Câu hỏi tại Hội nghị CG

Ngày đăng : 08/12/2011 - 9:39 PM

“Hai mươi lăm năm trước, Việt Nam đã biến khủng hoảng thành cơ hội. Liệu Việt Nam có thể làm tương tự như vậy với bối cảnh và các vấn đề kinh tế như hiện nay hay không?” Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới Deepak Mishra đã đặt duy nhất một câu hỏi như trên khi kết thúc phần trình bày tóm lược về Báo cáo Phát triển Việt Nam 2012 tại Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) diễn ra đầu tuần này.

 

                             

 

Bản báo cáo đó mở đầu bằng cách trích dẫn lại quyết tâm chính trị cách đây 25 năm của Đại hội VI, khi Đảng “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, và nói rõ sự thật” và kết luận “các chủ trương, chính sách phải tuân theo nguyên tắc chỉ đạo: giải phóng mọi năng lực sản xuất xã hội nhằm phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất”. Ông Mishra nhận xét: “Có lẽ rất ít thành viên tham dự Đại hội Đảng khi đó hình dung được rằng, họ đang viết lên một trong những kịch bản chuyển đổi nền kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường thành công nhất mà thế giới từng chứng kiến”.

Song, câu chuyện thành công của Việt Nam trong suốt hơn hai thập kỷ vừa qua nay đang đối diện với thách thức lớn do bất ổn kinh tế vĩ mô kéo dài, theo Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa. Bà nói: “Tăng trưởng tín dụng hàng năm tới 30% trong suốt thập kỷ qua đã tạo ra tính dễ tổn thương cho nền kinh tế vĩ mô trong suốt bốn năm qua. Bên cạnh đó, những rủi ro trong khu vực doanh nghiệp nhà nước và tài chính cũng ngày càng bộc lộ rõ”. Nhận xét của bà Kwakwa đề cập trực tiếp đến chương trình tái cơ cấu kinh tế được xác định tại Hội nghị Trung ương 3 tháng 10 vừa qua với ba trụ cột chính là đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại. Chương trình này đã được chọn làm chủ đề thảo luận chính cho hội nghị CG năm nay với tiêu đề: “Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế và giảm nghèo”.

Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là một trong những chủ đề thật khó biện minh: 3.400 DNNN sử dụng nguồn lực nhiều nhưng kém hiệu quả. Theo Báo cáo Phát triển Việt Nam, với 1 đồng vốn, các DNNN thu được vỏn vẹn 1 đồng doanh thu, trong khi các khu vực  kinh tế khác thu được 21 đồng. Với 1 đồng chi phí nhân công, DNNN thu được 1,7 đồng doanh thu, trong khi các khu vực kinh tế khác thu được 16,3 đồng. Bên cạnh đó, mối liên hệ giữa DNNN và các ngân hàng đã trở nên chằng chịt. Bản báo cáo này cho biết, số các ngân hàng cổ phần có vốn sở hữu nhà nước đang tăng dần lên, và có mối tương quan thuận giữa cấu trúc sở hữu của các ngân hàng với tỷ lệ cho vay đối với khu vực DNNN. Đến nay thì DNNN “đã quá lớn nên không thể thất bại, quá cồng kềnh nên không thể cứu nổi” như nhận định của ông Mishra. Đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ quốc tế Sanjay Kalra bổ sung thêm: “DNNN đã trở thành gánh nặng cho nền kinh tế. Họ sử dụng phần lớn tín dụng cho nền kinh tế mà giờ đã khan hiếm, đầu tư trong nhiều trường hợp không hiệu quả, và nợ của các DNNN đã phủ bóng đen lên hệ thống tài chính và niềm tin thị trường”.

