Sắp có làn sóng cắt margin với cổ phiếu ngân hàng?

Ngày đăng : 22/08/2012 - 10:26 PM

 

Sắp có làn sóng cắt margin với cổ phiếu ngân hàng?

 

                     

 

Trước làn sóng hoảng loạn của nhà đầu tư, một số công ty chứng khoán thông báo ngừng cung cấp Margin (giao dịch ký quỹ) với các cổ phiếu nhằm giảm thiểu rủi ro.

 

Điều này càng làm cho thị trường thêm bi quan về viễn cảnh những ngày sắp tới.

Thông báo trên website sáng nay (22/08), Chứng khoán Vietcombank (VCBS) chính thức loại các cổ phiếu ACB, EIB, STB và PVX ra khỏi Danh mục chứng khoán được hỗ trợ cho vay mua ký quỹ tại VCBS từ ngày 22/08. Đối với những danh mục có cổ phiếu ACB, EIB, STB và PVX thì giá được áp là giá đóng cửa của phiên giao dịch ngày 21/08. Các chứng khoán khác trong Danh mục chứng khoán được hỗ trợ cho vay mua ký quỹ tại VCBS hiện đang áp dụng không thay đổi.

Tương tự, trong một thông báo gửi đến nhà đầu tư trong buổi sáng, Chứng khoán Kim Eng (KEVS) nêu rõ: “Do tình hình hiện nay các cổ phiếu ngân hàng có lượng dư bán sàn lớn, biến động giá bất ổn nên tạm thời phòng Quản lý rủi ro sẽ đưa các mã STB, EIB, ACB, NVB, SHB vào danh sách cổ phiếu cấm Approve”.

Như vậy, trong số các mã cổ phiếu ngân hàng đang niêm yết, còn VCB, CTG và MBB thoát nạn về việc cấm giao dịch ký quỹ bởi VCBS và KEVS. Đây đều là những ngân hàng có tỷ lệ sở hữu của Nhà nước nắm chi phối.

Một vài thông tin bên lề cho biết, VNDirect (VND) cũng sắp sửa loại bỏ các cổ phiếu ngân hàng ra khỏi danh mục Margin, tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng giám đốc công ty cho biết, VND hiện vẫn cho vay bình thường đối với các cổ phiếu này.

Tại CTCK ACB (ACBS), các giao dịch ký quỹ vẫn diễn ra bình thường, danh mục ngày 22/08 loại các cổ phiếu BBC, DHC, FMC, BTH, VHL, TBS. Một số mã khác có nguy cơ bị rút khỏi danh sách như HU1, TTF, DNC, DPC, LBE, MKV, TET, VBC… Trong khi đó, EIB, STB, PVX vẫn được tiếp tục ACBS tài trợ. Riêng ACB là cổ phiếu của ngân hàng mẹ nên ACBS không được phép đưa vào danh sách tài trợ.

Được biết, từ 23/07, ACBS đã giảm lãi suất giao dịch ký quỹ xuống còn 18%/năm. 

Tương tự, tại VietinbankSc (CTS) nhà đầu tư vẫn được tài trợ mua các cổ phiếu ACB, VCB, MBB, CTG, EIB, STB, SHB với tỷ lệ 40%. Tại một số công ty chứng khoán khác như CK Sài Gòn (SSI), CK BIDV (BSI), Rồng Việt (VDS)… tỷ lệ cho vay mua cổ phiếu ngân hàng cũng đều ở mức 40%.

Sự việc ông Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) đã ảnh hưởng nặng nề đến thị trường chứng khoán, đặc biệt là các cổ phiếu ngân hàng. Kết thúc phiên 22/08, các mã ACB, EIB và STB, SHB giảm kịch sàn phiên thứ hai liên tiếp, với dư bán áp đảo. Trong khi đó, VCB thu hẹp biên độ giảm còn 2.22%, tức chỉ mất thêm 600 đồng/cp; MBB cũng giảm nhẹ 2.11%, tức giảm 300 đồng so với phiên trước; CTG chốt phiên ở mức tham chiếu và NVB tăng nhẹ 100 đồng lên 8,100 đồng/cp.

 

Theo Viết Vinh

Vietstock

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

“Nới biên độ nằm trong giải pháp tổng thể của HOSE”

Ngày đăng : 15/08/2012 - 10:21 PM

 

“Nới biên độ nằm trong giải pháp tổng thể của HOSE”

 

                      

 

Ông Lê Hải Trà, Phó tổng giám đốc thường trực Sở GDCK. TP. HCM (HOSE) cho biết về mục đích kiến nghị nới biên độ lên 7% của Sở.

