Chông chênh tái cấu trúc CTCK

Ngày đăng : 17/09/2012 - 9:51 PM

 

Chông chênh tái cấu trúc CTCK

 

               

 

Rút giấy phép kinh doanh đồng nghĩa với việc chấm dứt tư cách pháp nhân của CTCK. Điều này rất dễ dẫn đến khiếu kiện của các chủ nợ với CTCK bị xóa sổ.

 

Không có đơn vị đo lường chính xác được tổng rủi ro, không xác định được những số lũy kế thực, hai điểm tựa phân nhóm là vốn khả dụng trên tổng rủi ro và lỗ lũy kế/vốn điều lệ trong Đề án tái cấu trúc sẽ không bao giờ chính xác. Hệ quả là, công cụ này của Bộ Tài chính dễ dàng bị các CTCK vô hiệu hóa.

 

Gậy pháp lý chưa chắc

Một trong những mục tiêu chính của Đề án tái cấu trúc các công ty chứng khoán (CTCK) là từng bước thu hẹp số lượng các CTCK trên cơ sở nâng cao chất lượng hoạt động, năng lực tài chính, quản trị DN và khả năng kiểm soát rủi ro của các CTCK. Cơ sở để thực hiện mục tiêu này là Thông tư 226/2010/TT-BTC. Tuy nhiên, theo chuyên gia chứng khoán Thông tư chưa đủ gánh vác vai trò này.

Khoản 4, Điều 14 của Thông tư quy định thời hạn kiểm soát đặc biệt tối đa 6 tháng, nếu CTCK không khắc phục được tình trạng kiểm soát đặc biệt và có lỗ gộp vượt 50% vốn điều lệ thì bị đình chỉ hoạt động.

Nhưng những giải pháp khắc phục mà Thông tư đưa ra cho các công ty bị kiểm soát đặc biệt, theo các chuyên gia, chỉ dành cho các CTCK mới gặp khó khăn. Bởi nếu có thể bán được tài sản, thu hồi nợ, cắt giảm chi phí, thu hẹp phạm vi hoạt động có lẽ họ thực hiện từ trước, chẳng để đến ngày rơi vào “danh sách đen”.

Các giải pháp khác như tăng vốn điều lệ, hợp nhất, sáp nhập với các CTCK khác cũng khó khả thi, nhất là trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Các công ty kinh doanh có lãi còn khó hút vốn, nói gì đến những CTCK thua lỗ, bị kiểm soát đặc biệt.

Chưa kể Thông tư chưa lường trước được những kịch bản có thể xảy ra trong thực tế, khiến các CTCK vẫn có thể kéo dài thời gian “tự cứu”. Ví như với những CTCK nằm trong dạng kiểm soát có thời hạn để “sửa mình” không chỉ tối đa là 1 năm, trong trường hợp xét thấy cần thiết, theo đề nghị của CTCK, UBCKNN kéo dài thời hạn kiểm soát thêm 6 tháng.

Dự thảo sửa đổi Thông tư 226 cũng giữ nguyên quy định này. Ngay cả thời hạn kiểm soát đặc biệt tối đa 6 tháng dù được dự thảo sửa đổi Thông tư 226 đề nghị là 3 tháng, tuy nhiên, theo các chuyên gia, thời hạn như vậy vẫn quá dài. Và điều gì sẽ xảy ra khi các CTCK kéo dài sự sống bằng việc thoát khỏi nhóm kiểm soát đặc biệt, lên nhóm kiểm soát rồi lại quay lại kiểm soát đặc biệt.

Chuyên gia Phạm Kinh Luân cho rằng, các CTCK không đáp ứng được tiêu chí về tỷ lệ vốn khả dụng/tổng rủi ro và lỗ lũy kế trên vốn điều lệ theo tiêu chuẩn nên bỏ vào cùng một “rổ”. Thời hạn kiểm soát không nên kéo quá dài thậm chí còn gia hạn như với nhóm kiểm soát hiện nay. Ông cho rằng quá thời hạn bị kiểm soát mà các CTCK vẫn không thể thăng hạng thì nên “bắn bỏ”.

