Vụ IPO khủng nhất làng công nghệ sắp tiến hành

Ngày đăng : 02/05/2012 - 2:54 PM

 

Nhiều nhà phân tích dự đoán, đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Facebook sẽ tạo ra làn sóng triệu phú trẻ ở Thung lũng Silicon. 

 

Hãng quản lý mạng xã hội lớn nhất hành tinh Facebook có khả năng sẽ tiến hành IPO vào ngày 18/5 tới và chương trình quảng bá hoạt động kinh doanh của hãng sẽ bắt đầu từ 7/5 tới đây.

 

Đầu tháng 2 năm nay, mạng xã hội lớn nhất hành tinh Facebook đã chính thức nộp hồ sơ xin chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng lên Ủy ban Chứng khoán Mỹ, nhằm huy động 5 tỷ USD. Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg cho biết, "chúng tôi đã đạt tới một cột mốc quan trọng".

 

Facebook ra đời năm 2004 và đã phát triển không ngừng trong các năm sau. Mark Zuckerberg hiện là cổ đông lớn nhất tại Facebook. Accel Partners là cổ đông ngoài công ty lớn nhất. Dustin Moskovitz, một trong những người đồng sáng lập mạng xã hội này, hiện đang nắm giữ 7,6% quyền biểu quyết.

 

Trong hồ sơ IPO, Facebook cho biết, lãi ròng của công ty trong năm 2011 đã tăng 65% lên 1 tỷ USD trên tổng doanh thu 3,71 tỷ USD. Số thành viên chính thức của mạng xã hội này tính tới ngày 31/12/2011 là 845 triệu người. Hồ sơ cũng nêu rõ, 85% doanh thu trong năm qua của Facebook là từ hoạt động quảng cáo.

 

Vụ IPO của Facebook dự kiến sẽ là đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng với quy mô lớn nhất từ trước tới nay trong lĩnh vực Internet. Theo mạng công nghệ Cnet, ngày thực hiện vẫn còn khá lấp lửng do Facebook đang chờ đợi sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Mỹ.

 

Song, theo tin từ tài khoản Twitter của tờ Wall Street Journal, thì ngày 18/5 dường như đã được ấn định để Facebook thực hiện vụ IPO hoành tráng này. Danh tiếng và giá trị của Facebook gần đây càng trở nên hấp dẫn nhà đầu cơ hơn khi hãng chi 1 tỷ USD thu mua Instagram.

 

Theo thống kê mới nhất, hiện tại đã có 50 triệu lượt người sử dụng ứng dụng Instagram, trung bình tăng 5 triệu người 1 tuần. Điều này chứng tỏ sự tăng trưởng chóng mặt của Instagram từ khi chính thức thuộc quyền sở hữu của mạng xã hội lớn nhất hành tinh Facebook.

 

Instagram trước đó đã đạt số lượng người dùng là 40 triệu vào ngày 13/4 vừa qua. Mặc dù Google chưa đưa ra con số chính xác đã có bao nhiêu lượt người tải ứng dụng này trên Google Play nhưng Instagram được phỏng đoán đã vượt ngưỡng 10 triệu lượt tải vể cách đây hai ngày.

 

Chương trình quảng bá với mục đích đưa Facebook tới nhà đầu tư tiềm năng dự kiến sẽ được tổ chức tại New York, Boston, San Francisco, Chicago, Baltimore và Los Angeles, tờ New York Times cho hay. Hội nghị đầu tiên có khả năng diễn ra ở ngân hàng Morgan Stanley tại New York.

 

Trong chương trình quảng bá sắp diễn ra, Facebook có thể công bố kết quả kinh doanh quý 1 với doanh thu tăng 45%, lên 1,06 tỷ USD. Công ty này cũng sẽ phải đối mặt với câu hỏi về việc chi phí tăng quá nhanh, khiến thu nhập ròng giảm 12%, xuống còn 205 triệu USD trong quý vừa qua.

 

Như vậy, điều mà thị trường mong đợi lâu nay cuối cùng cũng sắp trở thành hiện thực. Nhiều nhà phân tích dự đoán, đợt IPO của Facebook sẽ tạo ra làn sóng triệu phú trẻ ở Thung lũng Silicon. Chỉ sau một đêm, khoảng 1/3 trong tổng số 3.000 nhân viên của mạng này sẽ nắm trong tay số cổ phiếu trị giá từ 1 triệu USD trở lên.

