5 nền kinh tế tồi tệ nhất thế giới 2012

Ngày đăng : 10/08/2012 - 12:35 PM

 

5 nền kinh tế tồi tệ nhất thế giới 2012

 

 

Dựa trên tiêu chí tăng trưởng kinh tế, GDP đầu người, tỷ lệ lạm phát, thất nghiệp và nợ công, IMF đã đưa ra danh sách gồm cả các nước nghèo như Congo, Sudan lẫn quốc gia phát triển là Nhật Bản.

 

1. Sudan - Tăng trưởng chậm nhất

Tăng trưởng GDP 2012 dự kiến: - 7,3%

Quốc gia Bắc Phi này đã phải chịu hàng thập kỷ chiến tranh và xung đột sắc tộc. Đây là nguyên nhân chính khiến kinh tế Sudan càng ngày càng tồi tệ. Đặc biệt là từ sau khi Nam Sudan tách ra tháng 7/2011, mang theo gần 70% dự trữ dầu mỏ của Sudan cũ. Kinh tế Sudan được Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán co lại 7,3% trong năm 2012, dưới cả Hy Lạp với mức giảm 4,5%.

2. Congo - GDP đầu người thấp nhất

GDP đầu người dự kiến 2012: 231,51 USD một năm

Dù có tài nguyên dồi dào, nhưng Cộng hòa Dân chủ Congo vẫn luôn phải chịu cảnh chiến tranh, xung đột, nghèo đói và tham nhũng từ sau khi giành được độc lập năm 1960. Gần đây, kinh tế nước này đang dần phục hồi khi GDP tăng 6% - 7% sau nhiều năm nội chiến tranh chấp quặng thiếc và kim cương. Tuy nhiên, tổng GDP năm 2011 của Congo vẫn ở mức thấp với 25 tỷ USD trong khi dân số lại trên 73 triệu người. Chính vì thế, nước này đứng chót bảng xếp hạng của IMF với GDP bình quân dự kiến năm nay là 231,51 USD.

3. Belarus - Lạm phát cao nhất

Lạm phát dự kiến 2012: 65,9%

Belarus nằm dưới quyền điều hành của Tổng thống Alexander Lukashenko từ năm 1994 và luôn được mệnh danh là chế độ độc tài cuối cùng ở châu Âu. Theo IMF, lạm phát ở Belarus sẽ chạm mốc 65,9% năm 2012. Thực ra, con số này đã thấp hơn rất nhiều so với 109% năm 2011 do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Lạm phát cao một phần còn do lương quan chức chính phủ được tăng để hỗ trợ cơ chế độc tài. Việc này đã gây ra khủng hoảng trong cán cân thanh toán năm 2011 và dẫn đến siêu lạm phát. Ngân hàng trung ương Belarus đã phản ứng bằng cách tăng lãi suất và thả nổi đồng ruble Belarus khiến tỷ giá trở nên hỗn loạn. Sau đó, Belarus còn phải nhận gói cứu trợ 3 tỷ USD từ các nước láng giềng.

4. Macedonia - Thất nghiệp cao nhất

Tỷ lệ thất nghiệp dự kiến 2012: 31,2%

Tỷ lệ này ở Macedonia đã luôn ở mức cao trong nhiều năm nay. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết số liệu chính thức thường không tính tới thị trường bất hợp pháp, vốn chiếm phần lớn hoạt động kinh tế tại quốc gia này.

5. Nhật Bản - Nợ công cao nhất

Nợ trên GDP 2012 dự kiến: 235,8%

Nếu xét trên nhiều chỉ số khác, thì kinh tế Nhật Bản vẫn là hàng đầu thế giới. Nguồn tài nguyên hạn chế, nhưng khoa học công nghệ phát triển đã khiến nước này tăng trưởng nhanh chóng trong những thập kỷ qua.

Tuy nhiên, Nhật Bản đang phải vật lộn với nợ chính phủ. Theo IMF, nợ công trên GDP của nước này có thể lên tới 235,8% GDP cuối năm nay. Tuy nhiên, phần lớn số nợ này lại do các nhà đầu tư trong nước nắm giữ với lãi suất khá thấp.

