Chứng khoán: Sóng vĩ mô

Ngày đăng : 18/04/2012 - 9:19 AM

 

Năm 2012 được nhận định sẽ là năm của các chính sách vĩ mô, chuyển động chính sách là những nhân tố tạo sóng trên TTCK. 

 

 

Trái với sự ảm đạm của các đối thủ truyền thống như thị trường vàng, ngoại tệ, bất động sản, từ đầu tháng 3 trở lại đây, chứng khoán đang dần lấy lại sự sôi động khi giá trị giao dịch trung bình phiên của HOSE đạt 1.700 tỷ đồng, HNX đạt xấp xỉ 1.000 tỷ đồng. Một nhận định chung được chia sẻ là thị trường đã có sóng và còn sóng, thích hợp cho nhà đầu tư bám trụ và nắm đúng thời điểm, thời cơ.

 

Xét về mặt cơ học, 2 sàn duy trì sắc xanh với tỷ lệ cao nhưng nhà đầu tư không dễ thắng. Vì thế, chọn đúng thời điểm và mã cổ phiếu là yếu tố đóng vai trò quan trọng nhất khi bám sóng.

 

Nhóm cổ phiếu chứng khoán khởi động sớm nhất với nhận định kết quả kinh doanh quý I sẽ lạc quan. Tiếp đến là sóng cổ phiếu ngân hàng với các tin tức dồn dập về yêu cầu tái cấu trúc hệ thống, thâu tóm và sáp nhập, hợp nhất… Hiện đang là thời của cổ phiếu bất động sản khi thị trường quan trọng này đón nhận những chính sách giải cứu.

 

Tuy vậy, ẩn dưới những con sóng là bàn tay của nhiều nhóm đại gia trên thị trường. Vì thế, mua cổ phiếu ở phiên này, những phiên sau thị trường vẫn tăng điểm nhưng nhà đầu tư chưa chắc có lãi.

 

VCG phiên sáng ngày 17/4 giao dịch quanh mức 14.400 đồng/CP, xấp xỉ giá ngày 23/3; thị giá PVX hiện chỉ tăng vài lai so với giá giao dịch cuối tháng 3. Trong khi đó, cùng dòng cổ phiếu bất động sản, nhiều mã tăng nóng 20 - 25% sau đúng vòng quay T+4 như NTL, ITC, SCR, DIG.…Sự tăng giảm, thậm chí giảm sàn và chạm trần trong một phiên giao dịch liên tục diễn ra, lặp lại, khiến cuộc đấu trí trên thị trường quyết liệt và khó khăn hơn.

 

Năm 2012 được nhận định sẽ là năm của các chính sách vĩ mô, chuyển động chính sách là những nhân tố tạo sóng trên TTCK.

 

Từ nay đến quý III/2012, theo quan điểm của giới chuyên gia, là giai đoạn suy giảm tăng trưởng và giảm đòn bẩy tài chính của toàn bộ nền kinh tế. Lạm phát thấp  và không còn là ưu tiên số một của chính sách, NHNN sẽ liên tục cắt giảm lãi suất và nới thanh khoản nhằm hỗ trợ hệ thống ngân hàng và ngăn chặn đà suy thoái kinh tế.

 

Thống kê trên các TTCK thế giới cho thấy, giá cổ phiếu sẽ tạo đáy khi nền kinh tế khó khăn nhất. Điểm đáy này hình thành sau khi lãi suất được cắt giảm về mức thấp trong một thời gian và trước khi GDP chính thức tạo đáy.

 

Kinh tế đang trong chu kỳ suy thoái, TTCK Việt Nam sẽ tạo đáy trong giai đoạn này hay không? Khó có thể trả lời dứt khoát, nhưng khi các yếu tố ổn định chưa lộ diện, một chiến thuật đầu tư ngắn hạn, chấp nhận các biến động rất lớn, mua nhanh, bán nhanh và quyết đoán xem ra phù hợp với các nhà đầu tư bám thị trường.

 

Sau mấy con sóng vĩ mô từ chính sách tiền tệ, thị trường đang chờ một con sóng mới từ chính sách tài khóa khi mới đây, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho hay, đã yêu cầu các cơ quan tập hợp số liệu cụ thể về DN tạm ngừng hoạt động, ngừng hoạt động hoàn toàn, thành lập mới, giải thể, phá sản trong 3 tháng đầu năm. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ có nghiên cứu để trình Chính phủ, kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội trong cuộc họp tháng 5 tới ban hành thêm một số giải pháp về tài chính nhằm hỗ trợ kịp thời cho DN vượt qua khó khăn. Với thông tin hỗ trợ tích cực như vậy, DN niêm yết tốt sẽ là yếu tố trục cho đầu tư dài hạn. 

Người quan sát

 ĐTCK

 

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Giao dịch vượt 3.200 tỷ, “xả hàng” giá cao?