Ông Trà nói:

HOSE cùng với TTCK tồn tại và phát triển hơn 12 năm, có sự trưởng thành nhất định. Đến một lúc nào đó, nhu cầu của thị trường cũng như NĐT phải được mở rộng khoảng giá (nới biên độ) cao hơn so với hiện tại.

Do vậy, mục đích của HOSE khi kiến nghị nâng biên độ từ 5% lên 7% không phải chỉ mang tính nhất thời, mà nó nằm trong tổng thể phát triển của Sở, không đơn thuần là nới biên độ khi thị trường tăng và giảm biên độ khi thị trường đi xuống.

Việc nới biên độ là nằm trong lộ trình, chiến lược phát triển lâu dài của HOSE. Cùng với việc nới biên độ, HOSE sẽ nghiên cứu và giới thiệu các sản phẩm mới tương ứng với sự phát triển của thị trường. Điều này cũng không nằm ngoài mục đích tạo thêm sự tiện lợi, tăng tốc độ trong giao dịch, cũng như hỗ trợ NĐT kiểm soát rủi ro.

“Nới biên độ giúp thị trường phản ánh thật hơn về giá cổ phiếu” 

Ý kiến của ông Trịnh Hoài Giang, Phó giám đốc CTCK TP. HCM (HSC - mã HCM).

Ông Giang nói: 

Tôi ủng hộ việc nới biên độ của sàn HOSE từ 5% lên 7%. Nếu nhìn nhận đúng bản chất, thì việc nới biên độ này sẽ giúp thị trường phản ánh thật hơn về giá cổ phiếu, khi đó thị trường sẽ giảm bớt hiện tượng “làm giá” và NĐT cũng hào hứng hơn. 

Thực tế, mục đích của điều chỉnh biên độ được cho là nhằm tạo thanh khoản, tạo sức hấp dẫn hơn cho chứng khoán, qua đó thu hút thêm NĐT. Do vậy, theo tôi, đây là thời điểm thích hợp để áp dụng biên độ giao dịch rộng hơn.

Nhiều người có thể quan ngại thị trường tuột dốc mạnh khi biên độ được nới rộng, nhưng quan điểm của tôi thì chúng ta hoàn toàn có thể quản lý rủi ro. Đối với các CTCK, việc quản lý margin hiện nay vẫn căn cứ vào giá cuối ngày, nên có thể quản lý và xử lý được.

 

Theo Hải Vân

ĐTCK

 


Giảm kế hoạch lãi 2012 còn 69 tỷ đồng, Thêm áp lực cho IPO của Vietnam Airlines?

Ngày đăng : 13/08/2012 - 9:58 AM

 

Giảm kế hoạch lãi 2012 còn 69 tỷ đồng, Thêm áp lực cho IPO của Vietnam Airlines?

  

 

Việc phải điều chỉnh giảm một loạt chỉ tiêu kinh doanh sẽ làm tăng áp lực lên đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Vietnam Airlines vào năm 2013.

 

Trong số các chỉ tiêu kinh doanh vừa được Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đề xuất lên Bộ Giao thông - Vận tải xin phép điều chỉnh, đáng chú ý nhất là mức lợi nhuận sau thuế năm 2012 của Hãng sẽ chỉ còn khoảng 69 tỷ đồng, giảm hơn 300 tỷ đồng so với kế hoạch đưa ra đầu năm.

Bên cạnh đó, tổng doanh thu năm 2012 của Hãng cũng giảm 2.400 tỷ đồng, tương đương 4,6% kế hoạch, xuống còn 52.460 tỷ đồng.

 

Cần phải nói thêm rằng, nếu không hoàn thành mục tiêu tiết kiệm 2.080 tỷ đồng chi phí (tăng 244 tỷ đồng so với kế hoạch ban đầu), Vietnam Airlines rất có thể sẽ kết thúc năm 2012 với nhiều khó khăn.

 

Ông Phạm Viết Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vietnam Airlines cho biết, việc Hãng hàng không đang nắm tới hơn 75% thị phần vận chuyển hành khách nội địa này phải điều chỉnh lại kế hoạch lợi nhuận là điều bắt buộc, do kết quả kinh doanh trong 5 tháng đầu năm 2012 không đạt mức như kỳ vọng.