Cuối tháng 5, hãng đánh giá tín dụng Fitch đã hạ xếp hạng của Nhật Bản với lý do các chính sách kiểm soát nợ công quá “lỏng lẻo”. Lời cảnh báo này đã đẩy các nhà hoạch định chính sách vào thế khó. Nước này vẫn chưa hoàn toàn phục hồi sau thảm họa kép năm ngoái, vì thế, việc giữ thuế ở mức cao để đối phó nợ công là một lựa chọn đầy rủi ro.

Theo Hà Thu

VnExpress

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Đề xuất sớm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp về 20%

Ngày đăng : 09/08/2012 - 3:32 PM

 

Đề xuất sớm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp về 20%

Các chuyên gia quốc tế cho rằng thuế suất 25% Việt Nam đang áp dụng không hề thấp so với thế giới và nên sớm giảm để kích thích sản xuất

Tại hội thảo về cải cách thuế được Phòng Thương mại và công nghiệp châu Âu (Eurocham) vừa tổ chức tại Hà Nội hôm qua, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) - Phạm Minh Đức cho rằng mức thuế thu nhập 25% đánh vào doanh nghiệp đang trở nên lạc hậu trong bối cảnh các chi phí đầu vào đều tăng cao, huy động vốn gặp nhiều khó khăn.

Nghĩa vụ thuế thu nhập thực tế của doanh nghiệp hiện cao hơn mức 25%. 

 

 

Theo phân tích của chuyên gia này, mặc dù cơ quan quản lý luôn khẳng định thuế suất 25% không cao so với mặt bằng chung trên thế giới, nhưng nghĩa vụ thuế thực tế mà doanh nghiệp phải chịu cao hơn nhiều con số danh nghĩa này. Chẳng hạn các chi phí kinh doanh hợp lý (quảng cáo, khánh tiết…) trong nhiều trường hợp chưa được thừa nhận, cộng với các chi phí không chính thức khác thì thì thuế thu nhập thực tế mà doanh nghiệp phải chịu “chắc chắn là cao hơn 25%”.

Theo chuyên gia của WB, để tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, thời gian qua, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp tích cực, nhằm vào việc giãn, giảm thuế. Tuy nhiên, các động thái này chủ yếu chỉ thay đổi về mặt thời gian chứ ít làm giảm nghĩa vụ đóng thuế cho doanh nghiệp. Do vậy, cần có những giải pháp tích cực hơn nữa để kích thích sản xuất, thu hút đầu tư.

Chia sẻ quan điểm này Chủ tịch Eurocham Tom Mackelland cho rằng chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam đã có những thay đổi theo hướng giảm dần, từ 32% xuống 28%, rồi 25% từ năm 2009, do đó đã tạo được sức hút đối với vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên môi trường kinh doanh hiện tại đã khác, và đòi hỏi cần tiếp tục giảm gánh nặng thuế cho doanh nghiệp để thu hút đầu tư.

Theo chiến lược cải cách thuế được Chính phủ phê duyệt, thuế suất dự kiến được giảm dần xuống 22-23% vào năm 2015 và 20% vào 2020. Tuy nhiên, theo ông Mackelland, việc giảm xuống 20% cần được thực hiện sớm nhất có thể, thay vì phải đợi khoảng 8 - 10 năm nữa.

Một vấn đề khác cũng được giới chuyên gia quan tâm là thuế giá trị gia tăng (VAT). Theo đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - Sanjay Kalra, hiện danh mục hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế hiện nay có 25 nhóm. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc có quá nhiều nhóm như vậy gây ra những vấn đề về quản lý và tuân thủ cho người nộp thuế kinh doanh.

Trong phần phát biểu của mình, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Nguyễn Thị Cúc cho rằng, việc áp dụng ba mức thuế suất: 0% đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, 5% đối với 15 nhóm hàng hóa dịch vụ hàng hóa thiết yếu và 10% đối với các hàng hóa, dịch vụ còn lại như hiện nay là chưa hợp lý khi khấu trừ thuế giữa hai khâu mua bán, đầu vào đầu ra.