Phúc Minh

 VnEconomy

Họ tên :

Email :

Nội dung :

Tin cùng chủ đề

25 loại “sâu” máy tính nổi tiếng nhất lịch sử

Ngày đăng : 08/01/2012 - 10:51 PM

Đã 25 năm trôi qua kể từ khi con virus máy tính đầu tiên “chào đời”, trong từng ấy thời gian, thế giới công nghệ đã chứng kiến không biết bao nhiêu loại “khuẩn” nguy hiểm cùng hàng loạt biến thể của chúng.
 

 

 

Tuy nhiên, trong suốt 25 năm phát triển đó, chỉ có 25 loại thực sự trở thành mối đe dọa đối với an ninh mạng toàn cầu, mà mỗi khi nhắc tới chúng, nhiều chuyên gia công nghệ quốc tế còn cảm thấy “thót tim”.

Chẳng hạn như loại virus mang tên mỹ miều “Bức thư tình” (Love Letter) từ Philippines hồi năm 2000 có tốc độ lây lan nhanh khủng khiếp. Hơn 50 triệu máy tính toàn cầu đã bị lây nhiễm, thiệt hại hàng tỷ USD.

Dưới đây là 25 loại virus đã từng làm thế giới rúng động trong 25 năm qua.

1. Virus Brain

Mức độ nguy hiểm: 1

Đây là loại virus đầu tiên lây nhiêm trên máy tính được tạo ra vào năm 1986 tại Pakistan. Brain lây nhiễm thông qua đĩa mềm trên hệ điều hành MS-DOS. Tuy nhiên, đây không phải là loại virus phá hoại, tác giả là anh em nhà Alvi chỉ chèn tên tuổi và thông tin cá nhân của mình vào trong mã của virus.

Hiện Amjad Farooq Alvi và Basit Faqooq Alvi, hai tác giả của virus Brain đến từ Lahore, Pakistan, đang điều hành công ty viễn thông, cung cấp các dịch vụ Internet tại nước này.

2. Virus Stoned

Mức độ nguy hiểm: 1

Vào năm 1987, virus Stoned do một sinh viên ở New Zealand tạo ra đã xuất hiện. Chỉ trong 2 năm sau đó, Stoned đã gây bão ở khắp New Zealand và Australia.

3. Virus Form

Mức độ nguy hiểm: 6

Virus Form có gốc gác từ Thụy Sỹ và tới nay vẫn chưa rõ ai là tác giả. Xuất hiện vào năm 1990, đây cũng là một trong những loại virus nguy hiểm nhất trong lịch sử máy tính, cho dù thuộc mức độ 6.

4. Virus Michelangelo


Mức độ nguy hiểm: 5

Ra đời muộn hơn Form 1 năm, virus mang cái tên dài dòng này có nguồn gốc từ New Zealand. Đây có lẽ là loại “khuẩn” máy tính đầu tiên xuất hiện trong các bản tin thời sự quốc tế.

5. Virus VCL

Mức độ nguy hiểm: 2

Vào năm 1992, VCL có gốc tích từ Mỹ xuất hiện. Trên thực tế, VCL (Virus Creation Laboratory) là một công cụ với giao diện đơn giản, cho phép người dùng tự tạo ra virus.

6. Virus Monkey

Mức độ nguy hiểm: 5

Ra đời năm 1994 tại Canada, virus Monkey là chương trình đầu tiên có khả năng tự giấu mình trước sự truy đuổi của người dùng.

7. Virus Concept

Mức độ nguy hiểm: 7

“Sinh” năm 1995 tại Mỹ, Concept là loại virus đầu tiên chứng tỏ khả năng xâm nhập được vào các file của chương trình soạn thảo văn bản Microsoft Word.

8. Virus Happy99

Mức độ nguy hiểm: 3

Xuất hiện năm 1999, đây là biến thể virus email đầu tiên, nhưng không rõ nguồn gốc. Mặc dù đã lây lan nhanh chóng tới hàng triệu máy tính, nhưng Happy99 với thông điệp “Chúc mừng năm mới 1999” không gây ra thiệt hại đáng kể nào.

9. Virus Melissa

Mức độ nguy hiểm: 4

Ra đời cùng năm với Happy99, virus Melissa có nguồn gốc tại Mỹ. Loại “khuẩn vi tính” này được đặt theo tên một nữ vũ công nổi tiếng.

