Ba “ông lớn” năng lượng giãi bày với Chính phủ

Ngày đăng : 08/12/2011 - 9:07 AM

Ngày 7/12, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải có buổi làm việc với Bộ Công Thương, mà trọng tâm là vấn đề năng lượng trong giai đoạn tới.
 

                           

 

Không phải vô cớ, ba “ông lớn” về năng lượng được Phó thủ tướng chỉ định phát biểu đầu tiên, mở màn cho phần lấy ý kiến vào nhiệm vụ phát triển ngành công thương giai đoạn 2011-2015.

“Thánh thức lớn nhất trong vòng 5 năm tới là vấn đề năng lượng”, Phó thủ tướng nói. Góc nhìn của ông cũng được các tập đoàn về năng lượng làm rõ qua các con số và đánh giá cụ thể.

Phó tổng giám đốc Tập đoàn Than - Khoáng sản Vũ Mạnh Hùng cho biết, theo dự kiến, đến năm 2015 ngành này sẽ sản xuất và tiêu thụ tối thiểu 55 triệu tấn than, từ mức khoảng 45 triệu tấn trong dự kiến năm tới.

Nhưng quy định tạm dừng cấp phép khai thác khoáng sản mới đây đang “khép cửa” với các hoạt động thăm dò của tập đoàn này. Hai mũi nhọn nhiệm vụ trong giai đoạn tới là mở thêm mỏ mới để tăng năng lực sản xuất, và tập trung vào sản xuất điện có thể bị ảnh hưởng. Ông Hùng chuyển kiến nghị lên đại diện Chính phủ tại cuộc họp.

Với dầu khí, dù cho rằng các mục tiêu giai đoạn 5 năm mà Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (Petro Vietnam) đã nhận với Chính phủ không có vấn đề gì quá quan ngại, nhưng Phó tổng giám đốc Vũ Quang Nam cũng cho biết, để đạt được kế hoạch năm 2012 ở mức 15,81 triệu tấn dầu, doanh nghiệp này sẽ phải khai thác ở nước ngoài khoảng 1,1 triệu tấn.

“Trong năm 2012, tập đoàn sẽ tập trung vào lĩnh vực cốt lõi thăm dò khai thác, cố gắng tăng trữ lượng và đầu tư ra nước ngoài như Nga và một số nước khác để đảm bảo làm thế nào sang năm khai thác ở nước ngoài được 1,1 triệu tấn”, ông Nam cho biết.

Nhưng khó khăn với dầu khí, với than không chỉ giới hạn ở góc độ sản lượng sản xuất và kim ngạch xuất khẩu. Liên quan lớn hơn đến phát triển công nghiệp và xa hơn là cả nền kinh tế, trong giai đoạn tới đáng chú ý là vấn đề điện.

Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Phạm Lê Thanh cho biết, năm 2011 điện tiêu dùng nội địa chỉ tăng 9,34%. Nếu so với giai đoạn trước luôn ở mức 12-14%, con số mà ông Thanh đưa ra thấp hơn rất nhiều.

Tổng giám đốc EVN tính toán rằng, nếu chia cho GDP năm nay tăng khoảng 5,8% thì lần đầu tiên Việt Nam đạt hệ số đàn hồi về điện là 1,62 lần, thấp hơn nhiều so với khoảng 2,1 lần ở giai đoạn trước.

Nhưng kể cả dùng hệ số thấp này áp vào năm tới, EVN cho rằng để đạt tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7% thì ngành điện phải đạt tốc độ tăng sản lượng khoảng 11,72%, tức là đạt khoảng 121,7 tỷ kWh điện.

“Chúng tôi đã cân đối các phương án, đảm bảo cung cấp điện cho năm 2012. Tuy nhiên, việc cung ứng điện cho năm 2012 có một trục trặc nhỏ về cung ứng khí”, Tổng giám đốc Thanh cho hay.