Quy định cùng một lúc nhiều mức thuế suất đã tạo ra sự không công bằng giữa các hàng hóa, dịch vụ thuộc các mức thuế khác nhau. Quy định này lại dựa trên công dụng của hàng hóa hoặc nguyên vật liệu trong kết cấu nên rất khó xác định thuế suất đối với từng mặt hàng. Ví dụ, có mặt hàng nguyên liệu mua vào thuế suất 5% nhưng khi thành phẩm bán ra lại nộp thuế 10% và ngược lại.

Ngoài ra, theo bà Cúc, Luật Thuế VAT hiện hành vẫn tồn tại 2 phương pháp tính thuế là khấu trừ và trực tiếp. Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia, phương pháp tính thuế trực tiếp đối với các đối tượng kinh doanh nhỏ đã được bãi bỏ để thiết lập ngưỡng doanh thu chịu thuế. Điều này sẽ giúp cải thiện tính tuân thủ về thuế bởi hóa đơn chứng từ khi áp dụng phương pháp khấu trừ sẽ được lưu giữ trong mọi trường hợp để có thể kiểm tra đối chiếu về sau.

Theo số liệu của Bộ Tài chính giai đoạn 2007 - 2012, thu thuế luôn chiếm tỷ lệ rất cao trong tổng ngân sách. Tỷ lệ bình quân giai đoạn 2007 - 2011 là 81,5%. Riêng năm 2012, tỷ lệ này được kỳ vọng là 91,14%. Trong tổng 12 nguồn thu từ các loại thuế, thu nhập doanh nghiệp và VAT chiếm tỷ trọng cao nhất qua các năm (bình quân trên 30% mỗi loại). Tỷ lệ nguồn thu từ thuế trên tổng GDP hiện cũng rất cao, bình quân lên tới 23% một năm.

 

 

Nhật Minh


Kinh tế châu Âu bộc lộ những dấu hiệu sa sút mới

Ngày đăng : 09/08/2012 - 3:26 PM

 

Kinh tế châu Âu bộc lộ những dấu hiệu sa sút mới


 

Nền kinh tế châu Âu đã bộc lộ dấu hiệu sa sút rõ ràng hơn khi các "đầu tàu" như Đức, Pháp, Anh và Italy bắt đầu hứng chịu tác động nặng nề từ cuộc khủng hoảng nợ công trong Khu vực đồng euro.

 

Theo thông báo ngày 8/8 của Bộ Kinh tế Đức, sản lượng công nghiệp tháng Sáu của nước này giảm 0,9% so với tháng trước - trong đó xây dựng giảm 2,0% và chế tạo giảm 1,0%, riêng sản lượng năng lượng tăng 1,2%. Thực trạng này khiến sản lượng kinh tế nói chung của Đức trong quý Hai năm nay giảm 0,3%, sau khi đã giảm 0,1% trong quý Một. 

 

Trong khi đó, các cuộc khảo sát hoạt động kinh doanh cho thấy chiều hướng sụt giảm mạnh hơn trong những tháng tới. 

 

Giới phân tích cho rằng, các số liệu bi quan về sản lượng báo hiệu tương lai ảm đạm đối với nền kinh tế Đức, chứng tỏ cuộc khủng hoảng nợ công trong Khu vực đồng euro đang ngày càng tác động xấu đến nền kinh tế lớn nhất khu vực và đe dọa sức mạnh kinh tế của toàn bộ khu vực đồng tiền chung châu Âu.

 

Tại Pháp, Ngân hàng Trung ương nước này cùng ngày dự báo, kinh tế Pháp sẽ rơi vào thời kỳ suy thoái thứ hai trong vòng ba năm nay. Theo đó, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý III năm nay giảm 0,1%, sau khi đã giảm ở mức tương tự trong quý Hai và giảm xuống mức số 0 trong quý Một. "Đầu tàu" thứ hai cũng đang phải đối phó với tình trạng thâm hụt thương mại khi nhập siêu trong quý I lên tới 34,9 tỷ euro (43,2 tỷ USD). 

