Cần giữ tăng trưởng tín dụng ở mức hỗ trợ phát triển kinh tế

Ngày đăng : 21/06/2012 - 9:47 AM

 

 

“Các chính sách tiền tệ cần tập trong vào việc bình ổn giá cả, ổn định tiền tệ và giữ tăng trưởng tín dụng ở mức hỗ trợ phát triển kinh tế”.

 

Đó là khuyến nghị của ông Louis Taylor, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên Standard Chartered (Việt Nam) khi trao đổi với ĐTCK về những trọng tâm của chính sách tiền tệ vào nửa sau năm 2012.

Theo ông, những lý do nào khiến DN Việt Nam phàn nàn là khó tiếp cận tín dụng ngân hàng?

Quyết định cho một DN vay hay không dựa vào sự hiểu biết của ngân hàng về DN đó. Ngoài ra, một phần vấn đề ở đây là sự minh bạch tài chính của DN. Trong bối cảnh môi trường kinh tế khó khăn, rất khó để nhận định phần nào của những khó khăn trong các hoạt động kinh doanh là do DN tự gây ra và phần nào là do ảnh hưởng của bối cảnh kinh tế chung. Do đó, tại thời điểm đi xuống của chu kỳ kinh tế, việc đánh giá chất lượng tín dụng các DN sẽ luôn khó hơn tại những thời điểm kinh tế đi lên.

Lãi suất cho vay có phải là nguyên nhân chính khiến DN khó tiếp cận vốn, thưa ông?

Tuy lãi suất cho vay áp dụng cho các DN không thực sự hấp dẫn tại thời điểm này, nhưng từ trước đến nay, lãi suất thực luôn ở mức khá thấp. Lãi suất thực đang tăng với lạm phát đang trên đà giảm và lãi suất chính sách đang ở mức 9%/năm, lãi suất thực đang là 3%/năm. Tôi nghĩ rằng, nhu cầu tín dụng giảm do chi phí vay mượn cao. Trong thời điểm kinh tế đang đi xuống, nợ xấu tăng cao là chuyện phổ biến và trên thực tế, tỷ lệ nợ xấu tại Việt Nam đang tăng. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho các ngân hàng lo ngại và không muốn cho khách hàng vay, mà thay vào đó, dùng số tiền này để cho vay một ngân hàng khác. Điều này đặt các DN muốn tiếp cận nguồn vốn vào hoàn cảnh khó khăn.

Nhiều ý kiến cho rằng, NHNN nên giảm lãi suất nhanh hơn, ông nghĩ sao?

Tốc độ và biên độ giảm lãi suất phải dựa trên bối cảnh chung của nền kinh tế. Việc cắt giảm lãi suất sẽ phải dựa vào cơ chế thị trường. Chúng ta không thể nói đơn thuần là NHNN nên giảm lãi suất, mà phải nói rằng, NHNN nên giảm lãi suất vì một số yếu tố cụ thể nào đó, ví dụ như lạm phát đang giảm nhanh hơn dự kiến. Do vậy, NHNN nên đưa ra các quyết định cắt giảm lãi suất nhanh hơn dự kiến. NHNN nên hướng tới việc tạo dựng sự ổn định phù hợp với bối cảnh kinh tế trong từng thời điểm.

Điểm gì cần lưu ý nếu NHNN quyết định giảm nhanh lãi suất, thưa ông?

Tôi nghĩ, nếu giảm lãi suất nhanh hơn cơ chế thị trường thì sẽ gây ra vấn đề. Chúng ta chỉ có thể đưa ra những nhận định dựa trên cơ sở bối cảnh kinh tế thị trường. Nếu lạm phát giảm 4% mà lãi suất chỉ giảm 1% thì sẽ là không đủ, nhưng nếu lạm phát tăng 1% mà lãi suất lại giảm 1% thì lại là quá nhiều. Đây chỉ là những con số mang tính chất minh hoạ, nhưng vấn đề mấu chốt ở đây là NHNN đã chính thức phát biểu sẽ “điều chỉnh lãi suất dựa trên các điều kiện thị trường”. NHNN đã rất thành công trong việc giảm lạm phát, ổn định tiền tệ và cho tới nay, 3 quyết định cắt giảm lãi suất đều nhận được những phản hồi tốt từ thị trường. Chúng ta chưa nhìn thấy tiền đồng bị mất giá hay những vấn đề kinh tế tương tự. Do đó, trên thực tế, NHNN đang điều hành rất tốt các chính sách của mình.

