế giới trong 12 tháng tới.
 
1. Hy Lạp rút lui khỏi đồng Euro
 
Khả năng: Hy Lạp có thể rút lui khỏi đồng Euro và trở lại với đồng Drachma. Khả năng này không được Deutsche Bank đặt cược cao, nhưng không thể cho là chuyện không thể xảy ra.
 
Điều gì có thể xảy ra: Giá trị tài sản của khu vực kinh tế tư nhân sụt giảm mạnh, các biện pháp kiểm soát dòng vốn được áp dụng, hệ thống nhà băng Hy Lạp suy sụp, những ngân hàng nhỏ của châu Âu đối mặt tình trạng rút vốn ồ ạt.
 
Biện pháp phòng ngừa rủi ro này: Giới đầu tư được Deutsche Bank khuyến nghị chuyển từ nắm giữ các tài sản châu Âu sang nắm giữ vàng hoặc trái phiếu kho bạc Mỹ, đầu cơ giá lên các loại tiền như Yên Nhật hoặc Bảng Anh, đầu cơ dài hạn vào các chứng khoán trong các chỉ số độ dao động (volatility index).
 
2. Khủng hoảng nguồn vốn ở Italy và Tây Ban Nha
 
Các nhân tố cần quan tâm: Ở Tây Ban Nha là khu vực kinh tế tư nhân và hệ thống ngân hàng, ở Italy là chính trị và tăng trưởng kinh tế.
 
Điều gì có thể xảy ra: Một cuộc khủng hoảng niềm tin sẽ khiến hai quốc gia này gặp khó khăn lớn trong việc tiếp cận các nguồn vốn tiền mặt. Điều này sẽ đe dọa cả đồng Euro và hệ thống tài chính toàn cầu. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ phải có hành động quyết liệt để cứu nền kinh tế toàn cầu khỏi suy sụp.
 
Biện pháp phòng ngừa rủi ro này: Bán khống cổ phiếu các ngân hàng Pháp và Anh, bán khống các đồng tiền của khu vực Đông Âu…
 
3. Mỹ bị hạ điểm tín nhiệm hoặc rơi vào suy thoái kép
 
Nhân tố xúc tác: Rủi ro số 1 hoặc số 2 ở trên trở thành hiện thực, các biện pháp cắt giảm tài khóa gây thất vọng, hoặc tăng trưởng kinh tế yếu.
 
Điều gì có thể xảy ra: Ngành ngân hàng Mỹ cũng có thể bị hạ điểm tín nhiệm. Yếu tố thời điểm sẽ quyết định ảnh hưởng của rủi ro này.
 
Biện pháp phòng ngừa rủi ro này: Các nhà phát hành tài sản phòng ngừa bằng cách chuẩn bị trước nguồn vốn, giới đầu tư cần tăng cường nắm giữ các tài sản phi tài chính hoặc những tài sản không có tính chu kỳ được đánh giá cao.
 
4. Kinh tế Trung Quốc “hạ cánh cứng”
 
Rủi ro này xảy ra như thế nào: Kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 5-6%, mức tăng trưởng bị xem như là “suy thoái” ở nền kinh tế này.
 
Điều gì sẽ xảy ra: Thị trường vốn toàn cầu sẽ chịu tác động bởi sự suy giảm mạnh của giá hàng hóa cơ bản. Tuy nhiên, dự trữ ngoại hối khổng lồ của Trung Quốc có thể sẽ giúp ích nhiều trong việc chặn đứng sự suy giảm và kích thích tăng trưởng.
 
5. Pháp mất hạng mức tín nhiệm AAA
 
Khả năng: Khá dễ xảy ra, xét đến việc Pháp chưa đạt nhiều tiến bộ trong việc thắt chặt chi tiêu.
 
