Những câu hỏi đặt ra từ mức lạm phát cả năm

Ngày đăng : 23/12/2011 - 5:12 PM

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2011 vừa được chính thức công bố, dù sớm hơn thường lệ nhưng đã không còn nhiều ý nghĩa.

Lý do là vì các con số cơ bản nhất như lạm phát theo năm, theo tháng đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh phát đi từ trước đó một ngày (22/12), tại hội nghị Chính phủ mở rộng.

Điểm điều chỉnh nhỏ trong dữ liệu của Tổng cục Thống kê là lạm phát cả năm, tính theo CPI tháng 12/2011 so với tháng cùng kỳ năm trước, nhỉnh hơn 0,01% so với con số của Bộ trưởng Vinh công bố hôm qua, khi tăng ở mức 18,13%; trong khi CPI tháng này tăng 0,53% so với tháng trước, không thay đổi so với con số được công bố trước đó.

Một con số khác là CPI bình quân năm, vốn trước đây từng được Tổng cục Thống kê đề xuất dùng làm chỉ tiêu lạm phát nhưng chưa được đưa vào thành “chỉ  tiêu pháp lệnh”, năm 2011 tăng tới 18,58% so với năm 2010.

Với lạm phát theo năm, mức tăng rất cao, tính trong khoảng 15 năm gần đây chỉ còn thấp hơn năm 2008, đem đến những dấu hỏi lớn về tác động của chính sách vĩ mô đang tác động đến mức nào đến CPI năm nay?

Tăng trưởng GDP, theo con số Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng công bố ngày hôm qua là 5,9%. Trong khi đó, tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng khoảng 10% và tín dụng tăng 12%.

Tương quan tiền - hàng qua các con số kể trên cho thấy tỷ lệ này đã thấp hơn rất nhiều so với mức có thể lên đến 4 - 5 lần, thậm chí cao hơn các năm trước. Nhưng do một cách thức tích tụ nào đó, lạm phát đã tăng rất cao trong năm nay.

“Nguyên nhân dẫn tới lạm phát có nhiều và rất phức tạp”, nguyên Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) Nguyễn Ngọc Bảo từng cho biết trong một hội thảo hồi tháng trước. Nhưng nhiều nhìn nhận thẳng thắn hơn thì cho rằng, lạm phát có nguyên nhân chính từ tiền tệ.

Sự tích tụ bất ổn từ tăng tín dụng và cung tiền các năm trước có tính trước được không? Và nếu tính được, tránh nhiệm nào với những cá nhân ra quyết định dẫn tới nền kinh tế chịu rủi ro lạm phát cao ở các năm gần đây? Và đấy có là những vấn đề cần được xới lên để tìm giải pháp cho chủ trương tiếp tục kiểm soát chặt lạm phát mà Chính phủ đang hướng tới? Hàng loạt câu hỏi có thể đặt ra cho con số 18,13%...

Nhưng tới tận gần đây, nhiều cơ quan chức năng vẫn tiếp tục từ chối công khai con số lạm phát cơ bản, vốn được cho là để đo lường tác động đến lạm phát từ góc độ tiền tệ.

Hay một góc độ tác động khác là chính sách tài khóa, về lý thuyết được cho là tác động đến lạm phát nhanh hơn chính sách tiền tệ. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước cả năm 2011, thu ngân sách nhà nước đạt 674,5 nghìn tỷ đồng; chi ngân sách đạt 796 nghìn tỷ đồng.

Nếu so với các con số dự toán tương ứng từ Bộ Tài chính là thu 595 nghìn tỷ đồng (không gồm thu kết chuyển), hay chi 725,6 nghìn tỷ đồng (bao gồm cả trả nợ gốc), các con số trên đều cao hơn rất nhiều, ứng với khoảng 13,4% và 9,7%.

Chưa có chi tiết về con số thu, chi để nhìn nhận lại chủ trương cắt giảm chi thường xuyên 10%, đình, hoãn, giãn dự án, công trình…, nhưng những câu hỏi đặt ra từ con số kể trên, liên quan đến việc chính sách tài khóa đã làm giảm tổng cầu đến đâu, có lẽ cũng cần phải được giải đáp.

