Thị trường IPO Campuchia chuẩn bị bùng nổ

Ngày đăng : 16/04/2012 - 9:22 AM

Thị trường chứng khoán Campuchia đang hoàn tất những công việc chuẩn bị cuối cùng để mở cửa vào tuần này sau nhiều lần trì hoãn. Theo dự báo, sẽ có 5-10 công ty lên sàn chứng khoán Campuchia mỗi năm, mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Trao đổi với hãng tin tài chính Bloomberg, ông Kim Bong Soo, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của Sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc, đối tác phát triển thị trường chứng khoán của Chính phủ Campuchia, cho biết, giao dịch trên sàn chứng khoán Campuchia sẽ bắt đầu vào ngày 18/4 tới, với cổ phiếu của công ty cung cấp nước quốc doanh Phnom Penh Water Supply Authority. 

Hai doanh nghiệp khác là công ty viễn thông Telecom Cambodia và quản lý cảng biển Sihanoukville Autonomous Port đang chuẩn bị phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Trong đó, cổ phiếu của Telecom Cambodia có thể sẽ giao dịch vào tháng 10 năm nay.

“Campuchia sẽ là một thị trường rất hấp dẫn. Các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Campuchia sẽ hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế của nước này. Giới đầu tư đã hỏi thăm nhiều về các công ty sắp sửa lên sàn”, ông Kim cho biết.

Campuchia đang thúc đẩy việc phát triển thị trường để hỗ trợ cho sự tăng trưởng của nền kinh tế với GDP hàng năm vào khoảng 11 tỷ USD của nước này. Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), kinh tế Campuchia sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm nay, so với mức trung bình 8% trong thời gian 2001-2010.

Chính phủ Campuchia đã tuyên bố sẽ đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế thông qua cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và khuyến khích các công ty ty nhân mở rộng hoạt động. Tuy nhiên, từ năm 2009, kế hoạch mở thị trường chứng khoán của Campuchia đã nhiều lần bị trì hoãn do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu, các lý do kỹ thuật và mức độ sẵn sàng chưa cao của các công ty trong nước.

Trong đợt IPO mới đây, công ty Phnom Penh Water đã huy động được khoảng 21 triệu USD, với mức giá 1,58 USD/cổ phiếu.

“Tôi tin là sẽ có hàng chục công ty niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Campuchia trong 5 năm tới. Mỗi năm, hoàn toàn có khả năng có 5-10 công ty được niêm yết mới”, ông Kim nhận định.

Chính phủ Campuchia nắm cổ phần 55% tại Sở giao dịch chứng khoán Campuchia. Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc cung cấp hệ thống công nghệ thông tin và sở hữu phần còn lại. 

Sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc cũng nắm 49% cổ phần của Sở giao dịch chứng khoán Lào, còn Chính phủ Lào nắm 51% còn lại.

Ngoài Lào và Campuchia, Sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc còn đang hỗ trợ một số quốc gia khác phát triển thị trường chứng khoán, đổi lại được nắm cổ phần ở các sản này. Sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc hiện đang cạnh tranh với Sở giao dịch chứng khoán Tokyo để được chọn làm đối tác phát triển thị trường chứng khoán Myanmar.

AN HUY

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Chứng khoán sáng 13/4: Hàng xả nhiều, giá trị tăng vọt

Ngày đăng : 13/04/2012 - 3:24 PM

 

Giá trị khớp lệnh của HSX sáng nay vọt lên tới trên 1.222 tỷ đồng, mức giao dịch hiếm thấy trong các phiên buổi sáng. Phần lớn quy mô giao dịch này được thực hiện ở các mức giá cao. 

 

 

10 mã khớp lệnh mạnh nhất sáng nay chiếm tới gần 36% sàn HSX, trong đó chủ yếu là các mã thanh khoản lớn truyền thống, thuộc các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán và ngân hàng. Đây cũng là những nhóm ngành đang nằm trong mạch ưa thích của dòng vốn vào trước các thông tin hỗ trợ gần đây.

 

Tuy nhiên diễn biến giá của những cổ phiếu này không mấy tích cực trong phần lớn thời gian. Diễn biến chính là hoạt động chốt lời ồ ạt ở các mức giá cao đã tạo thanh khoản lớn và giá bị ép xuống dần trước khi có sự phục hồi nhẹ.