Ngày đăng : 17/04/2012 - 4:17 PM

 

Hơn 220 triệu cp chuyển nhượng trên hai sàn. HNX-Index bất ngờ mất mốc 80 điểm cuối phiên trong khi Vn-Index tăng gần 1%. Thị trường phân hóa mạnh giữa các nhóm ngành.
Thanh khoản tăng vọt trong phiên giao dịch sáng nay, đặc biệt trên sàn HoSE. Vn-Index tăng 4,58 điểm lên 472,84 điểm (+0,98%). KLGD đạt 118 triệu cp, tương đương hơn 2.011 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 557 tỷ đồng trong đó STB thỏa thuận 20 triệu cp, tương đương hơn 500 tỷ.

Cuối phiên, sàn HoSe vẫn có 197 mã tăng giá (111 mã tăng trần). Các mã tăng trần tập trung vào nhóm khoáng sản, bất động sản và chứng khoán. Nhưng ngay tại các nhóm ngành cũng phân hóa giữa các cổ phiếu. 


Tại nhóm bất động sản, KDH, OGC giảm sàn, IJC, ITA, HAG giảm 100-200 đồng, trong khi đó CII, DIG, QCG, REE tăng trần; các cổ phiếu BĐS midcap và penny như HQC, NTL, HDG…dư mua trần từ 200-800 nghìn cp.

Tại nhóm chứng khoán, SSI được mua mạnh sau thông tin lãi quý I/2012 của công ty mẹ đạt hơn 245 tỷ, SSI cũng được “cộng hưởng” khi DBC tăng trần vì SSI nắm giữ rất nhiều cổ phiếu DBC. Các cổ phiếu chứng khoán trên sàn HoSe như AGR, BSI, HCM đều tăng trần cuối phiên trong khi bên sàn Hà Nội, VND, BVS, KLS bị bán xuống gần sát giá sàn. VND giảm 700 đồng, BVS, KLS giảm 500 đồng.
 
 

Nếu các phiên trước sàn Hà Nội hấp dẫn hơn sàn HoSe thì trong phiên này, giao dịch trên sàn HoSe tăng rất mạnh. 23 cổ phiếu trên sàn HoSE giao dịch trên 1 triệu cổ phiếu, MBB khớp lệnh nhiều nhất với hơn 5 triệu đơn vị, SBS, SSI, REE khớp lệnh trên 3,6 triệu đơn vị song cả 3 mã này đều tăng trần.

Một số mã mặc dù thị trường có rung lắc trong phiên nhưng bên bán vẫn không bán ra cổ phiếu nào, KSS, NTL, HQC trong phiên giao dịch chiều gần như không giao dịch, NTL, HQC cuối phiên khớp 10 cổ phiếu trong khi KSS khớp lệnh 220 cổ phiếu, KSA, KSH cũng chỉ khớp lệnh 100-200 cổ phiếu.

Trong khi đó, một số bluechips giảm điểm như BVH giảm 500 đồng, HPG giảm 400 đồng, HAG, PVF, STB, ITA giảm 200 đồng, GMD, IJC giảm 100 đồng.

Tại nhóm ngân hàng, trong khi STB, HBB, SHB giảm 200 đồng thì VCB tăng trần, MBB tăng 100 đồng, EIB, CTG đứng giá.

Ngay khi kết thúc giao dịch trên sàn HoSe, lệnh bán tăng mạnh trên sàn Hà Nội trong 15 phút cuối, đẩy các cổ phiếu trụ cột sàn Hà Nội như VND, BVS, VCG, PVX giảm mạnh. VND chỉ cách giá sàn 100 đồng, KLS, VCG giảm 600 đồng cuối phiên, sàn Hà Nội hôm nay có 18 mã giao dịch hơn 1 triệu cổ phiếu, trong đó HBB giao dịch hơn 11 triệu đơn vị. 

DBC vẫn giữ nguyên sức cầu lớn đến cuối phiên, khớp lệnh hơn 3 triệu cp, các mã như DCS, PVS, VGS, PGS giao dịch đột biến hơn 2 triệu cp, SHN cuối phiên dư bán sàn 1 triệu cp.
 

 

---------------------

Kết thúc phiên sáng 17/4:

Đã có những rung lắc đầu phiên song Vn-Index vẫn tăng 4,7 điểm lên 472,99 điểm. HNX-Index tăng 0,04 điểm lên hơn 80,4 điểm. 

KLGD sáng nay tăng vọt, sàn HoSe khớp lệnh hơn 95,3 triệu cp, tương đương 1.642 tỷ đồng (giao dịch thỏa thuận lên tới 21 triệu cp, tương đương 530 tỷ đồng trong đó STB thỏa thuận 20 triệu cp), sàn Hà Nội giao dịch hơn 66 triệu cp, tương đương 780 tỷ đồng. 

Đã có sự phân hóa rõ giữa các nhóm ngành và các cổ phiếu trong cùng một ngành.