Bên cạnh đó, đầu tư công lớn mà thiếu hiệu quả cũng đang làm các nhà tài trợ quan ngại. Điều phối viên thường trú của Liên hiệp quốc Pratibha Mehta nhận xét, hệ quả là Việt Nam hiện đang gánh chịu mức thiếu hụt ngân sách 8% GDP từ năm 2009 và nợ công gia tăng lên  mức 57,3% GDP trong năm 2010, tuy nhiên, mức nợ công thực sự còn có thể lớn hơn do không bao gồm nợ của DNNN. Ông Sanjay của IMF cho rằng, chính sách tài khóa cần hỗ trợ chính sách tiền tệ nhiều hơn trong việc giảm lạm phát.

 

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tổng dư nợ tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng cho nền kinh tế tăng trưởng bình quân 29,4%/năm trong giai đoạn 2000-2010 và đến cuối năm 2010 tương đương khoảng 116% GDP. Đến tháng 9-2011, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng gấp 14 lần so với năm 2000 và tổng tài sản của các tổ chức tín dụng tương đương 244% GDP năm 2010. Ông Sanjay Kalra tỏ ra lo ngại, những yếu kém trong hệ thống tài chính, mà những mầm mống của chúng nảy sinh trong những năm tăng trưởng tín dụng nhanh đã bộc lộ rõ và Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại nhà nước đã phải can thiệp bằng cách hỗ trợ thanh khoản để bảo vệ các ngân hàng nhỏ và yếu.

Đối thoại lần đầu tiên với các nhà tài trợ trên cương vị người đứng đầu Chính phủ mới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rằng ông đã chăm chú nghe tất cả những góp ý như trên, và hơn nữa của các đối tác phát triển. Thủ tướng nhận xét, những chỉ số kinh tế vĩ mô gần đây như tăng trưởng kinh tế, bội chi giảm, dự trữ ngoại tệ tăng, tăng trưởng xuất khẩu, tăng trưởng công nghiệp, thương mại và dịch vụ, nợ công trong ngưỡng an toàn,... thể hiện những tín hiệu tích cực trong nền kinh tế trong cuối năm 2011. Ông nói: “Theo đà này, chúng tôi cho rằng năm 2012 Việt Nam có khả năng kiểm soát lạm phát ở mức 9%. Hiện tại lãi suất tín dụng có xu hướng giảm, cùng với chỉ số CPI. Tỷ giá cơ bản được ổn định, và chúng tôi sẽ nỗ lực giữ giá tiền đồng”. Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ tập trung tái cơ cấu kinh tế vào ba trọng tâm chính là đầu tư công, DNNN và hệ thống ngân hàng thương mại ngay trong năm tới. “Chúng tôi không đặt trọng tâm tăng trưởng cao trong năm tới để góp phần giữ ổn định kinh tế vĩ mô và tiến hành tái cơ cấu kinh tế”, Thủ tướng nói.

Về phần mình, với tư cách là đồng chủ trì hội nghị, bà Kwakwa vẫn nhắc lại những yêu cầu của cộng đồng thế giới. “Tôi muốn nhấn mạnh rằng, thay đổi bên lề là không hiệu quả. Hành động cương quyết là cần thiết để thực sự rũ bỏ quá khứ và đưa ra một chặng đường mới để đặt Việt Nam vào vị trí mạnh mẽ hơn để thành công như một quốc gia có thu nhập trung bình... Bây giờ là lúc để hành động”.
Các nhà tài trợ đã cam kết dành gần 7,4 tỉ đô la Mỹ vốn ODA cho Việt Nam năm 2012, thấp hơn so với 7,9 tỉ đô la Mỹ trong năm 2011. Tuy nhiên, vấn đề giải ngân luôn là thách thức chính. ODA giải ngân chỉ đạt 3,2 tỉ đô la Mỹ trong 11 tháng đầu năm nay, và dự kiến đạt 3,65 tỉ đô la Mỹ trong cả năm, cao hơn 10% so với 2,941 tỉ giải ngân của cả năm ngoái.