Theo ông, đâu là những vấn đề mấu chốt mà chính sách tiền tệ cần phải đặt trọng tâm trong nửa sau của năm 2012?

Như thường lệ, vấn đề mấu chốt ở đây là các chính sách tiền tệ cần phải tập trung vào việc bình ổn giá cả, ổn định tiền tệ và giữ tăng trưởng tín dụng ở mức hỗ trợ phát triển kinh tế. Chính phủ nên hướng mục tiêu tăng trưởng tín dụng vào đầu tư hơn là vào tiêu dùng. Tôi nghĩ, đây là lĩnh vực mà Chính phủ nên tập trung vào và trên thực tế, đây cũng là lĩnh vực mà Chính phủ đã tuyên bố là sẽ hướng tới.

Về tái cấu trúc ngành ngân hàng, theo ông, Việt Nam có nên đẩy nhanh tiến độ?

Kế hoạch tái cấu trúc ngành ngân hàng mà Chính phủ đưa ra là rất quan trọng, bởi “sức khỏe” của nền kinh tế tương lai sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào kế hoạch này. Sáp nhập các ngân hàng chỉ là một phần nhỏ của cả quá trình tái cấu trúc. Về kế hoạch tái cấu trúc, cái chúng ta muốn thấy không chỉ dừng lại ở các quyết định sáp nhập, mà là một kế hoạch cụ thể từ Chính phủ về việc làm thế nào để thực hiện các chiến lược đặt ra. Chiến lược này tốt, nhưng sẽ không thích hợp nếu không được thực thi.

 

Do đó, chúng tôi muốn Chính phủ đưa ra một kế hoạch hành động cụ thể về khối lượng công việc mà các đối tượng liên quan phải thực hiện, ai chịu trách nhiệm làm gì và thời hạn cụ thể cho từng đầu mục. Làm như vậy sẽ củng cố được niềm tin của thị trường vào quá trình tái cấu trúc. Quá trình tái cấu trúc nếu diễn ra theo đúng lộ trình, người dân sẽ nhận ra và ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ. Còn lại, nếu như quá trình tái cấu trúc diễn ra quá chậm chạp, thì có nghĩa là hệ thống ngân hàng hiện tại (chưa tái cấu trúc) sẽ tồn tại lâu hơn. Điều này có thể làm giảm niềm tin của thị trường.

Theo Hồng Dung
ĐTCK

 

 

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Nợ xấu tăng "chóng mặt", Chính phủ lên kế hoạch mua - bán

Ngày đăng : 20/06/2012 - 10:16 AM

 

Thống đốc NHNH Nguyễn Văn Bình cho biết, tính đến ngày 30/4/2012, nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng đã tăng 35%, lên khoảng 108.000 tỷ đồng. Chính phủ có kế hoạch bán nợ xấu, mua lại các bất động sản “ế” để cứu doanh nghiệp.

 

Trả lời chất vấn bằng văn bản tới đại biểu Quốc hội, Thống đốc NHNN xác nhận, nợ xấu tăng nhanh trong khi tín dụng đối với nền kinh tế giảm sút khiến cho tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ liên tục tăng từ 3,06% ở thời điểm cuối năm 2011 lên 4,14% tại thời điểm cuối tháng 4/2012.

 

Nợ xấu tăng với tốc độ trung bình 8,6%/tháng, hết 4 tháng đầu năm đã tăng thêm 28.000 tỷ đồng, lên mức 108.000 tỷ đồng. Tốc độ tăng trung bình cao hơn so với mức tăng bình quân cùng kỳ năm trước.

 

Theo đó, nguyên nhân nợ xấu gia tăng chủ yếu do: tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong năm 2011 và chưa được cải thiện được trong 4 tháng đầu năm 2012, làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh và khả năng trả nợ ngân hàng của khách hàng. Thị trường bất động sản chậm phục hồi làm cho khả năng trả nợ của các doanh nghiệp cũng như việc xử lý tài sản đảm bảo thu hồi nợ xấu của các tổ chức tín dụng thêm khó khăn.

 

Ông Bình khẳng định, xử lý nợ xấu là một trong những nội dung quan trọng trong đề án cơ cấu lại hệ thống các ngân hàng thương mại. NHNN đã và đang thường xuyên phối hợp với các cơ quan liên quan và ngân hàng triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu.

