Công ty chứng khoán rầm rộ tuyển broker!

Ngày đăng : 10/08/2012 - 12:23 PM

 

Công ty chứng khoán rầm rộ tuyển broker!

 

 

Thay vì cơn sóng cắt giảm nhân sự như năm 2011, các CTCK hiện nay lại đang rầm rộ tuyển broker - cả chuyên nghiệp lẫn tự do!

 

Bước sang năm thứ 13 với 797.6 nghìn tỷ đồng vốn hóa thị trường, cùng với 1.2 triệu tài khoản… nhưng TTCK vẫn là một mảnh đất quá chật hẹp cho sự tồn tại của 105 công ty chứng khoán (CTCK).

Cơn bĩ cực từ vài năm trước vẫn chưa kết thúc. 105 CTCK, trong thời gian khó, đã phải làm đủ mọi cách để có thể sinh tồn. Cắt giảm nhân viên, thu hẹp hoạt động có lẽ là… “nghiệp vụ chính” của nhiều CTCK trong hai năm qua.

Dẫu vậy, cho đến thời điểm này, một số CTCK dường như chỉ tồn tại trên giấy tờ khi nghiệp vụ chính của một CTCK - môi giới - bị rút giấy phép, trụ sở làm việc thì lặn mất tăm... Chưa kể rất nhiều CTCK khác thoi thóp khi top 10 thị phần môi giới trên HOSE và HNX luôn chiếm trên 50%. Nhiều “ông lớn” một thời như SBS, MBS đang phải vật lộn để tái cấu trúc.

Đối với những broker, khó khăn trong thời gian qua là minh chứng cho một quy luật tất yếu: chọn lọc tự nhiên. Nhiều người mang vọng tưởng giàu lên nhanh chóng từ broker mà bỏ ngành nghề của mình chắc chắn đã nhận được bài học đắt giá khi họ chính là những người đầu tiên phải rời công ty trong đợt cắt giảm nhân sự. Số broker còn lại là bao nhiêu? Chưa có con số thống kê chính thức, nhưng cũng đã rơi rụng khá nhiều so với thời hoàng kim 2007. 

Cách đây không lâu, người viết có cuộc điện thoại đến Phòng đào tạo của Trung tâm đào tạo Ủy ban chứng khoán Nhà nước để hỏi về lớp Luật chứng khoán và Môi giới chứng khoán…

- “Phải chờ em à!”

Tuy có kế hoạch đào tạo từ đầu năm, nhưng vài năm gần đây chưa bao giờ Trung tâm mở hết các lớp, và lớp nào cũng phải lùi thời gian khai giảng ít nhất nửa tháng để… chờ người đăng ký. So với cái thời người người nhà nhà đi học chứng khoán, thậm chí nhiều sinh viên vì không có tiền đóng học phí đã đi học “chui”… thì câu chuyện kể trên mang biết bao xúc cảm ngậm ngùi.

Con sóng tăng đầu năm nay mang lại chút hy vọng và an ủi với giới broker sau thời gian khó. Nhưng từ tháng 5 trở lại đây, thị trường bước vào điều chỉnh đi ngang, khối lượng giao dịch sụt giảm mạnh. Thỉnh thoảng thị trường lên cơn “co giật” như ngày 19/7 hay ngày 6/8, lại nhen nhóm kỳ vọng phục hồi từ NĐT… Trong tình hình đó, diễn biến mua vào mạnh của khối tự doanh các CTCK trong nửa cuối tháng 7 đáng được lưu ý, và một động thái nữa của các CTCK cũng đáng nhận được sự quan tâm của thị trường… 

Họ đang rầm rộ tuyển broker…

SSI đang cần tuyển nhân viên môi giới tại các chi nhánh Hà Nội, Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Hải Phòng, Nha Trang, hạn nộp hồ sơ 15/8.

HSC đang tìm kiếm vị trí tương tự tại Hà Nội và Hồ Chí Minh. Trong khi đó, FPTS cần 10 broker cho hai chi nhánh Hà Nội, Hồ Chí Minh. CTCK Tân Việt cũng đang tuyển liên tục… 50 broker cho các chi nhánh Hà Nội, Hải Phòng, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Vĩnh Long, Quy Nhơn…

Kim Eng còn “khủng” hơn khi cần 20 broker tại Hội sở, các chi nhánh khác như Hải Phòng (1 trưởng phòng môi giới, 5 nhân viên môi giới), Chợ Lớn (2 trưởng phòng và 10 môi giới) , Cần Thơ (15 môi giới), Đồng Nai (10 môi giới), Vũng Tàu (1 trưởng phòng và 10 môi giới)… Kim Eng, trong quá trình mở rộng mạng lưới của mình, liên tục tuyển rất nhiều broker - các bản tin tuyển dụng của họ không có hạn nộp hồ sơ. 

