Điều gì xảy ra nếu hạ trần lãi suất huy động?

Ngày đăng : 08/12/2011 - 9:35 PM

Lạm phát tháng 11 tiếp tục hạ nhiệt và góp phần đưa mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm dưới 18% khả thi hơn. Điều này dẫn đến một số tin đồn và dự đoán về một kịch bản Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành hạ trần lãi suất huy động khoảng 1-2% từ mức 14% hiện nay.

 

                            

 

Gần đây, đã xuất hiện những thông tin về khả năng hạ trần lãi suất huy động. Tại phiên họp báo Chính phủ diễn ra gần đây, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho biết, dù chưa thể khẳng định có giảm trần lãi suất hay không, song với nhiều tín hiệu và mục tiêu tích cực trong năm tới, thì hoàn toàn có cơ sở để thực hiện điều đó. Tất nhiên, giảm như thế nào, bao giờ, giảm bao nhiêu... hiện Ngân hàng Nhà nước chưa thể công bố được.

Để giúp độc giả có thêm một góc nhìn về những tác động có thể xảy ra nếu hạ trần lãi suất huy động, VnEconomy giới thiệu quan điểm riêng của hai tác giả có kinh nghiệm làm việc lâu năm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Lạm phát tháng 11 tiếp tục hạ nhiệt và góp phần đưa mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm dưới 18% khả thi hơn. Điều này dẫn đến một số tin đồn và dự đoán về một kịch bản Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành hạ trần lãi suất huy động khoảng 1-2% từ mức 14% hiện nay.

Tuy nhiên, ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức khẳng định hiện tại chưa có chủ trương hạ trần lãi suất huy động. Điều này có nghĩa rằng quy định về trần lãi suất theo Thông tư số 30/2011/TT-NHNN tiếp tục có hiệu lực: lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên ở mức 14%/năm.

Trước đó, thị trường tài chính dường như đã phản ứng tích cực ngay với dự báo này. Đã xuất hiện một số động thái hạ lãi suất cho vay tại một số ngân hàng lớn như BIDV. Trên thị trường trái phiếu, lãi suất trái phiếu cũng hạ nhẹ và xuất hiện cầu mua vào nhiều tại thời điểm có tin đồn. Đối với thị trường chứng khoán, đã xuất hiện một số phiên tích cực lên điểm theo sau tin đồn hạ lãi suất.

Song, theo đánh giá của chúng tôi, việc hạ trần lãi suất huy động, nếu xảy ra, sẽ không mang ý nghĩa tích cực như thị trường kỳ vọng. Mặt bằng lãi suất không thể hạ nhiệt từ các động lực “hành chính”, một khi cung tiền vẫn đang được siết chặt. Việc hạ trần lãi suất, nếu có, nên chăng được hiểu là Ngân hàng Nhà nước có thể đang thực hiện các mục tiêu khác, thay vì mục tiêu làm giảm lãi suất theo cách hiểu thông thường?

Một hệ quả có thể nhìn thấy ngay là, nếu hạ trần lãi suất, các ngân hàng nhỏ sẽ tiếp tục khó khăn hơn trong thanh khoản, nhất là khi phải cạnh tranh huy động với các ngân hàng lớn, trong bối cảnh “chiến dịch” sáp nhập và tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém đang được bắt đầu.

Chúng tôi xin đưa ra một số cơ sở để nhận định như sau.

Thứ nhất, điều kiện tiên quyết của việc hạ lãi suất là cung tiền phải tăng khi dấu hiệu lạm phát giảm. Tuy nhiên, lạm phát hiện nay vẫn ở con số xấp xỉ 18% khiến cơ sở của việc nới lỏng tiền tệ hay bơm tiền trở lại là gần như khó xảy ra. Lạm phát đang có xu hướng tăng chậm lại trong những tháng gần đây.

Tuy nhiên, kiềm chế lạm phát dứt điểm là nhiệm vụ quan trọng nhất trong năm 2012 và Việt Nam đang trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, điều này đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước không thể lơ là với lạm phát. Thời gian có thể nhìn thấy lạm phát ở mức an toàn có thể kéo dài thêm nhiều tháng nữa trước khi có những động thái nới lỏng hạ lãi suất.

