Ngày đăng :
15/12/2011 - 9:57 AM
UBND TP Hà Nội vừa có văn bản xử lý 30 cơ quan, doanh nghiệp để hoang phí hàng trăm ngàn mét vuông đất, trị giá hàng chục triệu USD. Như nhiều địa phương khác trên cả nước, trên địa bàn TP Hà Nội hiện có hàng trăm khu “đất vàng” bị bỏ hoang nhiều năm, trong khi chính quyền lại chưa mạnh tay xử lý thu hồi. “Đất vàng” để... nuôi bò! Được xem là khu “đất vàng” của thủ đô nhưng khu đô thị mới Cầu Giấy nằm cách hồ Hoàn Kiếm khoảng 8 km đến nay vẫn còn nhiều khu vực bỏ hoang phí. Cùng với đó là hàng loạt khu đất “đắc địa” khác rộng hàng trăm ngàn mét vuông ở quận Long Biên, Thanh Trì, Thanh Xuân, Tây Hồ, huyện Gia Lâm, Đông Anh, Từ Liêm… đang để cỏ mọc lút đầu người. Ngay cả đất đã được các quận, huyện đấu giá từ 3-4 năm nay như khu đô thị mới Cầu Giấy, khu 18,6 ha quận Tây Hồ… với số tiền chi trả khổng lồ nhưng đến nay vẫn không thấy động đậy. Thậm chí ở khu đô thị mới Cầu Giấy, hiện đất có giá từ 250-300 triệu đồng/m2, 1 lô biệt thự khoảng 250 m2 - 300 m2, tương đương khoảng 60 - 90 tỉ đồng nhưng 4 năm nay vẫn dành đất để… nuôi bò! Chỉ căn cứ vào con số 30 đơn vị đang sử dụng lãng phí hàng chục ngàn mét vuông đất mà Sở Tài nguyên-Môi trường Hà Nội vừa báo cáo với UBND TP Hà Nội đã thấy một phần bức tranh toàn cảnh đất hoang phí ở thủ đô. Điều đáng nói là hầu hết diện tích đất rất lớn này nằm ở những vị trí đắc địa do các “ông lớn” quản lý, như: Công ty Vật tư Kỹ thuật nông nghiệp Hà Nội (huyện Thanh Oai); Chi nhánh Ngân hàng Công Thương Đống Đa (quận Đống Đa); Công ty Cơ khí Điện tử Tàu thủy (quận Đống Đa); Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương II (quận Hai Bà Trưng); Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây lắp số 5 (quận Hai Bà Trưng); Công ty Cổ phần Vận tải và Dịch vụ thương mại (quận Hai Bà Trưng); Công ty Xây lắp và Vật tư xây dựng số 8 (huyện Chương Mỹ); Công ty Cổ phần Thiết bị xăng dầu Petrolimex (quận Long Biên)… Khó xử lý! Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh, tình trạng nhiều dự án chậm triển khai, bỏ hoang phí kéo dài do nhiều nguyên nhân, như vướng giải phóng mặt bằng hoặc do chủ đầu tư có vấn đề về tài chính, năng lực. “Chỉ rà soát 118 dự án, chúng tôi phát hiện 16 dự án do chủ đầu tư thiếu năng lực tài chính, 16 dự án khác do chủ đầu tư và chính quyền chưa phối hợp tốt trong giải phóng mặt bằng nên triển khai rất ì ạch. Đối với những dự án do chủ đầu tư thiếu năng lực, nếu tình hình không cải thiện, TP sẽ tiến hành thu hồi. Riêng những dự án chậm triển khai theo quy định của pháp luật (chậm quá 24 tháng so với thời gian thi công cho phép), TP đã có kiểm tra và tháo gỡ khó khăn, nếu chủ đầu tư không triển khai cũng sẽ bị thu hồi” - ông Khanh khẳng định. Cũng theo ông Khanh, trong năm 2011, tổng hợp các dự án chậm tiến độ, đất bỏ hoang, Hà Nội đã xử phạt hành chính 68 đơn vị với tổng số tiền 