10 sự kiện, vấn đề nổi bật của ngoại thương Việt Nam 2011

Ngày đăng : 25/12/2011 - 2:23 AM
Năm 2011 đang dần khép lại bằng nhiều kỷ lục mới và những diễn biến tích cực cả ở góc độ giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu có xu hướng tăng lên, lẫn nhập siêu trên đà giảm xuống.
 
Phải chăng, thế giới càng khó khăn thì hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam càng được hưởng lợi? Dù chưa thể khẳng định được điều “trái ngoe” này, nhưng thực tế diễn biến ngoại thương Việt Nam trong hai năm khó khăn vừa qua với những con số sống động là điều không thể chối bỏ.
 
Cùng điểm lại 10 sự kiện, vấn đề nổi bật của ngoại thương Việt Nam trong năm qua.
 
1. Tăng trưởng trong khó khăn
 
Nhưng ngay đầu năm 2011, ngành công thương lại nhìn nhận tình hình thương mại quốc tế sẽ không dễ dàng như trước. Hội nghị ngành này lúc đó cho rằng, các quốc gia đang từng bước chuyển đổi cơ cấu và xu hướng sẽ là cân bằng lại thị trường trong nước và ngoài nước, đặc biệt với những thị trường dung lượng lớn.
 
Hoa kỳ, EU, Nhật Bản, những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều được dự báo sẽ khó khăn hơn trong tăng trưởng. Cho nên, xuất hiện sự hồ nghi khả năng không đạt được mức tăng trưởng kim ngạch trên 20% trong năm trước đó.  
 
Năm đầu tiên thực hiện nghị quyết của Đại hội Đảng 9, mục tiêu tăng trưởng xuất, nhập khẩu đề ra chỉ ở mức khá khiêm tốn xuất khẩu tăng khoảng 10% so với thực hiện năm trước. Nhưng, thực tế đã không diễn ra như vậy.
 
Số liệu chốt cho tới thời điểm này được Vụ trưởng Vụ Thương mại Dịch vụ (Tổng cục Thống kê) Lê Thị Minh Thủy thông tin với VnEconomy, tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm ước tính đã vượt 96 tỷ USD, tăng khoảng 33% so với năm 2010; kim ngạch nhập khẩu đạt gần 106 tỷ USD, tăng tương ứng khoảng 25%.

2. Vị thế đối tác thương mại mới 
 
Nhìn lại trong 12 tháng qua, về cơ bản kim ngạch xuất, nhập khẩu không có tháng nào quá đuối, trừ tháng 2 do ảnh hưởng của Tết Nguyên đán.
 
Sau một chuỗi các tháng cuối năm 2010 kim ngạch xuất, nhập khẩu duy trì ổn định ở mức 6 tỷ và 7 tỷ USD đã là khá cao so với trước, sang năm 2011, ngoại thương Việt Nam tiến thêm một bước dài. Dung lượng thị trường xuất khẩu đã cố định được ở mức từ 7,2-9,3 tỷ USD/tháng; trong khi nhập khẩu kéo từ mức 8,2-9,6 tỷ USD/tháng, suốt giai đoạn từ tháng 3 cho đến tận cuối năm. 
 
Một vài biểu hiện “ngúng nguẩy” từ đối tác lớn như trường hợp gạo Việt bị thương nhân Philippines “bắt bí”, hay dệt may đuối hơn vào cuối năm, vàng “khuynh đảo” cả hai chiều thương mại… chưa dễ làm thay đổi vị thế ngoại thương vẫn đang liên tục tăng trưởng và mở rộng mấy năm gần đây.
 
Năm 2011 khép lại với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã vượt mức 200 tỷ USD, gấp khoảng 2 lần GDP năm trước đó. Kết quả là Việt Nam đã “qua mặt” Philippines để giữ vị trí thứ 5 về xuất nhập khẩu trong khu vực Đông Nam Á, chỉ còn xếp sau Singapore, Thái Lan, Indonesia và Malaysia.

3. Nhập siêu có xu hướng giảm
 
Trong một cuộc họp với Bộ Công Thương gần đây, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải khi đề cập đến con số nhập siêu giảm trong năm nay có nói vui về một thứ trưởng, khi đó, ông Hải dùng từ “lắm chiêu” để khen cho Bộ Công Thương hoàn thành nhiệm vụ được giao. Vị thứ trưởng nọ khi đó chỉ cười, nhưng những gì mà con số nhập siêu thể hiện đã cho thấy nỗ lực của ngành này.
 
Bởi lẽ, sau hai năm liền ở trạng thái thâm hụt cán cân thanh toán tổng thể, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã bị “thổi bay” nhiều tỷ USD. Tính đến quý 1/2011, con số chính thức từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, dự trữ ngoại hối chỉ còn tương đương khoảng 3,5 tuần nhập khẩu. Gánh vác việc cân bằng lại thu - chi ngoại tệ của quốc gia, Bộ Công Thương là điểm đột phá đầu tiên.
 