Cuộc cạnh tranh thị phần giữa các CTCK luôn khốc liệt, nên trong bản tin tuyển dụng của các CTCK, ngoài yêu cầu về bằng cấp chuyên môn, các kỹ năng bán hàng, chứng chỉ của Trung tâm đào tạo Ủy ban chứng khoán Nhà nước… thì các CTCK luôn ưu tiên các ứng viên có kinh nghiệm trong nghề. SSI còn không ngần ngại khi ưu tiên “các ứng viên đang làm việc tại công ty chứng khoán khác” - nhằm mục đích trực tiếp lôi kéo mạng lưới khách hàng của ứng viên…

… và cả broker tự do!

Không chỉ tuyển broker, các CTCK cũng rầm rộ tuyển… cộng tác viên! Dù vị trí dự tuyển có khác nhau rất nhiều về tên gọi giữa các CTCK như: cộng tác viên phát triển thị trường, nhân viên hợp tác phát triển khách hàng… nhưng thực chất là họ tuyển môi giới tự do.

Không phải trả lương cứng, không phải đóng bảo hiểm cùng những phúc lợi khác như người lao động chính thức… là những ưu điểm của các cộng tác viên. Vì vậy, yêu cầu của các CTCK cũng dễ dàng hơn: chỉ cần là sinh viên năm 3, tốt nghiệp cao đẳng trở lên; có khả năng thương lượng thuyết phục khách hàng; không có yêu cầu về chuyên môn, chỉ cần… “có kiến thức cơ bản về kinh tế - tài chính” là đủ.

VNDirect (VND) đang tuyển 20 cộng tác viên phát triển khách hàng tại Hà Nội. Loại hình công việc thời vụ, hưởng lương cố định và kinh doanh. Yêu cầu chỉ là sinh viên năm 3 khối ngành kinh tế hoặc đã tốt nghiệp đại học, có danh sách khách hàng cơ bản đang đầu tư vào lĩnh vực tài chính… hạn nộp hồ sơ là 31/8.

CTCK Ngân hàng Quân đội (MBS) chi nhánh Hải Phòng cũng đang tìm kiếm nhân viên hợp tác phát triển khách hàng. Yêu cầu ứng viên là tốt nghiệp cao đẳng/đại học từ năm thứ 3 trở lên, có các kỹ năng về bán hàng, kỹ năng giao tiếp… ngày hết hạn nộp hồ sơ là 31/8…

Không phải ngẫu nhiên các CTCK lại tuyển môi giới vào thời gian này. Ngoài những ưu điểm đã kể trên, thì hiện nay - sau cơn sàng lọc của thị trường - rất nhiều broker mất việc tại các CTCK vẫn có mạng lưới khách hàng nhất định. Tuy rằng mạng lưới của một ứng viên không rộng rãi nhưng nếu tận dụng được nhiều môi giới như vậy cũng góp phần cải thiện phần nào kết quả hoạt động cho các CTCK, trong khi chi phí bỏ ra không đáng là bao.

Ngoài ra, một số CTCK - điển hình nhất là MBS - đang trong quá trình tái cấu trúc, và muốn đầu tư cho tương lai hơn khi họ đang tìm kiếm những ứng viên tiềm năng để đào tạo họ trở thành nhân viên chính thức.

Theo Ninh Văn Ngọc - sinh viên năm 4 chuyên ngành Kinh doanh chứng khoán, Học viện Tài Chính, cậu đã liên hệ và sắp triển khai dự án tuyển cộng tác viên là sinh viên chuyên ngành chứng khoán của Học viện Tài chính cho MBS tại Hà Nội. Đây là dự án của MBS để tìm kiếm và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho tương lai. Các sinh viên được đào tạo miễn phí tại công ty, được trao đổi với môi giới của công ty và được tiếp xúc trực tiếp với công việc thực tế của một broker thực thụ.

