Ngày đăng :
05/01/2012 - 9:09 PM
Qua kế hoạch chuyển nhượng, Eximbank sẽ thay thế ANZ trở thành cổ đông lớn của Sacombank với tỷ lệ sở hữu là 9,73%.
Ngân hàng Nhà nước vừa chấp thuận việc Ngân hàng ANZ chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần (9,6% vốn điều lệ) tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank).
Qua kế hoạch chuyển nhượng này, Eximbank sẽ trở thành cổ đông lớn của Sacombank với tỷ lệ sở hữu là 9,73%.
Trên thị trường, hoạt động chuyển nhượng cổ phần là bình thường. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở sự kiện này là vì sao Eximbank quyết định đầu tư và nắm một tỷ lệ sở hữu khá lớn như vậy trong bối cảnh một số cổ đông lớn tại Sacombank lần lượt thoái vốn trong thời gian qua.
Kế hoạch thoái vốn của ANZ tại đây không mới, đã được đề cập trong hơn một năm trở lại đây. Kế hoạch này cũng được xem là bình thường khi hai bên đã có sự gắn bó trong một thời gian dài, ANZ cũng đã thành lập ngân hàng con 100% vốn trực thuộc tại Việt Nam.
Cùng với ANZ, thời gian qua thị trường cũng đã đón nhận thông tin về kế hoạch thoái vốn của Dragon Capital tại Sacombank (hơn 8%). Đây cũng được xem là bình thường khi quá trình nắm giữ và gắn bó đã được 10 năm liền, Dragon Capital cần cơ cấu lại danh mục theo chiến lược đầu tư mới.
Hiện tại, một cổ đông lớn khác là Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (REE) cũng vừa thông báo và đang trong kế hoạch thoái toàn bộ vốn tại Sacombank với 3,924%.
Trước đó, trong năm 2011, những xáo trộn trong cơ cấu cổ đông và các hoạt động bán ra - mua vào quy mô lớn tại ngân hàng này là một dòng chảy thông tin nổi bật trên thị trường.
Trong bối cảnh như vậy, việc nhận chuyển nhượng nói trên của Eximbank thu hút sự chú ý của công chúng đầu tư. Nhưng nếu hỏi ngược lại, vì sao các cổ đông lớn đó phải thoái vốn, thì thương vụ này không phải là một sự “ngược dòng”, thậm chí có thể được chú ý ở yếu tố cơ hội…
Trao đổi với VnEconomy, ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank, cho rằng đó là một hoạt động đầu tư bình thường; Eximbank cần đa dạng hơn sự phân bổ vốn thay vì chỉ tập trung cho tín dụng, nhất là sau khi năng lực tài chính của ngân hàng đã được nâng cao trong hai năm gần đây.
Cụ thể, trong hai năm gần đây, Eximbank trở thành một trong những ngân hàng có quy mô vốn chủ sở hữu hàng đầu trong khối ngân hàng thương mại cổ phần, hiện đạt trên 13.500 tỷ đồng; tổng tài sản cũng ở nhóm dẫn đầu trong khối với khoảng 183.000 tỷ đồng tính đến thời điểm 31/12/2011.
“Sau khi củng cố năng lực tài chính, cân đối các nguồn vốn và Eximbank có nhu cầu mở rộng danh mục đầu tư. Bản thân Eximbank trong những năm qua cũng đã cơ cấu lại danh mục của mình. Điều đó là bình thường và kế hoạch đầu tư vào Sacombank cũng là bình thường. Trong kế hoạch này, chúng tôi lựa chọn điểm đến gần với mình, am hiểu ở lĩnh vực đó và ở đây là lĩnh vực ngân hàng”, ông Phước nói.
Với Sacombank, ông Phước cho biết, quyết định đầu tư được đưa ra trước hết có từ định hướng lựa chọn lĩnh vực, thứ nữa là Eximbank đánh giá cao tiềm năng hoạt động và phát triển của Sacombank.
Kết thúc năm 2011, Sacombank ước đạt 2.740 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Đây cũng là một ngân hàng mạnh trong khối cổ phần khi có vốn chủ sở hữu đạt tới 14.224 tỷ đồng; tổng tài sản đạt khoảng 140.000 tỷ đồng; đáng chú ý là tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm khoảng 0,56% tổng dư nợ.
Với Eximbank, ngoài sự tăng cường năng lực tài chính nói trên, 2011 cũng là một năm thành công khi có lợi nhuận trước thuế ước đạt tới 4.056 tỷ đồng. Đây cũng là con số hàng đầu về giá trị tuyệt đối trong kết quả lợi nhuận của khối ngân hàng thương mại cổ phần trong năm qua.
Với thị trường, qua kế hoạch chuyển nhượng trên, năm 2012 sẽ có thêm sự đồng hành giữa hai ngân hàng thương mại có quy mô lớn.
Theo Minh Đức
VnEconomy
|
Ngày đăng :
04/01/2012 - 9:51 PM
Câu chuyện đằng sau những khoản lãi lớn của các ngân hàng - những khoản lãi làm doanh nghiệp khác chỉ trích nhưng cũng chưa làm hài lòng cổ đông các ngân hàng.
Từ câu chuyện lợi nhuận kỷ lục của ngân hàng
Bất chấp nền kinh tế trong năm 2011 vẫn còn nhiều khó khăn, các ngân hàng vẫn tiếp tục đạt được mức lợi nhuận cao từ hàng trăm đến hàng ngàn tỉ đồng, tùy theo quy mô từng ngân hàng. Điều này đã không thể tránh khỏi những chỉ trích từ nhiều phía, đặc biệt là những doanh nghiệp đang gặp khó khăn, thua lỗ hoặc thậm chí phá sản. Như nhiều ý kiến đã phân tích, mặc dù mức lợi nhuận, nếu nhìn vào con số tuyệt đối, thì có vẻ rất cao nhưng nếu so sánh với quy mô tài sản (ROA) và vốn tự có (ROE) của ngân hàng thì chưa hẳn là quá cao.
Điều đáng ngạc nhiên là, mặc dù có mức lợi nhuận cao nhưng xem ra vẫn chưa thể làm hài lòng các cổ đông ngân hàng và nhà đầu tư. Bằng chứng là giá cổ phiếu của các ngân hàng trên thị trường chứng khoán hiện vẫn ở mức rất thấp và cũng chưa phải quá hấp dẫn so với cổ phiếu các nhóm ngành khác như vài năm trước đây.
