Ngày đăng :
19/12/2011 - 7:06 PM
Cần tổ chức rà soát, kiên quyết không cho phép triển khai các dự án không có trong quy hoạch, kế hoạch phát triển.
Theo đánh giá của lãnh đạo Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng tại hội nghị doanh nghiệp ngành xây dựng, được tổ chức tại Hà Nội vào cuối tuần qua, sau một thời gian tăng trưởng nóng, thị trường BĐS đã có dấu hiệu chững lại và bộc lộ nhiều yếu kém, phát triển thiếu lành mạnh và không ổn định.
Đánh giá tổng kết của các chuyên gia Bộ Xây dựng đã chỉ rõ những yếu kém về tình trạng phát triển đô thị và các khu nhà ở tại các địa phương thời gian qua. Cụ thể, việc phát triển đô thị còn thiếu căn cứ vào nhu cầu của thị trường, chưa có quy hoạch, kế hoạch, tự phát, tình trạng chậm tiến độ còn diễn ra phổ biến, dẫn đến các đô thị phát triển không đồng bộ, thiếu kết nối hạ tầng, lãng phí tài nguyên đất đai và vốn đầu tư của xã hội.
Bên cạnh đó, cơ cấu hàng hoá BĐS nhà ở mất cân đối, thị trường thiếu hàng hóa có quy mô vừa và nhỏ, có giá cả phù hợp với đa số nhu cầu của người dân. Tỷ trọng nhà ở chung cư chỉ chiếm 4% tổng số nhà ở đô thị của cả nước. Trong khi đó, các doanh nghiệp BĐS lại chỉ chú trọng vào phát triển các căn hộ cao cấp, ít đầu tư cho xây dựng loại hình căn hộ có giá trung bình và thấp. Đặc biệt, thị trường thiếu hẳn loại hình nhà ở cho thuê, mặc dù nhu cầu nhóm nhà ở này rất lớn và trên thực tế, tỷ trọng căn hộ cho thuê, cho mượn tại các khu vực đô thị mới đạt tới 14%.
Giá cả hàng hóa BĐS, giá nhà ở vẫn đứng ở mức cao, diễn biến phức tạp, nhất là tại các đô thị lớn, tình trạng đầu cơ, kích giá vẫn còn phổ biến. Hệ thống tài chính BĐS chưa hoàn thiện, nguồn vốn cho thị trường BĐS chủ yếu từ hệ thống ngân hàng và huy động của người dân, chưa có nguồn tín dụng trung và dài hạn để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong việc tạo lập nhà ở. Vì vậy, thị trường BĐS luôn bị tác động khi có sự thay đổi chính sách tín dụng...
Theo ý kiến của một số chuyên gia, để khắc phục những khiếm khuyết, tạo điều kiện cho thị trường BĐS phát triển lành mạnh và bền vững, trong thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp về đô thị, nhà ở và kinh doanh BĐS. Các cơ quan quản lý cần tổ chức rà soát, kiên quyết không cho phép triển khai các dự án không có trong quy hoạch, kế hoạch phát triển, không có khả năng kết nối hạ tầng và cung cấp dịch vụ đô thị; thực hiện nghiêm túc quy định về hình thức chia lô, bán nền, bán nhà xây thô trong các dự án phát triển nhà ở, kiểm soát chặt chẽ tiến độ cam kết của các chủ đầu tư, của người mua nhà trong việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ và hoàn thiện nhà ở; kiểm tra việc dành quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội (quỹ đất 20%) trong các dự án phát triển nhà ở theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, giải pháp căn cơ nhằm khai thông đầu ra cho thị trường trong thời gian tới là đa dạng hóa cơ cấu nhà ở trong các dự án phát triển nhà ở, theo hướng tăng tỷ lệ nhà chung cư cao tầng với quy mô diện tích căn hộ đa dạng, ưu tiên phát triển các căn hộ có quy mô vừa và nhỏ để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đồng thời, có cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển mạnh nhà ở cho thuê, kể cả nhà ở xã hội đầu tư từ ngân sách Nhà nước và nhà ở cho thuê do doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đầu tư, phục vụ nhu cầu thuê nhà ở của người dân khu vực đô thị và công nhân tại các khu công nghiệp.
