Đó là quan điểm của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng trong cuộc phỏng vấn với ĐTCK.
NHNN vừa phát đi thông điệp sẽ thành lập AMC, trực thuộc NHNN với số vốn 100.000 tỷ đồng để mua lại nợ xấu của các ngân hàng thương mại (NHTM). Ông có bình luận gì?
Theo tôi, Công ty Mua bán nợ xấu (AMC) quốc gia được đặt dưới sự chủ trì của NHNN là hoàn toàn hợp lý. Vì NHNN nắm vững tình hình hoạt động của các ngân hàng thương mại (NHTM) bởi thường xuyên thanh tra, kiểm tra, kiểm toán…
Nhưng, tôi cho rằng, về tổ chức, AMC không nên là một đơn vị của NHNN mà chỉ nên là một công ty nằm dưới sự quản lý, chỉ đạo của NHNN. Lý do là nếu AMC nằm trong hệ thống của NHNN thì e rằng NHNN sẽ bị phân tán nguồn nhân lực, suy giảm về năng lực kiểm tra, thanh tra cũng như là quản lý hệ thống các NHTM.
Trên thực tế, nguồn nhân lực của AMC sẽ là rất lớn, cần rất nhiều chuyên viên, chuyên gia, cán bộ, nhân viên có khả năng phục vụ…
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, Việt Nam đã có Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của DN (DATC), trực thuộc Bộ Tài chính nên việc có thêm một AMC thuộc NHNN là không cần thiết. Quan điểm của ông ra sao?
Chức năng của DATC chủ yếu là mua nợ của các DN, xử lý nợ giữa các DN với nhau, giúp các DN tái cơ cấu, chứ không chuyên về mua nợ của các ngân hàng. Trong khi đó, nợ của các ngân hàng rất phức tạp, bao gồm tín chấp và thế chấp, đòi hỏi việc phân tích các báo cáo tài chính, thẩm định các tài sản thế chấp và dòng tiền ra vào của các DN đi vay... Do đó, việc mua nợ của các ngân hàng thực tế được tiến hành ở tầm quốc gia rất phức tạp và có qui mô rất lớn và DATC sẽ không kham nổi. Tuy nhiên, nếu Chính phủ quyết định dùng DATC cho công tác mua nợ có tầm quốc gia này, thì DATC cần phải được tăng cường về nhân lực và vốn.
Vậy, các AMC đang nằm trong các ngân hàng thương mại thì nên tính sao?
Hiện tại, có khoảng 18 AMC trên toàn quốc là của các ngân hàng. Phần lớn ngân hàng đẩy những khoản nợ xấu của ngân hàng mình vào trong AMC, để từ đó, đẩy qua các AMC khác, làm mất dấu nợ xấu, đẩy nợ xấu ra khỏi bảng cân đối kế toán của ngân hàng. Tuy nhiên, trong đó, cũng có những giao dịch thực. Dẫu sao những AMC của các ngân hàng cũng có kinh nghiệm về mua bán xử lý nợ, nên trong tương lai, các AMC này có thể tham gia hệ thống mua bán nợ ngân hàng trên tầm quốc gia, tuy nhiên, phải đặt dưới sự chủ trì của NHNN.
Vậy, nếu AMC (quốc gia) nằm dưới sự chủ trì của NHNN có vấn đề gì cần phải quan ngại?
Có một vài quan ngại. Công ty mua bán nợ có mục đích là giải quyết vấn đề nợ trên phạm vi quốc gia và nó phải phục vụ cho quyền lợi của quốc gia. Nếu các NHTM bán nợ mà công ty mua nợ cũng nằm trong hệ thống ngân hàng thì sẽ xảy ra xung đột về lợi ích và có thể công ty đó cũng không thực hiện đúng theo mục đích của nó là giải quyết vấn đề nợ vì quyền lợi của đất nước. Công ty mua nợ là người mua, bán nợ là các NHTM, thành ra người mua và người bán không thể nằm cùng một phía được mà phải tách biệt ra. Chính vì thế mà nó phải nằm ở ngoài hệ thống NHTM.