10. Virus Code Red


Mức độ nguy hiểm: 6

Cũng không rõ nguồn gốc phát sinh như Happy99, virus mang cái tên khá kêu “Mã đỏ” này xuất hiện năm 2001, là loại sâu tự động phát tán mà không cần quan tâm tới việc có người dùng tác động hay không.

11. Virus Love Letter

Mức độ nguy hiểm: 8

Đây là một trong những loại virus có mức độ lây lan khủng khiếp nhất trong lịch sử công nghệ, Love Letter hay I Love You xuất hiện vào năm 2000 từ Philippines. Những máy tính bị lây nhiễm virus này sẽ tự gửi đến danh sách bạn bè có trong email những email với tiêu đề I Love You, đính kèm theo những file word có chứa mã độc. Không chỉ có vậy, loại virus này còn “xung kích” phá hoại máy tính của nạn nhân. Hơn 50 triệu máy tính toàn cầu đã dính đòn của Love Letter, thiệt hại lên tới hàng tỷ USD.

12. Virus Slammer

Mức độ nguy hiểm: 6

Xuất hiện vào năm 2003, Slammer là một trong những loại virus có tốc độ lan truyền kỷ lục, với 75 ngàn máy bị lây nhiễm chỉ sau 10 phút. Slammer đã làm sập hệ thống máy ATM của ngân hàng Mỹ và mạng lưới 911 tại Seatles (Mỹ).

13. Virus Sobig

Mức độ nguy hiểm: 7

Cũng như Slammer, virus Sobig xuất hiện cùng năm và cùng không rõ nguồn gốc. Một điểm tương đồng nữa là Sobig lây lan tới hàng triệu máy tính chỉ trong vòng vài giờ sau khi xuất hiện.

14. Virus MyDoom

Mức độ nguy hiểm: 7

Xuất hiện năm 2004, loại virus có nguồn gốc từ Nga này đã được phát tán qua email và mạng Kazaa P2P.

15. Virus Sasser

Mức độ nguy hiểm: 7

Xuất hiện năm 2004 tại Mỹ, Sasser đã “lập thành tích” khi đánh sập hệ thống mạng từ  Australia đi Hồng Kông và Anh quốc.

16. Virus Fizzer

Mức độ nguy hiểm: 6

Năm 2003 đánh dấu sự ra mắt của virus đầu tiên được tạo ra với mục đích lợi nhuận, Fizzer. Fizzer lây nhiễm thông qua các file đính kèm trên email. Một máy tính sau khi bị nhiễm virus Fizzer có thể bị tin tặc đánh cắp quyền điều khiển và đưa vào các mạng lưới botnet hoặc sử dụng để gửi đi các email spam.

17. Virus Cabir

Mức độ nguy hiểm: 3

“Sinh” ra năm 2003 tại Philippines, Cabir là loại sâu điện thoại đầu tiên trong lịch sử.

18. Virus SDBot

Mức độ nguy hiểm: 4

SDBot chào đời năm 2004 tại một nơi nào đó trên thế giới mà tới nay chưa ai biết được. Đây là loại trojan có khả năng chọc thủng được mọi tuyến phòng thủ thông thường.

19. Virus HaxDoor

Mức độ nguy hiểm: 4

Xuất hiện năm 2005, HaxDoor thực chất là một loại rootkit có khả năng che giấu các chương trình gây hại trước mắt người sử dụng máy tính.

20. Virus Sony Rootkit


Mức độ nguy hiểm: 1

Thêm một loại rootkit khác xuất hiện cùng năm với HaxDoor, nhưng có nguồn gốc xác thực ở Mỹ và Anh. Hãng đĩa nhạc Sony BMG đã tích hợp 1 loại phần mềm trên các đĩa của mình, cho phép tự động cài đặt trên các máy tính đọc đĩa của Sony BMG. Mặc dù đây là động thái bảo vệ bản quyền của Sony BMG, nhưng phần mềm này lại tạo lỗ hổng để các phần mềm gây hại khác xâm nhập vào hệ thống.

21. Virus Mebroot

Mức độ nguy hiểm: 3

Xuất hiện vào năm 2007, virus này đã đánh cắp hơn 500.000 tài khoản ngân hàng cùng các thông tin thanh toán trực tuyến.