Chưa kể, việc chấm dứt một CTCK nói thì dễ song hệ lụy của nó rất phức tạp. Rút giấy phép kinh doanh đồng nghĩa với việc chấm dứt tư cách pháp nhân của CTCK. Điều này rất dễ dẫn đến khiếu kiện của các chủ nợ với CTCK bị xóa sổ. Bởi các CTCK thường có mối quan hệ nợ nần phức tạp với các ngân hàng, đối tác, khách hàng. Nếu không giải quyết được dứt điểm việc này trước khi xóa sổ, chẳng khác nào giải thoát nghĩa vụ trả nợ của các CTCK.

Tốt xấu khó minh bạch

Theo đề án Tái cấu trúc CTCK của Bộ Tài chính, năm 2012 mới chỉ là giai đoạn phân nhóm và áp dụng các biện pháp theo nhóm, chặng đường tái cấu trúc các CTCK còn chờ đến năm 2013 với việc tăng cường năng lực quản trị, và hoạt động dựa trên 3 trụ cột chính: Quy định về mức độ đủ vốn; Quy định về hướng dẫn thông lệ khuôn khổ pháp lý quản trị rủi ro, đánh giá xếp hạng các tổ chức kinh doanh chứng khoán theo thông lệ quốc tế từ đó phân loại và giám sát các tổ chức này.

Tuy nhiên, đích đến này còn xa khi những bất cập về chế độ tài chính thời gian qua mang tính hệ thống. Chuyên gia Phạm Kinh Luân phân giải, chỉ nói riêng về việc trích lập dự phòng rủi ro đối với hoạt động đầu tư tài chính mỗi CTCK một khác.

Nếu như đối với chứng khoán niêm yết, người ta có thể xác định được giá trị giao dịch chính xác từng ngày thì với cổ phiếu trên thị trường tự do (OTC) việc không có đơn vị trung gian đứng ra làm cơ sở cung cấp các dữ liệu tổng hợp về thông tin giao dịch cổ phiếu OTC, khiến trong thời gian qua nhiều CTCK sử dụng khoản đầu tư OTC như một công cụ “xào nấu” báo cáo tài chính của mình.

Hay như với hoạt động cho vay kinh doanh chứng khoán (margin). Nếu hệ thống ngân hàng có một quy chuẩn về việc phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro cho từng khoản mục, thì với các CTCK tất cả đều phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của ban điều hành.

Có CTCK thích trích nhiều để trốn thuế, song lại có những công ty trích lấy lệ hoặc không trích để làm đẹp báo cáo tài chính. Đây cũng chính là lý do nhiều nhà đầu tư (NĐT) bỗng té ngửa khi CTCK công bố lỗ vì phải trích lập khoản đầu tư này khoản đầu tư nọ.

Trong khi đó, tỷ lệ trích lập dự phòng càng thấp càng cho thấy rủi ro phát sinh thêm các khoản lỗ càng cao. Hay như những khoản thu khác, và khoản nợ ngoại bảng, việc chưa có những quy định kế toán cụ thể về việc hạch toán, trích lập dự phòng rủi ro khiến cho các CTCK đánh lận con đen, che giấu UBCKNN, Sở giao dịch, NĐT. 

Không có đơn vị đo lường chính xác được tổng rủi ro, không xác định được những số lũy kế thực, hai điểm tựa phân nhóm là vốn khả dụng trên tổng rủi ro và lỗ lũy kế/vốn điều lệ trong Đề án tái cấu trúc sẽ không bao giờ chính xác.

Hệ quả là, công cụ này của Bộ Tài chính dễ dàng bị các CTCK vô hiệu hóa. Chưa kể những chế tài xử lý chưa mạnh khiến các CTCK nhờn mặt, sẵn sàng nộp phạt để không nộp những báo cáo tài chính theo quy định.

Đơn cử như ngày 15/8 vừa qua được coi là thời điểm quan trọng trong quá trình tái cấu trúc các CTCK nhưng vẫn có CTCK nộp muộn. Danh sách các CTCK bị đưa vào tầm ngắm vẫn gần như không thay đổi.

Đây chính là lý do nhiều NĐT tin rằng có một bức tranh khác về năng lực các CTCK. Số thực của những CTCK bị kiểm soát đặc biệt thực chất sẽ còn nhiều hơn con số 7 như đã công bố. Chưa kể, trong những CTCK bị UBCKNN rút giấy phép nghiệp vụ môi giới, ẩn sau đó có phải là câu chuyện của những DN không còn an toàn tài chính.