Điều này cho thấy rằng, thước đo mà nhà đầu tư đánh giá hiệu quả trong hoạt động của ngân hàng không phải chỉ có lợi nhuận mà còn là rủi ro. Mối quan hệ giữa lợi nhuận và rủi ro được thể hiện thông qua giá trị của ngân hàng trên thị trường, tức thị giá cổ phiếu của ngân hàng.
Nếu có ai đó tin rằng, lợi nhuận của ngân hàng cao một cách vô lý trong điều kiện các doanh nghiệp đang khốn đốn thì một lẽ tự nhiên là họ sẽ bán cổ phiếu doanh nghiệp hoặc/và đem tài sản hiện có để mua cổ phiếu ngân hàng. Trong thực tế đã không có một làn sóng như vậy diễn ra mỗi khi các ngân hàng công bố báo cáo tài chính. Chắc chắn rằng các nhà đầu tư vẫn đủ tỉnh táo để nhận ra rằng lợi nhuận của ngân hàng không phải “của trời cho” mà lợi nhuận đó đang phản ánh những rủi ro mà ngân hàng đang gặp phải.
Nhận dạng vấn đề rủi ro của ngân hàng
Có quá nhiều rủi ro mà các ngân hàng đang phải đối mặt như rủi ro lạm phát, thị trường, lãi suất, hối đoái, tái đầu tư, tác nghiệp... nhưng nổi bật trong năm 2011 cần phải kể đến rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản và đặc biệt là rủi ro chính sách.
Rủi ro tín dụng
Như đã nói, thước đo lợi nhuận, ngay cả khi có bộ tiêu chuẩn kế toán tốt, vẫn không thể lượng hóa hết được hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Đặc biệt, nó không thể phản ánh hết được tất cả các loại rủi ro mà ngân hàng đang gặp phải. Lợi nhuận mà ngân hàng công bố hiện nay có phần phản ánh rủi ro tín dụng thông qua các khoản trích lập dự phòng.
Tuy nhiên, ngay chính tiêu chuẩn và điều khoản trích lập dự phòng rủi ro tín dụng theo quy định hiện hành vẫn còn nhiều khiếm khuyết, không phản ánh được thực chất các nguy cơ rủi ro tín dụng mà ngân hàng đang gặp phải. Chẳng hạn như các khoản cho vay khi được bảo đảm bằng 100% giá trị tài sản cũng không đồng nghĩa với việc là sẽ không có rủi ro tín dụng. Tài sản đảm bảo được định giá vào thời điểm cấp tín dụng và để làm cơ sở quyết định mức cho vay thay vì là thời điểm trả nợ và để làm cơ sở hoàn trả được nợ vay.
Hơn nữa, với các khoản nợ được bảo đảm 100% giá trị tài sản thì mức trích lập dự phòng rủi ro gần như bằng không, bất kể mức độ và xác suất xảy ra rủi ro tín dụng như thế nào. Hơn nữa, trong điều kiện thị trường có nhiều biến động thì việc giá trị tài sản giảm sâu hoặc kém thanh khoản là hoàn toàn có thể xảy ra. Đối với các ngân hàng Việt Nam, khi nhóm tài sản đảm bảo hiện nay chủ yếu là bất động sản thì việc thị trường bất động sản xấu đi vừa không chỉ ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng là các nhà đầu tư bất động sản mà còn là các khoản nợ được thế chấp bởi bất động sản (bất động sản dân cư). Trong những trường hợp như vậy, việc đánh giá lại giá trị tài sản đảm bảo cũng như việc thực hiện bút toán điều chỉnh theo giá trị trường (marking-to-market) là rất cần thiết nhưng thực tế đã bị bỏ qua hoặc không được tiến hành một cách thực chất và đúng bản chất của rủi ro tín dụng.
Bên cạnh đó, rủi ro tín dụng ở các ngân hàng Việt Nam còn do sự gia tăng của hiện tượng bất cân xứng thông tin trong bối cảnh bất ổn vĩ mô mà biểu hiện là hành vi lựa chọn ngược (adverse selection). Trái với quan điểm thông thường cho rằng khi lãi suất cho vay cao sẽ giúp loại bỏ các dự án tồi có suất sinh lợi kém, đồng thời chọn lọc những dự án tốt với mức sinh lợi cao.
Đáng tiếc, trong điều kiện Việt Nam, khi lãi suất cho vay quá cao thì chính những con nợ rủi ro mới là đối tượng sẵn sàng tiếp cận vốn vay chứ không phải là con nợ an toàn. Nghĩa là, do ngân hàng không có thông tin đáng tin cậy về người đi vay và do đó không thể phân biệt được con nợ tốt với con nợ xấu nên khi lãi suất quá cao đã đặt ngân hàng vào thế lựa chọn bất lợi chứ không hoàn toàn là người đi vay mới bị bất lợi.
Như vậy, nếu nhìn ở góc độ này thì việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không khống chế trần lãi suất cho vay không chỉ gây bất lợi cho người đi vay như một số phân tích mà ngay cả bản thân ngân hàng cũng sẽ gặp rủi ro do lựa chọn ngược. Hiện, không có một đánh giá đáng tin cậy nào về tỷ lệ nợ xấu trong toàn hệ thống ngân hàng nhưng có điều chắc chắn con số đang tăng lên và tăng nhanh khi khả năng đảo nợ của doanh nghiệp đã đạt đến điểm giới hạn của nó.
Rủi ro thanh khoản
Khác với rủi ro tín dụng thường diễn ra theo một tiến trình, từ những dấu hiệu khó khăn ban đầu như tỷ lệ nợ xấu tăng dần đến quá trình tái cơ cấu nợ. Trong khi đó, rủi ro thanh khoản thường mang tính chất bất ngờ, không nhất thiết phải là những khó khăn trong bảng tổng kết tài sản, và đặc biệt nguy hiểm bởi khả năng lây lan có tính hệ thống trong một khoảng thời gian rất ngắn.