Để phát triển thị trường BĐS theo hướng đa dạng hóa cơ cấu nhà ơ, các chuyên gia khuyến nghị cần có chính sách tăng trưởng tín dụng đối với BĐS hợp lý. Theo đó, các chuyên gia kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 11/NQ-CP, bảo đảm tín dụng BĐS có tốc độ tăng trưởng và tỷ trọng hợp lý, an toàn, phù hợp với chính sách điều hành tín dụng chung. Tuy nhiên, trước mắt, cần giảm tăng trưởng và tỷ trọng tín dụng BĐS với một lộ trình hợp lý, tránh gây sốc cho thị trường; đồng thời, áp dụng các biện pháp nhằm hỗ trợ thị trường BĐS tăng tính thanh khoản, tránh đóng băng thị trường, tác động xấu đến hệ thống các tổ chức tín dụng và đời sống xã hội.
Song song với đó, Chính phủ cần chỉ đạo các tổ chức tín dụng bố trí nguồn vốn để cho vay đầu tư các dự án phát triển nhà ở để bán, cho thuê phục vụ đối tượng thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; cho các đối tượng có nhu cầu thực sự vay mua nhà để ở; các dự án BĐS sẽ hoàn thành và có khả năng bán, thu hồi vốn đầu tư trong năm 2012. Trước mắt, cần hạn chế cho vay bồi thường, giải phóng mặt bằng, các dự án khởi công mới, các dự án BĐS cao cấp; giám sát chặt chẽ để hạn chế việc cho các cá nhân vay kinh doanh BĐS.
Theo Minh Nhật
ĐTCK
|
Ngày đăng :
16/12/2011 - 11:23 AM
Con số nợ xấu 6,67% của Agribank chủ yếu đến từ BĐS tại Hà Nội và TP.HCM. Trong khi tăng trưởng huy động vốn của khu vực nông thôn năm nay khá cao, bình quân khoảng 20-25%.
“Thị trường bất động sản tưởng chừng như đơn giản, nhưng khi giá một m2 giảm đi thì hệ lụy rất lớn”, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Nguyễn Ngọc Bảo nói như vậy trong một hội thảo được tổ chức mới đây.
Ở lưu ý của ông Bảo, tác động trực tiếp từ sự suy giảm trên thị trường này ảnh hưởng ngay lập tức tới các ngành như sản xuất vật liệu xây dựng, sắt thép, trang trí nội thất, và xa hơn là các vấn đề giải quyết việc làm, xuất nhập khẩu…
Nhưng đáng lưu ý nhất với vị Chủ tịch - người nguyên là Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) - là tác động làm tăng tỷ lệ nợ xấu, mà Agribank như một ví dụ sống động.
Con số chính thức được công bố vào tháng 9 năm nay, phát đi từ một bản báo cáo của Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương, nợ xấu của Agribank lên đến 6,67%, cao nhất trong số các ngân hàng thương mại nhà nước.
Ông Bảo khi đó đã có giải thích rằng, nợ xấu của nhà băng này chủ yếu đến từ tín dụng bất động sản tại Hà Nội và Tp.HCM.
Không biết từ khi nào, và thông qua cách thức nào, Agribank đã thâm nhập sâu vào lĩnh vực bất động sản, vốn khác rất xa so với lĩnh vực truyền thống của nhà băng này. Một so sánh rất đáng chú ý, là chỉ riêng tỷ lệ nợ xấu nêu trên cũng đã gần với số vốn tự có của Agribank.
Theo ông Bảo, tổng tài sản có của ngân hàng này vào cuối năm nay ước khoảng 560 nghìn tỷ đồng, vốn tự có tương ứng cũng có thể đạt mức 9%. Cho nên, ông thừa nhận các tỷ lệ an toàn, chỉ số tài chính của Agribank là “chưa thật ổn định” (hệ số an toàn vốn CAR đo bằng tỷ lệ giữa vốn tự có/tổng tài sản có rủi ro).