22. Virus Storm Worm

Mức độ nguy hiểm: 9

Cũng “chào đời” vào năm 2007, Storm Worm thực sự gây bão khi phát tán đi những bức email kiểu “230 người đã bị thiệt mạng trong một cơn bão ở châu Âu”.

23. Virus 3D Anti-Terrorist

Mức độ nguy hiểm: 2

Hiện chưa rõ loại virus có nguồn gốc từ Nga này xuất hiện khi nào, nhưng đối tượng hướng tới của nó được xác định là các smartphone dùng hệ điều hành Windows Mobile.

24. Virus Conficker


Mức độ nguy hiểm: 5

Sinh năm 2008, Conficker đã nhanh chóng phát tán ra hàng triệu máy tính trên phạm vi toàn cầu. Đây cũng là một trong những loại virus có tốc độ lây lan khủng khiếp nhất trong lịch sử công nghệ vi tính toàn cầu.

25. Virus Stuxnet

Mức độ nguy hiểm: 5

Xuất hiện năm 2010, Stuxnet đã tốn không ít “giấy mực” của các hãng bảo mật. Loại virus có nguồn gốc từ Mỹ và Israel này thuộc vào hàng nguy hiểm nhất từ trước tới nay. Hãng bảo mật F-Secure cho rằng, một người phải mất hơn 10 năm nghiên cứu liên tục mới có thể hoàn thành được Stuxnet. Điều đó cho thấy mức độ phức tạp của loại virus này. Theo tiết lộ của báo New York Times, Mỹ và Israel đứng sau Stuxnet nhằm phá hoại các hoạt động hạt nhân của Iran, bởi lẽ loại “khuẩn này” có khả năng tác động tới quá trình vận hành các cơ sở hạt nhân tại Iran, ép các máy ly tâm quay ở tốc độ không an toàn, khiến các máy này có thể bị hỏng hóc.

 

Theo VnEconomy.vn


Được, mất của Apple trong năm 2011

Ngày đăng : 04/01/2012 - 10:01 PM

2011 là một năm đáng nhớ của hãng công nghệ Apple, bởi “người hùng công nghệ” đã gặt hái được nhiều thành công, nhưng cũng phải đối mặt với vô vàn khó khăn, trở ngại và cả những cuộc chia ly đẫm lệ.

 

iPhone 4S ra đời trễ nhưng vẫn giành được sự quan tâm của người tiêu dùng, iPad 2 tiếp tục làm mưa làm gió trên thị trường máy tính bảng; tính năng điều khiển bằng giọng nói Siri nhiều hứa hẹn… là những thành công đáng chú ý của Apple trong năm 2011.

Mất mát lớn nhất của Apple trong năm 2011 là sự chia tay vĩnh viễn của “thuyền trưởng” Steve Jobs. Một số nhân sự tầm cỡ khác thì dứt áo ra đi tìm bến đỗ mới. Cuộc chiến bản quyền cũng mang lại không ít điều tiếng cho “người hùng công nghệ”.

Trang công nghệ Techradar đã liệt kê ra những được, mất của Apple trong 12 tháng qua.

Những thành công của Apple
 
1. iPad 2 chưa có đối thủ
 
Mỏng và nhẹ hơn đời đầu tới 32%, iPad 2 tiếp tục mang về vòng nguyệt quế cho Apple trên phân khúc thị trường công nghệ máy tính bảng. Mặc dù bị không ít chuyên gia “dìm hàng” về chất lượng camera, màn hình… song iPad 2 vẫn đánh bại các đối thủ khác trên chiến đài máy tính bảng và hiện sản phẩm này “không có đối thủ”.

2. iPhone 4S bán chạy không ngờ

Người tiêu dùng từng thất vọng “toàn tập” khi thay vì mẫu iPhone 5, Apple lại ra mắt chiếc iPhone 4S. Nhiều chuyên gia công nghệ đã không ngớt lời phê phán Apple vì để người tiêu dùng chờ đợi quá lâu và cuối cùng chỉ mang tới một bản nâng cấp thế hệ liền kề trước đó. Tuy nhiên, doanh số từ iPhone 4S rất ấn tượng, thậm chí vượt xa rất nhiều các thế hệ đàn anh đi trước.