Cũng giống như 2009, năm nay trạng thái ngoại thương của Việt Nam có rất nhiều đột biến, đặc biệt là trong quý 3. Ở giai đoạn này, cán cân thương mại biến động dữ dội giữa các mốc xuất siêu hơn 1,1 tỷ USD trong tháng 7, sang nhập siêu trên 1,5 tỷ USD của tháng 9.
 
Tuy nhiên, về tổng thể, nhập siêu đã được kiểm soát tốt hơn, với con số ước tính trong năm khoảng 9,5 tỷ USD, thấp hơn nhiều năm 2010 (nhập siêu 12,6 tỷ USD) và 2009 (12,85 tỷ USD). Tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu giảm xuống 10,4% trong năm nay, thay vì 17,5% trong năm 2010.
 
Theo thông tin chính thức, cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam trong năm nay ước tính tăng khoảng 2,5-3 tỷ USD và dự trữ ngoại hối cũng đã tăng lên, tương ứng bằng khoảng 7,5 tuần nhập khẩu vào quý 3 năm nay.
 
4. Cơ cấu xuất nhập khẩu ít thay đổi
 
Nhưng những lưu ý của Bộ Công Thương về các hạn chế trong cơ cấu hàng xuất nhập khẩu lâu nay, trong năm 2011 chưa được cải thiện nhiều. Về cơ bản, Việt Nam vẫn ở tình trạng nhập lớn nguyên, nhiên liệu, nhất là nguyên liệu gia công sản xuất các ngành như dệt may, da giày, linh kiện điện tử... thể hiện tính gia công và phụ thuộc bên ngoài của sản xuất trong nước.
 
Về nhập khẩu, nhóm hàng nguyên nhiên vật liệu, máy móc thiết bị, phụ tùng ước đạt kim ngạch 87,6 tỷ USD trong năm nay, tăng 22,5% so với năm 2010, dù tỷ trọng trong tổng kim ngạch nhập khẩu đã giảm khoảng 1,7% nhưng vẫn chiếm tới 82,6% kim ngạch nhập khẩu.
 
Với các mặt hàng máy móc, thiết bị, phụ tùng, thị trường nhập khẩu chủ yếu vẫn là châu Á - Thái Bình Dương nên nhiều lo ngại lâu nay về xu hướng tăng nhập khẩu công nghệ trung gian chưa được giải quyết triệt để.
 
Trong khi đó, xuất khẩu tăng về tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến nhưng chủ yếu là gia công, với tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng từ 59,6% trong năm 2010 lên 60,2%. Nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản cũng tăng nhẹ tỷ trọng từ 11,2% lên 11,7%. Riêng nhóm hàng nông, lâm, thủy sản giảm từ 21,2% xuống 20,3%.
 
5. Tăng giá xuất nhập khẩu: Công và “tội”
 
Đóng góp vào mức tăng mạnh kim ngạch xuất nhập khẩu năm nay, yếu tố giá thể hiện ở tất cả các mặt hàng có tính được về lượng. 
 
Ngoài gạo, cà phê, cao su, dầu thô, than được hưởng lợi nhờ giá thị trường thế giới tăng mạnh, một số mặt hàng khác là do hàm lượng chế biến trong sản phẩm xuất khẩu được nâng lên như thủy sản, hàng dệt may, sản phẩm gỗ, sản phẩm chất dẻo, dây và cáp điện...
 
Trong khoảng 24 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu tăng cao hơn năm ngoái, đóng góp của nhân tố tăng giá chiếm 7,2 tỷ USD, trong đó nhóm nông sản, thủy sản tăng thêm được khoảng 3,3 tỷ USD, nhóm nhiên liệu khoáng sản khoảng 2,8 tỷ USD, nhóm công nghiệp chế biến khoảng 1,1 tỷ USD. 
 
Tuy nhiên, giá nhập khẩu nhiều mặt hàng cũng tăng rất mạnh, ảnh hưởng không nhỏ đến đầu vào của sản xuất kinh doanh trong nước. 
 
6. Điều chỉnh lớn với đối tác 
 
Trong dòng chảy chung của tăng trưởng xuất nhập khẩu năm nay, đã xuất hiện hai xu hướng tích cực được điều chỉnh về phía các đối tác thương mại của Việt Nam rất đáng ghi nhận trong năm nay. Thứ nhất là việc tiếp cận sâu hơn đối với các thị trường mới ở khu vực châu Phi. Thứ hai là cân bằng hơn đối với các đối tác thương mại chính.
 
Mặc dù tổng kim ngạch xuất khẩu vào châu Phi của Việt Nam mới ở mức khoảng 3,1 tỷ USD trong năm nay, nhưng tốc độ tăng trưởng đã lên tới 131%, riêng Nam Phi tăng 250%. New Zealand cũng nằm trong số các thị trường xuất khẩu mới của Việt Nam, có mức tăng trưởng kim ngạch khá cao tới 29%.
 
Trong khi đó, tất cả các thị trường xuất khẩu chủ lực của ta đều ghi nhận mức tăng trưởng kim ngạch cao hơn bình quân chung. Các ví dụ điển hình là xuất khẩu vào Hàn Quốc tăng tới 64% trong khi nhập khẩu tăng 34%; sang Trung Quốc tăng 58% trong khi chiều ngược lại tăng 21%; Nhật Bản tăng 37% và 14%; EU là 48% và 18%...
 