 

Trước hết, nhà nước chỉ đạo thực hiện việc bán nợ xấu có tài sản đảm bảo cho Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng doanh nghiệp (DATC) của Bộ Tài chính. Xóa nợ bằng nguồn dự phòng rủi ro và xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ; chuyển nợ thành vốn góp, cổ phần của doanh nghiệp vay.

 

Các khoản nợ xấu phát sinh do thực hiện cho vay theo chỉ đạo hoặc chủ trương, chính sách của Chính phủ mà không có tài sản đảm bảo và không có khả năng thu hồi sẽ được Chính phủ xóa nợ bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước; bán nợ xấu cho các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng, công ty mua bán nợ tư nhân và công ty mua bán nợ của các ngân hàng thương mại.

 

Đối với một số khoản vay thế chấp bằng bất động sản, công trình hoàn thành hoặc đã hoàn thành nhưng chưa bán được, Chính phủ xem xét mua lại các bất động sản đó để phuc vụ cho mục đích an sinh xã hội và hoạt động của cơ quan nhà nước.

 

Thống đốc Bình cũng cho biết, NHNN đang tập trung nghiên cứu, trình Thủ tướng cho phép thành lập công ty quản lý tài sản quốc gia thuộc Ngân hàng Nhà nước để phối hợp với DATC của Bộ Tài chính đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

 

Đồng thời, để kiểm soát, hạn chế nợ xấu gia tăng, Ngân hàng Nhà nước đang triển khai rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định về hoạt động tín dụng và phòng ngừa rủi ro trong hoạt động tín dụng. Sửa đổi, bổ sung các chính sách về quản trị ngân hàng để quản trị rủi ro trong hoạt động ngân hàng nói chung và trong hoạt động tín dụng nói  riêng của các tổ chức tín dụng. Yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện tăng vốn điều lệ theo lộ trình phù hợp để đảm bảo có đủ sức mạnh về tài chính, Thống đốc Bình cho biết.

P.Thảo

 

 


Ngân hàng luôn nắm đằng chuôi

Ngày đăng : 19/06/2012 - 10:11 AM

 

 

Lãi suất đầu vào (dưới 12 tháng) giảm còn 9%/năm, các DN kỳ vọng lãi suất cho vay giảm. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng nhỏ chạy đua lãi suất huy động kỳ hạn dài. Khi nào DN mới tiếp cận được vốn vay rẻ?

 

Đua lãi suất kỳ hạn dài

 

Cuối tuần trước, thị trường xôn xao khi Ngân hàng Phương Tây (Western Bank) đột ngột đẩy mức lãi suất huy động VND cho kỳ hạn duy nhất 13 tháng lên tới ngưỡng 14%/năm. Sự việc này nhanh chóng bị xem là hiện tượng, thậm chí khiến nhiều người không khỏi e ngại mốc lãi suất đỉnh sẽ “châm ngò” cho một cuộc đua lãi suất mới. Nhất là khi lần giở lại thời kỳ lãi suất đang chạy đua, tham khảo báo cáo tài chính năm 2011 tại ngân hàng này, lãi suất cho vay cao nhất từng ghi nhận mức khủng khiếp tới 29%/năm.

 

Tuy nhiên, hôm qua, Western Bank đã có thông báo mới công bố áp mức lãi suất huy động kỳ hạn 13 tháng xuống còn 12,5%/năm, thay cho mức 14%/năm hôm 14- 6.

 

“Động thái hạ lãi suất của ngân hàng đã khiến cả thị trường thở phào. E ngại về một cuộc chạy đua nâng lãi suất huy động kỳ hạn dài có thể sẽ không xảy ra”- Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần nhận định.

 

Chia sẻ với Tiền Phong, một đại diện NHNN cho hay bản thân NHNN đang theo rất sát thị trường, không việc gì phải nóng vội trước hiện tượng đơn lẻ trên. Theo ông cần phải nhìn nhận rõ sẽ không mấy khách hàng chọn kỳ hạn dài.

 

Theo quy định mới của NHNN, mức trần 9%/năm sẽ chỉ được áp dụng cho các khoản tiền gửi kỳ hạn ngắn từ 1-12 tháng. Còn đối với các kỳ hạn trung - dài hạn trên 12 tháng ngân hàng được tự thỏa thuận mức lãi đối với khách hàng gửi tiền.

