Giá điện, sân golf, tắc đường... lên bàn nghị sự

Ngày đăng : 23/12/2011 - 3:26 PM
Giá điện rẻ không thể kêu gọi đầu tư, xin đầu tư thêm... sân golf hay bài toán giảm tắc đường ở Hà Nội và TP.HCM là những vấn đề chính được nêu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương sáng nay 23/12.
 

Sân golf “đắt hàng” không kém ở Singapore
 
Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Dương Anh Điền vò đầu trước bài toán chỉ tiêu kinh tế năm 2012 tới trong bối cảnh các ngành sản xuất chủ đạo của địa phương như xi măng, sắt thép, đóng tàu… do cắt giảm đầu tư, thị trường co lại, hàng tồn kho ứ đọng. Các DN của thành phố gặp rất nhiều khó khăn trong năm qua nhưng biện pháp hỗ trợ của nhà nước, ông Điền “phê” còn chậm và hiệu quả chưa cao.
Ông Điền cho rằng, hướng gỡ khả dĩ nhất cho năm sau trong bối cảnh vẫn phải cắt giảm đầu tư công, thắt chặt tiền tệ là huy động nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Nhưng Chủ tịch thành phố lớn thứ 2 miền Bắc bày tỏ rõ lo ngại: “DN nào trước khi vào đầu tư cũng hỏi “điện của các ông thế nào?”. Ông Điền lo cảnh thiếu điện như thời gian qua vì mỗi lần mất điện là thiệt hại khủng khiếp, mà cái hại lớn nhất là uy tín giảm rất lớn.
 
“Định hướng tái cấu trúc kinh tế đi theo hướng hiện đại công nghệ cao mà ko lo điện tốt thì rất khó khăn” – ông Điền cảnh báo.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng cũng ta thán về khả năng thu hút vốn trong năm tới vì cơ chế giá vẫn nhiều bất cập. Ồng Thắng chỉ ra: “Chúng ta giữ giá cả “bèo” quá thành ra không hấp dẫn được nhà đầu tư. Mời đầu tư điện nhưng giá bán điện như vậy. Đầu tư đường nhưng mức thu phí cũng quá thấp, không mong gì kêu gọi vốn được”.
 
Ông Thắng còn dẫn chứng, thủ tục chỉ định thầu, để lên được Thủ tướng để xin ý kiến cũng rất phức tạp. Có công trình hơn 1 năm qua vẫn chưa xong thủ tục.
 
Chủ tịch UBND huyện Bình Dương Lê Thanh Cung thì đi thẳng vào việc xin cơ chế để tiếp tục đầu tư sân golf.
 
Ông Cung cho hay, hiện nay Bình Dương đã có 3 sân gôn 18, 28 và 36 lỗ. Trong đó, tỉnh đã đưa vào sử dụng 2 sân và ngay lập tức bán hết sạch thẻ hội viên. Nhu cầu nhiều đến mức nếu ai đó muốn đến chơi là phải đăng ký trước cả tuần.
 
"Ở Bình Dương mà phát triển thêm từ 2 đến 3 sân nữa thì vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu trong khu vực", ông Cung phân trần.
 
Giải thích cho "đòi hỏi" có vẻ vô lý trong bối cảnh Chính phủ đang siết đầu tư sân golf, ông Cung cho rằng, Bình Dương có đặc thù là thu hút rất nhiều nhà đầu tư nên số lượng người chơi cũng đông hơn nơi khác. "Cuối tuần, không khí ở các sân golf Bình Dương không khác gì các sân lớn ở Singapore. Hàng trăm ô tô con xếp hàng dài. Nhìn quang cảnh đó rất hấp dẫn. Dù có phát triển thêm 2 đến 3 sân golf nữa cũng vẫn hiệu quả” – vị chủ tịch tỉnh khẳng định.
 
1-2 năm tới không thể hết tắc đường
 
Câu chuyện giải bài toán ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TPHCM được lãnh đạo 2 thành phố chia sẻ mở màn cho nội dung thảo luận tại Hội nghị Chính phủ mở rộng.
 
Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo xác nhận, một trong các điểm nóng bức xúc và là rào cản cho Thủ đô là ùn tắc giao thông mà nguyên nhân chủ yếu vì hạ tầng thấp kém và sự gia tăng quá mức phương tiện cá nhân. Tính đến cuối năm nay, Hà Nội có 4,1 triệu xe, trong đó có 3,7 triệu xe máy và 400 ngàn ô tô. Riêng 10 tháng đầu năm, đã có 40 nghìn ô tô được đăng ký mới.
 