Ở nhóm cổ phiếu chứng khoán, nếu SSI, HCM tăng trần ồ ạt thì bên sàn Hà Nội, VND, KLS, BVS và các cổ phiếu chứng khoán nhỏ giao dịch rất đuối, giảm từ 100-300 đồng so với giá tham chiếu.


Nhóm ngành được tranh mua nhiều nhất sáng này là ngành khoáng sản khi KSS, KSH, KSA, KTB…tăng trần đồng loạt, KSS dư mua trần 2 triệu cp song khớp lệnh chưa đến 100 nghìn cp, KSH khớp lệnh hơn 10 nghìn cp. 

Tại nhóm Vn30, cổ phiếu được mua nhiều nhất là VSH với dư mua trần 1 triệu cp đầu phiên, kết thúc phiên sáng VSH bị bán ra hơn 850 nghìn cp, dư mua trần 780 nghìn cp. SBT, PVD, DIG, DPM tăng trần và không còn dư bán; SSI, REE giao dịch hơn 2,7 triệu cp, chỉ còn dư bán giá trần. 

Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, VCB tăng khá mạnh nhờ cầu ngoại, khối ngoại mua vào gần 600 nghìn cp VCB, đẩy mã này lên giá trần 34.200 đồng/cp, tuy nhiên cuối giờ sáng VCB tăng 1.400 đồng, cách giá trần 200 đồng; EIB, SHB đứng giá, HBB giảm 100 đồng, MBB tăng 100 đồng, STB giảm 200 đồng, hôm nay có lệnh thỏa thuận 20 triệu cp STB, trị giá hơn 500 tỷ đồng. Lênh thỏa thuận này có thể xuất phát từ nhóm cổ đông lớn của STB đăng ký bán hơn 58 triệu cp này.


Nhóm cổ phiếu cao su như CSM, DRC, SRC…vẫn duy trì chuỗi tăng trần liên tiếp; nhóm cổ phiếu bất động sản như NTL dư mua trần 800 nghìn cp; SAM dư mua trần 1,9 triệu cp; HDG, HQC, DIG….tăng trần hàng loạt. ITA sáng nay bị bán ra 1,8 triệu cp, giảm 100 đồng.

PPC, TTF dư mua trần 1 triệu cp. PPC tăng trần sau khi PVFC đăng ký mua them 5 triệu cp PPC, trước đó PVF vừa mua 2 triệu cp này.

Bên sàn Hà Nội, SHN dư bán sàn 900 nghìn cp. Khi nhóm cổ phiếu chứng khoán hầu hết đều giảm điểm, HNX-Index chỉ tăng nhẹ 0,05% và duy trì đà tăng trên 80 điểm nhờ một số cổ phiếu BĐS như SCR, STL, STP, các cổ phiếu như KHB, KSD, PGS…tăng trần. Đáng chú ý, DBC giao dịch hơn 3 triệu cp vẫn còn dư mua trần hơn 800 nghìn cp, sau khi mã này công bố riêng quý I/2012 lãi hơn 200 tỷ đồng, vượt kế hoạch cả năm.


----------
10h25
: HCM, SSI tăng trần, các cổ phiếu được tranh mua giá trần lúc này có KSS, SAM (dư mua trần 2 triệu cp), NTL, HQC (hơn 500 nghìn cp), NVT, SBS, VNE…

Bên sàn Hà Nội, DBC bị bán ra 3 triệu cp, dư mua trần hơn 800 nghìn cp; STL, PXA, SCR tăng trần mặc dù PXA kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục, SHN dư bán sàn 800 nghìn cp, VND, BVS vẫn giảm nhẹ.

 
Mở cửa phiên giao dịch sáng 17/4: 

Vn-Index tăng 3,28 điểm lên 471,54 điểm, KLGD đợt 1 tăng vọt lên trên 8 triệu cổ phiếu; tương đương 123 tỷ đồng, gấp đôi cùng thời điểm thông thường. 

Hiện đà tăng đã giảm nhẹ so với đầu giờ, tuy nhiên VN-Index vẫn trên 470 điểm. Lúc này thị trường có 141 mã tăng giá (57 mã tăng trần) và 40 mã giảm giá (3 mã giảm sàn). 
 
Bluechips có phần đuối sức, trong nhóm VN30, VNM, HPG giảm 500 đồng, STB có thời điểm giảm 800 đồng nhưng hiện tại đang tiến sát giá tham chiếu; KDH, OGC, PNJ giảm từ 300-500 đồng. Lúc này MSN tăng 1.000 đồng, VIC đứng giá còn BVH giảm 500 đồng 

Một số mã như REE có lúc chạm giá trần song hiện chỉ tăng 700 đồng, SSI đang được mua rất mạnh, tăng 1.000 đồng/cp và chỉ cách giá trần 100 đồng. SSI hôm qua công bố công ty mẹ lãi hơn 245 tỷ trong quý I/2012. 

