Thống đốc Nguyễn Văn Bình: “Sẽ giảm nhanh các ngân hàng yếu kém”

Ngày đăng : 06/12/2011 - 10:00 AM

Ngân hàng Nhà nước sẽ xây dựng phương án xử lý cụ thể để giảm nhanh các ngân hàng yếu kém kéo dài theo các phương án thích hợp với chi phí ít nhất.

 

                         

 

Đây là một nội dung có trong báo cáo của Thống đốc Nguyễn Văn Bình tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ dành cho Việt Nam (CG) năm 2011, diễn ra hôm nay (6/12) tại Hà Nội.

Tại hội nghị này, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam là một chủ đề chính và dự kiến sẽ được đưa ra thảo luận.

Trong báo cáo “Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn 2011 - 2015”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đưa ra 7 nhóm biện pháp tái cấu trúc sẽ triển khai trong thời gian tới.

Thứ nhất, hoàn thiện và đưa vào thực hiện các tiêu chuẩn quản trị mới, các quy định về an toàn và phòng tránh rủi ro theo hướng tiếp cận nhanh thông lệ quốc tế; tăng cường vai trò giám sát của ngân hàng nhà nước trong việc thực hiện các tiêu chuẩn này.

Thứ hai, xây dựng cơ chế, chính sách để những ngân hàng thương mại có đủ điều kiện phát triển nhanh và cạnh tranh có hiệu quả trong nước và quốc tế; đồng thời, khuyến khích các ngân hàng mở rộng địa bàn hoạt động phục vụ nông nghiệp và nông thôn.

Thứ ba, thực hiện cổ phần hóa các ngân hàng thương mại nhà nước, nâng cao tiềm lực tài chính, khả năng quản trị, chất lượng các dịch vụ, sức cạnh tranh và hiệu quả hoạt động để ngân hàng thương mại nhà nước thực sự làm nòng cốt trong hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại cả nước.

Thứ tư, bổ sung hoàn thiện thể chế để các ngân hàng thương mại cổ phần nâng cao chất lượng quản trị, hoạt động minh bạch, thực sự là ngân hàng đại chúng; quy định mức vốn tối thiểu và lộ trình thực hiện phù hợp với quy mô và địa bàn hoạt động.

Thứ năm, xây dựng phương án xử lý cụ thể để giảm nhanh các ngân hàng yếu kém kéo dài theo các phương án thích hợp với chi phí ít nhất, bảo đảm an toàn hệ thống, không làm ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người gửi tiền và xử lý nghiêm những cá nhân có sai phạm.

Thứ sáu, kiện toàn và phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng ở nông thôn. Việc thành lập mới các ngân hàng thương mại và các định chế tài chính, kể cả thành lập mới các hợp tác xã tín dụng ở địa bàn nông thôn phải được thẩm định chặt chẽ, theo đúng quy định của pháp luật.

Thứ bảy, phối hợp có hiệu quả việc cơ cấu lại hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng với việc cơ cấu lại và phát triển mạnh các phân khúc khác các thị trường tài chính như thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, thị trường bảo hiểm và các quỹ đầu tư theo những tiêu chuẩn quản lý phù hợp với thông lệ quốc tế để đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Thực hiện công khai, minh bạch và kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các định chế tài chính này.

Như đã trình bày trước Quốc hội, trong báo cáo trên, một lần nữa Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh mục tiêu trong 5 năm sắp tới là Việt Nam phấn đấu có 2 ngân hàng đủ sức cạnh tranh với các ngân hàng trong khu vực, có từ 10 đến 15 ngân hàng đủ lớn để làm trụ cột cho cả hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Hệ thống các tổ chức tín dụng cũng sẽ có những ngân hàng có quy mô vừa và nhỏ, các tổ chức tín dụng phi ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh và hoạt động trong phân khúc thị trường nhất định. “Chúng tôi hướng tới và đang triển khai các đề án xây dựng các tổ chức tài chính quy mô nhỏ để đảm bảo rằng mọi tầng lớp xã hội, đồng bào ở các địa bàn khác nhau đều có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng”, Thống đốc Bình cho biết.