Ông Thảo khẳng định, hạn chế phương tiện cá nhân chỉ là một phần. Vấn đề còn lại là hạ tầng. Do đó, ông đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan TƯ đẩy nhanh tiến độ di dời bệnh viện, trường học ra khỏi nội thành. Nghiêm túc thực hiện quy hoạch chung vừa được Thủ tướng phê duyệt và nghiên cứu quy định về hạn chế nhập cư.
 
Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân lại đề nghị Chính phủ xem xét lại yêu cầu… bất cập, phải giảm ùn tắc giao thông nhưng lại cho phép quá nhiều DN sản xuất xe máy.
 
Theo báo cáo của ông Quân, TP.HCM có 5,8 triệu phương tiện cá nhân gồm 5,2 triệu xe gắn máy, 600 nghìn ô tô. Tỷ lệ xe gắn máy ở đây chiếm tới 1/5 lượng xe của cả nước, ô tô chiếm tới 1/3. Trong khi diện tích đường xá chỉ chiếm 5% diện tích đường của cả nước.
 
Người đứng đầu thành phố lớn nhất cả nước thẳng thắn khẳng định: "Không có giải pháp nào ngăn chặn được, chỉ có huy động toàn xã hội, kết hợp biện pháp hành chính và kinh tế. Cũng không thể nào giải quyết trong 1 - 2 năm".
 
Theo P.Thảo
Dân trí

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

Tổng cục thống kê: Nhập siêu cả năm ước hơn 9,5 tỷ USD, giảm 25% so với 2011

Ngày đăng : 23/12/2011 - 11:09 AM

Riêng tháng 12, nhập siêu cả nước ước đạt 700 triệu USD, tăng gần 23% so với tháng trước.
 

 

 

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu tháng 12 xấp xỉ bằng tháng 11 với 8,9 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu trong tháng ước đạt 9,6 tỷ USD, tăng 2% so với tháng trước.

Do vậy, trong tháng, nhập siêu của cả nước ước đạt 700 triệu USD, tăng 23% so với tháng 11.

Lũy kế cả năm, kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước đạt hơn 96,26 tỷ USD, tăng 33% so với năm ngoái.

Những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn trong năm 2011 là dệt may (ước đạt 14 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2010); dầu thô (ước đạt 7,2 tỷ USD, tăng 46%); giày dép (ước 6,5 tỷ USD, tăng 27%)...

Về phía nhập khẩu, tổng kim ngạch cả năm ước đạt hơn 105,77 tỷ USD, tăng gần 25% so với năm trước.

Những mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn trong năm nay gồm máy móc, thiết bị (ước 15,2 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2010); xăng dầu (ước 9,9 tỷ USD, tăng 62%); điện tử, máy lạnh và linh kiện (ước 7,2 tỷ USD, tăng 39%); vải (ước 6,7 tỷ USD, tăng 26%)...

Như vậy, nhập siêu cả năm nước ta ước đạt hơn 9,5 tỷ USD, giảm gần 25% so với năm trước và chỉ bằng 9,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, so với mục tiêu đề ra là 16%.

 

Theo Tổng cục thống kê/DVT


 


Nhà đầu tư đang rút tiền khỏi khu vực Đông Nam Á

Ngày đăng : 23/12/2011 - 10:12 AM
Có dấu hiệu cho thấy dòng vốn đang rời khu vực châu Á tăng cao những ngày gần đây, đặc biệt với nhóm nước có thâm hụt sao.
 
Các chuyên gia kinh tế chỉ ra châu Á sẽ phải chịu nhiều tác động tồi tệ khi các ngân hàng châu Âu cố gắng thu hẹp hoạt động tại châu Á để hỗ trợ cho khách hàng tại châu Âu.
 
Hiện nhiều chuyên gia đang đưa ra lời cảnh báo về tác động của khủng hoảng châu Âu lên châu Á, đồng thời có dấu hiệu cho thấy dòng vốn đang rời khu vực châu Á tăng cao những ngày gần đây, đặc biệt với nhóm nước có thâm hụt sao.
 
Vài tháng gần đây, lượng vốn rút khỏi nhóm nước thuộc khu vực Đông Nam Á đang tăng cao hơn bởi nhà đầu tư nước ngoài giảm nắm giữ trái phiếu đồng nội tệ của nhiều nước trong khu vực.
 
Ví dụ tại Indonexia, lượng sở hữu trái phiếu chính phủ đồng nội tệ đã giảm 51% trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 11/2011 (theo số liệu từ JP Morgan Chase). Đồng nội tệ của Indonexia đã giảm tới 7% so với đồng USD.
 
Tại Thái Lan, nhà đầu tư nước ngoài giảm sở hữu trái phiếu đồng bath, mức sụt lên tới 24% trong cùng kỳ.
 