Có một số công cụ hay phương thức mà các ngân hàng có thể sử dụng nhằm giảm rủi ro thanh khoản như vay liên ngân hàng, vay tái cấp vốn của NHNN, phát hành chứng chỉ tiền gửi có thể chuyển nhượng (NCDs) hoặc bán các tài sản ngắn hạn... Tuy nhiên, hoạt động vay mượn trên thị trường liên ngân hàng hiện đang bị tắc nghẽn. Công cụ vay tái cấp vốn của NHNN cũng ít khi phát huy hiệu lực do những trở ngại hành chính từ quyết định cấp hạn mức tái cấp vốn và bản thân các ngân hàng cũng không có nhiều giấy tờ có giá đủ tiêu chuẩn để tái chiết khấu. Các tài sản ngắn hạn nhằm dự trữ thanh khoản như tín phiếu kho bạc cũng chỉ có quy mô nhỏ, lại được phân bổ không đều và không hợp lý giữa các ngân hàng. Thị trường mở không phải là sân chơi cho tất cả các ngân hàng, đặc biệt đối với những ngân hàng đang gặp nhiều áp lực thanh khoản nhất hiện nay.
Hơn nữa, bản thân các ngân hàng, do áp lực cạnh tranh trong việc huy động vốn bởi rào cản trần lãi suất, cũng đã tự làm khó mình khi sáng tạo ra các tài khoản tiền gửi hết sức đa dạng mà bản chất cũng là tài khoản tiền gửi không kỳ hạn. Chẳng hạn như các tài khoản có kỳ hạn vẫn dễ dàng rút trước hạn một cách linh hoạt mà không kèm ràng buộc nào hoặc tiền gửi kỳ hạn cực ngắn sẽ càng làm gia tăng tính chất bấp bênh của dòng vốn ngân hàng. Cuối cùng, thị trường thứ cấp cho các giao dịch NCDs vẫn chưa hình thành, trong khi thị trường sơ cấp vẫn ở mức độ sơ khai.
Ngoài ra, một phần của rủi ro thanh khoản hiện nay còn phản ánh rủi ro tín dụng mà ngân hàng đang gặp phải như đã nói ở trên. Một tỷ trọng không nhỏ các khoản nợ đang bị găm giữ vào thị trường bất động sản và chứng khoán đã khiến cho dòng vốn không thể xoay vòng được cũng góp phần vào rủi ro thanh khoản. Trong khi đó, chính sách trần lãi suất huy động của NHNN mới là tác nhân trực tiếp làm gia tăng những căng thẳng của rủi ro thanh khoản trong hệ thống ngân hàng hiện nay.
Rủi ro chính sách
Bên cạnh rủi ro tín dụng và thanh khoản thì có một rủi ro khác ít được đề cập hơn mà các ngân hàng vẫn thường xuyên đối mặt đó chính là rủi ro chính sách. Tiếp nối dư địa chính sách của những năm trước, trong năm 2011, môi trường chính sách liên tục có nhiều thay đổi ở cả hai cấp độ vĩ mô và ngành (ngân hàng).
Nếu như Nghị quyết 11 được ban hành nhằm ổn định kinh tế vĩ mô là cần thiết thì chính việc thực thi nghị quyết này ở cấp độ ngành lại tạo ra những xáo trộn không nhỏ trong hoạt động của các ngân hàng. Sự điều hành chính sách kiểu hành chính lại có thiên hướng bị lạm dụng quá mức, thậm chí NHNN có những can thiệp sâu vào tổ chức và hoạt động của ngân hàng. Trong điều kiện đó, các ngân hàng không chắc rằng những quyết định hay giao dịch của mình liệu có hợp pháp không và có khả năng vi phạm các quy định “sắp tới” của NHNN không.
Khi môi trường chính sách thay đổi và không thể dự đoán thì các chiến lược và kế hoạch kinh doanh của ngân hàng cũng bị phá vỡ. Do không thể biết được, với một độ tin cậy nhất định, điều gì sẽ xảy ra nên tính chất bất ổn của môi trường pháp lý hiện nay thể hiện là sự bất trắc (uncertainty) chứ không còn là rủi ro (risk). Trong môi trường bất trắc không suy giảm, các ngân hàng không thể chủ động lập được chiến lược kinh doanh phù hợp, thay vào đó là các sách lược phòng thủ và đối phó. Khi các ngân hàng phải lo đối phó với các thách thức chính sách ngắn hạn như vậy thì sẽ không còn đủ nguồn lực để giải quyết những rủi ro và các thách thức có tính chất dài hạn khác.
Tóm lại, lợi nhuận của các ngân hàng hiện nay là tương đối cao nhưng xem ra vẫn chưa thể phản ánh hết được những rủi ro mà ngân hàng đang đối mặt. Tuy nhiên, bài toán của các ngân hàng hiện nay không phải là tiếp tục tìm cách gia tăng lợi nhuận mà là phải giảm rủi ro. Giảm rủi ro không chỉ là trách nhiệm của từng ngân hàng hay hệ thống ngân hàng mà còn là của NHNN và cả Chính phủ. Trong khi NHNN cần phải trả lại cho thị trường những thứ vốn không thuộc về mình thì Chính phủ cần phải giảm được tính bất ổn trong môi trường chính sách.
Theo Đỗ Thiên Anh Tuấn
TBKTSG
|
Ngày đăng :
04/01/2012 - 9:35 PM
Đầu tư vào các thị trường mới nổi, chẳng hạn như nhóm quốc gia BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) hiện là một trong những hướng đi được nhiều nhà đầu tư chọn lựa, trong bối cảnh tăng trưởng của các nước phát triển bị đình trệ.
Tuy nhiên, các thị trường mới nổi hiện cũng đã trở nên bớt hấp dẫn, khi mà kinh tế trung Quốc đang giảm tốc, Ấn Độ thiếu linh hoạt trong kích thích kinh tế, Nga sẽ bầu cử tổng thống vào tháng 3 và Brazil đang vật lộn với vấn nạn lạm phát.
Trong một hoàn cảnh như vậy, việc chọn lựa thị trường nào đang là vấn đề đau đầu nhức óc của không ít nhà đầu tư. Trong một báo cáo gần đây, ngân hàng Citigroup đã đưa ra danh sách 15 thị trường đầu tư tiềm năng, trong đó có Việt Nam.
Dưới đây là giới thiệu sơ lược về các điểm mạnh, yếu của những thị trường trong danh sách này. Số liệu trong bài do trang tin Business Insider tập hợp từ nguồn của Citigroup. Thứ tự các nước trong bài được xếp theo vần chữ cái tên quốc gia.
