Chứng khoán sáng 16/4: Đến lượt cổ chứng khoán lên tiếng

Ngày đăng : 16/04/2012 - 1:16 PM

 

 

Sau quá 3/4 thời giao buổi sáng thị trường giao dịch làng nhàng, cầu đột nhiên thúc mạnh vào nhóm chứng khoán, tạo sức lan tỏa mạnh. 

 

Thực ra ngay từ lúc 10h30, dấu hiện ấm lại đã có. Tuy nhiên thời điểm đó cổ phiếu mới là giai đoạn phục hồi sau nhịp điều chỉnh đầu phiên. Tăng giá nhưng cường độ chưa mạnh, thanh khoản kém. Cảm giác chung là giá mới nỗ lực “bò” lên dốc chứ chưa có sự bùng phát đáng chú nào.

 

Xét về độ rộng của cả hai sàn, tương quan vẫn nghiêng mạnh về số lượng cổ phiếu tăng giá. Chỉ có điều những mã quan trọng nhất vẫn xuất hiện áp lực đè bán rất mạnh. Khi những mã tín hiệu còn lình xình, chỉ một số cổ phiếu nhỏ tăng giá khiến đà tăng chưa đủ độ tin cậy.

 

Khoảng 11h, SSI bất ngờ được đánh dồn qua mức 21.800 đồng và bắt đầu công phá khối lượng chặn bán tại giá trần và sát trần. Lượng treo bán tại giá trần 22.000 đồng luôn duy trì khoảng 500.000 đơn vị và một lượng nhỏ hơn, khoảng trên 100.000 đơn vị tại 21.900 đồng.

 

Đáng chú ý là lực mua với SSI đa phần là khớp trực tiếp vào dư bán ở hai mức giá trên. Khối lượng chặn mua các giá 21.800 đồng và 21.700 đồng rất thấp. Tuy nhiên người bán cũng không có vẻ gì muốn hạ giá xuống dưới 21.900 đồng. Ngay cả nhiều lần SSI vượt qua giá này và bị đè trở lại, khối lượng chặn bán cũng không hạ giá xuống thấp hơn.

 

Khoảng 15 phút cuối phiên buổi sáng, cầu vào chặn mua hai giá dưới 21.900 đồng tăng lên khá mạnh, trên 100.000 đơn vị mỗi bước giá. Lệnh mua vào trực tiếp bắt đầu gia tăng cường độ và đánh mạnh qua 21.900 đồng, thậm chí quét mua giá trần rất nhanh. Khoảng 780.000 SSI treo mua được giải quyết gọn và hiện cổ phiếu này vẫn đang được chặn mua trần trên 400.000 đơn vị.

 

Trong nhóm cổ phiếu chứng khoán, SSI là blue-chip tăng giá mạnh sớm nhất. Các cổ phiếu cùng ngành khác ngay lập tức cũng có phản ứng tích cực, bất chấp thời gian dài trước đó giao dịch yếu. HCM trên HSX cũng tăng trần, SBS tăng qua tham chiếu, VND, KLS, BVS trên HNX cũng tăng giá mạnh nhưng chưa vượt qua được khối lượng chặn bán lớn ở các mức giá cao.

 

Nhìn chung toàn bộ nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán cuối buổi sáng hôm nay đều có chuyển biến tích cực dù mức độ khác nhau. Cổ phiếu giảm giá có sự phục hồi nhất định và cổ phiếu khỏe hầu hết là tăng giá. Ngay trong nhóm cổ phiếu nhỏ, sự phân hóa cũng diễn ra. SHS, WSS, CTS, ORS…tăng khá hơn các mã khác.

 

Nhóm ngành bất động sản cũng phục hồi mạnh theo thị trường chung. SCR, PVA, HAG, VCG… quay lại quỹ đạo tăng giá nhờ lực cầu gia tăng đáng kể sau khi nhóm cổ phiếu chứng khoán bứt phá. Index cả hai sàn được kéo lên mạnh từ sau 11h và đều tạm thời đạt đỉnh trước giờ nghỉ.