Trong báo cáo quý gần đây, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) nhấn mạnh châu Á dễ chịu tác động nhất từ khả năng dòng vốn bị rút đi đột ngột bởi tiền từ các ngân hàng nước ngoài chủ yếu đến từ hoạt động cho vay liên biên giới chứ không phải hoạt động tín dụng nội địa.
 
Ngoài ra, châu Á dễ chịu tổn thương bởi ngân hàng châu Âu hiện chiếm khoảng 40% thương mại tài chính tại nhóm nước mới nổi châu Á.
 
Theo Minh Ngọc
TTVN/FT

Số người xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ thấp nhất từ tháng 4/2008

Ngày đăng : 23/12/2011 - 1:25 AM

Việc số lượng người thất nghiệp liên tục giảm đã cho thấy sự phục hồi của thị trường lao động Mỹ.

 

 

Theo Bộ Lao động Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc vào 17/12 là 364.000, giảm 4.000 đơn so với tuần trước đó.

Đây được coi là mức thất nghiệp thấp nhất tại Mỹ tính theo tuần kể từ tháng 4/2008.

Tuần trước đó, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ là 368.000, thấp nhất trong 3,5 năm. Trong tháng 11, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ cũng chỉ là 8,6%, thấp nhất trong 2,5 năm.

Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) trong tuần trước nhận xét, thị trường lao động Mỹ đã có một sự cải thiện đáng kể, nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao, do đó cần thêm nhiều biện pháp nữa để giúp nền kinh tế phục hồi.

Tính đến 3/12, đã có tổng cộng 7,15 triệu người Mỹ được trợ cấp thất nghiệp theo tất cả các chương trình.

 

Theo DVT/Reuteurs


Đang kiểm tra tiền lương, thu nhập tại 25 đơn vị thuộc EVN

Ngày đăng : 22/12/2011 - 7:29 PM

Nguồn tin từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, bộ này đang tiến hành kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật lao động về tiền lương, thu nhập tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và một số đơn vị trực thuộc.

Theo đó, sẽ có khoảng 25 đơn vị, bao gồm trụ sở EVN, các tổng công ty, công ty truyền tải và phân phối điện nằm trong diện kiểm tra này.

Đoàn kiểm tra của Bộ sẽ chia làm hai nhóm, làm việc từ 1 đến 3 ngày tại mỗi đơn vị nằm trong danh sách kiểm tra.

Nội dung kiểm tra tập trung vào tình hình sản xuất kinh doanh, tình hình sử dụng lao động, đặc biệt là sẽ xác định đơn giá tiền lương, các khoản có tính chất lương không tính trong đơn giá và các khoản thu nhập khác của người lao động nói chung và viên chức quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp nói riêng.

Trao đổi với VnEconomy chiều 22/12, lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, dự kiến giữa tháng 1/2012, đoàn công tác của cơ quan này sẽ kết thúc đợt kiểm tra và sẽ có báo cáo chính thức về tình hình thực hiện pháp luật lao động, lương thưởng tại EVN.

Nếu phát hiện vi phạm pháp luật lao động tại tập đoàn này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ thực hiện các biện pháp xử lý vi phạm, đồng thời sẽ có những kiến nghị sửa đổi, cũng như hướng dẫn doanh nghiệp khắc phục.

Trước đó, kết luận thanh tra tài chính năm 2010 tại EVN của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, thu nhập bình quân toàn công ty mẹ - EVN là 13,7 triệu đồng/tháng, bình quân khối phân phối điện là 7,9 triệu đồng/tháng, khối truyền tải là 10,8 triệu đồng/tháng. Cán bộ khối văn phòng của tập đoàn này có lương gấp đôi khối làm việc trực tiếp, tức là gần 30 triệu đồng/tháng.



Theo Nam Anh
VnEconomy


Thống đốc NHNN: Cuối năm 2012, lãi suất sẽ hạ xuống quanh 10%/năm nếu lạm phát về dưới 10%

Ngày đăng : 22/12/2011 - 5:25 PM

Tiếp tục chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt và kéo lãi suất huy xuống quanh mức 10%/năm là mục tiêu chính mà Thống đốc NHNN đặt ra trong năm 2012.

 

 

 

Ngoài ra, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng khẳng định tiếp tục siết lại kỷ cương ngân hàng, quản lý thị trường vàng và tìm “đòn bẩy” cho thị trường chứng khoán vốn đìu hiu trong năm vừa qua.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình trả lời báo chí tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012 sáng 22/12:

Việc điều hành chính sách tiền tệ thực hiện như thế nào để đáp ứng được những mục tiêu của năm tới?