Hàng loạt công ty chứng khoán khác công bố lãi trong quý I như VND lãi hơn 30 tỷ, HCM lãi 81 tỷ, KLS lãi 61 tỷ, CTS, VIX..đều công bố lãi. 

Nhóm khoáng sản tiếp tục là tâm điểm trong phiên sáng nay khi KSS dư mua trần 2 triệu cp; KSA, KSH, KTB…đều tăng trần. 

Tại nhóm BĐS, SAM dư mua trần 1,8 triệu CP, HQC, ITC tăng trần nhưng LCG cầu đã giảm nhiều so với phiên hôm qua, hiện giảm 100 đồng xuống 12.200 đồng/cp. Các cổ phiếu khác được mua mạnh là HLA, DQC, HSG, NTL, PTC,…Cổ phiếu PPC hiện cũng tăng trần lên 10.7000 đồng/cp. 

Bên sàn Hà Nội, sau khi vượt 80 điểm hôm qua, sáng nay HNX-Index tăng nhẹ đầu phiên nhưng hiện tại giảm 0,39 điểm xuống 79,98 điểm. ACB, BVS, KLS, VND, PVX đều giảm nhẹ từ 100-300 đồng. 

DBC hôm qua công bố quý I/2012 lãi hơn 200 tỷ, vượt kế hoạch cả năm 2012, sáng nay tăng trần, khớp lệnh tăng đột biến hơn 2 triệu cp. STL, KSD vẫn dư mua trần. 

Nhóm cổ phiếu chứng khoán trên sàn Hà nội hầu hết đều điều chỉnh. 

SHN dư bán sàn 400 nghìn cp, xuống 2.500 đồng/cp.

Phương Mai
Theo TTVN


Khối ngoại nói về “một năm tốt lành” của chứng khoán Việt Nam

Ngày đăng : 17/04/2012 - 8:27 AM

 

Trong mắt các nhà đầu tư ngoại, kinh tế Việt Nam đã vượt qua được thời kỳ mấy năm gian khó và đang có những bước tiến tích cực. Chính sự khởi sắc này đang kéo các nhà đầu tư trở lại với thị trường chứng khoán Việt Nam, báo Financial Times nhìn nhận.

Điểm gây nhiều ấn tượng của Việt Nam đối với giới đầu tư ngoại thời gian này chính là sự tăng điểm của thị trường chứng khoán. Từ đầu năm tới nay, thị trường chứng khoán Việt Nam là thị trường có mức tăng điểm mạnh thứ ba trên thế giới, giao dịch cũng khởi sắc với khối lượng giao dịch bình quân hàng ngày tăng gấp 4 lần. 

Phần lớn lượng tiền đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu năm là của các nhà đầu tư trong nước, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang thể hiện rõ sự quan tâm, bài báo mang tựa đề “Vietnam emerges from a tough few years” (tạm dịch: “Việt Nam trỗi dậy sau mấy năm gian khó”) của tác giả Fiona Rintoul nhận xét.

Tác giả này cho biết, quỹ đầu tư chuyên về các thị trường sơ khai Templeton Frontier Markets đã tăng tỷ lệ vốn phân bổ vào thị trường Việt Nam lên 8,4%, đưa Việt Nam trở thành thị trường địa lý có mức phân bổ vốn lớn thứ 5 của quỹ này. Nhiều nhà đầu tư thị trường sơ khai khác cũng đang có bước đi tương tự hoặc dự tính sẽ thực hiện chiến lược như Templeton.

“Ngày càng có nhiều nhà đầu tư tìm đến với chúng tôi. Chúng tôi đang có thêm nhiều cuộc họp ở nước ngoài về thị trường Việt Nam”, ông Kevin Snowbal, CEO của quỹ công ty quản lý tài sản lâu năm thứ hai ở Việt Nam là Vietnam Asset Management, nói với Financial Times. Đây là quỹ có một quỹ đóng chuyên đầu tư vào thị trường Việt Nam niêm yết tại thị trường chứng khoán London.

Vậy thay đổi gì đã diễn ra ở Việt Nam và liệu những thay đổi này có được duy trì?

Sau 5 năm suy giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam (trong đó năm 2009 là một ngoại lệ), và sau quãng thời gian mà ông Dominic Scriven, Giám đốc điều hành Dragon Capital, gọi là quãng thời gian “rất khắc nghiệt của nền kinh tế Việt Nam”, với đỉnh điểm là cuộc khủng hoảng của tập đoàn Vinashin vào năm 2010, sự khởi sắc của tình hình kinh tế Việt Nam năm nay có thể được nhìn nhận như một lẽ tự nhiên.

Những các nhà quan sát tại Việt Nam lại cho rằng, có nhiều điều đáng nói hơn thế.

“Có một số diễn biến trong năm ngoái đang bắt đầu có tác động tích cực sang năm nay. Quan trọng nhất trong số đó là sự thay đổi trong chính sách tiền tệ”, ông Johan Kruimer, Giám đốc điều hành của Công ty Chứng khoán Tp.HCM (HSC) nhận xét.