Argentina
Tỷ lệ tăng trưởng GDP dài hạn: 4,1%
GDP bình quân đầu người: 10.675 USD
GDP: 435,2 tỷ USD
Dân số: 40,8 triệu người
Tỷ lệ người lớn biết chữ: 98%
Điểm mạnh đáng chú ý: Cơ sở hạ tầng của Argentina tốt hơn các thị trường khác. Nước này cũng có một nền nông nghiệp mạnh. Tiêu dùng nội địa tăng cao đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Những rủi ro cần lưu ý: Lạm phát là nguy cơ lớn của kinh tế Argentina. Đồng Peso có khả năng bị mất giá. Những quan ngại về chính sách có thể tác động lên diễn biến thị trường chứng khoán.
Bangladesh
Tỷ lệ tăng trưởng GDP dài hạn: 7,5%
GDP bình quân đầu người: 764 USD
GDP: 115 tỷ USD
Dân số: 150,5 triệu người
Tỷ lệ người lớn biết chữ: 56%
Điểm mạnh đáng chú ý: Bangladesh có xuất phát điểm thấp, nên có nhiều “khoảng trống” để tăng trưởng. Đây cũng là nền kinh tế trẻ, tăng trưởng nhanh, lực lượng lao động giá rẻ. Thị trường chứng khoán của Bangladesh rộng lớn hơn và linh hoạt hơn những nơi khác.
Những rủi ro cần lưu ý: Cơ hội việc làm hạn chế đã khiến nhiều người dân Bangladesh chạy ra nước ngoài tìm kiếm kế sinh nhai và hạ tầng cơ sở của nước này cần phải cải thiện. Ngoài ra, những thiếu sót trong quy định và giám sát cũng làm tăng rủi ro cho khu vực tài chính.
Ai Cập
Tỷ lệ tăng trưởng GDP dài hạn: 6,3%
GDP bình quân đầu người: 2.810 USD
GDP: 231,9 tỷ USD
Dân số: 82,5 triệu người
Tỷ lệ người lớn biết chữ: 66%
Điểm mạnh đáng chú ý: Dân số đang tăng trưởng nhanh chóng ở Ai Cập được tiếp cận nền giáo dục tốt hơn nhiều quốc gia láng giềng. Các mảng năng lượng, thương mại, vận tải và du lịch đều phát triển nhờ vị trí địa lý thuận lợi.
Những rủi ro cần lưu ý: Những nguy cơ từ phong trào “Mùa xuân Arab” vẫn còn cao và nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã tháo chạy ra khỏi Ai Cập. Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh thiếu niên cũng là một vấn đề mà chính phủ mới đang phải đương đầu.
Ghana
Tỷ lệ tăng trưởng GDP dài hạn: Chưa rõ
GDP bình quân đầu người: 1.546 USD
GDP: 38,6 tỷ USD
Dân số: 25 triệu người
Tỷ lệ người lớn biết chữ: 67%
Điểm mạnh đáng chú ý: Việc đưa vào khai thác mỏ Jubilee ngoài khơi Ghana đã đưa quốc gia này trở thành nước sản xuất dầu mới nhất trên thế giới. Ghana từ xưa đã nổi tiếng về sự giàu có vàng, ca cao, kim cương và mangan.
Những rủi ro cần lưu ý: Ghana cần tránh “lời nguyền tài nguyên” (resource curse), cụm từ được dùng để mô tả nghịch lý của các quốc gia, vùng lãnh thổ giàu có tài nguyên, đặc biệt là các tài nguyên không thể tái tạo như khoáng sản và nhiên liệu, nhưng không có được tốc độ tăng trưởng và hiệu quả phát triển kinh tế như các nước nghèo tài nguyên. Hơn nữa, nước này còn phải đối mặt với những cuộc bầu cử sau mỗi lần khủng hoảng tài chính.
Iraq
Tỷ lệ tăng trưởng GDP dài hạn: 7,6%
GDP bình quân đầu người: 3.325 USD
GDP: 108,6 tỷ USD
Dân số: 32,7 triệu người
Tỷ lệ người lớn biết chữ: 78%
Điểm mạnh đáng chú ý: Sản xuất dầu mỏ của Iraq sẽ tiếp tục tăng mạnh hơn so với bất kỳ quốc gia nào trong thập niên mới.
Những rủi ro cần lưu ý: Các phe phái trong chính quyền bất đồng về luật dầu mỏ. Vấn đề an ninh cũng là một rủi ro lớn đối với quốc gia đã trải qua bao nhiêu năm chiến tranh này.
Kazakhstan
Tỷ lệ tăng trưởng GDP dài hạn: 4,5%
GDP bình quân đầu người: 11.115 USD
GDP: 180,1 tỷ USD
Dân số: 16,2 triệu người
Tỷ lệ người lớn biết chữ: 100%
Điểm mạnh đáng chú ý: Kazakhstan sở hữu nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên như dầu khí, khoáng sản vàng, đồng, chì và uranium.
Những rủi ro cần lưu ý: Diễn biến xung quanh cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 1 này là điều mà giới đầu tư cần lưu ý. Ngoài ra, khu vực ngân hàng trong nước vẫn đang cố gắng phục hồi sau những khoản nợ xấu.
Kenya
Tỷ lệ tăng trưởng GDP dài hạn: Chưa rõ
GDP bình quân đầu người: 868 USD
GDP: 36,1 tỷ USD
Dân số: 41,6 triệu người
Tỷ lệ người lớn biết chữ: 87%
Điểm mạnh đáng chú ý: Kenya đã phát hiện được một trữ lượng khí đốt lớn ở ngoài khơi gần biên giới với Ethiopia. Ngành công nghiệp viễn thông của nước này đang tăng trưởng nhanh chóng. Kenya được xem là một trung tâm thương mại và sản xuất ở Đông Phi.
Những rủi ro cần lưu ý: Những căng thẳng về tôn giáo sắc tộc là một trong những vấn đề đáng quan ngại ở Kenya. Ngoài ra, lạm phát của nước này khá cao do giá lương thực đang tăng lên bởi tình trạng khô hạn ở Vùng Sừng châu Phi.
