Thống đốc NHNN: Cuối năm 2012, lãi suất sẽ hạ xuống quanh 10%/năm nếu lạm phát về dưới 10%

Ngày đăng : 22/12/2011 - 5:25 PM

Tiếp tục chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt và kéo lãi suất huy xuống quanh mức 10%/năm là mục tiêu chính mà Thống đốc NHNN đặt ra trong năm 2012.

 

 

 

Ngoài ra, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng khẳng định tiếp tục siết lại kỷ cương ngân hàng, quản lý thị trường vàng và tìm “đòn bẩy” cho thị trường chứng khoán vốn đìu hiu trong năm vừa qua.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình trả lời báo chí tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012 sáng 22/12:

Việc điều hành chính sách tiền tệ thực hiện như thế nào để đáp ứng được những mục tiêu của năm tới?

Điều hành kinh tế năm 2012 vẫn theo hướng ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu trọng tâm. Xuất phát từ tinh thần đó, điều hành chính sách tiền tệ của NHNN vẫn theo hướng chặt chẽ nhưng mức độ linh hoạt, chủ động được nâng cao lên để có thể đáp ứng mọi diễn biến trong năm 2012.

Chúng ta vẫn coi đây là 1 năm kinh tế thế giới cũng như trong nước sẽ có diễn biến hết sức phức tạp. Từ định hướng chung như vậy, chúng tôi thấy, về lĩnh vực tín dụng, như vừa rồi Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã nói - tăng trưởng tín dụng của VN là 12% trong năm 2011, năm 2012 chúng tôi quyết định đưa mức tăng trưởng tín dụng chung lên 15-17%.

Theo tính toán của chúng tôi ở mức như thế mới phù hợp với mức tăng trưởng 6-6,5% và mới có điều kiện đưa lạm phát về 1 con số trong 2012.

Năm 2011, tăng trưởng tín dụng chỉ 12%, ưu tiên cho các lĩnh vực sản xuất như nông nghiệp. Có những thời điểm tín dụng cho nông nghiệp tăng đến 30% nhưng trung bình, do tính chất thời vụ nên mức chung chỉ là 25%. Đặc biệt tín dụng ngân hàng vừa rồi dành cho lĩnh vực xuất khẩu rất lớn, trung bình ở mức 30-35% nhưng đến cuối năm nay mức tăng trưởng tập trung cho lĩnh vực này tới 58%. Các lĩnh vực khác, tốc độ có thể thấp hơn nhưng nhìn chung cho toàn bộ khối sản xuất là 15,7%.

Lĩnh vực phi sản xuất có cái giảm đáng kể, đều giảm trên 20%. Như vậy nền kinh tế của ta ưu tiên vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Từ những kết quả đó, dự kiến cũng có những chính sách tương tự nhưng ở mức độ linh hoạt hơn trong năm 2012.

Điểm mới cơ bản là bất động sản và các lĩnh vực phi sản xuất khác, chúng tôi có quy định tỷ lệ nhất định với các tổ chức tín dụng, khác nhau với từng tổ chức để phù hợp với điều kiện hoạt động cũng như tình hình tài chính của các tổ chức tín dụng đó.

Năm nay chúng tôi có bỏ ra một số đối tượng đặc biệt liên quan đến bất động sản như xây nhà ở mà hoàn thành trong năm 2012, đặc biệt ưu tiên nhà ở xây dựng cho người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp. Đặc biệt, xây dựng ký túc xá cho sinh viên, nhà trọ cho công nhân các khu công nghiệp hoặc xây dựng lại khu định cư của các thành phố khi giải tỏ mặt bằng…Những đối tượng đó được loại ra khỏi nhóm phi sản xuất.

Đối tượng thứ 2 trong lĩnh vực này là đối tượng cho vay mua nhà để ở của người có thu nhập trung bình và thấp vì có cho vay được cái này mới giải phóng được hàng tồn kho trong thị trường bất động sản.

Hiện cũng có một số ý kiến nói rằng thị trường chứng khoán đang có bước đi xuống. Chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán để có cách cải thiện phần nào thị trường.