Broker - những chuyển động và thay đổi trong nghề này luôn dành được sự quan tâm của thị trường. Không chỉ vì vai trò quan trọng của họ đối với một TTCK non trẻ như Việt Nam khi đa số NĐT còn thiếu kiến thức trong một kênh đầu tư rất phức tạp là chứng khoán; mà còn bởi vì họ là “bộ mặt” của TTCK.

Việc tuyển dụng rầm rộ các broker của CTCK trong thời gian gần đây liệu có phải là một tín hiệu báo hiệu cho sự hồi phục của thị trường? Hay là cuối năm nay, sẽ lại là một tết buồn nữa của giới broker chứng khoán?

Theo Đoàn Xuân Thạo

FFN

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Tỷ phú Thái Lan trả giá cao hơn ngăn Heineken thâu tóm Tiger Beer

Ngày đăng : 07/08/2012 - 11:19 PM

 

Tỷ phú Thái Lan trả giá cao hơn ngăn Heineken thâu tóm Tiger Beer

 

Thương vụ thâu tóm Tiger Beer của Heineken tiếp tục gặp khó khăn khi một tỷ phú Thái Lan tiếp tục đặt giá thầu cao hơn để có được cổ phần APB.

 

 

Ngày 7/8, Kindest Place Groups, công ty thuộc quyền sở hữu của con rể tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, đề nghị mua trực tiếp 7,3% cổ phần của công ty Asia Pacific Breweries (APB) từ hãng Fraser and Neave's (F&N), với mức giá hấp dẫn 55 USD/cổ phiếu, hãng F&N cho biết.

Động thái này được đưa ra sau khi công ty F&N của Singapore đồng ý bán cổ phần trực tiếp và gián tiếp trong APB cho Heineken với giá 4,1 tỷ USD, tương đương 50 USD/cổ phiếu. Hiện F&N kiểm soát khoảng 40% cổ phần của APB.

Hãng sản xuất bia Hà Lan hiện chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về động thái của công ty Thái Lan.



Nếu Kindest Place thành công, công ty sẽ nắm hơn 15% cổ phần của APB. Trước đó, công ty này đã mua được 7,9% cổ phần APB từ tay hai cổ đông lớn là Oversea-Chinese Banking Corp và đơn vị bảo hiểm Great Eastern Holdings.

Theo nguồn thạo tin, tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi có thể ngăn chặn thương vụ APB và Heineken bằng cách bỏ phiếu chống bản thỏa thuận thông qua công ty Thai Beverage PCL (Thaibev), do đích thân ông điều hành. Hiện Thaibev đang là cổ đông lớn nhất của F&N với 27% cổ phần.



Hãng Heineken cho biết sẽ đề nghị F&N tiếp tục giữ lại số cổ phần APB đang nắm giữ và chờ đợi cuộc bỏ phiếu của các cổ đông. Các giám đốc của F&N cũng chấp nhận thỏa thuận này.

Hiện cả tỷ phú Thái Lan lẫn ThaiBev đều chưa cho biết liệu họ có đồng ý hay phản đối thương vụ Heineken mua lại APB.

Hãng sản xuất bia Nhật Bản Kirin, cổ đông lớn thứ hai của F&N với 15% cổ phần, cũng chưa đưa ra quan điểm chính thức.

 

Theo VOV/Reuters

            Chia sẻ

                                    




 


Thời điểm nào nên đầu tư vào chứng khoán Việt Nam?

Ngày đăng : 07/08/2012 - 10:24 PM

 

Thời điểm nào nên đầu tư vào chứng khoán Việt Nam?

 

CEO quỹ Dragon Capital-ông Dominic Scriven cho rằng, lợi nhuận của các doanh nghiệp trong năm 2012 này được dự báo sẽ tăng.

 

Trên tờ Investment Week của Anh, ông Dominic Scriven, Giám đốc điều hành (CEO) quỹ Dragon Capital, đã có một bài viết đưa ra những lý do giải thích vì sao đã đến lúc nên rót thêm vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam, cho dù thị trường thời gian gần đây rơi vào trạng thái ảm đạm.

 

VnEconomy xin giới thiệu tới độc giả bản lược dịch bài viết này.

 

“Việt Nam không phải là quốc gia đầu tiên khi giới đầu tư quốc tế cân nhắc các cơ hội đầu tư. Thực tế này không phải chỉ vì Việt Nam vẫn còn bị xem là một thị trường sơ khai (frontier market), mà còn bởi Việt Nam có một thị trường chứng khoán kém hiệu quả và môi trường kinh tế vĩ mô nhiều bất ổn trong vòng 4 năm trở lại đây.