7. Lại biến động do vàng
 
Hai động thái ngược chiều của Ngân hàng Nhà nước trong năm nay: để cho doanh nghiệp “thả phanh” xuất vàng, và nhanh chóng cấp quota nhập khẩu, đã tạo nên hình thái biến động rất lớn cho một giai đoạn giá vàng “điên đảo” cán cân thương mại.
 
Đột biến xuất siêu lớn đến xuất siêu hơn 1,1 tỷ USD trong tháng 7, rồi nhanh chóng trở lại nhập siêu tới trên 1,5 tỷ USD trong tháng 9, dòng ngoại tệ vào ra lớn gắn với dấu hỏi về “chạy máu” vàng trong năm nay.
 
Ở thị trường trong nước, giá vàng có điều chỉnh rất lớn, chỉ số giá vàng bình quân trong năm nay tăng 39% so với năm 2010. Trên thị trường, nhiều thời điểm giá mua vào và bán ra chênh lệch tới 4-5 triệu đồng/lượng là điều kiện để kim loại quý này xuất ngoại, hoặc nhập vào trong nước, tạo kênh kinh doanh siêu lợi nhuận cho giới đầu cơ.
 
Tính đến cuối tháng 11, Việt Nam đã xuất khẩu trên 2,6 tỷ USD kim ngạch nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm, trong khi nhập khẩu tương ứng gần 2,2 tỷ USD.
 
8. Năm của nhiều chính sách kiểm soát nhập siêu
 
Ngày 9/2, Tổng cục Hải quan đã ban hành “Tuyên ngôn phục vụ khách hàng” với những cam kết trước cộng đồng xã hội về việc đảm bảo tính chuyên nghiệp, minh bạch và hiệu quả trong quản lý nhà nước về hải quan đối với các hoạt động thương mại, đầu tư và du lịch quốc tế. 
 
Tuy nhiên, trong một năm mà nhiệm vụ kiểm soát nhập siêu đặt trên vai “người gác cửa” của thị trường Việt Nam này, nhiều chính sách vẫn hướng vào việc khuyến khích xuất khẩu và giảm nhập khẩu.
 
Ngày 23/5, Tổng cục Hải quan đã bổ sung 7 nhóm hàng vào danh mục quản lý rủi ro cần kiểm tra về giá tính thuế và sửa đổi, bổ sung mức giá mặt hàng xe ôtô, xe hai bánh gắn máy. Còn kể từ ngày 1/6, các mặt hàng rượu, mỹ phẩm, điện thoại di động (trừ hành lý mang theo người của khách nhập cảnh) chỉ được làm thủ tục nhập khẩu, thông quan tại ba cảng biển quốc tế là Hải Phòng, Đà Nẵng và Tp.HCM. 
 
Trong khi đó, ngày 19/7, Tổng cục Hải quan công nhận 9 doanh nghiệp được ưu tiên trong quản lý nhà nước về hải quan, thuốc các lĩnh vực xuất khẩu thủy sản, xuất khẩu gạo, xuất khẩu cà phê và kinh doanh dầu khí…
 
Kết quả về cuối năm là kim ngạch nhập khẩu của nhóm hàng cần hạn chế (hàng tiêu dùng, ô tô từ 9 chỗ trở xuống, xe máy) tăng 2,5%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng chung 25%. Tỷ trọng của nhóm này trong kim ngạch nhập khẩu cũng giảm khoảng 1 điểm phần trăm, xuống mức 5,8%.
 
9. Ngoại thương tác động mạnh đến thị trường ngoại hối
 
Như đã nói ở phần đầu, nhập siêu trên 12,6 tỷ USD trong năm 2010, với 3 tháng cuối cùng liên tục vượt 1 tỷ USD đã tạo sức ép lớn đến thị trường ngoại hối. Chênh lệch quá lớn giữa thị trường chính thức và chợ đen, dự trữ ngoại hối thâm thủng nặng nề, đã buộc Ngân hàng Nhà nước phải phá giá đồng nội tệ.
 
Ngày 11/2, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định tăng giá USD/VND tới 9,3%, mức lớn nhất trong ghi nhận mấy năm gần đây, cùng với đó là thu hẹp biên độ xuống mức +/-1%.
 
Nhưng “điềm báo” đầu năm ấy đã không thể hiện xu hướng cho cả một năm. Dù vẫn có nhiều thời điểm thăng trầm, nhưng về cơ bản, thị trường ngoại hối tương đối ổn định trong năm nay. Chỉ số giá USD bình quân chỉ tăng 8,47%, mức tăng của tháng 12/2011 so với cùng kỳ năm trước lại chỉ có 2,24%.
 
Tác động ngược lại đến hoạt động ngoại quan, ước tính nguyên nhân điều chỉnh tỷ giá đã làm cho thu hải quan năm nay tăng khoảng 5 nghìn tỷ đồng.
 
10. Điện thoại di động tạo đột biến
 
Vào tháng 6 năm nay, biểu thống kê tình hình xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan xuất hiện thêm 4 nhóm hàng xuất khẩu và 5 nhóm hàng nhập khẩu. Trong số những “anh hào” mới gia nhập do chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong kim ngạch xuất nhập khẩu, nổi lên là điện thoại di động.
 
