10 rủi ro lớn của kinh tế thế giới 2012

Ngày đăng : 09/12/2011 - 1:15 PM
Thời gian này, giới đầu tư quốc tế mang nhiều lo ngại về những diễn biến xấu có thể xảy đến với kinh tế toàn cầu trong năm 2012.
 
Ngân hàng Deutsche Bank của Đức vừa đưa ra 10 rủi ro được xem là lớn nhất đối với kinh tế thế giới trong 12 tháng tới.
 
1. Hy Lạp rút lui khỏi đồng Euro
 
Khả năng: Hy Lạp có thể rút lui khỏi đồng Euro và trở lại với đồng Drachma. Khả năng này không được Deutsche Bank đặt cược cao, nhưng không thể cho là chuyện không thể xảy ra.
 
Điều gì có thể xảy ra: Giá trị tài sản của khu vực kinh tế tư nhân sụt giảm mạnh, các biện pháp kiểm soát dòng vốn được áp dụng, hệ thống nhà băng Hy Lạp suy sụp, những ngân hàng nhỏ của châu Âu đối mặt tình trạng rút vốn ồ ạt.
 
Biện pháp phòng ngừa rủi ro này: Giới đầu tư được Deutsche Bank khuyến nghị chuyển từ nắm giữ các tài sản châu Âu sang nắm giữ vàng hoặc trái phiếu kho bạc Mỹ, đầu cơ giá lên các loại tiền như Yên Nhật hoặc Bảng Anh, đầu cơ dài hạn vào các chứng khoán trong các chỉ số độ dao động (volatility index).
 
2. Khủng hoảng nguồn vốn ở Italy và Tây Ban Nha
 
Các nhân tố cần quan tâm: Ở Tây Ban Nha là khu vực kinh tế tư nhân và hệ thống ngân hàng, ở Italy là chính trị và tăng trưởng kinh tế.
 
Điều gì có thể xảy ra: Một cuộc khủng hoảng niềm tin sẽ khiến hai quốc gia này gặp khó khăn lớn trong việc tiếp cận các nguồn vốn tiền mặt. Điều này sẽ đe dọa cả đồng Euro và hệ thống tài chính toàn cầu. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ phải có hành động quyết liệt để cứu nền kinh tế toàn cầu khỏi suy sụp.
 
Biện pháp phòng ngừa rủi ro này: Bán khống cổ phiếu các ngân hàng Pháp và Anh, bán khống các đồng tiền của khu vực Đông Âu…
 
3. Mỹ bị hạ điểm tín nhiệm hoặc rơi vào suy thoái kép
 
Nhân tố xúc tác: Rủi ro số 1 hoặc số 2 ở trên trở thành hiện thực, các biện pháp cắt giảm tài khóa gây thất vọng, hoặc tăng trưởng kinh tế yếu.
 
Điều gì có thể xảy ra: Ngành ngân hàng Mỹ cũng có thể bị hạ điểm tín nhiệm. Yếu tố thời điểm sẽ quyết định ảnh hưởng của rủi ro này.
 
Biện pháp phòng ngừa rủi ro này: Các nhà phát hành tài sản phòng ngừa bằng cách chuẩn bị trước nguồn vốn, giới đầu tư cần tăng cường nắm giữ các tài sản phi tài chính hoặc những tài sản không có tính chu kỳ được đánh giá cao.
 
4. Kinh tế Trung Quốc “hạ cánh cứng”
 
Rủi ro này xảy ra như thế nào: Kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 5-6%, mức tăng trưởng bị xem như là “suy thoái” ở nền kinh tế này.
 
Điều gì sẽ xảy ra: Thị trường vốn toàn cầu sẽ chịu tác động bởi sự suy giảm mạnh của giá hàng hóa cơ bản. Tuy nhiên, dự trữ ngoại hối khổng lồ của Trung Quốc có thể sẽ giúp ích nhiều trong việc chặn đứng sự suy giảm và kích thích tăng trưởng.
 
5. Pháp mất hạng mức tín nhiệm AAA
 
Khả năng: Khá dễ xảy ra, xét đến việc Pháp chưa đạt nhiều tiến bộ trong việc thắt chặt chi tiêu.
 