Theo ông, việc tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng nói riêng là một nội dung rất lớn và phức tạp, đòi hỏi phải được triển khai thực hiện đồng bộ trong tất cả các ngành, lĩnh vực trong nhiều năm.

Ngân hàng Nhà nước dự kiến từ nay đến năm 2013 sẽ thực hiện phân nhóm các tổ chức tín dụng, hỗ trợ thanh khoản đối với các tổ chức tín dụng gặp khó khăn, xây dựng phương án tái cấu trúc và thực hiện tái cấu trúc toàn diện các ngân hàng hoạt động chưa tốt để sau đó tiến hành hoàn thiện tái cấu trúc toàn bộ hệ thống, nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng vào năm 2015.

Những bước đi đầu tiên của quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đã và đang được ngành ngân hàng triển khai thận trọng, đảm bảo an toàn. Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng nhấn mạnh trong báo cáo: “Ngân hàng Nhà nước một lần nữa xin khẳng định rằng, chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức mình, đảm bảo trong quá trình tái cơ cấu không để xảy ra đổ vỡ ngân hàng, rối loạn tài chính và mất an toàn hoạt động ngân hàng, nằm ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, đồng thời hạn chế tới mức thấp nhất tổn thất, chi phí xử lý những vấn đề của hệ thống các tổ chức tín dụng”.

*Theo Nghị quyết số 102 /NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2011, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước hoàn chỉnh đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng trình Bộ Chính trị trước ngày 20/12/2011.

 

VnEconomy.vn

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tags:

Tin cùng chủ đề

GDP năm 2011 đạt 1.300 USD/người

Ngày đăng : 06/12/2011 - 9:44 AM

Tổng GDP 2011 dự kiến khoảng 119 tỉ USD. Năm 2011 xuất khẩu của VN đạt 96 tỉ USD, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã vượt mức 200 tỉ USD.

 

 

 

Với kim ngạch đó, VN đã vượt Philippines, giữ vị trí thứ 5 Đông Nam Á sau Singapore, Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Với tổng GDP 2011 dự kiến khoảng 119 tỉ USD, thu nhập bình quân đầu người 1.300 USD/năm và xuất nhập khẩu lớn như trên, ông Hoàng cho biết VN đã trở thành nền kinh tế có độ mở hàng đầu thế giới.

Cũng theo ông Vũ Huy Hoàng, năm 2011 là năm VN xuất khẩu mạnh nhất sau năm năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, tăng tới 32% so với năm 2010 (gấp ba lần mục tiêu Quốc hội đề ra). 23 nhóm hàng của VN đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỉ USD và VN còn nhiều mặt hàng tiềm năng khác như điện thoại di động...

Ông Hoàng khẳng định nhập siêu của VN luôn giảm (2007 nhập siêu 14 tỉ USD, năm 2008 nhập siêu 18 tỉ USD, năm 2009 nhập siêu 12,9 tỉ USD, năm 2010 khoảng 12,6 tỉ USD và năm 2011 có khả năng chỉ còn 10 tỉ USD).

 

 

Theo C.V.Kình

Tuổi trẻ


 


9 tỉ USD kiều hối trong năm 2011

Ngày đăng : 06/12/2011 - 9:24 AM

Lượng kiều hối chuyển về trong quý 1 và quý 3 năm nay đạt khoảng 2,5 tỉ USD, quý 2 lượng tiền thấp hơn, đạt khoảng 2 tỉ USD.

 


Kiều hối vẫn tăng

 

Ông Trần Văn Trung - Giám đốc Công ty kiều hối Đông Á cho biết mặc dù tình hình kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn nhưng lượng kiều hối chuyển qua công ty trong 10 tháng đầu năm đã đạt 1,3 tỉ USD (cao hơn kế hoạch năm 2011 đề ra). Có khả năng đến hết tháng 12, lượng kiều hối qua công ty sẽ lên đến 1,6 tỉ USD, tăng 20% so với năm ngoái.
 