Vậy điều ông lo ngại nhất trong hoạt động điều hành NH năm 2012?

Điều lo ngại nhất chúng tôi cho rằng là làm thế nào để hạ mặt bằng lãi suất. Đây là điều thực sự còn rất nhiều trăn trở vì một mặt lãi suất dù có xuống nhưng lúc nào cũng vẫn ở thế rình rập. Và như Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã nói, lạm phát là chiều hướng chung của tất cả các nước trên thế giới, trong cả khu vực, không loại trừ Việt Nam.

Nguy cơ lạm phát vẫn rất hiện hữu trong khi chúng ta phải cố gắng làm sao để hạ lãi suất xuống. Cân đối được cái đó là bài toán rất khó đối với NHNN. Lúc nào là lúc có thể hạ, hạ ở mức độ bao nhiêu. Điều hành chung, dù kinh tế vĩ mô vẫn chưa đầy đủ điều kiện để áp dụng mô hình “lạm phát mục tiêu” nhưng chúng tôi cũng lấy mục tiêu khống chế lạm phát dưới 10% làm căn cứ cho việc điều hành chính sách tiền tệ năm 2012. Nếu thực hiện được mục tiêu đặt ra, chúng tôi cho rằng lãi suất huy động cuối năm tới trong hệ thống ngân hàng cũng chỉ dao động trong khoảng 10%.

Năm vừa qua, nhiều ý kiến lo ngại về kỷ cương trong hệ thống ngân hàng như chuyện lãi suất vượt trần 14%, tỷ giá niêm yết 1 đằng, giao dịch 1 nẻo. Thống đốc xử lý việc này thế nào?

Kỷ cương thị trường là vấn đề yếu trong hệ thống ngân hàng cũng như thị trường tiền tệ, ngoại hối của Việt Nam nói chung trong thời gian qua. Năm vừa rồi chúng tôi đã đi được 1 bước trong việc củng cố và trấn chỉnh kỷ cương này. Với kết quả ban đầu, những nỗ lực, khung pháp lý, có cái đã ban hành sẽ tạo điều kiện thuận lợi để làm cho việc kỷ cương thị trường trong năm tới sẽ tốt hơn.

Cũng có 1 yếu tố mà chúng tôi cho rằng từ kết quả, kinh nghiệm của năm 2011 chúng ta thấy, nếu làm cho tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng ko nóng nữa thì cạnh tranh trong hệ thống ngân hàng bớt căng thẳng đi, từ đó sẽ bớt những hoạt động không lành mạnh, cũng sẽ góp phần điều tiết thị trường trong thời gian tới. Nhìn chung tất cả các kỷ cương kỷ luật sẽ được siết để đạt kết quả to lớn hơn trong năm tới. Chúng tôi cũng mong muốn 2012, riêng thị trường vàng sẽ có bước tiến hết sức cơ bản để làm sao ổn định được thị trường vàng và cũng bước đầu trong lộ trình 5 năm của chúng tôi về việc chống đô la hóa và hạn chế chi tiêu tiền mặt.

Với thị trường vàng, mình đã tiến hành bán vàng bình ổn và tiến tới thống nhất 1 thương hiệu vàng miếng do NHNN nắm giữ nhưng có vẻ như sau một thời gian có sự thu hẹp khoảng cách giá thế giới và trong nước, hiện giờ khoảng cách này lại tăng rất cao. Có thể có 1 phần tâm lý do thương hiệu SJC trong khi các ngân hàng cũng bỏ ra 1 lượng vàng rất lớn để bình ổn nhưng các biện pháp chưa tỏ ra hiệu quả trong thời gian vừa rồi?

Đúng thế. Chúng ta cũng thấy rằng ta có tiến bộ ban đầu để tạo ra 1 hình hài cho việc điều hành trong thời gian tới. Chúng tôi còn phải ban hành ít nhất 2 văn bản quy phạm pháp luật quan trọng là nghị định về việc sản xuất kinh doanh vàng. Mặc dù chúng ta đã đề ra trong năm vừa qua nhưng đến nay cũng vẫn chưa ban hành được.

