Ngày đăng :
06/12/2011 - 5:15 PM
Tại cuộc hội đàm ở Paris (Pháp) ngày 5-12, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhất trí nhiều đề xuất siết chặt kỷ luật ngân sách ở khu vực đồng euro (eurozone) nhằm khôi phục niềm tin trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công.
Sau đây là những đề xuất quan trọng mà hai bên đã nhất trí.
Thay đổi căn bản hiệp định EU
Pháp và Đức sẽ gửi thư cho Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Herman Van Rompuy vào ngày 7-12, đề nghị Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) trong tuần này phải khới xướng tiến trình sửa đổi hiệp định căn bản của EU nhằm thực thi nghiêm ngặt hơn các quy định tài chính.
Nếu sự thay đổi này không được tất cả 27 thành viên EU ủng hộ thì Đức và Pháp sẽ đề xuất hiệp định riêng rẻ cho 17 nước eurozone và sẵn sàng tiếp nhận các nước EU khác muốn tham gia. Hiện một vài nước như Anh, Ireland, Hà Lan không muốn thay đổi hiệp định EU vì các lý do chính trị.
Cả ông Sarkozy và bà Merkel đều muốn đưa ra quyết định dứt khoát vào cuối tuần này về việc sửa đổi hiệp định áp dụng cho 27 thành viên EU hay chỉ áp dụng cho 17 thành viện eurozone. Sau đó, nội dung của hiệp định sẽ được xây dựng vào giữa tháng 3-2012 và được công bố để mời các nước phê chuẩn.
Các quy định mới siết chặt ngân sách
Hiệp định sửa đổi sẽ bao gồm các biện pháp chế tài tự động đối với bất kỳ nước thành viên nào có mức thâm hụt ngân sách vượt quá 3% tổng sản phẩm quốc hội (GDP). Các biện pháp chế tài sẽ được áp dụng khi có sự đề nghị của EC trừ phi đa số nước thành viên bỏ phiếu chống. Quy định hiện hành đòi hỏi phải có đa số phiếu ủng hộ của các nước thành viên.
Ngoài ra, Pháp và Đức cũng muốn đưa “nguyên tắc vàng” vào hiến pháp của 17 nước eurozone, đòi hỏi chính phủ các nước phải cân đối ngân sách trong một khoảng thời gian cụ thể. Tòa Công lý châu Âu sẽ là cơ quan thẩm định cuối cùng xem "nguyên tắc vàng" này có tuân thủ hiệp định sửa đổi hay không.
Bảo vệ nhà đầu tư trái phiếu cá nhân
Tổng thống Sarkozy và Thủ tướng Merkel nhất trí rằng các quy định của quỹ giải cứu eurozone trong tương lai hay còn gọi là Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) sẽ khẳng định việc nhà đầu tư trái phiếu tư nhân hủy bỏ nợ cho các nước chỉ là trường hợp hy hữu.
Trong tương lai, EU sẽ tuân thủ các quy trình và các nguyên tắc của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) để đảm bảo trái phiếu của eurozone có sự an toàn như mọi trái phiếu chính phủ khác trên thế giới. Điều này nghĩa là Đức từ bỏ quan điểm quyết liệt trước đây rằng nhà đầu tư trái phiếu cá nhân có thể phải chia sẻ chi phí giải cứu đối với một nước tại eurozone.
Bỏ phiếu đa số thay cho đồng thuận hoàn toàn
Pháp và Đức cũng đồng ý thành lập ESM vào năm sau thay vì năm 2013 theo dự kiến trước đây nhằm hỗ trợ các nước thành viên eurozone gặp khó khăn tài chính.
Hai nước đề xuất tất cả mọi quyết định ở ESM cần có đa số phiếu thông qua, với mức 85% phiếu ủng hộ thay vì theo nguyên tắc đồng thuận 100% như hiện tại. Thủ tướng Merkel nói quy định mới này nhằm tránh nguy cơ các quyết định của eurozone bị cản trở chỉ vì một nước thành viên. Điều này đã từng xảy ra khi Phần Lan ngăn cản việc mở rộng quỹ giải cứu eurozone và khi một đảng nhỏ trong liên minh cầm quyền của Slovakia phản đối mở rộng quỹ giải cứu này khiến chính phủ Slovakia bị trói tay.