Giảm bao nhiêu CTCK và bao nhiêu là đủ, câu trả lời phụ thuộc vào nhu cầu thị trường và năng lực thực của các CTCK. Tuy nhiên để làm được điều đó chuyên gia Phạm Kinh Luân cho rằng, cần phải sớm đưa ra bộ tiêu chuẩn về kế toán cho các CTCK. Đây sẽ là mắt lưới sàng lọc từ đó có những biện pháp hỗ trợ và tái cấu trúc.

 

Theo Nhất Thanh

Thời báo ngân hàng

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Ủy thác đầu tư: Tảng băng chìm đang nổi

Ngày đăng : 22/08/2012 - 11:05 PM

 

Ủy thác đầu tư: Tảng băng chìm đang nổi

 

 

 

Tiền tài trợ cho chứng khoán, đặc biệt trong các trường hợp thôn tính, thâu tóm, làm giá cổ phiếu, lũng đoạn thị trường lại bùng phát dưới hình thức mới. Tiền được rót thẳng vào tài khoản NĐT.

 

Khoảng 19.000 tỷ đồng là tổng dư nợ các khoản mục ủy thác đầu tư của CTCK mà thanh tra UBCK đã phát hiện trong lộ trình thanh, kiểm tra nhằm tái cơ cấu khối doanh nghiệp này.

Các đợt thanh tra chưa kết thúc, nhưng phần kết quả lộ diện đã cho thấy cần phải có khung pháp lý bịt các lỗ hổng, đồng thời chấn chỉnh hoạt động cung cấp vốn, lách quy định tín dụng của không ít ngân hàng.

Tảng băng chìm ủy thác đầu tư

Báo lỗ nặng đến mức về cơ bản đã mất hết vốn chủ sở hữu trong quý 4/2011 và quý I/2012 nhưng hiện CTCK Sacombank (SBS) vẫn còn một số khoản nợ trị giá hàng trăm tỉ đồng, việc làm rõ đòi hỏi sự tham gia của kiểm toán độc lập. Có những khoản vay, như khoản 230 tỉ đồng từ một TCTD nọ, SBS là người trung gian, môi giới giữa khách hàng và ngân hàng. Đến khid đầu tư chứng khoán thua lỗ, khách hàng không trả được nợ, bỏ của chạy lấy người, SBS là người lãnh đủ.

Một CTCK khác, được sự hỗ trợ của ngân hàng mẹ cũng dưới dạng ủy thác đầu tư, vẫn còn dưu nợ đòn bẩy hơn ngàn tỉ đồng, tự đầu năm đến nay mới thu hồi được khoảng 100 tỉ đồng. nợ xấu là chuyện không tránh khỏi.

Những trường hợp như trên không phải hiếm gặp. Suốt hai năm 2010-2011 khi cho vay chứng khoán, bất động sản bị siết lại, nhất là khi tỉ lệ bị kéo về 16% tổng dư nợ theo quy định của NHNN, tiền từ ngân hàng vẫn chảy vào lĩnh vực này dưới hình thức ủy thác đầu tư, trái phiếu DN, đặt cọc, ký quỹ…

Một đợt thanh tra tổng lực của NHNN tập trung riêng vào ủy thác đầu tư năm ngoái đã cho thấy dư nợ của các ngân hàng ở đây lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng, làm biến dạng bức tranh tín dụng. Tuy nhiên ở thời điểm đó việc sử lý nghiệp vụ ủy thác đầu tư đã không thể mạnh tay ngay lập tức khi TTCK đang lao dốc, nhiều CTCK có thể phá sản gây hậu quả nghiêm trọng.

Sự ấm lên của TTCK mới đây là cơ hội để hàng loạt CTCK giải quyết “hàng tồn” ủy thác đầu tư, nhưng dù thế, tổng lượng hỗ trợ tài chính ở lĩnh vực này không giảm nhanh như mong muốn. Gần 19,000 tỷ đồng có thể chưa là dữ liệu cuối cùng, vì số liệu này vẫn căn cứ chủ yếu trên báo cáo của các CTCK, trong khi việc điều tra để tìm ra con số thực từ phía UBCK đang rất khó thực hiện vì thiếu quy định pháp lý.