 

Theo Bộ trưởng Thương mại Nicole Bricq, số liệu này cho thấy, kinh tế thế giới tiếp tục suy yếu, khủng hoảng nợ trong Khu vực đồng euro càng trở nên trầm trọng, nhưng cũng chứng tỏ khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Pháp "có vấn đề."

 

Pháp đã thoát khỏi cuộc suy thoái gần đây nhất từ mùa Xuân năm 2009, sau đó phải vật lộn để lấy lại đà tăng trưởng do số phận bấp bênh của đồng euro và những vấn đề liên quan đồng tiền này trên thị trường tín dụng, khiến người tiêu dùng và giới đầu tư hủy hoặc trì hoãn các quyết định chi tiêu, ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế.

 

Cũng trong ngày 8/8, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này với lý do khủng hoảng nợ công trong Khu vực đồng euro đe dọa nghiêm trọng đà phục hồi kinh tế của xứ sở sương mù. 

 

Theo báo cáo hàng quý mới nhất của BoE, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Anh trong năm nay giảm gần đến số 0, chứ không phải chỉ 1,0% như dự báo ban đầu. 

 

Mối đe dọa lớn nhất đối với sự phục hồi kinh tế bắt nguồn từ việc Khu vực đồng euro không thực hiện các chính sách ứng phó khủng hoảng nợ đủ nhanh nhằm đảm bảo những điều chỉnh về mức độ nợ công và khả năng cạnh tranh diễn ra một cách có trật tự. 

 

Kinh tế Anh đã thoát khỏi tình trạng suy thoái sâu từ cuối năm 2009, nhưng cuối năm 2011 lại rơi vào suy thoái. 

 

Những số liệu mới nhất cho thấy, GDP của Anh giảm 0,7% trong quý II năm nay so với quý trước đó. Tuy nhiên, BoE dự báo kinh tế Anh sẽ tăng trưởng với tốc độ khoảng 2,0% vào năm 2013.

 

Trước đó, ngày 7/8, Italy cũng thông báo GDP quý Hai của nước này giảm 2,5% so với một năm trước đó.

 

Ngày 8/8, Fitch đã trở thành hãng xếp hạng tín dụng thứ ba hạ mức xếp hạng này của Slovenia. Theo đó, mức xếp hạng nợ ngắn hạn của Slovenia bị giảm một điểm xuống "A-," triển vọng nợ ngắn và dài hạn bị đánh giá là "tiêu cực."

 

Theo báo cáo của Fitch, cơ quan này quyết định hạ mức xếp hạng tín dụng đối với Slovenia sau khi nhận thấy chiều hướng tiếp tục sa sút trong hoạt động của khu vực ngân hàng nước này và sự chậm trễ của chính phủ Slovenia trong việc thực hiện kế hoạch phát hành trái phiếu để đáp ứng các nhu cầu về tài chính và tái cấp vốn cho khu vực ngân hàng. 

 

Fitch dự đoán vào năm 2013, Slovenia cần "bơm" thêm 2,8 tỷ euro (3,5 tỷ USD), tương đương 8,0% GDP của nước này, cho khu vực ngân hàng.

 

Cách đây một tuần, hãng xếp hạng tín dụng Moody's cũng đã hạ mức xếp hạng trái phiếu chính phủ của Slovenia từ "A2" xuống "Baa2." Ngay sau đó, hãng Standard & Poor's cũng hạ xếp hạng tín dụng dài hạn của nước này từ "A+" xuống "A"./. 

 

Theo TTXVN


Năng suất lao động Mỹ quý 2 tăng cao hơn dự kiến

Ngày đăng : 09/08/2012 - 2:57 PM

 

Năng suất lao động Mỹ quý 2 tăng cao hơn dự kiến

 

 

Trong quý 2, năng suất lao động - thước đo hiệu quả sản xuất của nền kinh tế Mỹ - tăng 1,6%, cao hơn mức dự kiến của chuyên gia 1,3%.

 

Bộ Lao động Mỹ ngày 8/8 công bố báo cáo cho biết, năng suất lao động trong các ngành nghề không thuộc lĩnh vực nông nghiệp của Mỹ tăng mạnh hơn dự kiến trong quý 2/2012, cho dù giờ lao động của công nhân tăng khá chậm.