Thứ hai, để lãi suất hạ theo tính thị trường, trên thị trường tiền tệ Ngân hàng Nhà nước phải cung tiền thêm cho nền kinh tế, hoặc trên thị trường hàng hóa tổng cầu phải giảm nhiệt. Tuy nhiên, các dấu hiệu này không hề được thấy trong thời gian qua. Ngân hàng Nhà nước vẫn rất thận trọng các hạn mức tín dụng và kiểm soát chặt chẽ. Không hề thấy biểu hiện nào của việc bơm tiền mạnh mẽ.

Trên kênh tín dụng ngắn hạn, quan sát thị trường mở (OMO) trong thời gian qua cũng cho thấy Ngân hàng Nhà nước không bơm tiền mạnh qua kênh này. Lượng bơm ra hầu như chỉ để giúp các ngân hàng giải quyết những khó khăn thanh khoản. Trước những động thái và đòi hỏi gắt gao của giới doanh nghiệp muốn có một mặt bằng lãi suất thấp, Ngân hàng Nhà nước vẫn rất cứng rắn và cương quyết nói không với nới lỏng tiền tệ trong lúc này.

Trong khi đó, thời điểm cuối năm là thời điểm sức cầu nền kinh tế đang rất “khát” tín dụng. Sức cầu trên thị trường hàng hóa không hề giảm nhiệt nếu không muốn nói là tăng mạnh mẽ. Do vậy, chưa có cơ sở để cho thấy một tín hiệu hạ lãi suất theo hướng tự nhiên.

Thứ ba, hạ lãi suất sẽ khiến các ngân hàng nhỏ gặp khó hơn. Trong tình trạng khó khăn về thanh khoản, việc hạ trần thêm nữa lãi suất huy động sẽ dẫn tới các ngân hàng nhỏ gần như không thể cạnh tranh được nữa với ngân hàng lớn. Việc thiếu vốn huy động sẽ dẫn tới khả năng bắt buộc phải sáp nhập, nếu không muốn xảy ra tình trạng không thể cứu vãn.

Theo dõi hoạt động ngân hàng trong 11 tháng qua, đặc biệt là cuối quý 3/2011 và 2 tháng đầu quý 4, việc huy động vốn từ thị trường dân cư không thuận lợi do không thể dùng lãi suất cao để làm công cụ cạnh tranh. Cùng với đó, giao dịch trên thị trường liên ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn, lãi suất liên ngân hàng tăng cao, thanh khoản ngân hàng có biểu hiện căng thẳng.

Với những lý do trên, điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động, nếu như được thực thi, có lẽ sẽ không có ý nghĩa đối với khả năng hạ nhiệt mặt bằng lãi suất, ít nhất là trong bối cảnh hiện tại. Nó chỉ làm giảm sự cạnh tranh bằng lãi suất và ngăn dòng vốn từ ngân hàng lớn sang ngân hàng nhỏ, khiến khó khăn hay yếu kém của ngân hàng nhỏ được bộc lộ một cách rõ ràng hơn.

Đồng thời, xu hướng thâu tóm, sáp nhập, tái cấu trúc càng có khả năng thực hiện một cách mạnh mẽ hơn. Lộ trình tái cấu trúc ngân hàng thương mại sẽ được thúc đẩy và được coi là định hướng đúng đắn, mang tính dài hạn, nhằm giải quyết tận gốc những vấn đề bất cập khó khăn của ngân hàng, chứng khoán, bất động sản trong mối liên hệ mật thiết với nhau và có thể mang lại các tác động về mặt tâm lý tích cực với thị trường chứng khoán.

 

Theo VnEconomy.vn

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Goldman Sachs: GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt 20.000USD vào năm 2050

Ngày đăng : 08/12/2011 - 6:07 PM

 Goldman Sachs dự báo GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2050 có thể đạt khoảng 20.000USD, cao hơn Ấn Độ ở mức dưới 20.000USD.