1,4 tỉ đồng và thu hồi 10 dự án với tổng diện tích hơn 53.000 m2. Ngoài ra, TP Hà Nội cũng đã công khai trên phương tiện truyền thông danh mục, tên tuổi các dự án lãng phí trong diện phải thu hồi. Tuy nhiên, ông Khanh lại thừa nhận việc “đấu với” các chủ đầu tư có dự án nằm ở vị trí đắc địa nhưng bỏ hoang là không dễ bởi thực tế UBND TP Hà Nội đang bị chủ đất kiện vì chỉ đạo đưa tên doanh nghiệp vi phạm lên internet... Điều này lý giải vì sao danh sách 9 dự án vừa được UBND TP Hà Nội đề xuất thu hồi chỉ là những dự án nhỏ, có tổng diện tích chỉ trên 50.000 m2, còn các “ông lớn” chỉ bị xử phạt hành chính! Cương quyết thu hồi! * Phóng viên: Thưa ông, Bộ Tài nguyên - Môi trường nhìn nhận thế nào về thực trạng hàng loạt diện tích “đất vàng” bỏ hoang phí? - Ông Nguyễn Mạnh Hiển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường: Đất sử dụng không hiệu quả thì phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Cụ thể, dự án nào không sử dụng đất trong 12 tháng liền kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa hoặc chậm 24 tháng so với tiến độ được duyệt mà không triển khai xây dựng thì phải kiên quyết thu hồi. Đây là trách nhiệm của các địa phương chứ bộ không thể làm thay. * Dẫn đến tình trạng trên có nguyên nhân các địa phương thiếu sâu sát trong thẩm định dự án; còn chủ đầu tư thì không đủ năng lực, xí đất để đó rồi sang nhượng lại kiếm lời, gây lãng phí lớn. Như vậy, vấn đề trách nhiệm được xử lý như thế nào, thưa ông? - Thủ tướng đã có chỉ thị giao trách nhiệm rõ ràng về việc này, trong đó gắn chặt trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với việc quy hoạch sử dụng đất. Trên thực tế, các địa phương cũng muốn có thêm nguồn lực lớn từ đất đai. Song do kinh tế khó khăn nên nhiều dự án chậm tiến độ, nhưng cũng có những trường hợp do năng lực chủ đầu tư “có vấn đề”… Vì thế, các địa phương phải thường xuyên rà soát, nếu dự án nào không thể triển khai thì thu hồi, dự án nào cần tháo gỡ thì khẩn trương tháo gỡ. Trường hợp nào chây ì thì phải xử lý, nhẹ thì xử phạt hành chính, vi phạm nghiêm trọng thì thu hồi. * Vậy Bộ Tài nguyên - Môi trường đã có báo cáo Thủ tướng xử lý trách nhiệm chưa, thưa ông? - Bộ phải đôn đốc việc này. Nếu vi phạm nghiêm trọng thì thanh tra, kiểm tra và khi có kết quả thì sẽ báo cáo Thủ tướng về biện pháp xử lý. * Cụ thể là như thế nào, thưa ông? - Hiện Bộ chưa có báo cáo đầy đủ về số dự án để hoang mà chỉ có thống kê ruộng đất, Trong trường hợp đặc thù, chuyên ngành, nếu thấy cân thiết thì bộ sẽ yêu cầu các địa phương kiểm tra, giám sát, có biện pháp tháo gỡ, xử lý và có báo cáo đầy đủ. Theo Thế Dũng NLĐ
|
Ngày đăng :
13/12/2011 - 11:44 AM
Giao dịch bất động, giá giảm mạnh, đặc biệt chủ trương hạn chế cho vay vốn đối với các dự án bất động sản cao cấp... đang khiến cho phân khúc chung cư cao cấp càng rơi vào tình cảnh bi đát hơn.