Các đơn vị triển khai dịch vụ kiều hối khác cũng có kết quả khả quan như NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), lượng kiều hối chuyển qua ngân hàng này đạt 600 triệu USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện nay có khoảng 4 triệu người Việt đang làm việc, sinh sống và học tập ở nước ngoài. Lượng kiều hối chuyển về Việt Nam qua các công ty chủ yếu đến từ các thị trường chủ lực như Mỹ, Canada, Úc và châu Âu, Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật…

 

                    

                                                   Biểu đồ lượng kiều hối gửi về Việt Nam trong 20 năm

 

Trong một kết quả vừa được Ngân hàng Thế giới công bố, Việt Nam là một trong số các quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất trong năm 2011. Trong năm nay lượng kiều hối tập trung về các quốc gia đang phát triển lên đến 351 tỷ USD trong tổng số lượng kiều hối toàn cầu là 406 tỷ USD. Dự kiến Việt Nam sẽ đón nhận khoảng 9 tỷ USD kiều hối trong năm 2011.

Ông Trần Văn Trung cho biết theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, lượng kiều hối chuyển về trong quý I và quý III năm nay đạt khoảng 2,5 tỷ USD, quý II lượng tiền thấp hơn, đạt khoảng 2 tỷ USD.

Tiền qua kênh chính thức tăng


Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Như Lý, Giám đốc khu vực Đông Dương của Western Union, xu hướng gửi tiền về Việt Nam vẫn chủ yếu là hỗ trợ tài chính cho gia đình, người thân nên khá ổn định. Ngoài ra, kiều hối về VN ngày càng được mở rộng từ nhiều nước. Nếu như năm 1994, khi mới vào Việt Nam, kiều hối chuyển về Việt Nam qua kênh Western Union chỉ từ 16 quốc gia thì hiện tại con số này đã lên đến 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Điều này có nghĩa là ngày càng có nhiều người chuyển tiền về Việt Nam qua kênh chính thức.

Đánh giá thị trường kiều hối Việt Nam, ông Sudhesh Giriyan - Phó chủ tịch Công ty chuyển tiền kiều hối toàn cầu Xpress Money cho biết: “Việt Nam đứng thứ 16 thị trường nhận kiều hối nhiều nhất trên toàn cầu. Thị trường kiều hối Việt Nam sẽ còn tiếp tục phát triển trong thời gian tới”.

 

Trong những năm gần đây, lượng kiều hối về Việt Nam ở mức cao, vượt 5 tỷ USD kể từ năm 2007. Thế nhưng số ngoại tệ từ kiều hối bán cho hệ thống ngân hàng chỉ được 10%. Với những quy định quản lý thị trường ngoại tệ vừa được triển khai (phạt tiền từ 300 - 500 triệu đồng đối với trường hợp mua bán ngoại tệ trái phép; tịch thu tang vật ngoại tệ, tiền đồng ...), ngành ngân hàng kỳ vọng lượng ngoại tệ từ kiều hối bán lại cho ngân hàng sẽ tăng hơn.

 

Theo Thanh Xuân
Thanh niên
 
 


Ước bội chi NSNN 11 tháng bằng 50,1% dự toán

Ngày đăng : 06/12/2011 - 12:12 AM

Thu ngân sách vượt dự toán 3,6% là nguyên nhân chính giúp bội chi NSNN 11 tháng chỉ hơn ½ dự toán ban đầu. Thu từ nhà đất, dầu thô, thuế TNCN tăng, vượt dự toán cao

 

 

Bộ Tài chính cho biết, thu ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 11 ước đạt 51.870 tỷ đồng, giảm nhẹ so với tháng 10 (giảm khoảng 1.140 tỷ đồng), chủ yếu do giảm thu từ khu vực nội địa.