 

Tuy nhiên, những nhà đầu tư sẵn lòng đưa thị trường chứng khoán Việt Nam vào danh mục có thể sẽ gặt hái thành quả, nhất là khi các khoản đầu tư của họ được thực hiện trước khi những cải cách kinh tế ở Việt Nam bám rễ ăn sâu.

 

Một thị trường sơ khai như Việt Nam có quan hệ tương tác ở mức thấp với các thị trường phát triển, mà điều này sẽ đem đến một sự đa dạng hóa danh mục đầu tư hiệu quả. Câu chuyện về đầu tư vào Việt Nam là câu chuyện nói nhiều tới các yếu tố nền tảng của nền kinh tế, các cải cách kinh tế, cũng như về sự đa dạng hóa danh mục.

 

Khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007, giới quan sát tin tưởng rằng, Việt Nam sẽ trở thành cường quốc xuất khẩu tiếp theo ở khu vực châu Á. Sự kết hợp giữa các yếu tố dân số thuận lợi, nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc, và một hệ thống chính trị ổn định đã tạo ra nền móng lý tưởng để phát triển hoạt động sản xuất phục vụ xuất khẩu.

 

Tuy nhiên, những kỳ vọng về “một cú đột phá chóng vánh từ cá lên con chip máy tính” đã đột ngột dừng lại bởi những quyết định chính sách vĩ mô dẫn tới một chu kỳ kinh tế không bền vững, từ phát triển bùng nổ tới tụt dốc.

 

Chính sách tài khóa và tiền tệ lỏng lẻo trong thời gian từ năm 2009-2010 là một trong những lý do chính dẫn tới lạm phát cao trong năm 2011. Hoạt động trợ giá cho các mặt hàng nước, xăng dầu, điện và một số mặt hàng thiết yếu khác cũng góp phần đẩy lạm phát cao. Tuy nhiên, vào cuối năm 2010, Chính phủ đã nhận ra vấn đề và bắt đầu theo đuổi mạnh mẽ các cải cách kinh tế.

 

Kết quả từ đó đến nay đã khá ấn tượng. Tăng trưởng tín dụng và cung tiền, cũng như thâm hụt tài khóa, đã giảm xuống. Dự trữ ngoại hối tăng gấp đôi trong vòng 8 tháng và lần đầu tiên trong vòng 5 năm, tỷ giá đồng nội tệ ổn định suốt hơn 1 năm, cho thấy chu kỳ giảm giá tiền đồng có thể cuối cùng đã không lặp lại.

 

Các nền kinh tế đều đi qua các chu kỳ khác nhau, gồm các giai đoạn hồi phục, phát triển quá nóng, và trì trệ. Mỗi giai đoạn đều được định hình riêng biệt bởi xu hướng tăng trưởng của GDP và đường đi của lạm phát. Mỗi một giai đoạn trong số này cũng đều gắn kết với sự gia tăng giá trị vượt trội của một loại tài sản cụ thể.

 

Trong thời kỳ tăng trưởng GDP giảm và lạm phát cao nhưng đang giảm dần (reflation), trái phiếu thường được xem là kênh đầu tư hiệu quả nhất. Trong khi đó, ở vào thời kỳ phục hồi kinh tế, các nhà đầu tư có xu hướng rót tiền vào cổ phiếu. Thách thức đặt ra là làm thế nào xác định được thời điểm mà nền kinh tế chuyển giao sang giai đoạn tiếp theo để đưa ra quyết định quản lý danh mục tốt nhất có thể.

 

Từ quý 2/2010 đến quý 2/2011, kinh tế Việt Nam trải qua giai đoạn trì trệ, với các đặc trưng là lạm phát tăng nhanh, tăng trưởng GDP suy giảm và một thị trường chứng khoán èo uột. Vào quý 3/2011, Việt Nam bước vào giai đoạn mà tăng trưởng GDP vẫn yếu, lợi nhuận èo uột, nhưng lạm phát đã giảm tốc (gọi là giai đoạn reflation).

 

Câu hỏi quan trọng nhất đặt ra là: khi nào Việt Nam sẽ chuyển sang giai đoạn phục hồi? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần xem xét về vấn đề lạm phát và khi nào tăng trưởng GDP sẽ chạm đáy.