101 lý do để người mua nản lòng
Theo tìm hiểu của PV, gần đây phân khúc chung cư cao cấp đang dần khiến các nhà đầu tư thờ ơ khi ngày càng xuất hiện nhiều cuộc phản đối của cư dân sống ở các tòa nhà cao cấp với chủ đầu tư. Điều này khiến tâm lý nhà đầu tư mà chủ yếu là những người có nhu cầu thực về nhà ở tỏ ra dè dặt, nản lòng khi xuống tiền mua căn hộ cao cấp. Bởi lẽ, những người mua chung cư cao cấp đều có mong muốn được thụ hưởng tiện ích hiện đại đẳng cấp thật sự chứ không muốn mua căn hộ giá đắt gấp 2-3 lần các chung cư khác nhưng chỉ được hưởng dịch vụ tối thiểu như chung cư bình thường khác.
Một loạt các chung cư cao cấp ở Hà Nội như: Golden Westlake, Keangnam, The Manor, Sky City... đã cùng nhau ký đơn gửi đến các cơ quan chức năng khi bị đơn vị quản lý tòa nhà tự áp mức phí dịch vụ cao “cắt cổ” khi sinh sống tại các tòa nhà chung cư đó.
Cụ thể, tại chung cư Keangnam, để được hưởng tất cả các dịch vụ và tiện ích hiện đại nhất của tòa nhà như bể bơi, phòng tập thể thao... cư dân sẽ phải đóng với mức phí 17.130 đồng đồng/m2/tháng (chưa có 10% VAT) sau khi đã đấu tranh nhiều lần.
Tại chung cư Golden Westlake, để được sở hữu một chỗ để xe các cư dân sẽ phải chi trả theo các phương án như mua đứt vị trí để xe với mức giá hơn 800 triệu đồng đến hơn 2 tỷ đồng/chỗ để xe. Nếu không chấp nhận phương án này, cư dân sẽ phải đóng tiền thuê chỗ với mức phí gần 3 triệu đồng/tháng/chỗ, tuy nhiên khách hàng lại bị “bắt chẹt” khi sẽ phải thanh toán hết tiền thuê trong vòng 38 năm.
Theo khảo sát, một số chung cư cao cấp khu vực quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Ba Đình và Tây Hồ giá chào bán căn hộ tại: Dự án Golden Westlake có giá chào bán trung bình từ 60 – 78 triệu đồng/m2, Kinh Đô Tower từ 50 – 67 triệu đồng/m2, Lancaster Hà Nội có giá bán từ 45 – 50 triệu đồng/m2. Các dự án ở quận Cầu Giấy và Từ Liêm có giá chào bán trên 30 triệu đồng/m2 như: Habico Tower có giá khoảng 75 – 80,5 triệu đồng/m2, Thang Long Number One từ 39 – 42 triệu đồng/m2, Dolphin Plaza khoảng 37 triệu đồng/m2...
Chán sống, cho thuê cũng khó khăn
Chị Minh Thảo đang có căn hộ ở Keangnam chia sẻ: lúc chị bỏ tiền ra mua căn hộ tại dự án này là lúc giá bán căn hộ gần như cao nhất ở Hà Nội khoảng 3.000 USD/m2. Thế nhưng, sau gần 3 năm đầu tư hiện giá mỗi m2 căn hộ ở Keangnam đang được chào bán 2.700 USD/m2, thậm chí với suất ngoại giao được mua giá rẻ 2.400 USD/m2 hiện cũng chỉ chào bán 2.500 USD/m2 mà cũng không thể bán được.
“Khó bán nên vợ chồng tôi đành quyết định sửa sang, sắm nội thất đầy đủ để cho thuê nhưng thời điểm này cũng khó tìm được khách thuê quá bởi cứ dăm bữa nửa tháng, cư dân sống tòa nhà lại tập trung phản đối chủ đầu tư cũng như đơn vị quản lý tòa nhà về nhiều vấn đề xung quanh dịch vụ, chất lượng khiến khách mua hay khách thuê đều nản” – chị Thảo than thở.
Trước đó, khi mổ xẻ nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất động của phân khúc chung cư cao cấp nhiều chuyên gia cho rằng, vài năm trước tình trạng dư thừa chung cư cao cấp đã được cảnh báo nhưng dường như các doanh nghiệp bất động sản vẫn lao vào triển khai xây dựng mà không lường trước được biến động của thị trường.
Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 tầm nhìn 2030 vừa được Chính phủ phê duyệt thì tỷ lệ nhà chung cư sẽ phải chiếm 80% trong các dự án nhà ở tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Thế nhưng, Thủ tướng chính phủ đã ra chỉ thị về việc hạn chế cho các dự án bất động sản cao cấp vay vốn, điều này sẽ khiến cánh cửa tiếp cận nguồn vốn đối với các dự án cao cấp ngày càng hẹp. Do đó, chủ đầu tư nên sớm chuyển sang phân khúc chung cư bình dân, hướng tới những người có nhu cầu thực trong tương lai.
Cùng với đó, công tác quản lý vận hành chung cư sau khi dự án hoàn tất cũng là điều quan trọng, cần được quan tâm để người dân không chán sống ở chung cư.
Theo Nguyễn Lê - Lao động
|
Ngày đăng :
13/12/2011 - 11:35 AM
Đánh đúng phân khúc thị trường đang thiếu hụt, nhiều chủ đầu tư đã chuyển đổi sang xây dựng nhà chung cư giá trung bình 14-18 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, nhiều dự án nhà thu nhập thấp đang được chào bán với mức giá thấp hơn 1-2 triệu đồng/m2. Nhiều ý kiến cho rằng, sắp tới thị trường chứng khiến sự cạnh tranh khốc liệt phân khúc này khi nguồn cung tiếp tục pha loãng.
Bội thực nguồn cung
Chung cư cao cấp ế ấm, sản phẩm làm ra không có người mua. Cực chẳng đã nhiều chủ đầu tư đổi hướng xây dựng các chung cư có mức giá bình dân từ 14-18 triệu đồng/m2, với diện tích nhỏ để phù hợp với nguồn cầu thị trường vốn đang bị bỏ ngỏ.
Sự chuyển hướng dường như tạo nên làn sóng khi chỉ trong vòng 2 tháng nay, hơn 10 dự án giá rẻ liên tiếp chào hàng.
Đơn cử như Dự án Dream Town (Tây Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội) được chào bán với mức giá là 17,8 triệu đồng/m2, chưa gồm VAT. Dự án An Bình Tower do Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội tung ra thị trường với mức giá “sốc”, 1,3 tỷ đồng/căn hộ.0
Một dự án trên đường Lĩnh Nam (Hoàng Mai - Hà Nội) vừa gây sốc trên thị trường khi hạ giá xuống chỉ còn hơn 12 triệu đồng/m2. Dự án chung cư Sails Tower được chào bán với mức giá dưới 18 triệu đồng/m2, diện tích căn hộ từ 77,2 - 107,8m2…
Theo tìm hiểu riêng phóng viên, mặc dù nhiều dự án chung cư giá rẻ được mở bán nhưng lượng hấp thụ sản phẩm vẫn còn rất khiêm tốn bởi nguyên nhân nhiều dự án chung cư có vị trí cách xa trung tâm. Thêm vào đó, hầu hết các dự án mới đang trong giai đoạn triển khai móng vì vậy khó thu hút khách hàng trong bối cảnh này bởi sự chậm chễ trong việc thực hiện dự án của nhiều chủ đầu tư đã khiến cho khách hàng mất niềm tin và khá thận trọng khi lựa chọn nhưng dự án đang triển khai.
Thêm vào đó, phân khúc chung cư giá mềm đang đối mặt với sự cạnh tranh của nhiều dự án nhà thu nhập thấp đang rầm rộ triển khai và không ít người đang lo ngại căn hộ thu nhập thấp rồi đây cũng phải “bán tháo” giống như một số dự án chung cư thương mại vừa qua.
Thực tế cho thấy, các dự án nhà thu nhập thấp đang bị rơi vào tình cảnh thất bại khi lượng hàng ế, tồn kho lên đến cả nghìn căn hộ. Mà nguyên nhân chính của sự ế ẩm này vẫn là giá nhà được chào bán mức cao 11-13 triệu đồng/m2.
Đơn cử, dự án nhà thu nhập thấp Sài Đồng của Công ty Xây dựng số 3 mở bán đợt 2 nhưng chỉ có 30 người đăng ký tham gia bốc thăm, trên tổng số hơn 100 căn hộ doanh nghiệp này mở bán nhưng vẫn chưa có người đăng ký.