 

Thanh khoản phiên sáng nay khá yếu. HSX chỉ đạt 834,6 tỷ đồng và HNX đạt 557,9 tỷ đồng. Tuy nhiên có những thời điểm Index cả hai sàn bị ép xuống rất mạnh và giảm điểm. Mức thanh khoản yếu có thể là dấu hiệu của việc cung giá thấp không nhiều. Thanh khoản càng về sau càng tăng mạnh và giá được đẩy phục hồi trở lại là tín hiệu tích cực về sức cầu giá cao bắt đầu tăng lên.

 

Mặc dù trên cơ sở độ rộng, số lượng mã tăng trần tương đối nhiều, nhưng sáng nay không phải là một phiên giao dịch nóng. Đa số cổ phiếu tăng trần là những mã vốn hóa nhỏ và cầu không ổn định, lượng tiền cần thiết để duy trì sức nóng không nhiều. Ngược lại, trong nhóm vốn hóa lớn của hai sàn, chỉ một số mã đang có dư  mua trần như PVA, PVF, QCG, SSI. Các cổ phiếu blue-chip còn lại vẫn đang trong tình trạng cung cầu bình thường, hoàn toàn có khả năng thanh khoản. Do đó nếu thanh khoản chung tiếp tục tăng lên mạnh trong buổi chiều và giá giữ được mức hiện tại hoặc tăng thêm tức là sức mua vẫn còn mạnh. 

Lan Ngọc

 Vneconomy

 

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Thị trường IPO Campuchia chuẩn bị bùng nổ

Ngày đăng : 16/04/2012 - 9:22 AM

Thị trường chứng khoán Campuchia đang hoàn tất những công việc chuẩn bị cuối cùng để mở cửa vào tuần này sau nhiều lần trì hoãn. Theo dự báo, sẽ có 5-10 công ty lên sàn chứng khoán Campuchia mỗi năm, mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Trao đổi với hãng tin tài chính Bloomberg, ông Kim Bong Soo, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của Sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc, đối tác phát triển thị trường chứng khoán của Chính phủ Campuchia, cho biết, giao dịch trên sàn chứng khoán Campuchia sẽ bắt đầu vào ngày 18/4 tới, với cổ phiếu của công ty cung cấp nước quốc doanh Phnom Penh Water Supply Authority. 

Hai doanh nghiệp khác là công ty viễn thông Telecom Cambodia và quản lý cảng biển Sihanoukville Autonomous Port đang chuẩn bị phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Trong đó, cổ phiếu của Telecom Cambodia có thể sẽ giao dịch vào tháng 10 năm nay.

“Campuchia sẽ là một thị trường rất hấp dẫn. Các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Campuchia sẽ hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế của nước này. Giới đầu tư đã hỏi thăm nhiều về các công ty sắp sửa lên sàn”, ông Kim cho biết.

Campuchia đang thúc đẩy việc phát triển thị trường để hỗ trợ cho sự tăng trưởng của nền kinh tế với GDP hàng năm vào khoảng 11 tỷ USD của nước này. Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), kinh tế Campuchia sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm nay, so với mức trung bình 8% trong thời gian 2001-2010.

Chính phủ Campuchia đã tuyên bố sẽ đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế thông qua cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và khuyến khích các công ty ty nhân mở rộng hoạt động. Tuy nhiên, từ năm 2009, kế hoạch mở thị trường chứng khoán của Campuchia đã nhiều lần bị trì hoãn do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu, các lý do kỹ thuật và mức độ sẵn sàng chưa cao của các công ty trong nước.

Trong đợt IPO mới đây, công ty Phnom Penh Water đã huy động được khoảng 21 triệu USD, với mức giá 1,58 USD/cổ phiếu.

“Tôi tin là sẽ có hàng chục công ty niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Campuchia trong 5 năm tới. Mỗi năm, hoàn toàn có khả năng có 5-10 công ty được niêm yết mới”, ông Kim nhận định.

Chính phủ Campuchia nắm cổ phần 55% tại Sở giao dịch chứng khoán Campuchia. Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc cung cấp hệ thống công nghệ thông tin và sở hữu phần còn lại. 

Sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc cũng nắm 49% cổ phần của Sở giao dịch chứng khoán Lào, còn Chính phủ Lào nắm 51% còn lại.