 

Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đạt đỉnh điểm 23,1% vào tháng 8/2011 và liên tục giảm tốc từ đó đến nay. CPI tháng 5/2012 tăng 0,18% so với tháng 4 và tăng 8,3% so với cùng kì năm 2011. Lạm phát 5 tháng đầu năm là 2,7% so với cuối năm 2011. CPI tháng 9 được kì vọng tăng 6% so với cùng kì năm trước và giữ ổn định khoảng 7% cho đến cuối năm, dưới mức trung bình 9% trong thập kỷ qua.

 

Cũng giống như ở các nước Âu-Mỹ, ở Việt Nam, các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản gánh một lượng nợ lớn. Tuy nhiên, mức độ vay nợ của các hộ gia đình ở Việt Nam không giống như ở các nước Âu-Mỹ. Mức độ vay nợ theo các loại hình thẻ tín dụng và thế chấp nhà so với GDP của các hộ gia đình ở Việt Nam chỉ là 12% vào năm 2010, trong khi tổng dư nợ tín dụng tương đương tới 136% GDP. Kể từ đó trở đi, Việt Nam đã bắt đầu quá trình giảm nợ, với tổng dư nợ tín dụng so với GDP còn 117% vào cuối năm 2011.

 

Theo một nghiên cứu mà McKinsey tiến hành trên 45 trường hợp trước đây về tác động của quá trình giảm nợ đối với tăng trưởng GDP sau một cuộc suy giảm thoái, tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến sẽ chạm đáy trong vòng 2-3 năm kể từ khi bắt đầu giảm nợ.

 

Việt Nam bắt đầu quá trình giảm nợ vào năm 2011. Do đó tăng trưởng GDP dự kiến sẽ chạm đáy vào đầu năm 2013 hay 2014. Tuy nhiên, do mức nợ của các hộ gia đình thấp, có thể tin rằng tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ chạm đáy sớm hơn, với mức đáy xuất hiện vào quý 3-4/2012 hoặc đầu năm 2013. Đó sẽ là những thời điểm tối ưu để đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

 

Thêm một lý do nữa để thực hiện đầu tư vào thời điểm trên, là lợi nhuận của các doanh nghiệp trong năm 2012 này được dự báo sẽ tăng. Các cuộc trao đổi với nhiều công ty cho thấy, dự báo lợi nhuận doanh nghiệp năm nay có xu hướng tăng hơn là giảm. Theo dự báo, hệ số giá trên thu nhập (P/E) năm 2012 là 9 lần, với chỉ số VN-Index ở mức 450 điểm và tăng trưởng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) đạt 18% so với mức giảm 9% của năm 2011.

 

Lãi suất huy động tiền gửi từ 12-14% của Việt Nam là cao nhất châu Á. Hầu hết các quốc gia khác đều có lãi suất huy động dưới 4%. Với tốc độ lạm phát giảm, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khu vực thực sự có nhiều cơ hội để vận dụng linh hoạt chính sách tiền tệ.

 

Bởi vậy, có thể kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ đẩy mạnh việc nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ. Ngoài ra, chúng tôi cũng cho rằng, lãi suất tiền gửi sẽ giảm 400 điểm cơ bản, còn 8%/năm, tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường chứng khoán”.

 

Theo Yến Thanh

 VnEconomy


Petrovietnam ra mắt bộ chỉ số PNV-Index

Ngày đăng : 04/08/2012 - 8:17 PM

 

Petrovietnam ra mắt bộ chỉ số PNV-Index

 

 

Bộ chỉ số này sẽ phản ánh diễn biến giá cổ phiếu và tình hình hoạt động của hơn 30 doanh nghiệp trong ngành dầu khí.

 

Ngày 3/8/2012, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) chính thức ra mắt Bộ chỉ số PVN-Index. Bộ chỉ số này sẽ phản ánh diễn biến giá cổ phiếu và tình hình hoạt động của hơn 30 doanh nghiệp trong ngành dầu khí.

 

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam hiện có 32 doanh nghiệp thành viên niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán, chiếm 14,3% vốn hóa toàn Thị trường Chứng khoán Việt Nam.

 

Bộ chỉ số PVN-Index được chia làm 3 nhóm chính: nhóm chỉ số đại diện, nhóm chỉ số đầu tư và nhóm chỉ số ngành. Nhóm chỉ số đại diện bao gồm tất cả các công ty niêm yết và đăng ký giao dịch cổ phiếu trên 3 sàn chứng khoán Hà Nội, Hồ Chí Minh và UpCOM.