“Hiện nay, nhiều ngân hàng, trong đó có Agribankcũng rất muốn cơ cấu lại danh mục đầu tư của mình, đặc biệt là các khoản liên quan đến bất động sản, nhưng không dễ gì làm được”, ông Bảo nói.
Gần đây, nhiều quan chức như ông Bảo đã nhìn nhận được thực tế về cái giá phải trả cho quá trình bành trướng tín dụng nhiều năm trước, gây kích thích mạnh các thị trường đầu cơ tài chính và tài sản, trong đó có bất động sản.
“Một điều không bình thường với nền kinh tế Việt Nam trong các năm qua, so với khu vực phát triển Mỹ, EU, Nhật Bản và 10 nước châu Á thì cho thấy, tương quan giữa tăng trưởng GDP và tín dụng của chúng ta cao hơn gấp nhiều lần”, ông Bảo nói.
Theo người đứng đầu tại Agribank, tình trạng đầu cơ của Việt Nam là khá lớn, nhìn thấy rõ trên thị trường bất động sản, lướt sóng trên thị trường chứng khoán, hoặc dịch chuyển dòng tiền giữa nội tệ và ngoại tệ liên tục có biến động.
Tờ Thời báo Ngân hàng ngày 14/12 cũng dẫn một con số đáng chú ý từ Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia rằng, có tới 34% tổng số hộ gia đình ở thành phố có tiền tích lũy đã đầu tư vào bất động sản, trong khi tỷ lệ đầu tư vào dịch vụ chỉ là 24%.
Việc tín dụng liên tục tăng trưởng mạnh, đổ vào lĩnh vực đầu cơ bất động sản, được ví như thêm củi khi bếp đang sôi. Hệ lụy của nó, có thể không chỉ giới hạn ở việc sẽ phải rất khó khăn để đưa được giá nhà đất về gần với khả năng chi trả của đại bộ phận dân chúng, đặc biệt là các công chức thành thị.
“Trong những năm qua, một bộ phận khá lớn vốn tín dụng đã bị hút vào các lĩnh vực đầu cơ. Khi mà bong bóng bất động sản, bong bóng chứng khoán xẹp xuống thì vốn bị bốc hơi đi”, ông Bảo lưu ý thêm.
Ở góc độ tác động đến tăng trưởng, TS. Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - phân tích rằng, do doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh với đòn bẩy tài chính cực cao (tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu cao), nên với trường hợp thắt chặt tín dụng để kiểm soát lạm phát sẽ càng khó khăn hơn, mà không xử lý khéo còn có thể dẫn tới các vấn đề xã hội như thiếu việc làm, tái nghèo...
Trong khi đó về lý thuyết, khi giá bất động sản tăng tạo hiệu ứng lên “thu nhập tạo nhờ tài sản”, dẫn tới tiêu dùng thoải mái, kích lạm phát lên và ngược lại. Nhưng trong khi thị trường bất động sản sụt giảm giao dịch, các kênh đầu cơ khác ảm đạm, tổng phương tiện thanh toán vẫn tăng dường như đã dồn tiền sang kênh hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu.
Giai đoạn cuối 2007-2008 và 2010-2011 này là điển hình của sự dịch chuyển dòng tiên nói trên, với trường hợp một là tiền quá nhiều từ dòng vốn bên ngoài đổ vào và tín dụng “bật ra”.
Cảnh báo cho những trường hợp kể trên, trong "Báo cáo triển vọng kinh tế châu Á 2007" công bố vào tháng 9/2007, ADB khuyến cáo, ảnh hưởng lạm phát sẽ giảm sức mua của người nghèo và làm tăng bất bình đẳng về thu nhập, có ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng.
Còn hồi đầu năm nay VnEconomy cũng đã dẫn báo cáo đánh giá tác động của tăng giá đối với đời sống người nghèo, người làm công ăn lương do Vụ Lao động - Văn hóa - Xã hội (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thực hiện.