 

Thống kê đến thời điểm này, hầu hết các ngân hàng đều ấn định mức lãi suất ở các kỳ hạn dài từ 9,5-12%. Đơn cử biểu lãi suất của ACB đã tăng mạnh lãi suất huy động VND ở các kỳ hạn dài, từ 12-36 tháng từ 10,4%-12%/năm; riêng mức cao nhất 12%/năm lĩnh lãi cuối kỳ có ở kỳ hạn 36 tháng.

 

Tại Sacombank, biểu lãi suất cập nhật trong ngày 13-6 cũng có mức cao nhất 12%/năm lĩnh lãi cuối kỳ ở các kỳ hạn 24 và 36 tháng; mức 11%/năm có ở kỳ hạn 13, 15 và 18 tháng.

 

Biểu lãi suất của VPBank áp dụng từ ngày 11-6, các kỳ hạn tiền gửi từ 12 tới 36 tháng đều ở mức 10,5%/năm...

 

Một chuyên gia phân tích: “Chuyện chạy đua lãi suất chỉ xảy ra khi các ngân hàng gặp khó về thanh khoản và đồng thời họ được tăng trưởng tổng tài sản một cách thoải mái. Còn lãi suất liên ngân hàng rẻ vài phần trăm, thì dại gì phải đi vay cao ở bên ngoài. Thanh khoản hiện nay tương đối dồi dào. Thống đốc vẫn khống chế tín dụng, gián tiếp khống chế tổng tài sản. Thống đốc cho phép tự do hóa trần trung và dài hạn, không ai dại gì để chạy đua”.

 

Cũng theo vị chuyên gia này, hiện tượng Western Bank đột ngột đẩy kỳ hạn 13 tháng lên cao rồi lại hạ xuống đã cho thấy mức lãi suất đó khó nhận được sự hưởng ứng của giới ngân hàng còn lại và chỉ khiến người ta nhìn ngân hàng này với sự e ngại hơn.

 

“Săn” doanh nghiệp tốt

 

Chủ tịch HĐQT thành viên Agribank Nguyễn Ngọc Bảo kể: “Chúng tôi có khách hàng là một ông chủ nuôi gà, cần vốn, vay 2 tỷ đồng. Căn cứ trên điều kiện cần và đủ ngân hàng đã cho vay với lãi suất 15%. Khách hàng nhận vốn rất vui mừng mà không hề đắn đo hay phàn nàn gì về lãi suất. Một hộ nuôi ba ba ở Lương Sơn, đang vay với mức đó cũng không kêu ca”. Vậy vấn đề ở đây là gì? Vị chủ tịch này chỉ ra: “Trong điều kiện cạnh tranh, ngân hàng đang nhìn các doanh nghiệp tốt một cách tích cực, chứ không hề gây khó dễ. Hiện các NHTM không hề “thắt chặt” mà thậm chí có dễ hơn so với cách đây ít thời gian”.

 

Như để minh chứng, ông Bảo diễn giải: 5 tháng đầu năm, tín dụng của Agribank tăng 1,5% trong đó riêng nông thôn tăng 2,4%. Ngân hàng đang triển khai nhiều chính sách, mở rộng cho vay “lưu vụ”, cho vay đến hạn chỉ trả hết lãi rồi vẫn được giữ nợ cũ để vay tiếp mà không phải chuyển nợ.

 

Theo ông Bảo, đã đến lúc rất cần có một cách nhìn “rộng” hơn với đối tượng DN. Nhiều người kêu ca tiếp cận vốn rất khó vì các điều kiện ngân hàng đưa ra rất nhiều, để đạt lãi suất mong muốn thì rất khó.

 

Nhưng thực tế là với 5-6 nghìn tỷ đưa ra, các ngân hàng không hề tăng thêm bất cứ điều kiện nào. Thậm chí đối với những khách hàng tốt mà khó khăn, nhiều ngân hàng sẵn sàng cơ cấu lại nợ.

 

Theo ông Phạm Quang Tùng, Phó tổng giám đốc BIDV, ngân hàng này đã giảm mạnh lãi suất đầu ra. Thực tế nhiều khách hàng tốt cũng đã được BIDV điều chỉnh ngay trên hợp đồng.