Những chương trình, dự án vốn vay có giá trị lớn được ký kết trong năm 2011 bao gồm: dự án cấp nước và nước thải đô thị (200 triệu đô la); dự án truyền tải và phân phối điện 2 (180 triệu đô la); dự án quản lý thủy lợi phục vụ phát triển nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (160 triệu đô la) và khoản vay chính sách phát triển chương trình cải cách đầu tư công lần 2 (350 triệu đô la) do WB tài trợ; dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn (II) (365,82 triệu đô la); dự án xây dựng cầu Nhật Tân (II) (304,25 triệu đô la) và dự án xây dựng cảng Lạch Huyện (272 triệu đô la) do Nhật Bản tài trợ; dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (350 triệu đô la); dự án phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn bền vững các tỉnh vùng núi phía Bắc (108 triệu đô la) và dự án xây dựng tuyến đường sắt thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội (293 triệu đô la) do ADB tài trợ; dự án xây dựng tuyến xe điện ngầm số 2 tại TPHCM (300 triệu) do Đức tài trợ; dự án cầu Vàm Cống (200 triệu đô la) do Hàn Quốc tài trợ...

Theo Kinh tế Sài Gòn Online

 

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Điều gì xảy ra nếu hạ trần lãi suất huy động?

Ngày đăng : 08/12/2011 - 9:35 PM

Lạm phát tháng 11 tiếp tục hạ nhiệt và góp phần đưa mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm dưới 18% khả thi hơn. Điều này dẫn đến một số tin đồn và dự đoán về một kịch bản Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành hạ trần lãi suất huy động khoảng 1-2% từ mức 14% hiện nay.

 

                            

 

Gần đây, đã xuất hiện những thông tin về khả năng hạ trần lãi suất huy động. Tại phiên họp báo Chính phủ diễn ra gần đây, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho biết, dù chưa thể khẳng định có giảm trần lãi suất hay không, song với nhiều tín hiệu và mục tiêu tích cực trong năm tới, thì hoàn toàn có cơ sở để thực hiện điều đó. Tất nhiên, giảm như thế nào, bao giờ, giảm bao nhiêu... hiện Ngân hàng Nhà nước chưa thể công bố được.

Để giúp độc giả có thêm một góc nhìn về những tác động có thể xảy ra nếu hạ trần lãi suất huy động, VnEconomy giới thiệu quan điểm riêng của hai tác giả có kinh nghiệm làm việc lâu năm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Lạm phát tháng 11 tiếp tục hạ nhiệt và góp phần đưa mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm dưới 18% khả thi hơn. Điều này dẫn đến một số tin đồn và dự đoán về một kịch bản Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành hạ trần lãi suất huy động khoảng 1-2% từ mức 14% hiện nay.

Tuy nhiên, ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức khẳng định hiện tại chưa có chủ trương hạ trần lãi suất huy động. Điều này có nghĩa rằng quy định về trần lãi suất theo Thông tư số 30/2011/TT-NHNN tiếp tục có hiệu lực: lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên ở mức 14%/năm.

Trước đó, thị trường tài chính dường như đã phản ứng tích cực ngay với dự báo này. Đã xuất hiện một số động thái hạ lãi suất cho vay tại một số ngân hàng lớn như BIDV. Trên thị trường trái phiếu, lãi suất trái phiếu cũng hạ nhẹ và xuất hiện cầu mua vào nhiều tại thời điểm có tin đồn. Đối với thị trường chứng khoán, đã xuất hiện một số phiên tích cực lên điểm theo sau tin đồn hạ lãi suất.

Song, theo đánh giá của chúng tôi, việc hạ trần lãi suất huy động, nếu xảy ra, sẽ không mang ý nghĩa tích cực như thị trường kỳ vọng. Mặt bằng lãi suất không thể hạ nhiệt từ các động lực “hành chính”, một khi cung tiền vẫn đang được siết chặt. Việc hạ trần lãi suất, nếu có, nên chăng được hiểu là Ngân hàng Nhà nước có thể đang thực hiện các mục tiêu khác, thay vì mục tiêu làm giảm lãi suất theo cách hiểu thông thường?