Thời gian tới Chính phủ ban hành Nghị định này thì sẽ có thêm công cụ quan trọng để bình ổn thị trường vàng. Sau đó, NHNN sẽ xây dựng và ban hành quy chế về huy động vàng trong nền kinh tế. Chúng tôi cho rằng với 3 công cụ là Nghị định về việc sản xuất kinh doanh vàng, Nghị định về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực này (nghị định 95 đã ban hành) cộng với Quy chế huy động vàng sẽ là điểm quan trọng góp phần bình ổn thị trường vàng. Còn vừa qua chúng ta mới thử nghiệm cơ chế này, dùng đúng lực lượng của thị trường để thử nghiệm nên ta thấy nó có kết quả vì đây là dùng lực lượng thị trường nên chưa thể đi vào nề nếp và cuộc sống như mong muốn.

Việc ngân hàng bán vàng bình ổn nhưng cơ chế tài khoản cũng chưa thực sự yên tâm?

Việc bán vàng ra, trong năm vừa rồi có diễn biến, giá vàng thế giới thời gian vừa qua rớt nhanh quá. Do vậy, những người dân đã mua vào trước đây không muốn bán ra vì lỗ. Vì vậy tâm lý ko bán vàng ra, những người chưa mua thì cũng mua vào nên làm cho cung cầu có sự bất ổn.

Trong khi đó vì 3 cơ chế đã nói ở trên dù đã thử nghiệm nhưng chưa đầy đủ mọi khả năng của nó nên lượng bán có thể bán ra cũng vẫn đang ở mức cầm chừng. Vậy nên khi có đầy đủ các 3 văn bản, đầy đủ môi trường pháp lý thuận lợi người ta sẽ tham gia thị trường mạnh mẽ hơn nữa dưới sự điều hành của NHNN.

 


Theo P.Thảo

 Dân trí

 

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

"Năm 2012 không thể chủ quan, phấn đấu kéo lạm phát còn 9%"

Ngày đăng : 22/12/2011 - 5:15 PM

Phát biểu trước phiên thảo luận về KT- XH sáng (22/12), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, "năm 2012 không thể chủ quan. Kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc. Vẫn còn khả năng lạm phát cao sẽ quay trở lại".

 

 

 

Chủ trì hội nghị triển khai công việc với các tỉnh và bộ ngành, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trực tiếp nêu các nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung năm tới.

Bội chi đã giảm so với nhiều năm

Thủ tướng khẳng định, phải thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn trong nước và quốc tế sẽ tác động đến tình hình kinh tế - xã hội của năm 2012.

Theo đó, trên thế giới, tình hình đang diễn biến rất khó lường và cũng rất khó để dự báo chính xác. Như dự báo chung của các tổ chức tài chính quốc tế, kinh tế thế giới 2012 sẽ khó khăn hơn, tốc độ tăng trưởng sẽ thấp hơn năm 2011. Trong khi đó, vẫn chưa thể biết tác động của khủng hoảng nợ công như thế nào và ảnh hưởng đến đâu.

Thủ tướng lưu ý, tình hình kinh tế thế giới tăng chậm lại như vậy sẽ tác động trực tiếp đến Việt Nam. Xuất khẩu và đầu tư nước ngoài đều sẽ gặp khó.

Tình hình trong nước cũng có nhiều diễn biến khác nhau

Theo Thủ tướng, năm 2011 Chính phủ đã thực hiện được nhiều nhiệm vụ, chẳng hạn kiềm chế lạm phát. CPI tháng 12 tăng 0,53%. Như vậy, tính chung cả năm, chỉ số lạm phát được kiềm chế ở mức 18%. Chỉ số giá như vậy cũng cho thấy, trong sáu tháng liên tục, Chính phủ đã kiềm chế được lạm phát như mục tiêu đề ra và đây sẽ là đà để tiếp tục kiểm soát lạm phát năm tới. Chỉ số nhập siêu năm nay ở mức 10%, thấp nhất trong nhiều năm qua.