Khi nào rủi ro này có thể xảy ra: Khoảng cách giữa lợi xuất trái phiếu Pháp và trái phiếu Đức, loại trái phiếu được xem là “chuẩn mực” ở châu Âu có lẽ đã cho thấy, rủi ro này đã được phản ánh vào giá trái phiếu Pháp. Tuy nhiên, nguy cơ Pháp bị hạ điểm tín nhiệm vẫn có thể gây ra những ảnh hưởng bất lợi đối với Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) và gây áp lực đối với Paris trong việc huy động vốn.
 
Biện pháp phòng ngừa rủi ro này: Mua các hợp đồng bảo hiểm khả năng vỡ nợ trái phiếu (CDS) của Pháp…
 
6. Các ngân hàng châu Âu đẩy mạnh cắt giảm nợ nần (deleveraging) do lo ngại những rủi ro có thể xảy do mức nợ cao.
 
Khả năng: Việc cắt giảm nợ nần là điều chắc chắn sẽ diễn ra tại các ngân hàng châu Âu, kéo theo sự hạn chế về nguồn vốn và hoạt động đầu tư. Vấn đề là các ngân hàng sẽ cắt giảm nợ nần ở mức bao nhiêu.
 
Điều gì sẽ xảy ra: Lượng nợ mà các ngân hàng châu Âu có thể lên tới 2.000 tỷ USD trong vòng 18 tháng. Con số này có thể lớn hơn nếu khủng hoảng căng thẳng hơn.
 
7. Nguồn tài chính dành cho thị trường hàng hóa cơ bản sẽ bị thắt chặt
 
Khả năng: Rất dễ xảy ra, đặc biệt nếu rủi ro số 6 trở thành hiện thực.
 
Điều gì sẽ xảy ra: Các ngân hàng châu Âu cung cấp vốn cho các công ty giao dịch hàng hóa lớn đặt tài Thụy Sỹ có thể cắt giảm nguồn vốn, và giá hàng hóa cơ bản sẽ giảm mạnh.
 
Biện pháp phòng ngừa: Các công ty đi vay vốn ở châu Âu nên tìm nguồn vốn tại Mỹ.
 
8. Các tài sản an toàn mất vị thế
 
Những dấu hiệu cho thấy sự cần thiết phải thận trọng: Các tài sản an toàn truyền thống như vàng, đồng Franc Thụy Sỹ và yên Nhật biến động giá mạnh thời gian qua.
 
Tệ hơn: Trái phiếu chính phủ Mỹ và Đức trở thành các loại tài sản hút vốn trong thời gian gần đây. Nhưng mức nợ cao ngất ngưởng của Mỹ và Đức có thể khiến thực tế này thay đổi.
 
Biện pháp phòng ngừa: Các loại trái phiếu có hạng mức tín nhiệm AAA do các định chế quốc tế phát hành.
 
9. Thâm hụt quỹ lương hưu của Mỹ tiếp tục phình to
 
Rủi ro này xảy ra như thế nào: Thâm hụt quỹ lương hưu ở cả khu vực kinh tế công và tư nhân ở Mỹ vượt quá tầm kiểm soát. Mức lãi suất siêu thấp ở Mỹ hiện nay làm tình hình mỗi lúc một xấu thêm.
 
Điều gì sẽ xảy ra: Điểm tín nhiệm bị hạ, lợi nhuận doanh nghiệp đi xuống, khủng hoảng nguồn vốn nổ ra.
 
10. Tăng trưởng kinh tế khả quan hơn dự kiến
 
Đúng ra, đây nên được coi là một khả năng gây bất ngờ hơn là một rủi ro. Việc đặt ra những nguy cơ luôn đi kèm với khả năng gặp bất ngờ.
 
Điều gì có thể xảy ra: Tình hình châu Âu ổn định trở lại, kinh tế toàn cầu tăng trưởng, giá các tài sản rủi ro vượt dự kiến.
 