3. Từ chối Flash trên di động
 
Trở lại thời điểm tháng 4/2010, Steve Jobs đã viết một bức thư ngỏ nói về Flash dành cho di động, trong đó ông liệt kê ra những lý do mà Apple từ chối hỗ trợ Flash trên iOS. Bức thư này đã khiến quan hệ giữa Adobe và Apple trở xấu và đã có không ít người cho rằng quyết định của Apple là xuất phát từ cái tôi cá nhân của Steve Jobs hơn là xem xét từ các yếu tố kỹ thuật. Tuy nhiên, tới tháng 11 vừa qua, Adobe đã quyết định từ bỏ phát triển Flash trên di động và điều này cũng có thể coi là một điềm lành đối với Apple.
 
4. Thị trường game cầm tay
 
Liệu Apple có ngạc nhiên trước những thành công của họ trên thị trường game cầm tay hay không khi mà hãng vốn chưa bao giờ thực sự có game cầm tay. Tuy nhiên, sự thực là, theo Flurry, doanh thu từ game của iOS và Android trong năm 2011 lần đầu tiên đã vượt qua cả Sony và Nintendo.

5. OS X Lion thành công lớn

 
Tháng 10/2010, Apple từng giới thiệu về hệ điều hành OS X Lion tại sự kiện về máy tính Mac và tới tháng 7/2011, hãng đã chính thức ra mắt hệ thống này. OS X Lion đã bán được hơn 1 triệu bản ngay trong ngày đầu tiên. Người tiêu dùng đánh giá cao các ứng dụng toàn màn hình, quản lý tác vụ, tự động lưu giữ và hồi phục lại…
 
6. Hứa hẹn từ Siri


Siri được xem là tính năng đáng lưu ý nhất trên chiếc điện thoại iPhone 4S xuất hiện hồi tháng 10. Công nghệ điều khiển bằng giọng nói là một sáng tạo của Apple, được xem là viên gạch đầu tiên cho nền móng công nghệ tương lai. Mặc dù Siri cũng bị chê không ít nhưng không thể phủ nhận vai trò cách mạng của Siri tương tự như những cuộc cách mạng giao diện, màn hình cảm ứng…

7. Cải tiến bất ngờ của iOS

Sự khác biệt của iOS 5 so với các phiên bản tiền nhiệm nằm ở 10 tính năng chính bao gồm iMessage, thanh thông báo Notification, ứng dụng Reminder, NewStand, nâng cấp trình duyệt Safari, Mail, Camera, GameCenter, tích hợp dịch vụ iCloud và đặc biệt là khả năng hoạt động động lập không lệ thuộc vào máy tính giống như thế hệ trước.

8. Apple thống trị thế giới
 
Trong năm, Apple đã có lúc vượt qua tập đoàn dầu khí Mỹ Exxon Mobile, trở thành công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất thế giới. Mặc dù “vương miện” về tay Apple không được bao lâu, nhưng giá trị thị trường của hãng vẫn không ngừng tăng trưởng. Cổ phiếu của Apple đã giảm mạnh sau khi Steve Jobs qua đời, nhưng sự thành công sau đó với iPhone 4S đã giúp hãng lấy lại được phong độ.

9. Bắt tay với Verizon

 
Việc Verizon được cung cấp iPhone đã cho thấy mức tăng trưởng của dòng điện thoại này sẽ còn mở rộng hơn nữa nhờ có nhiều nhà phân phối hơn. Tại Mỹ, người ta từng cho rằng sự thành công của iPhone là nhờ hợp đồng phân phối độc quyền với AT&T, nhưng mọi thứ đã thay đổi. iPhone 4S được xem là “điện thoại toàn cầu” khi dùng được cho cả mạng GSM lẫn CDMA.
 
10. Thống trị thị trường máy tính bảng

Cuộc đua trên thị trường máy tính bảng giữa iPad và các dòng sản phẩm Android vẫn đang tiếp diễn, nhưng iPad chưa từng san xẻ ngôi vương cho bất cứ đối thủ nào. Nói một cách khác, iPad vẫn đang thống trị phân mảng công nghệ này và có thể sẽ tiếp tục duy trì như vậy trong năm 2012.
 