Từ khi nhậm chức vào năm ngoái, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã có nhiều nỗ lực để kiềm chế tăng trưởng tín dụng. Năm ngoái, tốc độ tăng trưởng tín dụng của Việt Nam giảm còn 12% từ mức 28-29% trong các năm trước. Ngoài ra, tỷ lệ lạm phát cũng hạ nhiệt xuống mức 14% và đang tiếp tục xu hướng giảm trong năm nay.

“Kết quả là, tỷ giá đồng nội tệ của Việt Nam đã lần đầu tiên ổn định sau nhiều năm. Lần giảm giá gần nhất của đồng VND là vào tháng 2/2011”, ông Kruimer nói. 

Trên thực tế, theo ông Snowball, VND là đồng tiền có tỷ giá giữ ổn định nhất trong năm ngoái. Ở một quốc gia mà người dân “giữ nhiều vàng vật chất nhiều hơn bất kỳ nơi đâu trên hành tinh” vì không tin vào tiền giấy - theo lời ông Snowball - thì đây thực sự là một chuyển biến lớn đối với các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.

“Chúng tôi đã kiếm được lợi nhuận từ tiền VND trong năm nay, lần đầu tiên trong 6 năm. Đây quả là một sự ngạc nhiên thú vị”, ông Scriven phát biểu. Nhà đầu tư này đã sống ở Việt Nam từ trước khi nơi đây có thị trường chứng khoán và đồng sáng lập nên Dragon Capital vào năm 1994.

Những thay đổi về chính sách tiền tệ mới chỉ là một phần trong nỗ lực cải cách rộng lớn hơn của Việt Nam, bao gồm cải tổ hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp quốc doanh. Đích đến của việc cải tổ các doanh nghiệp quốc doanh sẽ là cổ phần hóa, nhưng ban đầu, nhưng mục tiêu ban đầu của việc cải tổ này là cắt giảm 10% chi phí và rút lui khỏi những mảng đầu tư không phải là hoạt động chính của doanh nghiệp. 

Theo đánh giá của Financial Times, tất cả những cải cách này của Việt Nam dường như sẽ đi đúng hướng, mặc dù Chính phủ sẽ gặp khó khăn trong việc giữ thăng bằng giữa kiềm chế lạm phát và tăng trưởng. Động thái cắt giảm lãi suất gần đây là một bằng chứng về sự lo ngại đối với tăng trưởng. Giới phân tích cho rằng, quyết tâm chính trị của các nhà hoạch định chính sách Việt Nam sẽ dẫn tới những hành động quyết đoán, tới cùng.

“Chính phủ Việt Nam cần đứng sau chương trình cải tổ kinh tế này. Và có bằng chứng thuyết phục rằng họ quyết tâm làm điều đó”, ông Scriven nói.

Ngoài ra, còn phải kể tới những nhân tố tích cực chưa bao giờ mất đi trong nền kinh tế Việt Nam. Đó là sức cạnh tranh của Việt Nam ở những mặt hàng xuất khẩu như gạo, cao su và hồ tiêu; dân số trẻ, có học thức của Việt Nam; và quá trình công nghiệp hóa đã thú hút những công ty lớn của thế giới như Intel tới Việt Nam mở nhà máy.

“Tất cả đang báo hiệu cho một năm tốt lành”, ông Scriven nói, nhất là khi giá cổ phiếu ở Việt Nam đang thấp hơn 70% so với đỉnh cao đạt được vào năm 2007.

Tuy vậy, nhà đầu tư nước ngoài muốn nhảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam lúc này cũng gặp phải một số vấn đề. 

Ông Snowball cho biết, một phần nhiều số tiền nhàn rỗi của các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đã được rót vào hai quỹ tín thác (ETF) đang hoạt động tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, điều này càng làm gia tăng mức độ biến động của thị trường. Năm ngoái, chỉ số FTSE Vietnam của quỹ DB-X Trackers đã giảm 52%, so với mức giảm 30% của chỉ số VN-Index (bao gồm cả những công ty mà khối ngoại không thể mua cổ phiếu).

Ngoài ra, cũng có những công ty niêm yết mà các quỹ ETF không thể tiếp cận do tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài đã kịch trần giới hạn cho phép 49%. Bởi vậy, Vinamilk - công ty mà ông Snowball cho là công ty tốt nhất Việt Nam và đã đạt tỷ lệ sở hữu của khối ngoại ở mức kịch trần - không nằm trong chỉ số FTSE Vietnam của các quỹ tín thác. Tuy nhiên, cổ phiếu của Vinamilk có tên trong danh mục của quỹ PXP Vietnam, một quỹ thành lập năm 2003.

Giới hạn quyền sở hữu của khối ngoại cũng có ảnh hưởng tới những nhà đầu tư trực tiếp mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Ngoài ra, còn có những rào cản khác như việc gân như không thể mua được lượng cổ phiếu trị giá 100.000 USD của một công ty niêm yết trong một ngày; hay công tác nghiên cứu chứng khoán ở Việt Nam bị ông Snowball đánh giá là “nhìn chung còn yếu kém”.