Một hệ quả có thể nhìn thấy ngay là, nếu hạ trần lãi suất, các ngân hàng nhỏ sẽ tiếp tục khó khăn hơn trong thanh khoản, nhất là khi phải cạnh tranh huy động với các ngân hàng lớn, trong bối cảnh “chiến dịch” sáp nhập và tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém đang được bắt đầu.

Chúng tôi xin đưa ra một số cơ sở để nhận định như sau.

Thứ nhất, điều kiện tiên quyết của việc hạ lãi suất là cung tiền phải tăng khi dấu hiệu lạm phát giảm. Tuy nhiên, lạm phát hiện nay vẫn ở con số xấp xỉ 18% khiến cơ sở của việc nới lỏng tiền tệ hay bơm tiền trở lại là gần như khó xảy ra. Lạm phát đang có xu hướng tăng chậm lại trong những tháng gần đây.

Tuy nhiên, kiềm chế lạm phát dứt điểm là nhiệm vụ quan trọng nhất trong năm 2012 và Việt Nam đang trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, điều này đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước không thể lơ là với lạm phát. Thời gian có thể nhìn thấy lạm phát ở mức an toàn có thể kéo dài thêm nhiều tháng nữa trước khi có những động thái nới lỏng hạ lãi suất.

Thứ hai, để lãi suất hạ theo tính thị trường, trên thị trường tiền tệ Ngân hàng Nhà nước phải cung tiền thêm cho nền kinh tế, hoặc trên thị trường hàng hóa tổng cầu phải giảm nhiệt. Tuy nhiên, các dấu hiệu này không hề được thấy trong thời gian qua. Ngân hàng Nhà nước vẫn rất thận trọng các hạn mức tín dụng và kiểm soát chặt chẽ. Không hề thấy biểu hiện nào của việc bơm tiền mạnh mẽ.

Trên kênh tín dụng ngắn hạn, quan sát thị trường mở (OMO) trong thời gian qua cũng cho thấy Ngân hàng Nhà nước không bơm tiền mạnh qua kênh này. Lượng bơm ra hầu như chỉ để giúp các ngân hàng giải quyết những khó khăn thanh khoản. Trước những động thái và đòi hỏi gắt gao của giới doanh nghiệp muốn có một mặt bằng lãi suất thấp, Ngân hàng Nhà nước vẫn rất cứng rắn và cương quyết nói không với nới lỏng tiền tệ trong lúc này.

Trong khi đó, thời điểm cuối năm là thời điểm sức cầu nền kinh tế đang rất “khát” tín dụng. Sức cầu trên thị trường hàng hóa không hề giảm nhiệt nếu không muốn nói là tăng mạnh mẽ. Do vậy, chưa có cơ sở để cho thấy một tín hiệu hạ lãi suất theo hướng tự nhiên.

Thứ ba, hạ lãi suất sẽ khiến các ngân hàng nhỏ gặp khó hơn. Trong tình trạng khó khăn về thanh khoản, việc hạ trần thêm nữa lãi suất huy động sẽ dẫn tới các ngân hàng nhỏ gần như không thể cạnh tranh được nữa với ngân hàng lớn. Việc thiếu vốn huy động sẽ dẫn tới khả năng bắt buộc phải sáp nhập, nếu không muốn xảy ra tình trạng không thể cứu vãn.

Theo dõi hoạt động ngân hàng trong 11 tháng qua, đặc biệt là cuối quý 3/2011 và 2 tháng đầu quý 4, việc huy động vốn từ thị trường dân cư không thuận lợi do không thể dùng lãi suất cao để làm công cụ cạnh tranh. Cùng với đó, giao dịch trên thị trường liên ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn, lãi suất liên ngân hàng tăng cao, thanh khoản ngân hàng có biểu hiện căng thẳng.