Ngoài Lào và Campuchia, Sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc còn đang hỗ trợ một số quốc gia khác phát triển thị trường chứng khoán, đổi lại được nắm cổ phần ở các sản này. Sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc hiện đang cạnh tranh với Sở giao dịch chứng khoán Tokyo để được chọn làm đối tác phát triển thị trường chứng khoán Myanmar.

AN HUY


Chứng khoán sáng 13/4: Hàng xả nhiều, giá trị tăng vọt

Ngày đăng : 13/04/2012 - 3:24 PM

 

Giá trị khớp lệnh của HSX sáng nay vọt lên tới trên 1.222 tỷ đồng, mức giao dịch hiếm thấy trong các phiên buổi sáng. Phần lớn quy mô giao dịch này được thực hiện ở các mức giá cao. 

 

 

10 mã khớp lệnh mạnh nhất sáng nay chiếm tới gần 36% sàn HSX, trong đó chủ yếu là các mã thanh khoản lớn truyền thống, thuộc các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán và ngân hàng. Đây cũng là những nhóm ngành đang nằm trong mạch ưa thích của dòng vốn vào trước các thông tin hỗ trợ gần đây.

 

Tuy nhiên diễn biến giá của những cổ phiếu này không mấy tích cực trong phần lớn thời gian. Diễn biến chính là hoạt động chốt lời ồ ạt ở các mức giá cao đã tạo thanh khoản lớn và giá bị ép xuống dần trước khi có sự phục hồi nhẹ.

 

SSI tạm thời dẫn đầu HSX với 60,39 tỷ đồng giá trị khớp lệnh. Tổng lượng khớp lệnh của SSI đạt 2,85 triệu đơn vị. Cả phiên hôm qua, SSI chỉ khớp được hơn 3 triệu đơn vị. ITA đứng thứ hai với 54,8 tỷ đồng, tương đương 5,46 triệu đơn vị. ITA là cổ phiếu có biểu hiện chốt lời rõ rệt nhất sau 3 phiên kịch trần liên tục. Kỷ lục về thanh khoản gần nhất của ITA là 5,94 triệu cổ ngày 6/3 vừa qua.

 

Trong nhóm bất động sản, còn xuất hiện NTL, IJC bị bán mạnh. Mặc dù mức dao động giá khác nhau nhưng tình trạng chung là khối lượng bán ra đã gia tăng vượt trội so với phiên trước. HAG, SJS đều có hiện tượng yếu đi.

 

Xét về nhóm ngành, trong khi bất động sản tỏ ra suy yếu, các cổ phiếu chứng khoán lại có sự phục hồi đáng kể. Ngoài SSI vẫn đang nỗ lực vượt qua ngưỡng tham chiếu, các cổ phiếu nổi trội khác như VND, KLS, BVS trên HNX đều tăng bất ngờ. Dòng tiền mấy phiên vừa qua được cho là đã tạm rời bỏ nhóm chứng khoán để chạy vào nhóm bất động sản. Tuy nhiên hiện tượng phục hồi mạnh ở nhóm chứng khoán sáng nay chứng tỏ dòng vốn đầu cơ vẫn quan sát cơ hội.

 

Nhìn tổng thể áp lực điều chỉnh trong buổi sáng là rõ ràng. Mặc dù căn cứ vào sự biến thiên của độ rộng hai sàn, vẫn có khá nhiều cổ phiếu tăng giá, nhưng ở các ngưỡng giá cao, đặc biệt là giá trần, khối lượng treo bán trong những thời điểm giá mạnh nhất vẫn rất lớn. Index của HSX và HNX đều trải qua thời gian khó khăn của phiên buổi sáng, thậm chí có lúc giảm điểm.

 

Mặc dù 3 phiên gần đây thị trường được cho là có sức hỗ trợ mạnh nhờ thông tin tốt nhưng một mặt dòng tiền vào lớn, mặt khác nhu cầu thu hồi tiền mặt cũng rất lớn. Giá trị khớp lệnh hàng ngày biểu hiện cả hai mặt nói trên và trong khi nhiều người mua cho kỳ vọng tương lai thì nhiều người cũng chốt lời bảo vệ thành quả. Sự chuyển biến trở lại ở nhóm cổ phiếu chứng khoán có thể phát đi tín hiệu về sự quan tâm của thị trường tới kết quả kinh doanh. Nhóm bất động sản, ngân hàng khó có sự đột biến, trong khi nhóm chứng khoán lại là ẩn số.