Cụ thể, doanh thu 5 tháng đầu năm, bao gồm cả doanh thu vận tải hàng không chỉ đạt 21.078 tỷ đồng, bằng 38,7% kế hoạch. Trên thực tế, nếu không nhờ mạnh tay cắt giảm 9 -10% chi phí, Vietnam Airlines chưa chắc đạt được khoản lợi nhuận là 13 tỷ đồng.

 

Dù việc cắt giảm cung ứng nội địa để đối phó với nhu cầu giảm đã được Hãng thực hiện liên tục trên toàn mạng bay, nhưng hiệu quả khai thác vẫn suy giảm so với cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn kế hoạch. Ghế suất nội địa 5 tháng đầu năm của Vietnam Airlines chỉ đạt 78,2%, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái 2,8 điểm và thấp hơn kế hoạch 3,2 điểm. Ghế suất 5 tháng trên các tuyến bay quốc tế của Hãng cũng chỉ ở mức tiệm cận gần với kế hoạch đề ra.

 

Theo báo cáo kết quả kinh doanh mới nhất của Hãng, ngay cả trong tháng 7 - tháng cao điểm Hè, doanh thu từ thị trường nội địa vẫn giảm 2,5 % so với cùng kỳ năm ngoái và giảm mạnh so với dự báo.

 

Ngoài tổng cầu giảm do suy thoái kinh tế, với việc tham gia mạnh mẽ của Vietjet Air, Vietnam Airlines cũng bị mất thị phần đáng kể trên 2 tuyến đường bay vàng là Hà Nội - TP.HCM và TP.HCM - Đà Nẵng.

Một yếu tố nữa khiến lãnh đạo Vietnam Airlines lo ngại chỉ tiêu lợi nhuận không đạt kế hoạch là vì phải trích lập dự phòng hơn 6 triệu USD, sau khi tiếp nhận Jetstar Pacific, bởi doanh nghiệp này lỗ ước tới 10 triệu USD.

 

Theo các chuyên gia, việc Vietnam Airlines buộc phải điều chỉnh giảm các mục tiêu kinh doanh, cho dù hợp lý trong bối cảnh kinh tế chung, sẽ khiến gia tăng áp lực lên tham vọng thu về tối thiểu 200 triệu USD trong đợt IPO. Theo đó, ngay cả khi hoàn thành kế hoạch điều chỉnh năm 2012, hai chỉ tiêu tài chính quan trọng nhất của Vietnam Airlines là tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu và tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu lần lượt đạt những kết quả khá khiêm tốn là 0,73% và 0,13%.

 

Hiện thời điểm IPO của Vietnam Airlines đã được “chốt” là không chậm hơn cuối năm 2013. Bên cạnh đó, Vietnam Airlines dự kiến xây dựng phương án bán cổ phần cho các nhà đầu tư theo hình thức phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, với tỷ lệ vốn nhà nước sau khi cổ phần hóa là 70% - 80%.

 

Việc tiến hành cổ phần hóa Vietnam Airlines là một trong những giải pháp tài chính quan trọng đầu tiên để Hãng này khởi động quá trình tái cơ cấu để trở thành hãng hàng không tiên tiến, có quy mô thứ ba khu vực ASEAN, với chất lượng các dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế 4 sao vào năm 2015.

Theo Anh Minh

Báo Đầu tư


Manchester United IPO thu về 233,3 triệu USD, không đạt được mục tiêu

Ngày đăng : 10/08/2012 - 12:28 PM

 

Manchester United IPO thu về 233,3 triệu USD, không đạt được mục tiêu

 

 

16,7 triệu cổ phiếu đã được bán ra với giá 14 USD/cổ phiếu. Đây là mức giá thấp hơn nhiều so với mức giá mục tiêu 16 đến 20 USD/cổ phiếu.

 

Manchester United, câu lạc bộ bóng đá giàu truyền thống nhất nước Anh với 19 lần vô địch giải ngoại hạng thực hiện phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và thu về 233,3 triệu USD. Như vậy, mức giá IPO thấp hơn nhiều so với mức giá mục tiêu trước đó. 

 

Theo thông báo được đưa ra, 16,7 triệu cổ phiếu, tương đương 10% tổng số cổ phần, đã được bán ra với mức giá 14 USD/cổ. Trước đó, câu lạc bộ này dự định mức giá nằm trong khoảng 16 USD đến 20 USD/cổ. 