 

SSI tạm thời dẫn đầu HSX với 60,39 tỷ đồng giá trị khớp lệnh. Tổng lượng khớp lệnh của SSI đạt 2,85 triệu đơn vị. Cả phiên hôm qua, SSI chỉ khớp được hơn 3 triệu đơn vị. ITA đứng thứ hai với 54,8 tỷ đồng, tương đương 5,46 triệu đơn vị. ITA là cổ phiếu có biểu hiện chốt lời rõ rệt nhất sau 3 phiên kịch trần liên tục. Kỷ lục về thanh khoản gần nhất của ITA là 5,94 triệu cổ ngày 6/3 vừa qua.

 

Trong nhóm bất động sản, còn xuất hiện NTL, IJC bị bán mạnh. Mặc dù mức dao động giá khác nhau nhưng tình trạng chung là khối lượng bán ra đã gia tăng vượt trội so với phiên trước. HAG, SJS đều có hiện tượng yếu đi.

 

Xét về nhóm ngành, trong khi bất động sản tỏ ra suy yếu, các cổ phiếu chứng khoán lại có sự phục hồi đáng kể. Ngoài SSI vẫn đang nỗ lực vượt qua ngưỡng tham chiếu, các cổ phiếu nổi trội khác như VND, KLS, BVS trên HNX đều tăng bất ngờ. Dòng tiền mấy phiên vừa qua được cho là đã tạm rời bỏ nhóm chứng khoán để chạy vào nhóm bất động sản. Tuy nhiên hiện tượng phục hồi mạnh ở nhóm chứng khoán sáng nay chứng tỏ dòng vốn đầu cơ vẫn quan sát cơ hội.

 

Nhìn tổng thể áp lực điều chỉnh trong buổi sáng là rõ ràng. Mặc dù căn cứ vào sự biến thiên của độ rộng hai sàn, vẫn có khá nhiều cổ phiếu tăng giá, nhưng ở các ngưỡng giá cao, đặc biệt là giá trần, khối lượng treo bán trong những thời điểm giá mạnh nhất vẫn rất lớn. Index của HSX và HNX đều trải qua thời gian khó khăn của phiên buổi sáng, thậm chí có lúc giảm điểm.

 

Mặc dù 3 phiên gần đây thị trường được cho là có sức hỗ trợ mạnh nhờ thông tin tốt nhưng một mặt dòng tiền vào lớn, mặt khác nhu cầu thu hồi tiền mặt cũng rất lớn. Giá trị khớp lệnh hàng ngày biểu hiện cả hai mặt nói trên và trong khi nhiều người mua cho kỳ vọng tương lai thì nhiều người cũng chốt lời bảo vệ thành quả. Sự chuyển biến trở lại ở nhóm cổ phiếu chứng khoán có thể phát đi tín hiệu về sự quan tâm của thị trường tới kết quả kinh doanh. Nhóm bất động sản, ngân hàng khó có sự đột biến, trong khi nhóm chứng khoán lại là ẩn số.

 

Khoảng 30 phút hai sàn phục hồi cuối buổi sáng tạm thời làm yên lòng người mua về một diễn biến rung lắc là chủ đạo. Lực cầu mua lúc giá giảm khá tốt và đa số tuy có điều chỉnh nhưng không mạnh. Thị trường tiếp tục vận động một cách bình thường qua các thời điểm gia tăng khác nhau về cung cầu chứ không chịu sự chi phối bởi thông tin mới. Do đó tương quan giá có thể thay đổi rất nhanh. 

Lan Ngọc

 Vneconomy

 


Lòng tin chuyển biến

Ngày đăng : 13/04/2012 - 8:53 AM

 

Lòng tin đã trở lại đối với nhiều NĐT chứng khoán. Điều này đã được chứng minh khi thanh khoản được cải thiện rõ rệt và 2 chỉ số tăng mạnh.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/4, chỉ số VN-Index đóng cửa tại mức 465,26 điểm, tăng 25,49 điểm (+5,80%) sau 6 phiên tăng liên tiếp. 

Chỉ số HNX-Index đóng cửa tại mức 78,54 điểm, tăng mạnh phiên thứ hai liên tiếp và đạt tổng giá trị giao dịch trên 1.000 tỷ đồng. 

Đây cũng là mức điểm cao nhất của cả hai chỉ số từ đầu năm đến nay. 