 

“Một số doanh nghiệp kêu cao, chủ yếu tập trung vào số ít các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh không tốt, khả năng phục hồi không cao.

 

Các ngân hàng thương mại luôn có chính sách mời chào, ưu đãi các doanh nghiệp phát triển. Giai đoạn hiện nay có thể coi là thời điểm “sát hạch”, loại đi những doanh nghiệp làm ăn không tốt, không đáng tồn tại”- Ông Tùng nói.

 

“Các doanh nghiệp tốt thì ngân hàng đã săn đón từ lâu rồi và cạnh tranh nhau để giảm” - ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc VPBank cho biết. Liên quan đến việc DN kêu khó tiếp cận vốn, theo ông Hưng, đúng là hiện ngân hàng cho vay ra thì không cho vay được, gửi trên liên ngân hàng thì lỗ nặng nhưng sẽ không có chuyện đẩy vốn ra ồ ạt vì thừa vốn. “Với những doanh nghiệp làm ăn không tốt thì chúng tôi phải thận trọng. Nếu không, khi đó ngân hàng phải gánh hậu quả nặng nề” .

 

 

Lãi suất vay bao giờ thực hạ?

 

Liên quan đề nghị giảm lãi cho vay cũ để giải quyết khó khăn của nhiều DN, đại diện các NH đều cho rằng: Trước đây lãi suất huy động ở mức cao, nếu cộng cả khuyến mại cũng rất cao, vì thế nếu hạ lãi suất đầu vào bây giờ thì lãi suất cho vay của NH không thể giảm ngay. NHNN cũng không thể đưa ra quyết định bắt ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Đây là hợp đồng tín dụng hai bên cùng chia sẻ rủi ro. Tuy nhiên, các khách hàng tốt vay vốn ngắn hạn đã được hưởng lãi suất mới.

 

Làm thế nào để DN tiếp cận vốn rẻ, ông Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng: “Không nên quá sốt ruột, các hoạt động kinh tế bao giờ cũng có lộ trình và chính sách có độ trễ không thể vừa ra đã “ăn” ngay được. Dự báo trong nửa cuối tháng 6 và sang tháng 7, dư nợ sẽ tăng lên và đó là thời điểm lãi suất bắt đầu chính thức hạ mạnh”- ông Bảo nói.

 

Theo Khánh Huyền

Tiền phong

 

 


Đã có phương án chuyển đổi vàng “phi SJC”

Ngày đăng : 18/06/2012 - 11:08 AM

 

 

Đối với số lượng vàng SJC móp méo, cong vênh sẽ được dập, gia công lại thành vàng SJC đủ chuẩn để tiếp tục lưu thông ra thị trường.

Lãnh đạo Ngân hàng (NH) Nhà nước Chi nhánh TPHCM cho biết hiện đã có phương án chuyển đổi vàng các loại sang vàng SJC sau nhiều cuộc họp giữa Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), NH Nhà nước Chi nhánh TP và UBND TPHCM.

Sau khi gửi văn bản, UBND TP đang chờ NH Nhà nước cho ý kiến sẽ tiến hành chuyển đổi vàng phi SJC. Đối với người dân muốn giữ vàng miếng các loại sẽ tiếp tục được bảo đảm quyền lợi.

Cũng theo vị này, đối với số lượng vàng SJC móp méo, cong vênh sẽ được dập, gia công lại thành vàng SJC đủ chuẩn để tiếp tục lưu thông ra thị trường.

Trước đó, người dân có vàng SJC bị móp méo, cong vênh đã bị nhiều tiệm vàng từ chối mua hoặc mua với giá thấp, còn SJC đồng ý mua vào làm vàng nguyên liệu nhưng số lượng hạn chế.

Theo T.Phương

NLĐ

 

 


Đường cong lãi suất đã quay trở lại đúng quy luật

Ngày đăng : 15/06/2012 - 9:50 AM

 

 

Sau một thời gian thẳng băng, đường cong lãi suất đã bắt đầu xu hướng uốn trở lại theo đúng quy luật. Các kỳ hạn gửi tiền dài lãi suất cao hơn kỳ hạn ngắn.

 

Theo quy định mới của Ngân hàng Nhà nước, mức trần 9%/năm sẽ chỉ được áp dụng cho các khoản tiền gửi kỳ hạn ngắn từ 1-12 tháng. Còn đối với các kỳ hạn trung–dài hạn trên 12 tháng các ngân hàng được tự thỏa thuận mức lãi đối với khách hàng gửi tiền.