Trở lại với tháng này, con số 0,53% của CPI đã cho thấy lạm phát đang có xu hướng tăng trong 3 tháng gần đây. Có phần nguyên nhân là chu kỳ cuối năm, nhưng về tổng thể, mức độ tăng trong tháng không quá cao so với các năm trước, kể cả ở những giai đoạn nền kinh tế tương đối ổn định.

Nhưng những thay đổi trong mặt bằng giá của các nhóm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trong tháng này cũng cho thấy một số diễn biến quan ngại.

CPI thực phẩm đã không còn giảm mà tăng trở lại 0,49%; CPI thực phẩm còn ở mức cao, khi tăng 1,4%; các nhóm hàng hóa tiêu dùng có tính mùa vụ như hàng thời trang, thiết bị đồ dùng gia đình, vật liệu xây dựng, dịch vụ cá nhân… đang có xu hướng tăng lên, một số duy trì ở mức tăng khá cao trong mấy tháng gần đây.

Ngoài ra, còn một lưu ý khác trong con số lạm phát tháng này là việc điều chỉnh giá điện chưa tác động, nhưng sẽ ảnh hưởng đến CPI trong tháng tới.

Chỉ số giá vàng tháng 12 giảm 0,97% so với cùng kỳ; chỉ số giá USD tăng 0,02%. Tháng 12 khép lại với sự ổn định tương đối ở hai nhóm chỉ số vừa là tiền tệ, vừa là hàng hóa có tính đầu cơ cao này.

 

Theo Anh Quân

VnEconomy

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Còn một điều Thống đốc chưa thực hiện được…

Ngày đăng : 23/12/2011 - 3:32 PM
Phần lớn những định hướng và cả cam kết mà Thống đốc Nguyễn Văn Bình đưa ra hiện đã cơ bản định hình, duy còn một điều chưa rõ…
 
Trong một trao đổi bên lề gần đây, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói rằng, những định hướng chính mà Ngân hàng Nhà nước về điều hành chính sách và quản lý thị trường cơ bản đã có kết quả.
 
Thứ nhất, chủ trương hạ lãi suất cho vay VND từ cuối tháng 9/2011 xuống 17 - 19%/năm đã được các ngân hàng thương mại triển khai.
 
Thứ hai, cam kết điều chỉnh tỷ giá USD/VND từ thời điểm 7/9/2011 cho đến hết năm 2011 không quá 1% cũng chỉ còn ít ngày nữa để chính thức đạt đích.
 
Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước đã bước đầu có các giải pháp can thiệp thị trường vàng mà không phải dùng đến việc cấp hạn ngạch nhập khẩu, chi ngoại tệ cho nhập khẩu; dù hiện nhà điều hành vẫn còn thiếu các công cụ pháp lý rõ ràng và đầy đủ hơn cho khả năng can thiệp.
 
Cả ba định hướng và kết quả trên đều có trong những thông điệp mà Thống đốc đưa ra khi tiếp nhận vị trí lãnh đạo cao nhất của Ngân hàng Nhà nước.
 
Ngoài ra, thị trường còn ghi nhận cả những kết quả tích cực khác không có trong trao đổi nói trên.
 
Đó là trần lãi suất huy động VND đã được làm nghiêm trong những tháng gần đây. Và mới nhất, một sự kiện mà Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã ghi dấu ấn khi cho tiến hành hợp nhất ba ngân hàng thương mại có vấn đề (dù thành công của việc hợp nhất còn cần thêm thời gian để kiểm chứng).
 
Thế nhưng, có một điểm mà Thống đốc vẫn chưa thực hiện được, cũng chưa rõ lúc nào sẽ thực hiện được hoặc không thực hiện… Đó là bỏ trần lãi suất huy động.
 
16 ngày sau khi tiếp nhận nhiệm vụ lãnh đạo ngành, trả lời phỏng vấn của báo giới về cơ chế trần lãi suất, Thống đốc nói: “Cuộc sống đôi khi cũng cần phải có biện pháp hành chính. Áp dụng biện pháp hành chính vì chúng ta chưa tìm ra được các công cụ mang tính kinh tế mà việc sử dụng cho phép đạt được mục tiêu trong thời gian ngắn nhất. Sử dụng biện pháp hành chính là cực chẳng đã và chỉ trong thời hạn ngắn. Trần lãi suất huy động là một giải pháp hành chính, sức sống của nó không thể dài được. Khi thị trường ổn định, nhất định sẽ bỏ trần lãi suất”.
 