Theo phương án đã báo cáo Chính phủ và Bộ Công Thương, EVN cần 6,6 tỷ m3 khí để cung ứng điện cho năm tới. Nhưng hiện nay, theo thông báo từ Petro Vietnam, doanh nghiệp này sẽ chỉ được đáp ứng 5,71 tỷ m3, tức thiếu khoảng 800 triệu m3 khí, tương đương phải phát bù dầu 4,2 tỷ kWh điện.

Đối với kế hoạch 5 năm 2011-2015, EVN dự kiến với GDP tăng từ 6,5-7%, RVN sẽ có hai phương án tăng trưởng điện tương ứng là 13% và 15%.

Với phương án 13%, đến 2015 sản lượng điện toàn hệ thống sẽ đạt khoảng 178 tỷ kWh, tập đoàn này có thể cân đối được về điện, tuy nhiên hệ thống điện đảm bảo dự phòng ở miền Bắc và miền Trung, nhưng miền Nam thì thiếu.

“Chúng tôi đang tìm mọi nỗ lực truyền tải điện miền Bắc, miền Trung vào miền Nam. Hiện có 9 dự án đang triển khai, gồm 3 dự án nguồn và 6 dự án lưới điện”, ông Thanh cho biết.

Còn với phương án 15%, theo ông Thanh, tình hình cung ứng điện sẽ căng thẳng hơn nhiều. Cụ thể là EVN sẽ phải phát dầu và hệ thống điện dự phòng hoàn toàn thiếu ở phía Nam.

Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Lương Văn Kết tham gia thêm ý kiến, giai đoạn 2012-2015 theo kế hoạch sẽ phải nhập khẩu 20 triệu tấn than/năm; còn theo sơ đồ điện 7, tiến tới cũng phải nhập khẩu khí hóa lỏng để sản xuất điện…

Tóm lược các vấn đề ba tập đoàn năng lượng nêu, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải lưu ý, dầu thô hiện cũng thiếu, khai thác nước ngoài sang năm là 1,1 triệu tấn; than cũng thiếu; điện cũng thiếu…

“Giai đoạn 2011 - 2015 và cả tiếp theo nữa, cân bằng năng lượng là thách thức luôn luôn đi cùng đất nước chúng ta”, Phó thủ tướng nói. “Tốc độ này là thiếu điện. Bây giờ, điện cũng là một câu hỏi của nhà đầu tư nước ngoài…”. Phó thủ tướng lưu ý thêm, nhìn vào tốc độ đổi mới công nghệ, vào suất tiêu thụ năng lượng vẫn còn quá cao, cho thấy tiêu thụ điện hiện còn rất phí phạm.

 

Theo VnEconomy.vn

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Ba gợi ý với doanh nghiệp Việt muốn đầu tư ở Anh

Ngày đăng : 07/12/2011 - 5:38 PM
Hôm nay (7/12), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chính thức thăm Vương quốc Anh.
 
Đại sứ Việt Nam tại Anh quốc, ông Vũ Quang Minh.
 
Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Anh quốc, ông Vũ Quang Minh đã có cuộc trao đổi với VnEconomy về một số vấn đề hai bên cùng quan tâm.
 
Ông đánh giá như thế nào về mối quan hệ song phương Việt-Anh trong vòng 5 năm qua?
 
Những năm qua, quan hệ song phương Việt-Anh phát triển tốt đẹp và ngày càng mở rộng ra nhiều lĩnh vực hợp tác. Hai bên đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao, thường xuyên thăm viếng lẫn nhau. Năm 2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Anh và ký Tuyên bố chung thiết lập “quan hệ đối tác vì sự tiến bộ”. 
 
Tháng 9/2010, Việt Nam và Anh quốc đã ký Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trên 7 lĩnh vực hợp tác bao gồm: chính trị-ngoại giao; các vấn đề toàn cầu và khu vực; thương mại và đầu tư; hợp tác phát triển; giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ; an ninh & quốc phòng; và giao lưu nhân dân. Hai bên thỏa thuận và thống nhất kế hoạch hành động năm 2011 triển khai quan hệ đối tác chiến lược. 
 