Bội chi ngân sách cũng giảm so với nhiều năm, ở mức 4,9% GDP. Tỷ giá cơ bản đã giữ được ổn định. Lãi suất cũng theo chiều hướng giảm. Tăng trưởng kinh tế cũng xấp xỉ khoảng 6%, như dự báo. An sinh và phúc lợi xã hội cũng được đảm bảo. Tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm. Chính phủ tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, đảm bảo quốc phòng an ninh, đối ngoại.

Kéo lạm phát xuống 9%

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng đề nghị lãnh đạo bộ ngành, địa phương nghiêm túc nhìn nhận các hạn chế, yếu kém và những thách thức mới. Nên phân tích kỹ bối cảnh trong nước và quốc tế để đưa ra mục tiêu phù hợp.

Hiện, kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, đe dọa mất ổn định và rất phức tạp. Vẫn còn khả năng lạm phát cao sẽ quay trở lại. Sản xuất đang gặp khó khăn do Chính phủ ưu tiên kiểm soát lạm phát. Sản xuất công nghiệp có chiều hướng chậm lại.

Năm 2012 phải ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. "Bây giờ là lúc không thể chủ quan được. Không phải cứ thấy 6 tháng chỉ số giá tiêu dùng liên tục giảm xuống mà bằng mọi cách đưa tiền ra để thúc đẩy tăng trưởng là không được", Thủ tướng nói. Ưu tiên hàng đầu vẫn là giảm lạm phát theo hướng phải kéo xuống dưới 10%. Chính phủ tính toán các mặt và phấn đấu lạm phát năm tới giảm xuống còn khoảng 9%.

Ngoài ra, phải kiểm soát bằng được nhập siêu ở mức 10% như năm nay. Giữ cho tỷ giá ổn định cũng là một việc làm rất có ý nghĩa.

Khó khăn thứ hai phải đối mặt là giảm bội chi ngân sách. Đầu năm 2011, Chính phủ đặt mục tiêu giảm bội chi xuống còn 5,3% GDP. Nhưng thực tế, tỷ lệ này đã được kiểm soát ở mức 4,9%. Do đó, nhiệm vụ năm tới là đưa mục tiêu xuống 4,8%. Để giảm bội chi, Chính phủ sẽ phải tiếp tục cắt giảm đầu tư công. Ngân sách dành cho đầu tư công năm tới là 180 ngàn tỷ đồng. Ngoài ra, tranh thủ thêm các nguồn khác.

Phương án tăng trưởng mà Chính phủ lựa chọn là chỉ tăng khoảng 6% GDP, nếu điều kiện thuận lợi có thể nhích lên 6,5%. Theo Thủ tướng, cần tháo gỡ khó khăn đề duy trì và tạo mới công ăn việc làm cho người lao động.

Nhiệm vụ cuối cùng là tập trung tái cấu trúc

Theo Thủ tướng, "gần đây, trên báo và các hội nghị ai cũng thuộc lòng câu tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng để có năng suất và sức cạnh tranh cao hơn. Nhưng bắt đầu từ đâu, ai làm và làm thế nào? Chính phủ đã thảo luận và trình Trung ương, Quốc hội, và xác định sẽ phải làm toàn diện, lâu dài, là quá trình vận hành liên tục của sự phát triển".

Trọng tâm của tiến trình tái cấu trúc là tái cơ cấu đầu tư công, sao cho đầu tư công đạt hiệu quả và giảm dần bội chi. Đi kèm là nâng cao hiệu quả đầu tư công, phải có cơ chế chính sách huy động các nguồn lực khác để nền kinh tế đạt hiệu quả cao hơn. Thứ hai, tập trung tái cơ cấu DNNN để DNNN làm tốt vai trò định hướng thị trường, làm tốt hơn nhiệm vụ so với nguồn lực được đầu tư, đạt hiệu quả cao hơn.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng khẳng định mục tiêu cải cách hành chính, chống tham nhũng và đảm bảo an ninh chính trị, độc lập, chủ quyền quốc gia.

Người đứng đầu Chính phủ hy vọng sẽ lắng nghe được nhiều ý kiến đóng góp của các địa phương cho mục tiêu chung, để Nghị quyết kinh tế xã hội 2012 được thông qua tại hội nghị và nhanh chóng được triển khai vào đầu năm tới.