Trong báo cáo tài chính của các ngân hàng và CTCk, ủy thác đầu tư luôn được hạch toán vào các khoản phải thu phải nộp khác, mà phần thuyết minh không rõ gồm những khoản mục gì.

Khi nhìn vào các khoản phải thu, người ta không thể tách bạch được đâu là nợ quá hạn, đâu là ủy thác đầu tư trái phiếu, đâu là cầm cố cổ phiếu, thậm chí cả đầu tư bất đống ản.

Một sự che giấu kín đáo và tiện lợi!

Chẳng hạn, báo cáo tài chính quý 2/2012 của CTCK Agribank (AGR) cho thấy ngày 30/6/2012 các khoản phải trả phải nộp ngắn hạn khác tăng vọt lên 4.127 tỷ đồng từ mức 1.219 tỉ đồng đầu năm. Các khoản phải thu của khách hàng cùng thời gian tăng từ 580 lên 1.690 tỉ đồng, nhưng chưa kể một khoản mục phải thu chung chung khác nữa 994 tỉ đồng.

Trung tâm lưu ký vào cuộc

UBCK gần đây đã gửi NHNN ba văn bản đề nghị phối hợp cùng kiểm soát việc cung cấp tín dụng cho các CTCK từ phía ngân hàng theo đúng quy định pháp luật.

Những điểm nhấn mà cơ quan quản lý TTCK kiến nghị bao gồm một hạn mức cho vay hợp lý, tỉ lệ cho vay chéo và cho vay trở lại công ty mẹ.

Trong khi UBCK có thể siết chặt hoạt động cho vay kí quỹ bằng các quy định về an toàn tài chính, cập nhật liên tục danh sách các cổ phiếu ký quỹ, loại bỏ các công ty không đủ năng lực ra khỏi mảng nghiệp vụ này thì Ủy ban lại không thể nắm bắt luồng vốn mà các ngân hàng rót vào CTCK dưới nhiều hình thức khác nhau.

Có những ngân hàng cho khách hàng vay trên cơ sở cầm cố cổ phiếu ở các CTCK. Song số cổ phiếu có thức không? Số lượng nhiều ít ra sao? Có đúng là cổ phiếu có chất lượng và thanh khoản tốt không?..thì hầu như ngân hàng không kiểm tra. Chỉ cần có xác nhận về cổ phiếu của CTCk là đủ.

Sự xác nhận đó của CTCK không hề minh chứng là CTCK đứng ra vay, họ chỉ môi giới mà thôi.

Đã xảy ra trường hợp cổ phiếu có ít, nhưng được xác nhận nhiều, cổ phiếu Ac được xác nhận là cổ phiếu B và giá trị vì thế xê dịch. Có trường hợp chưa quá nửa kỳ hạn vay, giá trị cổ phiếu mất đi một nửa, thấp hơn số tiền vay, nhưng ngân hàng không thanh lý kịp vì không…theo dõi kịp!

Hoặc khoản cần cố được gia hạn, được cho vay thêm, đảo nợ bởi không thể thanh lý vì cổ phiếu không thanh khoản và nếu có bán được, hoặc hạch toán lỗ quá nhiều.

“Hiện nay Trung tâm lưu ký đã chủ động tham gia vào quá trình cho vay cầm cố cổ phiếu bằng cách xác nhận có thực CTCK có cổ phiếu trong tài khoản, kể cả tài khoản của chính CTCK và khách hàng. Động thái này đã chặn đứng được sự cố tình giả mạo để vay tiền của một số khách hàng, một số CTCK”- một quan chức của UBCK nói với TBKTSG.

Không thể điều tra dòng tiền

Kể từ khi NHNN có quy định NHTM phải tính đầu tư trái phiếu doanh nghiệp vào dư nợ tín dụng, việc cho CTCK vay để mua trái phiếu DN giảm mạnh, nhưng tài trợ cho chứng khoán, đặc biệt trong các trường hợp thôn tính, thâu tóm, làm giá cổ phiếu, lũng đoạn thị trường lại bùng phát dưới hình thức mới.

Tiền ngân hàng giờ đây được rót thẳng vào các tài khoản của người mua, cả pháp nhân lẫn thể nhân, không loại trừ tiền từ thị trường liên ngân hàng.