Tháng đầu “trình làng”, nhóm điện thoại các loại và linh kiện mới đạt kim ngạch 405 triệu USD. Nhưng sau khi Samsung đưa dây chuyền sản xuất điện thoại di động thứ hai vào hoạt động tháng 9/2011, ngay tháng kế tiếp, nhóm hàng này đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD trong thống kê hải quan.
 
Đến cuối năm nay, ước tính mặt hàng điện thoại di động sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 7,5 tỷ USD, tăng trưởng 257% so với năm ngoái và vươn lên vị trí thứ 2 về xuất khẩu, chỉ sau mặt hàng dệt may. Nhóm hàng này cũng duy trì mức xuất siêu rất lớn, ước tính khoảng 4 tỷ USD trong năm nay.
 
Theo Anh Quân
VnEconomy
Too many compliments too lttile space, thanks!
10/01/2012
Too many compliments too lttile space, thanks!

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Hà Nội: Thưởng Tết cao nhất 67,3 triệu đồng

Ngày đăng : 25/12/2011 - 2:13 AM
Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội vừa có báo cáo nhanh về tình hình lương, thưởng Tết năm 2011 của các doanh nghiệp trên địa bàn.
 
Theo đó, mức thưởng cao nhất tại Hà nội được công bố là  67,3 triệu đồng, thuộc về một doanh nghiệp tư nhân.
 
Báo cáo của Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, khối doanh nghiệp tư nhân đang có mức thưởng cao nhất trên địa bàn là 67,343 triệu đồng/người, thấp nhất là 450 nghìn đồng/người.
 
Khu vực doanh nghiệp Nhà nước, mức thưởng Tết bình quân hơn 3,7 triệu đồng/người, tăng 4,5% so với năm 2010. Doanh nghiệp ở khu vực này có mức thưởng cao nhất là trên 22 triệu đồng/người và thấp nhất là 300.000 đồng/người.
 
Trong khi đó, ở khối doanh nghiệp FDI, mức thưởng Tết giảm so với năm ngoái. Cụ thể, mức thưởng bình quân của doanh nghiệp khối này  trên 4,2 triệu đồng/người ; mức cao nhất gần 60 triệu đồng/người và thấp nhất là 200.000 đồng. Tết năm ngoái, mức thưởng cao nhất của khối này đạt gần 73 triệu đồng/người và thấp nhất là 500 nghìn đồng.
 
Ông Phạm Văn Thanh, Trưởng phòng Chính sách lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho rằng, năm 2011 do nhiều biến động về giá cả, lạm phát, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nên mức thưởng nói chung giảm so với năm ngoái cũng không có gì đáng ngạc nhiên.
 
Tuy nhiên, theo ông Thanh, điều “an ủi” đối với  người lao động năm nay là Chính phủ quyết định nâng mức lương tối thiểu lên cao nhất 2 triệu đồng đối với vùng 1, từ 1/10, do vậy, mức lương bình quân của người lao động đã được tăng đáng kể. Đặc biệt là lao động làm việc tại các doanh nghiệp FDI, khối doanh nghiệp thường "bám" vào quy định mức lương tối thiểu để trả cho người lao động.
 
Mức lương bình quân năm 2011 của khối FDI  là 4,034 triệu đồng/người/tháng. Thậm chí, có những doanh nghiệp đã trả mức lương cao nhất cho lao động là 10 triệu đồng tháng và mức thấp nhất đều không dưới 2 triệu đồng.
 
Theo Nam Anh 
VnEconomy

Những câu hỏi đặt ra từ mức lạm phát cả năm

Ngày đăng : 23/12/2011 - 5:12 PM

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2011 vừa được chính thức công bố, dù sớm hơn thường lệ nhưng đã không còn nhiều ý nghĩa.

Lý do là vì các con số cơ bản nhất như lạm phát theo năm, theo tháng đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh phát đi từ trước đó một ngày (22/12), tại hội nghị Chính phủ mở rộng.

Điểm điều chỉnh nhỏ trong dữ liệu của Tổng cục Thống kê là lạm phát cả năm, tính theo CPI tháng 12/2011 so với tháng cùng kỳ năm trước, nhỉnh hơn 0,01% so với con số của Bộ trưởng Vinh công bố hôm qua, khi tăng ở mức 18,13%; trong khi CPI tháng này tăng 0,53% so với tháng trước, không thay đổi so với con số được công bố trước đó.

Một con số khác là CPI bình quân năm, vốn trước đây từng được Tổng cục Thống kê đề xuất dùng làm chỉ tiêu lạm phát nhưng chưa được đưa vào thành “chỉ  tiêu pháp lệnh”, năm 2011 tăng tới 18,58% so với năm 2010.

Với lạm phát theo năm, mức tăng rất cao, tính trong khoảng 15 năm gần đây chỉ còn thấp hơn năm 2008, đem đến những dấu hỏi lớn về tác động của chính sách vĩ mô đang tác động đến mức nào đến CPI năm nay?