Ông Jim O’Neill, chuyên gia kinh tế tại Goldman Sachs, người đã đưa ra thuật ngữ BRICs hiện được sử dụng rộng rãi, có lẽ muốn sử dụng từ “nhóm nước tăng trưởng” hơn cụm từ “nhóm nước mới nổi”.
 
Ông và nhóm chuyên gia thuộc Goldman Sachs mới đưa ra dự báo mới nhất cho nhóm BRICs vào năm 2050.
 
Các chuyên gia thuộc Goldman Sachs đã tiến hành khảo sát, tính toán và đưa ra dự báo đối với hơn 70 nước trên toàn thế giới hiện đang chiếm khoảng 90% tổng GDP.
 
Goldman Sachs cho rằng BRICs sẽ đóng góp khoảng 40% GDP thế giới vào năm 2050 và sẽ chiếm 4/5 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Goldman Sachs tính toán đến GDP bình quân đầu người vào năm 2050 và đặt nhóm BRICs vào so sánh.
 
 
Sự trỗi dậy của nhóm BRICs sẽ giúp nhóm này có vị thế lớn hơn, tuy nhiên nếu tính theo GDP bình quân đầu người, tăng trưởng sẽ không mấy ấn tượng. Theo biểu đồ của Goldman Sachs, ngân hàng đầu tư này dự báo Mêhicô và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vượt qua Trung Quốc vào năm 2050 tính theo GDP bình quân đầu người trong khi đó Ấn Độ tụt hậu so với Việt Nam, Indonexia và nhiều nước khác.
 
Tất nhiên, sự khác biệt về thu nhập cũng còn cần đến thời gian và cần nhó rằng đến năm 2050, GDP bình quân đầu người tính theo USD tại Nga và Braxin có thể tăng lần lượt 6 và 4 lần, trong khi đó tại Trung Quốc và Ấn Độ, tỷ lệ tăng này có thể đạt 9 và 12 lần.
 
Dù chuyên gia thuộc Goldman Sachs chỉ ra trong thập kỷ qua, BRICs đóng góp gần một nửa tăng trưởng kinh tế thế giới, Goldman Sachs cho rằng sự đóng góp của BRICs vào tăng trưởng toàn cầu có thể đã lập đỉnh.
 
 
 
Goldman Sachs dự báo GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2050 có thể đạt khoảng 20.000USD, cao hơn Ấn Độ dưới 20.000USD.
 
Năm 2050, Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới tính theo GDP bình quân đầu người, dao động từ 80.000USD đến 90.000USD. Sau đó đến Canada với 80.000USD; Anh khoảng dưới 80.000USD, Pháp khoảng 75.000USD.
 
Theo Minh Long
 
TTVN

“Kịch bản kinh tế Việt Nam 2012: Đâu là cơ hội?”

Ngày đăng : 08/12/2011 - 5:52 PM

Áp lực vẫn còn nhiều từ chính những khó khăn đã cũ, song những cơ hội mới cũng đang được khởi động mạnh mẽ…

 

Nghệ thuật” để doanh nghiệp trụ vững và phát triển trong bối cảnh này sẽ được các chuyên gia kinh tế chia sẻ tại hội thảo “Kịch bản kinh tế Việt Nam 2012: Đâu là cơ hội?”, do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức tại Tp.HCM vào sáng 9/12.

 
Theo thông tin từ ban tổ chức, hội thảo sẽ có sự tham gia của hai vị thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, ông Trương Đình Tuyển và ông Trần Du Lịch, cùng Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa và chuyên gia kinh tế độc lập Lê Đăng Doanh.
 
Tại hội thảo, bên cạnh những bất ổn vĩ mô đang tác động trực tiếp đến doanh nghiệp được phân tích sâu hơn, nhiều chiều hơn, các diễn giả cũng sẽ dành nhiều thời gian để chia sẻ, gợi mở và trao đổi với các doanh nghiệp về cơ hội của năm 2012.
 
Nằm trong nhận định chung của các diễn giả, những khó khăn của năm tới vẫn tập trung nhiều ở hậu quả của lạm phát, giảm đầu tư, lãi suất giảm nhưng vẫn còn cao.
 