Với những lý do trên, điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động, nếu như được thực thi, có lẽ sẽ không có ý nghĩa đối với khả năng hạ nhiệt mặt bằng lãi suất, ít nhất là trong bối cảnh hiện tại. Nó chỉ làm giảm sự cạnh tranh bằng lãi suất và ngăn dòng vốn từ ngân hàng lớn sang ngân hàng nhỏ, khiến khó khăn hay yếu kém của ngân hàng nhỏ được bộc lộ một cách rõ ràng hơn.

Đồng thời, xu hướng thâu tóm, sáp nhập, tái cấu trúc càng có khả năng thực hiện một cách mạnh mẽ hơn. Lộ trình tái cấu trúc ngân hàng thương mại sẽ được thúc đẩy và được coi là định hướng đúng đắn, mang tính dài hạn, nhằm giải quyết tận gốc những vấn đề bất cập khó khăn của ngân hàng, chứng khoán, bất động sản trong mối liên hệ mật thiết với nhau và có thể mang lại các tác động về mặt tâm lý tích cực với thị trường chứng khoán.

 

Theo VnEconomy.vn


Goldman Sachs: GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt 20.000USD vào năm 2050

Ngày đăng : 08/12/2011 - 6:07 PM

 Goldman Sachs dự báo GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2050 có thể đạt khoảng 20.000USD, cao hơn Ấn Độ ở mức dưới 20.000USD.

Ông Jim O’Neill, chuyên gia kinh tế tại Goldman Sachs, người đã đưa ra thuật ngữ BRICs hiện được sử dụng rộng rãi, có lẽ muốn sử dụng từ “nhóm nước tăng trưởng” hơn cụm từ “nhóm nước mới nổi”.
 
Ông và nhóm chuyên gia thuộc Goldman Sachs mới đưa ra dự báo mới nhất cho nhóm BRICs vào năm 2050.
 
Các chuyên gia thuộc Goldman Sachs đã tiến hành khảo sát, tính toán và đưa ra dự báo đối với hơn 70 nước trên toàn thế giới hiện đang chiếm khoảng 90% tổng GDP.
 
Goldman Sachs cho rằng BRICs sẽ đóng góp khoảng 40% GDP thế giới vào năm 2050 và sẽ chiếm 4/5 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Goldman Sachs tính toán đến GDP bình quân đầu người vào năm 2050 và đặt nhóm BRICs vào so sánh.
 
 
Sự trỗi dậy của nhóm BRICs sẽ giúp nhóm này có vị thế lớn hơn, tuy nhiên nếu tính theo GDP bình quân đầu người, tăng trưởng sẽ không mấy ấn tượng. Theo biểu đồ của Goldman Sachs, ngân hàng đầu tư này dự báo Mêhicô và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vượt qua Trung Quốc vào năm 2050 tính theo GDP bình quân đầu người trong khi đó Ấn Độ tụt hậu so với Việt Nam, Indonexia và nhiều nước khác.
 
Tất nhiên, sự khác biệt về thu nhập cũng còn cần đến thời gian và cần nhó rằng đến năm 2050, GDP bình quân đầu người tính theo USD tại Nga và Braxin có thể tăng lần lượt 6 và 4 lần, trong khi đó tại Trung Quốc và Ấn Độ, tỷ lệ tăng này có thể đạt 9 và 12 lần.
 
Dù chuyên gia thuộc Goldman Sachs chỉ ra trong thập kỷ qua, BRICs đóng góp gần một nửa tăng trưởng kinh tế thế giới, Goldman Sachs cho rằng sự đóng góp của BRICs vào tăng trưởng toàn cầu có thể đã lập đỉnh.
 
 
 
Goldman Sachs dự báo GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2050 có thể đạt khoảng 20.000USD, cao hơn Ấn Độ dưới 20.000USD.
 