Và những trở ngại

1. Steve Jobs từ biệt thế giới

Không cần quá lo lắng cho tương lai của Apple khi không còn người thuyền trưởng vĩ đại Steve Jobs, bởi lúc đương thời, Jobs đã thu hút được cho Apple không ít nhân tài. Nhưng sự ra đi của Steve Jobs vẫn là một mất mát rất lớn. Bởi Jobs là người có tầm nhìn, phẩm vị và hiểu biết người dùng công nghệ vượt xa những người cùng thời.

2. Ép phải nâng cấp
 
Apple nổi tiếng nhờ sự đổi mới liên tục, nhưng trong năm qua, Apple đã bị xem là quá đà, khiến người dùng công nghệ cảm giác bị ép buộc phải nâng cấp phần mềm của họ. Chẳng hạn như iCloud đòi hỏi OS X Lion và bỏ rơi Snow Leopard. Hay khi bản nâng cấp iOS iWork xuất hiện trên iTunes, người dùng iPhone và iPod touch buộc phải có iOS 5.

3. Những cuộc chiến bản quyền


Apple đã gặt hái được không ít thắng lợi trong cuộc chiến bản quyền sáng chế trước các đối thủ khác, nhưng cũng vấp phải không ít chông gai. Một số thắng lợi gần đây trước Apple của Samsung đã làm uy tín của Apple bị ảnh hưởng không ít.

Những điểm bất lợi khác của Apple trong năm 2011 còn có máy chủ quá tải; iCloud chưa thực sự hoàn hảo; Một số nhân sự từng mang tới thành công không nhỏ cho Apple đã dứt áo ra đi; Những điều tiếng liên quan tới đối tác Foxconn và cả các cáo buộc bí mật theo dõi người dùng.

 

Theo VnEconomy.vn


Một game Việt đạt hơn 2 triệu lượt tải từ iTunes

Ngày đăng : 26/12/2011 - 6:48 PM

Với hơn 2 triệu lượt tải về từ iTunes, “chợ điện tử” của Apple, Dalton – The Awesome! là một trong số ít game do người Việt thiết kế giành được thành công lớn hiện nay.

 

 

Dalton – The Awesome! là game do công ty Colorbox thiết kế và phát triển. Đây là tác phẩm của người Việt trong nước, từ lên ý tưởng, đồ họa cho tới thực hiện.

Giao diện của game khá “sơ khai” với những nét vẽ bút chì màu. Trong game, người chơi sẽ đóng vai một nhân vật luôn phải chạy trốn các zombie (thây ma) và tìm cách tiêu diệt chúng.

Mặc dù kịch bản không quá phức tạp, nhưng nhân vật thì khá quen thuộc do độ phủ sóng của các dòng phim zombie khá rộng, nên game này đã thu hút được nhiều “tín đồ”.

Nhiều thành viên trên các diễn đàn công nghệ như Tinh tế, Vn-zoom… đã bày tỏ sự yêu thích của mình đối với Dalton – The Awesome! và chia sẻ với nhau bản miễn phí.

iTunes được đánh giá là một sân chơi “phẳng” của Apple, ít bị rào cản, tạo điều kiện cạnh tranh cho bất kỳ công ty nào, từ lớn tới nhỏ, thậm chí là các kỹ sư phát triển độc lập.

Sự thành công của các game Việt kiểu như Dalton – The Awesome! hiện chưa nhiều, nên đây cũng có thể xem là một mô hình đáng để nhiều công ty Việt Nam học tập.

 

Theo VnEconomy.vn


Apple App Store kiếm tiền “siêu” hơn Android Market

Ngày đăng : 23/12/2011 - 1:40 AM

Theo công bố mới nhất của hãng phân tích Distimo, 200 ứng dụng hấp dẫn nhất trên gian hàng phần mềm trực tuyến của Apple (App Store) đã mang lại doanh thu cao gấp 6 lần danh sách tương tự ở Android Market.

 

 

Chỉ xét riêng App Store trên iPhone đã gấp 4 lần Android Market và con số này ở iPad là gấp 2 lần. Theo đó, các ứng dụng dành cho iPhone vẫn là nguồn thu nhập chủ yếu của Apple, kế đến là các ứng dụng iPad.

Mặc dù vậy, người dùng Android cũng chi khá nhiều vào kho ứng dụng. Doanh thu từ những hoạt động mua sắm ngay trong ứng dụng (in-app) chiếm tới 65% doanh thu mà 200 phần mềm Android đầu bảng tạo ra được.