Nguyên nhân thu nội địa trong kỳ giảm so với tháng trước do một số khoản thu phát sinh trong quý III phải nộp trong quý IV theo quy định (thuế thu nhập doanh nghiệp, thu chênh lệch thu chi ngân hàng nhà nước....) đã được thu tập trung trong tháng 10, sang tháng 11 không phát sinh; các khoản thu liên quan đến nhà, đất tháng 11 phát sinh thấp....

Bên cạnh đó, do tình hình kinh tế vĩ mô còn nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất – kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp giảm sút, làm ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách; một số sắc thuế lớn (thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt..) tiếp tục xu thế giảm.

Tính đến hết tháng 11/2011, tổng thu NSNN ước 616.140 tỷ đồng, đạt 103,6% dự toán, bằng 91,3% mức đánh giá báo cáo Quốc hội, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm 2010.

Bộ Tài chính dự báo thu NSNN cả năm 2011 dự kiến sẽ đạt đượcmức đánh giá trình Quốc hội (674.500 tỷ đồng).

Các khoản thu về nhà, đất và thuế thu nhập cá nhân tăng đóng góp vào NSNN

Thu nội địa 11 tháng ước 379.080 tỷ đồng, đạt 99,2% dự toán, bằng 89,2% mức đánh giá báo cáo Quốc hội, tăng 16,6% so cùng kỳ 2010.
Thu từ dầu vượt dự toán nhờ giá dầu thực tế cao

Thu từ dầu thô ước 94.000 tỷ đồng, đạt 135,6% dự toán, bằng 94% mức đánh giá báo cáo Quốc hội, tăng 49,7% so với cùng kỳ.

Giá dầu thô bình quân từ đầu năm đến nay vẫn xoay quanh mức đánh giá báo cáo Quốc hội là 102 USD/thùng, tăng 25 USD/thùng so giá xây dựng dự toán; sản lượng dầu ước đạt 12,86 triệu tấn, bằng 92% kế hoạch.

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2011 đóng góp từ dầu thô là 69.300 tỷ đồng.

Ngoài ra, thu cân đối NSNN từ xuất nhập khẩu ước 138.120 tỷ đồng, đạt 99,6% dự toán, bằng 95,9% mức đánh giá báo cáo Quốc hội, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2010. Số hoàn thuế giá trị gia tăng đến nay là 54.000 tỷ đồng, bằng 128,6% mức bố trí dự toán, tăng 48,4% so với cùng kỳ năm 2010.

                          

Đơn vị tính: Nghìn tỷ đồng. Số liệu thực hiện 11 tháng được tính toán trên số % dự toán báo cáo của Bộ Tài Chính. Số liệu dự toán nguồn Bộ Tài chính.

                  

Nguồn: Số liệu tính toán dựa số thực hiện so với dự toán trong báo cáo của Bộ Tài Chính và số dự toán.

 

Bội chi NSNN 60.440 tỷ đồng, bằng 54,2% bội chi cả năm do Quốc hội đề ra

Tổng chi NSNN tháng 11 ước đạt 63.300 tỷ đồng; luỹ kế chi 11 tháng đạt 676.580 tỷ đồng, bằng 93,2% dự toán, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2010; trong đó:

Vốn đầu tư XDCB cấp chuyển cho cơ quan kiểm soát, thanh toán vốn trong tháng 11 ước 13.500 tỷ đồng, luỹ kế 11 tháng đạt 133.500 tỷ đồng, bằng 91,9% dự toán, tăng 21,4% so với cùng kỳ;

Vốn giải ngân đến các chủ đầu tư ước đạt 76,2% dự toán, trong đó vốn Trung ương quản lý ước đạt 75,6% dự toán, vốn do địa phương quản lý ước đạt 78,7%.