Tăng trưởng GDP, theo con số Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng công bố ngày hôm qua là 5,9%. Trong khi đó, tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng khoảng 10% và tín dụng tăng 12%.

Tương quan tiền - hàng qua các con số kể trên cho thấy tỷ lệ này đã thấp hơn rất nhiều so với mức có thể lên đến 4 - 5 lần, thậm chí cao hơn các năm trước. Nhưng do một cách thức tích tụ nào đó, lạm phát đã tăng rất cao trong năm nay.

“Nguyên nhân dẫn tới lạm phát có nhiều và rất phức tạp”, nguyên Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) Nguyễn Ngọc Bảo từng cho biết trong một hội thảo hồi tháng trước. Nhưng nhiều nhìn nhận thẳng thắn hơn thì cho rằng, lạm phát có nguyên nhân chính từ tiền tệ.

Sự tích tụ bất ổn từ tăng tín dụng và cung tiền các năm trước có tính trước được không? Và nếu tính được, tránh nhiệm nào với những cá nhân ra quyết định dẫn tới nền kinh tế chịu rủi ro lạm phát cao ở các năm gần đây? Và đấy có là những vấn đề cần được xới lên để tìm giải pháp cho chủ trương tiếp tục kiểm soát chặt lạm phát mà Chính phủ đang hướng tới? Hàng loạt câu hỏi có thể đặt ra cho con số 18,13%...

Nhưng tới tận gần đây, nhiều cơ quan chức năng vẫn tiếp tục từ chối công khai con số lạm phát cơ bản, vốn được cho là để đo lường tác động đến lạm phát từ góc độ tiền tệ.

Hay một góc độ tác động khác là chính sách tài khóa, về lý thuyết được cho là tác động đến lạm phát nhanh hơn chính sách tiền tệ. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước cả năm 2011, thu ngân sách nhà nước đạt 674,5 nghìn tỷ đồng; chi ngân sách đạt 796 nghìn tỷ đồng.

Nếu so với các con số dự toán tương ứng từ Bộ Tài chính là thu 595 nghìn tỷ đồng (không gồm thu kết chuyển), hay chi 725,6 nghìn tỷ đồng (bao gồm cả trả nợ gốc), các con số trên đều cao hơn rất nhiều, ứng với khoảng 13,4% và 9,7%.

Chưa có chi tiết về con số thu, chi để nhìn nhận lại chủ trương cắt giảm chi thường xuyên 10%, đình, hoãn, giãn dự án, công trình…, nhưng những câu hỏi đặt ra từ con số kể trên, liên quan đến việc chính sách tài khóa đã làm giảm tổng cầu đến đâu, có lẽ cũng cần phải được giải đáp.

Trở lại với tháng này, con số 0,53% của CPI đã cho thấy lạm phát đang có xu hướng tăng trong 3 tháng gần đây. Có phần nguyên nhân là chu kỳ cuối năm, nhưng về tổng thể, mức độ tăng trong tháng không quá cao so với các năm trước, kể cả ở những giai đoạn nền kinh tế tương đối ổn định.

Nhưng những thay đổi trong mặt bằng giá của các nhóm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trong tháng này cũng cho thấy một số diễn biến quan ngại.

CPI thực phẩm đã không còn giảm mà tăng trở lại 0,49%; CPI thực phẩm còn ở mức cao, khi tăng 1,4%; các nhóm hàng hóa tiêu dùng có tính mùa vụ như hàng thời trang, thiết bị đồ dùng gia đình, vật liệu xây dựng, dịch vụ cá nhân… đang có xu hướng tăng lên, một số duy trì ở mức tăng khá cao trong mấy tháng gần đây.

Ngoài ra, còn một lưu ý khác trong con số lạm phát tháng này là việc điều chỉnh giá điện chưa tác động, nhưng sẽ ảnh hưởng đến CPI trong tháng tới.

Chỉ số giá vàng tháng 12 giảm 0,97% so với cùng kỳ; chỉ số giá USD tăng 0,02%. Tháng 12 khép lại với sự ổn định tương đối ở hai nhóm chỉ số vừa là tiền tệ, vừa là hàng hóa có tính đầu cơ cao này.

 

Theo Anh Quân

VnEconomy


Còn một điều Thống đốc chưa thực hiện được…

Ngày đăng : 23/12/2011 - 3:32 PM
Phần lớn những định hướng và cả cam kết mà Thống đốc Nguyễn Văn Bình đưa ra hiện đã cơ bản định hình, duy còn một điều chưa rõ…
 
Trong một trao đổi bên lề gần đây, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói rằng, những định hướng chính mà Ngân hàng Nhà nước về điều hành chính sách và quản lý thị trường cơ bản đã có kết quả.
 
Thứ nhất, chủ trương hạ lãi suất cho vay VND từ cuối tháng 9/2011 xuống 17 - 19%/năm đã được các ngân hàng thương mại triển khai.
 
Thứ hai, cam kết điều chỉnh tỷ giá USD/VND từ thời điểm 7/9/2011 cho đến hết năm 2011 không quá 1% cũng chỉ còn ít ngày nữa để chính thức đạt đích.
 
Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước đã bước đầu có các giải pháp can thiệp thị trường vàng mà không phải dùng đến việc cấp hạn ngạch nhập khẩu, chi ngoại tệ cho nhập khẩu; dù hiện nhà điều hành vẫn còn thiếu các công cụ pháp lý rõ ràng và đầy đủ hơn cho khả năng can thiệp.
 
Cả ba định hướng và kết quả trên đều có trong những thông điệp mà Thống đốc đưa ra khi tiếp nhận vị trí lãnh đạo cao nhất của Ngân hàng Nhà nước.
 
Ngoài ra, thị trường còn ghi nhận cả những kết quả tích cực khác không có trong trao đổi nói trên.
 
Đó là trần lãi suất huy động VND đã được làm nghiêm trong những tháng gần đây. Và mới nhất, một sự kiện mà Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã ghi dấu ấn khi cho tiến hành hợp nhất ba ngân hàng thương mại có vấn đề (dù thành công của việc hợp nhất còn cần thêm thời gian để kiểm chứng).
 
Thế nhưng, có một điểm mà Thống đốc vẫn chưa thực hiện được, cũng chưa rõ lúc nào sẽ thực hiện được hoặc không thực hiện… Đó là bỏ trần lãi suất huy động.
 
16 ngày sau khi tiếp nhận nhiệm vụ lãnh đạo ngành, trả lời phỏng vấn của báo giới về cơ chế trần lãi suất, Thống đốc nói: “Cuộc sống đôi khi cũng cần phải có biện pháp hành chính. Áp dụng biện pháp hành chính vì chúng ta chưa tìm ra được các công cụ mang tính kinh tế mà việc sử dụng cho phép đạt được mục tiêu trong thời gian ngắn nhất. Sử dụng biện pháp hành chính là cực chẳng đã và chỉ trong thời hạn ngắn. Trần lãi suất huy động là một giải pháp hành chính, sức sống của nó không thể dài được. Khi thị trường ổn định, nhất định sẽ bỏ trần lãi suất”.
 
Cuối năm 2010, trước sự xáo trộn của lãi suất trên thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng cơ chế trần lãi suất huy động VND với 14%/năm. Đến nay đã hơn một năm, một năm căng thẳng với cơ chế trần.
 
Mục đích chính của cơ chế là đưa ra một giải pháp hành chính can thiệp tức thời những xáo trộn trên thị trường. Đó là giá trị tích cực được nhiều ý kiến trong và ngoài ngành, hoặc từ các chuyên gia ủng hộ tại thời điểm đó. Ở một giá trị khác, chính Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng thừa nhận rằng là rất tích cực khi vào cuối 2010 trần ấn định mốc 14%/năm, trong khi chỉ tiêu kiềm chế lạm phát năm 2011 ban đầu là 7% - tức người gửi tiền “có lãi” so với lạm phát kỳ vọng đó.
 
Cho đến nay, khi lạm phát cả năm 2011 đã vượt 18%, thực tế là quá khác. Nhưng trả lời trước Quốc hội, Thống đốc nói: “Đến tháng 8 chúng ta thấy rằng trần lãi suất 14% là đúng và là tích cực. Bởi vì nếu bắt đầu từ tháng 8 là chúng ta trả lãi suất cho một năm tiếp theo, không phải là chúng ta đã trả lãi suất cho một năm đã qua”.
 
Tiếp tục áp trần với 14%/năm, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục “neo” một kỳ vọng có thể hiểu họ cho là hợp lý về lạm phát trong dân cư. Một yếu tố tham khảo ở đây là định hướng kiếm chế lạm phát năm tới dưới 10% cũng đã được đưa ra, còn niềm tin của công chúng với chỉ tiêu đó lại là vấn đề khác. 14%/năm so với kỳ vọng lạm phát kiềm chế được dưới 10% trong một năm tới, nếu vậy, trần lãi suất đó hiện là tích cực với người gửi tiền. Là tích cực thì chưa vội điều chỉnh hoặc gỡ bỏ.
 
Với hệ thống ngân hàng, sau những quyết định xử phạt quyết liệt các trường hợp vi phạm vừa qua, cơ chế trần cơ bản đã được nghiêm, trật tự thị trường được thiết lập lại. Đó cũng là tích cực, và theo đó có lẽ cũng chưa vội để điều chỉnh hoặc gỡ bỏ trần.
 
Thế nhưng, định hướng “khi thị trường ổn định, nhất định sẽ bỏ trần lãi suất” mà Thống đốc đã nêu vẫn còn đó. Quan trọng hơn, nếu cơ chế trần tiếp tục kéo dài sẽ dẫn tới những hệ quả gì, bên cạnh giá trị tạo trật tự cho thị trường (hoặc có thể còn là một công cụ để thanh lọc hệ thống, một chốt chặn để hạn chế tình trạng lãi suất cho vay bị đẩy lên quá cao, hay do chưa có các công cụ quản lý khác hữu hiệu…)?
 
Một câu trả lời vui từ lãnh đạo một ngân hàng thương mại rằng: “Nếu tiếp tục áp cơ chế trần lãi suất huy động, báo chí các bạn sẽ còn rất nhiều chuyện để viết”.
 