Tuy nhiên, các nước lớn trong eurozone gồm Pháp, Đức và Ý có quyền phủ quyết các quyết định ở ESM.
Không tán thành trái phiếu eurozone
Cả hai nhà lãnh đạo đồng ý loại bỏ ý tưởng phát hành trái phiếu eurozone, một giải pháp dài hạn cho cuộc khủng hoảng nợ công còn gây nhiều tranh cãi. Tổng thống Sarkozy nói trái phiếu eurozone không phải là giải pháp cho cuộc khủng hoảng và thật lố bịch khi Pháp và Đức trả nợ thay cho các nước khác khi họ không kiểm soát việc phát hành trái phiếu.
Cả hai nhà lãnh đạo đề xuất tổ chức hội nghị thượng đỉnh các lãnh đạo eurozone hàng tháng cho đến khi kết thúc cuộc khủng hoảng nợ công nhằm thảo luận các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng, cải cách thị trường lao động.
Hai nhà lãnh đạo cũng tái khẳng định tin tưởng Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), tôn trọng sư độc lập của ECB và không đưa ra những đòi hỏi tích cực và tiêu cực đối với các biện pháp quản lý khủng hoảng của ECB.
Tại cuộc họp báo chung sau đó, Thủ tướng Merkel nói: “Gói đề xuất trên cho thấy chúng tôi hoàn toàn quyết tâm giữ đồng euro ổn định và đây cũng là đóng góp quan trọng cho sự ổn định của châu Âu.
Tổng thống Sarkozy phát biểu: “Những gì chúng tôi muốn là nói với thế giới rằng châu Âu phải trả nợ, giảm thâm hụt ngân sách và khôi phục tăng trưởng”. Ông cũng nói Pháp xem việc liên kết và chia sẻ với Đức mang tầm quan trọng chiến lược trong thời khắc khủng hoảng cao độ như hiện nay vì chỉ cần một sự bất đồng nào giữa hai nước thì eurozone có nguy cơ tan vỡ.
Theo Spiegel
Reuters
|
Ngày đăng :
06/12/2011 - 5:14 PM
Ổn định kinh tế vĩ mô, đi đôi với tái cơ cấu nền kinh tế tiếp tục là thông điệp chính được người đứng đầu Chính phủ chuyển tới cộng đồng các nhà tài trợ cho Việt Nam tại Hội nghị CG năm nay.
Có mặt tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định với các nhà tài trợ sẽ tiếp tục thực hiện các nội dung chủ yếu của Nghị quyết 11 trong năm 2012, đồng thời triển khai quyết liệt, có hiệu quả quá trìnhtái cơ cấu nền kinh tế.
Về ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng cho biết các biện pháp thắt chặt tài khóa, tiền tệ trong năm 2011 đã giúp Việt Nam kiểm soát dần lạm phát, giá cả nhiều mặt hàng đã có xu hướng giảm trong những tháng gần đây. “Theo kết quả này, chúng tôi cho rằng, năm 2012, Việt Nam có khả năng kiểm soát lạm phát ở mức 9%”, Thủ tướng nhận định.
Cũng với cơ sở của 2011, Thủ tướng cho nhập siêu năm tới sẽ ở mức 10-12%. Nợ công trong ngưỡng an toàn, bội chi ngân sách phấn đấu dưới 4,8%. Người đứng đầu Chính phủ cũng cam kết sẽ đảm bảo các cân đối khác như năng lượng, lương thực, thực phẩm… trong năm tới nhằm góp phần kiểm soát giá cả.
Riêng về tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng cho biết mức tăng GDP 2011 là 5,8-6% trong khi mục tiêu của 2012 là 6%. “Duy trì mức tăng trưởng này sẽ giúp Việt Nam ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội. Việt Nam không chọn tăng trưởng cao trong giai đoạn hiện nay”, người đứng đầu Chính phủ khẳng định.
Song song với ổn định kinh tế, Thủ tướng khẳng định sẽ chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó tập trung vào cải cách đầu tư, hệ thống tài chính - ngân hàng và khu vực doanh nghiệp. “Việt Nam sẽ tiến hành cổ phần hóa hầu hết các doanh nghiệp Nhà nước với mục tiêu chủ yếu là nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh”, Thủ tướng khẳng định.