Giải ngân vốn TPCP 11 tháng ước đạt 90,2% dự toán, trong đó: các dự án giao thông, thuỷ lợi ước đạt 96,0% dự toán; các dự án đầu tư nâng cấp bệnh viện ước đạt 86,5% dự toán; các dự án kiên cố hóa trường lớp học, nhà công vụ giáo viên và nhà ở sinh viên ước đạt 89,7% dự toán.

Chi trả nợ, viện trợ: thực hiện tháng 11 ước 8.090 tỷ đồng, luỹ kế chi 11 tháng đạt 93.410 tỷ đồng, bằng 108,6% dự toán, tăng 18,6% so cùng kỳ 2010.

Chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh (bao gồm chi cải cách tiền lương): thực hiện tháng 11 ước 41.100 tỷ đồng, luỹ kế chi 11 tháng đạt 442.890 tỷ đồng, đạt 94,4% dự toán, tăng 26,3% so cùng kỳ 2010.

Dự phòng NSTW năm 2011 dự toán bố trí 9.400 tỷ đồng. Đến ngày 15/11/2011 đã phân bổ sử dụng 6.778 tỷ đồng, tập trung cho các nhiệm vụ: đảm bảo quốc phòng, an ninh; hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, ổn định dân di cư tự do.

Bội chi NSNN tháng 11 ước 11.430 tỷ đồng, luỹ kế 11 tháng 60.440 tỷ đồng, bằng 54,2% mức bội chi cả năm Quốc hội quyết định; bằng 50,1% mức bội chi dự toán. Dự toán năm 2011 mức bội chi là 120.600 tỷ đồng, tương đương 5,3%GDP.

 

 Theo Q. Nguyễn

TTVN

 


Thiếu khí, ngành điện lo "gánh" thêm 18.000 tỷ đồng

Ngày đăng : 05/12/2011 - 9:37 PM

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, nếu được cung cấp đủ lượng khí thì bài toán thiếu điện năm 2012 sẽ cơ bản giải quyết được.
 

 

 

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị giao ban trực tuyến công tác tháng Mười Một và triển khai nhiệm vụ tháng Mười Hai do Bộ tổ chức sáng 5/12, tại Hà Nội.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, năm 2012 tăng trưởng điện sản xuất là 11,7% và điện thương phẩm là 13,6%, cao hơn năm 2011 khoảng 3 điểm %.

Tuy nhiên, báo cáo mà Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) gửi Bộ Công Thương mới đây thì năm 2012 khả năng sẽ thiếu gần 1 tỷ mét khối khí buộc các nhà máy nhiệt điện phải chuyển sang chạy dầu.

Trước thực tế này, lãnh đạo Bộ cũng tỏ ra lo ngại khi chi phí của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) sẽ bị đội lên gần 18 nghìn tỷ đồng nữa.

“Với mức chi phí tăng thêm như vậy thì không giá điện nào cũng như không có khả năng nào về tài chính mà EVN có thể gánh nổi,” Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.

Ông Vượng cũng cho biết, lãnh đạo Bộ Công Thương đã yêu cầu EVN làm việc với các chủ mỏ khí để có thể đáp ứng từ 6,5-6,6 tỷ mét khối khí trong năm 2012 và khả năng này đã được thực hiện trong các năm 2009 và 2010.

Theo lý giải của lãnh đạo Tập đoàn dầu khí Việt Nam, việc cung cấp khí luôn có sự phối hợp giữa PVN và EVN để đảm bảo nguồn.

Nhưng hiện có hai nguồn cấp khí cho các nhà máy điện là Nam Côn Sơn-Bạch Hổ và PM3 Cà Mau và thực tế là giá của hai nguồn này cũng khác nhau.

“Hầu như EVN chỉ huy động khí từ nhà máy Nam Côn Sơn-Bạch Hổ, trong khi nguồn ở PM3 Cà Mau lại nhiều hơn nhưng lại ít huy động nên chưa đạt được yêu cầu đề ra,” ông Vũ Quang Nam, Phó Tổng Giám đốc PVN bày tỏ.