Cũng theo Distimo, quầy ứng dụng di động Windows Phone Marketplace của Microsoft qua mặt Nokia Ovi Store và BlackBerry App World của RIM riêng về game. Hiện tại, đây cũng là quầy ứng dụng lớn thứ tư trên thị trường.

Hãng phân tích cho biết, Windows Phone Marketplace đã tăng trưởng với tốc độ lên đến 400% trong năm 2011, nhờ hãng phần mềm Microsoft tích cực thúc đẩy nền tảng mới và kết nối mạnh hơn với cộng đồng phát triển.

Trong khi đó, Android Market vẫn là thế giới của những phần mềm ứng dụng miễn phí. Ngược lại, các ứng dụng ở App Store lại khuyến khích người dùng bỏ tiền ra mua sắm vũ khí, vật dụng ảo trong các game miễn phí.

Về ứng dụng thành công nhất, Angry Birds tiếp tục giành ngôi vương, kế đến là Facebook và Skype. Tuy nhiên, ấn tượng nhất là dịch vụ Google Maps. Phần mềm này đã giành được vị trí số 5 dù chỉ cho tải với các thiết bị Android.

 

Theo VnEconomy.vn


Đầu tư cho R&D, FPT có mang danh “Tập đoàn công nghệ”?

Ngày đăng : 20/12/2011 - 6:27 PM

FPT sẽ dành 5% lợi nhuận trước thuế để chi cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Với quyết định này, liệu FPT có “lột xác” để mang danh tập đoàn công nghệ thực thụ?

 

 

FPT dành ngân sách cho R&D

Nguồn tin từ FPT cho biết, theo dự thảo Quy chế Đầu tư và Phát triển của tập đoàn này, hằng năm, FPT dành khoản ngân sách bằng 5% lợi nhuận trước thuế năm liền trước để chi cho các hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D). Như vậy, FPT là doanh nghiệp hiếm hoi của Việt Nam đưa ra lời tuyên bố rõ ràng về việc đầu tư cho nghiên cứu phát triển.

Một lãnh đạo của Công ty TNHH Hệ thống Thông tin viễn thông và dịch vụ công FPT cho rằng: "FPT là tập đoàn đầu tư phát triển công nghệ hàng đầu Việt Nam mà bây giờ mới có quy chế về nghiên cứu và phát triển là chậm. Hiện nay, các tập đoàn cung cấp sản phẩm dịch vụ trên thế giới đều có quỹ R&D được trích từ lợi nhuận hằng năm. Các công ty coi đây là sự đầu tư bắt buộc, mang tính sống còn với tương lai của họ". Một ví dụ về Huawei của Trung Quốc đã rất thành công trên thế giới nhờ đầu tư mạnh cho R&D. Huawei đã thành lập 1 công ty thành viên chuyên về nghiên cứu và phát triển (R&D). Hàng năm, Huawei chi khoảng 10% doanh thu cho việc nghiên cứu và phát triển công nghệ.

Trên tờ thông tin của FPT đã đăng tải nhiều ý kiến của các công ty con của tập đoàn này. Theo đó, FPT đã chú trọng đầu tư vào các ngành, hướng kinh doanh mới, nghiên cứu và phát triển… tuy nhiên, tập đoàn vẫn chưa có quy định cụ thể về hoạt động này. Điều đó khiến nhiều công ty thành viên phải “rón rén” khi nghiên cứu, bởi chưa biết lấy tiền ở nguồn nào đầu tư cho hiệu quả. “Nếu không có sự đầu tư để nghiên cứu các sản phẩm, công nghệ mới để theo kịp yêu cầu của khách hàng cũng như xu thế phát triển của viễn thông thế giới thì đến lúc FPT sẽ bị tụt hậu, bị khách hàng đào thải, bị đối thủ cạnh tranh thay thế”, một lãnh đạo công ty con của FPT nói.

Tuy nhiên, các đơn vị của FPT cũng hy vọng, với quy chế này, các đơn vị không phải chia sẻ quỹ lương thưởng từ bộ phận kinh doanh cho các dự án R&D nữa. Điều này khuyến khích cán bộ làm R&D chuyên tâm hơn cho việc nghiên cứu phát triển của mình, khuyến khích các ý tưởng mới trong nhân viên.