Tại dự án nhà thu nhập thấp Đặng Xá của Viglacera, tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn, khi chỉ có 15 người đến ký hợp đồng mua căn hộ trong số hàng trăm căn hộ được doanh nghiệp này chào bán đợt 2.
Đó là chưa kể đến hàng loạt các dự án chung cư mini đã mọc lên như nấm sau khi có sự công nhận về mặt pháp lý. Đa phần các căn hộ chung cư mini tại các quận, huyện Hà Nội được chào bán mức 600-1,2 tỷ đồng/căn.
Áp lực cạnh tranh
Trước sự bùng nổ nguồn cung, nhiều ý kiến lo ngại điều này sẽ tạo áp lực cạnh tranh quyết liệt giữa những dự án trong phân khúc này.
Đại diện một chủ đầu tư dự án bất động sản cho rằng, các chủ đầu tư đang có sự thay đổi và cân nhắc điều chỉnh sản phẩm sao cho phù hợp với đại bộ phận người dân. Tuy nhiên, do sự thay đổi diễn ra cùng vào thời điểm vì vậy để dành thắng lợi các chủ đầu tư sẽ buộc phải cạnh tranh quyết liệt để dành thị phần.
“Mặt bằng thu nhập của người dân còn thấp nên sức tiêu thụ sản phẩm bất động sản khá yếu. Khi mua nhà đất, khách hàng luôn phải nhờ đến sự hỗ trợ tài chính của ngân hàng, nhưng việc vay được vốn ngân hàng hiện đang rất khó. Vì vậy, phân khúc này vẫn phải đối mặt với nhiều chướng ngại vật” vị này cho biết.
Ông Peter Ryder - CEO Indochina Capital cho rằng, thời gian vừa qua không chỉ riêng về phân khúc bất động sản cao cấp mà tất cả các phân khúc bất động sản khác cũng đang trong tình trạng cũng đã vượt cầu.
Bên cạnh đó, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến thị trường như lạm phát, ngân hàng tăng lãi suất hay khả năng tín dụng của tổ chức, cá nhân. Những yếu tố này đã tác động làm thị trường khó khăn như vậy, nhưng điểm mấu chốt hiện nay là tính cạnh tranh của chính sản phẩm của dự án. Nếu sản phẩm có vị trí tốt, thiết kế tốt, giá phù hợp thì vẫn có chỗ đứng trên thị trường.
Mặc dù vậy, nhưng nhiều chủ đầu tư dự án vẫn tỏ ra khá lạc quan ông Nguyễn Trọng Ký - Phó tổng giám đốc Techcovina cho rằng, doanh nghiệp bất động sản đang kỳ vọng việc làm dự án và bán cho người tiêu dùng giá thấp hơn để người tiêu dùng có thể chấp nhận. Người tiêu dùng có nhu cầu thực còn rất nhiều, và người ta kỳ vọng được vay để mua sản phẩm nhà ở thực. '
Theo Anh Đào
VnMedia
|
Ngày đăng :
12/12/2011 - 10:03 AM
Những vụ lình xình xảy ra tại chung cư cao cấp tại Hà Nội gần đây đang được ví như cú knockout cuối cùng dìm chết phân khúc vốn đang trong tình cảnh rất bi đát.
Nhà đầu tư nản lòng
Phân khúc chung cư đặc biệt là chung cư cao cấp một thời gian dài gần đây đã lâm vào cảnh chết lâm sàng khi giao dịch bất động, giá giảm mạnh. Ngoài nguyên nhân chính là thị trường có sự chênh lệch quá lớn cung cầu thì tâm lý nhà đầu tư, người mua nhà đã có sự thay đổi lớn.
Theo tìm hiểu riêng, thì khách hàng mua chung cư cao cấp hiện tại phần lớn là người mua nhà đều là những người có nhu cầu ở thực. Trong bối cảnh, giá thị trường chung cư đang ngày càng xu hướng giảm nhiều người mua nhà đã chọn cách chờ đợi khi dự án hoàn thành mới bỏ tiền ra mua.