Bên cạnh đó, nợ xấu của ngân hàng thương mại tăng, thanh khoản của một số ngân hàng thương mại khó khăn. Dự trữ ngoại hối thấp, áp lực lên tỷ giá còn lớn. Thị trường chứng khoán giảm sâu, thị trường bất động sản trầm lắng…
 
Theo GS. Đào Nguyên Cát, Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam, đơn vị tổ chức hội thảo, gợi ý của các diễn giả tại diễn đàn này chính là cầu nối để doanh nghiệp có thể đến gần hơn những cơ hội trong bối cảnh đó.
Theo Nguyên Vũ
VnEconomy
 

Thủ tướng: Tránh để đóng băng thị trường bất động sản

Ngày đăng : 08/12/2011 - 9:09 AM

Ngày 6/12, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về một số giải pháp tăng cường quản lý thị trường bất động sản.
 

 

Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng phối hợp với các cơ quan nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện hệ thống luật pháp về nhà ở và kinh doanh bất động sản theo hướng tăng cường vai trò của Bộ ngành, trung ương trong việc quản lý thống nhất về phát triển nhà ở và hoạt động kinh doanh bất động sản.

Đồng thời, nghiên cứu xây dựng, trình Chính phủ trong quý I/2012 đề án nhà ở cho thuê, trong đó chú trọng phát triển nhà ở xã hội để cho thuê và đề án quỹ tiết kiệm nhà ở. Bên cạnh đó, nghiên cứu, đề xuất và báo cáo Chính phủ trong quý II/2012 về thuế bất động sản nhằm hạn chế đầu cơ, sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất đai, bất động sản.

Bộ Tài chính cũng được giao nghiên cứu, sửa đổi quy định về thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản cho phù hợp với tình hình thực tế. Bên cạnh đó, nghiên cứu điều chỉnh mô hình quỹ đầu tư bất động sản nhằm hỗ trợ vốn cho thị trường thông qua kênh thị trường chứng khoán.

Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước bảo đảm tín dụng bất động sản có tốc độ tăng trưởng và tỷ trọng hợp lý, an toàn, phù hợp với chính sách điều hành tín dụng chung.

Trước mắt, giảm tăng trưởng và tỷ trọng tín dụng bất động sản với lộ trình hợp lý, tránh gây sốc, đồng thời áp dụng các biện pháp tăng tính thanh khoản, tránh đóng băng thị trường, tác động xấu lan truyền đến hệ thống các tổ chức tín dụng và đời sống xã hội.

NHNN phối hợp với Bộ Xây dựng nghiên cứu để có hướng dẫn các TCTD thực hiện chính sách tín dụng phù hợp với tiến trình tái cơ cấu thị trgường bất động sản; chỉ đạo các đơn vị bố trí nguồn vốn để cho vay đầu tư các dự án phát triển nhà ở để bán, cho thuê phục vụ đối tượng thu nhập thấp...

Ngoài ra, rà soát, tiếp tục cho vay đối với dự án bất động sản sẽ hoàn thành và có khả năng bán, thu hồi vốn đầu tư trong năm 2012 cũng như tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình cấp tín dụng bất động sản của các TCTD, xử lý kịp thời các khoản nợ quá hạn, ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng của TCTD.

 

DVT.vn

 

 


Ba “ông lớn” năng lượng giãi bày với Chính phủ

Ngày đăng : 08/12/2011 - 9:07 AM

Ngày 7/12, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải có buổi làm việc với Bộ Công Thương, mà trọng tâm là vấn đề năng lượng trong giai đoạn tới.
 

                           

 

Không phải vô cớ, ba “ông lớn” về năng lượng được Phó thủ tướng chỉ định phát biểu đầu tiên, mở màn cho phần lấy ý kiến vào nhiệm vụ phát triển ngành công thương giai đoạn 2011-2015.