Còn trên thực tế, một năm căng thẳng vừa qua cũng đã cho thấy có nhiều vấn đề đặt ra.
 
Thứ nhất là tình trạng vượt trần, lách trần trong phần lớn thời gian của năm 2011. Gần đây chính lãnh đạo ngân hàng lớn nói rằng có hiện tượng “tái xuất” và vẫn phức tạp. Phía sau đó vẫn còn quan ngại về rủi ro đạo đức và rủi ro nghiệp vụ trong hệ thống.
 
Thứ hai, cơ chế trần tiếp tục tồn tại đồng nghĩa với sự triệt tiêu cạnh tranh trong huy động vốn giữa các ngân hàng xét ở công cụ chủ yếu nhất. Từ đây, khó khăn thanh khoản do khó huy động vốn vẫn là nỗi ám ảnh đối với các ngân hàng nhỏ, mà thực tế thời gian qua đã được phản ánh ở sự dịch chuyển dòng tiền gửi bất lợi đối với họ.
 
Thứ ba, hệ lụy của sự dịch chuyển đó là mối liên hệ với thị trường liên ngân hàng. Bất cập cũng đã xẩy ra với cơ chế áp điều kiện thế chấp, bảo đảm tài sản lần đầu tiên nảy sinh, ảnh hưởng xấu tới môi trường và hạn chế vai trò của thị trường này trong điều hòa vốn cho hệ thống.
 
Thứ tư, áp trần lãi suất huy động, Ngân hàng Nhà nước chặn đầu vào nhưng “thả” đầu ra và năm 2011 dự kiến thị trường sẽ chứng kiến một sự gia tăng mạnh của tỷ lệ lãi biên trong các ngân hàng thương mại. Những tính toán gần đây của một số công ty chứng khoán cho thấy có những nhà băng thu chênh lệch lãi bình quân đạt tới 4,2%, thậm chí trên dưới 5% trong năm nay, trong khi liên tiếp 3 năm trước đó chỉ duy trì quanh 3%. Tất nhiên, một cái khó của các nhà băng là do năm nay không được đẩy mạnh tín dụng như những năm trước để có thể thực sự chia sẻ ở tỷ lệ này.
 
Như Thống đốc từng nhìn nhận, áp trần là một biện pháp hành chính cực chẳng đã, và sẽ bỏ khi thị trường ổn định. Như vậy, sau hơn một năm cùng với những vấn đề nảy sinh nói trên, liệu đời sống của cơ chế trần sẽ còn kéo dài đến bao lâu nữa? Và thị trường cần bao lâu nữa mới thực sự ổn định?
 
Theo Minh Đức
VnEconomy

Giá điện, sân golf, tắc đường... lên bàn nghị sự

Ngày đăng : 23/12/2011 - 3:26 PM
Giá điện rẻ không thể kêu gọi đầu tư, xin đầu tư thêm... sân golf hay bài toán giảm tắc đường ở Hà Nội và TP.HCM là những vấn đề chính được nêu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương sáng nay 23/12.
 

Sân golf “đắt hàng” không kém ở Singapore
 
Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Dương Anh Điền vò đầu trước bài toán chỉ tiêu kinh tế năm 2012 tới trong bối cảnh các ngành sản xuất chủ đạo của địa phương như xi măng, sắt thép, đóng tàu… do cắt giảm đầu tư, thị trường co lại, hàng tồn kho ứ đọng. Các DN của thành phố gặp rất nhiều khó khăn trong năm qua nhưng biện pháp hỗ trợ của nhà nước, ông Điền “phê” còn chậm và hiệu quả chưa cao.
Ông Điền cho rằng, hướng gỡ khả dĩ nhất cho năm sau trong bối cảnh vẫn phải cắt giảm đầu tư công, thắt chặt tiền tệ là huy động nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Nhưng Chủ tịch thành phố lớn thứ 2 miền Bắc bày tỏ rõ lo ngại: “DN nào trước khi vào đầu tư cũng hỏi “điện của các ông thế nào?”. Ông Điền lo cảnh thiếu điện như thời gian qua vì mỗi lần mất điện là thiệt hại khủng khiếp, mà cái hại lớn nhất là uy tín giảm rất lớn.
 
“Định hướng tái cấu trúc kinh tế đi theo hướng hiện đại công nghệ cao mà ko lo điện tốt thì rất khó khăn” – ông Điền cảnh báo.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng cũng ta thán về khả năng thu hút vốn trong năm tới vì cơ chế giá vẫn nhiều bất cập. Ồng Thắng chỉ ra: “Chúng ta giữ giá cả “bèo” quá thành ra không hấp dẫn được nhà đầu tư. Mời đầu tư điện nhưng giá bán điện như vậy. Đầu tư đường nhưng mức thu phí cũng quá thấp, không mong gì kêu gọi vốn được”.
 
Ông Thắng còn dẫn chứng, thủ tục chỉ định thầu, để lên được Thủ tướng để xin ý kiến cũng rất phức tạp. Có công trình hơn 1 năm qua vẫn chưa xong thủ tục.
 
Chủ tịch UBND huyện Bình Dương Lê Thanh Cung thì đi thẳng vào việc xin cơ chế để tiếp tục đầu tư sân golf.
 