 

Cổ phiếu của Manchester United sẽ bắt đầu được giao dịch vào ngày hôm nay (10/8), niêm yết trên sàn New York (NYSE) với mã là MANU. 

 

Nhà Glazer vẫn nắm 99% quyền biểu quyết bởi các cổ phần bán ra đều là loại A (tương đương với 1 phiếu biểu quyết) trong khi số cổ phiếu loại B (tương đương 10 phiếu biểu quyết) do họ nắm giữ. 

 

Với mức giá 14 USD/cổ, nhà Glazer chỉ thu về được 233,3 triệu USD, thấp hơn nhiều so với dự định trước đó. Trước khi IPO, câu lạc bộ này đã đặt mục tiêu nâng giá trị lên tới 3,8 triệu USD, gấp đô so với đội Real Madrid của Tây Ban Nha. 

 

Manchester United đã chọn niêm yết ở Mỹ thay vì kế hoạch IPO 1 tỷ USD tại Singapore như dự định trước đó.

 

Jefferies Group, Credit Suisse và JPMorgan Chase, Deutsche Bank và Bank of America là những công ty thực hiện tư vấn cho vụ IPO này.

 

Thu Hương

Theo TTVN/Bloomberg


Công ty chứng khoán rầm rộ tuyển broker!

Ngày đăng : 10/08/2012 - 12:23 PM

 

Công ty chứng khoán rầm rộ tuyển broker!

 

 

Thay vì cơn sóng cắt giảm nhân sự như năm 2011, các CTCK hiện nay lại đang rầm rộ tuyển broker - cả chuyên nghiệp lẫn tự do!

 

Bước sang năm thứ 13 với 797.6 nghìn tỷ đồng vốn hóa thị trường, cùng với 1.2 triệu tài khoản… nhưng TTCK vẫn là một mảnh đất quá chật hẹp cho sự tồn tại của 105 công ty chứng khoán (CTCK).

Cơn bĩ cực từ vài năm trước vẫn chưa kết thúc. 105 CTCK, trong thời gian khó, đã phải làm đủ mọi cách để có thể sinh tồn. Cắt giảm nhân viên, thu hẹp hoạt động có lẽ là… “nghiệp vụ chính” của nhiều CTCK trong hai năm qua.

Dẫu vậy, cho đến thời điểm này, một số CTCK dường như chỉ tồn tại trên giấy tờ khi nghiệp vụ chính của một CTCK - môi giới - bị rút giấy phép, trụ sở làm việc thì lặn mất tăm... Chưa kể rất nhiều CTCK khác thoi thóp khi top 10 thị phần môi giới trên HOSE và HNX luôn chiếm trên 50%. Nhiều “ông lớn” một thời như SBS, MBS đang phải vật lộn để tái cấu trúc.

Đối với những broker, khó khăn trong thời gian qua là minh chứng cho một quy luật tất yếu: chọn lọc tự nhiên. Nhiều người mang vọng tưởng giàu lên nhanh chóng từ broker mà bỏ ngành nghề của mình chắc chắn đã nhận được bài học đắt giá khi họ chính là những người đầu tiên phải rời công ty trong đợt cắt giảm nhân sự. Số broker còn lại là bao nhiêu? Chưa có con số thống kê chính thức, nhưng cũng đã rơi rụng khá nhiều so với thời hoàng kim 2007. 

Cách đây không lâu, người viết có cuộc điện thoại đến Phòng đào tạo của Trung tâm đào tạo Ủy ban chứng khoán Nhà nước để hỏi về lớp Luật chứng khoán và Môi giới chứng khoán…

- “Phải chờ em à!”

Tuy có kế hoạch đào tạo từ đầu năm, nhưng vài năm gần đây chưa bao giờ Trung tâm mở hết các lớp, và lớp nào cũng phải lùi thời gian khai giảng ít nhất nửa tháng để… chờ người đăng ký. So với cái thời người người nhà nhà đi học chứng khoán, thậm chí nhiều sinh viên vì không có tiền đóng học phí đã đi học “chui”… thì câu chuyện kể trên mang biết bao xúc cảm ngậm ngùi.