Chính vì vậy, hai ngày sau khi mức lãi suất huy động 9%/năm có hiệu lực, các ngân hàng đã có sự điều chỉnh đáng kể trên bảng niêm yết lãi suất của mình. Đến nay, hầu hết các ngân hàng đều tự ấn định mức lãi suất ở các kỳ hạn dài từ 9,5-12%.

Cụ thể, biểu lãi suất của ACB đã tăng mạnh lãi suất huy động VND ở các kỳ hạn dài, từ 12-36 tháng từ 10,4%-12%/năm; riêng mức cao nhất 12%/năm lĩnh lãi cuối kỳ có ở kỳ hạn 36 tháng.

Tại Sacombank, biểu lãi suất cập nhật trong ngày 13/6 cũng có mức cao nhất 12%/năm lĩnh lãi cuối kỳ ở các kỳ hạn 24 và 36 tháng; mức 11%/năm có ở kỳ hạn 13, 15 và 18 tháng.

Biểu lãi suất của VPBank áp dụng từ ngày 11/6, các kỳ hạn tiền gửi từ 12 tới 36 tháng đều ở mức 10,5%/năm. Thậm chí, nhà băng này còn trưng biểu lãi suất cao nhất 10,5%/năm để "câu khách."

Như vậy, sau hơn hai năm đường cong lãi suất tại các ngân hàng thương mại mới được thiết lập trở lại đúng theo quy luật, kỳ hạn gửi càng cao thì lãi suất cao, kỳ hạn ngắn lãi suất thấp...

Tuy nhiên, cũng có khá nhiều ngân hàng đang thận trọng thăm dò thị trường chỉ áp dụng các mức lãi suất từ 9-10,5%.

Một số chuyên gia cho rằng, việc đường cong lãi suất được tái lập cho thấy thanh khoản của các ngân hàng đã được cải thiện đáng kể. Đây cũng là dấu hiệu tốt nhen lên hy vọng khi lãi suất về mức hợp lý sẽ giải quyết được bài toán lãi suất cho vay giữa ngân hàng và doanh nghiệp./.

Theo Thúy Hà 
Vietnam+

 

 


Mô hình nào cho công ty mua bán nợ xấu?

Ngày đăng : 14/06/2012 - 10:47 AM

 

Với quy mô nợ xấu trong hệ thống tín dụng hiện nay, rất cần thành lập một công ty mua bán nợ có đủ tiềm lực để xử lý.

Vấn đề là công ty này sẽ hoạt động với mô hình nào và bằng nguồn tài chính từ đâu?

Giải pháp thành lập công ty mua bán nợ để xử lý nợ xấu của hệ thống NHTM liệu có phải là giải pháp tốt để giúp hệ thống NHTM xử lý các khoản nợ xấu? Để có câu trả lời phù hợp, chúng ta hãy xem xét lại tình hình xử lý nợ xấu trên thị trường và các giải pháp hiện có.

Hiện trạng xử lý nợ xấu ở Việt Nam

Hiện nay, các khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng (TCTD) được xử lý bằng hai cách: cách 1 là bán đấu giá các tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu đã xử lý; cách 2 là bán nợ xấu cho các TCTD khác hoặc các công ty quản lý tài sản (AMC).

Đối với cách 1, việc bán đấu giá mất rất nhiều thời gian do TCTD phải hoàn thành nhiều thủ tục pháp lý, định giá tài sản, bán đấu giá… Mỗi khi cần bán nợ hoặc bán tài sản siết nợ, TCTD phải thành lập hội đồng xử lý nợ và còn phải mất nhiều công sức hơn để tìm kiếm người mua, chào bán với giá hợp lý để đảm bảo TCTD không bị thiệt hại.

Đối với cách 2, về bản chất, khi các khoản nợ xấu được mua bán giữa các TCTD hoặc qua công ty AMC thì nợ xấu vẫn nằm trong hệ thống ngân hàng nhưng dưới hình thức khác, vì công ty AMC là công ty con, công ty trực thuộc của TCTD. Khi các TCTD thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính thì những khoản nợ xấu này vẫn nằm trong bảng cân đối kế toán hợp nhất, nhưng dưới một tên gọi khác, ví dụ như là tài sản Có khác.