Thanh tra UBCK, theo luật, không có khả năng tiếp cận tài khoản ngân hàng. Tiền từ đâu chuyển vào tài khoản NĐT? Dòng tiền giữa các tài khoản có liên hệ với nhau như thế nào? UBCK bó tay!

Trước khi đến một tài khoản nào đó, tiền có thể đi qua nhiều ngân hàng. Không điều tra được dòng tiền, nghĩa là không nắm được mối liên hệ giữa các tài khoản. cổ phiếu, tiền có thể chạy từ một tài khoản này về một tài khoản khác của cùng một chủ nhân dưới những tên khác nhau.

Chỉ có các ngân hàng mới có quyền tiếp cận các tài khoản khách hàng và nếu ngân hàng từ chối hợp tác, việc thanh tra hiện tượng lũng đoạn, làm giá, thâu tóm ách tắc hoàn toàn, trừ khi vụ việc nghiêm trọng đến mức cơ quan an ninh phải tham gia. Bảo mật tài khoản là bắt buộc đối với các ngân hàng.

Luật chứng khoán hiện hành của Việt Nam không cho phép UBCK có nghiệp vụ điều tra, mà chỉ có nghiệp vụ thanh tra. Trong khi đó, luật Chứng khoán nhiều nước cho phép điều này. ở mỹ, 80% các vụ thao túng giá cổ phiếu, làm giá, nội gián được phát hiện nhờ cơ quan quản lý thị trường có thể tiếp cận tài khoản ngân hàng. Tất nhiên việc tiếp cận tài khoản phải đáp ứng những quy định chặt chẽ và chứng cớ, dấu hiệu minh bạch.

Rõ ràng phải cần nhiều hơn nữa, ở mức độ cao hơn nữa sự hợp tác giữa cơ quan quản lý ngân hàng và chứng khoán vì sự trong sạch, minh bạch của thị trường và trả hoạt động tín dụng về bản chất của nó.


Thật đáng buồn khi mới đây NHNN công bố tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm ở mức 0,76% rồi phải thòng them một câu “nếu tính cả số dư đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp và ủy thác thì tăng 1,4%”. Tăng trưởng tín dụng đã không cách xa bao nhiêu số dư ủy thác đầu tư. Bao giờ hoạt động ủy thác mới thật sự công khai, thật sự đi vào khuôn phép?

(Bài viết được đăng trên Thời báo Kinh tế Sài gòn ngày 30/7/2012)

Theo Hải LýTBKTSG


Sắp có làn sóng cắt margin với cổ phiếu ngân hàng?

Ngày đăng : 22/08/2012 - 10:26 PM

 

Sắp có làn sóng cắt margin với cổ phiếu ngân hàng?

 

                     

 

Trước làn sóng hoảng loạn của nhà đầu tư, một số công ty chứng khoán thông báo ngừng cung cấp Margin (giao dịch ký quỹ) với các cổ phiếu nhằm giảm thiểu rủi ro.

 

Điều này càng làm cho thị trường thêm bi quan về viễn cảnh những ngày sắp tới.

Thông báo trên website sáng nay (22/08), Chứng khoán Vietcombank (VCBS) chính thức loại các cổ phiếu ACB, EIB, STB và PVX ra khỏi Danh mục chứng khoán được hỗ trợ cho vay mua ký quỹ tại VCBS từ ngày 22/08. Đối với những danh mục có cổ phiếu ACB, EIB, STB và PVX thì giá được áp là giá đóng cửa của phiên giao dịch ngày 21/08. Các chứng khoán khác trong Danh mục chứng khoán được hỗ trợ cho vay mua ký quỹ tại VCBS hiện đang áp dụng không thay đổi.

Tương tự, trong một thông báo gửi đến nhà đầu tư trong buổi sáng, Chứng khoán Kim Eng (KEVS) nêu rõ: “Do tình hình hiện nay các cổ phiếu ngân hàng có lượng dư bán sàn lớn, biến động giá bất ổn nên tạm thời phòng Quản lý rủi ro sẽ đưa các mã STB, EIB, ACB, NVB, SHB vào danh sách cổ phiếu cấm Approve”.