 

Khoảng 30 phút hai sàn phục hồi cuối buổi sáng tạm thời làm yên lòng người mua về một diễn biến rung lắc là chủ đạo. Lực cầu mua lúc giá giảm khá tốt và đa số tuy có điều chỉnh nhưng không mạnh. Thị trường tiếp tục vận động một cách bình thường qua các thời điểm gia tăng khác nhau về cung cầu chứ không chịu sự chi phối bởi thông tin mới. Do đó tương quan giá có thể thay đổi rất nhanh. 

Lan Ngọc

 Vneconomy

 


Lòng tin chuyển biến

Ngày đăng : 13/04/2012 - 8:53 AM

 

Lòng tin đã trở lại đối với nhiều NĐT chứng khoán. Điều này đã được chứng minh khi thanh khoản được cải thiện rõ rệt và 2 chỉ số tăng mạnh.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/4, chỉ số VN-Index đóng cửa tại mức 465,26 điểm, tăng 25,49 điểm (+5,80%) sau 6 phiên tăng liên tiếp. 

Chỉ số HNX-Index đóng cửa tại mức 78,54 điểm, tăng mạnh phiên thứ hai liên tiếp và đạt tổng giá trị giao dịch trên 1.000 tỷ đồng. 

Đây cũng là mức điểm cao nhất của cả hai chỉ số từ đầu năm đến nay. 

Khảo sát của Đầu tư Chứng khoán tại hơn 10 CTCK cho thấy, tâm lý giới đầu tư đang khá hưng phấn. Báo cáo phân tích của các CTCK cũng đưa ra những nhận định tích cực về triển vọng tăng trưởng của thị trường. 

Theo CTCK Dầu khí, thị trường đang nhận được những yếu tố hỗ trợ rất tích cực trong cả ngắn, trung và dài hạn. Với việc dự kiến giảm mạnh hệ số rủi ro với các khoản cho vay bất động sản và chứng khoán sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho dòng tiền tham gia vào các lĩnh vực này, cả gián tiếp qua kênh tín dụng ngân hàng và trực tiếp qua thị trường cổ phiếu. 

Sau khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức đưa ra thông điệp “cởi trói gần như toàn bộ với lĩnh vực bất động sản”, nhóm cổ phiếu bất động sản và xây dựng tăng mạnh, đã đưa cả 3 chỉ số (VN-Index, HNX-Index và VN30-Index) lên mức cao nhất từ đầu năm 2012 đến nay. 

CTCK Hùng Vương đánh giá, thông tin trần lãi suất giảm về 12%/năm không phải là yếu tố chính giúp thị trường tăng điểm mạnh mẽ, vì điều này đã được dự báo từ trước và phần nào đã phản ánh vào giá cổ phiếu thời gian qua. 

Sự bất ngờ của thị trường chính là các chỉ đạo của NHNN về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tháo gỡ các khó khăn trong việc tiếp cận vốn cho doanh nghiệp và loại trừ một số đối tượng hạn chế cho vay liên quan đến bất động sản, chứng khoán và tiêu dùng. Các chính sách này sẽ dần đưa TTCK đi vào sự phát triển bền vững hơn. 

CTCK Vietcombank nhận định, còn khoảng hơn 1 tuần nữa thì các con số về tình hình lạm phát cả nước trong tháng 4 sẽ dần hé lộ, với những dự báo sẽ ở mức dưới 1%, điều này sẽ tạo cơ sở cho khả năng tăng điểm của thị trường.

 Lạm phát hạ nhiệt, lãi suất đang giảm theo lộ trình... tiếp tục là những yếu tố hỗ trợ dài hạn. Sự thay đổi từ chính sách có thể sẽ có độ trễ nhất định trước khi phản ánh vào nền kinh tế, tuy nhiên, ngay cả trong ngắn hạn, tác động hỗ trợ tâm lý thị trường vẫn rất đáng kể. 