Theo nghiên cứu tại báo cáo này, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng tác động rất khác nhau đến các nhóm hộ gia đình trong xã hội, nhưng người có thu nhập thấp chịu tác động trực tiếp và nhanh hơn người có thu nhập cao; dân vùng nông thôn chịu tác động nặng hơn thành thị; và công nhân chịu tác động lớn hơn nông dân.
Trở lại với trường hợp của Agribank, có thể nói, chính nông thôn và người nông dân đã giang tay “giải cứu” thanh khoản cho nhà băng này.
“Từ thực tiễn Agribank, loại trừ hai thành phố lớn, còn lại tăng trưởng huy động vốn của khu vực nông thôn năm nay khá cao, bình quân khoảng 20-25%. Có rất nhiều chi nhánh Agribank ở nông thôn chuyển vốn về, cung ứng vốn để tăng thanh khoản cho cả hệ thống”, ông Bảo cho hay.
Theo Anh Quân
VnEconomy
|
Ngày đăng :
15/12/2011 - 9:57 AM
UBND TP Hà Nội vừa có văn bản xử lý 30 cơ quan, doanh nghiệp để hoang phí hàng trăm ngàn mét vuông đất, trị giá hàng chục triệu USD. Như nhiều địa phương khác trên cả nước, trên địa bàn TP Hà Nội hiện có hàng trăm khu “đất vàng” bị bỏ hoang nhiều năm, trong khi chính quyền lại chưa mạnh tay xử lý thu hồi. “Đất vàng” để... nuôi bò! Được xem là khu “đất vàng” của thủ đô nhưng khu đô thị mới Cầu Giấy nằm cách hồ Hoàn Kiếm khoảng 8 km đến nay vẫn còn nhiều khu vực bỏ hoang phí. Cùng với đó là hàng loạt khu đất “đắc địa” khác rộng hàng trăm ngàn mét vuông ở quận Long Biên, Thanh Trì, Thanh Xuân, Tây Hồ, huyện Gia Lâm, Đông Anh, Từ Liêm… đang để cỏ mọc lút đầu người. Ngay cả đất đã được các quận, huyện đấu giá từ 3-4 năm nay như khu đô thị mới Cầu Giấy, khu 18,6 ha quận Tây Hồ… với số tiền chi trả khổng lồ nhưng đến nay vẫn không thấy động đậy. Thậm chí ở khu đô thị mới Cầu Giấy, hiện đất có giá từ 250-300 triệu đồng/m2, 1 lô biệt thự khoảng 250 m2 - 300 m2, tương đương khoảng 60 - 90 tỉ đồng nhưng 4 năm nay vẫn dành đất để… nuôi bò! Chỉ căn cứ vào con số 30 đơn vị đang sử dụng lãng phí hàng chục ngàn mét vuông đất mà Sở Tài nguyên-Môi trường Hà Nội vừa báo cáo với UBND TP Hà Nội đã thấy một phần bức tranh toàn cảnh đất hoang phí ở thủ đô. Điều đáng nói là hầu hết diện tích đất rất lớn này nằm ở những vị trí đắc địa do các “ông lớn” quản lý, như: Công ty Vật tư Kỹ thuật nông nghiệp Hà Nội (huyện Thanh Oai); Chi nhánh Ngân hàng Công Thương Đống Đa (quận Đống Đa); Công ty Cơ khí Điện tử Tàu thủy (quận Đống Đa); Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương II (quận Hai Bà Trưng); Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây lắp số 5 (quận Hai Bà Trưng); Công ty Cổ phần Vận tải và Dịch vụ thương mại (quận Hai Bà Trưng); Công ty Xây lắp và Vật tư xây dựng số 8 (huyện Chương Mỹ); Công ty Cổ phần Thiết bị xăng dầu Petrolimex (quận Long Biên)… Khó xử lý! Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh, tình trạng nhiều dự án chậm triển khai, bỏ hoang phí kéo dài do nhiều nguyên nhân, như vướng giải phóng mặt bằng hoặc do chủ đầu tư có vấn đề về tài chính, năng lực. “Chỉ rà soát 118 dự án, chúng tôi phát hiện 16 dự án do chủ đầu tư thiếu năng lực tài chính, 16 dự án khác do chủ đầu tư và chính quyền chưa phối hợp tốt trong giải phóng mặt bằng nên triển khai rất ì ạch. Đối với những dự án do chủ đầu tư thiếu năng lực, nếu tình hình không cải thiện, TP sẽ tiến hành thu hồi. Riêng những dự án chậm triển khai theo quy định của pháp luật (chậm quá 24 tháng so với thời gian thi công cho phép), TP đã có kiểm tra và tháo gỡ khó khăn, nếu chủ đầu tư không triển khai cũng sẽ bị thu hồi” - ông Khanh khẳng định. Cũng theo ông Khanh, trong năm 2011, tổng hợp các dự án chậm tiến độ, đất bỏ hoang, Hà Nội đã xử phạt hành chính 68 đơn vị với tổng số tiền 1,4 tỉ đồng và thu hồi 10 dự án với tổng diện tích hơn 53.000 m2. Ngoài ra, TP Hà Nội cũng đã công khai trên phương tiện truyền thông danh mục, tên tuổi các dự án lãng phí trong diện phải thu hồi. Tuy nhiên, ông Khanh lại thừa nhận việc “đấu với” các chủ đầu tư có dự án nằm ở vị trí đắc địa nhưng bỏ hoang là không dễ bởi thực tế UBND TP Hà Nội đang bị chủ đất kiện vì chỉ đạo đưa tên doanh nghiệp vi phạm lên internet... Điều này lý giải vì sao danh sách 9 dự án vừa được UBND TP Hà Nội đề xuất thu hồi chỉ là những dự án nhỏ, có tổng diện tích chỉ trên 50.000 m2, còn các “ông lớn” chỉ bị xử phạt hành chính! Cương quyết thu hồi! * Phóng viên: Thưa ông, Bộ Tài nguyên - Môi trường nhìn nhận thế nào về thực trạng hàng loạt diện tích “đất vàng” bỏ hoang phí? - Ông Nguyễn Mạnh Hiển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường: Đất sử dụng không hiệu quả thì phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Cụ thể, dự án nào không sử dụng đất trong 12 tháng liền kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa hoặc chậm 24 tháng so với tiến độ được duyệt mà không triển khai xây dựng thì phải kiên quyết thu hồi. Đây là trách nhiệm của các địa phương chứ bộ không thể làm thay. * Dẫn đến tình trạng trên có nguyên nhân các địa phương thiếu sâu sát trong thẩm định dự án; còn chủ đầu tư thì không đủ năng lực, xí đất để đó rồi sang nhượng lại kiếm lời, gây lãng phí lớn. Như vậy, vấn đề trách nhiệm được xử lý như thế nào, thưa ông? - Thủ tướng đã có chỉ thị giao trách nhiệm rõ ràng về việc này, trong đó gắn chặt trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với việc quy hoạch sử dụng đất. Trên thực tế, các địa phương cũng muốn có thêm nguồn lực lớn từ đất đai. Song do kinh tế khó khăn nên nhiều dự án chậm tiến độ, nhưng cũng có những trường hợp do năng lực chủ đầu tư “có vấn đề”… Vì thế, các địa phương phải thường xuyên rà soát, nếu dự án nào không thể triển khai thì thu hồi, dự án nào cần tháo gỡ thì khẩn trương tháo gỡ. Trường hợp nào chây ì thì phải xử lý, nhẹ thì xử phạt hành chính, vi phạm nghiêm trọng thì thu hồi. * Vậy Bộ Tài nguyên - Môi trường đã có báo cáo Thủ tướng xử lý trách nhiệm chưa, thưa ông? - Bộ phải đôn đốc việc này. Nếu vi phạm nghiêm trọng thì thanh tra, kiểm tra và khi có kết quả thì sẽ báo cáo Thủ tướng về biện pháp xử lý. * Cụ thể là như thế nào, thưa ông? - Hiện Bộ chưa có báo cáo đầy đủ về số dự án để hoang mà chỉ có thống kê ruộng đất, Trong trường hợp đặc thù, chuyên ngành, nếu thấy cân thiết thì bộ sẽ yêu cầu các địa phương kiểm tra, giám sát, có biện pháp tháo gỡ, xử lý và có báo cáo đầy đủ. Theo Thế Dũng NLĐ
|
Ngày đăng :
13/12/2011 - 11:44 AM
Giao dịch bất động, giá giảm mạnh, đặc biệt chủ trương hạn chế cho vay vốn đối với các dự án bất động sản cao cấp... đang khiến cho phân khúc chung cư cao cấp càng rơi vào tình cảnh bi đát hơn.