Bởi, nếu mua dự án theo tiến độ người mua sẽ phải chi trả nhiều tiền trong khi đó giá lại không tăng và nếu số tiền mua nhà đem gửi ngân hàng chí ít cũng được hưởng lãi suất.
Chính vì vậy, mà các dự án chung cư đang trong giai đoạn triển khai rất khó bán.
Bên cạnh đó, làn sóng phản đối của các cư dân sống trong các chung cư cao cấp tại Hà Nội diễn ra mạnh mẽ trong thời gian ngắn vừa qua đã tác động không nhỏ đến tâm lý người mua nhà. Bởi lẽ, những người mua chung cư cao cấp đều có mong muốn được thụ hưởng tiện ích hiện đại đẳng cấp thật sự chứ không muốn mua căn hộ giá đắt gấp 2-3 lần các chung cư khác nhưng chỉ được hưởng dịch vụ tối thiểu như chung cư bình thường khác.
Do vậy, những khách hàng đang có ý định mua nhà chung cư cao cấp để ở tiếp tục bị tác động buộc họ phải cân nhắc lại.
Tại chung cư Golden West lake, để được sở hữu một chỗ để xe các cư dân sẽ phải chi trả theo các phương án như mua đứt vị trí để xe với mức giá hơn 800 triệu đồng đến hơn 2 tỷ đồng/chỗ để xe. Nếu không chấp nhận phương án này, cư dân sẽ phải đóng tiền thuê chỗ với mức phí gần 3 triệu đồng/tháng/chỗ tuy nhiên khách hàng sẽ phải thanh toán hết tiền thuê trong vòng 38 năm.
Tại chung cư Keangnam, để được hưởng tất cả các dịch vụ và tiện ích hiện đại nhất của tòa nhà như bê bơi, phòng tập thể thao,… cư dân sẽ phải đóng với mức phí được cho là đắt nhất hiện nay 18.000 đồng/m2/tháng….
Không chấp nhận, tất cả các cư dân chung cư Hà Nội đồng loạt lên tiếng phản đối, nhiều chủ đầu tư đã buộc phải hạ phí dịch vụ. Đồng nghĩa với điều này là việc chủ đầu tư cắt giảm mọi tiện ích đi kèm.
Điển hình, chủ đầu tư The Manor sau một thời gian không thu phí đã phải cắt dịch vụ bể bơi vì không có tiền để vận hành. Cực chẳng đã, nhiều cư dân sống tại chung cư The Manor đã phải bỏ tiền mua vé tháng tại bể bơi tòa nhà cạnh chung cư The Manor.
Còn cư dân sống ở tòa nhà hiện đại nhất Việt Nam tương lai cũng sẽ bị rơi vào hoàn cảnh như vậy khi muốn chủ đầu tư “đại hạ giá” mức phí dịch vụ tòa nhà. Theo quan điểm ông Ha Jong Suk, Chủ tịch công ty TNHH một thành viên Keangnam Vina, nguyên tắc cơ bản là nhận được tiền ở mức bao nhiêu thì phí dịch vụ như thế, nếu người dân không chịu đóng phí mà muốn có dịch vụ như cũ là không thể và chuyện cắt bớt dịch vụ là khó tránh khỏi.
Vậy câu hỏi đặt ra lúc này, làm sao, bằng cách nào để lấy được công bằng cho cả hai phía để người dân vẫn được hưởng dịch vụ trong tòa nhà với một mức phí thỏa đáng. Còn chủ đầu tư, ban quản lý nhà chung cư sẽ được nhận mức thù lao đủ để bù đắp chi phí đảm bảo tỷ lệ lợi nhuận hợp lý. Lời giải của câu hỏi này đang chờ các cơ quan quản lý.
Giá giảm mạnh
Chính vì mua chung cư giá 5 sao nhưng chất lượng dịch vụ chỉ có 2 sao nên rất nhiều nhà đầu tư, người mua nhà chung cư Keangnam đang rơi vào cảnh “sống dở chết dở” bởi không thể bán được căn hộ mặc dù liên tục giảm giá.