Lòng tin đã trở lại đối với nhiều nhà đầu tư chứng khoán. Điều này đã được chứng minh khi thanh khoản thị trường trong những phiên gần đây được cải thiện rõ rệt, đồng thời, chỉ số hai sàn cũng tiến sát tới vùng kháng cự. Từ đầu tháng 4 trở lại đây, giá trị giao dịch trên sàn HOSE đạt trên 1.172 tỷ đồng/phiên, còn trên sàn Hà Nội đạt trên 797 tỷ đồng/phiên. 

Tuy nhiên, trong tâm lý hưng phấn chung của thị trường, vẫn có những cảnh báo đáng lưu ý. CTCK Bảo Việt cho rằng thị trường sẽ có sự phân hóa do đối tượng nhận được sự hỗ trợ từ chính sách mang tính chọn lọc về ngành, về doanh nghiệp. Các cổ phiếu bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng, các doanh nghiệp có tỷ lệ vay nợ lớn có thể là trung tâm thu hút sự quan tâm của dòng tiền. Những nhóm này được hưởng lợi nhiều hơn từ sự thay đổi chính sách. Nhóm cổ phiếu chứng khoán, cổ phiếu penny ở vùng giá hiện nay đã không còn duy trì được sự hấp dẫn về giá, do vậy, động lực tăng có thể không còn cao.

Theo Người quan sát
ĐTCK

 


Chứng khoán sáng 11/4: Nhiều tin tốt – giá yếu dần

Ngày đăng : 11/04/2012 - 3:34 PM

 

 

Thông tin hỗ trợ cực mạnh đã được thị trường thẩm thấu hết từ hôm qua, nhưng diễn biến giao dịch sáng nay không khỏi làm nổi lên những nghi ngờ. 


Gần như chắc chắn toàn bộ nhà đầu tư dự đoán sáng nay phải là phiên giao dịch bùng nổ về giá. Hạ lãi suất, nới tín dụng, cứu bất động sản, hỗ trợ doanh nghiệp là những thông tin quan trọng nhất và thị trường muốn nghe nhất.

 

Tuy nhiên mức độ hưng phấn chỉ thực sự bùng nổ trong thời gian khá ngắn. HSX mở cửa cao nhất và HNX cũng đạt đỉnh ngay trước lúc HSX kết thúc đợt dồn lệnh đầu tiên. Người bán ra phải thực sự lạnh lùng, vì quyết định bán trong khi thị trường đón nhận thông tin hỗ trợ mạnh như vậy có thể bị coi là rất “điên rồ”.

 

Nhưng thực tế giao dịch đến lúc này tạm thời chứng minh người bán giá đỉnh hôm nay đang hưởng lợi. Giao dịch nguội dần và giá giảm theo thời gian khiến thị trường trở nên khó hiểu. Chiến thuật bán trước mua sau đối diện nguy cơ mất hàng cực cao, trừ phi người bán chắc chắn rằng khối lượng bán ra đủ để áp chế lực cầu. Mà khả năng này lại hết sức mong manh vì số đông người mua, dù là nhỏ lẻ, cộng dồn lại cũng có thể tạo nên đột biến.

 

Một khả năng khác là chiến thuật “tin ra là bán” đang được triển khai. Điều này lại liên quan đến việc, liệu cơ hội tiếp cận thông tin có thực sự cân bằng? Giảm lãi suất có thể là bất ngờ với nhiều người, nhưng chưa chắc đã là bí mật với nhiều người khác. Với những gì đang diễn ra, người bán chắc hẳn phải cho rằng tin hỗ trợ đã được phản ánh vào giá trước đó?

 

Tóm lại khả năng nào thì thị trường vẫn luôn luôn đúng. Thông tin tốt hay xấu, hay mức độ ảnh hưởng phải do thị trường quyết định. Điều này đã được chứng minh nhiều lần. Dù tin hỗ trợ rất tốt mà cung quá lớn thì giá cũng không đi đến đâu. Điểm ngại hơn là với tin hỗ trợ “khủng” như vậy mà giá còn đuối thì liệu thông tin hỗ trợ mức nào mới có thể kéo nổi thị trường lên cao hơn?