Con sóng tăng đầu năm nay mang lại chút hy vọng và an ủi với giới broker sau thời gian khó. Nhưng từ tháng 5 trở lại đây, thị trường bước vào điều chỉnh đi ngang, khối lượng giao dịch sụt giảm mạnh. Thỉnh thoảng thị trường lên cơn “co giật” như ngày 19/7 hay ngày 6/8, lại nhen nhóm kỳ vọng phục hồi từ NĐT… Trong tình hình đó, diễn biến mua vào mạnh của khối tự doanh các CTCK trong nửa cuối tháng 7 đáng được lưu ý, và một động thái nữa của các CTCK cũng đáng nhận được sự quan tâm của thị trường… 

Họ đang rầm rộ tuyển broker…

SSI đang cần tuyển nhân viên môi giới tại các chi nhánh Hà Nội, Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Hải Phòng, Nha Trang, hạn nộp hồ sơ 15/8.

HSC đang tìm kiếm vị trí tương tự tại Hà Nội và Hồ Chí Minh. Trong khi đó, FPTS cần 10 broker cho hai chi nhánh Hà Nội, Hồ Chí Minh. CTCK Tân Việt cũng đang tuyển liên tục… 50 broker cho các chi nhánh Hà Nội, Hải Phòng, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Vĩnh Long, Quy Nhơn…

Kim Eng còn “khủng” hơn khi cần 20 broker tại Hội sở, các chi nhánh khác như Hải Phòng (1 trưởng phòng môi giới, 5 nhân viên môi giới), Chợ Lớn (2 trưởng phòng và 10 môi giới) , Cần Thơ (15 môi giới), Đồng Nai (10 môi giới), Vũng Tàu (1 trưởng phòng và 10 môi giới)… Kim Eng, trong quá trình mở rộng mạng lưới của mình, liên tục tuyển rất nhiều broker - các bản tin tuyển dụng của họ không có hạn nộp hồ sơ. 

Cuộc cạnh tranh thị phần giữa các CTCK luôn khốc liệt, nên trong bản tin tuyển dụng của các CTCK, ngoài yêu cầu về bằng cấp chuyên môn, các kỹ năng bán hàng, chứng chỉ của Trung tâm đào tạo Ủy ban chứng khoán Nhà nước… thì các CTCK luôn ưu tiên các ứng viên có kinh nghiệm trong nghề. SSI còn không ngần ngại khi ưu tiên “các ứng viên đang làm việc tại công ty chứng khoán khác” - nhằm mục đích trực tiếp lôi kéo mạng lưới khách hàng của ứng viên…

… và cả broker tự do!

Không chỉ tuyển broker, các CTCK cũng rầm rộ tuyển… cộng tác viên! Dù vị trí dự tuyển có khác nhau rất nhiều về tên gọi giữa các CTCK như: cộng tác viên phát triển thị trường, nhân viên hợp tác phát triển khách hàng… nhưng thực chất là họ tuyển môi giới tự do.

Không phải trả lương cứng, không phải đóng bảo hiểm cùng những phúc lợi khác như người lao động chính thức… là những ưu điểm của các cộng tác viên. Vì vậy, yêu cầu của các CTCK cũng dễ dàng hơn: chỉ cần là sinh viên năm 3, tốt nghiệp cao đẳng trở lên; có khả năng thương lượng thuyết phục khách hàng; không có yêu cầu về chuyên môn, chỉ cần… “có kiến thức cơ bản về kinh tế - tài chính” là đủ.

VNDirect (VND) đang tuyển 20 cộng tác viên phát triển khách hàng tại Hà Nội. Loại hình công việc thời vụ, hưởng lương cố định và kinh doanh. Yêu cầu chỉ là sinh viên năm 3 khối ngành kinh tế hoặc đã tốt nghiệp đại học, có danh sách khách hàng cơ bản đang đầu tư vào lĩnh vực tài chính… hạn nộp hồ sơ là 31/8.

CTCK Ngân hàng Quân đội (MBS) chi nhánh Hải Phòng cũng đang tìm kiếm nhân viên hợp tác phát triển khách hàng. Yêu cầu ứng viên là tốt nghiệp cao đẳng/đại học từ năm thứ 3 trở lên, có các kỹ năng về bán hàng, kỹ năng giao tiếp… ngày hết hạn nộp hồ sơ là 31/8…

Không phải ngẫu nhiên các CTCK lại tuyển môi giới vào thời gian này. Ngoài những ưu điểm đã kể trên, thì hiện nay - sau cơn sàng lọc của thị trường - rất nhiều broker mất việc tại các CTCK vẫn có mạng lưới khách hàng nhất định. Tuy rằng mạng lưới của một ứng viên không rộng rãi nhưng nếu tận dụng được nhiều môi giới như vậy cũng góp phần cải thiện phần nào kết quả hoạt động cho các CTCK, trong khi chi phí bỏ ra không đáng là bao.