Như vậy, có thể thấy, cách xử lý đối với nợ xấu và tài sản đảm bảo/tài sản liên quan đến nợ xấu đã xử lý của các TCTD hiện nay thiếu hẳn định hướng và mang tính tự phát. Nó chủ yếu nhằm giải quyết vấn đề của từng TCTD, hơn là một giải pháp tổng thể cho nền kinh tế nói chung và cho hệ thống ngân hàng nói riêng. Ngoài ra, cơ chế hoạt động như vậy không tạo ra một thị trường mua bán nợ xấu chuyên nghiệp.

Vấn đề tiếp theo là vì sao đã có công ty mua bán nợ (DATC) thuộc Bộ Tài chính, nhưng vẫn nêu ý tưởng thành lập công ty mua bán nợ của NHNN? Đây là một vấn đề không dễ lý giải, vì nếu xét theo chức năng kinh doanh, công ty mua bán nợ theo ý tưởng của NHNN sẽ giống đến 90% chức năng của DATC. Tuy nhiên, có một số điểm giải thích cho vấn đề này.

Thứ nhất, DATC là DNNN, phạm vi hoạt động không chỉ gói gọn trong hệ thống NHTM mà còn của cả nền kinh tế, nhưng tiềm lực của DATC lại khá hạn chế so với quy mô các khoản nợ xấu trong hệ thống tín dụng hiện nay. Trong khi đó, quy trình từ khi mua lại tài sản xấu, tái cấu trúc và khai thác tài sản loại này để bán lại sinh lời là rất phức tạp. Không phải tất cả các giao dịch tái cấu trúc đều thành công. Theo tỷ lệ mà các quỹ đầu tư mạo hiểm thực hiện đầu tư vào việc mua lại nợ xấu và các tài sản liên quan thì chỉ có khoảng 30% giao dịch là thực hiện tái cấu trúc thành công. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công 30% có khả năng tạo ra lợi nhuận đủ lớn để bù đắp cho các thương vụ thất bại và đủ hấp dẫn các NĐT để tạo ra thị trường mua bán nợ xấu trị giá nhiều tỷ USD ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương như hiện nay.

Thứ hai, bản chất của việc mua bán nợ xấu là hoạt động kinh doanh mang tính mạo hiểm, có khả năng mang lại lợi nhuận cao trên cơ sở rủi ro cao. Trong khi đó, theo cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, cơ chế quản lý, giám sát của DATC với tư cách là DNNN, sẽ rất khó để DATC chấp nhận các hoạt động mang tính mạo hiểm kiểu này. Thực tế cho thấy, nếu như một khoản nợ hoặc tài sản đảm bảo của khoản nợ đó, có đầy đủ giấy tờ hợp lệ, có giá bán dễ dàng tham chiếu và đáng tin cậy thì người vay đã tự xử lý để thu hồi tiền và trả nợ cho ngân hàng, chứ không để ngân hàng siết nợ.

Từ hai nguyên nhân trên, có thể thấy một mình DATC chưa thể đảm nhiệm việc xử lý các khoản nợ xấu của hệ thống NHTM. Trong khi đó, việc giải tỏa các khoản nợ xấu đang tồn đọng tại các TCTD là nhu cầu cấp thiết, đặc biệt là trong giai đoạn kinh tế suy thoái, nhiều DN phá sản, không còn khả năng trả nợ cho ngân hàng. Vì thế, giải pháp mà NHNN đưa ra là thành lập một công ty mua bán nợ được xem là kịp thời trong thời điểm hiện tại.

Mô hình nào?

Thứ nhất, đó phải là công ty cổ phần mà Nhà nước là một cổ đông lớn và có sự tham gia của các TCTD. Việc tổ chức công ty mua bán nợ theo mô hình này rất quan trọng, cho phép công ty có thể chấp nhận rủi ro từ việc mua nợ xấu, được thuê các chuyên gia tái cấu trúc DN tham gia cơ cấu lại DN và có cơ chế quản trị DN lành mạnh để tránh các hiện tượng tiêu cực, chi phối hoặc xin - cho mà dư luận đã đặt ra từ khi có đề xuất thành lập công ty mua bán nợ.

Vai trò dẫn dắt và định hướng của Nhà nước trong giai đoạn đầu là cần thiết để giúp công ty ổn định mục tiêu và chiến lược kinh doanh. Đến thời điểm thích hợp, Nhà nước có thể thoái vốn dần khỏi công ty.