 

Ẩn số vẫn là phiên giao dịch buổi chiều. Cầu vẫn còn cơ hội để thể hiện, nhưng nên thể hiện sớm.

 

Kết thúc phiên buổi sáng, HSX đạt quy mô khớp lệnh 777,8 tỷ đồng và HNX là 509,3 tỷ đồng. Nếu so sánh với phiên sáng hôm qua, dòng tiền thực ra không được cải thiện bao nhiêu. HSX chỉ tăng thêm có hơn 8 tỷ và HNX là khoảng 31 tỷ đồng.

 

Đặt trong diễn biến giá giảm từ cao xuống thấp thì sức mua là yếu. Lượng cầu mua cao hay đua trần không nhiều và thanh khoản gia tăng theo chiều giá giảm. Đáng lẽ điều ngược lại phải diễn ra trong phiên sáng nay với thông tin hỗ trợ mạnh: Thanh khoản tăng lên theo chiều giá lên.

 

Thị trường cần có lực mua giá cao tốt hơn nửa cuối phiên buổi sáng mới có thể tạo chuyển biến. Rất nhiều cổ phiếu đang ngập ngừng ở mức đỉnh cao cũ và nếu giá không được đẩy lên mạnh hơn, tín hiệu sẽ không được tích cực. 

Lan Ngọc

 Vneconomy

 

 


Chỉ tiêu an toàn tài chính: "Xào nấu" sổ sách để đạt yêu cầu

Ngày đăng : 11/04/2012 - 11:43 AM


Hầu hết các CTCK đều đã đạt được chỉ tiêu an toàn tài chính khi thông tư 226 của UBCK có hiệu lực hoàn toàn vào đầu tháng này. Nhưng những người trong ngành cho biết, hoàn toàn không nên nhìn vào kết quả này để đánh giá sức khỏe của khối các CTCK. 

 

Trong báo cáo gửi tới khách hàng hôm 3.4, CTCK Bản Việt cho biết: “UBCK đã công bố hầu hết các CTCK đều đạt tiêu chuẩn kiểm tra”. Trước đó, từ cuối 2011 UBCK trong trao đổi với báo chí cũng công khai có 11 trên tổng số 105 Cty không đạt ngưỡng tỉ lệ vốn khả dụng (TLVKD) 180%.

Việc đạt TLVKD dường như không hề khó khăn với các CTCK. Ngay cả những Cty lỗ lớn trong năm vừa qua cũng có TLVKD vượt xa mức yêu cầu.

CTCK Bảo Việt - Cty vừa bị HNX đưa vào diện cảnh báo vì lỗ hai năm liên tiếp, hiện có TLVKD thậm chí cao hơn gấp đôi mức yêu cầu – đạt 370%, TGĐ Cty - ông Nhữ Đình Hòa - cho biết.

“TLVKD của CTCK Bảo Việt luôn luôn cao, từ năm 2010 đã đạt 220% và giờ đã là trên 300%. Vấn đề bây giờ chỉ là làm thế nào để duy trì thôi”, ông Hòa nói.

Nằm trong số những CTCK thua lỗ nặng nề nhất, CTCK Bảo Việt ghi nhận mức lỗ 90,7 tỉ đồng trong năm 2010, và mức lỗ thậm chí còn cao hơn trong năm 2011 là 99,7 tỉ đồng. Vốn điều lệ của Cty hiện đang là 720 tỉ đồng.

Một trường hợp khác lỗ nặng nề hơn là CTCK Thăng Long cũng vượt ngưỡng một cách ngoạn mục. Là Cty có số lỗ lớn thứ hai trong khối các CTCK năm 2011, CTCK Thăng Long ghi nhận số lỗ 592 tỉ đồng, chiếm một nửa số VĐL 1.200 tỉ đồng của Cty. Tuy nhiên, nguồn tin thân cận cho biết, sau khi Thăng Long hoàn tất việc phát hành 1.000 tỉ trái phiếu chuyển đổi và nhận về số vốn lớn hồi cuối năm ngoái, đến nay Cty đã hoàn toàn vượt mức TLVKD quy định.