Năm 2050, Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới tính theo GDP bình quân đầu người, dao động từ 80.000USD đến 90.000USD. Sau đó đến Canada với 80.000USD; Anh khoảng dưới 80.000USD, Pháp khoảng 75.000USD.
 
Theo Minh Long
 
TTVN

“Kịch bản kinh tế Việt Nam 2012: Đâu là cơ hội?”

Ngày đăng : 08/12/2011 - 5:52 PM

Áp lực vẫn còn nhiều từ chính những khó khăn đã cũ, song những cơ hội mới cũng đang được khởi động mạnh mẽ…

 

Nghệ thuật” để doanh nghiệp trụ vững và phát triển trong bối cảnh này sẽ được các chuyên gia kinh tế chia sẻ tại hội thảo “Kịch bản kinh tế Việt Nam 2012: Đâu là cơ hội?”, do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức tại Tp.HCM vào sáng 9/12.

 
Theo thông tin từ ban tổ chức, hội thảo sẽ có sự tham gia của hai vị thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, ông Trương Đình Tuyển và ông Trần Du Lịch, cùng Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa và chuyên gia kinh tế độc lập Lê Đăng Doanh.
 
Tại hội thảo, bên cạnh những bất ổn vĩ mô đang tác động trực tiếp đến doanh nghiệp được phân tích sâu hơn, nhiều chiều hơn, các diễn giả cũng sẽ dành nhiều thời gian để chia sẻ, gợi mở và trao đổi với các doanh nghiệp về cơ hội của năm 2012.
 
Nằm trong nhận định chung của các diễn giả, những khó khăn của năm tới vẫn tập trung nhiều ở hậu quả của lạm phát, giảm đầu tư, lãi suất giảm nhưng vẫn còn cao.
 
Bên cạnh đó, nợ xấu của ngân hàng thương mại tăng, thanh khoản của một số ngân hàng thương mại khó khăn. Dự trữ ngoại hối thấp, áp lực lên tỷ giá còn lớn. Thị trường chứng khoán giảm sâu, thị trường bất động sản trầm lắng…
 
Theo GS. Đào Nguyên Cát, Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam, đơn vị tổ chức hội thảo, gợi ý của các diễn giả tại diễn đàn này chính là cầu nối để doanh nghiệp có thể đến gần hơn những cơ hội trong bối cảnh đó.
Theo Nguyên Vũ
VnEconomy
 

Thủ tướng: Tránh để đóng băng thị trường bất động sản

Ngày đăng : 08/12/2011 - 9:09 AM

Ngày 6/12, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về một số giải pháp tăng cường quản lý thị trường bất động sản.
 

 

Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng phối hợp với các cơ quan nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện hệ thống luật pháp về nhà ở và kinh doanh bất động sản theo hướng tăng cường vai trò của Bộ ngành, trung ương trong việc quản lý thống nhất về phát triển nhà ở và hoạt động kinh doanh bất động sản.

Đồng thời, nghiên cứu xây dựng, trình Chính phủ trong quý I/2012 đề án nhà ở cho thuê, trong đó chú trọng phát triển nhà ở xã hội để cho thuê và đề án quỹ tiết kiệm nhà ở. Bên cạnh đó, nghiên cứu, đề xuất và báo cáo Chính phủ trong quý II/2012 về thuế bất động sản nhằm hạn chế đầu cơ, sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất đai, bất động sản.

Bộ Tài chính cũng được giao nghiên cứu, sửa đổi quy định về thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản cho phù hợp với tình hình thực tế. Bên cạnh đó, nghiên cứu điều chỉnh mô hình quỹ đầu tư bất động sản nhằm hỗ trợ vốn cho thị trường thông qua kênh thị trường chứng khoán.

Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước bảo đảm tín dụng bất động sản có tốc độ tăng trưởng và tỷ trọng hợp lý, an toàn, phù hợp với chính sách điều hành tín dụng chung.