Lãnh đạo PVN cũng đề nghị Bộ Công Thương có kế hoạch để cân đối được hai nguồn cung cấp khí này, tránh để tình trạng khai thác quá nhiều ở một nơi vì việc cung cấp khí còn phục vụ chung cho các công trình khác như đạm, khí thắp áp và việc cân đối chung của cả tập đoàn.
 
Kết luận những vấn đề trên, theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, hiện thủy văn thuận lợi thì EVN giảm công suất các nhà máy nhiệt điện chạy khí, nhưng về lâu dài cần có sự thỏa thuận và giúp đỡ nhau để hoàn thành nhiệm vụ chung.

Riêng về thị trường phát điện cạnh tranh dự kiến đi vào vận hàng chính thức vào 1/01/2012, qua hơn 4 tháng thí điểm (từ 1/7/2011) đã phần nào thấy được những ưu khuyết điểm để khắc phục, "Nếu chưa đủ điều kiện có thể kiến nghị lùi lại đến cuối quý I/2012 để chính thức đi vào vận hành," Bộ trưởng nói.

Liên quan đến cung cấp điện cho Hà Nội, theo dự báo 2012 thì thành phố sẽ đứng trước nguy cơ thiếu điện do nhiều dự án triển khai đều bị chậm tiến độ, thậm chí nhiều dự án đã được phê duyệt từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa thể hoàn thành vì chậm giải phóng mặt bằng.

Trước tình trạng này, ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết Thành phố Hà Nội đã có cuộc họp với lãnh đạo EVN và tập trung vào 2 vấn đề là mặt bằng và vốn.

Trong đó đi đến thống nhất, thành phố sẽ tập trung đẩy nhanh quá trình giải phóng mặt bằng và lãnh đạo thành phố cũng đồng ý cho EVN tiếp cận nguồn vốn với lãi suất 0% để triển khai tiếp các dự án và công trình điện.

Theo báo cáo của Tập đoàn điện lực Việt Nam, mười một tháng sản xuất điện ước đạt 86,8 tỷ kWh, tăng 11,1% so với cùng kỳ, nhưng điện mua từ Trung Quốc lại giảm 8% so với cùng kỳ năm 2010 do nước về các hồ thủy điện nhiều hơn và việc phát điện cũng ổn định.

Để đảm bảo điện cho năm 2012, nhất là các tháng cao điểm mùa khô thì EVN đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành tập trung việc tích nước cho các hồ thủy điện và đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Ông Dương Quang Thành, Phó Tổng Giám đốc, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, từ ngày 12 tháng 11 nhà máy điện Nhơn Trạch 2 chính thức phát điện thương mại và cung cấp cho lưới điện gần 180 triệu kWh.

Ngoài ra, tổ máy số 4 nhà máy Thủy điện Sơn La hòa lưới thêm 400 MW vào cuối tháng 12/2012 sẽ giúp giảm bớt nỗi lo thiếu nguồn.

“EVN sẽ đảm bảo tích nước tối đa phục vụ mùa khô năm sau, dự kiện năm 2012 điện thương phẩm tăng 13,6% thì EVN cố gắng đảm bảo điện cho nền kinh tế,” Phó Tổng Giám đốc EVN cho hay./.

 

Theo Vietnam Plus


Điểm mặt những cú sốc kinh tế năm 2011

Ngày đăng : 05/12/2011 - 10:56 AM

Năm 2011 Việt Nam vẫn ghi nhận những cú "sốc" kinh tế trên nhiều lĩnh vực...
 

 

 

Lạm phát giảm dần, cân đối tài chính vĩ mô có sự chuyển biến tích cực, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, an sinh và các vấn đề xã hội bức xúc được quan tâm tháo gỡ, tuy nhiên, năm 2011 Việt Nam vẫn ghi nhận những cú "sốc" kinh tế trên nhiều lĩnh vực...

Một là dồn dập điều chỉnh tỷ giá và tăng giá xăng, dầu, điện..

