Chứng khoán sáng 26/4: Chốt lời nhẹ

Ngày đăng : 26/04/2012 - 1:59 PM

 

Cả hai sàn đã điều chỉnh nhẹ trong buổi sáng do áp lực chốt lời mạnh hơn hôm qua. Khối lượng bán dưới tham chiếu không lớn nhưng do cầu yếu, vẫn đủ sức ép giá xuống khá sâu. 

 

Cho đến sau 10h30, thị trường đã lấy lại sự cân bằng nhưng biểu hiện ở nhóm blue-chip của hai sàn vẫn cho thấy lực mua phải gia tăng nhiều hơn nữa mới giải quyết được khối lượng chặn bán gần tham chiếu. Độ rộng vẫn nghiêng về phía giảm, dù nhóm vốn hóa nhỏ tiếp tục tăng nóng.

 

Giá trị khớp lệnh của HSX đạt xấp xỉ 964 tỷ đồng và HNX đạt 456,3 tỷ đồng. VN-Index tăng nhẹ 0,05% nhưng VN30-Index đang giảm 0,11%. Ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu lớn là rất rõ ràng trong sáng nay bất chấp sự đối trọng ở một số mã lớn nhất. BVH, MSN giảm giá và được hỗ trợ từ 18 mã khác, trong đó có cả MBB, OGC, PNJ, QCG, SSI, STB, HAG, HPG khiến mức tăng của DPM, GMD, PVF, VIC, VNM và VCB chưa đủ khỏe.

 

Trên HNX, ngoài HBB tăng nhẹ, tất cả các mã vốn hóa lớn nhất đều giảm giá. Những cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất như ACB, PVX, SHB, VND, KLS, BVS cũng giảm mạnh.

 

Hoạt động chốt lời mạnh đáng chú ý thực tế chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, khoảng 30 phút từ sau 10h. Có thể hiện tượng lình xình yếu trong thời gian đầu phiên với thanh khoản kém đã khiến một bộ phận nhà đầu tư đánh giá tiêu cực về thị trường. Hôm qua giao dịch tốt nhưng lực cầu đã có tín hiệu yếu đi từ buổi chiều, đồng thời sáng nay yếu đi thực sự. Điều này dẫn đến nhu cầu chốt lời tăng lên, nhất là khi khá nhiều cổ phiếu đang gặp lại đỉnh cao cũ.

 

Lực cầu sáng nay trong trạng thái thụ động rất rõ rệt. Ngoài một nhịp giảm nhanh và khá mạnh lúc 10h, thị trường hầu như không có giao dịch đột biến nào. Thanh khoản tăng chậm và tốc độ khớp cũng rất buồn ngủ. Tuy nhiên lượng tiền vào bắt đáy khá nhiều, chặn mua đủ lớn tạo cảm giác người mua đang gom hàng rất kiên ngẫn.

 

Biến động khác thường xuất hiện ở bộ đôi HBB và SHB. Sau khi có tỉ lệ chuyển đổi là 0,75, thị trường cho rằng HBB đang bị định giá thấp. Tuy nhiên, sáng nay SHB bất ngờ giảm giá khá mạnh, có lúc trên 2% nhưng HBB vẫn tăng giá. Điều này có vẻ ngược logic vì khi ấn định giá chuyển đổi, SHB giảm giá sẽ khiến HBB phải giảm theo. Vấn đề là thị trường có cho rằng mức chênh lệch chuyển đổi trên 20% là vẫn ổn và HBB như vậy vẫn rẻ?

 

Nói chung nhịp điều chỉnh hôm nay diễn ra bình thường và chưa có biểu hiện xấu đi. Phản ứng bán ra khi giá gặp ngưỡng kháng cự chưa nhiều. Đặc biệt trong 30 phút cuối phiên sáng, sức mua đã bắt đầu tăng trở lại và đa số cổ phiếu giảm mạnh trước đó đều cải thiện về giá. Đây có thể là sự khởi động tốt cho phiên buổi chiều.