Điều hành kinh tế năm 2012 vẫn theo hướng ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu trọng tâm. Xuất phát từ tinh thần đó, điều hành chính sách tiền tệ của NHNN vẫn theo hướng chặt chẽ nhưng mức độ linh hoạt, chủ động được nâng cao lên để có thể đáp ứng mọi diễn biến trong năm 2012.

Chúng ta vẫn coi đây là 1 năm kinh tế thế giới cũng như trong nước sẽ có diễn biến hết sức phức tạp. Từ định hướng chung như vậy, chúng tôi thấy, về lĩnh vực tín dụng, như vừa rồi Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã nói - tăng trưởng tín dụng của VN là 12% trong năm 2011, năm 2012 chúng tôi quyết định đưa mức tăng trưởng tín dụng chung lên 15-17%.

Theo tính toán của chúng tôi ở mức như thế mới phù hợp với mức tăng trưởng 6-6,5% và mới có điều kiện đưa lạm phát về 1 con số trong 2012.

Năm 2011, tăng trưởng tín dụng chỉ 12%, ưu tiên cho các lĩnh vực sản xuất như nông nghiệp. Có những thời điểm tín dụng cho nông nghiệp tăng đến 30% nhưng trung bình, do tính chất thời vụ nên mức chung chỉ là 25%. Đặc biệt tín dụng ngân hàng vừa rồi dành cho lĩnh vực xuất khẩu rất lớn, trung bình ở mức 30-35% nhưng đến cuối năm nay mức tăng trưởng tập trung cho lĩnh vực này tới 58%. Các lĩnh vực khác, tốc độ có thể thấp hơn nhưng nhìn chung cho toàn bộ khối sản xuất là 15,7%.

Lĩnh vực phi sản xuất có cái giảm đáng kể, đều giảm trên 20%. Như vậy nền kinh tế của ta ưu tiên vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Từ những kết quả đó, dự kiến cũng có những chính sách tương tự nhưng ở mức độ linh hoạt hơn trong năm 2012.

Điểm mới cơ bản là bất động sản và các lĩnh vực phi sản xuất khác, chúng tôi có quy định tỷ lệ nhất định với các tổ chức tín dụng, khác nhau với từng tổ chức để phù hợp với điều kiện hoạt động cũng như tình hình tài chính của các tổ chức tín dụng đó.

Năm nay chúng tôi có bỏ ra một số đối tượng đặc biệt liên quan đến bất động sản như xây nhà ở mà hoàn thành trong năm 2012, đặc biệt ưu tiên nhà ở xây dựng cho người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp. Đặc biệt, xây dựng ký túc xá cho sinh viên, nhà trọ cho công nhân các khu công nghiệp hoặc xây dựng lại khu định cư của các thành phố khi giải tỏ mặt bằng…Những đối tượng đó được loại ra khỏi nhóm phi sản xuất.

Đối tượng thứ 2 trong lĩnh vực này là đối tượng cho vay mua nhà để ở của người có thu nhập trung bình và thấp vì có cho vay được cái này mới giải phóng được hàng tồn kho trong thị trường bất động sản.

Hiện cũng có một số ý kiến nói rằng thị trường chứng khoán đang có bước đi xuống. Chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán để có cách cải thiện phần nào thị trường.

Vậy điều ông lo ngại nhất trong hoạt động điều hành NH năm 2012?

Điều lo ngại nhất chúng tôi cho rằng là làm thế nào để hạ mặt bằng lãi suất. Đây là điều thực sự còn rất nhiều trăn trở vì một mặt lãi suất dù có xuống nhưng lúc nào cũng vẫn ở thế rình rập. Và như Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã nói, lạm phát là chiều hướng chung của tất cả các nước trên thế giới, trong cả khu vực, không loại trừ Việt Nam.

Nguy cơ lạm phát vẫn rất hiện hữu trong khi chúng ta phải cố gắng làm sao để hạ lãi suất xuống. Cân đối được cái đó là bài toán rất khó đối với NHNN. Lúc nào là lúc có thể hạ, hạ ở mức độ bao nhiêu. Điều hành chung, dù kinh tế vĩ mô vẫn chưa đầy đủ điều kiện để áp dụng mô hình “lạm phát mục tiêu” nhưng chúng tôi cũng lấy mục tiêu khống chế lạm phát dưới 10% làm căn cứ cho việc điều hành chính sách tiền tệ năm 2012. Nếu thực hiện được mục tiêu đặt ra, chúng tôi cho rằng lãi suất huy động cuối năm tới trong hệ thống ngân hàng cũng chỉ dao động trong khoảng 10%.