Theo Kiều Oanh
VnEconomy

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Ngân hàng thuộc eurozone cần tăng vốn thêm 115 tỷ euro

Ngày đăng : 09/12/2011 - 1:06 PM
ECB bắt đầu cung cấp khoản vay không hạn chế có thời hạn 3 năm cho các ngân hàng thuộc eurozone. Lần đầu tiên, doanh nghiệp vừa và nhỏ được phép tiếp cận với vốn vay.
 
Theo kết quả của đợt kiểm tra mới nhất, hệ thống ngân hàng Đức yếu hơn so với tính toán trước đó của giới chuyên gia.
 
Cơ quan ngân hàng châu Âu (EBA) vào cuối ngày thứ Năm công bố các ngân hàng Đức thiếu vốn và cần phải bù đắp cho lượng vốn thiếu hụt này trước thời điểm tháng 6/2012. Mức vốn cần bổ sung khoảng 13,1 tỷ euro, gần gấp 3 lần so với con số được tính toán vào tháng 10/2011. Như vậy tổng mức vốn thiếu hụt của các ngân hàng châu Âu tăng từ 106 tỷ euro lên 115 tỷ euro.
 
Các chuyên gia phân tích chỉ ra Commerzbank, ngân hàng tư nhân lớn thứu 2 tại Đức, hiện đang thiếu khoảng 5,3 tỷ euro vốn, cao hơn nhiều so với con số 2,9 tỷ euro công bố 6 tuần trước đó. Ngân hàng đang đối đầu với rủi ro bị quốc hữu hóa. Hiệp hội ngân hàng Đức trong khi đó tuyên bố những gì EBA đưa ra thiếu độ tin cậy.
 
Ông Michael Kemmer, người đứng đầu Hiệp hội ngân hàng Đức, tuyên bố: “Đợt kiểm tra các ngân hàng cho đến nay chưa giúp mang lại sự ổn định cho thị trường. Quá trình kiểm tra các ngân hàng mất nhiều thời hạn và hết sức lộn xộn.”
 
Cổ phiếu ngân hàng Commerzbank hạ 11% trong cuối phiên giao dịch hôm qua sau thông tin về việc ngân hàng này thiếu vốn lan rộng.
 
Ngoài ra tại Đức, ngân hàng Deustche Bank cũng thiếu vốn.
 
Hôm qua thị trường tài chính thế giới đã hết sức thất vọng sau tuyên bố của ông Mario Draghi, chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, người đã khiến thị trường hết hy vọng vảo khả năng ECB mua trái phiếu.
 
Cũng trong ngày hôm qua, ECB hạ lãi suất từ mức 1,25% xuống mức 1%. Ông nói đến khả năng nhiều vấn đề trong lĩnh vực tài chính sẽ lan sang nền kinh tế thực và gây tác động xấu đến kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu.
 
ECB sẽ bắt đầu cung cấp khoản vay không hạn chế có thời hạn 3 năm cho các ngân hàng thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu. Để cải thiện thanh khoản, các ngân hàng cũng được phép mở rộng nhóm tài sản được chấp nhận làm thế chấp. Lần đầu tiên, doanh nghiệp vừa và nhỏ được phép tiếp cận với vốn vay.
 
Theo Minh Long
TTVN

Liệu có thảm họa nếu kinh tế Trung Quốc tăng trưởng dưới 8%?

Ngày đăng : 09/12/2011 - 1:01 PM
10 năm qua, Trung Quốc "sống chết" đến phải tăng trưởng kinh tế 8%/năm để tạo ra được 115 triệu việc làm/năm cho người mới gia nhập thị trường lao động. Điều đó có thể không cần thiết nữa.
 
Ngày 18/11/2011, những nhân vật danh giá nhất thuộc cộng đồng tài chính New York tụ tập đến phòng họp thuộc NY Palace Hotel để dự bữa tiệc trưa do công ty môi giới CICC của Trung Quốc tổ chức với sự có mặt của cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc, ông Zeng Peiyan và phái đoàn cao cấp của lãnh đạo Trung Quốc.
 