Bên cạnh những mục tiêu vĩ mô nói trên, đại diện Chính phủ cũng khẳng định sẽ tiếp tục đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội cho người dân. Theo Thủ tướng, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam hiện ở mức 1.200 USD một năm nhưng khoảng cách giàu nghèo vẫn ở mức cao. Để giải quyết tình trạng này, Chính phủ sẽ duy trì mục tiêu tạo 1,6 triệu việc làm trong năm 2012 nhằm giữ tỷ lệ thất nghiệp dưới 4%. Cùng với đó là giảm 2% số hộ nghèo trong cả nước.
Đánh giá cao phát biểu thẳng thắn của Thủ tướng cũng như những thành tựu đạt được trong thời gian qua nhưng hầu hết đại diện của các nhà tài trợ có mặt tại Hội nghị đều cho rằng giai đoạn phát triển tới của Việt Nam vẫn ẩn chứa nhiều thách thức, xuất phát từ bên ngoài cũng như nội tại nền kinh tế. Các nhà tài trợ thúc giục Việt Nam tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, ổn định vĩ mô, xóa đói giảm nghèo cũng như cải cách thể chế…
Ghi nhận những ý kiến này, Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ tiếp thu một cách hợp lý đề xuất được các bên đưa ra, trong đó tập trung mạnh cho cải cách thủ tục hành chính trong thời gian tới. Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ cũng cam kết sẽ đẩy nhanh quá trình giải ngân, sử dụng hiệu quả những sự trợ giúp từ bên ngoài, đặc biệt là ODA.
Theo Nhật Minh
Vnexpress
|
Ngày đăng :
06/12/2011 - 4:35 PM
Việt Nam có thể làm suy yếu tiến trình ổn định kinh tế vĩ mô nếu các nhà hoạch định chính sách nới lỏng chính sách tiền tệ ở thời điểm hiện nay, đại diện của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF và Ngân hàng Thế giới WB nhận xét.
Ông Sanjay Kalra, Trưởng đại diện của IMF tại Việt Nam cho biết trước Hội nghị các nhà tài trợ diễn ra tại Hà Nội ngày hôm nay (6/12), “Các nhà hoạch định chính sách cần thúc đẩy tiến trình một cách nhanh chóng và kiên định để đảm bảo sức khỏe của khu vực tài chính trong khi tái thiết sự ổn định kinh tế vĩ mô. Không đạt được mục tiêu này, hay thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ trong thời điểm hiện tại, sẽ tác động xấu tới những nỗ lực trước đó”.
Nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với tỷ lệ lạm phát gần chạm ngưỡng 20% cùng với thâm hụt thương mại và sự chậm lại trong tăng trưởng kinh tế cũng như những rủi ro đến từ hệ thống các tổ chức tín dụng. Chính phủ đã đưa ra thông tin GDP của Việt Nam có thể đạt mức khoảng 6% trong năm nay, thấp hơn mức 6,8% đạt được trong năm 2010.
Ông Kalra cho biết, một chương trình hành động rõ ràng trong việc tái cấu trúc ngành tài chính là “cần thiết cấp bách.”
Ngoài ra, ông Kalra cũng nhận định các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam nên xem xét tới việc nâng lãi suất để hỗ trợ đồng nội tệ nếu cần thiết.
Ông Kalra cũng cho biết thêm, trong khi dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã được cải thiện trong giai đoạn giữa năm 2011, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã “sụt giảm trở lại trong nỗ lực kiểm soát những áp lực đè nặng lên tỷ giá”. Sự sụt giảm giá trị của đồng VND có liên quan tới sự suy giảm niềm tin trong nền kinh tế. Theo đó, NHNN Việt Nam đã cam thiệp vào thị trường ngoại hối trong tháng 10 và dự trữ ngoại hối của Việt Nam trong tháng 7 tương đương với 2 tháng nhập khẩu, đại diện của WB đưa ra thông tin trong một báo cáo độc lập được công bố ngày hôm nay. Sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô hiện “mong manh và việc nới lỏng chính sách sớm sẽ tạo ra rủi ro tái diễn những kịch bản bất ổn gần đây.”