Mông Cổ
Tỷ lệ tăng trưởng GDP dài hạn: 6,9%
GDP bình quân đầu người: 3.127 USD
GDP: 8,8 tỷ USD
Dân số: 2,8 triệu người
Tỷ lệ người lớn biết chữ: 97%
Điểm mạnh đáng chú ý: Mông Cổ giàu tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là đồng và than đá. Đây là một nền kinh tế trẻ, dân số đang tăng trưởng và có tỷ lệ tiết kiệm nội địa cao hơn nhiều thị trường khác.
Những rủi ro cần lưu ý: Mông Cổ, cũng như nhiều quốc gia giàu tài nguyên khác, cần tránh mắc phải “lời nguyền tài nguyên”.
Nigeria
Tỷ lệ tăng trưởng GDP dài hạn: 8,4%
GDP bình quân đầu người: 1.521 USD
GDP: 247,1 tỷ USD
Dân số: 162,5 triệu người
Tỷ lệ người lớn biết chữ: 61%
Điểm mạnh đáng chú ý: Khu vực ngân hàng của Nigeria hoạt động khá thuận lợi, doanh thu tốt và lạm phát được xem là đã chạm đỉnh.
Những rủi ro cần lưu ý: Những tranh chấp về tôn giáo đang tăng lên, với những vụ tấn công từ nhóm phiến quân Hồi giáo Boko Haram ở khu vực đông bắc nước này trong năm 2011. Ngoài ra, hạ tầng yếu kém cũng kéo lùi tăng trưởng của Nigeria.
Pakistan
Tỷ lệ tăng trưởng GDP dài hạn: 4,9%
GDP bình quân đầu người: 1.155 USD
GDP: 204,1 tỷ USD
Dân số: 176,7 triệu người
Tỷ lệ người lớn biết chữ: 56%
Điểm mạnh đáng chú ý: Pakistan có dân số lớn, trẻ và đang phát triển.
Những rủi ro cần lưu ý: Tuy nhiên, nền giáo dục của nước này cần được cải thiện. Ngoài ra, những nguy cơ chính trị và an ninh của nước này khá cao.
Romania
Tỷ lệ tăng trưởng GDP dài hạn: 3,5%
GDP bình quân đầu người: 8.645 USD
GDP: 185,3 tỷ USD
Dân số: 21,4 triệu người
Tỷ lệ người lớn biết chữ: 98%
Điểm mạnh đáng chú ý: Xuất khẩu của nước này đang hồi phục.
Những rủi ro cần lưu ý: 75% các ngân hàng của Romania thuộc quyền quản lý của nhà băng châu Âu nên nền tài chính quốc gia này chịu tác động mạnh từ lục địa già. Tăng trưởng GDP của Romania cũng chịu rủi ro do chính sách khắc khổ.
Sri Lanka
Tỷ lệ tăng trưởng GDP dài hạn: 6,6%
GDP bình quân đầu người: 2.795 USD
GDP: 58,8 tỷ USD
Dân số: 21 triệu người
Tỷ lệ người lớn biết chữ: 91%
Điểm mạnh đáng chú ý: Đầu tư nước ngoài đã tăng mạnh kể từ khi kết thúc cuộc nội chiến giữa nhóm khủng bố LTTE và Chính phủ Sri Lanla. Xuất khẩu của nước này đã được nâng lên, đặc biệt trong lĩnh vực dệt may và nông sản.
Những rủi ro cần lưu ý: Kế hoạch thu mua tài sản của Sri Lanka là một trong những rủi ro tiềm tàng đối với lĩnh vực đầu tư nước ngoài.
Ukraine
Tỷ lệ tăng trưởng GDP dài hạn: 3,7%
GDP bình quân đầu người: 3.604 USD
GDP: 162,9 tỷ USD
Dân số: 45,2 triệu người
Tỷ lệ người lớn biết chữ: 100%
Điểm mạnh đáng chú ý: Ukraine có nền nông nghiệp thuộc hàng tốt nhất ở châu Âu. Nước này cũng có lực lượng lao động được giáo dục tốt, hỗ trợ sản xuất.
Những rủi ro cần lưu ý: Tham nhũng là một vấn nạn đối với các nhà đầu tư. Thêm vào đó, những vấn đề của Khu vực đồng Euro cũng tác động tới lĩnh vực ngân hàng của nước này. Thêm vào đó, đồng tiền của nước này bị mất giá cũng là một nguy cơ lớn. Ngoài ra, Ukraine còn quá dựa dẫm vào Nga về năng lượng.
Venezuela
Tỷ lệ tăng trưởng GDP dài hạn: 4,3%
GDP bình quân đầu người: 10.525 USD
GDP: 309,8 tỷ USD
Dân số: 29,4 triệu người
Tỷ lệ người lớn biết chữ: 95%
Điểm mạnh đáng chú ý: Venezuela là một trong những nước có trữ lượng dầu khí lớn nhất thế giới và là nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu trên thế giới.
Những rủi ro cần lưu ý: Hơn một nửa nguồn thu của Chính phủ Venezuela là từ xuất khẩu dầu, vì thế kinh tế sẽ chịu rủi ro cùng với sự lên xuống của giá dầu. Thêm vào đó, quyết định quốc hữu hóa các ngành dầu khí, ximăng, sắt thép và siêu thị của Tổng thống Hugo Chavez cũng khiến đầu tư nước ngoài suy giảm.
Việt Nam
Tỷ lệ tăng trưởng GDP dài hạn: 7,4%
GDP bình quân đầu người: 1.370 USD
GDP: 121,6 tỷ USD
Dân số: 88,8 triệu người
Tỷ lệ người lớn biết chữ: 93%
Điểm mạnh đáng chú ý: Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất cần nhiều nhân lực. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam cũng tăng trưởng khá.
Những rủi ro cần lưu ý: Tỷ lệ lạm phát của Việt Nam khá cao. Ngoài ra, lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam còn yếu.
Theo Hồng Ngọc
VnEconomy
|
Ngày đăng :
03/01/2012 - 4:57 PM
Việc hàng loạt công ty quản lý quỹ thay đổi chủ sở hữu diễn ra trong bối cảnh Ủy ban chứng khoán đang lấy ý kiến các thành viên thị trường về Đề án tái cấu trúc các CTCK giai đoạn 2011-2015.
Theo thống kê của CafeF, trong tháng 12/2011, đã có 4 công ty quản lý quỹ thay đổi tỷ lệ sở hữu.