Một số lãnh đạo doanh nghiệp nổi tiếng của Mỹ như ông Henry Kravis của KKR, Jonathan Gray của Blackstone, chuyên gia quản lý quỹ Lee Ainslie thuộc Maverick, Eric Mindich của Eton Park, John Paulson đã đến buổi tiệc. Nhóm nhân vật hàng đầu phố Wall được đại diện bởi ông Ken Wilson, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ hiện đang làm việc tại BlackStone.
 
Thông điệp mà người Trung Quốc đưa ra tại buổi tiệc trưa hết sức thẳng thắn: Nếu Quốc hội Mỹ thông qua dự luật gọi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ, phía Trung Quốc sẽ không bỏ qua. Và bởi phía Trung Quốc cảm thấy gặp khá nhiều khó khăn trong việc bàn thảo với chính phủ Mỹ, họ nhờ giới doanh nghiệp chuyển thông điệp đến chính phủ Mỹ.
 
Ở thời điểm tăng trưởng kinh tế Trung Quốc tại châu Âu và châu Á đang chững lại, việc mỗi nền kinh tế tìm kiếm thế mạnh riêng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết và cách thức tăng trưởng quan trọng có thể đến từ xuất khẩu, phụ thuộc nhiều vào một đồng nội tệ yếu.
 
Người Trung Quốc đã tự tạo ra một ngoại lệ khi họ tuyên bố họ chẳng phải nước duy nhất giữ đồng nội tệ ở giá thấp bởi trong mắt họ, cả thế giới đang chơi trò chơi đó. Nhiều người Trung Quốc tin chương trình nới lỏng định lượng từ Fed chỉ đơn giản như một cách hạ giá đồng USD.
 
Họ tin đồng euro chẳng qua cả một cách người Đức giữ được khả năng cạnh tranh cho nền kinh tế của họ bởi nếu chẳng có đồng euro, đồng mark Đức ngày trước hẳn sẽ tăng giá, người Hy Lạp và Italy, (thậm chí cả người Trung Quốc) sẽ chẳng bao giờ có thể đủ tiền xài xe Mercedes và BMW.
 
Ngoài ra, người Trung Quốc phẫn nộ còn bởi họ cảm thấy tự tin về đường hướng lãnh đạo kinh tế vĩ mô của mình. Phần còn lại của thế giới lo sợ kinh tế Trung Quốc khó có thể hạ cánh an toàn nếu chỉ số của lĩnh vực sản xuất rơi xuống mức âm. Cỗ máy xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng trưởng chậm lại khi chi phí lao động tăng, nhiều công ty sản xuất hàng hóa buộc phải đóng cửa. Thị trường bất động sản nhà ở sụt giảm sâu.
 
Tại Trung Quốc, người Trung Quốc không lo lắng đến vậy. Trung Quốc đã chứng kiến sự trỗi dậy của nhóm nền kinh tế mới nổi tại châu Á vào cuối những năm 1990 mà không phải chịu quá nhiều tác động. Kinh tế Nhật đã đi xuống suốt 2 thập kỷ.
 
Khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 cho thấy mô hình của Mỹ thực sự khiếm khuyết, Mỹ phụ thuộc quá nhiều vào tiền vay từ Bắc Kinh. Và nay khi kinh tế châu Âu suy thoái, nhiều người Trung Quốc tự hào rằng mô hình kinh tế của họ tốt hơn so với bất kỳ đối thủ nào.
 
Trong quá khứ, mỗi khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, mọi chuyện thực sự rắc rối. Suốt 10 năm qua, Trung Quốc cần đến tốc độ tăng trưởng kinh tế 8%/năm để tạo ra được 115 triệu việc làm cho người mới gia nhập thị trường lao động. Thế nhưng khi yếu tố nhân khẩu học thay đổi do chính sách một con, trong thập kỷ tới, mỗi năm sẽ chỉ có chưa đầy 20 triệu người gia nhập thị trường lao động. Vì vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc dưới 8% cũng chẳng phải điều gì quá tồi tệ.
 