Mặc dù danh sách và số liệu chính thức về TLVKD của các CTCK không được UBCK công khai, nhưng những người trong ngành đều biết hầu hết CTCK đã “xoay xở” ổn thỏa để đạt TLVKD yêu cầu ngay trước hạn 1.4.

Bên cạnh những Cty khỏe mạnh đương nhiên đạt tỉ lệ như SSI, CTCK TPHCM, các nguồn tin trong cuộc của một loạt các Cty khác, gồm cả những Cty lỗ lớn như VNDirect cũng cho biết Cty của mình đã vượt xa TLVKD yêu cầu của UBCK từ lâu.

Phó TGĐ của một CTCK bậc trung với số VĐL khoảng 300 tỉ đồng cho biết, Cty ông đã đạt được tỉ lệ yêu cầu. Theo vị PTGĐ này ước tính, ngoài nhóm nhỏ những Cty yếu kém đã lộ diện như SME, Tràng An,... các Cty tương đương với Cty của ông hầu như đều đã “lo liệu” được sổ sách để TLVKD vượt 180%.

Thế nhưng, “vấn đề là liệu các Cty có thực sự đi vào quản trị rủi ro không, hay là họ chỉ “xào nấu” sổ sách để đạt yêu cầu”, vị PTGĐ nêu vấn đề.

“Phần lớn các CTCK sẽ không đạt được yêu cầu về TLVKD nếu họ tính đúng và tính đủ. Ngoài 10-20 CTCK lớn nhất hiện nay, hầu hết số còn lại đều đang rơi vào tình trạng khó khăn” - chủ tịch của một CTCK thuộc Top 10 thị phần nhận xét thẳng thừng.

TLVKD, được tính bằng tỉ lệ phần trăm vốn khả dụng chia cho tổng giá trị rủi ro, được các CTCK nâng lên bằng cách tăng số vốn khả dụng hoặc giảm các tài sản rủi ro như danh mục đầu tư tự doanh hay tiền cho vay khách hàng.

Theo đó, những người trong ngành đánh giá rằng nhóm các CTCK được “chống lưng” bằng các tổ chức tài chính mạnh gồm các Ngân hàng hay các tập đoàn tài chính sẽ đi theo hướng được Cty mẹ hỗ trợ vốn.
Thực tế, CTCK Bảo Việt vẫn luôn có “đại gia” bảo hiểm hàng đầu là Tập đoàn Bảo Việt đóng vai trò Cty mẹ. Với CTCK Thăng Long, Cty mẹ là NH Quân đội cũng chính là đơn vị đăng ký mua chính trong đợt phát hành TP 1.000 tỉ đồng của Cty này.

Số các CTCK còn lại, một số lớn trong đó được cho là đã “xào nấu” sổ sách để đạt chỉ tiêu TLVKD.
“Thực tế có một vài thủ thuật về mặt tính toán”, lãnh đạo của một CTCK ở TPHCM cho biết. “Có những Cty dù đang ở trong tình trạng thực sự nguy hiểm, nhưng họ không đánh giá toàn bộ danh mục tự doanh (chiếm phần lớn trong tài sản rủi ro của CTCK), nợ của họ chưa đến hạn, kết quả TLVKD của họ vẫn cao hơn 180%” - ông nói.

Cũng theo vị lãnh đạo này, cuộc tái cấu trúc của các CTCK lần này có lẽ sẽ phải được UBCK sàng lọc kỹ hơn nữa. “Nếu chỉ nhìn vào chỉ số CAR theo thông tư 226 sẽ có một bức tranh không thực về sức khỏe tài chính của các CTCK”.

Thông tư 226 đã có hiệu lực về điều khoản xử phạt bắt đầu từ 1.4. Các CTCK được yêu cầu phải đạt tỉ lệ vốn khả dụng không dưới 180%. Dưới mức này Cty sẽ bị đưa vào diện kiểm soát và có nguy cơ bị rút phép nghiệp vụ.  

Quang Minh 

Lao Động

 

 

 


 

Tin mới cập nhật