Hồi đầu tháng 12, 1 cá nhân mua (ông Phạm Văn Đẩu) đã mua vào 48,2% vốn của QLQ Đầu tư Chứng khoán Liên minh Việt Nam từ 2 cổ đông lớn của quỹ này.
1 tuần sau thông tin thay đổi cơ cấu cổ đông ở QLQ đầu tư chứng khoán Liên Minh Việt Nam, CTCP Quản lý quỹ đầu tư Alpha cũng thông báo đổi chủ. 4 cá nhân là ông Thân Ngọc Minh, ông Hồ Bửu Phương, ông Nguyễn Tiến Thành, ông Huỳnh Tấn Hiệp đã mua lại 100% vốn của quỹ từ 3 cổ đông là Công ty cổ phần A.N.P.H.A, ông Bùi Công Giang, ông Trần Thanh Tùng.
Ngày 16/12, UBCKNN lại có công văn đồng ý cho Bà Nguyễn Thị Thanh Xuân nhận chuyển nhượng 575.000 cổ phần phổ thông chiếm 23% vốn điều lệ của Saigon Capital. 2 cổ đông là ông Nguyễn Hùng Mạnh và CTCP cộng sự Đen ta chuyển nhượng toàn bộ vốn góp và không còn nắm vốn tại quỹ này.
Ngày 30/12/2011, UBCKNN cũng chấp thuận giao dịch làm thay đổi quyền sở hữu cổ phần chiếm từ 10% vốn điều lệ trở lên của Cty QLQ Hợp Lực Việt Nam. 3 cổ đông chuyển nhượng gồm ông Phạm Uyên Nguyên (chuyển nhượng 9% tương đương 225.000 CP); bà Phạm Thị Hồng Kẩm (chuyển nhượng 9% tương đương 225.000 CP); Bà Trần Thị Thanh Hằng (chuyển nhượng 18% tương đương 450.000 CP); ông Huỳnh Hữu Tiệp (chuyển nhượng 4% tương đương 100.000 CP).
Bên nhận chuyển nhượng là ông Nguyễn Thanh Khiết (nhận chuyển nhượng 22%) và ông Võ Thành Hưng (nhận chuyển nhượng 18%).
Việc hàng loạt công ty quản lý quỹ thay đổi chủ sở hữu diễn ra trong bối cảnh từ 12/1/2012 Việt Nam sẽ cho phép CTCK và công ty quản lý quỹ 100% vốn nước ngoài được thành lập và hoạt động tại Việt Nam. Có lẽ đây cũng là lý do VinaCapital nắm 49% cổ phần của Quản lý quỹ Thép Việt từ cuối tháng 8 vừa rồi.
Hiện, Ủy ban chứng khoán đang lấy ý kiến các thành viên thị trường về Đề án tái cấu trúc các CTCK giai đoạn 2011-2015. Tuy danh tính của CTCK và công ty quản lý quỹ phải tiến hành tái cấu trúc chưa có nhưng sự dồn dập đổi chủ của các công ty quản lý quỹ cho thấy các doanh nghiệp đã và đang rục rịch chuyển mình tái cấu trúc.
Theo Hải An
TTVN
|
Ngày đăng :
01/01/2012 - 4:46 PM
“Tổ chức tín dụng nào không thể phục hồi được sẽ đưa ra khỏi thị trường một cách có trật tự…”.
“Các tổ chức tín dụng (TCTD) lành mạnh được tạo điều kiện phát triển về quy mô và năng lực cạnh tranh trong nước, quốc tế. Các tổ chức tín dụng yếu kém, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn hệ thống cần được ưu tiên tái cơ cấu để trở lại thị trường hoạt động theo các chuẩn mực, quy định của pháp luật. Nếu tổ chức tín dụng yếu kém không thể phục hồi được thì phải được kiên quyết đưa ra khỏi thị trường một cách có trật tự để bảo đảm kỷ luật thị trường và sự lành mạnh, an toàn của hệ thống”.
Đây là khẳng định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tại buổi trao đổi với báo chí nhân dịp năm mới 2012.
“Ngành ngân hàng đóng góp rất quan trọng vào kiềm chế lạm phát”
Thưa Thống đốc, năm 2011 ngành ngân hàng đã góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát như thế nào?
Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Năm 2011, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng đạt 12 – 13%. Đây là mức thấp nhất trong suốt quá trình đổi mới của nền kinh tế. Trung bình 10 năm qua (2000 – 2011) tăng trưởng tín dụng ngân hàng là 29,4%; 5 năm gần đây (2006 – 2011) con số này là 33%.
Năm 2011 chúng ta đã kiềm chế lạm phát được ở mức 18%. Hãy thử giả định rằng năm 2011 tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng cũng ở mức 29,4% hoặc 33% thì lạm phát sẽ ở mức nào? Theo tính toán sơ bộ của chúng tôi thì lạm phát sẽ ở mức 25% đến 27%. Như vậy, có thể thấy rằng hoạt động tín dụng ngân hàng đã có đóng góp rất quan trọng vào kiềm chế lạm phát.
Hoạt động ngân hàng cũng đóng góp to lớn vào tăng trưởng hợp lý của nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao hiệu quả đầu tư. Tăng trưởng kinh tế năm 2011 của Việt Nam sẽ vào khoảng 5,9% - 6%, đây là mức tăng trưởng hợp lý (không nóng quá mà cũng không làm mất đi động lực của quá trình phát triển lâu dài).
Ở nước ta, hệ thống ngân hàng đáp ứng trên 80% nhu cầu vốn của cả nền kinh tế. Những năm trước đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng không cao hơn bao nhiêu (7%, 8%), nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng ngân hàng thường gấp từ 5 đến 7 lần tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Năm 2011 tỷ lệ này chỉ là 2 lần. Điều này cho thấy tín dụng ngân hàng đã được đầu tư hiệu quả hơn. Thực tiễn đã chứng minh điều đó.
Mặc dù tín dụng chung cho cả nền kinh tế chỉ tăng 12 - 13% nhưng tín dụng cho khu vực sản xuất đã tăng trên 15%, tín dụng cho phi sản xuất, đặc biệt là cho bất động sản, chứng khoán giảm mạnh. Các lĩnh vực trọng điểm của nền kinh tế như sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu đã được ưu tiên vốn ở mức tối đa. Trong năm 2011, tín dụng cho nông nghiệp trung bình đạt 25% (có những thời vụ trên 30%).