Trung Quốc đang đảo ngược định hướng chính sách tiền tệ bằng cách hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần đầu tiên trong 3 năm. Và nay, khi thị trường châu Âu, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc đang khó khăn, Trung Quốc cần chuyển hướng sang phát triển thị trường nội địa.
 
JP Morgan mới đây đã hạ dự báo về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc và dự báo kinh tế tăng trưởng 7,4% trong quý 4/2011 và 7,2% trong quý 1/2012. JP Morgan dự báo kinh tế nhóm nước mới nổi sẽ tăng trưởng chỉ 4% trong quý này và quý tới, tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong 1 thập kỷ (nếu không tính thời kỳ Đại Suy thoái vừa qua).
 
Một lý do kinh tế Mỹ luôn tốt hơn kinh tế châu Âu và châu Á bởi xuất khẩu của Mỹ mạnh hơn so với tính toán của giới chuyên gia. Mỹ hưởng lợi khi đồng euro ở mức cao, chính phủ châu Âu buộc phải áp dụng chính sách tiền tệ, tài khóa thắt chặt dù trên thực tế nhiều chuyên gia kỳ vọng đến mức độ nào đó chính phủ các nước châu Âu sẽ đảo ngược chính sách và đồng euro sẽ ngang bằng với đồng USD.
 
Theo Ngọc Diệp
TTVN

Tạm dừng lập mới tập đoàn nhà nước?

Ngày đăng : 09/12/2011 - 11:42 AM
Đó là nội dung quan trọng được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đề cập trong phần phát biểu tại hội nghị sơ kết mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước, được tổ chức sáng 9/12 tại Hà Nội.
 
Theo Bộ này, tính đến nay đã có 12 tập đoàn kinh tế nhà nước được hình thành, nhưng những nội dung thí điểm áp dụng đối với các tập đoàn kinh tế nhà nước vẫn chưa được triển khai thực hiện, việc tổ chức, hoạt động, quản lý và giám sát tập đoàn kinh tế nhà nước còn nhiều vấn đề đặt ra.
 
“Trước mắt, cần tạm dừng việc thí điểm thành lập mới tập đoàn kinh tế nhà nước trong 2-3 năm tới, để tập trung hoàn thiện khung pháp luật và cơ cấu tổ chức, việc quản lý, giám sát của chủ sở hữu nhà nước cùng với việc tái cấu trúc tập đoàn kinh tế nhà nước đã được thí điểm thành lập”, Thứ trưởng Đông phát biểu.
 
Vai trò mờ nhạt
 
Đánh giá khái quát việc thực hiện các mục tiêu thành lập tập đoàn, Bộ cho hay, qua thí điểm tổng tài sản của các tập đoàn kinh tế tăng bình quân 119,6%, tổng vốn chủ sở hữu tăng bình quân 75,1%, nguồn nhân lực tăng bình quân 16,36%. 
 
Tuy nhiên, Bộ nhìn nhận rằng phần lớn tập đoàn kinh tế thí điểm trong thời gian qua đều có sự tham gia của một số lượng lớn các doanh nghiệp hoạt động trong nhiều ngành, lĩnh vực với quy mô hoạt động tăng nhanh, gồm nhiều cấp doanh nghiệp, vượt quá trình độ, năng lực quản trị của bộ máy quản lý của tập đoàn, đã làm hạn chế kết quả hoạt động của nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước nói chung và quản lý, giám sát đối với các tập đoàn kinh tế nói riêng.
 
Bộ cũng lưu ý trong khi hầu hết các tập đoàn kinh tế đều kinh doanh có lãi nhưng hiệu quả và sức cạnh tranh chưa cao và chưa tương xứng với những ưu đãi về nguồn lực và những lợi thế khác. Đồng thời, thực trạng tài chính một số tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty thuộc tập đoàn còn yếu kém, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, mất cân đối tài chính.
 
Ngoài ra, Bộ cũng cho rằng việc thực hiện vai trò là công cụ điều tiết vĩ mô của các tập đoàn kinh tế còn hạn chế. Do hầu hết các tập đoàn kinh tế đều thực hiện tất cả các khâu trong quá trình sản xuất kinh doanh nên thực tế vai trò thúc đẩy liên kết trong chuỗi giá trị gia tăng, vai trò tạo động lực phát triển các thành phần kinh tế khác, các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế quốc dân của tập đoàn kinh tế nhà nước còn mờ nhạt.
 