Ông Cung cho hay, hiện nay Bình Dương đã có 3 sân gôn 18, 28 và 36 lỗ. Trong đó, tỉnh đã đưa vào sử dụng 2 sân và ngay lập tức bán hết sạch thẻ hội viên. Nhu cầu nhiều đến mức nếu ai đó muốn đến chơi là phải đăng ký trước cả tuần.
 
"Ở Bình Dương mà phát triển thêm từ 2 đến 3 sân nữa thì vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu trong khu vực", ông Cung phân trần.
 
Giải thích cho "đòi hỏi" có vẻ vô lý trong bối cảnh Chính phủ đang siết đầu tư sân golf, ông Cung cho rằng, Bình Dương có đặc thù là thu hút rất nhiều nhà đầu tư nên số lượng người chơi cũng đông hơn nơi khác. "Cuối tuần, không khí ở các sân golf Bình Dương không khác gì các sân lớn ở Singapore. Hàng trăm ô tô con xếp hàng dài. Nhìn quang cảnh đó rất hấp dẫn. Dù có phát triển thêm 2 đến 3 sân golf nữa cũng vẫn hiệu quả” – vị chủ tịch tỉnh khẳng định.
 
1-2 năm tới không thể hết tắc đường
 
Câu chuyện giải bài toán ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TPHCM được lãnh đạo 2 thành phố chia sẻ mở màn cho nội dung thảo luận tại Hội nghị Chính phủ mở rộng.
 
Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo xác nhận, một trong các điểm nóng bức xúc và là rào cản cho Thủ đô là ùn tắc giao thông mà nguyên nhân chủ yếu vì hạ tầng thấp kém và sự gia tăng quá mức phương tiện cá nhân. Tính đến cuối năm nay, Hà Nội có 4,1 triệu xe, trong đó có 3,7 triệu xe máy và 400 ngàn ô tô. Riêng 10 tháng đầu năm, đã có 40 nghìn ô tô được đăng ký mới.
 
Ông Thảo khẳng định, hạn chế phương tiện cá nhân chỉ là một phần. Vấn đề còn lại là hạ tầng. Do đó, ông đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan TƯ đẩy nhanh tiến độ di dời bệnh viện, trường học ra khỏi nội thành. Nghiêm túc thực hiện quy hoạch chung vừa được Thủ tướng phê duyệt và nghiên cứu quy định về hạn chế nhập cư.
 
Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân lại đề nghị Chính phủ xem xét lại yêu cầu… bất cập, phải giảm ùn tắc giao thông nhưng lại cho phép quá nhiều DN sản xuất xe máy.
 
Theo báo cáo của ông Quân, TP.HCM có 5,8 triệu phương tiện cá nhân gồm 5,2 triệu xe gắn máy, 600 nghìn ô tô. Tỷ lệ xe gắn máy ở đây chiếm tới 1/5 lượng xe của cả nước, ô tô chiếm tới 1/3. Trong khi diện tích đường xá chỉ chiếm 5% diện tích đường của cả nước.
 
Người đứng đầu thành phố lớn nhất cả nước thẳng thắn khẳng định: "Không có giải pháp nào ngăn chặn được, chỉ có huy động toàn xã hội, kết hợp biện pháp hành chính và kinh tế. Cũng không thể nào giải quyết trong 1 - 2 năm".
 
Theo P.Thảo
Dân trí

Tổng cục thống kê: Nhập siêu cả năm ước hơn 9,5 tỷ USD, giảm 25% so với 2011

Ngày đăng : 23/12/2011 - 11:09 AM

Riêng tháng 12, nhập siêu cả nước ước đạt 700 triệu USD, tăng gần 23% so với tháng trước.
 

 

 

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu tháng 12 xấp xỉ bằng tháng 11 với 8,9 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu trong tháng ước đạt 9,6 tỷ USD, tăng 2% so với tháng trước.

Do vậy, trong tháng, nhập siêu của cả nước ước đạt 700 triệu USD, tăng 23% so với tháng 11.

Lũy kế cả năm, kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước đạt hơn 96,26 tỷ USD, tăng 33% so với năm ngoái.

Những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn trong năm 2011 là dệt may (ước đạt 14 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2010); dầu thô (ước đạt 7,2 tỷ USD, tăng 46%); giày dép (ước 6,5 tỷ USD, tăng 27%)...

Về phía nhập khẩu, tổng kim ngạch cả năm ước đạt hơn 105,77 tỷ USD, tăng gần 25% so với năm trước.

Những mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn trong năm nay gồm máy móc, thiết bị (ước 15,2 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2010); xăng dầu (ước 9,9 tỷ USD, tăng 62%); điện tử, máy lạnh và linh kiện (ước 7,2 tỷ USD, tăng 39%); vải (ước 6,7 tỷ USD, tăng 26%)...

Như vậy, nhập siêu cả năm nước ta ước đạt hơn 9,5 tỷ USD, giảm gần 25% so với năm trước và chỉ bằng 9,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, so với mục tiêu đề ra là 16%.

 

Theo Tổng cục thống kê/DVT


 


 

Tin mới cập nhật