Nhận xét về ngành ngân hàng, WB cho biết ngành này đang cho thấy những dấu hiệu căng thẳng, với chất lượng tài sản “đáng lo ngại bắt nguồn từ việc tăng trưởng tín dụng thường xuyên ở mức cao trong những năm qua, lãi suất cao và năng lực quản trị rủi ro còn nhiều hạn chế”. Các ngân hàng của Việt Nam đang thể hiện tình trạng thiếu thanh khoản, WB cho biết trong báo cáo của mình.
Đại diện của IMF cho rằng việc chính phủ Việt Nam “liên tục kêu gọi việc hạ lãi suất cho vay làm dấy lên những ghi ngờ về quyết tâm duy trì chính sách thắt chặt của chính phủ Việt Nam”.
Theo báo cáo của Chính phủ, thâm hụt thương mại của Việt Nam trong năm 2011 có thể đứng ở mức 10 tỷ USD với nhập khẩu tăng trưởng 23,8% trong năm nay, lên 105 tỷ USD và xuất khẩu tăng trưởng 31,6% lên 95 tỷ USD.
Theo dự báo của Capital Economics Ltd., nền kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng chậm lại ở mức 5% hoặc thấp hơn trong năm sau. Nếu dự báo này chính xác, đây sẽ là tốc độ tăng trưởng chậm nhất của nền kinh tế Việt Nam kể từ năm 1999.
Theo Anh Đặng
Bloomberg
|
Ngày đăng :
06/12/2011 - 10:26 AM
5 tuần liên tiếp tỷ giá USD/VND đứng yên. Cam kết của Ngân hàng Nhà nước đang gần đến đích khi có những hậu thuẫn lớn.
Trao đổi bên lề cuộc gặp phóng viên cuối tuần qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, đến cuối năm 2011, cơ bản có 3 điểm ưu tiên can thiệp của chính sách tiền tệ đang cho kết quả như dự tính.
Đó là chủ trương giảm lãi suất cho vay đã được triển khai. Thứ hai là thị trường vàng cũng đã được từng bước can thiệp, dù Thống đốc Bình cho rằng Ngân hàng Nhà nước hiện vẫn chưa có đầy đủ công cụ (đặc biệt là về mặt pháp lý) để đạt hiệu quả cao hơn. Thứ ba là cam kết giữ ổn định tỷ giá USD/VND, nếu có điều chỉnh thì đến cuối năm không quá 1% (tính từ thời điểm 7/9/2011).
Đến nay, sau loạt tăng 14 lần liên tiếp đầu tháng 10, tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa USD với VND đã nối dài 5 tuần cố định. Và sau khi bán ra khoảng 1,5 - 1,8 tỷ USD hỗ trợ thị trường từ giữa tháng 8, chủ yếu cho nhập khẩu vàng, từ tháng 10 trở lại đây Ngân hàng Nhà nước không còn phải dùng đến giải pháp này.
Trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại, trạng thái căng thẳng của tỷ giá USD/VND vẫn thể hiện ở giá mua san bằng giá bán và cùng kịch trần biên độ tại nhiều thành viên. Nhưng sự ổn định tương đối cũng đang thể hiện.
Theo ghi nhận của một số tổ chức đầu tư, những ngày cuối tuần qua tỷ giá USD/VND tiếp tục có sự điều chỉnh thể hiện cả trên thị trường tự do lẫn thị trường liên ngân hàng. Khoảng cách tỷ giá giữa hai thị trường này cũng đã được thu hẹp, cùng quanh mức 21.165 VND. Tác động cụ thể là một số ngân hàng tăng cường bán ra USD để tăng thanh khoản VND.
Ở điểm ưu tiên thứ hai như Thống đốc Nguyễn Văn Bình nêu, sự can thiệp thị trường vàng hai tháng trở lại đây cũng đã loại trừ giải pháp quen thuộc là cho nhập vàng để bình ổn. Theo đó, nguồn ngoại tệ cho nhu cầu này cũng đã hạn chế thay cho áp lực phải bán ra rõ rệt từ giữa tháng 8 đến đầu tháng 9/2011.