Gần nhất, ngày 26/10/2011, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh Jeremy Browne đã khai mạc cơ chế đối thoại chiến lược đầu tiên tại London. Có thể nói, quan hệ hai nước đang tiến triển rất tích cực trên tất cả các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, thương mại, đầu tư, viện trợ, chính trị, ngoại giao..., tạo xung lực và lòng tin đưa quan hệ Việt-Anh lên tầm đối tác chiến lược.
 
Vậy còn sự mối hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp Việt-Anh trong thời gian này?
 
Trong thời gian qua, hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Anh quốc - cơ quan lập pháp, có quyền lực cao nhất của hai nước - cũng phát triển rất tốt đẹp và sẽ tiếp tục là trụ cột quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược Việt-Anh. Chúng tôi vui mừng nhận thấy quan tâm của các nghị sỹ Anh đối với Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Á nói chung ngày càng tăng lên. 
 
Tại Nghị viện Anh có nhóm Nghị sỹ hữu nghị Anh-Việt, tập hợp những nghị sỹ không phân biệt đảng phái chính trị, quan tâm và mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị với Việt Nam. Quốc hội Việt Nam đã hai lần tổ chức đón tiếp đoàn nhóm Nghị sỹ hữu nghị Anh-Việt thăm làm việc tại Việt Nam tháng 8/2011. Đây là dịp tốt để các nghị sỹ Anh hiểu biết sâu rộng về chính sách và thành tựu phát triển của Việt Nam trên nhiều mặt từ chính trị, kinh tế, xã hội, đến văn hóa, giáo dục; chia sẻ kinh nghiệm giữa các cơ quan lập pháp… Cảm nhận của các nghị sỹ qua các chuyến đi là rất tốt, góp phần cùng Chính phủ Anh tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam.
 
Chuyến thăm lần đầu tiên trên cương vị Chủ tịch Quốc hội của ông Nguyễn Sinh Hùng tới Anh quốc có tầm quan trọng như thế nào, thưa ông?
 
Đây là chuyến thăm chính thức Anh đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam sau thành công Đại hội Đảng lần thứ 11 và bầu cử Quốc hội khóa 13 và sau hơn một năm triển khai Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt-Anh. Phía Anh đánh giá cao và rất trông đợi vào chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Hai bên kỳ vọng kết quả tốt đẹp của chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội sẽ tạo xung lực mới, củng cố và làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược Việt-Anh.
 
Những điểm chính của các cuộc hội đàm song phương nhân dịp chuyến thăm này là gì, thưa ông?
 
Trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược, nội dung trao đổi song phương trong chuyến thăm sắp tới sẽ toàn diện bao hàm nhiều lĩnh vực hợp tác từ chính trị-ngoại giao, các vấn đề toàn cầu và khu vực, thương mại-đầu tư, viện trợ, giáo dục, văn hóa, đến an ninh-quốc phòng. Một trong những trọng tâm sẽ là thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước. 
 
Dự kiến, lãnh đạo hàng chục doanh nghiệp lớn của Việt Nam tháp tùng Chủ tịch Quốc hội sẽ tham dự các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, tìm kiếm đối tác, diễn đàn kinh doanh Việt-Anh… 
 
Trong bối cảnh Chính phủ Anh khuyến khích và thúc đẩy quan hệ với các thị trường mới nổi ở Châu Á, giới doanh nghiệp Anh thực sự quan tâm cao tới thị trường Việt Nam về tiềm năng phát triển và triển vọng hợp tác. Chủ tịch Quốc hội dự kiến sẽ dự hoạt động khai trương đường bay trực tiếp giữa Việt Nam và Anh quốc của Vietnam Airlines. Đây là nỗ lực lớn từ phía Việt Nam, thể hiện sự nghiêm túc và coi trọng của Chính phủ, các bộ ngành và doanh nghiệp Việt Nam trong việc triển khai thỏa thuận đối tác chiến lược, đồng thời là bước đi rất thiết thực thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa và du lịch giữa hai nước.
 