Cuối năm 2010, trước sự xáo trộn của lãi suất trên thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng cơ chế trần lãi suất huy động VND với 14%/năm. Đến nay đã hơn một năm, một năm căng thẳng với cơ chế trần.
 
Mục đích chính của cơ chế là đưa ra một giải pháp hành chính can thiệp tức thời những xáo trộn trên thị trường. Đó là giá trị tích cực được nhiều ý kiến trong và ngoài ngành, hoặc từ các chuyên gia ủng hộ tại thời điểm đó. Ở một giá trị khác, chính Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng thừa nhận rằng là rất tích cực khi vào cuối 2010 trần ấn định mốc 14%/năm, trong khi chỉ tiêu kiềm chế lạm phát năm 2011 ban đầu là 7% - tức người gửi tiền “có lãi” so với lạm phát kỳ vọng đó.
 
Cho đến nay, khi lạm phát cả năm 2011 đã vượt 18%, thực tế là quá khác. Nhưng trả lời trước Quốc hội, Thống đốc nói: “Đến tháng 8 chúng ta thấy rằng trần lãi suất 14% là đúng và là tích cực. Bởi vì nếu bắt đầu từ tháng 8 là chúng ta trả lãi suất cho một năm tiếp theo, không phải là chúng ta đã trả lãi suất cho một năm đã qua”.
 
Tiếp tục áp trần với 14%/năm, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục “neo” một kỳ vọng có thể hiểu họ cho là hợp lý về lạm phát trong dân cư. Một yếu tố tham khảo ở đây là định hướng kiếm chế lạm phát năm tới dưới 10% cũng đã được đưa ra, còn niềm tin của công chúng với chỉ tiêu đó lại là vấn đề khác. 14%/năm so với kỳ vọng lạm phát kiềm chế được dưới 10% trong một năm tới, nếu vậy, trần lãi suất đó hiện là tích cực với người gửi tiền. Là tích cực thì chưa vội điều chỉnh hoặc gỡ bỏ.
 
Với hệ thống ngân hàng, sau những quyết định xử phạt quyết liệt các trường hợp vi phạm vừa qua, cơ chế trần cơ bản đã được nghiêm, trật tự thị trường được thiết lập lại. Đó cũng là tích cực, và theo đó có lẽ cũng chưa vội để điều chỉnh hoặc gỡ bỏ trần.
 
Thế nhưng, định hướng “khi thị trường ổn định, nhất định sẽ bỏ trần lãi suất” mà Thống đốc đã nêu vẫn còn đó. Quan trọng hơn, nếu cơ chế trần tiếp tục kéo dài sẽ dẫn tới những hệ quả gì, bên cạnh giá trị tạo trật tự cho thị trường (hoặc có thể còn là một công cụ để thanh lọc hệ thống, một chốt chặn để hạn chế tình trạng lãi suất cho vay bị đẩy lên quá cao, hay do chưa có các công cụ quản lý khác hữu hiệu…)?
 
Một câu trả lời vui từ lãnh đạo một ngân hàng thương mại rằng: “Nếu tiếp tục áp cơ chế trần lãi suất huy động, báo chí các bạn sẽ còn rất nhiều chuyện để viết”.
 
Còn trên thực tế, một năm căng thẳng vừa qua cũng đã cho thấy có nhiều vấn đề đặt ra.
 
Thứ nhất là tình trạng vượt trần, lách trần trong phần lớn thời gian của năm 2011. Gần đây chính lãnh đạo ngân hàng lớn nói rằng có hiện tượng “tái xuất” và vẫn phức tạp. Phía sau đó vẫn còn quan ngại về rủi ro đạo đức và rủi ro nghiệp vụ trong hệ thống.
 
Thứ hai, cơ chế trần tiếp tục tồn tại đồng nghĩa với sự triệt tiêu cạnh tranh trong huy động vốn giữa các ngân hàng xét ở công cụ chủ yếu nhất. Từ đây, khó khăn thanh khoản do khó huy động vốn vẫn là nỗi ám ảnh đối với các ngân hàng nhỏ, mà thực tế thời gian qua đã được phản ánh ở sự dịch chuyển dòng tiền gửi bất lợi đối với họ.
 