Liên quan đến việc đầu tư của các tập đoàn kinh tế nhà nước, Bộ cho rằng hầu hết các tập đoàn quá thiên về mở rộng quy mô đầu tư, đầu tư dàn trải, chưa chú trọng đầu tư theo chiều sâu nên hiệu quả đầu tư thấp. 
 
Điểm đáng chú ý được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra là ở một số tập đoàn kinh tế nhà nước, dù năng lực tài chính còn hạn chế, thiếu vốn đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh chính nhưng vẫn thực hiện đầu tư ra ngoài ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh chính của tập đoàn, bao gồm cả những linh vực kinh doanh nhạy cảm, rủi ro cao như tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm. 
 
Bộ cũng nhìn nhận, việc đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn sẽ làm giảm cơ hội và hạn chế sự phát triển của khu vực tư nhân. “Hơn nữa, thực tế việc đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn kinh tế nhà nước không mang lại hiệu quả, thậm chí thua lỗ, ảnh hưởng tiêu cực đến ngành sản xuất kinh doanh chính và hệ lụy cho sự phát triển chung của tập đoàn”, Thứ trưởng Đông đề cập.
 
Giám sát, điều hành tập đoàn còn yếu
 
Đánh giá về công tác quản lý, điều hành trong các tập đoàn kinh tế nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc tổ chức, quản lý điều hành của các tập đoàn còn chậm đổi mới, hình thức liên kết khá đơn điệu; tổ chức quản lý của công ty mẹ và các doanh nghiệp thành viên còn một số bất cập như thành viên Hội đồng thành viên công ty mẹ còn kiêm nhiệm quản lý, điều hành tại doanh nghiệp thành viên, có thể xảy ra tình trạng “thiên vị” trong quá trình ra quyết sách, có thể gây xung đột, mâu thuẫn giữa các công ty thành viên…
 
Bộ cho rằng, hoạt động kiểm soát viên và kiểm soát nội bộ còn mang tính hình thức và thiếu hiệu quả. Cho đến nay, các tập đoàn kinh tế nhà nước  vẫn chưa bổ nhiệm được kiểm soát viên với lý do chưa có quy định pháp luật về tiêu chuẩn bổ nhiệm, cơ chế hoạt động, lương, thưởng…
 
“Thực tế cũng cho thấy, kiểm soát nội bộ chưa được chú trọng và kiểm soát viên chưa thực hiện tốt hoặc không có đủ điều kiện để thực hiện chức năng bảo vệ lợi ích của chủ sở hữu, giám sát hội đồng quản trị/hội đồng thành viên thực hiện nhiệm vụ do chủ sở hữu giao hoặc ủy quyền như pháp luật yêu cầu”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
 
Về quản lý, giám sát hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước, cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vẫn còn một số yếu kém, bất cập như chưa tách bạch được chức năng chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước, dễ tạo ra sự khác biệt không hợp lý trong quản lý nhà nước giữa các doanh nghiệp, thể hiện rõ trong các chính sách quản lý nhà nước đối với các ngành khai thác tài nguyên, khoáng sản, điện, viễn thông và các ngành có vị thế độc quyền, thống lĩnh thị trường…
 
Đồng thời, việc phân công, phân cấp thực hiện quyền giám sát tập đoàn kinh tế nhà nước còn nhiều bất cập, được giao cho nhiều cơ quan và mỗi cơ quan lại thực hiện được một số quyền khác nhau dẫn đến phân tán, không hiệu quả, nhất là trong quản lý, giám sát sử dụng vốn, đầu tư, nhân sự, tiền lương…
 
Cho đến nay, vẫn chưa có đơn vị đầu mối để theo dõi, giám sát và chịu trách nhiệm về kất quả hoạt động của tập đoàn kinh tế nhà nước ở những phần việc được phân công thực hiện quyền của chủ sở hữu. Do đó, các cơ quan quản lý không nắm bắt và chấn chỉnh kịp thời các diễn biến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
 
Cách thức giám sát, đánh giá của chủ sở hữu còn mang tính hình thức, chủ yếu dựa vào báo cáo của các tập đoàn kinh tế nhà nước với tính chất báo cáo thống kê hơn là báo cáo tình hình thực hiện mục tiêu của chủ sở hữu. 
 