Chị Nguyễn Thanh Vân (nhà đầu tư) cho biết, thời điểm dự án Keangnam chào bán là lúc thị trường bất động sản đang rất sôi động. Chỉ những nhà đầu tư, khách hàng thượng lưu mới dám bỏ tiền mua chung cư này bởi mức giá bán căn hộ gần như cao nhất tại Hà Nội khoảng 3.000 USD/m2. Tuy nhiên, sau gần 3 năm đầu tư hiện giá mỗi m2 căn hộ Keangnam đang được chào bán 2.700 USD/m2, thậm chí với suất ngoại giao được mua giá rẻ 2.400 USD/m2 hiện cũng chỉ chào bán 2.500 USD/m2 mà cũng không thể bán được.
“Chính vì không bán được nên chúng tôi quyết định sửa sang lại nhà để cho thuê nhưng thời điểm này khó tìm khách thuê nhà bởi cứ nhìn những gì đang diễn ra tại tòa nhà này thì chắc không ai còn muốn thuê ở nữa” chị Vân than thở.
Còn chị Khuất Liên Hà (người dân sống chung cư The Manor) cho rằng, gia đình chị đã phải trải qua thời điểm mệt mỏi và tốn kém không ít tiền của để đấu tranh với chủ đầu tư hạ mức phí dịch vụ tòa nhà. Tuy nhiên, sau khi dừng thu phí thì các tiện ích cũng bị cắt giảm. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng sống của các hộ dân. Chính vì vậy, nhiều người dân sinh sống chung cư The Monar cũng đã chọn cách cho người nước ngoài thuê lại nhà hoặc bán nhà chuyển ra nơi khác sinh sống.
Trên thị trường hiện giá bán các căn hộ chung cư The Manor đang dao động mức 2.200 – 2.500 USD/m2. Giá thuê chung cư này khoảng 1.500 – 1.700 USD/tháng/căn hộ.
Theo Vnmedia
|
Ngày đăng :
11/12/2011 - 3:46 PM
Trên số báo 96, DĐDN đã có bài viết “Kỳ vọng từ vốn ngoại” bàn về cơ hội cho luồng vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực BĐS VN.
Tuy nhiên, dù việc tham gia của các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài được đánh giá sẽ góp phần làm “tan băng” trên thị trường BĐS song, cũng đã có những ý kiến quan ngại về những rủi ro nếu các NĐT ngoại thống lĩnh thị trường.
Công ty The Ascott Limited (CapitaLand) vừa chi ra 9,45 triệu USD mua lại 90% số cổ phần trong dự án căn hộ dịch vụ Somerset Central TD Hai Phong City tọa lạc trên đường Lê Hồng Phong, thành phố Hải Phòng, của Công ty cổ phần Đầu tư Thùy Dương
Cục Quản lý cạnh tranh VN đã đưa ra thống kê có 73 thương vụ mua bán và sáp nhập được ghi nhận tính đến tháng 9 năm 2011 trên cả nước với giá trị trên 2,67 tỉ USD, cao hơn 1,5 lần so với tổng cả năm 2010. Trong đó đến 81,3% giá trị thương vụ là từ các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào VN và có 22 giao dịch trong tổng số giao dịch thuộc lĩnh vực BĐS với tổng giá trị các thương vụ vào khoảng 250 triệu USD.
“Phá băng” thị trường
Những số liệu nói trên phần nào cho thấy vốn đầu tư từ nước ngoài đang là lối thoát cho một số DN BĐS nội gặp khó khăn nghiêm trọng về vốn, tránh cho thị trường sự sụp đổ đồng loạt có khả năng xảy ra. Nhận xét về tình hình chuyển nhượng dự án BĐS trên thị trường, TS Sử Ngọc Khương – GĐ bộ phận đầu tư của Cty Savills VN cho biết: những thương vụ chuyển nhượng được công bố công khai như trên chỉ là phần nổi, thực tế thì phần chìm mới thật sự sôi động. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, số thương vụ mà Savills tham gia tư vấn đã tăng 20 - 30% so với năm ngoái. Đặc biệt là trong những thương vụ này, bên mua chủ yếu là NĐT nước ngoài. Thông thường, một thương vụ diễn ra từ vài tháng đến cả năm, vì thế theo ông Khương, nếu thương thảo thành công thì trong năm 2012, sẽ có hàng loạt dự án BĐS chính thức “thay ngôi đổi chủ”.