Trước mắt, giảm tăng trưởng và tỷ trọng tín dụng bất động sản với lộ trình hợp lý, tránh gây sốc, đồng thời áp dụng các biện pháp tăng tính thanh khoản, tránh đóng băng thị trường, tác động xấu lan truyền đến hệ thống các tổ chức tín dụng và đời sống xã hội.

NHNN phối hợp với Bộ Xây dựng nghiên cứu để có hướng dẫn các TCTD thực hiện chính sách tín dụng phù hợp với tiến trình tái cơ cấu thị trgường bất động sản; chỉ đạo các đơn vị bố trí nguồn vốn để cho vay đầu tư các dự án phát triển nhà ở để bán, cho thuê phục vụ đối tượng thu nhập thấp...

Ngoài ra, rà soát, tiếp tục cho vay đối với dự án bất động sản sẽ hoàn thành và có khả năng bán, thu hồi vốn đầu tư trong năm 2012 cũng như tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình cấp tín dụng bất động sản của các TCTD, xử lý kịp thời các khoản nợ quá hạn, ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng của TCTD.

 

DVT.vn

 

 


Ba “ông lớn” năng lượng giãi bày với Chính phủ

Ngày đăng : 08/12/2011 - 9:07 AM

Ngày 7/12, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải có buổi làm việc với Bộ Công Thương, mà trọng tâm là vấn đề năng lượng trong giai đoạn tới.
 

                           

 

Không phải vô cớ, ba “ông lớn” về năng lượng được Phó thủ tướng chỉ định phát biểu đầu tiên, mở màn cho phần lấy ý kiến vào nhiệm vụ phát triển ngành công thương giai đoạn 2011-2015.

“Thánh thức lớn nhất trong vòng 5 năm tới là vấn đề năng lượng”, Phó thủ tướng nói. Góc nhìn của ông cũng được các tập đoàn về năng lượng làm rõ qua các con số và đánh giá cụ thể.

Phó tổng giám đốc Tập đoàn Than - Khoáng sản Vũ Mạnh Hùng cho biết, theo dự kiến, đến năm 2015 ngành này sẽ sản xuất và tiêu thụ tối thiểu 55 triệu tấn than, từ mức khoảng 45 triệu tấn trong dự kiến năm tới.

Nhưng quy định tạm dừng cấp phép khai thác khoáng sản mới đây đang “khép cửa” với các hoạt động thăm dò của tập đoàn này. Hai mũi nhọn nhiệm vụ trong giai đoạn tới là mở thêm mỏ mới để tăng năng lực sản xuất, và tập trung vào sản xuất điện có thể bị ảnh hưởng. Ông Hùng chuyển kiến nghị lên đại diện Chính phủ tại cuộc họp.

Với dầu khí, dù cho rằng các mục tiêu giai đoạn 5 năm mà Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (Petro Vietnam) đã nhận với Chính phủ không có vấn đề gì quá quan ngại, nhưng Phó tổng giám đốc Vũ Quang Nam cũng cho biết, để đạt được kế hoạch năm 2012 ở mức 15,81 triệu tấn dầu, doanh nghiệp này sẽ phải khai thác ở nước ngoài khoảng 1,1 triệu tấn.

“Trong năm 2012, tập đoàn sẽ tập trung vào lĩnh vực cốt lõi thăm dò khai thác, cố gắng tăng trữ lượng và đầu tư ra nước ngoài như Nga và một số nước khác để đảm bảo làm thế nào sang năm khai thác ở nước ngoài được 1,1 triệu tấn”, ông Nam cho biết.

Nhưng khó khăn với dầu khí, với than không chỉ giới hạn ở góc độ sản lượng sản xuất và kim ngạch xuất khẩu. Liên quan lớn hơn đến phát triển công nghiệp và xa hơn là cả nền kinh tế, trong giai đoạn tới đáng chú ý là vấn đề điện.

Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Phạm Lê Thanh cho biết, năm 2011 điện tiêu dùng nội địa chỉ tăng 9,34%. Nếu so với giai đoạn trước luôn ở mức 12-14%, con số mà ông Thanh đưa ra thấp hơn rất nhiều.

Tổng giám đốc EVN tính toán rằng, nếu chia cho GDP năm nay tăng khoảng 5,8% thì lần đầu tiên Việt Nam đạt hệ số đàn hồi về điện là 1,62 lần, thấp hơn nhiều so với khoảng 2,1 lần ở giai đoạn trước.

Nhưng kể cả dùng hệ số thấp này áp vào năm tới, EVN cho rằng để đạt tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7% thì ngành điện phải đạt tốc độ tăng sản lượng khoảng 11,72%, tức là đạt khoảng 121,7 tỷ kWh điện.

“Chúng tôi đã cân đối các phương án, đảm bảo cung cấp điện cho năm 2012. Tuy nhiên, việc cung ứng điện cho năm 2012 có một trục trặc nhỏ về cung ứng khí”, Tổng giám đốc Thanh cho hay.

Theo phương án đã báo cáo Chính phủ và Bộ Công Thương, EVN cần 6,6 tỷ m3 khí để cung ứng điện cho năm tới. Nhưng hiện nay, theo thông báo từ Petro Vietnam, doanh nghiệp này sẽ chỉ được đáp ứng 5,71 tỷ m3, tức thiếu khoảng 800 triệu m3 khí, tương đương phải phát bù dầu 4,2 tỷ kWh điện.

Đối với kế hoạch 5 năm 2011-2015, EVN dự kiến với GDP tăng từ 6,5-7%, RVN sẽ có hai phương án tăng trưởng điện tương ứng là 13% và 15%.

Với phương án 13%, đến 2015 sản lượng điện toàn hệ thống sẽ đạt khoảng 178 tỷ kWh, tập đoàn này có thể cân đối được về điện, tuy nhiên hệ thống điện đảm bảo dự phòng ở miền Bắc và miền Trung, nhưng miền Nam thì thiếu.

“Chúng tôi đang tìm mọi nỗ lực truyền tải điện miền Bắc, miền Trung vào miền Nam. Hiện có 9 dự án đang triển khai, gồm 3 dự án nguồn và 6 dự án lưới điện”, ông Thanh cho biết.

Còn với phương án 15%, theo ông Thanh, tình hình cung ứng điện sẽ căng thẳng hơn nhiều. Cụ thể là EVN sẽ phải phát dầu và hệ thống điện dự phòng hoàn toàn thiếu ở phía Nam.

Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Lương Văn Kết tham gia thêm ý kiến, giai đoạn 2012-2015 theo kế hoạch sẽ phải nhập khẩu 20 triệu tấn than/năm; còn theo sơ đồ điện 7, tiến tới cũng phải nhập khẩu khí hóa lỏng để sản xuất điện…

Tóm lược các vấn đề ba tập đoàn năng lượng nêu, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải lưu ý, dầu thô hiện cũng thiếu, khai thác nước ngoài sang năm là 1,1 triệu tấn; than cũng thiếu; điện cũng thiếu…

“Giai đoạn 2011 - 2015 và cả tiếp theo nữa, cân bằng năng lượng là thách thức luôn luôn đi cùng đất nước chúng ta”, Phó thủ tướng nói. “Tốc độ này là thiếu điện. Bây giờ, điện cũng là một câu hỏi của nhà đầu tư nước ngoài…”. Phó thủ tướng lưu ý thêm, nhìn vào tốc độ đổi mới công nghệ, vào suất tiêu thụ năng lượng vẫn còn quá cao, cho thấy tiêu thụ điện hiện còn rất phí phạm.

 

Theo VnEconomy.vn


 

Tin mới cập nhật