Khảo sát của Đầu tư Chứng khoán tại hơn 10 CTCK cho thấy, tâm lý giới đầu tư đang khá hưng phấn. Báo cáo phân tích của các CTCK cũng đưa ra những nhận định tích cực về triển vọng tăng trưởng của thị trường. 

Theo CTCK Dầu khí, thị trường đang nhận được những yếu tố hỗ trợ rất tích cực trong cả ngắn, trung và dài hạn. Với việc dự kiến giảm mạnh hệ số rủi ro với các khoản cho vay bất động sản và chứng khoán sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho dòng tiền tham gia vào các lĩnh vực này, cả gián tiếp qua kênh tín dụng ngân hàng và trực tiếp qua thị trường cổ phiếu. 

Sau khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức đưa ra thông điệp “cởi trói gần như toàn bộ với lĩnh vực bất động sản”, nhóm cổ phiếu bất động sản và xây dựng tăng mạnh, đã đưa cả 3 chỉ số (VN-Index, HNX-Index và VN30-Index) lên mức cao nhất từ đầu năm 2012 đến nay. 

CTCK Hùng Vương đánh giá, thông tin trần lãi suất giảm về 12%/năm không phải là yếu tố chính giúp thị trường tăng điểm mạnh mẽ, vì điều này đã được dự báo từ trước và phần nào đã phản ánh vào giá cổ phiếu thời gian qua. 

Sự bất ngờ của thị trường chính là các chỉ đạo của NHNN về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tháo gỡ các khó khăn trong việc tiếp cận vốn cho doanh nghiệp và loại trừ một số đối tượng hạn chế cho vay liên quan đến bất động sản, chứng khoán và tiêu dùng. Các chính sách này sẽ dần đưa TTCK đi vào sự phát triển bền vững hơn. 

CTCK Vietcombank nhận định, còn khoảng hơn 1 tuần nữa thì các con số về tình hình lạm phát cả nước trong tháng 4 sẽ dần hé lộ, với những dự báo sẽ ở mức dưới 1%, điều này sẽ tạo cơ sở cho khả năng tăng điểm của thị trường.

 Lạm phát hạ nhiệt, lãi suất đang giảm theo lộ trình... tiếp tục là những yếu tố hỗ trợ dài hạn. Sự thay đổi từ chính sách có thể sẽ có độ trễ nhất định trước khi phản ánh vào nền kinh tế, tuy nhiên, ngay cả trong ngắn hạn, tác động hỗ trợ tâm lý thị trường vẫn rất đáng kể. 

Lòng tin đã trở lại đối với nhiều nhà đầu tư chứng khoán. Điều này đã được chứng minh khi thanh khoản thị trường trong những phiên gần đây được cải thiện rõ rệt, đồng thời, chỉ số hai sàn cũng tiến sát tới vùng kháng cự. Từ đầu tháng 4 trở lại đây, giá trị giao dịch trên sàn HOSE đạt trên 1.172 tỷ đồng/phiên, còn trên sàn Hà Nội đạt trên 797 tỷ đồng/phiên. 

Tuy nhiên, trong tâm lý hưng phấn chung của thị trường, vẫn có những cảnh báo đáng lưu ý. CTCK Bảo Việt cho rằng thị trường sẽ có sự phân hóa do đối tượng nhận được sự hỗ trợ từ chính sách mang tính chọn lọc về ngành, về doanh nghiệp. Các cổ phiếu bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng, các doanh nghiệp có tỷ lệ vay nợ lớn có thể là trung tâm thu hút sự quan tâm của dòng tiền. Những nhóm này được hưởng lợi nhiều hơn từ sự thay đổi chính sách. Nhóm cổ phiếu chứng khoán, cổ phiếu penny ở vùng giá hiện nay đã không còn duy trì được sự hấp dẫn về giá, do vậy, động lực tăng có thể không còn cao.

Theo Người quan sát
ĐTCK

 


Chứng khoán sáng 11/4: Nhiều tin tốt – giá yếu dần

Ngày đăng : 11/04/2012 - 3:34 PM

 

 

Thông tin hỗ trợ cực mạnh đã được thị trường thẩm thấu hết từ hôm qua, nhưng diễn biến giao dịch sáng nay không khỏi làm nổi lên những nghi ngờ. 