Cả năm 2011, tín dụng cho xuất khẩu đã đạt mức tăng trưởng kỷ lục là 58%. Do vậy, mặc dù kinh tế thế giới và các thị trường xuất khẩu truyền thống của nước ta đang hết sức khó khăn nhưng tăng trưởng xuất khẩu của ta rất ấn tượng với mức tăng trên 30% (cao hơn nhiều so với mức dự kiến 10% - 13%).
Hoạt động của hệ thống ngân hàng năm 2011 cũng đã góp phần điều chỉnh mức đầu tư toàn xã hội quá nóng trong những năm trước đây (từ mức trung bình 42% - 44% xuống mức 35% - 37%). Trong khi đó, hiệu quả đầu tư được nâng lên rõ rệt.
TCTD hiện nay đang tiềm ẩn những yếu kém
Thưa Thống đốc, vì sao đến thời điểm này Chính phủ phải quyết liệt đặt ra vấn đề tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng?
Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Cùng với sự phát triển nhanh về quy mô, các TCTD hiện nay đang tiềm ẩn những yếu kém, rủi ro nhất định. Hệ thống các TCTD tiềm ẩn rủi ro tín dụng và rủi ro thanh khoản khá cao, tính ổn định, hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh chưa cao.
Nguyên nhân của những yếu kém này xuất phát từ những yếu tố khách quan như kinh tế vĩ mô trong nước, ngoài nước kém ổn định, hệ thống doanh nghiệp nhiều yếu kém, khuôn khổ thể chế còn bất cập,…. Và yếu tố chủ quan gồm: năng lực quản trị, điều hành, tài chính, trình độ cán bộ và công nghệ nhiều hạn chế,….
Trong suốt thời gian dài vừa qua, Đảng và Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD ra đời và phát triển nhanh nhưng chất lượng, hiệu quả hoạt động của các TCTD chậm được cải thiện, nhiều yếu kém không được xử lý kịp thời, triệt để. Các TCTD hoạt động thiếu công khai, minh bạch. Nguyên tắc thị trường trong hoạt động ngân hàng không được đề cao. Khuôn khổ pháp lý chậm được đổi mới và hoàn thiện theo yêu cầu thực tiễn.
Những yếu kém hiện nay của một bộ phận các TCTD không được xử lý kịp thời có thể tác động bất lợi đến ổn định kinh tế vĩ mô và hệ thống tài chính quốc gia. Quy mô dư nợ tín dụng và tài sản của hệ thống các TCTD đã vượt xa GDP làm cho hệ thống các TCTD dễ bị tổn thương từ những thay đổi bất lợi của nền kinh tế, ngược lại sự bất ổn của hệ thống các TCTD cũng sẽ tác động lớn đến sự ổn định kinh tế vĩ mô.
Một hệ thống ngân hàng yếu kém không thể huy động và phân bổ một cách có hiệu quả các nguồn vốn trong nền kinh tế, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách tiền tệ. Do đó, cơ cấu lại hệ thống các TCTD là yêu cầu cần thiết để lành mạnh hóa, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của các TCTD, từ đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả đầu tư và tăng trưởng kinh tế bền vững.
Để thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, Việt Nam cần phát triển một hệ thống các TCTD có quy mô lớn hơn, chất lượng và hiệu quả hoạt động tốt hơn. Đồng thời, trong bối cảnh Việt Nam đang ngày mở cửa thị trường và hội nhập quốc tế sâu sắc thì hệ thống các TCTD cũng cần phải được củng cố và phát triển để có đủ khả năng tận dụng cơ hội phát triển mới và đối phó với những thách thức, cú sốc từ bên ngoài, chẳng hạn khủng hoảng, biến động bất lợi của thị trường tài chính – tiền tệ quốc tế.
Kiên quyết không để xảy ra đổ vỡ và mất an toàn hoạt động ngân hàng
Xin Thống đốc cho biết mục tiêu tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng lần này là gì?
Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Theo tôi, mục tiêu tái cơ cấu hệ thống các TCTD lần này nhằm hướng tới đến năm 2020 phát triển được hệ thống các TCTD đa năng theo hướng hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả vững chắc với cấu trúc đa dạng về sở hữu, quy mô, loại hình có khả năng cạnh tranh lớn hơn và dựa trên nền tảng công nghệ, quản trị ngân hàng tiên tiến phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế về hoạt động ngân hàng nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng của nền kinh tế.
Trong giai đoạn 2011-2015, tập trung lành mạnh hóa tình trạng tài chính và củng cố năng lực hoạt động của các TCTD; Cải thiện mức độ an toàn và hiệu quả hoạt động của các TCTD; Nâng cao trật tự, kỷ cương và nguyên tắc thị trường trong hoạt động ngân hàng. Phấn đấu đến cuối năm 2015 hình thành được ít nhất 1-2 ngân hàng thương mại có quy mô và trình độ tương đương với các ngân hàng trong khu vực.
Theo đó, các TCTD Việt Nam sẽ được cơ cấu lại toàn diện về tài chính, hoạt động, quản trị và sở hữu bằng các hình thức, biện pháp và lộ trình thích hợp. Chính phủ kiên quyết không để xảy ra đổ vỡ và mất an toàn hoạt động ngân hàng ngoài tầm kiểm soát trong quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD.
Vậy làm thế nào để cải cách nhanh, triệt để hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay, thưa Thống đốc?
Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Kinh nghiệm của các nước cho thấy muốn cải cách nhanh, triệt để hệ thống ngân hàng thì chính phủ phải đóng vai trò quyết định thông qua các biện pháp can thiệp về chính sách, nguồn lực tài chính, đồng thời phải khuyến khích được sự tham gia của khu vực tư nhân vào quá trình cơ cấu lại hệ thống ngân hàng. Cải cách bao giờ cũng kèm theo chi phí kinh tế.
Để hệ thống ngân hàng phát triển an toàn, hiệu quả bền vững sau cơ cấu lại thì cơ cấu lại tài chính là quan trọng nhưng cơ cấu lại quản trị, hoạt động và kể cả khuôn khổ thể chế là yếu tố quyết định. Thông thường, thời điểm được coi là hợp lý để cải cách hệ thống tài chính - ngân hàng khi nền kinh tế có mức lạm phát tương đối thấp để tạo dư địa cho sự can thiệp mạnh mẽ của chính phủ và ngân hàng trung ương vào hệ thống tài chính - ngân hàng. Kế hoạch cơ cấu lại hệ thống các TCTD ở Việt Nam được tiến hành trong bối cảnh nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn.