Lan Ngọc

 Vneconomy

That's an apt aneswr to an interesting question
15/05/2012
That's an apt aneswr to an interesting question

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Bán vào ngày T+3 sẽ triển khai từ tháng 6/2012

Ngày đăng : 26/04/2012 - 9:57 AM

 

Dự kiến, vào đầu tháng 6/2012, khi các điều kiện được đáp ứng, UBCK sẽ cho phép áp dụng T+3.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, nếu tất cả các CTCK đều cam kết hoàn tất chuyển tiền cho Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) trước 4h chiều ngày T+2 và ngân hàng lưu ký đảm bảo vận hành thông suốt, thì cơ quan quản lý chấp thuận việc rút ngắn thời gian thanh tốn, thời gian giao dịch xuống T+3. Dự kiến, vào đầu tháng 6/2012, khi các điều kiện được đáp ứng, UBCK sẽ cho phép áp dụng T+3. 

Trên thực tế, sự đồng thuận của các CTCK chỉ là yếu tố cần thiết ban đầu để triển khai giao dịch T+3. Trao đổi với ĐTCK, từ CTCK lớn đến CTCK nhỏ đều cam kết đáp ứng được yêu cầu về thanh toán của VSD. 

Tuy nhiên, để chính thức đưa T+3 vào vận hành, điều kiện đủ là hệ thống thanh toán bù trừ phải đảm bảo trơn tru, thông suốt, hệ thống hỗ trợ thanh toán đa phương phải đủ mạnh để đảm bảo khả năng thanh khoản trong các trường hợp rủi ro thanh khoản phát sinh. Khác với các CTCK, rủi ro trong thanh toán bù trừ phát sinh tại VSD là rủi ro mang tính hệ thống, không phải rủi ro cá biệt có thể loại trừ và VSD phải đảm bảo quản trị được rủi ro đó. 

Về vấn đề này, lnh đạo VSD cho biết, ý tưởng T+3 xuất phát từ chính VSD, nên khi đưa ra đề xuất này, VSD đ lường hết rủi ro. VSD dự kiến, trong thời gian tới sẽ ban hành văn bản mới hướng dẫn quá trình thanh tốn, đồng thời đề xuất tăng hình thức xử phạt đối với các CTCK vi phạm thanh toán, dự kiến có hiệu lực từ 1/6/2012. 

Theo VSD, vấn đề quản trị rủi ro của hệ thống thanh toán luôn được đặt ra trước tiên khi xem xét việc ứng dụng cơ chế sản phẩm dịch vụ mới. Để đi đến việc xin ý kiến thành viên thực hiện nghiệp vụ rút ngắn thời gian thanh tóan và giao dịch, VSD đã nghiên cứu rất kỹ thông lệ và tập quán tại các thị trường đi trước. 

Thời gian qua, một số CTCK như Tràng An, SME, Hà Thành, Trường Sơn… đã bị VSD cảnh báo do thiếu hụt khả năng thanh toán, thậm chí bị xử phạt vi phạm hành chính. Vì thế, để vận hành hệ thống thanh toán mới, đòi hỏi sự thận trọng về các giải pháp rõ ràng để đảm bảo khả năng thanh toán thông suốt toàn hệ thống. 

Ngoài CTCK, các ngân hàng lưu ký, hiện đang quản lý tiền của nhà đầu tư nước ngoài cũng cần ủng hộ và chuẩn bị cho T+3. Trước đây, một số CTCK có khách hàng nước ngoài tỏ ra lo ngại về việc do chênh lệch múi giờ nên sẽ khó thanh toán sớm 1 ngày so với hiện tại, đồng thời ảnh hưởng đến “lợi ích” của ngân hàng lưu ký khi mất nguồn thu từ khoản cho vay qua đêm. Cơ quan quản lý cho biết, sẽ tham khảo thm ý kiến của cc thnh vin lưu ký trước khi chính thức quyết định triển khai T+3. 