 

Trong quý II, năng suất lao động - thước đo hiệu quả sản xuất của nền kinh tế Mỹ - tăng 1,6%, cao hơn mức dự kiến 1,3% của nhiều chuyên gia kinh tế, một phần là do sản lượng của các nhà máy tăng 2%. 

 

Trong khi đó, chi phí lao động trong quý 2 tăng 1,7%, cao hơn mức dự kiến 0,6%. Trong quý 1, năng suất lao động tăng chậm hơn, chỉ ở mức 1,2% và sản lượng tăng 4,7%.

 

Chuyên gia kinh tế Jeremy Lawson thuộc BNP Paribas cho biết, năng suất lao động tăng trong quý 2 là dấu hiệu cho thấy các công ty và doanh nghiệp Mỹ sẽ phải gia tăng thuê mướn công nhân để theo kịp đà mở rộng sản suất. 

 

Cũng trong báo cáo, Bộ Lao động Mỹ đã điều chỉnh nhịp độ tăng năng suất lao động cả năm 2011 từ 0,4% lên 0,7%. Việc tăng suất lao động tăng và giờ lao động tăng 0,4% trong quý 2 báo hiệu rằng nền kinh tế Mỹ đang trên đà phục hồi tích cực và về lâu dài sẽ góp phần cải thiện tiền lương và mức sống của người lao động./.

 

Theo Thái Hùng

TTXVN


General Motors đối mặt với vụ kiện 3 tỷ USD

Ngày đăng : 07/08/2012 - 10:20 PM

 

General Motors đối mặt với vụ kiện 3 tỷ USD

 

 

GM bị hãng sản xuất xe hơi của Hà Lan buộc tội chủ ý khiến Saab phá sản bằng cách can thiệp vào giao dịch với các nhà đầu tư Trung Quốc.

 

Spyker, hãng sản xuất xe hơi của Hà Lan, vừa đâm đơn kiện tập đoàn sản xuất ô tô lớn nhất nước Mỹ General Motors (GM). Spyker muốn GM phải bồi thường 3 tỷ USD vì thương vụ bán lại thương hiệu Saab cho hãng này. GM bị buộc tội chủ ý khiến Saab phá sản bằng cách can thiệp vào giao dịch với các nhà đầu tư Trung Quốc. 

 

Saab, vốn là một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất Thụy Sĩ, đã buộc phải ngừng sản xuất hồi tháng 5/2011 vì không thể trả nợ và trả lương cho nhân công. Vụ việc này xảy ra chưa đầy 2 năm sau khi GM bán Saab cho Spyker. Theo Skyper, GM đã nỗ lực triệt tiêu một đối thủ cạnh tranh nhiều tiềm năng trên thị trường Trung Quốc. 

 

Skyper buộc tội GM đã dùng mọi cách, bao gồm cả việc cung cấp các thông tin sai lệch về thương vụ mua bán với GM để ngăn chặn Youngman – 1 nhà đầu tư Trung Quốc - cứu lấy Saab.

 

Skyper yêu cầu GM phải bồi thường ít nhất là 3 tỷ USD cho những thiệt hại mà GM gây ra, trong đó bao gồm chi phí bồi thường thiệt hại và chi phí liên quan đến pháp luật. 

 

Cuối năm ngoái, GM đã ngừng thực hiện giao dịch với Pang da và Youngman và công bố sẽ ngừng cung cấp công nghệ cho những chủ nhân mới của Saab với lý do làm tổn hại đến lợi ích của các cổ đông. Mấy tháng sau đó, Saab nộp hồ sơ xin phá sản và ngừng sản xuất. 

 

Tuy nhiên, Spyker cho rằng Saab đã tạo ra được nền tảng công nghệ của riêng mình và không hề sử dụng bất cứ công nghệ nào của GM.  Do đó, tuyên bố của GM là “sai lầm có chủ ý” bởi Saab cũng không cần bất cứ sự trợ giúp nào từ GM. 