 


Lê Nhung

 Vietnamnet

 


Lạm phát cả năm 2011 là 18,12%

Ngày đăng : 22/12/2011 - 1:52 PM

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Bùi Quang Vinh công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 tăng 0,53%, cả năm tăng 18,12%.

 

 

Sáng nay (22/12), tại Hội nghị của Chính phủ với các địa phương về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Bùi Quang Vinh công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm 2011 tăng 18,12%.

Diễn biến lạm phát năm 2011 khá phức tạp, thể hiện ở việc tăng cao những tháng đầu năm và giảm dần từ quý II. Trong 4 tháng cuối năm, lạm phát có dấu hiệu giảm tốc, chỉ dưới 1% mỗi tháng.

Tuy nhiên, lạm phát tháng 12 lại có dấu hiệu nhích lên so với 2 tháng trước đó. Cụ thể, lạm phát tháng 10 và tháng 11 chỉ là 0,36% và 0,39% nhưng lạm phát tháng 12 lên 0,53%.

Đáng lưu ý là lạm phát tháng 12 chưa phản ánh hiện tượng tăng giá điện, trần vé máy bay vì thời điểm tăng giá 2 mặt hàng này diễn ra sau ngày chốt số liệu lấy CPI.

Như vậy, có thể đà tăng giá trong tháng đầu tiên của năm 2012 sẽ mạnh hơn do tác động kép của các yếu tố điều chỉnh giá hai mặt hàng nói trên và biến động tăng  giá hàng hóa Tết Nguyên đán.

 

 

Theo T. Hà

NLĐ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa

Ngày đăng : 22/12/2011 - 1:36 PM

Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh, trong bài phát biểu tại hội nghị Chính phủ mở rộng tổ chức ngày hôm nay (22/12) tại Hà Nội, nhấn mạnh rằng trong điều hành kinh tế năm 2012, sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa.

 

 

Những nội dung này sẽ được cụ thể hóa trong nghị quyết về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012 của Chính phủ.

Người đại diện cho Chính phủ cho hay tình hình kinh tế thế giới trong năm 2012 dự báo còn diễn biến phức tạp, xu hướng phục hồi chậm và bất ổn định, qua đó ảnh hưởng lớn đến kinh tế trong nước.

Cho đến thời điểm này, các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu của 2012 đã được xây dựng và đưa vào dự thảo nghị quyết, bao gồm GDP tăng khoảng 6-6,5%, chỉ số tăng giá tiêu dùng tăng dưới 10%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 13%, nhập siêu khoảng 11-12% trên tổng kim ngạch xuất khẩu, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33,5% GDP.

Theo Phó thủ tướng, năm 2011, điều hành chính sách tiền tệ được coi là công cụ trọng tâm để thực hiện mục tiêu điều hành theo lạm phát mục tiêu để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát. Trong năm 2012, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, bảo đảm chủ động, linh hoạt, kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá; trong đó chủ động điều hành và kiểm soát để bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2012 khoảng 15 - 17% và tổng phương tiện thanh toán khoảng 14 - 16%.

Đối với chính sách tài khóa, Chính phủ sẽ tăng cường quản lý thu, tiết kiệm chi, giảm bội chi ngân sách Nhà nước với mục tiêu giảm bội chi năm 2012 xuống dưới 4,8% GDP và giảm dần trong những năm tiếp theo.

Song song với việc thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa, Chính phủ cũng sẽ tăng cường công tác kiểm soát thị trường, giá cả, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm bình ổn giá, kiềm chế lạm phát, bảo đảm đời sống nhân dân.

Trong năm 2012, Chính phủ cũng sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, hạn chế nhập siêu.

Phó thủ tướng tái khẳng định, 2012 là năm bản lề trong việc thực hiện chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế, với ba khâu đột phá quan trọng: tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; tái cơ cấu tài chính, ngân hàng, trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại; tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là các doanh nghiệp nhà nước.

 

Theo VnEconomy.vn


“Cuộc chiến” chống đầu cơ vàng: Ai đã thất bại?