Thưa ông, trên phương diện hợp tác kinh tế, dường như kết quả vẫn chưa xứng với tiềm năng thực tế của cả hai bên?
 
Phải thừa nhận rằng, cả Việt Nam và Anh còn nhiều tiềm năng thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Tuy Anh là đối tác thương mại lớn thứ 2 và nhà đầu tư lớn thứ 3 ở Châu Âu của Việt Nam, kim ngạch thương mại hai nước còn khiêm tốn, chỉ khoảng trên 2 tỷ USD trong năm 2010. Còn 7 tháng đầu năm 2011, con số này đạt hơn 1,7 tỷ USD, và dự kiến cả năm sẽ tăng hơn so với năm ngoái. 
 
Tuyên bố chung về thiết lập đối tác chiến lược đã nhất trí mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch thương mại song phương và đầu tư của các doanh nghiệp Anh tại Việt Nam vào năm 2013. Chính phủ hai nước cam kết và quyết tâm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hợp tác kinh doanh thông qua cơ chế Ủy ban chung hợp tác thương mại và đầu tư (JETCO) nhóm họp hàng năm, cuộc họp mới nhất JETCO thứ 5 diễn ra hồi tháng tháng 11/2011 đạt kết quả rất tốt. 
 
Lãnh đạo Chính phủ, Bộ Ngoại giao rất quan tâm chỉ đạo các biện pháp cụ thể thúc đẩy hợp tác như đề nghị Anh ủng hộ Việt Nam trong quan hệ với EU, chống các biện pháp bảo hộ, tạo thuận lợi cấp visa, tăng cường xúc tiến thương mại, đầu tư, hay mở ra những cơ hội hợp tác mới như hợp tác công-tư, phát triển trung tâm tài chính khu vực… Có điều những tiềm năng này có trở thành hiện thực hay không, tùy thuộc rất lớn vào sự chủ động tham gia của các doanh nghiệp hai bên, Chính phủ hai nước không thể làm thay được.
 
Theo ông, các cơ hội kinh doanh dành cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường Anh quốc là gì?
 
Anh là nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới, với thị trường phát triển tự do và cởi mở, từng là nôi của cuộc cách mạng công nghiệp, tiềm năng về khoa học công nghệ, giáo dục-đào tạo, nhân tài… Vượt qua tiêu chuẩn thị trường rất khắt khe, sản phẩm và dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam đang từng bước đặt chân và có chỗ đứng trên thị trường Anh quốc như giầy dép, may mặc, đồ gỗ, thiết bị điện tử, viễn thông, cà phê, ca cao, thủy hải sản... Điều ít được biết đến là, hơn một nửa sản phẩm của nhãn hiệu giầy Clarks, nổi tiếng của Anh, có xuất xứ từ Việt Nam. 
 
Rất đáng mừng là các đối tác Anh ngày càng đánh giá cao nguồn nhân lực của Việt Nam, nhất là về phát triển, thiết kế phần mềm. Đây là những dịch vụ thiết yếu cho việc “số hóa” nền kinh tế Anh trong chăm sóc y tế, sức khỏe, giáo dục và nhiều dịch vụ công khác. Những món ăn Việt Nam rất được ưa chuộng tại các thành phố lớn ở Anh, nhất là ở London. Ngày càng nhiều nhà hàng Việt Nam kinh doanh thành công. Đây không chỉ là lĩnh vực kinh doanh thành công của Việt Nam mà cũng là cách tinh tế để giới thiệu văn hóa ẩm thực, thương hiệu Việt đối với công chúng Anh quốc.
 
Ông có lời khuyên gì dành cho doanh nghiệp Việt Nam có dự định làm ăn với các doanh nghiệp Anh và trên thị trường Anh quốc?
 
Chúng tôi xin có ba gợi ý với các doanh nghiệp Việt Nam.
 