Gần như chắc chắn toàn bộ nhà đầu tư dự đoán sáng nay phải là phiên giao dịch bùng nổ về giá. Hạ lãi suất, nới tín dụng, cứu bất động sản, hỗ trợ doanh nghiệp là những thông tin quan trọng nhất và thị trường muốn nghe nhất.

 

Tuy nhiên mức độ hưng phấn chỉ thực sự bùng nổ trong thời gian khá ngắn. HSX mở cửa cao nhất và HNX cũng đạt đỉnh ngay trước lúc HSX kết thúc đợt dồn lệnh đầu tiên. Người bán ra phải thực sự lạnh lùng, vì quyết định bán trong khi thị trường đón nhận thông tin hỗ trợ mạnh như vậy có thể bị coi là rất “điên rồ”.

 

Nhưng thực tế giao dịch đến lúc này tạm thời chứng minh người bán giá đỉnh hôm nay đang hưởng lợi. Giao dịch nguội dần và giá giảm theo thời gian khiến thị trường trở nên khó hiểu. Chiến thuật bán trước mua sau đối diện nguy cơ mất hàng cực cao, trừ phi người bán chắc chắn rằng khối lượng bán ra đủ để áp chế lực cầu. Mà khả năng này lại hết sức mong manh vì số đông người mua, dù là nhỏ lẻ, cộng dồn lại cũng có thể tạo nên đột biến.

 

Một khả năng khác là chiến thuật “tin ra là bán” đang được triển khai. Điều này lại liên quan đến việc, liệu cơ hội tiếp cận thông tin có thực sự cân bằng? Giảm lãi suất có thể là bất ngờ với nhiều người, nhưng chưa chắc đã là bí mật với nhiều người khác. Với những gì đang diễn ra, người bán chắc hẳn phải cho rằng tin hỗ trợ đã được phản ánh vào giá trước đó?

 

Tóm lại khả năng nào thì thị trường vẫn luôn luôn đúng. Thông tin tốt hay xấu, hay mức độ ảnh hưởng phải do thị trường quyết định. Điều này đã được chứng minh nhiều lần. Dù tin hỗ trợ rất tốt mà cung quá lớn thì giá cũng không đi đến đâu. Điểm ngại hơn là với tin hỗ trợ “khủng” như vậy mà giá còn đuối thì liệu thông tin hỗ trợ mức nào mới có thể kéo nổi thị trường lên cao hơn?

 

Ẩn số vẫn là phiên giao dịch buổi chiều. Cầu vẫn còn cơ hội để thể hiện, nhưng nên thể hiện sớm.

 

Kết thúc phiên buổi sáng, HSX đạt quy mô khớp lệnh 777,8 tỷ đồng và HNX là 509,3 tỷ đồng. Nếu so sánh với phiên sáng hôm qua, dòng tiền thực ra không được cải thiện bao nhiêu. HSX chỉ tăng thêm có hơn 8 tỷ và HNX là khoảng 31 tỷ đồng.

 

Đặt trong diễn biến giá giảm từ cao xuống thấp thì sức mua là yếu. Lượng cầu mua cao hay đua trần không nhiều và thanh khoản gia tăng theo chiều giá giảm. Đáng lẽ điều ngược lại phải diễn ra trong phiên sáng nay với thông tin hỗ trợ mạnh: Thanh khoản tăng lên theo chiều giá lên.

 

Thị trường cần có lực mua giá cao tốt hơn nửa cuối phiên buổi sáng mới có thể tạo chuyển biến. Rất nhiều cổ phiếu đang ngập ngừng ở mức đỉnh cao cũ và nếu giá không được đẩy lên mạnh hơn, tín hiệu sẽ không được tích cực. 

Lan Ngọc

 Vneconomy

 

 


Chỉ tiêu an toàn tài chính: "Xào nấu" sổ sách để đạt yêu cầu

Ngày đăng : 11/04/2012 - 11:43 AM


Hầu hết các CTCK đều đã đạt được chỉ tiêu an toàn tài chính khi thông tư 226 của UBCK có hiệu lực hoàn toàn vào đầu tháng này. Nhưng những người trong ngành cho biết, hoàn toàn không nên nhìn vào kết quả này để đánh giá sức khỏe của khối các CTCK. 

 

Trong báo cáo gửi tới khách hàng hôm 3.4, CTCK Bản Việt cho biết: “UBCK đã công bố hầu hết các CTCK đều đạt tiêu chuẩn kiểm tra”. Trước đó, từ cuối 2011 UBCK trong trao đổi với báo chí cũng công khai có 11 trên tổng số 105 Cty không đạt ngưỡng tỉ lệ vốn khả dụng (TLVKD) 180%.