Thứ ba, hệ lụy của sự dịch chuyển đó là mối liên hệ với thị trường liên ngân hàng. Bất cập cũng đã xẩy ra với cơ chế áp điều kiện thế chấp, bảo đảm tài sản lần đầu tiên nảy sinh, ảnh hưởng xấu tới môi trường và hạn chế vai trò của thị trường này trong điều hòa vốn cho hệ thống.
 
Thứ tư, áp trần lãi suất huy động, Ngân hàng Nhà nước chặn đầu vào nhưng “thả” đầu ra và năm 2011 dự kiến thị trường sẽ chứng kiến một sự gia tăng mạnh của tỷ lệ lãi biên trong các ngân hàng thương mại. Những tính toán gần đây của một số công ty chứng khoán cho thấy có những nhà băng thu chênh lệch lãi bình quân đạt tới 4,2%, thậm chí trên dưới 5% trong năm nay, trong khi liên tiếp 3 năm trước đó chỉ duy trì quanh 3%. Tất nhiên, một cái khó của các nhà băng là do năm nay không được đẩy mạnh tín dụng như những năm trước để có thể thực sự chia sẻ ở tỷ lệ này.
 
Như Thống đốc từng nhìn nhận, áp trần là một biện pháp hành chính cực chẳng đã, và sẽ bỏ khi thị trường ổn định. Như vậy, sau hơn một năm cùng với những vấn đề nảy sinh nói trên, liệu đời sống của cơ chế trần sẽ còn kéo dài đến bao lâu nữa? Và thị trường cần bao lâu nữa mới thực sự ổn định?
 
Theo Minh Đức
VnEconomy

Giá điện, sân golf, tắc đường... lên bàn nghị sự

Ngày đăng : 23/12/2011 - 3:26 PM
Giá điện rẻ không thể kêu gọi đầu tư, xin đầu tư thêm... sân golf hay bài toán giảm tắc đường ở Hà Nội và TP.HCM là những vấn đề chính được nêu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương sáng nay 23/12.
 

Sân golf “đắt hàng” không kém ở Singapore
 
Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Dương Anh Điền vò đầu trước bài toán chỉ tiêu kinh tế năm 2012 tới trong bối cảnh các ngành sản xuất chủ đạo của địa phương như xi măng, sắt thép, đóng tàu… do cắt giảm đầu tư, thị trường co lại, hàng tồn kho ứ đọng. Các DN của thành phố gặp rất nhiều khó khăn trong năm qua nhưng biện pháp hỗ trợ của nhà nước, ông Điền “phê” còn chậm và hiệu quả chưa cao.
Ông Điền cho rằng, hướng gỡ khả dĩ nhất cho năm sau trong bối cảnh vẫn phải cắt giảm đầu tư công, thắt chặt tiền tệ là huy động nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Nhưng Chủ tịch thành phố lớn thứ 2 miền Bắc bày tỏ rõ lo ngại: “DN nào trước khi vào đầu tư cũng hỏi “điện của các ông thế nào?”. Ông Điền lo cảnh thiếu điện như thời gian qua vì mỗi lần mất điện là thiệt hại khủng khiếp, mà cái hại lớn nhất là uy tín giảm rất lớn.
 
“Định hướng tái cấu trúc kinh tế đi theo hướng hiện đại công nghệ cao mà ko lo điện tốt thì rất khó khăn” – ông Điền cảnh báo.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng cũng ta thán về khả năng thu hút vốn trong năm tới vì cơ chế giá vẫn nhiều bất cập. Ồng Thắng chỉ ra: “Chúng ta giữ giá cả “bèo” quá thành ra không hấp dẫn được nhà đầu tư. Mời đầu tư điện nhưng giá bán điện như vậy. Đầu tư đường nhưng mức thu phí cũng quá thấp, không mong gì kêu gọi vốn được”.
 
Ông Thắng còn dẫn chứng, thủ tục chỉ định thầu, để lên được Thủ tướng để xin ý kiến cũng rất phức tạp. Có công trình hơn 1 năm qua vẫn chưa xong thủ tục.
 
Chủ tịch UBND huyện Bình Dương Lê Thanh Cung thì đi thẳng vào việc xin cơ chế để tiếp tục đầu tư sân golf.
 