Ngày đăng : 22/12/2011 - 12:02 AM

Báo cáo của NHNN mới đây đã trấn an: giới đầu cơ vàng đã không còn khả năng thao túng thị trường. Nhìn lại diễn biến thị trường vàng 5 tháng qua, ai đã thất bại - giới đầu cơ vàng, người dân hay NHNN?

Trong những ngày cuối năm 2011, người dân đang mua vàng SJC với giá 44 triệu đồng/lượng, trong lúc giá quy đổi thế giới chỉ có 40,5 triệu đồng/lượng.
 
Nhưng người dân trên vẫn còn may mắn hơn những khách hàng đã phải mua vàng SJC với độ chênh cao đến 5 triệu đồng/lượng vào các tháng 8 và 9 năm 2011.Trước đó, giá vàng trong nước đã lập một cú tăng nước rút với tỷ lệ gần 20%, cao hơn độ tăng của giá vàng thế giới

Chiều cao và chiều sâu

Tháng 8 cũng được xem là khoảng thời gian thử thách đầu tiên cho thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình. Và thử thách đầu tiên của thời gian ấy lại là nạn đầu cơ vàng mà đã từng hiện hình không biết bao nhiêu lần chỉ tính từ năm 2000 đến nay.

Tháng 8 cũng là thời điểm mà chỉ số lạm phát lập đỉnh của năm nay. Nhưng kết luận về cái đỉnh ấy chỉ được khẳng định vào thời điểm gần cuối năm 2011. Còn trong bối cảnh giá vàng phi mã, không có nhiều chuyên gia và nhà quản lý dám chắc rằng giá vàng sẽ không góp một bàn tay để đẩy lạm phát lên cao hơn nữa.

Bởi thế, trách nhiệm của tân thống đốc NHNN là không hề nhỏ. Cũng như những người dân mua phải vàng giá cao hơn giá quy đổi, nhiều đại biểu Quốc hội và cả báo giới đã mong chờ trong ngành ngân hàng sẽ xuất hiện một gương mặt mới nhằm khép vào khuôn phép những thói quen cũ.

Đáp lại thái độ mong mỏi trên, cũng như trước sự sốt ruột của dư luận xã hội về “cơn điên” giá vàng cùng độ chênh cao đến 4-5 triệu đồng/lượng so với giá thế giới, vào cuối tháng 8/2011, tân thống đốc đã nêu ra một “tiêu chí” mà được giới phân tích và toàn bộ báo giới ghi nhớ: chỉ cần giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới 400.000 đồng/lượng là vàng có dấu hiệu bị đầu cơ. Nếu bình ổn giá vàng để tránh đầu cơ, sẽ giữ giá trong nước cao hơn thế giới không quá 400.000 đồng/lượng.

Cũng cần nói thêm là cho đến thời điểm đó, cơ quan NHNN đã chưa hề có một tiêu chí bằng văn bản nào nhằm làm rõ độ chênh cao bao nhiêu của giá vàng trong nước so với giá vàng thế giới là biểu thị của hoạt động đầu cơ.

Nhưng sau khi thông điệp “400.000” được phát đi từ tân thống đốc, giá vàng trong nước vẫn tiếp tục đóng vai trò một thách thức đối cương vị mới của ông.

Trong suốt quá trình dao động gần 5 tháng qua, chỉ có một lần duy nhất - từ tuần cuối tháng 9 đến tuần đầu tháng 10 - giá vàng trong nước lao dốc và “bám sát giá vàng thế giới” trong một thời gian có thể tạm chấp nhận.

Và cũng gần 5 tháng qua kể từ ngày thống đốc Nguyễn Văn Bình nhậm chức, điều có thể được gọi là “dấu hiệu đầu cơ” đã thường vượt gấp 10 lần chiều cao của chính nó.Chiều cao đó lại là là chiều sâu lợi nhuận của kẻ đã tạo ra nó.

Dù chưa có một thống kê nào của NHNN được công bố về độ chênh cao bình quân giữa giá vàng trong nước so với giá thế giới, nhưng sự việc mà bất kỳ người dân mua bán vàng nào đều dễ nhận thấy là độ chênh cao này luôn từ 3-4 triệu đồng/lượng.

Lấy vàng nuôi vàng!

Một cơ hội thật sự chỉ đến với ông Bình vào đầu tháng 10/2011, hai tháng sau khi ông nhậm chức và cũng là thời gian mà sự đồn đoán về chuyện doanh nghiệp được ưu đãi nhập khẩu vàng giá thấp để bán giá cao trong nước được lan truyền đến mức cao điểm.

Vào đầu tháng 10, trong bối cảnh giá vàng trong nước lao dốc cùng giá thế giới, NHNN cùng với SJC và một số ngân hàng được mệnh danh là “Nhóm G” đã phát đi một thông điệp mới: “Lấy nó nuôi nó”, hay còn gọi là giải pháp tạo ra quỹ vàng quay vòng can thiệp thị trường.

Theo giải pháp này, việc can thiệp vào thị trường sẽ thực hiện theo phương châm “hiệp đồng tác chiến” dưới sự chỉ huy của NHNN. Các ngân hàng và SJC cùng bán theo một mức giá và liên tục tung hàng cho đến khi giá vàng trở về bình thường. Theo ước tính, quỹ vàng quay vòng của ngân hàng và SJC ít nhất cũng 20 tấn (530.000 lượng vàng). Số vàng này gấp nhiều lần hạn ngạch nhập khẩu vàng mà NHNN từng cấp trong mỗi đợt, vì thế khả năng bình ổn thị trường cao hơn.

Chỉ cần giải pháp này làm được một nửa nội dung của nó, lợi ích nhóm của các chủ thể đầu cơ vàng có thể đã được giảm đi 50%.

Tuy nhiên vài tháng sau khi giải pháp trên được nêu ra, đã chẳng có bất kỳ sự thay đổi nào.

Sự đổi thay duy nhất chỉ diễn ra đối với các ngân hàng và doanh nghiệp được quyền kinh doanh vàng: sau khi đã được thỏa mãn về quota nhập khẩu vàng và được hứa hẹn cả về cơ chế mở tài khoản giao dịch vàng, mục tiêu ban đầu về bình ổn giá vàng đã bị quên lãng một cách nhanh chóng. Thay vào đó, vẫn là thực trạng găm vàng, niêm yết vàng giá cao, vẫn là chất kích thích tiềm ẩn cho chỉ số lạm phát chưa chịu ngủ yên.

Hoàn toàn khác với thái độ dứt khoát đến bất thường đối với công tác duy trì nghiêm trần lãi suất huy động 14%/năm, NHNN đã không tiến hành kiểm tra một cách thực chất và có kết quả đối với hoạt động niêm yết vàng giá cao và nạn đầu cơ hoành hành hàng ngày trên thị trường.

Lời hứa hẹn trước công luận “Sẽ phối hợp với công an để làm rõ đối tượng đầu cơ, làm giá trên thị trường” của tân thống Nguyễn Văn Bình vào cuối tháng 8/2011 chưa từng được công khai cho công luận về kết quả thực hiện của nó.

Cho tới nay, ngay cả hoạt động nhập khẩu vàng của các doanh nghiệp cũng chưa từng được minh bạch hóa. Nguồn cơn của việc thiếu minh bạch cơ chế nhập khẩu vàng, hiểu một cách đơn giản, là một khi người dân nắm được tình hình cung tương đương hoặc lớn hơn cầu, giá vàng trong nước sẽ bắt buộc phải “bám sát giá thế giới”.

Người ta còn ngờ rằng giải pháp “lấy nó nuôi nó” đã giúp cho các doanh nghiệp vàng có thêm thời gian để tiếp tục bán vàng giá cao, bao gồm vàng tự có và lượng vàng đã nhập khẩu, theo phương châm riêng của họ: lấy vàng nuôi vàng.

Tức giá vàng trong nước được các “ông lớn” trong giới kim quý điều chỉnh cuộc chơi theo trình tự: áp giá thấp để thu mua rồi mang đi xuất khẩu trong trường hợp giá thế giới cao hơn; giữ giá trong nước cao, nhập khẩu vàng về bán trong trường hợp giá vàng thế giới thấp hơn!

Ai đã thất bại?