Việc đạt TLVKD dường như không hề khó khăn với các CTCK. Ngay cả những Cty lỗ lớn trong năm vừa qua cũng có TLVKD vượt xa mức yêu cầu.

CTCK Bảo Việt - Cty vừa bị HNX đưa vào diện cảnh báo vì lỗ hai năm liên tiếp, hiện có TLVKD thậm chí cao hơn gấp đôi mức yêu cầu – đạt 370%, TGĐ Cty - ông Nhữ Đình Hòa - cho biết.

“TLVKD của CTCK Bảo Việt luôn luôn cao, từ năm 2010 đã đạt 220% và giờ đã là trên 300%. Vấn đề bây giờ chỉ là làm thế nào để duy trì thôi”, ông Hòa nói.

Nằm trong số những CTCK thua lỗ nặng nề nhất, CTCK Bảo Việt ghi nhận mức lỗ 90,7 tỉ đồng trong năm 2010, và mức lỗ thậm chí còn cao hơn trong năm 2011 là 99,7 tỉ đồng. Vốn điều lệ của Cty hiện đang là 720 tỉ đồng.

Một trường hợp khác lỗ nặng nề hơn là CTCK Thăng Long cũng vượt ngưỡng một cách ngoạn mục. Là Cty có số lỗ lớn thứ hai trong khối các CTCK năm 2011, CTCK Thăng Long ghi nhận số lỗ 592 tỉ đồng, chiếm một nửa số VĐL 1.200 tỉ đồng của Cty. Tuy nhiên, nguồn tin thân cận cho biết, sau khi Thăng Long hoàn tất việc phát hành 1.000 tỉ trái phiếu chuyển đổi và nhận về số vốn lớn hồi cuối năm ngoái, đến nay Cty đã hoàn toàn vượt mức TLVKD quy định.

Mặc dù danh sách và số liệu chính thức về TLVKD của các CTCK không được UBCK công khai, nhưng những người trong ngành đều biết hầu hết CTCK đã “xoay xở” ổn thỏa để đạt TLVKD yêu cầu ngay trước hạn 1.4.

Bên cạnh những Cty khỏe mạnh đương nhiên đạt tỉ lệ như SSI, CTCK TPHCM, các nguồn tin trong cuộc của một loạt các Cty khác, gồm cả những Cty lỗ lớn như VNDirect cũng cho biết Cty của mình đã vượt xa TLVKD yêu cầu của UBCK từ lâu.

Phó TGĐ của một CTCK bậc trung với số VĐL khoảng 300 tỉ đồng cho biết, Cty ông đã đạt được tỉ lệ yêu cầu. Theo vị PTGĐ này ước tính, ngoài nhóm nhỏ những Cty yếu kém đã lộ diện như SME, Tràng An,... các Cty tương đương với Cty của ông hầu như đều đã “lo liệu” được sổ sách để TLVKD vượt 180%.

Thế nhưng, “vấn đề là liệu các Cty có thực sự đi vào quản trị rủi ro không, hay là họ chỉ “xào nấu” sổ sách để đạt yêu cầu”, vị PTGĐ nêu vấn đề.

“Phần lớn các CTCK sẽ không đạt được yêu cầu về TLVKD nếu họ tính đúng và tính đủ. Ngoài 10-20 CTCK lớn nhất hiện nay, hầu hết số còn lại đều đang rơi vào tình trạng khó khăn” - chủ tịch của một CTCK thuộc Top 10 thị phần nhận xét thẳng thừng.

TLVKD, được tính bằng tỉ lệ phần trăm vốn khả dụng chia cho tổng giá trị rủi ro, được các CTCK nâng lên bằng cách tăng số vốn khả dụng hoặc giảm các tài sản rủi ro như danh mục đầu tư tự doanh hay tiền cho vay khách hàng.

Theo đó, những người trong ngành đánh giá rằng nhóm các CTCK được “chống lưng” bằng các tổ chức tài chính mạnh gồm các Ngân hàng hay các tập đoàn tài chính sẽ đi theo hướng được Cty mẹ hỗ trợ vốn.
Thực tế, CTCK Bảo Việt vẫn luôn có “đại gia” bảo hiểm hàng đầu là Tập đoàn Bảo Việt đóng vai trò Cty mẹ. Với CTCK Thăng Long, Cty mẹ là NH Quân đội cũng chính là đơn vị đăng ký mua chính trong đợt phát hành TP 1.000 tỉ đồng của Cty này.