Khi nào rủi ro này có thể xảy ra: Khoảng cách giữa lợi xuất trái phiếu Pháp và trái phiếu Đức, loại trái phiếu được xem là “chuẩn mực” ở châu Âu có lẽ đã cho thấy, rủi ro này đã được phản ánh vào giá trái phiếu Pháp. Tuy nhiên, nguy cơ Pháp bị hạ điểm tín nhiệm vẫn có thể gây ra những ảnh hưởng bất lợi đối với Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) và gây áp lực đối với Paris trong việc huy động vốn.
 
Biện pháp phòng ngừa rủi ro này: Mua các hợp đồng bảo hiểm khả năng vỡ nợ trái phiếu (CDS) của Pháp…
 
6. Các ngân hàng châu Âu đẩy mạnh cắt giảm nợ nần (deleveraging) do lo ngại những rủi ro có thể xảy do mức nợ cao.
 
Khả năng: Việc cắt giảm nợ nần là điều chắc chắn sẽ diễn ra tại các ngân hàng châu Âu, kéo theo sự hạn chế về nguồn vốn và hoạt động đầu tư. Vấn đề là các ngân hàng sẽ cắt giảm nợ nần ở mức bao nhiêu.
 
Điều gì sẽ xảy ra: Lượng nợ mà các ngân hàng châu Âu có thể lên tới 2.000 tỷ USD trong vòng 18 tháng. Con số này có thể lớn hơn nếu khủng hoảng căng thẳng hơn.
 
7. Nguồn tài chính dành cho thị trường hàng hóa cơ bản sẽ bị thắt chặt
 
Khả năng: Rất dễ xảy ra, đặc biệt nếu rủi ro số 6 trở thành hiện thực.
 
Điều gì sẽ xảy ra: Các ngân hàng châu Âu cung cấp vốn cho các công ty giao dịch hàng hóa lớn đặt tài Thụy Sỹ có thể cắt giảm nguồn vốn, và giá hàng hóa cơ bản sẽ giảm mạnh.
 
Biện pháp phòng ngừa: Các công ty đi vay vốn ở châu Âu nên tìm nguồn vốn tại Mỹ.
 
8. Các tài sản an toàn mất vị thế
 
Những dấu hiệu cho thấy sự cần thiết phải thận trọng: Các tài sản an toàn truyền thống như vàng, đồng Franc Thụy Sỹ và yên Nhật biến động giá mạnh thời gian qua.
 
Tệ hơn: Trái phiếu chính phủ Mỹ và Đức trở thành các loại tài sản hút vốn trong thời gian gần đây. Nhưng mức nợ cao ngất ngưởng của Mỹ và Đức có thể khiến thực tế này thay đổi.
 
Biện pháp phòng ngừa: Các loại trái phiếu có hạng mức tín nhiệm AAA do các định chế quốc tế phát hành.
 
9. Thâm hụt quỹ lương hưu của Mỹ tiếp tục phình to
 
Rủi ro này xảy ra như thế nào: Thâm hụt quỹ lương hưu ở cả khu vực kinh tế công và tư nhân ở Mỹ vượt quá tầm kiểm soát. Mức lãi suất siêu thấp ở Mỹ hiện nay làm tình hình mỗi lúc một xấu thêm.
 
Điều gì sẽ xảy ra: Điểm tín nhiệm bị hạ, lợi nhuận doanh nghiệp đi xuống, khủng hoảng nguồn vốn nổ ra.
 
10. Tăng trưởng kinh tế khả quan hơn dự kiến
 
Đúng ra, đây nên được coi là một khả năng gây bất ngờ hơn là một rủi ro. Việc đặt ra những nguy cơ luôn đi kèm với khả năng gặp bất ngờ.
 
Điều gì có thể xảy ra: Tình hình châu Âu ổn định trở lại, kinh tế toàn cầu tăng trưởng, giá các tài sản rủi ro vượt dự kiến.
 
Theo Kiều Oanh
VnEconomy

 

Tin mới cập nhật