Theo lãnh đạo UBCK, so với việc giảm thời gian giao dịch xuống T+2, thì rút ngắn xuống T+3 đơn giản hơn rất nhiều nên sẽ đưa vào áp dụng trước. “Nếu mọi việc suôn sẻ, bước tiếp theo sẽ là xem xét áp dụng T+2”, một lãnh đạo UBCK kỳ vọng. 

Theo Hải Vân
ĐTCK


Chứng khoán sáng 25/4: Hào hứng mua vào

Ngày đăng : 25/04/2012 - 2:09 PM

 

Thanh khoản sáng nay không tăng đột biến nhưng thực chất cầu đã tăng rất mạnh, đặc biệt là ở các mức giá cao. 

 

Thị trường được hỗ trợ từ thông tin Ngân hàng nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại cơ cấu nợ cho doanh nghiệp khó khăn. Thực ra đây là bước đi cụ thể từ những định hướng chính sách có từ tháng trước. Tuy nhiên thị trường vẫn đón nhận như một thông điệp tích cực.

 

Giá trị khớp lệnh HSX trong buổi sáng đạt 922,5 tỷ đồng, một con số khá cao trong vài phiên gần đây. HNX cũng đạt 524,4 tỷ đồng. Cơ hội tăng thanh khoản rất rộng trong sáng nay nhưng phản ứng khá trái ngược của người mua lẫn người bán khiến khối lượng giao dịch chưa đạt đến mức cần có.

 

Thanh khoản bắt đầu thực sự chuyển biến kể từ sau 10h, lúc lực cầu bắt đầu phản công sau một nhịp điều chỉnh yếu đầu phiên. Khối lượng treo bán các mức gần tham chiếu không lớn là nguyên nhân dẫn tới việc giá tăng rất nhanh và mạnh nhưng thanh khoản ở mức bình thường. Trừ một vài mã bên mua cần nỗ lực nhất định như PVX, VND, đa số còn lại cầu dễ dàng chiến thắng.

 

Phản ứng của người bán trong đợt phản công này diễn ra theo đúng tâm lý: Nhận thấy cầu tăng mạnh, ngoài một bộ phận chấp nhận rải bán tương đối thấp gần tham chiếu, đa số bắt đầu hủy lệnh và nâng giá lên, thậm chí treo bán trần hoặc sát trần. Người mua không cần tốn sức lắm cũng có thể nâng giá khớp lên rất mạnh. Chỉ số cả hai sàn đều phục hồi với tốc độ nhanh trong vòng chưa đầy 45 phút.

 

Quan sát giao dịch ở một số cổ phiếu thanh khoản cao, có thể nhận thấy hành động lôi kéo người mua khá rõ. Khối lượng chặn mua từ tham chiếu trở lên vài bước giá đều rất cao, đồng nghĩa với việc ai muốn mua được phải chèn lệnh lên mức cao hơn. Khối lượng chặn mua này rất ổn định, thậm chí không bị “lung lay” ngay cả khi người bán xả hàng ép giá xuống sát bước giá được chặn bán.

 

PVX là điển hình cho tình trạng này. Từ tham chiếu 11.600 đồng (thậm chí thấp hơn nữa), lượng chặn mua rất cao kéo dài đến giá 11.800 đồng trong suốt buổi sáng. Do đó không có gì ngạc nhiên khi PVX chỉ được giao dịch loanh quanh giá 11.900 đồng và 12.000 đồng.

 

Độ rộng hai sàn hôm nay rất khá. HSX có 79 mã trần và 128 mã tăng giá. HXN cũng có 45 mã trần và 164 mã tăng giá. Độ rộng này là thực chất vì sức mua trên tham chiếu rất mạnh. Đặc biệt những cổ phiếu nóng giao dịch rất căng thẳng và được đẩy trần. SHN, SBS đã chấm dứt chuỗi phiên sàn liên tục khi lượng cầu lớn vào mua. Vẫn chưa rõ hoạt động mua này có bao nhiêu phần trăm là sang tay nội bộ nhưng với một phiên tâm lý hào hứng như sáng nay, hành động quét sàn tỏ ra rất hợp thời.