Ngoài ra, một số CTCK - điển hình nhất là MBS - đang trong quá trình tái cấu trúc, và muốn đầu tư cho tương lai hơn khi họ đang tìm kiếm những ứng viên tiềm năng để đào tạo họ trở thành nhân viên chính thức.

Theo Ninh Văn Ngọc - sinh viên năm 4 chuyên ngành Kinh doanh chứng khoán, Học viện Tài Chính, cậu đã liên hệ và sắp triển khai dự án tuyển cộng tác viên là sinh viên chuyên ngành chứng khoán của Học viện Tài chính cho MBS tại Hà Nội. Đây là dự án của MBS để tìm kiếm và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho tương lai. Các sinh viên được đào tạo miễn phí tại công ty, được trao đổi với môi giới của công ty và được tiếp xúc trực tiếp với công việc thực tế của một broker thực thụ.

Broker - những chuyển động và thay đổi trong nghề này luôn dành được sự quan tâm của thị trường. Không chỉ vì vai trò quan trọng của họ đối với một TTCK non trẻ như Việt Nam khi đa số NĐT còn thiếu kiến thức trong một kênh đầu tư rất phức tạp là chứng khoán; mà còn bởi vì họ là “bộ mặt” của TTCK.

Việc tuyển dụng rầm rộ các broker của CTCK trong thời gian gần đây liệu có phải là một tín hiệu báo hiệu cho sự hồi phục của thị trường? Hay là cuối năm nay, sẽ lại là một tết buồn nữa của giới broker chứng khoán?

Theo Đoàn Xuân Thạo

FFN


Tỷ phú Thái Lan trả giá cao hơn ngăn Heineken thâu tóm Tiger Beer

Ngày đăng : 07/08/2012 - 11:19 PM

 

Tỷ phú Thái Lan trả giá cao hơn ngăn Heineken thâu tóm Tiger Beer

 

Thương vụ thâu tóm Tiger Beer của Heineken tiếp tục gặp khó khăn khi một tỷ phú Thái Lan tiếp tục đặt giá thầu cao hơn để có được cổ phần APB.

 

 

Ngày 7/8, Kindest Place Groups, công ty thuộc quyền sở hữu của con rể tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, đề nghị mua trực tiếp 7,3% cổ phần của công ty Asia Pacific Breweries (APB) từ hãng Fraser and Neave's (F&N), với mức giá hấp dẫn 55 USD/cổ phiếu, hãng F&N cho biết.

Động thái này được đưa ra sau khi công ty F&N của Singapore đồng ý bán cổ phần trực tiếp và gián tiếp trong APB cho Heineken với giá 4,1 tỷ USD, tương đương 50 USD/cổ phiếu. Hiện F&N kiểm soát khoảng 40% cổ phần của APB.

Hãng sản xuất bia Hà Lan hiện chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về động thái của công ty Thái Lan.



Nếu Kindest Place thành công, công ty sẽ nắm hơn 15% cổ phần của APB. Trước đó, công ty này đã mua được 7,9% cổ phần APB từ tay hai cổ đông lớn là Oversea-Chinese Banking Corp và đơn vị bảo hiểm Great Eastern Holdings.

Theo nguồn thạo tin, tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi có thể ngăn chặn thương vụ APB và Heineken bằng cách bỏ phiếu chống bản thỏa thuận thông qua công ty Thai Beverage PCL (Thaibev), do đích thân ông điều hành. Hiện Thaibev đang là cổ đông lớn nhất của F&N với 27% cổ phần.



Hãng Heineken cho biết sẽ đề nghị F&N tiếp tục giữ lại số cổ phần APB đang nắm giữ và chờ đợi cuộc bỏ phiếu của các cổ đông. Các giám đốc của F&N cũng chấp nhận thỏa thuận này.

Hiện cả tỷ phú Thái Lan lẫn ThaiBev đều chưa cho biết liệu họ có đồng ý hay phản đối thương vụ Heineken mua lại APB.

Hãng sản xuất bia Nhật Bản Kirin, cổ đông lớn thứ hai của F&N với 15% cổ phần, cũng chưa đưa ra quan điểm chính thức.

 

Theo VOV/Reuters

            Chia sẻ

                                    




 


 

Tin mới cập nhật