Ông Cung cho hay, hiện nay Bình Dương đã có 3 sân gôn 18, 28 và 36 lỗ. Trong đó, tỉnh đã đưa vào sử dụng 2 sân và ngay lập tức bán hết sạch thẻ hội viên. Nhu cầu nhiều đến mức nếu ai đó muốn đến chơi là phải đăng ký trước cả tuần.
 
"Ở Bình Dương mà phát triển thêm từ 2 đến 3 sân nữa thì vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu trong khu vực", ông Cung phân trần.
 
Giải thích cho "đòi hỏi" có vẻ vô lý trong bối cảnh Chính phủ đang siết đầu tư sân golf, ông Cung cho rằng, Bình Dương có đặc thù là thu hút rất nhiều nhà đầu tư nên số lượng người chơi cũng đông hơn nơi khác. "Cuối tuần, không khí ở các sân golf Bình Dương không khác gì các sân lớn ở Singapore. Hàng trăm ô tô con xếp hàng dài. Nhìn quang cảnh đó rất hấp dẫn. Dù có phát triển thêm 2 đến 3 sân golf nữa cũng vẫn hiệu quả” – vị chủ tịch tỉnh khẳng định.
 
1-2 năm tới không thể hết tắc đường
 
Câu chuyện giải bài toán ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TPHCM được lãnh đạo 2 thành phố chia sẻ mở màn cho nội dung thảo luận tại Hội nghị Chính phủ mở rộng.
 
Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo xác nhận, một trong các điểm nóng bức xúc và là rào cản cho Thủ đô là ùn tắc giao thông mà nguyên nhân chủ yếu vì hạ tầng thấp kém và sự gia tăng quá mức phương tiện cá nhân. Tính đến cuối năm nay, Hà Nội có 4,1 triệu xe, trong đó có 3,7 triệu xe máy và 400 ngàn ô tô. Riêng 10 tháng đầu năm, đã có 40 nghìn ô tô được đăng ký mới.
 
Ông Thảo khẳng định, hạn chế phương tiện cá nhân chỉ là một phần. Vấn đề còn lại là hạ tầng. Do đó, ông đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan TƯ đẩy nhanh tiến độ di dời bệnh viện, trường học ra khỏi nội thành. Nghiêm túc thực hiện quy hoạch chung vừa được Thủ tướng phê duyệt và nghiên cứu quy định về hạn chế nhập cư.
 
Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân lại đề nghị Chính phủ xem xét lại yêu cầu… bất cập, phải giảm ùn tắc giao thông nhưng lại cho phép quá nhiều DN sản xuất xe máy.
 
Theo báo cáo của ông Quân, TP.HCM có 5,8 triệu phương tiện cá nhân gồm 5,2 triệu xe gắn máy, 600 nghìn ô tô. Tỷ lệ xe gắn máy ở đây chiếm tới 1/5 lượng xe của cả nước, ô tô chiếm tới 1/3. Trong khi diện tích đường xá chỉ chiếm 5% diện tích đường của cả nước.
 
Người đứng đầu thành phố lớn nhất cả nước thẳng thắn khẳng định: "Không có giải pháp nào ngăn chặn được, chỉ có huy động toàn xã hội, kết hợp biện pháp hành chính và kinh tế. Cũng không thể nào giải quyết trong 1 - 2 năm".
 
Theo P.Thảo
Dân trí

Tổng cục thống kê: Nhập siêu cả năm ước hơn 9,5 tỷ USD, giảm 25% so với 2011

Ngày đăng : 23/12/2011 - 11:09 AM

Riêng tháng 12, nhập siêu cả nước ước đạt 700 triệu USD, tăng gần 23% so với tháng trước.
 

 

 

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu tháng 12 xấp xỉ bằng tháng 11 với 8,9 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu trong tháng ước đạt 9,6 tỷ USD, tăng 2% so với tháng trước.

Do vậy, trong tháng, nhập siêu của cả nước ước đạt 700 triệu USD, tăng 23% so với tháng 11.

Lũy kế cả năm, kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước đạt hơn 96,26 tỷ USD, tăng 33% so với năm ngoái.