“Thánh thức lớn nhất trong vòng 5 năm tới là vấn đề năng lượng”, Phó thủ tướng nói. Góc nhìn của ông cũng được các tập đoàn về năng lượng làm rõ qua các con số và đánh giá cụ thể.

Phó tổng giám đốc Tập đoàn Than - Khoáng sản Vũ Mạnh Hùng cho biết, theo dự kiến, đến năm 2015 ngành này sẽ sản xuất và tiêu thụ tối thiểu 55 triệu tấn than, từ mức khoảng 45 triệu tấn trong dự kiến năm tới.

Nhưng quy định tạm dừng cấp phép khai thác khoáng sản mới đây đang “khép cửa” với các hoạt động thăm dò của tập đoàn này. Hai mũi nhọn nhiệm vụ trong giai đoạn tới là mở thêm mỏ mới để tăng năng lực sản xuất, và tập trung vào sản xuất điện có thể bị ảnh hưởng. Ông Hùng chuyển kiến nghị lên đại diện Chính phủ tại cuộc họp.

Với dầu khí, dù cho rằng các mục tiêu giai đoạn 5 năm mà Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (Petro Vietnam) đã nhận với Chính phủ không có vấn đề gì quá quan ngại, nhưng Phó tổng giám đốc Vũ Quang Nam cũng cho biết, để đạt được kế hoạch năm 2012 ở mức 15,81 triệu tấn dầu, doanh nghiệp này sẽ phải khai thác ở nước ngoài khoảng 1,1 triệu tấn.

“Trong năm 2012, tập đoàn sẽ tập trung vào lĩnh vực cốt lõi thăm dò khai thác, cố gắng tăng trữ lượng và đầu tư ra nước ngoài như Nga và một số nước khác để đảm bảo làm thế nào sang năm khai thác ở nước ngoài được 1,1 triệu tấn”, ông Nam cho biết.

Nhưng khó khăn với dầu khí, với than không chỉ giới hạn ở góc độ sản lượng sản xuất và kim ngạch xuất khẩu. Liên quan lớn hơn đến phát triển công nghiệp và xa hơn là cả nền kinh tế, trong giai đoạn tới đáng chú ý là vấn đề điện.

Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Phạm Lê Thanh cho biết, năm 2011 điện tiêu dùng nội địa chỉ tăng 9,34%. Nếu so với giai đoạn trước luôn ở mức 12-14%, con số mà ông Thanh đưa ra thấp hơn rất nhiều.

Tổng giám đốc EVN tính toán rằng, nếu chia cho GDP năm nay tăng khoảng 5,8% thì lần đầu tiên Việt Nam đạt hệ số đàn hồi về điện là 1,62 lần, thấp hơn nhiều so với khoảng 2,1 lần ở giai đoạn trước.

Nhưng kể cả dùng hệ số thấp này áp vào năm tới, EVN cho rằng để đạt tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7% thì ngành điện phải đạt tốc độ tăng sản lượng khoảng 11,72%, tức là đạt khoảng 121,7 tỷ kWh điện.

“Chúng tôi đã cân đối các phương án, đảm bảo cung cấp điện cho năm 2012. Tuy nhiên, việc cung ứng điện cho năm 2012 có một trục trặc nhỏ về cung ứng khí”, Tổng giám đốc Thanh cho hay.

Theo phương án đã báo cáo Chính phủ và Bộ Công Thương, EVN cần 6,6 tỷ m3 khí để cung ứng điện cho năm tới. Nhưng hiện nay, theo thông báo từ Petro Vietnam, doanh nghiệp này sẽ chỉ được đáp ứng 5,71 tỷ m3, tức thiếu khoảng 800 triệu m3 khí, tương đương phải phát bù dầu 4,2 tỷ kWh điện.

Đối với kế hoạch 5 năm 2011-2015, EVN dự kiến với GDP tăng từ 6,5-7%, RVN sẽ có hai phương án tăng trưởng điện tương ứng là 13% và 15%.

Với phương án 13%, đến 2015 sản lượng điện toàn hệ thống sẽ đạt khoảng 178 tỷ kWh, tập đoàn này có thể cân đối được về điện, tuy nhiên hệ thống điện đảm bảo dự phòng ở miền Bắc và miền Trung, nhưng miền Nam thì thiếu.