Với diễn biến trên và hiện tại, nhiều khả năng cam kết điều chỉnh tỷ giá USD/VND không quá 1% của Ngân hàng Nhà nước sẽ được trọn vẹn. Và hậu thuẫn lớn nhất đang thể hiện là những chuyển biến tích cực của kinh tế vĩ mô.
Trong báo cáo tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ dành cho Việt Nam (CG) năm 2011, diễn ra hôm nay (6/12) tại Hà Nội, Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh đưa ra một số dự tính đáng chú ý.
Thứ trưởng Sinh cho biết, năm 2011 hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt kết quả khả quan, thực hiện tốt hơn các chỉ tiêu đề ra và tạo sự hỗ trợ lớn cho yêu cầu ổn định tỷ giá. Cụ thể là ở kết quả kiềm chế nhập siêu và trạng thái thặng dư của cán cân tổng thể.
Theo báo cáo trên, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2011 dự tính sẽ đạt con số kỷ lục là 202 tỷ USD, bằng 170% GDP. Trong đó tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 96 tỷ USD, tăng 33% so với năm 2010; tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 106 tỷ USD, tăng 25%. Theo đó, nhập siêu giảm mạnh, cả năm dự kiến khoảng 10 tỷ USD, bằng 10,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra (không quá 18%).
Cũng trong báo cáo trên, dự tính cán cân tổng thể năm 2011 sẽ thặng dư tới 3,1 tỷ USD, cao hơn cả dự báo của một lãnh đạo chuyên trách đưa ra trước đó.
Hồi tháng 3/2011, tại diễn đàn Quốc hội, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cũng dự báo năm nay cán cân tổng thể sẽ có sự cải thiện rõ rệt với dự báo thặng dư hơn 2 tỷ USD, là một yếu tố hỗ trợ cho giữ ổn định tỷ giá. Đây là sự cải thiện rất lớn khi năm 2009 cán cân tổng thể thâm hụt tới 8,8 tỷ USD và năm 2010 thâm hụt 3,07 tỷ USD.
Trong những chuyển biến tích cực này, một dòng chảy ngoại tệ từ kiều hối cũng đang góp phần đáng kể. Ước tính vừa công bố của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, trong năm 2011, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam đạt gần 9 tỷ USD. Với con số này, Việt Nam thuộc top 10 các nước nhận được nhiều kiều hối nhất theo con đường chính thức (gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Mexico, Philippines, Pakistan, Bangladesh, Nigeria, Ai Cập và Liban).
Với những hậu thuẫn đó, tỷ giá USD/VND đang có những điều kiện về vĩ mô để ổn định. Ngân hàng Nhà nước đang nắm khả năng giữ được cam kết điều chỉnh không quá 1%, dù sau loạt điều chỉnh từ đầu tháng 10 vừa qua đã dùng tới 0,85% “quỹ cam kết” này. Tuy nhiên, nhiều tổ chức thời gian qua cùng dự báo rằng, cầu ngoại tệ thời gian còn lại của năm 2011 và đầu năm 2012 sẽ ở mức cao.
Theo Minh Đức
VnEconomy
|
Ngày đăng :
06/12/2011 - 10:00 AM
Ngân hàng Nhà nước sẽ xây dựng phương án xử lý cụ thể để giảm nhanh các ngân hàng yếu kém kéo dài theo các phương án thích hợp với chi phí ít nhất.
Đây là một nội dung có trong báo cáo của Thống đốc Nguyễn Văn Bình tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ dành cho Việt Nam (CG) năm 2011, diễn ra hôm nay (6/12) tại Hà Nội.
Tại hội nghị này, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam là một chủ đề chính và dự kiến sẽ được đưa ra thảo luận.
Trong báo cáo “Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn 2011 - 2015”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đưa ra 7 nhóm biện pháp tái cấu trúc sẽ triển khai trong thời gian tới.
Thứ nhất, hoàn thiện và đưa vào thực hiện các tiêu chuẩn quản trị mới, các quy định về an toàn và phòng tránh rủi ro theo hướng tiếp cận nhanh thông lệ quốc tế; tăng cường vai trò giám sát của ngân hàng nhà nước trong việc thực hiện các tiêu chuẩn này.
Thứ hai, xây dựng cơ chế, chính sách để những ngân hàng thương mại có đủ điều kiện phát triển nhanh và cạnh tranh có hiệu quả trong nước và quốc tế; đồng thời, khuyến khích các ngân hàng mở rộng địa bàn hoạt động phục vụ nông nghiệp và nông thôn.