Mới đây nhất, Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2015 diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt khoảng 22m2 sàn/người, cả nước phấn đấu mỗi năm thu hút đầu tư xây dựng mới 100 triệu m2 sàn. Trong khi hiện tại diện tích nhà ở bình quân nước ta mới khoảng 17m2/người đã thể hiện rõ vấn đề thiếu nguồn cung BĐS tại VN vẫn còn rất lớn. Trong khi các DN BĐS trong nước gặp khó khăn, nếu NĐT nước ngoài đầu tư vào nước ta sẽ là yếu tố quan trọng giúp giải quyết bài toán nan giải về vốn đầu tư và góp phần kích thích thị trường đang trì trệ hiện nay cũng như tạo thêm nguồn cung BĐS phục vụ nhu cầu xã hội.
Ông Đồng Thanh Tùng - một NĐT BĐS lâu năm, cho rằng: thị trường không chỉ cần ở NĐT nước ngoài về vốn mà còn cần cả công nghệ và trình độ quản lý. Về tầm vĩ mô, chúng ta có thể phải nhập khẩu công nghệ, lao động từ nước ngoài nhưng các DN trong nước qua đó có thể học hỏi nhiều kinh nghiệm quản lý, công nghệ hiện đại của nước ngoài và cả những phương thức thâm nhập thị trường của đối tác. Điều này vẫn tốt hơn khuynh hướng thay đổi thiết kế, nội thất hay tái quy hoạch nhằm cắt giảm chi phí đầu tư mà một số chủ dự án trong nước đang làm.
Những e ngại có lý
TS Vũ Đình Ánh - Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học thị trường giá cả cho rằng: Mặc dù, chưa có con số thống kê chính xác về các NĐT nước ngoài cũng như trị giá đầu tư thực của họ vào thị trường BĐS VN, song điều chúng ta cần quan tâm là vấn đề giải ngân chứ không phải ở mức vốn mà họ cam kết. Bởi, chỉ cần hoàn thiện phần móng thì chủ đầu tư đã có thể huy động vốn và khi nhìn thấy sự bất ổn ở thị trường BĐS VN, họ sẽ rút ngay. Vô hình trung, ta mất vốn, mất đất nhưng lợi nhuận lại thuộc về DN nước ngoài. Do vậy, nếu Chính phủ hay các bộ, ngành không “để mắt” đến những khe hở trong luật để có những quy định đối với DN có yếu tố nước ngoài tham gia thị trường này” - TS Ánh cho biết.
Giới chuyên gia kinh tế cũng bày tỏ lo ngại trước thực tế khi vốn FDI đổ vào BĐS đồng nghĩa với nguy cơ nhập siêu tăng cao trong tương lai bởi các NĐT phải nhập khẩu công nghệ, nguyên liệu, lao động để triển khai dự án. Hơn nữa, các dự án BĐS không tham gia xuất khẩu nên sẽ gây khó khăn cho việc cân đối ngoại tệ của VN khi các NĐT nước ngoài thu hồi vốn bằng nội tệ nhưng lại chuyển vốn ra nước ngoài bằng ngoại tệ.
Một DN kinh doanh BĐS bức xúc: “Khi các chủ dự án trong nước kẹt vốn, giá dự án đang lao dốc, các NĐT nước ngoài có nguồn lực tài chính mạnh lại cố tình ép giá khi thương lượng giá cả chuyển nhượng dự án và do cần vốn các DN trong nước phải chấp nhận sang nhượng dự án với giá rẻ”. Vị này cho rằng, nếu không khống chế lượng vốn đầu tư nước ngoài thì trong tình hình hiện nay NĐT nước ngoài sẽ sẵn sàng mua dự án giá rẻ, giữ hàng đến khi thị trường hồi phục và khả năng họ sẽ thao túng giá, gây ra hiện tượng lũng đoạn ở một số phân khúc sản phẩm mà DN VN đã rút lui hoàn toàn có thể xảy ra.
Theo Thái Thảo
DĐDN
|