Trong khi đó, những nhà đầu tư chứng khoán trong nước ở Việt Nam thường có tư tưởng “lướt sóng” - theo ngôn ngữ của ông Kruimer thì “90% là những tay chơi bạc thuần túy” - cũng chẳng chịu làm gì để giúp thị trường bớt biến động hơn. 

Năm nay, quỹ tương hỗ (mutual fund) và quỹ lương hưu (pension fund) sẽ chính thức đi vào hoạt động tại Việt Nam. Tuy nhiên, ông Kruimer không cho rằng vốn ngoại sẽ đổ mạnh vào thị trường Việt Nam và ông cũng không tin là trần sở hữu của khối ngoại sẽ sớm được nới rộng.

“Nếu Việt Nam duy trì được mức tăng trưởng kinh tế vừa phải trong 3-5 năm tới, giá chứng khoán sẽ phục hồi nhiều. Nhưng sẽ mất rất nhiều thời gian để trở lại thời kỳ đỉnh cao như năm 2007. Cá nhân tôi cho rằng, sẽ chẳng bao giờ trở lại được mức đỉnh đó, vì đó là mức giá phi lý”, ông Kruimer nhận định.

AN HUY


Chứng khoán sáng 16/4: Đến lượt cổ chứng khoán lên tiếng

Ngày đăng : 16/04/2012 - 1:16 PM

 

 

Sau quá 3/4 thời giao buổi sáng thị trường giao dịch làng nhàng, cầu đột nhiên thúc mạnh vào nhóm chứng khoán, tạo sức lan tỏa mạnh. 

 

Thực ra ngay từ lúc 10h30, dấu hiện ấm lại đã có. Tuy nhiên thời điểm đó cổ phiếu mới là giai đoạn phục hồi sau nhịp điều chỉnh đầu phiên. Tăng giá nhưng cường độ chưa mạnh, thanh khoản kém. Cảm giác chung là giá mới nỗ lực “bò” lên dốc chứ chưa có sự bùng phát đáng chú nào.

 

Xét về độ rộng của cả hai sàn, tương quan vẫn nghiêng mạnh về số lượng cổ phiếu tăng giá. Chỉ có điều những mã quan trọng nhất vẫn xuất hiện áp lực đè bán rất mạnh. Khi những mã tín hiệu còn lình xình, chỉ một số cổ phiếu nhỏ tăng giá khiến đà tăng chưa đủ độ tin cậy.

 

Khoảng 11h, SSI bất ngờ được đánh dồn qua mức 21.800 đồng và bắt đầu công phá khối lượng chặn bán tại giá trần và sát trần. Lượng treo bán tại giá trần 22.000 đồng luôn duy trì khoảng 500.000 đơn vị và một lượng nhỏ hơn, khoảng trên 100.000 đơn vị tại 21.900 đồng.

 

Đáng chú ý là lực mua với SSI đa phần là khớp trực tiếp vào dư bán ở hai mức giá trên. Khối lượng chặn mua các giá 21.800 đồng và 21.700 đồng rất thấp. Tuy nhiên người bán cũng không có vẻ gì muốn hạ giá xuống dưới 21.900 đồng. Ngay cả nhiều lần SSI vượt qua giá này và bị đè trở lại, khối lượng chặn bán cũng không hạ giá xuống thấp hơn.

 

Khoảng 15 phút cuối phiên buổi sáng, cầu vào chặn mua hai giá dưới 21.900 đồng tăng lên khá mạnh, trên 100.000 đơn vị mỗi bước giá. Lệnh mua vào trực tiếp bắt đầu gia tăng cường độ và đánh mạnh qua 21.900 đồng, thậm chí quét mua giá trần rất nhanh. Khoảng 780.000 SSI treo mua được giải quyết gọn và hiện cổ phiếu này vẫn đang được chặn mua trần trên 400.000 đơn vị.

 

Trong nhóm cổ phiếu chứng khoán, SSI là blue-chip tăng giá mạnh sớm nhất. Các cổ phiếu cùng ngành khác ngay lập tức cũng có phản ứng tích cực, bất chấp thời gian dài trước đó giao dịch yếu. HCM trên HSX cũng tăng trần, SBS tăng qua tham chiếu, VND, KLS, BVS trên HNX cũng tăng giá mạnh nhưng chưa vượt qua được khối lượng chặn bán lớn ở các mức giá cao.

 

Nhìn chung toàn bộ nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán cuối buổi sáng hôm nay đều có chuyển biến tích cực dù mức độ khác nhau. Cổ phiếu giảm giá có sự phục hồi nhất định và cổ phiếu khỏe hầu hết là tăng giá. Ngay trong nhóm cổ phiếu nhỏ, sự phân hóa cũng diễn ra. SHS, WSS, CTS, ORS…tăng khá hơn các mã khác.