 

Trong khoảng 30 phút trước giờ nghỉ, HSX bắt đầu dao động đi ngang trong khi HNX xuất hiện một đợt bán khá lớn và chỉ số điều chỉnh trở lại. Ngoài số cổ phiếu vẫn đang kịch trần, nhóm cổ phiếu lớn giao dịch trong biên độ hẹp và không thể kéo chỉ số lên được. Nếu phiên chiều nay lại xuất hiện diễn biến bất ngờ - dù là theo hướng nào – thì thanh khoản sẽ tăng rất mạnh vì cả lượng chặn mua lẫn chặn bán đều rất dày đặc.

Lan Ngọc

 Vneconomy


Cảnh báo sớm nguy cơ đổ bể

Ngày đăng : 25/04/2012 - 9:31 AM

 

Không biết có bao nhiêu CTCK nữa đang trong vòng nguy hiểm và bao nhiêu CTCK sẽ biến mất trên thị trường. 

 

 

Thật tình cờ khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) công bố 6 CTCK bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt lại trùng với thời điểm A.M.Best, Công ty xếp hạng định mức tín nhiệm uy tín nhất toàn cầu trong lĩnh vực bảo hiểm, có các hoạt động chính thức tiếp cận thị trường tài chính Việt Nam. A.M.Best đã có 3 khách hàng tại Việt Nam và họ xác định Việt Nam là một thị trường quan trọng tại khu vực Đông Nam Á.

 

Là nhà đầu tư chứng khoán, khó có ai không đọc dòng tin về các CTCK bị kiểm soát đặc biệt để chắc chắn rằng, tiền và tài sản của mình không bị “giao trứng cho ác”. Song khi đọc bản tin đó, phần lớn đều tự hỏi có bao nhiêu CTCK nữa đang trong vòng nguy hiểm, khi mỗi cái tên được xướng lên, CTCK còn lại gì để NĐT yên tâm gửi gắm tài sản của mình. Xử phạt không phải là giải pháp nhà đầu tư mong muốn mỗi khi có CTCK đổ bể, cái họ cần là một cơ chế cảnh báo sớm để họ chủ động phân biệt được nơi nào là an toàn, nơi nào không.

 

Trở lại với câu chuyện xếp hạng định mức tín nhiệm trên thị trường tài chính Việt Nam. Đầu năm nay, ngành ngân hàng nổ phát súng đầu tiên khi Ngân hàng Nhà nước phê duyệt hạn mức tăng trưởng tín dụng chia theo 4 nhóm. Cơ quan quản lý không công bố tên từng ngân hàng thuộc nhóm 1,2,3 hay 4 bởi lý do an ninh tiền tệ, song việc phân hạng này từng trở thành chủ đề được công chúng quan tâm. Dù mọi thang điểm và sự công tâm của người chấm đều chỉ có tính chất tương đối, người dân cũng đã được “lên dây cót” về những địa chỉ uy tín nên đến giao dịch, bản thân các ngân hàng cũng có cơ sở để truyền thông cho chất lượng sức khỏe của mình.

 

Tương tự ngành ngân hàng, Bộ Tài chính gần đây dự định tái cấu trúc hơn nữa khu vực bảo hiểm, phân các công ty trong ngành thành 4 nhóm. Cụ thể, nhóm 1 là các công ty có tính thanh khoản tốt và kinh doanh có lãi. Nhóm 2 là các công ty có hệ số thanh toán nợ đảm bảo nhưng gặp những vấn đề như chí phí hoạt động cao hoặc không có lãi trong 2 năm liên tiếp. Nhóm 3 gồm các công ty gần như không đáp ứng được mức độ thanh toán tối thiểu. Nhóm 4 là các công ty bảo hiểm có khả năng vỡ nợ, sẽ bị đặt dưới sự kiểm soát đặc biệt. Các công ty này có thể bị buộc phải sáp nhập với các công ty khác hoặc bị thanh lý.