101 lý do để người mua nản lòng
Theo tìm hiểu của PV, gần đây phân khúc chung cư cao cấp đang dần khiến các nhà đầu tư thờ ơ khi ngày càng xuất hiện nhiều cuộc phản đối của cư dân sống ở các tòa nhà cao cấp với chủ đầu tư. Điều này khiến tâm lý nhà đầu tư mà chủ yếu là những người có nhu cầu thực về nhà ở tỏ ra dè dặt, nản lòng khi xuống tiền mua căn hộ cao cấp. Bởi lẽ, những người mua chung cư cao cấp đều có mong muốn được thụ hưởng tiện ích hiện đại đẳng cấp thật sự chứ không muốn mua căn hộ giá đắt gấp 2-3 lần các chung cư khác nhưng chỉ được hưởng dịch vụ tối thiểu như chung cư bình thường khác.
Một loạt các chung cư cao cấp ở Hà Nội như: Golden Westlake, Keangnam, The Manor, Sky City... đã cùng nhau ký đơn gửi đến các cơ quan chức năng khi bị đơn vị quản lý tòa nhà tự áp mức phí dịch vụ cao “cắt cổ” khi sinh sống tại các tòa nhà chung cư đó.
Cụ thể, tại chung cư Keangnam, để được hưởng tất cả các dịch vụ và tiện ích hiện đại nhất của tòa nhà như bể bơi, phòng tập thể thao... cư dân sẽ phải đóng với mức phí 17.130 đồng đồng/m2/tháng (chưa có 10% VAT) sau khi đã đấu tranh nhiều lần.
Tại chung cư Golden Westlake, để được sở hữu một chỗ để xe các cư dân sẽ phải chi trả theo các phương án như mua đứt vị trí để xe với mức giá hơn 800 triệu đồng đến hơn 2 tỷ đồng/chỗ để xe. Nếu không chấp nhận phương án này, cư dân sẽ phải đóng tiền thuê chỗ với mức phí gần 3 triệu đồng/tháng/chỗ, tuy nhiên khách hàng lại bị “bắt chẹt” khi sẽ phải thanh toán hết tiền thuê trong vòng 38 năm.
Theo khảo sát, một số chung cư cao cấp khu vực quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Ba Đình và Tây Hồ giá chào bán căn hộ tại: Dự án Golden Westlake có giá chào bán trung bình từ 60 – 78 triệu đồng/m2, Kinh Đô Tower từ 50 – 67 triệu đồng/m2, Lancaster Hà Nội có giá bán từ 45 – 50 triệu đồng/m2. Các dự án ở quận Cầu Giấy và Từ Liêm có giá chào bán trên 30 triệu đồng/m2 như: Habico Tower có giá khoảng 75 – 80,5 triệu đồng/m2, Thang Long Number One từ 39 – 42 triệu đồng/m2, Dolphin Plaza khoảng 37 triệu đồng/m2...
Chán sống, cho thuê cũng khó khăn
Chị Minh Thảo đang có căn hộ ở Keangnam chia sẻ: lúc chị bỏ tiền ra mua căn hộ tại dự án này là lúc giá bán căn hộ gần như cao nhất ở Hà Nội khoảng 3.000 USD/m2. Thế nhưng, sau gần 3 năm đầu tư hiện giá mỗi m2 căn hộ ở Keangnam đang được chào bán 2.700 USD/m2, thậm chí với suất ngoại giao được mua giá rẻ 2.400 USD/m2 hiện cũng chỉ chào bán 2.500 USD/m2 mà cũng không thể bán được.