Số các CTCK còn lại, một số lớn trong đó được cho là đã “xào nấu” sổ sách để đạt chỉ tiêu TLVKD.
“Thực tế có một vài thủ thuật về mặt tính toán”, lãnh đạo của một CTCK ở TPHCM cho biết. “Có những Cty dù đang ở trong tình trạng thực sự nguy hiểm, nhưng họ không đánh giá toàn bộ danh mục tự doanh (chiếm phần lớn trong tài sản rủi ro của CTCK), nợ của họ chưa đến hạn, kết quả TLVKD của họ vẫn cao hơn 180%” - ông nói.

Cũng theo vị lãnh đạo này, cuộc tái cấu trúc của các CTCK lần này có lẽ sẽ phải được UBCK sàng lọc kỹ hơn nữa. “Nếu chỉ nhìn vào chỉ số CAR theo thông tư 226 sẽ có một bức tranh không thực về sức khỏe tài chính của các CTCK”.

Thông tư 226 đã có hiệu lực về điều khoản xử phạt bắt đầu từ 1.4. Các CTCK được yêu cầu phải đạt tỉ lệ vốn khả dụng không dưới 180%. Dưới mức này Cty sẽ bị đưa vào diện kiểm soát và có nguy cơ bị rút phép nghiệp vụ.  

Quang Minh 

Lao Động

 

 

 


Cơn say mới: Mua vét cổ phiếu CK, BĐS thua lỗ

Ngày đăng : 29/03/2012 - 12:30 PM

 Cơn say mới: Mua vét cổ phiếu CK, BĐS thua lỗ

http://cafef.vcmedia.vn/thumb_w/252/Images/Uploaded/Share/2012/03/29/ck2.jpg

TTCK tiếp tục sôi động và có dấu hiệu bước vào một đợt sóng mới cho dù đa số các doanh nghiệp vẫn đang gặp muôn vàn khó khăn.

Đây là một nghịch lý nhưng đã và đang diễn ra tại Việt Nam và ở nhiều nền kinh tế khác.

DN chết dí, cổ phiếu vẫn đắt đỏ

Không giống như suy đoán của nhiều người, TTCK vẫn đang tiếp tục sôi động với lực cầu rất lớn cho dù đợt tăng kéo dài hơn 2 tháng sau Tết Nguyên đán (với mức tăng 40%) đã khiến áp lực chốt lời trong tuần thứ hai của tháng 3/2012 tăng vọt.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trước nữa (16/3), áp lực chốt lời bất ngờ gia tăng vào những phút cuối, tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa cao trên sàn HSX đã khiến chỉ số VN-Index bất ngờ giảm vào cuối phiên. Nhưng xét trên diện rộng, và trên cả hai sàn, số cổ phiếu tăng giá vẫn áp đảo. Khối lượng và giá trị giao dịch liên tục được duy trì ở mức cao

Trong hai tuần cuối của tháng 3, TTCK lại đang chứng kiến sự quay đầu tăng trở lại ấn tượng.

Lần này, TTCK đang trở nên nóng bỏng với các mã chứng khoán vốn một thời được bán tháo ở mức giá sàn hàng tháng trời nhưng không ai dám mua. Trong số các mã chứng khoán đang nổi lên, các cổ phiếu có mệnh giá tí hon 1.000-5.000 đồng/cp nằm trong tầm săn lùng gắt gao nhất của giới đầu tư.

Cổ phiếu ORS của Chứng khoán Phương Đông là một ví dụ khi đóng cửa phiên 26/3 vẫn dưa mua trần gần 800.000 đơn vị, trong khi khớp lệnh rất ít với 37.000 cổ phiếu. Chốt phiên, ORS tăng trần lên 4.600 đồng/cp, cao hơn rất nhiều so với mức đáy 1.300 đồng/cp cách đây khoảng hơn 2 tháng.

APS của Chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương còn tăng ấn tượng hơn với cú bứt phá từ mức 1.300 đồng/cp lên 5.300 đồng/cp chỉ trong hơn 1 tháng qua.