 

Nhóm ngành bất động sản cũng phục hồi mạnh theo thị trường chung. SCR, PVA, HAG, VCG… quay lại quỹ đạo tăng giá nhờ lực cầu gia tăng đáng kể sau khi nhóm cổ phiếu chứng khoán bứt phá. Index cả hai sàn được kéo lên mạnh từ sau 11h và đều tạm thời đạt đỉnh trước giờ nghỉ.

 

Thanh khoản phiên sáng nay khá yếu. HSX chỉ đạt 834,6 tỷ đồng và HNX đạt 557,9 tỷ đồng. Tuy nhiên có những thời điểm Index cả hai sàn bị ép xuống rất mạnh và giảm điểm. Mức thanh khoản yếu có thể là dấu hiệu của việc cung giá thấp không nhiều. Thanh khoản càng về sau càng tăng mạnh và giá được đẩy phục hồi trở lại là tín hiệu tích cực về sức cầu giá cao bắt đầu tăng lên.

 

Mặc dù trên cơ sở độ rộng, số lượng mã tăng trần tương đối nhiều, nhưng sáng nay không phải là một phiên giao dịch nóng. Đa số cổ phiếu tăng trần là những mã vốn hóa nhỏ và cầu không ổn định, lượng tiền cần thiết để duy trì sức nóng không nhiều. Ngược lại, trong nhóm vốn hóa lớn của hai sàn, chỉ một số mã đang có dư  mua trần như PVA, PVF, QCG, SSI. Các cổ phiếu blue-chip còn lại vẫn đang trong tình trạng cung cầu bình thường, hoàn toàn có khả năng thanh khoản. Do đó nếu thanh khoản chung tiếp tục tăng lên mạnh trong buổi chiều và giá giữ được mức hiện tại hoặc tăng thêm tức là sức mua vẫn còn mạnh. 

Lan Ngọc

 Vneconomy

 


Thị trường IPO Campuchia chuẩn bị bùng nổ

Ngày đăng : 16/04/2012 - 9:22 AM

Thị trường chứng khoán Campuchia đang hoàn tất những công việc chuẩn bị cuối cùng để mở cửa vào tuần này sau nhiều lần trì hoãn. Theo dự báo, sẽ có 5-10 công ty lên sàn chứng khoán Campuchia mỗi năm, mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Trao đổi với hãng tin tài chính Bloomberg, ông Kim Bong Soo, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của Sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc, đối tác phát triển thị trường chứng khoán của Chính phủ Campuchia, cho biết, giao dịch trên sàn chứng khoán Campuchia sẽ bắt đầu vào ngày 18/4 tới, với cổ phiếu của công ty cung cấp nước quốc doanh Phnom Penh Water Supply Authority. 

Hai doanh nghiệp khác là công ty viễn thông Telecom Cambodia và quản lý cảng biển Sihanoukville Autonomous Port đang chuẩn bị phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Trong đó, cổ phiếu của Telecom Cambodia có thể sẽ giao dịch vào tháng 10 năm nay.

“Campuchia sẽ là một thị trường rất hấp dẫn. Các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Campuchia sẽ hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế của nước này. Giới đầu tư đã hỏi thăm nhiều về các công ty sắp sửa lên sàn”, ông Kim cho biết.

Campuchia đang thúc đẩy việc phát triển thị trường để hỗ trợ cho sự tăng trưởng của nền kinh tế với GDP hàng năm vào khoảng 11 tỷ USD của nước này. Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), kinh tế Campuchia sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm nay, so với mức trung bình 8% trong thời gian 2001-2010.

Chính phủ Campuchia đã tuyên bố sẽ đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế thông qua cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và khuyến khích các công ty ty nhân mở rộng hoạt động. Tuy nhiên, từ năm 2009, kế hoạch mở thị trường chứng khoán của Campuchia đã nhiều lần bị trì hoãn do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu, các lý do kỹ thuật và mức độ sẵn sàng chưa cao của các công ty trong nước.

Trong đợt IPO mới đây, công ty Phnom Penh Water đã huy động được khoảng 21 triệu USD, với mức giá 1,58 USD/cổ phiếu.

“Tôi tin là sẽ có hàng chục công ty niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Campuchia trong 5 năm tới. Mỗi năm, hoàn toàn có khả năng có 5-10 công ty được niêm yết mới”, ông Kim nhận định.

Chính phủ Campuchia nắm cổ phần 55% tại Sở giao dịch chứng khoán Campuchia. Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc cung cấp hệ thống công nghệ thông tin và sở hữu phần còn lại. 

Sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc cũng nắm 49% cổ phần của Sở giao dịch chứng khoán Lào, còn Chính phủ Lào nắm 51% còn lại.