 

Năm 2012 là năm của các cuộc tái cấu trúc, tập trung vào việc tái cấu trúc các ngân hàng, công ty bảo hiểm và công ty chứng khoán. Việc xếp hạng các tổ chức tài chính của cơ quan quản lý được nhìn nhận là động thái cần thiết nhằm tạo ra môi trường kinh doanh giúp các công ty tập trung vào phát triển bền vững. Sau giai đoạn tăng nóng và thiếu định hướng dài hạn, các tổ chức tài chính buộc phải coi việc tạo ra lợi nhuận và an toàn vốn là mục tiêu song hành, đồng thời tăng cường quản trị rủi ro, nâng cao tính minh bạch của thông tin.

 

Khó có thể dự đoán những công ty nào sẽ biến mất trên thị trường, hệ quả của việc tái cấu trúc, song có một điều chắc chắn rằng, những thay đổi trong quan điểm “mạnh tay” của cơ quan quản lý có thể khiến các tổ chức tài chính khỏe hơn, an toàn hơn. Điều này cuối cùng sẽ mang lại lợi ích cho người dân, khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính và quan trọng là niềm tin cho thị trường.

 

Người quan sát

 ĐTCK


Chứng khoán sáng 24/4: Cung cầu thủ thế

Ngày đăng : 24/04/2012 - 1:38 PM

 

Mặc dù cho đến giờ nghỉ, hai Index tạm dừng với tình trạng giảm điểm nhưng hầu hết có mức giảm khá thấp. 

 

Tình trạng thị trường hôm nay không khác phiên trước là mấy: Nhà đầu tư cẩn trọng đáng kể trong giao dịch, hạn chế nâng giá và chỉ chờ giá giảm mới mua nhỏ giọt. Thanh khoản thấp là điều dễ hiểu.

 

Giao dịch trên cả hai sàn rất yếu trong những phút đầu tiên và mức giá mở cửa không thực sự chắc chắn. VN-Index mở cửa tăng nhẹ 0,1% với khoảng 38 tỷ đồng giá trị khớp lệnh, thấp nhất trong 11 phiên trở lại đây. Đa số blue-chip đứng im, chỉ một số mã có thể kéo chỉ số lên như HAG (giá điều chỉnh kỹ thuật), HPG, FPT, HVG. Nhóm cổ phiếu nhỏ tăng khá nhưng ngay ở những mã nóng cũng xuất hiện tình trạng “bung trần”.

 

Thị trường sụt giảm rất nhanh sau đó trên diện rộng và mức mất điểm lớn của chỉ số phụ thuộc vào nhóm vốn hóa lớn suy yếu trở lại trên cả hai sàn. BVH, MSN, VIC, PVD... và ACB, PVX, VND…nhanh chóng giảm xuống dưới tham chiếu tạo một nhịp điều chỉnh nhanh kéo dài đến khoảng 9h40.

 

Ở vùng giá thấp hơn tham chiếu, đa số cổ phiếu nhận được lực cầu đủ tốt để hãm lại đà giảm và giao dịch trở nên chậm chạp và rất thiếu sinh khí. Mức giảm nhẹ dưới tham chiếu một hai bước giá có thể coi là tín hiệu tích cực vì hôm nay là phiên thứ 3 thị trường vẫn chưa cho thấy áp lực bán rẻ tăng lên. Dĩ nhiên để đẩy giá qua được khối lượng chặn bán từ tham chiếu trở nên, người mua cần một động lực lớn hơn nhiều mức hiện tại. Do đó tình cảnh giằng co diễn ra trong hầu hết thời gian còn lại của buổi sáng.

 

Bán không hạ giá, mua chưa chịu nâng giá, thanh khoản HSX cả buổi chỉ có 609 tỷ đồng và HNX đạt 355 tỷ đồng. Đánh giá hiện tượng giằng co này tốt hay xấu tùy từng vị thế nhất định. Người mua treo giá thấp chờ mãi không khớp có thể cho rằng giao dịch như vậy là tốt. Ngược lại, người bán treo giá chờ mãi cũng không bán được có thể thấy sốt ruột vì người mua không chịu nâng giá lên. Tóm lại thị trường đang thiếu động lực và sự cẩn trọng dâng cao hơn.