Theo Thống đốc, những thuận lợi và khó khăn của việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam trong thời điểm hiện nay là gì?
Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Về thuận lợi, cơ cấu lại hệ thống các TCTD được đặt trong chương trình tổng thể tái cơ cấu đầu tư và tái cơ cấu doanh nghiệp để thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế. Mục đích cơ cấu lại các TCTD là vì lợi ích quốc gia, dân tộc chứ không vì lợi ích nhóm cục bộ. Do đó, cơ cấu lại hệ thống các TCTD nhận được sự quyết tâm và đồng thuận cao về mặt chính trị - xã hội. Các TCTD ý thức rõ ràng về sự cần thiết phải cơ cấu lại để hoạt động an toàn và hiệu quả hơn.
Về khó khăn, nền kinh tế đang chịu áp lực lạm phát cao và còn tồn tại những yếu tố có thể gây bất ổn vĩ mô. Nguồn lực của Chính phủ hạn chế do thâm hụt ngân sách lớn, nợ công đã ở mức cao và đang tăng nhanh. Các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ tập trung kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Khuôn khổ pháp lý cho việc cơ cấu lại doanh nghiệp, tài chính, ngân hàng chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, đặc biệt là vấn đề phá sản, quyền sở hữu tài sản và nghĩa vụ tài chính. Kinh tế, tài chính thế giới diễn biến không thuận lợi. Cuộc khủng hoảng nợ công ở Châu Âu có nguy cơ trở thành cuộc khủng hoảng tài chính tác động bất lợi đến hệ thống ngân hàng trong nước.
Ngoài ra, tâm lý người dân không ổn định dễ phản ứng thái quá nếu không được định hướng đúng đắn và tuyên truyền đầy đủ về các chủ trương, chính sách cơ cấu lại ngân hàng.
"Ra khỏi thị trường một cách có trật tự"
Vậy Ngân hàng Nhà nước sẽ đề xuất với Chính phủ các gói giải pháp đồng bộ nào để cơ cấu lại các tổ chức tín dụng hiện nay?
Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Để thực hiện được các mục tiêu, định hướng nêu trên, NHNN đã nghiên cứu và đề xuất gói giải pháp đồng bộ cơ cấu lại các TCTD như sau:
Thứ nhất, khuyến khích việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại ngân hàng theo nguyên tắc tự nguyện, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và các quyền, nghĩa vụ kinh tế của các bên có liên quan theo quy định của pháp luật. Để bảo đảm an toàn, ổn định của hệ thống, một số TCTD có mức độ rủi ro, nguy cơ mất an toàn cao sẽ được áp dụng các biện pháp xử lý đặc biệt theo quy định của pháp luật. Về phương diện các TCTD, cơ cấu lại TCTD cũng là cơ hội thuận lợi để các TCTD tăng nhanh hơn về quy mô và nâng cao khả năng cạnh tranh.
Thứ hai, các TCTD cần được đánh giá, phân loại thành TCTD lành mạnh, TCTD thiếu thanh khoản tạm thời và TCTD yếu kém. Các TCTD lành mạnh được tạo điều kiện phát triển về quy mô và năng lực cạnh tranh trong nước, quốc tế. Các TCTD yếu kém, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn hệ thống cần được ưu tiên tái cơ cấu để trở lại thị trường hoạt động theo các chuẩn mực, quy định của pháp luật. Nếu TCTD yếu kém không thể phục hồi được thì phải được kiên quyết đưa ra khỏi thị trường một cách có trật tự để bảo đảm kỷ luật thị trường và sự lành mạnh, an toàn của hệ thống các TCTD. TCTD tạm thời thiếu thanh khoản sẽ được NHNN hỗ trợ để phục hồi, đồng thời phải chấn chỉnh, củng cố để hoạt động lành mạnh, an toàn hơn.
Thứ ba, trong quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD, đặc biệt là xử lý những TCTD yếu kém, các NHTMNN và các NHTMCP lành mạnh sẽ là lực lượng chủ lực tham gia tích cực với sự hỗ trợ thích hợp của Chính phủ và NHNN về cơ chế, chính sách và nguồn lực để thực hiện. Đây cũng là đặc trưng riêng phản ánh tính hệ thống chặt chẽ của các TCTD. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa Chính phủ và NHNN “bao cấp” toàn bộ cho việc cơ cấu lại TCTD. Tổn thất và chi phí trong quá trình xử lý yếu kém của hệ thống các TCTD cần phải được chia sẻ hợp lý giữa các bên có liên quan theo quy định của pháp luật (Nhà nước, chủ sở hữu, nhà đầu tư và người gửi tiền). Trong đó, chủ sở hữu ngân hàng phải chịu trách nhiệm đầu tiên và cuối cùng về những tổn thất xảy ra đối với TCTD và lợi ích của Nhà nước, tài sản của nhân dân phải được bảo vệ tốt nhất.
Thứ tư, thực hiện lành mạnh hóa tài chính với trọng tâm là xử lý nợ xấu, bảo đảm mức độ đủ vốn theo quy định của pháp luật và thay đổi cấu trúc của bảng cân đối kế toán theo hướng lành mạnh, bền vững hơn.
Thứ năm, củng cố, phát triển các hoạt động kinh doanh chính và giảm các lĩnh vực kinh doanh nhiều rủi ro, kém hiệu quả của TCTD. Tập trung tín dụng ngân hàng vào các ngành, lĩnh vực thuộc 3 khâu đột phá chiến lược trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 và phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, sản xuất – chế biến, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Từng bước chuyển dịch mô hình kinh doanh của các ngân hàng thương mại theo hướng giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng và tăng nguồn thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng. Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng.
Thứ sáu, đổi mới hệ thống quản trị ngân hàng phù hợp hơn các thông lệ chuẩn mực quốc tế với trọng tâm là triển khai các hệ thống quản trị rủi ro phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực của Ủy ban Basel. Tăng tính minh bạch hóa hoạt động ngân hàng và tính đại chúng của các TCTD.
Xin cảm ơn Thống đốc!
Theo Công Minh
NDHMoney
|