Ngoài Lào và Campuchia, Sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc còn đang hỗ trợ một số quốc gia khác phát triển thị trường chứng khoán, đổi lại được nắm cổ phần ở các sản này. Sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc hiện đang cạnh tranh với Sở giao dịch chứng khoán Tokyo để được chọn làm đối tác phát triển thị trường chứng khoán Myanmar.

AN HUY


Chứng khoán sáng 13/4: Hàng xả nhiều, giá trị tăng vọt

Ngày đăng : 13/04/2012 - 3:24 PM

 

Giá trị khớp lệnh của HSX sáng nay vọt lên tới trên 1.222 tỷ đồng, mức giao dịch hiếm thấy trong các phiên buổi sáng. Phần lớn quy mô giao dịch này được thực hiện ở các mức giá cao. 

 

 

10 mã khớp lệnh mạnh nhất sáng nay chiếm tới gần 36% sàn HSX, trong đó chủ yếu là các mã thanh khoản lớn truyền thống, thuộc các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán và ngân hàng. Đây cũng là những nhóm ngành đang nằm trong mạch ưa thích của dòng vốn vào trước các thông tin hỗ trợ gần đây.

 

Tuy nhiên diễn biến giá của những cổ phiếu này không mấy tích cực trong phần lớn thời gian. Diễn biến chính là hoạt động chốt lời ồ ạt ở các mức giá cao đã tạo thanh khoản lớn và giá bị ép xuống dần trước khi có sự phục hồi nhẹ.

 

SSI tạm thời dẫn đầu HSX với 60,39 tỷ đồng giá trị khớp lệnh. Tổng lượng khớp lệnh của SSI đạt 2,85 triệu đơn vị. Cả phiên hôm qua, SSI chỉ khớp được hơn 3 triệu đơn vị. ITA đứng thứ hai với 54,8 tỷ đồng, tương đương 5,46 triệu đơn vị. ITA là cổ phiếu có biểu hiện chốt lời rõ rệt nhất sau 3 phiên kịch trần liên tục. Kỷ lục về thanh khoản gần nhất của ITA là 5,94 triệu cổ ngày 6/3 vừa qua.

 

Trong nhóm bất động sản, còn xuất hiện NTL, IJC bị bán mạnh. Mặc dù mức dao động giá khác nhau nhưng tình trạng chung là khối lượng bán ra đã gia tăng vượt trội so với phiên trước. HAG, SJS đều có hiện tượng yếu đi.

 

Xét về nhóm ngành, trong khi bất động sản tỏ ra suy yếu, các cổ phiếu chứng khoán lại có sự phục hồi đáng kể. Ngoài SSI vẫn đang nỗ lực vượt qua ngưỡng tham chiếu, các cổ phiếu nổi trội khác như VND, KLS, BVS trên HNX đều tăng bất ngờ. Dòng tiền mấy phiên vừa qua được cho là đã tạm rời bỏ nhóm chứng khoán để chạy vào nhóm bất động sản. Tuy nhiên hiện tượng phục hồi mạnh ở nhóm chứng khoán sáng nay chứng tỏ dòng vốn đầu cơ vẫn quan sát cơ hội.

 

Nhìn tổng thể áp lực điều chỉnh trong buổi sáng là rõ ràng. Mặc dù căn cứ vào sự biến thiên của độ rộng hai sàn, vẫn có khá nhiều cổ phiếu tăng giá, nhưng ở các ngưỡng giá cao, đặc biệt là giá trần, khối lượng treo bán trong những thời điểm giá mạnh nhất vẫn rất lớn. Index của HSX và HNX đều trải qua thời gian khó khăn của phiên buổi sáng, thậm chí có lúc giảm điểm.

 

Mặc dù 3 phiên gần đây thị trường được cho là có sức hỗ trợ mạnh nhờ thông tin tốt nhưng một mặt dòng tiền vào lớn, mặt khác nhu cầu thu hồi tiền mặt cũng rất lớn. Giá trị khớp lệnh hàng ngày biểu hiện cả hai mặt nói trên và trong khi nhiều người mua cho kỳ vọng tương lai thì nhiều người cũng chốt lời bảo vệ thành quả. Sự chuyển biến trở lại ở nhóm cổ phiếu chứng khoán có thể phát đi tín hiệu về sự quan tâm của thị trường tới kết quả kinh doanh. Nhóm bất động sản, ngân hàng khó có sự đột biến, trong khi nhóm chứng khoán lại là ẩn số.

 

Khoảng 30 phút hai sàn phục hồi cuối buổi sáng tạm thời làm yên lòng người mua về một diễn biến rung lắc là chủ đạo. Lực cầu mua lúc giá giảm khá tốt và đa số tuy có điều chỉnh nhưng không mạnh. Thị trường tiếp tục vận động một cách bình thường qua các thời điểm gia tăng khác nhau về cung cầu chứ không chịu sự chi phối bởi thông tin mới. Do đó tương quan giá có thể thay đổi rất nhanh. 

Lan Ngọc

 Vneconomy

 


 

Tin mới cập nhật