Như vậy, trong số các mã cổ phiếu ngân hàng đang niêm yết, còn VCB, CTG và MBB thoát nạn về việc cấm giao dịch ký quỹ bởi VCBS và KEVS. Đây đều là những ngân hàng có tỷ lệ sở hữu của Nhà nước nắm chi phối.

Một vài thông tin bên lề cho biết, VNDirect (VND) cũng sắp sửa loại bỏ các cổ phiếu ngân hàng ra khỏi danh mục Margin, tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng giám đốc công ty cho biết, VND hiện vẫn cho vay bình thường đối với các cổ phiếu này.

Tại CTCK ACB (ACBS), các giao dịch ký quỹ vẫn diễn ra bình thường, danh mục ngày 22/08 loại các cổ phiếu BBC, DHC, FMC, BTH, VHL, TBS. Một số mã khác có nguy cơ bị rút khỏi danh sách như HU1, TTF, DNC, DPC, LBE, MKV, TET, VBC… Trong khi đó, EIB, STB, PVX vẫn được tiếp tục ACBS tài trợ. Riêng ACB là cổ phiếu của ngân hàng mẹ nên ACBS không được phép đưa vào danh sách tài trợ.

Được biết, từ 23/07, ACBS đã giảm lãi suất giao dịch ký quỹ xuống còn 18%/năm. 

Tương tự, tại VietinbankSc (CTS) nhà đầu tư vẫn được tài trợ mua các cổ phiếu ACB, VCB, MBB, CTG, EIB, STB, SHB với tỷ lệ 40%. Tại một số công ty chứng khoán khác như CK Sài Gòn (SSI), CK BIDV (BSI), Rồng Việt (VDS)… tỷ lệ cho vay mua cổ phiếu ngân hàng cũng đều ở mức 40%.

Sự việc ông Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) đã ảnh hưởng nặng nề đến thị trường chứng khoán, đặc biệt là các cổ phiếu ngân hàng. Kết thúc phiên 22/08, các mã ACB, EIB và STB, SHB giảm kịch sàn phiên thứ hai liên tiếp, với dư bán áp đảo. Trong khi đó, VCB thu hẹp biên độ giảm còn 2.22%, tức chỉ mất thêm 600 đồng/cp; MBB cũng giảm nhẹ 2.11%, tức giảm 300 đồng so với phiên trước; CTG chốt phiên ở mức tham chiếu và NVB tăng nhẹ 100 đồng lên 8,100 đồng/cp.

 

Theo Viết Vinh

Vietstock


“Nới biên độ nằm trong giải pháp tổng thể của HOSE”

Ngày đăng : 15/08/2012 - 10:21 PM

 

“Nới biên độ nằm trong giải pháp tổng thể của HOSE”

 

                      

 

Ông Lê Hải Trà, Phó tổng giám đốc thường trực Sở GDCK. TP. HCM (HOSE) cho biết về mục đích kiến nghị nới biên độ lên 7% của Sở.

Ông Trà nói:

HOSE cùng với TTCK tồn tại và phát triển hơn 12 năm, có sự trưởng thành nhất định. Đến một lúc nào đó, nhu cầu của thị trường cũng như NĐT phải được mở rộng khoảng giá (nới biên độ) cao hơn so với hiện tại.

Do vậy, mục đích của HOSE khi kiến nghị nâng biên độ từ 5% lên 7% không phải chỉ mang tính nhất thời, mà nó nằm trong tổng thể phát triển của Sở, không đơn thuần là nới biên độ khi thị trường tăng và giảm biên độ khi thị trường đi xuống.

Việc nới biên độ là nằm trong lộ trình, chiến lược phát triển lâu dài của HOSE. Cùng với việc nới biên độ, HOSE sẽ nghiên cứu và giới thiệu các sản phẩm mới tương ứng với sự phát triển của thị trường. Điều này cũng không nằm ngoài mục đích tạo thêm sự tiện lợi, tăng tốc độ trong giao dịch, cũng như hỗ trợ NĐT kiểm soát rủi ro.

“Nới biên độ giúp thị trường phản ánh thật hơn về giá cổ phiếu” 

Ý kiến của ông Trịnh Hoài Giang, Phó giám đốc CTCK TP. HCM (HSC - mã HCM).