Một là, cần phải có thông tin về doanh nghiệp đối tác, hiểu rõ thị trường cần cái gì. Muốn vậy, con đường tốt nhất là doanh nghiệp Việt Nam nên tích cực tham gia hội chợ triển lãm chuyên ngành, tăng cường hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại. 
 
Hai là, để duy trì và phát triển kinh doanh trên thị trường quốc tế nói chung, thị trường Anh nói riêng yếu tố chất lượng luôn đóng vai trò quyết định. Đặc biệt về vệ sinh, an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nông hải sản, sản phẩm tiềm năng của Việt Nam. 
 
Ba là, chuẩn bị thật tốt về nguồn lực, tạo sự liên kết kinh doanh để đáp ứng hợp đồng lớn với những yêu cầu khắt khe của thị trường. Cần hết sức coi trọng "chữ Tín". Nên tranh thủ cơ quan đại diện và thương vụ, địa chỉ tin cậy hỗ trợ các doanh nghiệp trong thông tin thị trường và chắp nối đối tác.
 
Theo Xuân Hà
VnEconomy

Tốc độ tăng trưởng của Hà Nội không đạt kế hoạch

Ngày đăng : 07/12/2011 - 5:10 PM
Năm nay, chỉ số phát triển tổng sản phẩm trên địa bàn Hà Nội tăng 10,1%, trong khi kế hoạch là 12%.
 
Nhiều chỉ số như diện tích nhà ở xây mới, giảm sinh con thứ ba, số dân được hưởng nước sạch cũng không đạt.
 
Theo đánh giá của UBND thành phố, mức tăng này tuy thấp hơn năm 2010 (11,04%) và kế hoạch năm (12%), nhưng cao hơn 1,67 lần của cả nước. Điều này ghi nhận sự cố gắng của Hà Nội trong bối cảnh lạm phát, hạn chế tín dụng, thắt chặt chi tiêu ngân sách.
 
Nhiều chỉ tiêu quan trọng khác như tốc độ tăng vốn đầu tư xã hội, giảm tỷ lệ sinh con thứ ba, diện tích sàn nhà ở, lượng nước sạch, số dân được sử dụng nước sạch, tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom... cũng chưa đạt chỉ tiêu.
 
Tại buổi khai mạc kỳ họp HĐND thành phố sáng 7/12, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho rằng, các chỉ số chưa đạt kế hoạch do tác động phức tạp của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu và yếu kém trong lãnh đạo, quản lý, nhất là trong lĩnh vực đầu tư công, quản lý doanh nghiệp và giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc.
 
Theo đánh giá của lãnh đạo Hà Nội, năm qua chỉ số giá tiêu dùng ở mức cao khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Mặt bằng lãi suất cao đã hạn chế mở rộng đầu tư và sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nên sản xuất công nghiệp tăng chậm dần. Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng có xu hướng tăng.
 
Bên cạnh đó, những vấn đề dân sinh bức xúc như hạ tầng xã hội (trường học, cơ sở y tế, chợ...) chậm được xây dựng và thiếu đồng bộ, tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông chưa được giải quyết, môi trường, môi sinh chưa có chuyển biến.
 
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cũng nêu rõ mục tiêu tổng quát năm 2012, Hà Nội ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý; cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh nền kinh tế; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
 
Hà Nội đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế tăng 10-10,5%, tổng vốn đầu tư xã hội tăng 15-17%.
 
Tại buổi khai mạc kỳ họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nhấn mạnh, năm 2011 Hà Nội đã đối mặt với nhiều khó khăn thách thức lớn hơn so với dự báo, thành phố thực hiện hiệu quả 3 mục tiêu lớn: kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. GDP của Hà Nội đã cao gấp 1,6 lần cả nước.
 
Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố phải tiếp tục ưu tiên chăm lo bảo đảm an sinh xã hội, nhất là ổn định đời sống trong dịp Tết sắp tới. Lãnh đạo Thành ủy cũng lưu ý HĐND thành phố cần nâng cao chất lượng hoạt động, làm tốt vai trò đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, kiểm tra giám sát các cơ quan giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc.
 

Sáng 7/12, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã trình bày tờ trình về việc điều chỉnh giờ làm việc, học tập và kinh doanh trên địa bàn. Theo đó, UBND đề xuất thực hiện phương án điều chỉnh trong phạm vi 10 quận nội thành và hai huyện Thanh Trì, Từ Liêm.

 

Theo báo cáo tổng hợp thẩm tra của HĐND TP Hà Nội, Ban Pháp chế thống nhất và đề nghị HĐND TP thông qua đề án song bổ sung huyện Gia Lâm vào phạm vi điều chỉnh.

Ngoài ra, đối với nhóm 1, cân nhắc phương án phân biệt giờ mùa đông và giờ mùa hè để đảm bảo sức khỏe cho học sinh THPT. Đối với học sinh mầm non, tiểu học thuộc nhóm 2 cần cân nhắc thời gian học từ 7h30 đến 17h30, thời gian làm việc của giáo viên là 10h một ngày, chưa đúng với quy định của Bộ Luật lao động.

 
Theo Đoàn Loan
VnExpress

Chính phủ chuẩn bị báo cáo về tái cơ cấu nền kinh tế

Ngày đăng : 07/12/2011 - 5:02 PM
Hội nghị của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012 sẽ diễn ra vào ngày 22-23/12 tới tại Hà Nội.
 
 
Để chuẩn bị cho Hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ đã phân công một số bộ chuẩn bị các báo cáo để trình bày, trong đó hầu hết là các báo cáo liên quan trực tiếp đến điều hành kinh tế.
 
Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chuẩn bị báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 2/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp chủ yếu thực hiện nhiệm vụ kế hoạch và ngân sách nhà nước năm 2011, Nghị quyết số 11/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
 
Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012.
 
Bộ này cũng sẽ trình bày báo cáo chung về tái cơ cấu kinh nền kinh tế trên cơ sở phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
 
Trong khi đó, Bộ Công Thương sẽ chuẩn bị báo cáo về đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, kiềm chế nhập siêu và tổ chức tốt thị trường trong nước gắn với thực hiện điều hành giá cả theo cơ chế thị trường năm 2012.
 
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ báo cáo về điều hành tiền tệ để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh năm 2012, trong khi Bộ Tài chính sẽ báo cáo về những giải pháp về tài chính nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh và mở rộng thị trường năm 2012.
 
Bên cạnh các nội dung này, hội nghị cũng sẽ nghe Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo về thực hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội gắn với giảm nghèo và giải quyết việc làm năm 2012; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo về một số giải pháp chủ yếu thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và xây dựng chương trình nông thôn mới năm 2012 và Bộ Giao thông Vận tải báo cáo về các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2012.
 
Mới đây, khi đăng đàn trả lời chất vấn tại Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh đến việc tập trung cho các hoạt động điều hành kinh tế trong năm 2012.
 
Theo Thủ tướng, Chính phủ sẽ ưu tiên cho việc ổn định kinh tế vĩ mô và sẽ có các giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
 
Ông cũng nói sẽ tập trung cho vấn đề cơ cấu lại nền kinh tế, tập trung vào 3 nội dung đã được xác định là đầu tư công, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại.
 
Theo Hoài Ngân
 VnEconomy

 


4 kịch bản cho đồng Euro trong năm 2012

Ngày đăng : 07/12/2011 - 10:58 AM

Tờ Forbes dẫn một báo cáo từ hãng kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) đã đưa ra 4 kịch bản có thể xảy ra đối với số phận đồng Euro trong năm sau, như là hậu quả của cuộc khủng hoảng nợ công đang diễn ra ở lục địa già.