“Cho đến nay chưa có đánh giá nào về việc hoàn thành nhiệm vụ được phân giao cho các tập đoàn kinh tế nhà nước”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận.
 
Theo Anh Quân
 VnEconomy

Tổng quan về tình hình thâm hụt ngân sách của các nước thuộc eurozone

Ngày đăng : 09/12/2011 - 11:31 AM
Rất ít nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu giữ được thâm hụt ngân sách ở mức cho phép trong những năm gần đây.
 
Lãnh đạo các nước thuộc Liên minh châu Âu hướng tới Brussels để nhóm họp. Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp đang cố gắng viết lại thỏa thuận của khu vực đồng tiền chung để đảm bảo nhóm nước có chính sách tài khóa yếu kém sẽ không bao giờ có thể làm gì để đe dọa đến sự ổn định của đồng tiền chung.
 
Chính phủ Đức và Pháp muốn các nước thành viên thuộc khu vực đồng tiền chung giảm thâm hụt ngân sách xuống mức 3% GDP và muốn họ tuân thủ theo nguyên tắc tài khóa của Đức để không tái phạm việc vượt quá thâm hụt ngân sách cho phép thêm lần nữa.
 
Chẳng phải ai cũng đồng ý với biện pháp trên của chính phủ Đức. Trong những năm đầu mới gia nhập khu vực đồng tiền chung châu Âu, chính phủ Pháp và Đức đã vi phạm mức thâm hụt ngân sách 3%.
 
Ngoài ra, việc không kiểm soát được tình hình tài khóa không phải nguyên nhân chính đằng sau khủng hoảng tại châu Âu: Tây Ban Nha và Ireland, hai nền kinh tế đang gặp rất nhiều vấn đề với khủng hoảng nợ hiện nay, từng có thặng dư ngân sách cao vào năm 2007.
 
Các chuyên gia lo ngại việc thắt chặt ngân sách quá mức ở thời điểm hiện nay sẽ cướp đi tăng trưởng kinh tế. Theo biểu đồ dưới đây, thâm hụt ngân sách của rất nhiều nước thuộc khu vực đồng tiền chung đã vượt quá mức giới hạn 3%.
 
 
Theo Ngọc Diệp
TTVN

Từ 2015 - 2020: Sẽ cổ phần hoá 27 tập đoàn, tổng công ty

Ngày đăng : 09/12/2011 - 9:21 AM

 

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm sắp xếp, đổi mới DNNN 2010 - 2011 với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã phát đi thông điệp sẽ đẩy nhanhcổ phần hóa (CPH) các DNNN thời gian tới. Với định hướng này, 27 tập đoàn,tổng công ty như: Dầu khí Việt Nam, Điện lực Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam… sẽ thực hiện CPH trong giai đoạn 2015 - 2020.
 

                     

 

Không chuyển nhượng vốn nội bộ

Theo ông Phạm Viết Muôn, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển DN, tuy 10 năm qua, cả nước đã sắp xếp được 4.757 DNNN, trong đó cổ phần hóa 3.388 DN, nhưng nhìn chung, tiến độ sắp xếp DNNN chưa như mong muốn. Do vậy, để đổi mới có hiệu quả 1.309 DNNN còn lại, trong đó có 101 tập đoàn, tổng công ty và 2 NHTM do Nhà nước nắm 100% vốn, Chính phủ đang khẩn trương hoàn thiện và triển khai nhiều biện pháp mạnh.