Ông Giang nói: 

Tôi ủng hộ việc nới biên độ của sàn HOSE từ 5% lên 7%. Nếu nhìn nhận đúng bản chất, thì việc nới biên độ này sẽ giúp thị trường phản ánh thật hơn về giá cổ phiếu, khi đó thị trường sẽ giảm bớt hiện tượng “làm giá” và NĐT cũng hào hứng hơn. 

Thực tế, mục đích của điều chỉnh biên độ được cho là nhằm tạo thanh khoản, tạo sức hấp dẫn hơn cho chứng khoán, qua đó thu hút thêm NĐT. Do vậy, theo tôi, đây là thời điểm thích hợp để áp dụng biên độ giao dịch rộng hơn.

Nhiều người có thể quan ngại thị trường tuột dốc mạnh khi biên độ được nới rộng, nhưng quan điểm của tôi thì chúng ta hoàn toàn có thể quản lý rủi ro. Đối với các CTCK, việc quản lý margin hiện nay vẫn căn cứ vào giá cuối ngày, nên có thể quản lý và xử lý được.

 

Theo Hải Vân

ĐTCK

 


Giảm kế hoạch lãi 2012 còn 69 tỷ đồng, Thêm áp lực cho IPO của Vietnam Airlines?

Ngày đăng : 13/08/2012 - 9:58 AM

 

Giảm kế hoạch lãi 2012 còn 69 tỷ đồng, Thêm áp lực cho IPO của Vietnam Airlines?

  

 

Việc phải điều chỉnh giảm một loạt chỉ tiêu kinh doanh sẽ làm tăng áp lực lên đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Vietnam Airlines vào năm 2013.

 

Trong số các chỉ tiêu kinh doanh vừa được Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đề xuất lên Bộ Giao thông - Vận tải xin phép điều chỉnh, đáng chú ý nhất là mức lợi nhuận sau thuế năm 2012 của Hãng sẽ chỉ còn khoảng 69 tỷ đồng, giảm hơn 300 tỷ đồng so với kế hoạch đưa ra đầu năm.

Bên cạnh đó, tổng doanh thu năm 2012 của Hãng cũng giảm 2.400 tỷ đồng, tương đương 4,6% kế hoạch, xuống còn 52.460 tỷ đồng.

 

Cần phải nói thêm rằng, nếu không hoàn thành mục tiêu tiết kiệm 2.080 tỷ đồng chi phí (tăng 244 tỷ đồng so với kế hoạch ban đầu), Vietnam Airlines rất có thể sẽ kết thúc năm 2012 với nhiều khó khăn.

 

Ông Phạm Viết Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vietnam Airlines cho biết, việc Hãng hàng không đang nắm tới hơn 75% thị phần vận chuyển hành khách nội địa này phải điều chỉnh lại kế hoạch lợi nhuận là điều bắt buộc, do kết quả kinh doanh trong 5 tháng đầu năm 2012 không đạt mức như kỳ vọng.

Cụ thể, doanh thu 5 tháng đầu năm, bao gồm cả doanh thu vận tải hàng không chỉ đạt 21.078 tỷ đồng, bằng 38,7% kế hoạch. Trên thực tế, nếu không nhờ mạnh tay cắt giảm 9 -10% chi phí, Vietnam Airlines chưa chắc đạt được khoản lợi nhuận là 13 tỷ đồng.

 

Dù việc cắt giảm cung ứng nội địa để đối phó với nhu cầu giảm đã được Hãng thực hiện liên tục trên toàn mạng bay, nhưng hiệu quả khai thác vẫn suy giảm so với cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn kế hoạch. Ghế suất nội địa 5 tháng đầu năm của Vietnam Airlines chỉ đạt 78,2%, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái 2,8 điểm và thấp hơn kế hoạch 3,2 điểm. Ghế suất 5 tháng trên các tuyến bay quốc tế của Hãng cũng chỉ ở mức tiệm cận gần với kế hoạch đề ra.

 

Theo báo cáo kết quả kinh doanh mới nhất của Hãng, ngay cả trong tháng 7 - tháng cao điểm Hè, doanh thu từ thị trường nội địa vẫn giảm 2,5 % so với cùng kỳ năm ngoái và giảm mạnh so với dự báo.