“Chúng tôi đang tìm mọi nỗ lực truyền tải điện miền Bắc, miền Trung vào miền Nam. Hiện có 9 dự án đang triển khai, gồm 3 dự án nguồn và 6 dự án lưới điện”, ông Thanh cho biết.

Còn với phương án 15%, theo ông Thanh, tình hình cung ứng điện sẽ căng thẳng hơn nhiều. Cụ thể là EVN sẽ phải phát dầu và hệ thống điện dự phòng hoàn toàn thiếu ở phía Nam.

Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Lương Văn Kết tham gia thêm ý kiến, giai đoạn 2012-2015 theo kế hoạch sẽ phải nhập khẩu 20 triệu tấn than/năm; còn theo sơ đồ điện 7, tiến tới cũng phải nhập khẩu khí hóa lỏng để sản xuất điện…

Tóm lược các vấn đề ba tập đoàn năng lượng nêu, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải lưu ý, dầu thô hiện cũng thiếu, khai thác nước ngoài sang năm là 1,1 triệu tấn; than cũng thiếu; điện cũng thiếu…

“Giai đoạn 2011 - 2015 và cả tiếp theo nữa, cân bằng năng lượng là thách thức luôn luôn đi cùng đất nước chúng ta”, Phó thủ tướng nói. “Tốc độ này là thiếu điện. Bây giờ, điện cũng là một câu hỏi của nhà đầu tư nước ngoài…”. Phó thủ tướng lưu ý thêm, nhìn vào tốc độ đổi mới công nghệ, vào suất tiêu thụ năng lượng vẫn còn quá cao, cho thấy tiêu thụ điện hiện còn rất phí phạm.

 

Theo VnEconomy.vn


Ba gợi ý với doanh nghiệp Việt muốn đầu tư ở Anh

Ngày đăng : 07/12/2011 - 5:38 PM
Hôm nay (7/12), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chính thức thăm Vương quốc Anh.
 
Đại sứ Việt Nam tại Anh quốc, ông Vũ Quang Minh.
 
Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Anh quốc, ông Vũ Quang Minh đã có cuộc trao đổi với VnEconomy về một số vấn đề hai bên cùng quan tâm.
 
Ông đánh giá như thế nào về mối quan hệ song phương Việt-Anh trong vòng 5 năm qua?
 
Những năm qua, quan hệ song phương Việt-Anh phát triển tốt đẹp và ngày càng mở rộng ra nhiều lĩnh vực hợp tác. Hai bên đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao, thường xuyên thăm viếng lẫn nhau. Năm 2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Anh và ký Tuyên bố chung thiết lập “quan hệ đối tác vì sự tiến bộ”. 
 
Tháng 9/2010, Việt Nam và Anh quốc đã ký Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trên 7 lĩnh vực hợp tác bao gồm: chính trị-ngoại giao; các vấn đề toàn cầu và khu vực; thương mại và đầu tư; hợp tác phát triển; giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ; an ninh & quốc phòng; và giao lưu nhân dân. Hai bên thỏa thuận và thống nhất kế hoạch hành động năm 2011 triển khai quan hệ đối tác chiến lược. 
 
Gần nhất, ngày 26/10/2011, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh Jeremy Browne đã khai mạc cơ chế đối thoại chiến lược đầu tiên tại London. Có thể nói, quan hệ hai nước đang tiến triển rất tích cực trên tất cả các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, thương mại, đầu tư, viện trợ, chính trị, ngoại giao..., tạo xung lực và lòng tin đưa quan hệ Việt-Anh lên tầm đối tác chiến lược.
 
Vậy còn sự mối hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp Việt-Anh trong thời gian này?
 
Trong thời gian qua, hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Anh quốc - cơ quan lập pháp, có quyền lực cao nhất của hai nước - cũng phát triển rất tốt đẹp và sẽ tiếp tục là trụ cột quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược Việt-Anh. Chúng tôi vui mừng nhận thấy quan tâm của các nghị sỹ Anh đối với Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Á nói chung ngày càng tăng lên. 
 