Một số mã đã chùng lại như WSS và VND... cũng đều có mức tăng trên 100% trong một thời gian rất ngắn ngủi.

Chưa biết, bắt đầu từ tháng 4 tới, gương mặt nào trong số hơn 100 CTCK sẽ bị đưa vào tầm ngắm tái cấu trúc của UBCK, mà theo những thông tin ban đầu có thể có vài chục công ty này sẽ bị thanh lọc do làm ăn thua lỗ và thanh khoản yếu.... Nhưng, một điều có thể dễ dàng nhận thấy là, nguy cơ đó không hề làm các nhà đầu tư run tay, các cổ phiếu này đang được vét sạch sẽ ở các mức giá trần trong gần hơn 1 tuần qua.

Trong khi sóng cổ phiếu chứng khoán chưa hạ nhiệt, vài phiên gần đây các cổ phiếu bất động sản và xây dựng (của các doanh nghiệp vốn đang chết dí với một loạt dự án không bán được hàng, dự án đình trệ, chậm tiến độ, thậm chí có nguy cơ phá sản...) đang có dấu hiệu bước vào một đợt tăng mạnh.

Sau những gương mặt đại gia bước vào sóng tăng giá sớm, hàng loạt cổ phiếu bất động sản và xây dựng vừa và nhỏ đang tăng dựng đứng với sức cầu ngày càng lan rộng. Cho tới ngày 26/3, làn sóng tăng giá đã lan sang cả những nhóm cổ phiếu Sông Đà, nhóm Vinaconex, nhóm xây dựng dầu khí...

Thậm chí, nhiều cổ phiếu của doanh nghiệp làm ăn thua lỗ và nợ rất nhiều như SDB (Sông Đà 207, lỗ gần 29 tỷ đồng so với VCSH 102 tỷ đồng trong năm 2011), V11 (Công ty Cổ phần Xây dựng số 11, lỗ 19 tỷ đồng so với VCSH 108 tỷ đồng trong năm 2011)... đều đồng loạt tăng trần.

Không những thế, sóng tăng giá dường như còn đang quay trở lại với cả các mã blue-chips - các cổ phiếu vốn dẫn dắt thị trường đi lên trong đợt phục hồi kéo dài từ trước Tết Nguyên đán này. Khá nhiều mã ngân hàng tiếp tục vươn lên các đỉnh cao ngắn hạn mới. Chỉ số VN30 đo lường biến động giá của 30 cổ phiếu hàng đầu trên sàn HSX hôm 26/3 tăng thêm 0,86% lên 517,27 điểm.

Tiền chỉ biết đổ vào chứng khoán?

Theo một khảo sát của VCCI, trong năm 2012, trong số hơn 540 ngàn doanh nghiệp còn tồn tại (gần 80 ngàn đã giải thể trong 2011) có tới 15% cho biết sẽ giảm quy mô kinh doanh, 1% sẽ đóng cửa... do triển vọng kinh tế Việt Nam và thế giới không thuận lợi; chi phí sản xuất, kinh doanh quá cao...

Sức cầu hàng hóa thấp, tồn kho lớn và những khó khăn chưa có cách xoay sở của khối các doanh nghiệp bất động sản là một bằng chứng cho thấy các doanh nghiệp nói còn đang đối mặt với vô vàn khó khăn, thậm chí nguy cơ phá sản vẫn còn phải được tính đến. Mặc dù vậy, một điều không thể chối cãi là chứng khoán vẫn đang tăng và có thể còn tăng mạnh nữa.

Quan sát thị trường có thể thấy rõ, trên cả hai sàn chứng khoán trong nhiều tuần qua luôn có một lực cầu lớn âm thầm xâm nhập vào. Bất kể khi các chỉ số tăng hay giảm, một lượng lớn cổ phiếu được chuyển nhượng với giá trị lên cả vài nghìn tỷ đồng.

Một câu hỏi được đặt ra là, tại sao trong khi doanh nghiệp vẫn đang khó khăn và triển vọng cũng không sáng sủa lắm, giá cổ phiếu lại tăng vượt kỳ vọng đến như vậy?. Chắc hẳn, lý do đầu tiên sẽ được đưa ra sẽ là giá cổ phiếu đã xuống quá thấp trong năm trước, trong khi tình hình vĩ mô đã được cải thiện đáng kể.