 

Nhóm chỉ số đầu tư, cụ thể là PVN10, bao gồm 10 công ty đứng đầu về giá trị vốn hóa, có điều chỉnh theo số lượng cổ phiếu tự do giao dịch (free-float market capitalization) và tính thanh khoản.

 

Nhóm chỉ số ngành trong PVN-Index được phân ngành theo tiêu chuẩn quốc tế ICB (Industry Classification Benchmark) do Công ty FTSE - Anh quốc phát triển. Tiêu chuẩn phân ngành này hiện đang được áp dụng rộng rãi cho nhiều Chỉ số ngành trên thế giới.

 

Tất cả các chỉ số trong 3 nhóm chỉ số chính nêu trên đều được tính toán theo hai phương pháp: chỉ số giá (price index) và chỉ số lợi nhuận (total return index) nhằm phục vụ cho các đối tượng Nhà đầu tư khác nhau. Ngoài ra, PVN-Index được quy đổi theo 4 loại tiền tệ phổ biến: USD, EUR, JPY và VND, tạo điều kiện cho các NĐT nước ngoài xác định chính xác lợi nhuận.

 

Theo lãnh đạo PetroVietnam, PVN-Index là Bộ chỉ số chứng khoán đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế như: được tính theo cuối ngày và thời gian thực; được tính theo tổng lợi nhuận và giá cổ phiếu; được quy đổi theo các loại tiền tệ phổ biến; có sự điều chỉnh để tỷ trọng mỗi cổ phiếu không chiếm quá 15% trong mỗi chỉ số - nhằm làm giảm ảnh hưởng quá mức của các cổ phiếu lớn; cổ phiếu đáp ứng các tiêu chuẩn về vốn hóa thị trường, tính thanh khoản…

 

Bộ chỉ số PVN–Index được xây dựng và quản lý bởi Hội đồng chỉ số gồm các thành viên là các chuyên gia cao cấp và có uy tín trong ngành Dầu khí và trong các lĩnh vực Kinh tế, Tài chính, Chứng khoán trong và ngoài nước.

 

Theo Khổng Nhung

Vnmedia


Tìm “đường đi” cho Quỹ hưu trí vào TTCK

Ngày đăng : 02/08/2012 - 9:30 PM

 

Tìm “đường đi” cho Quỹ hưu trí vào TTCK

 

Qũy Hưu trí dự kiến cho phép thí điểm thành lập Quỹ từ năm 2013. Từ đây, mở ra cơ hội tạo thêm dòng tiền mới cho TTCK.

 

Trong khuôn khổ Dự án nghiên cứu Quỹ hưu trí bổ sung, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đang xây dựng khung pháp lý cho sự ra đời của Quỹ, với dự kiến cho phép thí điểm thành lập Quỹ từ năm 2013. Từ đây, mở ra cơ hội tạo thêm dòng tiền mới cho TTCK.

Thí điểm lập quỹ từ năm 2013 

Bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐTB&XH) cho biết, Quỹ hưu trí bổ sung (quỹ hưu trí tự nguyện) là quỹ do các DN, tổ chức tự nguyện đóng góp thêm (ngoài tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc) cho người lao động, để sử dụng vào mục đích kinh doanh nhằm chia lợi tức, đảm bảo cho CBCNV một khoản thu nhập về hưu (ngoài lương hưu do bảo hiểm xã hội chi trả) cao hơn mức lương hưu hiện tại.

Cũng theo bà Nga, Bộ LĐTB&XH đang khẩn trương dự thảo khung pháp lý cho việc ra đời của Quỹ hưu trí bổ sung. Lộ trình xây dựng và hoạt động của Quỹ đã được Bộ đề xuất. Theo đó, dự kiến giai đoạn 1 (2012 - 2015) sẽ hình thành khung pháp lý, tổ chức thí điểm đối với một số tập đoàn, DN trong nước và nước ngoài.

Trong năm 2013, một số đơn vị sẽ thí điểm thực hiện Quỹ hưu trí bổ sung. Giai đoạn 2 (2015 - 2020) có nhiệm vụ chính là hoàn thiện khung pháp lý, mở rộng đối tượng tham gia đóng góp vào Quỹ.