Những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn trong năm 2011 là dệt may (ước đạt 14 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2010); dầu thô (ước đạt 7,2 tỷ USD, tăng 46%); giày dép (ước 6,5 tỷ USD, tăng 27%)...

Về phía nhập khẩu, tổng kim ngạch cả năm ước đạt hơn 105,77 tỷ USD, tăng gần 25% so với năm trước.

Những mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn trong năm nay gồm máy móc, thiết bị (ước 15,2 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2010); xăng dầu (ước 9,9 tỷ USD, tăng 62%); điện tử, máy lạnh và linh kiện (ước 7,2 tỷ USD, tăng 39%); vải (ước 6,7 tỷ USD, tăng 26%)...

Như vậy, nhập siêu cả năm nước ta ước đạt hơn 9,5 tỷ USD, giảm gần 25% so với năm trước và chỉ bằng 9,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, so với mục tiêu đề ra là 16%.

 

Theo Tổng cục thống kê/DVT


 


Nhà đầu tư đang rút tiền khỏi khu vực Đông Nam Á

Ngày đăng : 23/12/2011 - 10:12 AM
Có dấu hiệu cho thấy dòng vốn đang rời khu vực châu Á tăng cao những ngày gần đây, đặc biệt với nhóm nước có thâm hụt sao.
 
Các chuyên gia kinh tế chỉ ra châu Á sẽ phải chịu nhiều tác động tồi tệ khi các ngân hàng châu Âu cố gắng thu hẹp hoạt động tại châu Á để hỗ trợ cho khách hàng tại châu Âu.
 
Hiện nhiều chuyên gia đang đưa ra lời cảnh báo về tác động của khủng hoảng châu Âu lên châu Á, đồng thời có dấu hiệu cho thấy dòng vốn đang rời khu vực châu Á tăng cao những ngày gần đây, đặc biệt với nhóm nước có thâm hụt sao.
 
Vài tháng gần đây, lượng vốn rút khỏi nhóm nước thuộc khu vực Đông Nam Á đang tăng cao hơn bởi nhà đầu tư nước ngoài giảm nắm giữ trái phiếu đồng nội tệ của nhiều nước trong khu vực.
 
Ví dụ tại Indonexia, lượng sở hữu trái phiếu chính phủ đồng nội tệ đã giảm 51% trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 11/2011 (theo số liệu từ JP Morgan Chase). Đồng nội tệ của Indonexia đã giảm tới 7% so với đồng USD.
 
Tại Thái Lan, nhà đầu tư nước ngoài giảm sở hữu trái phiếu đồng bath, mức sụt lên tới 24% trong cùng kỳ.
 
Trong báo cáo quý gần đây, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) nhấn mạnh châu Á dễ chịu tác động nhất từ khả năng dòng vốn bị rút đi đột ngột bởi tiền từ các ngân hàng nước ngoài chủ yếu đến từ hoạt động cho vay liên biên giới chứ không phải hoạt động tín dụng nội địa.
 
Ngoài ra, châu Á dễ chịu tổn thương bởi ngân hàng châu Âu hiện chiếm khoảng 40% thương mại tài chính tại nhóm nước mới nổi châu Á.
 
Theo Minh Ngọc
TTVN/FT

Số người xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ thấp nhất từ tháng 4/2008

Ngày đăng : 23/12/2011 - 1:25 AM

Việc số lượng người thất nghiệp liên tục giảm đã cho thấy sự phục hồi của thị trường lao động Mỹ.

 

 

Theo Bộ Lao động Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc vào 17/12 là 364.000, giảm 4.000 đơn so với tuần trước đó.

Đây được coi là mức thất nghiệp thấp nhất tại Mỹ tính theo tuần kể từ tháng 4/2008.

Tuần trước đó, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ là 368.000, thấp nhất trong 3,5 năm. Trong tháng 11, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ cũng chỉ là 8,6%, thấp nhất trong 2,5 năm.

Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) trong tuần trước nhận xét, thị trường lao động Mỹ đã có một sự cải thiện đáng kể, nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao, do đó cần thêm nhiều biện pháp nữa để giúp nền kinh tế phục hồi.

Tính đến 3/12, đã có tổng cộng 7,15 triệu người Mỹ được trợ cấp thất nghiệp theo tất cả các chương trình.

 

Theo DVT/Reuteurs


 

Tin mới cập nhật