Khi tập đoàn công nghệ mang danh “bán phụ tùng”


Cuối năm 2010, theo tiêu chí phân ngành thử nghiệm đối với 178 doanh nghiệp đang niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM, Công ty FPT được xếp vào nhóm “bán buôn máy móc và thiết bị phụ tùng”. Việc phân ngành được Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) thực hiện thử nghiệm căn cứ vào tiêu chí chủ chốt là doanh thu của công ty niêm yết. Hoạt động kinh doanh nào mang lại doanh thu lớn nhất sẽ được xem là ngành chính của công ty đó.

Một số ý kiến cho rằng, trong các lĩnh vực mang đúng bản chất của một công ty công nghệ như phần mềm xuất khẩu, phần mềm trong nước thì mức đóng góp vào chiếc bánh doanh thu của FPT không nhiều. Hơn nữa, phần lớn sản phẩm phần mềm thực hiện dưới dạng làm thuê cho doanh nghiệp nước ngoài. Như vậy, FPT giống một công ty phân phối các sản phẩm công nghệ hơn là một tập đoàn công nghệ.

Gần đây, FPT đã tung ra các sản phẩm công nghệ như điện thoại di động hay máy tính bảng. Tuy nhiên, những dòng sản phẩm này vẫn được sản xuất ở công xưởng lớn nhất thế giới là Trung Quốc giống như nhiều sản phẩm điện thoại, máy tính thương hiệu Việt khác chứ không phải là đầu tư sản xuất, lắp ráp. Một chuyên gia CNTT đưa ra nhận xét, khi FPT tung ra điện thoại mang tên F99, cái tên F99 phải chăng có hàm ý là điện thoại này 99% là của Trung Quốc.  Hay m ới đây, FPT tung ra dòng máy tính bảng giá chưa tới 5 triệu đồng để thâm nhập vào phân khúc "high-end" với các phần mềm dành cho riêng người Việt Nam. Thế nhưng, sản phẩm này vẫn sản xuất ở Trung Quốc nên nhiều người cho rằng yếu tố công nghệ của FPT trong sản phẩm này vẫn khá mờ nhạt. Ở một góc độ nào đó những sản phẩm công nghệ của FPT đưa ra được xem như là "dán mác" thương hiệu của mình lên các sản phẩm "made in china".

Thế nhưng với việc tuyên bố đầu tư cho R&D, nhiều người hy vọng sẽ có một FPT được xếp chính danh vào tập đoàn công nghệ chứ không phải đi buôn bá phụ tùng và những sản phẩm công nghệ của FPT sẽ có "made in Vietnam" nhiều hơn.  

Viettel “qua mặt” FPT tiến vào lĩnh vực công nghệ

Tuy mang danh là đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông, thế nhưng Viettel lại âm thầm phát triển mạnh về công nghệ. Viettel cho biết, với 15.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2010, Viettel có thể huy động tới 1.500 tỷ đồng đầu tư cho nghiên cứu, phát triển khoa học. Sở dĩ chỉ được đầu tư con số này vì theo quy định của Bộ Tài chính, việc chi cho nghiên cứu phát triển không quá 10% lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp.

Sau thời gian trong cảnh "mác Ta hồn Tàu", mới đây, Viettel đã đưa vào vận hành dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử viễn thông có khả năng sản xuất nhiều chủng loại như điện thoại di động, máy tính bảng, máy tính All-in-one, thiết bị hạ tầng mạng, thiết bị thông tin quân sự... Như vậy, Viettel là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam đầu tư dây chuyền sản xuất thiết bị. Viettel cho biết, cùng với Viện nghiên cứu phát triển Viettel (chuyên thiết kế sản phẩm), Trung tâm sản xuất điện tử Viettel (chuyên sản xuất sản phẩm) đã góp phần trực tiếp hoàn thiện mô hình của Viettel trong chiến lược sản xuất thiết bị điện tử viễn thông. Đây là một trong 4 trụ phát triển chính của Viettel từ nay đến năm 2020, đặc biệt có quan hệ tương hỗ với chiến lược phát triển viễn thông trong nước và đầu tư ra nước ngoài. Như vậy, Viettel là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam đầu tư dây chuyền sản xuất và tự nghiên cứu phát triển các sản phẩm công nghệ. Hiện Viettel đã sản xuất thành công sản phẩm USB 3G và đang nghiên cứu sản xuất điện thoại 3G.

 


Theo Thái Khang
ICT News
 


 

Tin mới cập nhật