Giai đoạn 3 (sau năm 2020), tập trung nghiên cứu chuyển đổi mô hình Quỹ hưu trí bổ sung từ hình thức tự nguyện sang bắt buộc... Để sớm hiện thực hóa lộ trình này, Bộ LĐTB&XH tiếp tục lắng nghe đóng góp, đề xuất của các nhà chuyên môn, DN, để đảm bảo tính khả thi cho khung pháp lý khi được ban hành.

Phó tổng giám đốc một công ty quản lý quỹ lớn, có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trên TTCK Việt Nam cho biết, theo thông lệ quốc tế, Quỹ hưu trí bắt buộc và Quỹ hưu trí bổ sung được đa dạng hóa đầu tư, trong đó chủ yếu vào 3 mảng chính là: cổ phiếu, trái phiếu và đầu tư trên thị trường tiền tệ… theo các tỷ lệ khác nhau, nhằm giảm thiểu rủi ro, đồng thời mang lại một khoản lợi nhuận khá ổn định cho Quỹ.

Tại nước ta, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, thì trên thực tế một phần tiền từ Quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc đã được đầu tư vào TTCK thông qua mua trái phiếu, tín phiếu, đồng thời một phần vốn từ quỹ này cũng đã đầu tư vào thị trường tiền tệ. Câu hỏi còn lại đặt ra là sắp tới khi sửa Luật Bảo hiểm xã hội và xây dựng hành lang pháp lý cho sự ra đời của Quỹ hưu trí bổ sung, cơ chế dẫn vốn từ Quỹ đầu tư vào thị trường cổ phiếu sẽ như thế nào?

Dẫn vốn vào thị trường cổ phiếu, cách nào?

Trả lời câu hỏi trên, bà Nga cho hay, theo thông lệ quốc tế, ngoài khắc phục tính đơn lẻ của hệ thống bảo hiểm xã hội hiện nay, Quỹ hưu trí bổ sung sẽ góp phần phát triển thị trường vốn. Trong quá trình thiết kế quy định pháp lý về hoạt động của Quỹ, Bộ LĐTB&XH đang tiếp tục tham vấn ý kiến của các chuyên gia, DN, để có chọn mô hình Quỹ sẽ đầu tư vào thị trường cổ phiếu hay không, nếu có thì tỷ lệ đầu tư cụ thể là bao nhiêu...

“Vấn đề trên đang được Bộ LĐTB&XH nghiên cứu kỹ lưỡng, nhằm vừa đảm bảo tính khả thi cho việc lập Quỹ, đồng thời tạo ra những cơ chế giúp cho Quỹ sinh lời với tỷ lệ hợp lý nhưng giảm thiểu rủi ro trong hoạt động đầu tư, qua đó mang lại nguồn lợi nhuận khả quan cho người lao động”, bà Nga chia sẻ.

Theo một số công ty quản lý quỹ, theo thông lệ quốc tế, đa dạng hóa các kênh đầu tư là nhu cầu tất yếu của Quỹ hưu trí bắt buộc và Quỹ hưu trí bổ sung.

Để đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận bền vững cho Quỹ, cũng như thiết thực hỗ trợ TTCK phát triển, khi thiết kế khung pháp lý cho sự ra đời của Quỹ, các nước thường quy định cụ thể tỷ lệ đầu tư mà Quỹ được phép đầu tư vào các lĩnh vực khác nhau như: cổ phiếu, trái phiếu, đầu tư vào thị trường tiền tệ.

Ở nhiều nước, ngoài cho phép đầu tư vào thị trường cổ phiếu trong nước, Quỹ còn được đầu tư mua cổ phiếu trên TTCK nước ngoài. Tùy trình độ phát triển của Quỹ, cũng như quy mô phát triển của TTCK mà tỷ lệ này được linh hoạt điều chỉnh cho phù hợp với định hướng phát triển Quỹ và TTCK mà cơ quan quản lý đề ra.

Theo Hữu Đạo

ĐTCK


Các tỷ phú thế giới đút túi thêm 15,2 tỷ USD trong tuần qua

Ngày đăng : 29/07/2012 - 12:00 AM

 

Các tỷ phú thế giới đút túi thêm 15,2 tỷ USD trong tuần qua

 

 

Những người giàu nhất thế giới vừa bổ sung thêm vào quỹ tài sản tổng cộng 15,2 tỷ USD nhờ sắc xanh hồi phục tại hầu khắp các thị trường chứng khoán.