“Khó bán nên vợ chồng tôi đành quyết định sửa sang, sắm nội thất đầy đủ để cho thuê nhưng thời điểm này cũng khó tìm được khách thuê quá bởi cứ dăm bữa nửa tháng, cư dân sống tòa nhà lại tập trung phản đối chủ đầu tư cũng như đơn vị quản lý tòa nhà về nhiều vấn đề xung quanh dịch vụ, chất lượng khiến khách mua hay khách thuê đều nản” – chị Thảo than thở.
Trước đó, khi mổ xẻ nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất động của phân khúc chung cư cao cấp nhiều chuyên gia cho rằng, vài năm trước tình trạng dư thừa chung cư cao cấp đã được cảnh báo nhưng dường như các doanh nghiệp bất động sản vẫn lao vào triển khai xây dựng mà không lường trước được biến động của thị trường.
Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 tầm nhìn 2030 vừa được Chính phủ phê duyệt thì tỷ lệ nhà chung cư sẽ phải chiếm 80% trong các dự án nhà ở tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Thế nhưng, Thủ tướng chính phủ đã ra chỉ thị về việc hạn chế cho các dự án bất động sản cao cấp vay vốn, điều này sẽ khiến cánh cửa tiếp cận nguồn vốn đối với các dự án cao cấp ngày càng hẹp. Do đó, chủ đầu tư nên sớm chuyển sang phân khúc chung cư bình dân, hướng tới những người có nhu cầu thực trong tương lai.
Cùng với đó, công tác quản lý vận hành chung cư sau khi dự án hoàn tất cũng là điều quan trọng, cần được quan tâm để người dân không chán sống ở chung cư.
Theo Nguyễn Lê - Lao động
|
Ngày đăng :
13/12/2011 - 11:35 AM
Đánh đúng phân khúc thị trường đang thiếu hụt, nhiều chủ đầu tư đã chuyển đổi sang xây dựng nhà chung cư giá trung bình 14-18 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, nhiều dự án nhà thu nhập thấp đang được chào bán với mức giá thấp hơn 1-2 triệu đồng/m2. Nhiều ý kiến cho rằng, sắp tới thị trường chứng khiến sự cạnh tranh khốc liệt phân khúc này khi nguồn cung tiếp tục pha loãng.
Bội thực nguồn cung
Chung cư cao cấp ế ấm, sản phẩm làm ra không có người mua. Cực chẳng đã nhiều chủ đầu tư đổi hướng xây dựng các chung cư có mức giá bình dân từ 14-18 triệu đồng/m2, với diện tích nhỏ để phù hợp với nguồn cầu thị trường vốn đang bị bỏ ngỏ.
Sự chuyển hướng dường như tạo nên làn sóng khi chỉ trong vòng 2 tháng nay, hơn 10 dự án giá rẻ liên tiếp chào hàng.
Đơn cử như Dự án Dream Town (Tây Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội) được chào bán với mức giá là 17,8 triệu đồng/m2, chưa gồm VAT. Dự án An Bình Tower do Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội tung ra thị trường với mức giá “sốc”, 1,3 tỷ đồng/căn hộ.0
Một dự án trên đường Lĩnh Nam (Hoàng Mai - Hà Nội) vừa gây sốc trên thị trường khi hạ giá xuống chỉ còn hơn 12 triệu đồng/m2. Dự án chung cư Sails Tower được chào bán với mức giá dưới 18 triệu đồng/m2, diện tích căn hộ từ 77,2 - 107,8m2…
Theo tìm hiểu riêng phóng viên, mặc dù nhiều dự án chung cư giá rẻ được mở bán nhưng lượng hấp thụ sản phẩm vẫn còn rất khiêm tốn bởi nguyên nhân nhiều dự án chung cư có vị trí cách xa trung tâm. Thêm vào đó, hầu hết các dự án mới đang trong giai đoạn triển khai móng vì vậy khó thu hút khách hàng trong bối cảnh này bởi sự chậm chễ trong việc thực hiện dự án của nhiều chủ đầu tư đã khiến cho khách hàng mất niềm tin và khá thận trọng khi lựa chọn nhưng dự án đang triển khai.