Tại Nghị viện Anh có nhóm Nghị sỹ hữu nghị Anh-Việt, tập hợp những nghị sỹ không phân biệt đảng phái chính trị, quan tâm và mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị với Việt Nam. Quốc hội Việt Nam đã hai lần tổ chức đón tiếp đoàn nhóm Nghị sỹ hữu nghị Anh-Việt thăm làm việc tại Việt Nam tháng 8/2011. Đây là dịp tốt để các nghị sỹ Anh hiểu biết sâu rộng về chính sách và thành tựu phát triển của Việt Nam trên nhiều mặt từ chính trị, kinh tế, xã hội, đến văn hóa, giáo dục; chia sẻ kinh nghiệm giữa các cơ quan lập pháp… Cảm nhận của các nghị sỹ qua các chuyến đi là rất tốt, góp phần cùng Chính phủ Anh tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam.
 
Chuyến thăm lần đầu tiên trên cương vị Chủ tịch Quốc hội của ông Nguyễn Sinh Hùng tới Anh quốc có tầm quan trọng như thế nào, thưa ông?
 
Đây là chuyến thăm chính thức Anh đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam sau thành công Đại hội Đảng lần thứ 11 và bầu cử Quốc hội khóa 13 và sau hơn một năm triển khai Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt-Anh. Phía Anh đánh giá cao và rất trông đợi vào chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Hai bên kỳ vọng kết quả tốt đẹp của chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội sẽ tạo xung lực mới, củng cố và làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược Việt-Anh.
 
Những điểm chính của các cuộc hội đàm song phương nhân dịp chuyến thăm này là gì, thưa ông?
 
Trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược, nội dung trao đổi song phương trong chuyến thăm sắp tới sẽ toàn diện bao hàm nhiều lĩnh vực hợp tác từ chính trị-ngoại giao, các vấn đề toàn cầu và khu vực, thương mại-đầu tư, viện trợ, giáo dục, văn hóa, đến an ninh-quốc phòng. Một trong những trọng tâm sẽ là thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước. 
 
Dự kiến, lãnh đạo hàng chục doanh nghiệp lớn của Việt Nam tháp tùng Chủ tịch Quốc hội sẽ tham dự các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, tìm kiếm đối tác, diễn đàn kinh doanh Việt-Anh… 
 
Trong bối cảnh Chính phủ Anh khuyến khích và thúc đẩy quan hệ với các thị trường mới nổi ở Châu Á, giới doanh nghiệp Anh thực sự quan tâm cao tới thị trường Việt Nam về tiềm năng phát triển và triển vọng hợp tác. Chủ tịch Quốc hội dự kiến sẽ dự hoạt động khai trương đường bay trực tiếp giữa Việt Nam và Anh quốc của Vietnam Airlines. Đây là nỗ lực lớn từ phía Việt Nam, thể hiện sự nghiêm túc và coi trọng của Chính phủ, các bộ ngành và doanh nghiệp Việt Nam trong việc triển khai thỏa thuận đối tác chiến lược, đồng thời là bước đi rất thiết thực thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa và du lịch giữa hai nước.
 
Thưa ông, trên phương diện hợp tác kinh tế, dường như kết quả vẫn chưa xứng với tiềm năng thực tế của cả hai bên?
 
Phải thừa nhận rằng, cả Việt Nam và Anh còn nhiều tiềm năng thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Tuy Anh là đối tác thương mại lớn thứ 2 và nhà đầu tư lớn thứ 3 ở Châu Âu của Việt Nam, kim ngạch thương mại hai nước còn khiêm tốn, chỉ khoảng trên 2 tỷ USD trong năm 2010. Còn 7 tháng đầu năm 2011, con số này đạt hơn 1,7 tỷ USD, và dự kiến cả năm sẽ tăng hơn so với năm ngoái. 
 