 

Amancio Ortega

“Kiếm” được nhiều nhất trong tuần này là ông trùm bán lẻ Tây Ban Nha Amancio Ortega, cho thêm vào quỹ số tài sản 3 tỷ USD sau khi Inditex – hãng bán lẻ quần áo lớn nhất thế giới công bố kế hoạch xây dựng một trung tâm hậu cần có tổng diện tích lên tới 753.000 foot vuông (tương đương 7 hecta) ở Guadalajara, Tây Ban Nha. Kế hoạch kinh doanh mới đầy hấp dẫn khiến giá cổ phiếu Inditex tăng mạnh 3,8% trong tuần.

Thương vụ bạc tỷ này của Ortega đến trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp của Tây Ban Nha lên cao kỷ lục 24,6%. Hiện tại giá trị tài sản ròng của tỷ phú 76 tuổi này là 43,5 tỷ USD, giàu nhất châu Âu và đứng thứ 4 trong bảng tổng sắp các tỷ phú giàu nhất thế giới của Bloomberg.

Eike Batista

Eike Batista, tỷ phú giàu nhất tại Brazil vừa kiếm thêm 795 triệu USD trong tuần này nhờ đà hồi phục tích cực của thị trường cổ phiếu.

Tập đoàn dầu khí của tỷ phú giàu thứ 22 thế giới này có tên OGX Petroleo (OGXP3) & Gas Participacoes SA vừa tăng 12,8% giá trị thị trường sau 4 ngày giá dầu thế giới tăng tốc. Trong khi đó, một cỗ máy in tiền khác của Batista là công ty đóng tàu OSX Brasil SA (OSXB3) cũng tăng mạnh 11,2% giá cổ phiếu trong ngày hôm qua (26/7) sau khi giám đốc điều hành của công ty cho biết vừa chốt được một hợp đồng mới cung cấp giàn khoan dầu. Giá trị tài sản ròng của Batista hiện vào khoảng 21,3 tỷ USD.

Slim, Gates, Buffett và Bezos

Carlos Slim, 72 tuổi, vẫn là người giàu nhất thế giới khi tổng tài sản tăng thêm 1,4 tỷ USD trong tuần này bất chấp việc tập đoàn America Movil SAB (AMXL) - nhà cung cấp dịch vụ không dây lớn nhất châu Mỹ tính theo số lượng thuê bao - công bố giảm lợi nhuận trong quý II năm nay.

Bill Gates – tỷ phú giàu thứ 2 thế giới, hiện sở hữu khối tài sản chỉ kém Slim 12,7 tỷ USD sau khi tăng thêm 600 triệu USD trong tuần qua.

Đứng thứ 3 thế giới là huyền thoại đầu tư Warren Buffett, năm nay bước sang tuổi 82 tuổi, đang nắm trong tay 45,7 tỷ USD và quyền điều hành quỹ đầu tư Berkshire Hathaway Inc. 

Jeff Bezos, chủ sở hữu Amazon.com Inc (AMZN), nhà bán lẻ dịch vụ Internet lớn nhất thế giới trong tuần qua cũng tăng thêm 820 triệu USD trong tổng tài sản nhờ cổ phiếu hãng này vừa ghi nhận mức tăng cao nhất trong vòng 3 tháng.

Mark Zuckerberg

Ông chủ Facebook Mark Zuckerberg tuần này tiếp tục trở thành đề tài nóng trong giới chứng khoán khi giá cổ phiếu của mạng xã hội lớn nhất thế giới rơi xuống mức thấp thảm hại, chỉ bằng một nửa giá trị thị trường thời điểm IPO cách đây 10 tuần. Tổng tài sản của tỷ phú 28 tuổi này bốc hơi mất 2,5 tỷ USD trong tuần, và hiện chỉ còn 12,1 tỷ USD. 

Việc giới đầu tư tin rằng chủ tịch Ngân hàng Trung Ương châu Âu Mario Draghi sẽ sớm thúc đẩy các bước đi cụ thể trong kế hoạch giảm bớt thiệt hại do khủng hoảng nợ công gây ra, cùng với đó thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố sự ràng buộc trách nhiệm sâu sắc của 2 cường quốc châu Âu để giữ cho khu vực đồng Euro còn nguyên vẹn, và họ sẽ làm tất cả mọi thứ cần thiết để bảo vệ đồng tiền chung khiến những lo ngại bấy lâu như được gỡ bỏ.

  

Hồng Liên 

Theo TTVN/Bloomberg


 

Tin mới cập nhật