Thêm vào đó, phân khúc chung cư giá mềm đang đối mặt với sự cạnh tranh của nhiều dự án nhà thu nhập thấp đang rầm rộ triển khai và không ít người đang lo ngại căn hộ thu nhập thấp rồi đây cũng phải “bán tháo” giống như một số dự án chung cư thương mại vừa qua.
Thực tế cho thấy, các dự án nhà thu nhập thấp đang bị rơi vào tình cảnh thất bại khi lượng hàng ế, tồn kho lên đến cả nghìn căn hộ. Mà nguyên nhân chính của sự ế ẩm này vẫn là giá nhà được chào bán mức cao 11-13 triệu đồng/m2.
Đơn cử, dự án nhà thu nhập thấp Sài Đồng của Công ty Xây dựng số 3 mở bán đợt 2 nhưng chỉ có 30 người đăng ký tham gia bốc thăm, trên tổng số hơn 100 căn hộ doanh nghiệp này mở bán nhưng vẫn chưa có người đăng ký.
Tại dự án nhà thu nhập thấp Đặng Xá của Viglacera, tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn, khi chỉ có 15 người đến ký hợp đồng mua căn hộ trong số hàng trăm căn hộ được doanh nghiệp này chào bán đợt 2.
Đó là chưa kể đến hàng loạt các dự án chung cư mini đã mọc lên như nấm sau khi có sự công nhận về mặt pháp lý. Đa phần các căn hộ chung cư mini tại các quận, huyện Hà Nội được chào bán mức 600-1,2 tỷ đồng/căn.
Áp lực cạnh tranh
Trước sự bùng nổ nguồn cung, nhiều ý kiến lo ngại điều này sẽ tạo áp lực cạnh tranh quyết liệt giữa những dự án trong phân khúc này.
Đại diện một chủ đầu tư dự án bất động sản cho rằng, các chủ đầu tư đang có sự thay đổi và cân nhắc điều chỉnh sản phẩm sao cho phù hợp với đại bộ phận người dân. Tuy nhiên, do sự thay đổi diễn ra cùng vào thời điểm vì vậy để dành thắng lợi các chủ đầu tư sẽ buộc phải cạnh tranh quyết liệt để dành thị phần.
“Mặt bằng thu nhập của người dân còn thấp nên sức tiêu thụ sản phẩm bất động sản khá yếu. Khi mua nhà đất, khách hàng luôn phải nhờ đến sự hỗ trợ tài chính của ngân hàng, nhưng việc vay được vốn ngân hàng hiện đang rất khó. Vì vậy, phân khúc này vẫn phải đối mặt với nhiều chướng ngại vật” vị này cho biết.
Ông Peter Ryder - CEO Indochina Capital cho rằng, thời gian vừa qua không chỉ riêng về phân khúc bất động sản cao cấp mà tất cả các phân khúc bất động sản khác cũng đang trong tình trạng cũng đã vượt cầu.
Bên cạnh đó, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến thị trường như lạm phát, ngân hàng tăng lãi suất hay khả năng tín dụng của tổ chức, cá nhân. Những yếu tố này đã tác động làm thị trường khó khăn như vậy, nhưng điểm mấu chốt hiện nay là tính cạnh tranh của chính sản phẩm của dự án. Nếu sản phẩm có vị trí tốt, thiết kế tốt, giá phù hợp thì vẫn có chỗ đứng trên thị trường.
Mặc dù vậy, nhưng nhiều chủ đầu tư dự án vẫn tỏ ra khá lạc quan ông Nguyễn Trọng Ký - Phó tổng giám đốc Techcovina cho rằng, doanh nghiệp bất động sản đang kỳ vọng việc làm dự án và bán cho người tiêu dùng giá thấp hơn để người tiêu dùng có thể chấp nhận. Người tiêu dùng có nhu cầu thực còn rất nhiều, và người ta kỳ vọng được vay để mua sản phẩm nhà ở thực. '
Theo Anh Đào
VnMedia
|