"Mở hàng" đầu năm là cú sốc điều chỉnh tỷ giá VND với USD (tăng 9,3% từ ngày 11/2/2011). Tiếp ngay sau đó là những cú sốc dồn dập về tăng giá xăng- dầu (tăng từ 17-24%) và giá điện (tăng 15,2% từ 1/3/2011).

Sự hội tụ tập trung trong thời gian ngắn những cú sốc tăng giá "khủng" sau thời gian dài cố nén trước đó đã làm bùng phát các xung lực tiêu cực. Hệ lụy là lạm phát cao kéo dài với mức trên 1% so với tháng trước suốt 3 quý đầu năm, khiến 3 lần Chính phủ phải chính thức điều chỉnh mức CPI từ mức kế hoạch đến cuối năm 2011 là 7,5% lên 15%, rồi phấn đấu đạt chỉ 18%, bất chấp đã có cải thiện rõ rệt so với mọi năm về hạn mức tăng tín dụng (chỉ còn khoảng 12% so với kế hoạch dưới 20%) và thâm hụt NSNN (chỉ còn 4,8% so với kế hoạch 4,9%).

Hai là cuộc hỗn chiến kiểm soát thị trường ngoại hối, sự chênh lệch kéo dài giá vàng trong và ngoài nước, Thương hiệu vàng SJC đột ngột chính thức lên ngôi  Thương hiệu Vàng Quốc gia

Năm 2011 cũng ghi nhận những cú sốc mới, gây khá nhiều tranh cãi cả trên nghị trường, cũng như các phương tiện thông tin đại chúng và tạo lúng túng cho ngân hàng, cũng như những nghi ngại cho người dân về cố gắng kiểm soát thị trường ngoại hối theo tinh thần Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 23/2/2011 của Chính phủ;  đặc biệt là các động thái cố gắng  không chế trần lãi suất huy động và hạn mức tín dụng, hạn chế  đối tượng được tiếp cận giao dịch tín dụng ngoại tệ, thậm chí tịch thu ngoại tệ buôn bán "ngoài luồng"; lập rào cản hành chính „tiêu chuẩn hóa" nhằm giảm thiểu đối tượng đủ chuẩn được phép thực hiện nhiệm vụ độc quyền Nhà nước về nhập khẩu, sản xuất và buôn bán vàng miếng.

Điều này cũng khiến chệnh lệch giá vàng trong nước với nước ngoài tăng vọt tới 3-5 tr.đ/lượng (so với tối đa 2 tr.đ/lượng năm 2010) và kéo dài khó hiểu hàng tháng trời, bất chấp tuyên bố của Thống đốc NHNN về mức chuẩn phải là giá vàng trong nước chỉ chênh tối đa 400.000 đ/lượng với giá vàng thế giới.

Kết cục cuộc hỗn chiến này còn sốc hơn khi chốt hạ là thương hiệu vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đang hoạt động kinh doanh vị lợi nhuận  và trực thuộc UBNDTPHCM, được lên ngôi chính thức trở thành Thương hiệu Vàng Quốc gia qua tuyên bố đột ngột của Thống đốc NHNN trong một buổi chất vấn tại  kỳ họp 2 Quốc hội khóa 13 diễn ra cuối tháng11/2011, mà không cần qua một bất kỳ hành trình thủ tục về lập và thông qua đề án của một  đại sự như vậy..!

Ba là bùng nổ nợ khó đòi ngân hàng & đổ vỡ tín dụng đen

Dù được tiên liệu từ đầu năm, song dư luận cũng không tránh khỏi sốc khi nghe tin nợ xấu của khối ngân hàng  thương mại tăng vọt tính đến cuối tháng 10/2011 lên 76000 tỷ đồng, tức tới trên 3,5% tổng dư nợ (trong khi có tổ chức nước ngoài cho rằng con số thực là 13,5%), trong đó 47% là nợ khó đòi.