Thứ hai, công ty mua bán nợ phải có khả năng huy động các nguồn vốn dài hạn để có thể mua lại các khoản nợ xấu. Ở các nước, các quỹ hưu trí, quỹ đầu tư mạo hiểm cũng tham gia rất tích cực trong việc đầu tư vào các công ty hay các quỹ có tính chất tương tự như công ty mua bán nợ theo đề xuất của NHNN và họ có các nguồn vốn dài hạn để đầu tư mua lại các khoản nợ, các tài sản xấu này. Với tình hình và bản chất nguồn vốn ở Việt Nam là phần lớn mang tính ngắn hạn, đây có lẽ là một thử thách lớn đối với công ty mua bán nợ để có thể hoạt động ổn định và bền vững.

Thứ ba, công ty mua bán nợ không những phải có năng lực tài chính mà phải có đội ngũ chuyên gia có khả năng tham gia trực tiếp tái cấu trúc DN, hoặc phải có cơ chế thuê các chuyên gia tư vấn hàng đầu để tái cấu trúc DN. Bên cạnh đó, đội ngũ thẩm định, đánh giá tài sản… để hỗ trợ cho các hoạt động của công ty cũng cần được chuyên nghiệp hóa.

Công ty có thể xem xét việc thuê tư vấn bên ngoài để thực hiện các nhiệm vụ trên. Trong trường hợp đó, cơ chế thuê tư vấn, tổ chức thực hiện, bảo mật thông tin… phải được thực hiện hết sức nghiêm túc và chặt chẽ.


Thứ tư, một trong những vấn đề quan trọng liên quan đến hoạt động của công ty mua bán nợ là phương pháp hạch toán kế toán và định giá tài sản vì thông thường, khi thực hiện mua tài sản xấu từ các TCTD, giá mua có thể rất khác so với giá trị thật của tài sản. Vì vậy, phương pháp ghi nhận nên được đo lường khi mua như thế nào và sau đó ghi nhận tiếp theo ra sao, ví dụ tăng giá, giảm giá trong các kỳ kế toán là một vấn đề cần được xem xét để đảm bảo hoạt động tài chính của công ty mua bán nợ là minh bạch và rõ ràng.

Có thể nói, sự tham gia của công ty mua bán nợ sẽ bổ sung thêm giải pháp thực hiện tái cơ cấu hệ thống NHTM. Có thể hình dung công ty mua bán nợ sẽ giúp giải quyết các vấn đề sau:

* Giúp các TCTD xử lý nhanh các tài sản xấu để thu hồi nguồn tiền. TCTD không phải dùng nguồn lực để theo đuổi các vụ thanh lý tài sản, bán nợ… như trước đây để tập trung cho hoạt động kinh doanh chính;

* Tách các tài sản xấu của các TCTD ra khỏi hệ thống ngân hàng và công ty mua bán nợ thực hiện các biện pháp tái cơ cấu dễ dàng hơn, ví dụ có thể thành lập các pháp nhân mới, thành lập các liên doanh để xử lý và khai thác tài sản. Đây là những nghiệp vụ mà TCTD không dễ dàng thực hiện do bị hạn chế về phạm vi hoạt động, theo đó, các TCTD chỉ tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh ngân hàng và không tập trung vào các lĩnh vực khác ngoài một số lĩnh vực rất hạn chế mà Luật Các TCTD cho phép;

* Giữ vai trò điều tiết trong trường hợp thị trường có biến động;

* Bên cạnh NHNN là người cho vay cuối cùng, công ty mua bán nợ cũng có thể được coi là một định chế có thể mua lại tài sản của các TCTD trong trường hợp TCTD có nhu cầu bán để giải quyết nhu cầu thanh khoản hay thu hẹp hoạt động kinh doanh;

* Thu hút các khoản đầu tư dài hạn của các tổ chức có nguồn vốn dài hạn, ví dụ từ các công ty bảo hiểm... do đặc thù hoạt động của công ty mua bán nợ là đầu tư vào các tài sản dài hạn.

Vậy nhưng, có một câu hỏi lớn đặt ra là, công ty mua bán nợ của NHNN phải hoạt động như thế nào để đảm bảo thành công?

Theo Văn Tấn
ĐTCK

 


 

Tin mới cập nhật