Tuyên bố chung về thiết lập đối tác chiến lược đã nhất trí mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch thương mại song phương và đầu tư của các doanh nghiệp Anh tại Việt Nam vào năm 2013. Chính phủ hai nước cam kết và quyết tâm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hợp tác kinh doanh thông qua cơ chế Ủy ban chung hợp tác thương mại và đầu tư (JETCO) nhóm họp hàng năm, cuộc họp mới nhất JETCO thứ 5 diễn ra hồi tháng tháng 11/2011 đạt kết quả rất tốt. 
 
Lãnh đạo Chính phủ, Bộ Ngoại giao rất quan tâm chỉ đạo các biện pháp cụ thể thúc đẩy hợp tác như đề nghị Anh ủng hộ Việt Nam trong quan hệ với EU, chống các biện pháp bảo hộ, tạo thuận lợi cấp visa, tăng cường xúc tiến thương mại, đầu tư, hay mở ra những cơ hội hợp tác mới như hợp tác công-tư, phát triển trung tâm tài chính khu vực… Có điều những tiềm năng này có trở thành hiện thực hay không, tùy thuộc rất lớn vào sự chủ động tham gia của các doanh nghiệp hai bên, Chính phủ hai nước không thể làm thay được.
 
Theo ông, các cơ hội kinh doanh dành cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường Anh quốc là gì?
 
Anh là nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới, với thị trường phát triển tự do và cởi mở, từng là nôi của cuộc cách mạng công nghiệp, tiềm năng về khoa học công nghệ, giáo dục-đào tạo, nhân tài… Vượt qua tiêu chuẩn thị trường rất khắt khe, sản phẩm và dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam đang từng bước đặt chân và có chỗ đứng trên thị trường Anh quốc như giầy dép, may mặc, đồ gỗ, thiết bị điện tử, viễn thông, cà phê, ca cao, thủy hải sản... Điều ít được biết đến là, hơn một nửa sản phẩm của nhãn hiệu giầy Clarks, nổi tiếng của Anh, có xuất xứ từ Việt Nam. 
 
Rất đáng mừng là các đối tác Anh ngày càng đánh giá cao nguồn nhân lực của Việt Nam, nhất là về phát triển, thiết kế phần mềm. Đây là những dịch vụ thiết yếu cho việc “số hóa” nền kinh tế Anh trong chăm sóc y tế, sức khỏe, giáo dục và nhiều dịch vụ công khác. Những món ăn Việt Nam rất được ưa chuộng tại các thành phố lớn ở Anh, nhất là ở London. Ngày càng nhiều nhà hàng Việt Nam kinh doanh thành công. Đây không chỉ là lĩnh vực kinh doanh thành công của Việt Nam mà cũng là cách tinh tế để giới thiệu văn hóa ẩm thực, thương hiệu Việt đối với công chúng Anh quốc.
 
Ông có lời khuyên gì dành cho doanh nghiệp Việt Nam có dự định làm ăn với các doanh nghiệp Anh và trên thị trường Anh quốc?
 
Chúng tôi xin có ba gợi ý với các doanh nghiệp Việt Nam.
 
Một là, cần phải có thông tin về doanh nghiệp đối tác, hiểu rõ thị trường cần cái gì. Muốn vậy, con đường tốt nhất là doanh nghiệp Việt Nam nên tích cực tham gia hội chợ triển lãm chuyên ngành, tăng cường hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại. 
 
Hai là, để duy trì và phát triển kinh doanh trên thị trường quốc tế nói chung, thị trường Anh nói riêng yếu tố chất lượng luôn đóng vai trò quyết định. Đặc biệt về vệ sinh, an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nông hải sản, sản phẩm tiềm năng của Việt Nam. 
 
Ba là, chuẩn bị thật tốt về nguồn lực, tạo sự liên kết kinh doanh để đáp ứng hợp đồng lớn với những yêu cầu khắt khe của thị trường. Cần hết sức coi trọng "chữ Tín". Nên tranh thủ cơ quan đại diện và thương vụ, địa chỉ tin cậy hỗ trợ các doanh nghiệp trong thông tin thị trường và chắp nối đối tác.
 
Theo Xuân Hà
VnEconomy

 

Tin mới cập nhật