 

Để phá vỡ tình trạng này, phải có một bên chấp nhận mạo hiểm. Nếu căn cứ vào dao động sụt mạnh rồi chững lại và phục hồi dần trong buổi sáng, có thể thấy người mua đã mạnh dạn chặn gần tham chiếu hơn. Vấn đề là chặn để mua hay đẩy giá là hai chuyện khác nhau. Cần xuất hiện vài đợt dao động mạnh hơn nữa mới có thể kiểm tra được cung cầu chính xác. Chẳng hạn nếu người mua hưng phấn hơn, sẵng sàng mua trên tham chiếu, cung bấy giờ mới xuất hiện một cách thực chất. Ngược lại, nếu người bán hạ giá mạnh xuống, lực cầu bắt đáy thực sự mới có thể gia tăng rõ rệt.

 

Những khoảng lặng như tình cảnh giao dịch hiện tại khó có thể kéo dài vì rốt cục sẽ có một bên hành động trước. 

Lan Ngọc

 Vneconomy


Chứng khoán toàn cầu lao dốc trước nhiều tin bất ổn

Ngày đăng : 24/04/2012 - 9:30 AM

 

 

Thị trường chứng khoán toàn cầu đã lao dốc trong phiên giao dịch đầu tuần trước các thông tin không mấy tích cực từ châu Âu và Walmart. 

 

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã từ chức vào hôm thứ Hai (23/4) sau khi cuộc đàm phán về chính sách thắt lưng buộc bụng cuối tuần qua bị sụp đổ. Thêm vào đó là việc cuộc bầu cử Thống thống ở Pháp vẫn chưa đến hồi kết cũng khiến giới đầu tư thận trọng.

 

Ngoài ra, những lo lắng mới đến như khủng hoảng kinh doanh của khu vực đồng euro nổi lên khi chỉ số quản lý sức mua PMI Markit giảm mạnh trong tháng 4 và là tháng thấp nhất từ đầu năm, báo hiệu sự khó khăn trong phục hồi kinh tế của khu vực này.

 

Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng ở Walmart, nhà bán lẻ lớn nhất thế giới khiến cổ phiếu này giảm mạnh, góp phần không nhỏ kéo chỉ sô Dow Jones giảm sâu. Tờ New York Times đưa tin, các quan chức Walmart gây trở ngại 1 cuộc điều tra nội bộ vào các cáo buộc hối lộ ở đơn vị Walmart de Mexico.

 

Kết thúc phiên đầu tuần (23/4), chỉ số Dow Jones giảm 102,09 điểm (-0,78%), xuống 12.927,17. Chỉ số S&P 500 giảm 11,59 điểm (-0,84%), xuống 1.366,94. Chỉ số Nasdaq giảm 30,00 điểm (-1,00%), xuống 2.970,45.

 

Với những khủng hoảng chính trị ở Hà Lan, sự chưa chắc chắn của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp và dấu hiệu của một cuộc suy thoái mới, thị trường chứng khoán châu Âu đã đồng loạt lao dốc trong phiên đầu tuần. Két thúc phiên, chỉ số FTSE 100 của Anh, giảm 106,58 điểm (-1.85%), xuống 5.665,57 điểm. Chỉ số DAX của Đức, giảm 227,12 điểm (-3,36%), xuống 6.523,00 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 90,21 điểm (-2,83%), xuống 3.098,37 điểm.

 

Trong phiên đầu tuần, các thị trường chứng khoán châu Á có những phút thăng hoa đầu phiên, nhưng những thông tin không mấy tích cực từ châu Âu đã khiến các chỉ số chứng khoán châu Á đi xuống đều vào cuối phiên. Kết thúc phiên 23/4. chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 19,19 điểm (-0,2%), xuống 9.542,17 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 386,25 điểm (-1,84%), xuống 20.624,39 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 18,28 điểm (-0,76%), xuống 2.388,59 điểm.

T.Lê

 ĐTCK

 


 

Tin mới cập nhật