Năm vừa qua, nhiều ý kiến lo ngại về kỷ cương trong hệ thống ngân hàng như chuyện lãi suất vượt trần 14%, tỷ giá niêm yết 1 đằng, giao dịch 1 nẻo. Thống đốc xử lý việc này thế nào?

Kỷ cương thị trường là vấn đề yếu trong hệ thống ngân hàng cũng như thị trường tiền tệ, ngoại hối của Việt Nam nói chung trong thời gian qua. Năm vừa rồi chúng tôi đã đi được 1 bước trong việc củng cố và trấn chỉnh kỷ cương này. Với kết quả ban đầu, những nỗ lực, khung pháp lý, có cái đã ban hành sẽ tạo điều kiện thuận lợi để làm cho việc kỷ cương thị trường trong năm tới sẽ tốt hơn.

Cũng có 1 yếu tố mà chúng tôi cho rằng từ kết quả, kinh nghiệm của năm 2011 chúng ta thấy, nếu làm cho tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng ko nóng nữa thì cạnh tranh trong hệ thống ngân hàng bớt căng thẳng đi, từ đó sẽ bớt những hoạt động không lành mạnh, cũng sẽ góp phần điều tiết thị trường trong thời gian tới. Nhìn chung tất cả các kỷ cương kỷ luật sẽ được siết để đạt kết quả to lớn hơn trong năm tới. Chúng tôi cũng mong muốn 2012, riêng thị trường vàng sẽ có bước tiến hết sức cơ bản để làm sao ổn định được thị trường vàng và cũng bước đầu trong lộ trình 5 năm của chúng tôi về việc chống đô la hóa và hạn chế chi tiêu tiền mặt.

Với thị trường vàng, mình đã tiến hành bán vàng bình ổn và tiến tới thống nhất 1 thương hiệu vàng miếng do NHNN nắm giữ nhưng có vẻ như sau một thời gian có sự thu hẹp khoảng cách giá thế giới và trong nước, hiện giờ khoảng cách này lại tăng rất cao. Có thể có 1 phần tâm lý do thương hiệu SJC trong khi các ngân hàng cũng bỏ ra 1 lượng vàng rất lớn để bình ổn nhưng các biện pháp chưa tỏ ra hiệu quả trong thời gian vừa rồi?

Đúng thế. Chúng ta cũng thấy rằng ta có tiến bộ ban đầu để tạo ra 1 hình hài cho việc điều hành trong thời gian tới. Chúng tôi còn phải ban hành ít nhất 2 văn bản quy phạm pháp luật quan trọng là nghị định về việc sản xuất kinh doanh vàng. Mặc dù chúng ta đã đề ra trong năm vừa qua nhưng đến nay cũng vẫn chưa ban hành được.

Thời gian tới Chính phủ ban hành Nghị định này thì sẽ có thêm công cụ quan trọng để bình ổn thị trường vàng. Sau đó, NHNN sẽ xây dựng và ban hành quy chế về huy động vàng trong nền kinh tế. Chúng tôi cho rằng với 3 công cụ là Nghị định về việc sản xuất kinh doanh vàng, Nghị định về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực này (nghị định 95 đã ban hành) cộng với Quy chế huy động vàng sẽ là điểm quan trọng góp phần bình ổn thị trường vàng. Còn vừa qua chúng ta mới thử nghiệm cơ chế này, dùng đúng lực lượng của thị trường để thử nghiệm nên ta thấy nó có kết quả vì đây là dùng lực lượng thị trường nên chưa thể đi vào nề nếp và cuộc sống như mong muốn.

Việc ngân hàng bán vàng bình ổn nhưng cơ chế tài khoản cũng chưa thực sự yên tâm?

Việc bán vàng ra, trong năm vừa rồi có diễn biến, giá vàng thế giới thời gian vừa qua rớt nhanh quá. Do vậy, những người dân đã mua vào trước đây không muốn bán ra vì lỗ. Vì vậy tâm lý ko bán vàng ra, những người chưa mua thì cũng mua vào nên làm cho cung cầu có sự bất ổn.

Trong khi đó vì 3 cơ chế đã nói ở trên dù đã thử nghiệm nhưng chưa đầy đủ mọi khả năng của nó nên lượng bán có thể bán ra cũng vẫn đang ở mức cầm chừng. Vậy nên khi có đầy đủ các 3 văn bản, đầy đủ môi trường pháp lý thuận lợi người ta sẽ tham gia thị trường mạnh mẽ hơn nữa dưới sự điều hành của NHNN.

 


Theo P.Thảo

 Dân trí

 


 

Tin mới cập nhật