 

                           

 

“Những diễn biến gây sửng sốt có thể xảy đến ở châu Âu trong năm tới. Thế giới hiện đang chứng kiến mức độ bất ổn chưa từng có ở Eurozone. Những hậu quả về chính trị và kinh tế của cuộc khủng hoảng ở khu vực này trong năm 2012 sẽ rất đa dạng, mặc dù cùng có chung một chủ đề. Châu Âu sẽ không tránh khỏi sự điều chỉnh lớn trong chính sách tài khóa, chưa kể tới đường lối mà rốt cục các chính trị gia sẽ quyết định theo đuổi”, Forbes trích báo cáo của PwC.

 

Theo báo cáo này, sẽ có nhiều gói nợ trái phiếu quy mô lớn của các chính phủ trong Eurozone đáo hạn vào đầu năm sau. Bên cạnh đó, áp lực thị trường gia tăng khiến PwC tin rằng, số phận của khối này sẽ được quyết định vào quý đầu tiên của năm 2012.

 

Bốn kịch bản “chung kết” cho Eurozone mà PwC đưa ra bao gồm:

 

- Cung tiền gia tăng: Một chương trình bơm thanh khoản quy mô lớn vào thị trường do Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) thực hiện với sự hỗ trợ của Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) sẽ được tung ra nhằm hỗ trợ tăng trưởng và đẩy lùi khủng hoảng.

 

- Vỡ nợ có trật tự: Các nền kinh tế có mức độ dễ bị tổn thương cao trong Eurozone sẽ tái cấu trúc nợ thông qua các vụ vỡ nợ tự nguyện nhằm đưa mức nợ về dưới tầm kiểm soát.

 

- Hy Lạp rời Eurozone: Hy Lạp rời liên minh tiền tệ, trong khi phần còn lại của Eurozone cam kết bảo vệ các thành viên còn lại trong khối.

- Một liên minh tiền tệ mới: Các quốc gia chủ chốt trong Eurozone đề xuất một khối sử dụng đồng Euro mới với các thể chế tài khóa và tiền tệ hợp nhất. Các nước yếu sẽ rời Eurozone.

 

Ở kịch bản thứ tư này, PwC nhận định, những nước mạnh có thể hợp thành một liên minh tiền tệ mới bao gồm Đức, Pháp, Hà Lan và Phần Lan. Những nước rời Eurozone sẽ chứng kiến sự mất giá ngay lập tức của đồng tiền mới mà họ đưa vào sử dụng, bên cạnh mức lãi suất cao và buộc phải thu hẹp chi tiêu công. Về sau, các nước này sẽ phải đối mặt với những thách thức về việc đưa ra chính sách tài khóa và tiền tệ đáng tin cậy.

 

Đối với nền kinh tế Mỹ, PwC cho rằng, cuộc khủng hoảng ở Eurozone đang là một rào cản đối với sự phục hồi kinh tế. Nếu một khối Eurozone mới xuất hiện vào đầu năm sau, kim ngạch xuất khẩu của Mỹ có thể sẽ giảm mạnh, nhưng nước Mỹ có thể đón những dòng vốn mới đổ vào khi giới đầu tư gom mua tài sản Mỹ để tìm kiếm sự an toàn.

 

Hệ thống tài chính Mỹ hiện đang đối mặt rủi ro lớn nếu cuộc khủng hoảng nợ công của châu Âu diễn biến xấu đi. Tháng trước, hãng định mức tín nhiệm Fitch Ratings tuyên bố, ngành ngân hàng Mỹ có thể để mất triển vọng ổn định trừ phi cuộc khủng hoảng của châu Âu được giải quyết đúng lúc và có trật tự.

 


Theo Kiều Oanh - VnEconomy



 


TS Lê Xuân Nghĩa: "Tin đồn lãi suất sắp giảm chưa chính xác"

Ngày đăng : 07/12/2011 - 10:17 AM

Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ nhiệm Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, cho biết thông tin lãi suất huy động sẽ giảm xuống 12% trong tháng này là chưa chính xác. Ông cho rằng đây là mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào năm 2012

                       

 

Hiện có thông tin về việc lãi suất huy động sẽ giảm xuống 12% trong tháng 12 năm nay, sau nhiều thông tin từ NHNN và Chính phủ cho biết sẽ xem xét giảm lãi suất huy động sau khi lạm phát liên tục ở mức thấp trong các tháng qua. Vậy thông tin này chính xác đến đâu, thưa ông?