Theo đó, đối với DN thành viên của các tập đoàn, tổng công ty, khi thực hiện CPH, có thể CPH đồng thời với công ty mẹ. Tùy điều kiện thực tế, có thể thực hiện CPH đồng thời với hợp nhất, sáp nhập hoặc chuyển giao vốn các tổng công ty, công ty trong cùng ngành nghề, lĩnh vực, để hình thành các tổng công ty đa sở hữu có năng lực mạnh hơn. Cùng với đó, chuyển toàn bộ DN do các tập đoàn, tổng công ty giữ 100% vốn sang các tập đoàn, tổng công ty có ngành nghề kinh doanh cùng với ngành nghề kinh doanh của DN chuyển giao. Biện pháp này có thể thực hiện dưới hình thức chuyển nhượng DN hoặc chuyển giao nguyên trạng… Năm nay, sẽ hoàn thành việc phê duyệt phương án, sắp xếp, CPH các DNNN để triển khai sớm. Trong quý I/2012, các bộ phải trình Chính phủ phương án tái cơ cấu DNNN trong lĩnh vực do mình quản lý.

"Sắp tới sẽ đẩy mạnh CPH các DN mà Nhà nước không cần nắm 100% vốn theo phương án đã phê duyệt. Công ty mẹ tại các tập đoàn, tổng công ty thực hiện việc bán vốn cho tổ chức, cá nhân bên ngoài, chứ không bán hoặc chuyển giao lại cho các đơn vị thành viên trong nội bộ. Đẩy mạnh việc niêm yết các tập đoàn, tổng công ty đã CPH trên TTCK trong và ngoài nước…", ông Muôn nhấn mạnh.

Những giải pháp mạnh trên nhằm thực hiện mục tiêu mà Chính phủ đề ra là từ năm 2015 - 2020 sẽ CPH 27 tập đoàn, tổng công ty, trong đó Nhà nước nắm cổ phần trên 65% hoặc trên 75% tại 11 DN như các tập đoàn: Dầu khí, Công nghiệp Than - Khoáng sản, Điện lực, Công nghiệp cao su, Bưu chính Viễn thông, Hoá chất…, đồng thời không giữ cổ phần chi phối tại 16 DN. Đến năm 2020, cả nước còn 17 tập đoàn, tổng công ty do Nhà nước nắm giữ 100% vốn như: Tập đoàn Viễn thông quân đội, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, Tổng công ty Thuốc lá, Tổng công ty Đường sắt... Cùng với đó là 200 DN hoạt động trong các lĩnh vực độc quyền nhà nước, an ninh, quốc phòng và công ích.

 
'Làm nóng" TTCK để thúc đẩy CPH

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu đánh giá, tiến trình CPH các DNNN 10 năm qua đã góp phần quan trọng thúc đẩy TTCK phát triển. Việc niêm yết trên TTCK đã nâng cao tính minh bạch, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các DN, tăng cường sự giám sát của xã hội đối với hoạt động của DN, nên đã tạo được niềm tin trong cộng đồng NĐT trong và ngoài nước. Đặc biệt, sự phát triển của TTCK đã làm tăng khả năng huy động vốn cho nền kinh tế, DN, đồng thời làm thay đổi phương thức quản lý, tổ chức sản xuất của các DN.

Vì mối quan hệ tác động qua lại giữa CPH với sự phát triển của TTCK, nên Bộ Tài chính cho rằng, cần sớm có chính sách tài chính, tiền tệ hợp lý để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn hiện tại, cũng như TTCK, qua đó gia tăng thu hút NĐT tham gia thị trường. Đây là một trong những giải pháp để đẩy nhanh CPH các DNNN thời gian tới. Thực tế, sự trầm lắng kéo dài của TTCK thời gian qua đã gây nhiều bất lợi cho quá trình CPH các DNNN. Trong thẩm quyền của mình, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính đang và sẽ triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ TTCK sớm vượt qua khó khăn hiện tại. Tuy nhiên, để các giải pháp mang tính tổng thể và hữu hiệu hơn, các thành viên TTCK hy vọng Chính phủ sẽ sớm có giải pháp phục hồi TTCK lành mạnh, bền vững, qua đó góp phần đẩy nhanh tiến trình CPH.         

 

Theo  Hữu Hòe


 

Tin mới cập nhật