 

Năm 2009, khi khủng hoảng xảy ra, GM đã quyết định bán Saab và đến tháng 1/2010 Saab được mua lại bởi Spyker. Mặc dù Sabb là 1 hãng có danh tiếng, tương lai của hãng vẫn bị coi là 1 dấu hỏi lớn đối với giới phân tích. Thực tế, Saab chỉ tạo ra được lợi nhuận trong 1 năm trên tổng số 19 năm GM sở hữu hãng này. 

 

Minh Anh

Theo TTVN/Reuters


Standard Chartered là "nạn nhân" chương trình chống khủng bố của Mỹ?

Ngày đăng : 07/08/2012 - 10:11 PM

 

Standard Chartered là "nạn nhân" chương trình chống khủng bố của Mỹ?

 

 

Iran bị Mỹ đưa vào diện theo dõi đặc biệt trong cuộc chiến chống khủng bố, bởi vậy nếu Standard Chartered thực sự có giao dịch phi pháp với Iran, chắc chắn hậu quả không chỉ là bị rút phép hoạt động tại Mỹ.

 

Sau thông tin bị các nhà chức trách New York cáo buộc hành vi rửa tiền với giá trị lên tới 250 tỷ USD, cổ phiếu Ngân hàng Standard Chartered (PLC) trên các thị trường chứng khoán rớt giá thảm hại trong phiên giao dịch ngày hôm nay (7/8) mặc dù Standard Chartered đến lúc này vẫn phủ nhận mọi “tội lỗi”.

Cụ thể, tại Hồng Kông, giá rớt xuống còn 151,3 HKD, giảm 17,81% giá trị so với phiên trước đó, tại thị trường Anh cổ phiếu này mất 16,46% giá trị, tại thị trường OTC Mỹ, giá cổ phiếu SCBFF cũng giảm mạnh 8,94%. Trước đó, trong phiên ngày thứ Hai, giá cổ phiếu của ngân hàng này đã có dấu hiệu lao dốc.

Diễn biến giá cổ phiếu Standard Chartered trên TTCK Hồng Kông 10 ngày qua:

                              



Ngân hàng Standard Chartered có trụ sở tại Anh là một trong những ngân hàng đi đầu trong xu hướng phát triển trọng tâm tại các thị trường mới nổi, đặc biệt là châu Á, châu Phi và Trung Đông. 

Theo thông báo từ Phòng quản lý tài chính New York ngày 6/8, Standard Chartered đã kiếm được hàng trăm triệu USD từ việc thực hiện các giao dịch phi pháp với các định chế tài chính của Iran vốn đang phải chịu cấm vận của Mỹ.

Tuy nhiên, Standard Chartered khẳng định 99,9% các giao dịch với đối tác Iran là tuân theo quy định của luật pháp và tổng giá trị của các giao dịch này không quá 14 triệu USD. Ngoài ra, Standard Chartered cũng nhấn mạnh dừng phát triển các giao dịch với khách hàng Iran hơn 5 năm qua.

Iran là một trong những nước hiện đang bị Mỹ cấm vận do những bất đồng liên quan đến chương trình hạt nhân. Ngoài ra, chính phủ Mỹ cho rằng Iran là mảnh đất nuôi dưỡng những phần tử khủng bố gây nguy hiểm cho người dân Mỹ, bởi vậy nếu Standard Chartered thực sự có hành vi giao dịch phi pháp với Iran, chắc chắn hậu quả mà ngân hàng này phải đón nhận không chỉ là bị rút giấy phép hoạt động tại Mỹ.

Trước vụ việc của Standard Chartered, thế giới đã phải đón nhận hàng loạt các vi phạm có hệ thống và hết sức lớn về quy mô của các ngân hàng hàng đầu thế giới, điển hình là bê bối thao túng lãi suất liên ngân hàng London và mới tháng trước là bê bối HSBC có một số giao dịch dính líu đến những kẻ vận chuyển ma túy, khủng bố và các tổ chức lừa đảo do buông lỏng quản lý. HSBC đã thừa nhận việc này và hứa hẹn sẽ nghiêm túc xử lý vụ việc.

 

Nguyên Linh 

Theo TTVN/Marketwatch


 

Tin mới cập nhật