Thứ ba, thực hiện cổ phần hóa các ngân hàng thương mại nhà nước, nâng cao tiềm lực tài chính, khả năng quản trị, chất lượng các dịch vụ, sức cạnh tranh và hiệu quả hoạt động để ngân hàng thương mại nhà nước thực sự làm nòng cốt trong hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại cả nước.
Thứ tư, bổ sung hoàn thiện thể chế để các ngân hàng thương mại cổ phần nâng cao chất lượng quản trị, hoạt động minh bạch, thực sự là ngân hàng đại chúng; quy định mức vốn tối thiểu và lộ trình thực hiện phù hợp với quy mô và địa bàn hoạt động.
Thứ năm, xây dựng phương án xử lý cụ thể để giảm nhanh các ngân hàng yếu kém kéo dài theo các phương án thích hợp với chi phí ít nhất, bảo đảm an toàn hệ thống, không làm ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người gửi tiền và xử lý nghiêm những cá nhân có sai phạm.
Thứ sáu, kiện toàn và phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng ở nông thôn. Việc thành lập mới các ngân hàng thương mại và các định chế tài chính, kể cả thành lập mới các hợp tác xã tín dụng ở địa bàn nông thôn phải được thẩm định chặt chẽ, theo đúng quy định của pháp luật.
Thứ bảy, phối hợp có hiệu quả việc cơ cấu lại hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng với việc cơ cấu lại và phát triển mạnh các phân khúc khác các thị trường tài chính như thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, thị trường bảo hiểm và các quỹ đầu tư theo những tiêu chuẩn quản lý phù hợp với thông lệ quốc tế để đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Thực hiện công khai, minh bạch và kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các định chế tài chính này.
Như đã trình bày trước Quốc hội, trong báo cáo trên, một lần nữa Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh mục tiêu trong 5 năm sắp tới là Việt Nam phấn đấu có 2 ngân hàng đủ sức cạnh tranh với các ngân hàng trong khu vực, có từ 10 đến 15 ngân hàng đủ lớn để làm trụ cột cho cả hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Hệ thống các tổ chức tín dụng cũng sẽ có những ngân hàng có quy mô vừa và nhỏ, các tổ chức tín dụng phi ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh và hoạt động trong phân khúc thị trường nhất định. “Chúng tôi hướng tới và đang triển khai các đề án xây dựng các tổ chức tài chính quy mô nhỏ để đảm bảo rằng mọi tầng lớp xã hội, đồng bào ở các địa bàn khác nhau đều có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng”, Thống đốc Bình cho biết.
Theo ông, việc tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng nói riêng là một nội dung rất lớn và phức tạp, đòi hỏi phải được triển khai thực hiện đồng bộ trong tất cả các ngành, lĩnh vực trong nhiều năm.
Ngân hàng Nhà nước dự kiến từ nay đến năm 2013 sẽ thực hiện phân nhóm các tổ chức tín dụng, hỗ trợ thanh khoản đối với các tổ chức tín dụng gặp khó khăn, xây dựng phương án tái cấu trúc và thực hiện tái cấu trúc toàn diện các ngân hàng hoạt động chưa tốt để sau đó tiến hành hoàn thiện tái cấu trúc toàn bộ hệ thống, nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng vào năm 2015.
Những bước đi đầu tiên của quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đã và đang được ngành ngân hàng triển khai thận trọng, đảm bảo an toàn. Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng nhấn mạnh trong báo cáo: “Ngân hàng Nhà nước một lần nữa xin khẳng định rằng, chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức mình, đảm bảo trong quá trình tái cơ cấu không để xảy ra đổ vỡ ngân hàng, rối loạn tài chính và mất an toàn hoạt động ngân hàng, nằm ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, đồng thời hạn chế tới mức thấp nhất tổn thất, chi phí xử lý những vấn đề của hệ thống các tổ chức tín dụng”.
*Theo Nghị quyết số 102 /NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2011, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước hoàn chỉnh đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng trình Bộ Chính trị trước ngày 20/12/2011.
VnEconomy.vn
|