Đúng là trong vài tháng qua, lạm phát đã giảm xuống dưới mức 1%/tháng. Dự kiến trong tháng 12 này, mức tăng cũng không vượt quá 0,5% và các tháng tiếp theo cũng trên dưới mức này. Như vậy, đây có thể là cơ sở để giảm lãi suất.

Nhưng tôi khẳng định đây không phải là chuyện có thể xảy ra trong ngày một, ngày hai như thông tin trên chúng ta nghe được. Vì tỷ giá hối đoái đang đứng trước sức ép đi lên do tăng trưởng tín dụng ngoại tệ đang tăng mạnh, nên sẽ có hiện tượng mua ngoại tệ trả nợ. Con số 12% nói trên là định hướng điều hành của chính sách tiền tệ trong năm sau, thậm chí có thể lãi suất còn giảm hơn mức này.

Nếu lãi suất huy động giảm sẽ ảnh hưởng thế nào đến các ngân hàng thương mại?

Hiện tại NHNN đã dùng nhiều biện pháp để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng nhỏ và điều này chắc chắn sẽ hỗ trợ cho ngân hàng thương mại khi gặp khó. Nhưng theo tôi, biện pháp cần làm ngay không phải là giảm trần lãi suất huy động mà là bỏ luôn trần này.

Chắc chắn ban đầu các ngân hàng nhỏ sẽ tăng lãi suất, nhưng dần dần thị trường sẽ điều tiết ở mức hợp lý. Nếu áp trần lãi suất cho vay thì tốt hơn, vì như vậy doanh nghiệp và nền kinh tế sẽ được hưởng lợi. Trong khi với trần huy động, chỉ người gửi tiền được ưu tiên.

Bên cạnh đó, cũng nên quy định mức tăng trưởng tín dụng không đồng đều giữa các ngân hàng, vì quy mô mỗi ngân hàng khác nhau, hoặc bỏ quy định hạn mức này. Nên dùng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu để khống chế tăng trưởng tín dụng thì sẽ hợp lý hơn.

Như vậy, ông có nghĩ đến năm sau, doanh nghiệp sẽ “dễ thở” hơn?


Chính phủ có định hướng năm 2012 vẫn tiếp tục kiềm chế lạm phát ở mức chấp nhận được, nhưng đồng thời vẫn phải duy trì tăng trưởng, đảm bảo việc làm, an sinh xã hội, phục hồi sản xuất kinh doanh. Do đó, chính sách tiền tệ trong năm sau sẽ linh hoạt hơn, doanh nghiệp có khả năng sẽ dễ tiếp cận nguồn vốn hơn.

Đồng thời, chính phủ cũng đã có chủ trương giảm, giãn thuế thu nhập cho doanh nghiệp, cắt giảm thủ tục hành chính, đây cũng là một phương thức hỗ trợ để doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn hiện tại.

Chính sách tiền tệ linh hoạt hơn có giúp gì cho thị trường chứng khoán và bất động sản, thưa ông?

Để phục vụ cho việc tái cơ cấu nền kinh tế, doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng…thì Chính phủ chủ trương phục hồi lại thị trường tài sản. Đồng thời, việc làm này cũng rất cần thiết, tạo nền tảng để tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế trong những năm tới. Một kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế nói chung và bất động sản nói riêng chính là thị trường chứng khoán. Vì vậy, muốn tái cấu trúc ngân hàng thì việc làm cần thiết là hỗ trợ cho cả 2 thị trường này.

Xin cảm ơn ông!

Theo Thanh Thương

 TBKTSG


 


 

Tin mới cập nhật