Để mua 14 tỷ USD nợ xấu, với tỷ lệ chiết khấu 50% thì AMC cần phải có khoảng 7 tỷ USD
Để AMC vận hành có kết quả, theo ông cần hội tụ những yếu tố gì?
Thứ nhất, AMC phải có đội ngũ nhân lực có kiến thức và kinh nghiệm về nợ, về tín dụng và ngân hàng. Đây chính là điều kiện tiên quyết. Dĩ nhiên, chúng ta cũng nên mời gọi các công ty kiểm toán độc lập quốc tế, các công ty tư vấn quốc tế tham dự chương trình này.
Thứ hai, đội ngũ nhân lực này phải đặt quyền lợi của quốc gia lên trên hết, chứ không phải là quyền lợi của công ty hay nhóm lợi ích nào, bởi trong vấn đề xử lý nợ này sẽ đưa đến vấn đề hết sức gay go là cái giá phải trả cho những món nợ. Có những món nợ mà chiết khấu của nó thấp, chỉ 5 - 10% hoặc có những món nợ tương đối có thể thu hồi được. Có những món nợ có thể mất vốn thì chiết khấu của nó có thể xuống đến 80 - 90%, thậm chí 95%, thì trong tất cả những khâu trong tiến trình thương lượng thì vấn đề định giá món nợ trên tỷ lệ chiết khấu là vấn đề vô cùng quan trọng. Những người làm việc trong công ty nợ phải là những người thật sự nhiệt tâm phục vụ cho quyền lợi của đất nước, chứ không phải cho nhóm lợi ích nào, vì thế, sự liêm chính của họ là điều tối quan trọng.
Thứ ba, những công ty này phải có nguồn vốn rất lớn. Theo thống kê, tổng dư nợ hiện tại của các NHTM ước khoảng 2,7 triệu tỷ đồng (tức khoảng 135 tỷ USD), trong đó, nợ xấu chiếm tỷ lệ khoảng 10%, nghĩa là khoảng 14 tỷ USD. Để mua 14 tỷ USD nợ xấu (danh nghĩa), với tỷ lệ chiết khấu dự kiến là 50% thì AMC cần phải có khoảng 7 tỷ USD. Đây chính là điều kiện tiên quyết để công ty xử lý nợ này vận hành tốt. Hiện tại, NHNN đã đưa ra đề xuất là AMC cần phải có 100.000 tỷ đồng (hay 5 tỷ USD). Theo tôi, lượng tiền này có thể không đủ để xử lý các khoản nợ xấu của các NHTM hiện tại, nhưng ít nhất, chúng ta cũng đã nhìn thấy một kế hoạch cụ thể và đáng kể của NHNN.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc ở nước ngoài, theo ông, những vấn đề khó khăn nhất trong việc vận hành AMC là gì ?
Các ngân hàng có thể sẽ đẩy nợ xấu nhất trước cho công ty này và giữ lại một số khoản nợ nào đó mà ngân hàng cảm thấy chưa đến nỗi mất hy vọng sẽ thu hồi được nợ, vì bán sẽ phải chiết khấu. Hay ngân hàng có những món nợ được bảo đảm bằng tài sản thế chấp và tìm cách thâu tóm tài sản này bằng cách đẩy lãi suất lên cao để con nợ không còn cách nào khác là cho ngân hàng siết tài sản thế chấp này để khấu trừ vào nợ. Trong nhiều trường hợp, ngân hàng có thể không muốn bán hết tài sản nợ xấu, thành ra Chính phủ phải có hành lang pháp lý liên quan đến việc tổ chức, vận hành và giám sát AMC, quy chế về những loại nợ nào cần phải bán.
Bên cạnh đó, AMC phải thực hiện được mục tiêu tối hậu là làm sạch sẽ ‘cơ thể’ của các ngân hàng, giúp các ngân hàng tập trung vào vấn đề kinh doanh, phục vụ hữu hiệu nền kinh tế.
Theo Hồng Dung
ĐTCK