Giá nhiều cổ phiếu đã xuống quá thấp. Rất nhiều cổ phiếu hiện vẫn đang nằm dưới giá trị sổ sách. Tình hình vĩ mô năm nay tốt hơn nhiều so với 2011. Lạm phát đang được kiềm chế xuống chỉ còn hơn 2% trong vòng 3 tháng đầu năm (so với mức thường thấy là trên 5% trong quý I các năm trước); lãi suất đã bắt đầu có xu hướng giảm; thanh khoản ngân hàng đang tốt lên...

Nhưng chắc hẳn, nhiều người còn đang có một hình dung khá rõ ràng về hướng đi của dòng tiền hiện nay là thuận một chiều đổ vào chứng khoán?

Trong bối cảnh các kênh đầu tư chính như bất động sản, vàng, USD ... đều đang kém hấp dẫn thì suy tính trên của nhiều nhà đầu tư không phải không có cơ sở. Hơn thế, một kênh hấp thụ nguồn vốn lớn là cho sản xuất và kinh doanh lại đang đình trệ.

Trong buổi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp mặt các chuyên gia kinh tế ngày 25/3 vừa qua, ông Trần Xuân Giá (nguyên Bộ trưởng Bộ KH&ĐT), Chủ tịch Ngân hàng ACB, đã chỉ ra một thực tế là bản thân ngân hàng của ông hiện dư tới 3 tỉ USD mà không cho vay được.

Thực tế này cho thấy, một lượng tiền lớn đang không biết chảy về đâu. Không phải là do không có người vay, mà chủ yếu là do lãi suất cao quá khiến doanh nghiệp không vay được.

Sự sôi động của chứng khoán, rõ ràng, đang cho thấy đây là kênh đầu tư hấp dẫn nhất thời điểm hiện tại. Chỉ cần ném tiền vào là một vài tuần sau, nhà đầu tư sẽ kiếm được khoản lợi nhuận 20-30%, thậm chí "ăn" gấp đôi, ba lần.

Có thể thấy, TTCK phục hồi là một điều tốt. Nó giúp các doanh nghiệp bớt căng hơn nếu trước đó có trót tham gia đầu tư chứng khoán. Về lâu dài, nó giúp các doanh nghiệp hút vốn giá rẻ trên thị trường này.

Hiện tượng tiền không biết chảy vào đâu và đang hướng vào chứng khoán có lẽ không chỉ xảy ra ở Việt Nam. Ngay cả tại Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới và vẫn đang phải vật lộn với khó khăn, thì chứng khoán trong vài tuần gần đây cũng đã lên mức cao kỷ lục mọi thời đại trên 13.000 điểm, cao hơn cả thời kỳ trước khủng hoảng.

Mặc dù vậy, sự tăng quá nhanh và nóng của TTCK cũng có thể dẫn tới thái quá nếu tình hình sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp không đạt như kỳ vọng. Thực tế hiện nay (vì lãi quá cao) đang có tình trạng là các doanh tốt chỉ vay ngắn hạn và tìm cách trả nhanh vì lo sợ lợi nhuận giảm, các doanh nghiệp nhỏ và vừa không tiếp cận được vốn vay và cũng không ngân hàng nào dám cho vay, chỉ biết đứng nhìn sản lượng kinh doanh suy giảm, phá sản.

Kết quả kinh doanh 2011 cho thấy rất nhiều doanh nghiệp niêm yết làm ăn thua lỗ và lợi nhuận giảm. Tình hình có lẽ cũng không khả quan hơn trong năm 2012 khi mà sức cầu trong nước đang ở mức rất thấp, xuất khẩu cũng gặp nhiều khó khăn do nhiều nước đang vật lộn với khủng hoảng và người dân thắt chặt chi tiêu. Hàng hóa không bán được, tồn kho nhiều, trong khi chi phí giá thành hàng hóa và dịch vụ lại đang tăng cao theo những yếu tố đầu vào.

Trong nền kinh tế mà doanh nghiệp không dám nghĩ đến đầu tư trung và dài hạn, thì khó có đủ khả năng để cạnh tranh trong tương lai gần. Có lẽ, việc giảm chi phí sản xuất kinh doanh (như lãi suất chẳng hạn) để giảm giá thành sản phẩm và qua đó kéo sức cầu hàng hóa lên là giải pháp cần tính tới trong giai đoạn này.

Theo Mạnh Hà
  VEF        

 


 

Tin mới cập nhật