Vào trung tuần tháng 12, NHNN đã mở một hội nghị công bố thông tin báo chí về điều hành chính sách tiền tệ năm 2011, định hướng và giải pháp điều hành năm 2012.

Liên quan đến thị trường vàng, bản báo cáo của NHNN đã nêu ra một đánh giá rất đáng lưu tâm: “Việc triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm ổn định giá vàng và thị trường vàng trong nước đã góp phần đưa giá vàng trong nước bám sát với giá vàng thế giới; giới đầu cơ đã không còn khả năng thao túng thị trường”.

Tại hội nghị, ngoài những vấn đề chung, Thủ tướng đã nhấn mạnh “Giảm lạm phát là trách nhiệm của ngân hàng” và “Các anh đừng để Chính phủ phải lo lắng nhiều”.

Từ tháng 8/2011 đến nay, nạn đầu cơ vàng và độ chênh cao của giá vàng trong nước so với giá thế giới vẫn gần tương tự thời điểm mới nhậm chức tân thống đốc của ông Nguyễn Văn Bình.

Sau 5 tháng “nhảy múa” ấy của thị trường vàng, ai là người đã thất bại: NHNN, giới đầu cơ hay người dân?

Bình ổn giá vàng và bình ổn lạm phát cũng chính là bình ổn dân sinh và do đó là bình ổn chính trị - một nguyên lý trị nước mà bất kỳ chính khách đương nhiệm nào cũng nằm lòng.


Theo Dũng Hà
Dân trí
 


WB sẽ tài trợ 4,2 tỷ USD cho Việt Nam

Ngày đăng : 21/12/2011 - 10:30 AM

Phân bổ dự kiến từ nguồn vốn ưu đãi của WB, Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA), để hỗ trợ Việt Nam là khoảng 4,2 tỷ USD.

 

 Ngày 20/12, Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) công bố Chiến lược Đối tác quốc gia năm năm với Việt Nam và hỗ trợ Việt Nam giải quyết những thách thức của một quốc gia thu nhập trung bình thấp.

Chiến lược mới của Nhóm Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho giai đoạn 5 năm tới, kết thúc vào giữa năm 2016, sẽ hỗ trợ những cải cách và các khoản đầu tư được coi là then chốt cho quá trình chuyển đổi thành công của Việt Nam thành một quốc gia thu nhập trung bình.

Trước đó, vào ngày 15/12/2011, Ban Giám đốc Điều hành của Nhóm Ngân hàng Thế giới đã thảo luận về Chiến lược Đối tác Quốc gia Việt Nam (CPS) cho giai đoạn 2012-2016 và phê duyệt các hoạt động đầu tiên theo CPS mới.

Trong giai đoạn CPS mới, phân bổ dự kiến từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Thế giới, Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA), để hỗ trợ Việt Nam là khoảng 2,8 tỷ SDR (tương đương 4,2 tỷ đô la Mỹ). Đây sẽ là lượng vốn IDA được phân bổ lớn nhất cho Việt Nam từ trước đến nay. Việt Nam cũng sẽ có thể truy cập nguồn IBRD (Ngân hàng Quốc tế về Tái thiết và Phát triển), dự kiến khoảng 770 triệu USD đến giữa năm 2014.

CPS sẽ hỗ trợ các khoản đầu tư, chương trình và tư vấn trong một khuôn khổ chiến lược gồm ba trụ cột và ba chủ đề xuyên suốt. Ba trụ cột gồm có: (i) tăng cường khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong nền kinh tế khu vực và toàn cầu, (ii) tăng cường tính bền vững trong quá trình phát triển của Việt Nam, và (iii) mở rộng điều kiện tiếp cận với các cơ hội kinh tế xã hội. Các chủ đề xuyên suốt gồm có: (i) tăng cường quản trị, (ii) hỗ trợ bình đẳng giới và (iii) tăng cường khả năng chịu đựng khi đối mặt với các cú sốc kinh tế từ bên ngoài, các thảm họa thiên nhiên, và tác động của biến đổi khí hậu.

 

Theo Thu Thủy

 NDHMomey

 


 


 

Tin mới cập nhật