 

Ngoài tổng cầu giảm do suy thoái kinh tế, với việc tham gia mạnh mẽ của Vietjet Air, Vietnam Airlines cũng bị mất thị phần đáng kể trên 2 tuyến đường bay vàng là Hà Nội - TP.HCM và TP.HCM - Đà Nẵng.

Một yếu tố nữa khiến lãnh đạo Vietnam Airlines lo ngại chỉ tiêu lợi nhuận không đạt kế hoạch là vì phải trích lập dự phòng hơn 6 triệu USD, sau khi tiếp nhận Jetstar Pacific, bởi doanh nghiệp này lỗ ước tới 10 triệu USD.

 

Theo các chuyên gia, việc Vietnam Airlines buộc phải điều chỉnh giảm các mục tiêu kinh doanh, cho dù hợp lý trong bối cảnh kinh tế chung, sẽ khiến gia tăng áp lực lên tham vọng thu về tối thiểu 200 triệu USD trong đợt IPO. Theo đó, ngay cả khi hoàn thành kế hoạch điều chỉnh năm 2012, hai chỉ tiêu tài chính quan trọng nhất của Vietnam Airlines là tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu và tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu lần lượt đạt những kết quả khá khiêm tốn là 0,73% và 0,13%.

 

Hiện thời điểm IPO của Vietnam Airlines đã được “chốt” là không chậm hơn cuối năm 2013. Bên cạnh đó, Vietnam Airlines dự kiến xây dựng phương án bán cổ phần cho các nhà đầu tư theo hình thức phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, với tỷ lệ vốn nhà nước sau khi cổ phần hóa là 70% - 80%.

 

Việc tiến hành cổ phần hóa Vietnam Airlines là một trong những giải pháp tài chính quan trọng đầu tiên để Hãng này khởi động quá trình tái cơ cấu để trở thành hãng hàng không tiên tiến, có quy mô thứ ba khu vực ASEAN, với chất lượng các dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế 4 sao vào năm 2015.

Theo Anh Minh

Báo Đầu tư


Manchester United IPO thu về 233,3 triệu USD, không đạt được mục tiêu

Ngày đăng : 10/08/2012 - 12:28 PM

 

Manchester United IPO thu về 233,3 triệu USD, không đạt được mục tiêu

 

 

16,7 triệu cổ phiếu đã được bán ra với giá 14 USD/cổ phiếu. Đây là mức giá thấp hơn nhiều so với mức giá mục tiêu 16 đến 20 USD/cổ phiếu.

 

Manchester United, câu lạc bộ bóng đá giàu truyền thống nhất nước Anh với 19 lần vô địch giải ngoại hạng thực hiện phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và thu về 233,3 triệu USD. Như vậy, mức giá IPO thấp hơn nhiều so với mức giá mục tiêu trước đó. 

 

Theo thông báo được đưa ra, 16,7 triệu cổ phiếu, tương đương 10% tổng số cổ phần, đã được bán ra với mức giá 14 USD/cổ. Trước đó, câu lạc bộ này dự định mức giá nằm trong khoảng 16 USD đến 20 USD/cổ. 

 

Cổ phiếu của Manchester United sẽ bắt đầu được giao dịch vào ngày hôm nay (10/8), niêm yết trên sàn New York (NYSE) với mã là MANU. 

 

Nhà Glazer vẫn nắm 99% quyền biểu quyết bởi các cổ phần bán ra đều là loại A (tương đương với 1 phiếu biểu quyết) trong khi số cổ phiếu loại B (tương đương 10 phiếu biểu quyết) do họ nắm giữ. 

 

Với mức giá 14 USD/cổ, nhà Glazer chỉ thu về được 233,3 triệu USD, thấp hơn nhiều so với dự định trước đó. Trước khi IPO, câu lạc bộ này đã đặt mục tiêu nâng giá trị lên tới 3,8 triệu USD, gấp đô so với đội Real Madrid của Tây Ban Nha. 

 

Manchester United đã chọn niêm yết ở Mỹ thay vì kế hoạch IPO 1 tỷ USD tại Singapore như dự định trước đó.

 

Jefferies Group, Credit Suisse và JPMorgan Chase, Deutsche Bank và Bank of America là những công ty thực hiện tư vấn cho vụ IPO này.

 

Thu Hương

Theo TTVN/Bloomberg


 

Tin mới cập nhật