Đặc biệt, dư luận càng sốc hơn khi biết các DNNN chiếm tới 60% tổng dư nợ và 70% nợ xấu của các ngân hàng thương mại.

Hơn nữa, những vụ đổ vỡ tín dụng đen bùng nổ trên nhiều địa phương cả nước, nhất là ở các đô thị lớn vào những tháng cuối năm 2011, với quy mô „khủng" hàng vài trăm tỷ đồng, đã không chỉ tạo sốc trong đời sống hàng trăm ngàn hộ gia đình có liên quan trực tiếp và gián tiếp, mà còn làm tăng sự e ngại về độ lành mạnh và nguy cơ tạo sốc đổ vỡ đômino của thị trường tín dụng trong nước...

Bốn là đại hạ giá  trên thị trường bất động sản & chứng khoán

Năm 2011 lần đầu tiên gây sốc cho nhà đầu tư khi bùng nổ những đợt đại hạ giá các bất động sản và chứng khoán vốn trong tình trạng ế dài trước đó. Không phải là việc đóng băng rồi chờ giá ấm, nóng  trở lại như mọi năm, mà thực sự là phải hạ giá từ 30-40%, thậm chí 50% so với giá đỉnh cao, nhưng vẫn khó tìm khách hàng đến với những chung cư cao cấp và nhà liền kề, biệt thự vốn bị bỏ hoang cả năm nay.

Sốc giảm giá trên thị trường chứng khoán còn thê thảm hơn, khi mà có những chứng khoán rớt giá thê thảm, còn không đến 900 đ/cổ phiếu, trong khi giá mỗi lần tẩm quất bình dân" vẫn giữ nguyên mức 60.000đ/lượt/45 phút, còn tuyệt đại đa số hàng hóa và dịch vụ khác đều đồng loạt tăng giá theo mức lạm phát....

Sáu là tăng vọt bất thường lượng doanh nghiệp thua lỗ, cuộc khẩu chiến bất phân thắng bại về lỗ hay lãi của ngành xăng dầu và mức lương đau lòng của ngành điện.

Dư luận thật sự sốc khi được biết, năm 2011 ở trong nước xuất hiện tình trạng, cứ 10 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, thì có tới 9 doanh nghiệp cũ bị giải thể, sáp nhập hoặc dừng hoạt động vì thua lỗ và không có tiền nộp thuế...

Thậm chí, có tới 450/495 doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán tập trung báo lỗ; khoảng 50% doanh nghiệp nhỏ và vừa, cùng hơn nửa số làng nghề trên cả nước  hầu như bị tê liệt vì lãi suất cao và khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.

Cuộc khẩu chiến về thực sự lỗ hay lãi của ngành xăng dầu và điện cũng chưa có hồi kết dù có bộc lộ thêm nhiều động thái phản ứng và thông tin tạo sốc mới của nhiều quan chức trong  và ngoài ngành, nhất là về cách tính lỗ và tuân thủ các quy định quản lý có liên quan .

Đặc biệt, dư luận quá sốc trước tin mức lương trung bình của ngành điện chỉ có 7,5 trđ/người dù ngành này đang lỗ nặng (do không được tùy ý tăng giá điện hay do đầu tư đa ngành), cao hơn mức lương tột đỉnh theo bảng lương Nhà nước duyệt cho bất kỳ nhà giáo hay nhà khoa học hàng đầu nào của Việt Nam. Mức lương này khiến quan chức ngành điện „đau lòng" và cũng gây đau lòng hơn cho các cán bộ, công nhân viên nhiều ngành khác khi nghĩ về mức lương của mình...!

Nhận diện những bất cập và đặc biệt xử lý tốt các hệ quả đã, đang và sẽ phát sinh của những cú sốc  kinh tế nêu trên trở thành một trong những yêu cầu bức thiết để ngăn ngừa và kiểm soát tốt hơn sự tái lặp các cú sốc đó trong tương lai...

 

TS. Nguyễn Minh Phong

 Tuần Việt Nam
 


 

Tin mới cập nhật